Suy Niệm Tin Mừng - Chúa Nhật 25 TN A: Tìm Kiếm Và Tìm Thấy

Sat,23/09/2023
Lượt xem: 940

CHÚA NHẬT XXV TN A

(Is 55,6-9; Tv 144; Pl 1,20-24.27; Mt 20-16)

TÌM KIẾM & TÌM THẤY

Hành trình con người là cuộc kiếm tìm khôn nguôi. Người ta tìm công việc, tìm kiếm ơn gọi, tìm sự khôn ngoan, tìm người yêu dấu… Người ta tìm kiếm sự trưởng thành, sự viên mãn trong cuộc sống trên cả bình diện vật chất và tinh thần, nhưng trên tất cả là cuộc kiếm tìm ý nghĩa hiện hữu. Home est Capax Dei – Con người có khả thể về Thiên Chúa không ngừng nghỉ trong cuộc kiếm tìm này. Mặc khải Kitô giáo, cách riêng Lời Chúa hôm nay đưa chúng ta về với ý nghĩa nguyên tuyền của việc Kiếm tìm và Tìm thấy.

1.       Kiếm tìm

Chúng ta có thể dễ hình dung câu chuyện trong bài Tin mừng hôm nay với nhịp sống của con người trong bối cảnh của chúng ta. Sáng sớm chúng ta thấy những cửu vạn – những lao động thời nông nhàn đổ về các thành phố để kiếm việc, và những ông chủ của công ty, xí nghiệp hay những gia chủ đi tìm nhân công. Tuy nhiên, có sự khác biệt căn bản giữa ông chủ và nhân công trong bài Tin mừng và ngoài đời thường. Các ông chủ của đời thường luôn tận dụng thời gian để tìm hiệu năng và lợi nhuận, và các công nhân cũng không dễ gì tìm được việc làm. Dĩ nhiên, câu chuyện Tin mừng dẫn chúng ta tới chân nhận chân lý căn bản. Không phải tôi khởi sự cuộc kiếm tìm, mà một Ai khác rong ruổi tìm tôi.

Hãy đi làm vườn nho cho tôi - một lời kêu mời phổ quát. Bài Tin mừng hướng chúng ta vào ông chủ, người từ sáng sớm mãi tới lúc chiều về, rong ruổi đi tìm người làm vườn nho. Hóa ra, không phải những lao công kiếm tìm việc làm, mà ông chủ nhọc công tìm người làm việc, mời gọi tất cả mà ông bắt gặp vào canh tác vườn nho của mình. Ý nghĩa căn bản trong hành trình của chúng ta hệ tại ở việc nhận ra một Thiên Chúa luôn kiếm tìm chúng ta mọi nơi, mọi thời, trong mọi cảnh huống chung và riêng của từng người chúng ta: kẻ trước người sau; người trẻ, người cao niên; kẻ thuận lợi, người khó khăn… Tất cả đều được Thiên Chúa nhọc công kiếm tìm và quảng đại kêu gọi vào làm vườn nho của Người.

Thật vậy, khi nhìn kỹ vào Kinh thánh, người ta nhận ra không phải con người viết tác phẩm về Thiên Chúa, mà lịch sử của con người như Thiên Chúa đã luôn suy nghĩ và tìm kiếm họ. Von Balthasar khẳng định trong Kinh thánh, phạm trù “kinh nghiệm về Thiên Chúa” thậm chí không tồn tại, đúng hơn là có phạm trù này theo một cách nào đó ngược lại: Thiên Chúa kinh nghiệm về con người. Rằng có một Thiên Chúa lữ hành về phía con người, thích thú kiếm tìm con người. Người làm tất cả để săn tìm và mạc khải cho con người tình yêu của Người. Đó là cuộc lữ hành cho chúng ta thấy những dấu hiệu của cuộc phiêu lưu, hoặc những vết sẹo của các cuộc tương ngộ.

Thomas Merton có cùng ý tưởng với Von Balthasar khi nói: “Khám phá của chúng ta về Thiên Chúa, theo một nghĩa nào đó, là khám phá ra rằng Thiên Chúa thực hiện nơi chúng ta, kinh nghiệm về chúng ta”. Không phải chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa trước, mà chính Người đã công khó kiếm tìm chúng ta. Vậy nên, tất cả những gì chúng ta là và những gì chúng ta làm xét theo nghĩa kiếm tìm trong hành trình của chúng ta là nhận ra Thiên Chúa tìm kiếm chúng ta.

2.       Tìm thấy

Kinh nghiệm của con người cho thấy rốt cuộc mục đích của những cuộc tìm kiếm của con người không phải “kho lẫm đầy gạo thóc” hay “có danh gì với núi sông”, mà là một cái gì, một Ai khác - Lòng tốt của ông chủ - Tình yêu của Đấng kiếm tìm chúng ta. Bài Tin mừng có hai cảnh: thứ nhất, ông chủ tìm người làm và thứ hai là việc trả công. Cả hai đều diễn tả lòng tốt của ông chủ: Thiên Chúa quảng đại trong việc đón nhận nhân công và việc trả tiền công.

Chỉ có Thiên Chúa mới có thể thực hiện được bước đột phá này, trong khi các ông chủ trần thế luôn keo kiệt, chắt chiu từng đồng để dành phần lợi tức cho mình. Phần thưởng “một đồng” cho tất cả mọi người, từ kẻ làm vất vả lúc sáng sớm đến người chỉ làm một giờ lúc cuối chiều, không chỉ đảm bảo tính công bằng mà còn cho thấy Thiên Chúa hậu đãi dường bao.  Quả thực Thiên Chúa, “Đấng từ bi nhân hậu, nhân ái với hết mọi người” (Tv 144,8-9), không chỉ thực thi đức công bằng mà còn cho đi tất cả. Tất cả đều được hoan hưởng cùng một giá trị - Lòng tốt của Người. Tình yêu của Thiên Chúa vừa bảo đảm sự công bằng, vừa vượt trên sự công bằng mà chúng ta kiếm tìm. Lòng tốt của Thiên Chúa vô biên, không thể đo lường và nghĩ tưởng, như Isaia diễn tả trong bài đọc thứ nhất diễn tả: “Logic”, “tư tưởng”, “đường lối” của Thiên Chúa” vượt xa “logic, lối nghĩ, tâm tưởng” của con người. “Trời cao hơn đất” dường nào, “đường lối” của Thiên Chúa “cao hơn đường lối” của con người như thế” (x. Is 55, 8-9).

Hành trình làm người, hành trình kitô hữu, cách đặc biệt hành trình ơn gọi của chúng ta, từ đào tạo khởi đầu tới đào tạo trường kỳ, trong thời gian huấn giáo hay những năm tháng trải mình tác vụ, khi còn sung sức, đầy lửa nhiệt tâm hay khi tàn héo với tuổi già lão hóa… là cuộc kiếm tìm để tìm thấy Lòng tốt của Thiên Chúa thi thố một cách nhưng không và trào tràn với mỗi chúng ta. Vậy nên, điều chúng ta nhọc công kiếm tìm và tìm thấy không phải “trước hay sau” hoặc một thứ gì mà là một Con người – Tình yêu diệu vời của Thiên Chúa.

3.       Hoán cải

Việc càm ràm vào giờ trả lương cuối ngày cho thấy sự thiện cẩn về cái nhìn của những người đến trước. Họ tập trung vào MỘT đồng lương mà không thấy cả bầu trời nhân ái của ông chủ - Người đã nhọc công kiếm tìm từng người.

Câu chuyện bố thí cho một số người hành khất, vì không có những đồng tiền cùng mệnh giá, nên đành cho họ người ít, kẻ nhiều hơn chút xíu: người phân bì tại sao cho tôi ít hơn người kia; kẻ thì giận dỗi, thậm chí còn la mắng…  Chúng ta, cũng có thể lẩm bẩn kêu trách, ghen cái ghen của những người đến trước trong câu chuyện Tin mừng. Chúng ta mang cái nhìn thiện cẩn trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân, bởi chúng ta chỉ nghĩ tới mình, chỉ quan tâm tới “đồng tiền”, “công sức” và “danh dự” của mình mà không nhận ra cái gì khác lớn hơn, bao quát hơn. Bởi vậy, cần hoán cải cái nhìn trong hành trình kiếm tìm, và chúng ta sẽ tìm thấy.

Isaia trong bài đọc thứ nhất mời gọi Dân Chúa chuẩn bị tâm thái để trở hồi hương sau những tháng năm khổ ái chốn nô lệ Babylon: thay vì tìm kiếm chính mình và kêu cầu những thứ ngẫu tượng làm chúng ta rơi vào nô lệ, “Hãy tìm kiếm Chúa”, “kêu cầu Người”, Đấng luôn tìm kiếm và ở gần bên chúng ta.  

Tìm kiếm Thiên Chúa và biết Đức Kitô, “mối lợi tuyệt vời” như Thánh Phaolo trong bài đọc thứ hai nhắn gửi chúng ta (x. Pl 1,21; 3, 7-8) phải là ưu tiên, để vượt qua những chướng ngại của việc tìm kiếm danh vọng, tiền của, những thứ che tầm nhìn của chúng ta, phân mảnh và phân tách chúng ta trong mối liên hệ với Thiên Chúa và tha nhân.

Xin được kết thúc bằng những tư tưởng của D. Bonhoeffer đã diễn tả một cách tuyệt vời trong nhà tù Tegel: “Tôi là ai? ... Tôi thực sự là những gì người khác nói về tôi? Hay tôi chỉ là những gì tôi biết về tôi? ... Tôi là ai? Đặt ra những câu hỏi như vậy thôi đã là sự nhạo báng với tôi. Dù tôi là ai, Người (Thiên Chúa) biết tôi (tìm kiếm tôi) ...”.  Và điều này là đủ cho tôi: nhận ra rằng tôi được biết bởi Đấng vĩnh cửu, bởi Tiếng gọi thường hằng, tôi đang hiện hữu, tôi được kiếm tìm và thế là tôi tìm thấy Đấng tìm tôi. Amen.

Lm. Hoa Thập Tự

 

Nguồn tin: