Suy Niệm Tin Mừng - Chúa Nhật 29 TN A: Quê Hương Trần Thế Và Quê Hương Nước Trời

Fri,20/10/2023
Lượt xem: 520

QUÊ HƯƠNG TRẦN THẾ VÀ QUÊ HƯƠNG NƯỚC TRỜI

(Suy niệm Chúa nhật 29 thường niên A)

Câu chuyện: Thánh Thomas More

 Vua Henry VIII nước Anh đã kết hôn hợp thức với bà Catherine d’Aragon, nhưng ông nại đến Tòa thánh Rôma xin huỷ bỏ cuộc hôn nhân đó. Toà thánh đã từ chối. Henry liền tự mình giải quyết vấn đề và tái kết hôn. Thế là ông ta ra lệnh cho bạn bè và các chức sắc ký vào một văn bản tuyên bố đồng ý nhìn nhận hành động của ông là đứng đắn. Nhiều bạn bè của More đã ký vào, nhưng More thì từ chối. Henry yêu cầu More ký vào, nếu không sẽ bị bắt giam và xử tội tạo phản theo luật nhà nước. More vẫn khăng khăng từ chối. Ngài bị giằng co giữa hai bổn phận: một đối với Chúa, một đối với Tổ quốc. Khi chúng xung đột nhau, thì More không còn chọn lựa nào ngoài sự trung tín với luật Chúa (M. Link, Giảng lễ Chúa nhật, năm A, tr 305).

Tôi đã từng gặp và đã từng nghe một số người ki-tô hữu phàn nàn và kêu ca đại khái như thế này: đi đạo thật là khổ. Chúng con phải gánh chịu nhiều thứ đóng góp: nào là xây dựng cơ sở vật chất; nào là quỹ hội đoàn này hội đoàn khác; nào là lễ bổn mạng, lễ chầu lượt; nào là chào cha mới, chào thầy xứ, chào quý xơ;… Trong khi đó, chúng con phải gánh gồng những thứ thuế nặng nề ngoài xã hội; nào là tiền học hành cho con cái; nào phải là lo chuyện cơm áo gạo tiền; rồi các khoản thu chi trong xóm, xã, hội đoàn, công tác này công tác khác,…Nhiều khi nghĩ lại mà ngán ngấm và khổ cực lắm. Đúng là khổ. Nhiều khi chúng con nghĩ sai lầm rằng hay bỏ đạo, hay trốn đi khỏi giáo xứ hoặc khỏi làng xã đến một nơi thật xa. Nhưng nghĩ lại chúng con biết rằng chúng con phải có trách nhiệm để xây dựng quê hương đất nước, xây dựng Tổ quốc: nước thế gian và nước Chúa.

Hôm nay, chúng ta đọc bài Tin mừng (x. Mt 22, 15-21) để biết đến bổn phận và trách nhiệm của chúng ta đối với quê hương đất nước và chu toàn bổn phận là công dân Nước Trời. Quả thật, không thể trung thành với quê hương trần thế mà lại bỏ qua sự chăm nom cho quê hương Nước Chúa, sự sống đời đời. Cũng vậy, chúng ta không thể chỉ lo đọc kinh xem lễ mà lại bỏ bê việc chung tay xây đắp cho Tổ quốc ngang qua việc đóng góp phần mình vào công trình xây dựng và mở mang quê hương đất nước ngày càng trở nên văn minh, công bằng, hạnh phúc và bình an hơn trong mọi lãnh vực. Chúng ta là công dân trần thế, đồng thời cũng là công dân Nước trời. Chúng ta có bổn phận phải trung tín với cả hai Tổ quốc. Chúng ta hy vọng các bổn phận này không bao giờ xung đột nhau. Nhưng nếu lỡ có xung đột thì chúng ta phải giải quyết chúng giống như thánh Thomas More đã làm, nghĩa là không gây thương tổn cho Thiên Chúa hoặc cho lương tâm ta.

