Suy Niệm Tin Mừng - Chúa Nhật XXXIII TN A: Nén Bạc Ân Huệ

Sat,18/11/2023
Lượt xem: 310

CHÚA NHẬT 33 TN A

(Cn 31,10-13.19-20.30-31; Tv 127; 1Tx 5,1-6; Mt 25,14-30)

Nén Bạc Ân Huệ

Con người là trung tâm và chóp đỉnh trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa, Đấng cho “con người chẳng thua kém thần linh là mấy”, được “làm chủ công trình sáng tạo” và góp phần kiến tạo thế giới mỗi ngày một tốt đẹp hơn theo ý của Hóa Công. Là thụ tạo được dựng nên vì chính họ, con người được Thiên Chúa phú bẩm cho nhiều khả thể, những nén bạc trổi vượt của “hình ảnh Thiên Chúa”, để làm phong nhiêu cuộc sống và trang điểm thế giới. Đây là sứ điệp căn bản mà Lời Chúa hôm nay nhắn gửi chúng ta: Thái độ sống định hình phẩm cách chung cuộc của chúng ta, chứ không phải những nén bạc.

1.       Được làm chủ công trình sáng tạo

Ông chủ trong câu chuyện là hình ảnh của Thiên Chúa, Tôn chủ đích thực, Đấng đã giao phó công trình tạo dựng của Người cho con người, giao phó công trình cứu độ cho Giáo hội và ban cho từng người những khả thể riêng để thi hành sứ mạng trong ơn gọi của mình. Tuy nhiên, mỗi người đều có chung một phẩm giá và ơn gọi là hình ảnh của Thiên Chúa và được kêu mời vào “hoan hưởng niềm vui của Chủ”.

Công trình tạo dựng là tài sản chung của nhân loai, mỗi người được thừa hưởng nguồn phú túc giàu sang của công cuộc tay Chúa sáng tạo và có trách nhiệm làm thăng tiến kỳ công của Người theo khả năng Thiên Chúa phú ban. Thiên Chúa ban cho con người nhiều khả thể để hoàn thành sứ mạng cao cả này, và từng người với những khả năng riêng: người 5 ném, người 2 nén, người 1 nén… Thiên Chúa trao ban những ơn riêng riêng phù hợp với ơn gọi của mỗi người để phục vụ cho công trình của Thiên Chúa, để đem lại thiện ích cho người khác. Thánh Phaolô nói về chân lý này:

Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ. Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tùy theo ý của Người (1Cr 12,4-11).

Thiên Chúa giao cho mỗi người mỗi nén bạc, nhưng Người không bắt chúng ta làm quá sức lực. Người chỉ mong chúng ta nỗ lực phát huy khả năng đó để sinh lợi, để kiếm của nuôi thân, để kiến tạo gia đình, để giúp đỡ người khác, và để góp phần xây dựng thế giới. Vậy nên, điều mà tôn chủ muốn nhắn gửi các gia nhân không phải là số lượng nén bạc họ nhận và sinh lợi, mà là thái đố đón nhận, là việc ý thức mình được giao phó cho những nén bạc ân huệ.

Dụ ngôn này được cả Matthêu và Luca (19,12-27) ghi lại. Luca đặt dụ ngôn này trong câu chuyện ơn gọi Giakêu, nơi Chúa Giêsu đang giáo huấn những kẻ chỉ trích Người vì chuyện ăn uống trong nhà Giakeu và đang trên hành trình lên Giêrusalem. Trong đó, Chúa Giêsu cho thấy sứ mạng của Người là cứu độ con người, Người cần nhân tâm, cần cõi lòng của họ. Trong khi Matthêu (25,14-30) nói tới những nén bác, nghĩa là những khả năng riêng thì Luca nhắm tới cùng một hoàn cảnh, mỗi người được ban cho 1 nén, cho thấy Thiên Chúa công bằng và tôn trọng tự do riêng. Điều mà cả hai tác giả Nhất Lãm nhắm tới là thái độ của mỗi người.

Đâu là nén bạc ân huệ, khả thể riêng mà tôi được trao ban? Tôi đã đón nhận với thái độ nào và dùng nó ra sao?

