Chúa nhật 2 Thường niên B
(1Sm 3,3b-10.19; Tv 39; 1Cr 6,13c-15a.17-20; Ga 1,35-42)
Ơn Gọi Và Sự Đáp Trả
Phụng vụ Lời Chúa của Chúa nhật hôm nay hướng chúng ta về các chiều kích của ơn gọi. Trong viễn tượng này, chúng ta chân nhận ơn gọi là một huyền nhiệm bắt nguồn từ Thiên Chúa và sự đáp trả của con người. Ở đây, xin được nêu lên ba đểm mà Lời Chúa hôm nay muốn nhắn gửi: trung gian ơn gọi, sự đáp trả và trở nên nhân chứng
1. Ngón tay chỉ Mặt trăng
Điểm qua dọc dài lịch sử ơn gọi trong Kinh thánh, chúng ta nhận ra Thiên Chúa gọi ai đó qua các trung gian. Samuel, nhờ vào ý hướng của mẹ là bà Anna, (1Sm 1,11.24), sự chỉ dẫn của thầy Heli để có thể đáp lại lời mời gọi của Đức Chúa: “Lạy Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Chúa” (1Sm 3,10). Chính Samuel sau này trở nên trung gian để Thiên Chúa tuyển chon Saul và David (1 Sm 9,11; 16,12). Trong bài Tin mừng trình thuật về ơn gọi của hai môn đệ đầu tiên, chúng ta thấy vai trò trung gian của Gioan. Ông giới thiệu Chiên Thiên Chúa cho các môn đệ của mình; rồi người môn đệ được Gioan giới thiệu, Andrê đã đi theo và ở với Đức Giêsu, đến lượt mình, ông lại trở nên trung gian cho người em của mình là Phêrô; hay như Philiphe giới thiệu Chúa Giêsu cho Nathanael (x. Ga 1,45).
Trung gian hoặc trực tiếp hay gián tiếp dẫn người ta tìm đến với Chúa. Vai trò của trung gian là giúp người khác nhận ra tiếng Chúa, chỉ cho họ thấy dung nhan của Đấng mời gọi họ. Thánh Gioan Tẩy Giả gọi mình là phụ rể, người giúp tân lang và tân nương hoan hưởng niềm vui linh phối. Ông gọi đó là sứ vụ, là niềm vui của ông, “Người phải lớn lên còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3,29-30). Thầy Heli đã cân nhắc – phân định để giúp cậu Samuel nhận ra đó là tiếng gọi từ thánh nhan, từ trên cao để đáp trả.
Trở lại bài Tin mừng, chúng ta nhận thấy ít có đoạn Kinh thánh nào mang nhiều nét chấm phá như trích đoạn này. Chúng ta thấy Gioan Tẩy Giả, một lần nữa tự giới thiệu mình chỉ là người môi giới, kẻ chỉ đường; Ngài chỉ cho thấy Đấng đến sau mình, nhưng có trước và cao trọng hơn (x. Ga 1,27), rằng: “Đây chiên Thiên Chúa” (c. 29-30. 36). Lời giới thiệu của vị trung gian cho các môn sinh; ngài biết rõ khi chỉ cho các môn đệ như vậy, nghĩa là mời gọi họ rời bỏ mình để theo vị Tôn sư mới.
Khi Đức Kitô, Tôn sư xuất hiện, Gioan chấp nhận rút lui, vì đã hoàn thành sứ mạng của người môi giới, kẻ chỉ đường, để cho hành trình của các môn sinh và vị Tôn sư mới, giữa cô dâu với chú rể được bắt đầu. Nói các khác, Gioan xuất hiện như ngón tay chỉ Mặt Trăng, đúng ra là Mặt Trời công chính, để chúng ta hướng về và tiến bước, hoan hưởng ánh quang của Rạng Đông ơn cứu độ.
Hành trình bước theo Chúa trong ơn gọi kitô hữu, đời sống thánh hiến của mỗi chúng ta cũng được khởi đi từ một trung gian nào đó: sự dìu dắt định hướng của cha mẹ, của người thân; sức lôi cuốn bởi những gương lành của người thánh hiến; cảm thức về sự thánh thiêng được gợi hứng bởi đời sống thánh thiện…. Nói chúng, chúng ta đã đến với ơn gọi riêng, đến với Tình Yêu Tự hiến của Đức Kitô theo từ “một ngón tay chỉ lối nào đó”.