Cuộc sống của Kitô hữu tại thế là như vậy, chúng ta không thể làm khác được. Nhiều lúc chúng ta hay than vãn là chúng ta phải mang hai gánh trên vai: vừa phải chu toàn bổn phận ở đời lại vừa lo tròn nghĩa vụ trong đạo. Đối với những ai có tâm hồn đạo đức thánh thiện thì sự khó khăn đó không đến nỗi quá băn khoăn lo lắng; trái lại, đối với những ai mang nặng ích kỷ trần tục nếu chẳng may đạo hay đời đòi hỏi phải chịu khó hy sinh làm một điều gì đó, tức khắc họ lên tiếng phàn nàn kêu trách và bày biện đủ lý do để từ chối.

Đây chính là vấn đề mà người biệt phái đã thắc mắc với Chúa Giê-su và Ngài đã giãi bày cho họ cũng như cho chúng ta hiểu để biết mà sống cho tốt đạo đẹp đời. Thật vậy, trong mọi trường hợp chúng ta phải đặt quyền lợi của Chúa trên hết, đôi lúc vì thế mà phải bị thiệt thòi. Lời Chúa vẫn còn yên ủi chúng ta, khi chúng ta gặp phải những trường hợp éo le như thế: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì ích lợi gì”.

Hôm nay, khi Đức Giê-su nói: “Thế thì của Cêsare, trả về cho Cêsare; của Thiên Chúa, trả về cho Thiên Chúa”. (x. Mt 22, 21). Hình ảnh Cêsare mà Chúa Giê-su nhắc tới, đại diện cho quyền bính dân sự, Chúa Giê-su không nói rõ ràng là phải nộp thuế cho Cêsare hay không, nhưng Chúa khẳng định: hãy trả cho hoàng đế những gì thuộc về hoàng đế, mệnh lệnh diễn tả những đòi buộc của đời sống cộng đồng xã hội trong số những gì của đòi buộc tự nhiên. Dù ki-tô hữu là công dân Nước Trời (x. Pl 3, 19-20), nhưng chúng ta cũng là công dân của một quê hương trần thế mà chúng ta phải mang trách nhiệm, đòi chúng ta phải dấn thân phục vụ. Trong Hiến Chế về Giáo Hội, các nghị phụ xác tín rằng: “Đấng trung gian duy nhất là Đức Kitô đã thiết lập và không ngừng bảo vệ Giáo Hội thánh thiện, cộng đoàn đức tin - cậy -mến, như một thực tại hữu hình trên trần gian, qua đó, Ngài thông truyền chân lý và ân sủng cho mọi người. Thế nhưng, không được quan niệm đoàn thể tổ chức theo phẩm trật và thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô, đoàn thể hữu hình và cộng đoàn thiêng liêng, Giáo Hội tại thế và Giáo Hội dư tràn của cải trên trời, như là hai thực tại khác nhau. Trái lại, chúng làm thành một thực thể phức tạp mang tính nhân loại và thần linh” (GS s.8). Hai chiều kích thần linh và nhân loại của Giáo Hội kết hợp với nhau như thế nào? Hai chiều kích nêu trên không giản lược vào nhau nhưng kết hợp chặt chẽ với nhau, làm thành một thực thể phức tạp mang tính nhân loại và thần linh. Tuy nhiên, Giáo Hội sẽ ra sao, nếu chiều kích thiêng liêng bị loại bỏ? Nếu chiều kích thiêng liêng bị loại bỏ, thì Giáo Hội chỉ còn là một thể chế nhân loại như bao tổ chức chính trị, kinh tế hay xã hội khác. Và ngược lại, Giáo Hội sẽ ra sao, nếu chiều kích trần thế bị loại bỏ? Nếu chiều kích trần thế bị loại bỏ, thì Giáo Hội không còn là cộng đoàn được thiết lập để loan báo Tin mừng Cứu độ cho mọi người. Do đó, vì sao Chúa Kitô không ngừng bảo vệ Giáo Hội như một thực tại hữu hình trên trần gian? Vì Chúa muốn thông truyền chân lý và ân sủng của Ngài cho mọi người qua thực tại hữu hình ấy.