2.       Thái độ sống, yếu tố quyết định thưởng hay phạt

Dụ ngôn này nhắm tới thái độ sống hơn là những nén bạc. Đó là yếu tố tiên quyết. Hai người trao cho gia chủ những hoa lợi khác nhau đều được tán thưởng, còn kẻ “cất dấu” bị phạt. Anh ta bị phạt không phải vì không sinh lợi cho bằng thái độ đối với gia chủ. Với anh, gia chủ là kẻ đáng sợ, hà khắc. Với thái độ ấy, anh ta chôn vùi không phải nén bạc, mà chôn vùi mình trong cái riêng, không phát huy, không sinh hoa trái. Sợ hãi làm cho người ta tàn lụi, phân bì làm cho người ta trở nhỏ nhen, xấu xí, không nhận ra lòng tốt của Tôn chủ khiến người ta chết yểu trong sự ái kỷ.

Điều căn bản là nhận ra phúc lành, nén bạc được ban riêng cho mình, đó là khởi điểm để lớn lên và triển nở, đồng thời cũng chân nhận nén bạc, khả thể nơi người khác là quà tặng, là sự bổ trợ không thể thiếu cho sự tồn hữu và thăng tiến của mình. Tác giả văn chương khôn ngoan trong bài đọc thứ nhất và thứ hai nói lên thực tại này: Người trợ tá, người vợ đảm đang, con cái, bạn hữu là phúc lộc, là tặng ân Chúa ban cho. Việc chân nhận và tuyên xưng này dẫn tới thái độ nền tảng là lòng kính sợ Chúa. rằng: “người kính sợ Chúa”, “lắm phúc nhiều may”, “được an hưởng công khó tay làm”, “được người đời ca tụng”.

Như thế, việc tuyên xưng những nén bạc khả năng là những ân huệ Chúa ban riêng sẽ dẫn tới thái độ biết ơn với niềm kính tôn Thiên Chúa. Sự nhận biết này đã là phúc lộc, là hoa trái sum suê. “Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người” (Tv 127,4). Quà tặng và tài năng của chúng ta là phương tiện tuyệt vời mà Thiên Chúa cố gắng làm chúng ta rung động. Thánh Phaolô dạy chúng ta: “Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tùy theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người. Được ơn làm ngôn sứ, thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin…” (Rm 12,6). Sống những quà tặng do Chúa ban cho mình là một bước gần hơn để hiểu được vai trò lớn lao của mình trong thân thể của Chúa Kitô và hoàn thành mục đích của mình trên trái đất. Bởi vậy, mỗi chúng ta phải biết làm triển nở ơn riêng, để trở nên những người khôn ngoan và trung tín: “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa” (1 Pr 4,10). Tôi có thái độ nào với những ơn riêng Thiên Chúa ban cho tôi và cho người khác?

3.       Phần thưởng “niềm vui trong Chúa”

Trong xã hội kỹ nghệ hôm nay, người ta chú trọng tới hiệu năng công việc. Con người cố gắng làm ra thật nhiều sản phẩm nhanh nhất, tốt nhất và kết cục là được nhiều tiền nhất. Trong vòng qua vô định và dường như liên tục, con người như đang mất hút trong thế giới toàn cầu, chỉ có ban ngày để hoạt động mà không có ban đêm để nghi ngơi, để lấy lại sức. Người ta làm ra nhiều thứ, có nhiều tiền, nhưng không có niềm vui, không cảm thấy được giải phóng, con người rơi vào bất an, thất vọng… Vậy nên, không phải tiền bạc đem lại cho con người niềm vui, sự giải thoát, nhưng là cái gì khác, từ một Ai khác. Làm sao có niềm vui? Hệ tại ở thái độ đón nhận, nghĩa là tương quan với ông chủ. Hai người đầy tớ tốt bắt tay vào việc, họ sử dụng khả thể tương ứng với ý muốn của chủ và đem lại lợi lộc hoa trái. Còn đầy tớ xấu, ngay từ đầu đã có tương quan sai lạc với ông chủ - “người hà khắc, gặt nơi không gieo, thu nơi không vãi” (c. 24). Anh ta bị khiển trách không phải làm thất thu tài sản ông chủ. Anh ta bị kết án cũng không phải không sinh lợi như đồng nghiệp, nhưng vì đã không vận dụng năng lực để sáng tạo, chẳng hạn như gửi bạc vào ngân hàng. Anh ta chôn dấu, vì thế, bị quy trách nhiệm nặng. Lỗi của anh là chôn dấu của cải tự nó sinh lời. Ngay từ đầu, anh ta không có niềm vui, nên không có động lực để hành động, và dĩ nhiên sẽ thất bại trong sứ vụ.

Trong thế giới toàn cầu hóa, hậu hiện đại, con người cuộc sống gấp gáp, hối hả. Dường như con người chỉ biết hoạt động và hoạt động như một cỗ máy được mặc định, và người môn đệ Chúa nhiều khi, và thậm chí thường xuyên bị cuốn vào vòng quay vô định của nhịp thở của thời kinh tế thị trường: xây nhà thờ, dựng nhà xứ, quyên tiền, làm vườn, gặp gỡ đoàn thể, dạy giáo lý, giữ trẻ, bốc thuốc, khám chữa bệnh, việc bác ái, thăm trại tế bần, … đã làm cho nhiều môn đệ của Chúa quay cuồng và mệt nhoài. Chúng ta, nói như Đức cố Hy. Fx. Thuận: Tìm kiếm và yêu việc của Chúa mà không yêu Chúa. Nói cách khác, chúng ta giống như Matta “tất bật lo lắng việc phục vụ”, phục vụ Thiên Chúa, phục vụ Giáo Hội, phục vụ con người, nhưng chúng ta không có niềm vui, không được lấp đầy nỗi trống rỗng nhân tâm, chúng ta thấy đời vô tình và đời tu nhàm chán, và vì thế, chúng ta ghen cái ghen của Matta “Em con để con phục vụ một mình, mà Thầy không để ý tới” (Lc 10,40). Chúng rơi vào bế tắc, chán nản, bị khủng hoảng bởi chúng ta không đặt mọi hoạt động sống của mình trên nền tảng tương quan cá vị với Thiên Chúa trong Đức Giêsu.

Vấn đề không phải là ít hay nhiêu, nhiều khả thể hay ít tài năng, cũng không phải là làm ra được bao nhiêu mà là thái độ sống. Thái độ sống đóng vai trò quan trọng, thậm chí quyết định vận mệnh, thành tựu của chúng ta. Thái độ tích cực sẽ sẽ giúp vượt qua khó khăn, làm phong nhiêu cuộc sống, sẽ đưa tới niềm vui đích thực. Vấn đề không phải là chuyện ăn, chuyện uống, chuyện tiền bạc, nói theo Thánh Phaolô, mà là “bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17).

Câu chuyện dụ ngôn trong bài Tin mừng cho thấy mỗi người nhận được phần thưởng theo những việc mình đã làm. Càng nổ lực, càng sinh hoa trái và càng được nhiều phần thưởng: Người 5 nén sinh lợi 5 nén; người 2 nén sinh lợi thêm 2 nén. Thánh Phaolô đã nói tới điều này: “Thiên Chúa sẽ trả cho ai nấy theo việc họ làm” (Rm 2,6). Thiên Chúa sẽ trả và trả dư tràn theo sự đáp trả, nỗ lực của mỗi người. Thiên Chúa ban tặng danh hiệu người “tài giỏi và trung thành”, những người được thừa hưởng niềm hoan lạc với Chủ, niềm vui Nước Trời.

Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ người” (c. 21.23). Niềm vui hệ tại ở việc đặt mình trong hướng đích của Chủ, phục vụ Nước trời và phục vụ anh chị em. Niềm vui hệ tại ở lòng nhiệt tâm trao ban quà tặng khả thể. Niềm vui hệ tại ở việc hướng tới đích điểm, sự thánh thiện, niềm vui sung mãn với những ai trung tín trên hành trình thành nhân, thành thánh, thành người của Thiên Chúa. Còn mọi tính toán theo ý riêng, theo tinh thần thế tục sẽ rước lấy ô nhục, đánh mất niềm vui.  Lòng nhiệt tâm, tinh thần phục vụ được nắn đúc bởi tình yêu. Tình yêu tất sẽ đưa tới niềm vui sung mãn.

Lm. Hoa Thập Tự

 

Nguồn tin:
Tags :