Vấn đề phải là ngón tay chỉ đúng mặt trăng, chứ đừng để nhiều ngón tay lông lá che lấp Mặt trăng. Nhiều người đã lạc lối vì có những ngón tay chỉ sai đường. Nhiều người đã chỉ đường, nhưng trở thành đường đi không tới, đã rơi vào ngõ cụt, khi đường đó không dẫn tới Chính Lộ. Chỉ một mình Đức Giêsu là Con Đường đích thực. Đó là con đường không phải để đi, mà là để NHIỆM HIỆP với thực tại tuyệt đối là chính Thiên Chúa. Bởi vậy, việc phân định ơn gọi đóng vai trò quan trọng trong chọn lựa của chúng ta. Khi chúng ta có được sự phân định đích thực, nghĩa là trong cầu nguyện và Thần Khí, chúng ta có được chọn lựa căn bản, chọn lựa đúng đắn và có hy vọng đạt tới sự viên thành trong ơn gọi riêng. Cần người chỉ đường, giúp nhận ra tiếng gọi siêu nhiệm và phần còn lại hệ tại ở việc đáp trả lại tiếng gọi yêu thương của từng người.
2. “Hãy đến mà xem”
Sự thành toàn ơn gọi không phải ở trung gian, dẫu rằng cần “ngón tay chỉ mặt trăng” mà ở tiếng gọi và lời đáp trả lại lời hiệu triệu của Thiên Chúa qua trung gian của Người. Trung gian là nhịp cầu, chúng ta cần tiến bước để đến với Thiên Chúa. Có một thực tế trong Tin mừng mà chúng ta cần lưu tâm, đặc biệt khi đặt trong thế giới công nghệ quảng bá hôm nay. Việc quảng bá danh tính, sự nghiệp, tài năng của một nhãn hiệu, một ông thầy, một trung tâm nào đó được các nhà quảng cáo, maketing đánh bóng, bôi trơn, và người ta đưa ra những bảo đảm về an toàn, chất lượng…. Đức Giêsu Kitô, vị Tôn sư của chúng ta không làm như vậy. Người nói: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng con người không có chỗ tựa đầu” (x. Lc 9,58; Mt 8,20). Đức Giêsu không quảng bá thương hiệu Rabbi nổi danh của mình, Người muốn các môn sinh có được một chọn lựa căn bản trong việc “tầm Đạo, học Đạo và hành Đạo”. Trả lời cho hai môn đệ của Gioan được giới thiệu, Đức Giêsu không nói về thân phận, hay những đảm bảo của mình, nhưng là một lời mời gọi: “HÃY ĐẾN MÀ XEM”.
Vậy đó, điều thiết yếu để trở nên môn đệ của Đức Giêsu Kitô, không phải là việc trả lời các cấu hỏi trắc nghiêm mà là thái độ dứt khoát trong chọn lựa, tin tưởng bước theo Người - “Hãy đến và xem”, “ở lại”. Ba động thái quan trọng: “đến” nghĩa là cất bước, là đi với Người trong hành trình môn đệ; “xem” nghĩa là chân nhận về chính Người – Tôn sư đích thực, là biết và tuyên nhận về Người; và điều quan trọng là “ở lại – chiêm ngắm”, là thiết lập một tương quan cá vị thâm mật với Người, tương quan tình yêu.
Chi khỉ chúng ta giám “bước theo”, “biết” Đức Giêsu và “ở lại”, “nên một tinh thần với Người”, trở nên cung lâu, đền đài, nơi gặp gỡ Thiên Chúa như Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai mời gọi, chúng ta mới thực sự sống niềm vui ơn gọi. Hai môn đệ trong bài Tin mừng hôm nay đi trên hành trình này, hành trình môn đệ: bước theo, chân nhận, ở lại và niềm vui. Chỉ khi đó, chúng ta mới có khả năng toàn hiến cho Chúa theo mẫu gương của Đấng đã hiến trao chính mình cho chúng ta. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể thưa và sống ý nghĩa căn bản của tiếng tiếng đáp mà Samuel, của Thánh vịnh 39, thánh vịnh vương đế trong bài đáp ca, cũng là lời được viên thành nơi Đức Giêsu: “Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa” (Tv 39,8a.9a), vì “con đang lắng tai nghe” (1Sm 3,10; Dt 10,7.9) tiếng gọi của Thiên Chúa, Đấng đang nghiêng mình về bên chúng ta để gọi chúng ta theo Người. Đó là việc trao hiến chính mình phục vụ cho vinh danh Thiên Chúa và ơn cứu độ con người.
3. Kí ức về thuở ban đầu lưu luyến ấy” – niềm vui sứ vụ
“Chúng tôi đã gặp thấy Đấng Messia” (Ga 2,41), một sự xác tín, một kinh nghiệm về ơn gọi như là cuộc gặp gỡ và đi vào tương quan, tuyên nhận và loan truyền kinh nghiệm của niềm vui. Đây là động thái của người sở đắc niềm vui, niềm vui Tin mừng, niềm vui được gặp Đấng Mêssia. Là cuộc gặp gỡ quyết định và ghi dấu cuộc hành trình, làm nên ơn gọi, hai môn đệ mãi lưu dấu thời khắc của cuộc hạnh ngộ ấy. Họ nhớ như in “lúc bấy giờ độ chừng giờ thứ 10, (tức 4 giờ chiều). “Ôi cái phút ban đầu lưu luyến ấy, ngàn năm hầu dễ mấy ai quên!”.
Vào cái giờ ấy, vào cái chiều tương ngộ ấy, một cuộc gặp gỡ đã thay đổi toàn bộ cuộc sống của hai môn đệ. Họ đã có kỷ niệm gặp gỡ và ở lại với Chúa, và điều quan trọng hơn họ nhận ra rabbi ấy là Đấng Messia. Ôi có niềm vui nào sánh ví và có thể đổi chác được niềm vui tương ngộ này. Niềm vui được biết Đấng mình kiếm tìm, qua đó nhận ra ơn gọi và sứ vụ loan báo niềm vui cho người khác: “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia”, Tôn Sư và là Tôn chủ đích thực. Người là niềm vui đích thực thúc bách người môn đệ lên đường, thông truyền tin vui cho người khác, niềm vui của trung gian, của những môn đệ truyền giáo.
Sau cuộc gặp gỡ này với Đức Giêsu, Anrê đã giới thiệu em mình là Simon với Đức Giêsu, và Đức Giêsu đã đổi tên cho Simon thành Kêpha. Đổi tên là đổi vận mệnh một người và trao sứ mạng. Gặp gỡ đưa tới nhận thức đúng và dẫn tới sự biến đổi – metanoia. Đó là ý nghĩa của ơn gọi, của việc hoán cải và bước theo Đức Giêsu: gặp Đức Giêsu, Philiphê đã được biến đổi; Philiphê gặp Nathanael và thuyết phục Nathanael tới gặp Đức Giêsu dù Nathanael có thành kiến về người Nazaret. Gặp Đức Giêsu, Nathanael cũng được biến đổi… Gặp gỡ Đức Giêsu mà không cố tình chống lại tác động của Thánh Thần, thì sẽ được biến đổi, sẽ tìm thầy ý nghĩa của hiện hữu và băng mình theo tiếng gọi yêu thương,
Kitô hữu, cách riêng những người thánh hiến – Sequela Christi là người có kí ức về Thiên Chúa của mình, nhớ mãi kí ức của thuở ban đầu ấy của tiếng gọi yêu thương từ Thiên Chúa. Cái thuở Chúa ngỏ lời với ta qua một trung gian nào đó trong ơn gọi của từng người chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, tạ ơn Chúa đã gọi chúng con. Xin cho chúng con máu nắm bước theo và ở lại với Chúa để tâm hồn chúng con được hoan hưởng niềm vui của người môn đệ Chúa và thông truyền niềm vui ấy cho người khác.
Lm. Hoa Thập Tự