Ý tưởng này nhắc nhở chúng ta trong ngày ‘Chúa nhật truyền giáo’ là phải để ý và có trách nhiệm loan báo Tin mừng. Là con cái Thiên Chúa sống ở trần gian, chúng ta phải nhận chân rằng mình đã “được rửa tội và được sai đi”. Chúng ta không thể sống đạo bằng ghi danh vào sổ rửa tội nhưng phải thể hiện rõ bằng đời sống thực tế, bằng hành vi yêu thương tha thứ, bác ái quảng đại, nhờ đó, ngang qua cuộc sống của chúng ta, mọi người nơi trần thế, nhất là những anh chị em chưa cùng niềm tin nhận ra được hình ảnh hay dung mạo Đức Ki-tô hữu hình nơi con người chúng ta. Đừng là một ki-tô hữu vô thần. Đừng là hữu danh vô thực nhưng chúng ta hãy là quyển sách Tin mừng bằng đời sống hằng ngày để ai cũng có thể đọc và nhìn thấy rõ một Thiên Chúa luôn luôn yêu thương và hy sinh dấn thân phục vụ.  

Vì thế, người ki-tô hữu không thể tự miễn cho mình những bổn phận của người công dân đối với quốc gia và xã hội, với điều kiện quyền bính dân sự phải phục vụ công ích cho người dân. Liên quan đến vấn đề này thánh Phaolô đã dạy: “Những gì chúng ta nợ ai, thì phải trả cho người ấy. Hãy nộp thuế cho kẻ có quyền thu thuế hay trả công cho kẻ có quyền lấy công, hãy sợ kẻ đáng sợ, hãy kính kẻ đáng kính”. (x. Rm 13,7). Đối với quyền bính dân sự phục vụ ích lợi chung, thánh nhân nhắc nhở tiếp: “Mỗi người phải phục tùng chính quyền, vì không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa, và những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập. Như vậy, ai chống đối quyền bính là chống lại trật tự Thiên Chúa đặt ra, và kẻ nào chống lại sẽ chuốc lấy án phạt.” (x. Rm 13, 1-2). Tuy nhiên, nếu chúng ta đóng góp vì nghĩa vụ công dân thì cũng đừng quên rằng mình thuộc về Thiên Chúa, và chỉ có mình Ngài mới có quyền tối thượng vì: Mọi quyền bính đều bắt nguồn từ Thiên Chúa. (x. Ga 19,11; Rm 13), Đấng chúng ta phải yêu mến và tuân phục trên hết mọi sự. Đấng có thể giết cả hồn lẫn xác của chúng ta. Đấng luôn luôn mong muốn chúng ta ăn năn hối cải để được ơn cứu độ hơn là bị giết chết.

Gợi ý suy niệm:

Tôi đã thật sự sống cân bằng giữa đời sống trần thế và đời sống Nước Trời hay chưa? Hay tôi chỉ lo lắng cho quê hương trần thế hơn là quê hương Nước Trời? Tôi lo cho cái này nhưng không được bỏ bê cái khác. Phải chăng tôi phải ưu tiên quê hương Nước Trời hơn là quê hương trần thế? Thật vây, tôi sống và hành động trên quê hương trần thế này để chuẩn bị cho quê hương Nước Trời.  

Lạy Thiên Chúa tối cao, Ngài ban cho chúng con mảnh đất tốt tươi này làm gia nghiệp. Xin hãy chúc lành cho mảnh đất chúng con, xin hãy cứu chúng con khỏi bạo lực, và mọi đường lối xấu xa, xin hãy bảo vệ sự tự do của chúng con...

Xin ban thần trí khôn ngoan xuống trên những kẻ mà nhân danh Ngài, chúng con đã uỷ thác quyền cai trị... Trong thời thịnh vượng, xin đổ tràn xuống lòng chúng con niềm tri ân, và trong ngày gian truân, xin đừng để niềm tin của chúng con vào Ngài bị suy giảm. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. (Thomas Jefferson)

Lm. Phaolô Phạm Trọng Phương

 

Nguồn tin: