Suy Niệm Lời Chúa - Tam Nhật Vượt Qua: Mầu Nhiệm Tình Yêu

Tue,02/04/2024
Lượt xem: 390

TAM NHẬT VƯỢT QUA

“Mầu nhiệm tình yêu”

Thứ 5 Tuần Thánh

(Xh 12,1-8.11-14; Tv 115; 1Cr 11,23-26; Ga 13,1-15)

“Hãy làm việc này nhờ nhớ đến Thầy”

Phụng vụ Thánh lễ Tiệc ly chiều nay dẫn chúng ta về với thời khắc lịch sử của Thầy trò Giêsu trong bữa tiệc ly biệt, nhưng đó cũng chính là cuộc tình của mỗi chúng ta lúc này đây với Giêsu, Thầy và là Chúa của chúng ta. Trong thời khắc này, chúng ta sống mầu nhiệm tình yêu: Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể, lập chức linh mục và trao ban giới Luật yêu thương: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,2).

1.       Hãy làm việc này: yêu thương phục vụ

Trong đêm Thầy trò ly biệt, Chúa Giêsu thực hiện một nghĩa cử mà chính các môn đệ ngạc nhiên, không hiểu: Thầy rửa chân cho họ. Thời xưa, việc rửa chân là một phong tục phổ biến, vì khi vào một ngôi nhà, bàn chân của người ta dính đầy bụi đường, nhất là thời mà chưa có những con đường lát đá, rải thảm nhựa như chúng ta ngày nay! Vậy nên ở lối vào của ngôi nhà, người ta sẽ rửa chân mình, nhưng việc rửa chân không bao giờ được thực hiện bởi gia chủ, mà là phận vụ của những tôi tớ, của những nô lệ.

Chúa Giêsu cúi mình rửa chân rửa chân cho các môn đệ của mình như một nô lệ. Người “vốn dĩ là Thiên Chúa”, với “tình yêu cho đến cùng”, đã mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân (Pl 2,6-7) để cúi mình xuống phục vụ chúng ta, để làm sạch, để chữa lành chúng ta.

Và hôm nay, trong Thánh Lễ này, Giáo hội muốn các linh mục rửa chân cho 12 người, để tưởng nhớ 12 môn đệ lúc đó. Nhưng trong con tim chúng ta, chúng ta phải có sự xác tín rằng: Chúa, một khi rửa chân cho chúng ta, thì Người rửa sạch tất cả mọi thứ, Người thanh tẩy chúng ta! Người làm cho chúng ta cảm nhận tình yêu của Người dành cho từng người chúng ta: “Những gì Thầy đang làm, bây giờ anh em không hiểu đâu,” “nhưng sau này anh sẽ hiểu” (Ga 13,7).

Qua nghĩa cử này, Chúa Giêsu cho chúng ta hiểu thế nào là yêu. Yêu là phục vụ lẫn nhau, là rửa chân cho nhau, là làm cho nhau thanh sạch. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể phục vụ lẫn nhau khi khởi đi từ tình yêu tự hiến, trao ban cho nhau, giám đi ra khỏi cái cố hữu của mình để đi tới và cúi xuống bên người khác. Đó là việc trao ban chính mình trong giới luật mới, luật yêu thương.

2.       Hãy làm việc này: trao hiến chính mình

Chóp đỉnh của việc cúi xuống rửa chân, của tình yêu phục vụ là trao hiến chính mình. Chúa Giêsu yêu thương chúng ta. Người yêu thương vô lượng định, luôn luôn cho đến cùng. Người không bao giờ mệt mỏi yêu thương một ai. Người yêu thương tất cả và từng người chúng ta đến mức trao ban chính mạng sống mình: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

Đức Giêsu không chỉ trao ban chính mình Người qua cái chết thập giá mà còn lối lại cho các môn đệ, cho Giáo hội, cho mỗi người chúng ta CHÍNH THÂN MÌNH NGƯỜI làm bảo chứng tình yêu. Yêu cho đến cùng trở nên lương thực dưỡng nuôi chúng ta, trở nên chính chúng ta. Thánh Phaolô trong bài trình thuật biến cố này đã viết: “Đây là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em” (1Cr 11,24). Qua nhiệm tích Thánh Thể, Người tiếp tục trao ban sự sống của Người cho tất cả chúng ta, và mỗi người chúng ta đều có thể nói: Chúa Giêsu yêu tôi cho “đến cùng”. Người không ngừng trao ban, không ngừng thánh hiến để phục vụ sự sống của chúng ta. Tình yêu trao ban, tự hiến chính là giao ước, là cam kết giữa Thiên Chúa với dân của Người, giữa Đức Giêsu và tôi.

Đức Giêsu trao hiến chính mình, dùng máu Người để hoàn tất ơn cứu độ. Đó là chóp đỉnh của việc hiến dâng phục vụ trọn vẹn. Bởi thế, cử hành Phụng vụ của Giáo hội hệ tại ở tình yêu đến mực tuyệt đối và chỉ nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban chính Con Một, mới thực hiện được tình yêu như thế đối với con người, trở thành con người, trong chính xác thịt con người, trở nên mỗi một chúng ta. Chúa đã trao ban, hiến mình cho chúng ta, trở nên tấm bánh cho con người, đến lượt chúng ta, được mời gọi trở nên tấm bánh cho người khác, nghĩa là biết yêu thương, biết trao ban chính mình: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (1Cr 11,24). Hãy yêu thương, hãy trao ban để nhập thể và hiện tại hóa việc hiến trao của Chúa cho tha nhân

3.       Hãy làm việc này: “yêu thương nhau” người ta biết, anh em, môn đệ Thầy”

Qua việc rửa chân và nhất là việc trao ban chính mình, Chúa Giêsu trao ban cho chúng ta mẫu thức của tình yêu, “để lại cho chúng ta một mẫu gương để chúng ta dõi theo Người” - điều răn mới: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy ở điểm này: là anh em hãy yêu thương nhau”. (Ga 13,35). Lm. Nhạc sĩ Nguyễn Duy đã viết lên ý hướng này qua lời bài hát “Luật Yêu Thương”:

Cho con một điều răn mới, yêu thương luật Chúa muôn đời. Cho con một lời dấu yêu, con ơi hãy yêu mến nhau. Theo gương Thầy yêu thương trước, hy sinh mà hiến thân mình. Hy sinh vì người dấu yêu liều cả tấm thân tình yêu chính nhân. 

Yêu thương là hy sinh trước, cho nhau cả chính thân mình. Yêu thương cần chi đắn đo, không xem lợi thua trước sau. Yêu thương dù muôn nguy khó, kiên tâm chẳng nghĩ xa gần. Yêu thương mùa xuân ngát hương tỏa lan bốn phương này con biết chăng. Yêu thương là điều răn mới, anh em hãy mến yêu nhau; Yêu thương người ta sẽ biết, anh em là môn đệ Thầy.

“Hãy yêu thương nhau”, lời mời gọi, lời khắc khoải, lời trăn trối của Chúa Giêsu với các môn đệ, với mỗi chúng ta: “Phàm ai yêu thương thì được Thiên Chúa sinh ra và người đó biết Thiên Chúa” (1Ga 4,7). Chính tình yêu, làm cho chúng ta giống Thiên Chúa, phản chiếu tình yêu của Người – con người là hình ảnh của Thiên Chúa là vậy – homo capax Dei, capax Amoris. Chính tình yêu làm cho chúng ta có khả năng phục vụ và hiến mình như Chúa, khi đó chúng ta thực hiện lời của Thánh Phaolô nhắn gửi chúng ta hôm nay: “Vì mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa đến” (1Cr 11,26). Chúng ta loan truyền bằng đời sống yêu thương, trở nên tấm bánh bẻ ra cho người khác nhờ việc chúng ta thông dự và Tấm bánh duy nhất là chính Chúa.

“Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”: yêu thương - phục vụ; yêu thương - hiến trao; yêu thương - người ta sẽ biết, anh em là môn đệ của Chúa.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thứ 6 Tuần thánh

(Is 52,13-53,12; Tv 30’ Hr 4,14-16; 5,7-9; Ga 18,1-19,42)

Thập giá, mạc khải về Thiên Chúa & con người

Thập giá là trung tâm của đời sống kitô hữu và nhất là trong cử hành phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh. Thập giá sự ô nhục đối với người Do thái, sự điên rồ đối với người Hi lạp, nhưng với chúng ta, Thập giá là biểu hiệu cho sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa (1Cr 1,18.23); Thập giá là cây trường sinh đem lại quả phúc ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại: “Thập giá đó dẫu gai góc sần sùi, đã nên giường cho tình yêu sinh nở”

Quả vậy, cử hành phụng vụ suy tôn thập giá, nhưng thực ra thập giá được suy tôn bởi nó đã được ôm lấy bởi Đấng đáng
“mọi lời tán dương chúc tụng”, Đấng “đáng lãnh nhận vinh quang, danh dự và uy quyền”. Thập giá, con đường dẫn chúng ta đến suy phục vương quyền Giêsu, là con đường đặt mình trước mầu nhiệm tinh yêu tự hiến để chiêm ngắm: một Giêsu trận trụi, một Giêsu không còn gì, một Giêsu bị thách thức, chỉ là hạt lúa mì nhỏ bị chôn vùi trong lòng đất nhân thế, để sinh nhiều bông hat,… và đó là Giêsu của tất cả, của khởi nguồn và cùng đích, dù được giới thiệu với ý hướng lăng mạ, song Người là “VUA DÂN DO THÁI” (Lc 23,18), là “sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa”. Bởi thế, THẬP GIÁ, mạc khải cho chúng ta biết sự thật về Thiên Chúa và con người.

Chúa Kitô Vua đăng quang trên đường tình Calverio với vương miện là vành gai; long bào là áo xỉ nhục; ngai vàng là thập giá. Đây là thời điểm để suy chiêm Vương Quốc của Vua muôn vua qua THẬP GIÁ. Thập giá, sần sủi bởi đó là bản án cho tử tù trọng tội, sần sùi bởi bất công, bởi sự vu khống, nhạo báng và thách đố, nhưng lại là con đường để tình yêu lên ngôi. Đức Ratzinger viết: “Thập giá là mạc khải. Không phải mạc khải về điều gì nhưng là về Thiên Chúa và về con người. Thập giá tỏ cho thấy Thiên Chúa là ai và thế nào là con người”.[1]

1.       Thập giá, sự thật về con người

Qua thập giá, chúng ta nhận ra “người công chính xuất hiện dưới hình hài của kẻ chịu đóng đinh, bị pháp lý lên án tử, và điều đó cũng vạch rõ khuôn mặt thật của con người là thế nào: ‘Hỡi con người, mi là vậy đó. Mi không thể chịu đựng nổi Người Công Chính, kẻ chỉ biết yêu thương thì mi biến thành đồ diên dại, đánh đập và coi như đồ phế thải”. Thập giá là điểm đến, là số phận cho những kẻ phế thải và những ai bị coi là nguy hiểm cho xã hội. Đức Vua của chúng ta bị liệt vào hàng phế thải như thế: bị đóng đinh với những kẻ gian phi, chịu sự xỉ nhục lăng mạ của người đời. “Con người, mi đối xử với Người Công Chính như vậy bởi chính mi mới là đứa bất chính, người luôn cần thấy đổ lên người khác sự bất chính để tự bào chữa cho mình”.

Gioan trong Tin mừng thứ tư đã giới thiệu: “Ecce homo – đây là người”. Lời này nói với chúng ta, con người là thế. Con người không chân thật đó lại là sự thật về con người. Như thế, Người Công Chính bị đóng đinh trở thành tấm gương trưng ra cho người ta nhìn thấy khuôn mặt trần trụi, không sơn phết của chính mình”: con người luôn tìm cách hạ bệ, xỉ báng, thách thức người khác, thách thức cả quyền năng của Thiên Chúa. Thập giá vén mở cho chúng ta biết sự thật về con người, sự thật của từng người chúng ta, những tội nhân, những người cần được cứu lấy bởi một Ai khác, bởi Đấng đã trở nên hiện thân của tội, dù Người là Đấng chí thánh để chúng ta tìm lại bản vị đích thực của con người – hình ảnh của Thiên Chúa.

2.       Thập giá, sự thật về Thiên Chúa

Thập giá không chỉ là sự thật về con người nhưng còn là “mạc khải về Thiên Chúa nữa. Thiên Chúa là thế đó. Người nên một với con người trong tận cùng vực thẳm, Người phán xét con người bằng cách cứu vớt họ, và chính trong vực thẳm thất bại của con người mà một vực thẳm còn sâu hơn nữa được tỏ hiện, vực thẳm của Tình yêu Thiên Chúa”. Một Thiên Chúa “hiền lành và khiêm nhường”, Người từ ái, thinh lặng và kiên nhẫn trước thách thức, nhạo báng của giới lãnh đạo Do thái, của kẻ trộm cùng chung bản án, của từng người thế trong dọc dài của lich sử nhân loại chúng ta, Người tha thứ cho họ, cho chúng ta dù là lầm hay hữu ý. Người lắng nghe tiếng nai xin để được ở với Ngài của tên trộm lành và ban ơn cứu độ cho anh và của chúng ta.

Như thế, thập giá là ngai của vương quyền Giêsu, là con đường dẫn tới chiêm ngắm vẻ đẹp của Vương quốc của Tình yêu. “Thập giá là tâm điểm của mạc khải, mạc khải về chính con người chúng ta, vạch trần sự thật của chúng ta trước Thiên Chúa và vạch rõ sự hiện diện của Thiên Chúa trong lòng cuộc sống chúng ta”. Qua thập giá, Đức Giêsu biểu lộ trọn vẹn dung nhan Thiên Chúa xót thương, Thiên Chúa thống trí bằng tình yêu, bằng việc cúi xuống phục vụ ơn cứu độ con người. Thập giá cho chúng ta biết thế nào là yêu, và qua thập giá, Người cho thấy là người Trưởng Tử giữa đàn em đông đúc, là sự viên mãn, là khởi nguyên và tận cùng của mọi loài.

3.       Đấng chịu đóng đinh để lại mẫu gương cho ta

Con người, tội nhân khốn cùng, xin đừng tố tội nhau. Nhìn lên thập giá, chúng ta nhận ra tội lỗi của mình, và biết tình yêu Chúa đối với mỗi chúng ta. Khi chúng ta phạm tội, khi chúng ta gieo rắc sự tội, chúng ta đặt thập giá trên vai, bắt vác đi và đong đinh Thiên Chúa và anh chị em của chúng ta. Hãy ôm lấy nhau, ôm lấy cả những tật nguyền, thương đau của nhau như Con Thiên Chúa đã ôm lấy tội lỗi, khổ luỵ của chúng ta mà đóng vào cây gỗ. Hãy sống phẩm giá của công dân Nước Giêsu, những người được đan kết bởi ‘mối dây liên kết tuyệt hảo là đức ái’.

Khiêm tốn, chìa khóa để nhận ra vương quyền Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã xưng tụng Chúa Cha về hồng ân mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những kẻ bé mọn, khiêm hạ, luôn bước đi trước nhan Đức Chúa (x. Mt 11,25-27). Chính người trộm lành đã đạt tới ơn cứu độ khi khiêm tốn nhìn nhận sự công chính và quyền năng của người bạn tử hình Giêsu, và anh đã nài xin ơn cứu độ và được hoan hưởng niềm vui trong Nước của Người.

Cùng thống trị với Vua Giêsu nếu chúng ta cùng chết với Người, cùng đi với Người trên con đường hẹp, con đường tự hủy, con đường phục vụ, chúng ta sẽ đạt tới vương vị trong Đức Kitô, đồng thừa kế với Người.

Lạy Chúa Giêsu là Vua của con, xin hãy chiếm lĩnh mọi sự nơi con, để con thuộc trọn về Chúa và nhờ đó mọi thứ là của con. Xin chiếu giải ánh tôn nhan Chúa vào những vùng tăm tối trong nhân tâm con, để con được bước đi trong ánh sáng của ngày cứu độ trong Nước Chúa. Xin Chúa hãy là Chúa của con để con không nô lệ cho ngẫu tượng và những ham muốn của con. Ước gì chúng con vui mừng được nghe lời Chúa nói với con “hôm nay con ở trên Thiên Đàng với Ta.  Amen.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thứ 7 Vọng Phục sinh

Bước vào mầu nhiệm Phục sinh

Để sống Mầu nhiệm Phục sinh, chúng ta phải bước vào mầu nhiệm nền tảng của đức tin Hội thánh, bởi lẽ mầu nhiệm không phải là những gì thuộc về lãnh vực tri thức, nhưng là điều gì đó lơn hơn, nhiều hơn rất nhiều. Cần có động thái của đức tin mới dẫn chúng ta tới hiểu biết sự thâm sâu của mầu nhiệm này. Chúng ta đi …

1.       …từ canh thức của dân Do thái….

Thứ Bảy Tuần thánh là đêm canh thức, đêm mà dân Chúa đọc lại các biến cố cứu độ để sống trong thức tỉnh của đời mình. Đêm nay Chúa không ngủ, Đấng Canh Thức đang dõi nhìn dân Người (x. Tv 121,4), để đưa họ thoát vòng nô lệ và mở ra một thông lộ dẫn đến tự do. Chúa đang tiếp tục canh thức và, với sức mạnh của tình yêu, Người đang đưa dân riêng qua Biển Đỏ. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay đưa chúng ta về với biến cố cứu độ Vượt qua Biển Đỏ ráo chân và hành trình Đất hứa cho thấy kế hoạch của Thiên Chúa nhằm thực hiện cuộc Vượt qua đích thực khi Người cũng đưa Chúa Giêsu vượt qua vực thẳm của cái chết và cõi âm ty  đến sự Phục sinh vinh hiển, sự toàn thắng của Thiên Chúa trên quyền lực của sự dữ, tội lỗi.

2.       … đến cuộc canh thức của môn đệ Chúa Giêsu

Đây là một đêm canh thức đối với các môn đệ của Chúa Giêsu, một đêm của nỗi buồn và sợ hãi. Họ khóa kín mình trong nhà Tiệc ly. Tuy nhiên, những người phụ nữ đã đi đến ngôi mộ vào rạng sáng ngày Chúa Nhật để xức dầu thơm cho xác Thầy Giêsu. Lòng họ rối bời và tự hỏi lẫn nhau: “Làm sao chúng ta vào được? Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giúp ta đây?” Nhưng đây là dấu chỉ đầu tiên của biến cố vĩ đại này: “Tảng đá đã lăn ra một bên rồi, và cửa mộ mở toang!” “Vào trong mộ, các bà thấy một người thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng” (Mc 16,5). Những người phụ nữ là những chứng nhân đầu tiên nhìn thấy dấu hiệu tuyệt vời này: ‘ngôi mộ trống’, và họ là những người đầu tiên bước vào mầu nhiệm.

 Bước vào ngôi mộ.” Thật là tốt cho chúng ta, vào đêm vọng này để suy niệm trên kinh nghiệm của những người phụ nữ, một kinh nghiệm đang vang lên trong chúng ta. Đây là lý do tại sao chúng ta đang hiện diện lúc này: để bước vào, bước vào mầu nhiệm mà Thiên Chúa đã thực hiện với lễ vọng tình yêu của Người. Chúng ta không thể sống Mùa Phục sinh mà không bước vào mầu nhiệm này. Mầu nhiệm ấy không phải là điều gì đó thuộc về tri thức, một điều gì đó chúng ta chỉ biết tới hoặc đọc qua... Đó là điều gì đó nhiều hơn, nhiều hơn rất nhiều!

Bước vào mầu nhiệm này” là khả năng tự hỏi, chiêm niệm; là khả năng lắng nghe sự im lặng và nhận ra những tiếng thì thầm nhỏ bé giữa sự im lặng tuyệt vời trong đó Thiên Chúa nói với chúng ta (x 1V 19,12). Bước vào mầu nhiệm này đòi hỏi đó chúng ta không sợ thực tại, nghĩa là chúng ta đừng tự nhốt chính mình, đừng chạy trốn khỏi những gì chúng ta không hiểu, đừng nhắm mắt lại trước các nan đề hoặc phủ nhận chúng, đừng lờ đi những câu hỏi của chúng ta...

Bước vào mầu nhiệm này nghĩa là vượt ra ngoài vùng thoải mái của riêng chúng ta, vượt ra khỏi sự lười biếng và sự thờ ơ đang giữ chúng ta lại, và vươn ra tìm kiếm chân lý, cái đẹp và tình yêu. Đó là tìm kiếm một ý nghĩa sâu xa, một câu trả lời không dễ cho những câu hỏi đang thử thách đức tin của chúng ta, lòng trung thành của chúng ta và chính sự hiện hữu của chúng ta.

Để bước vào mầu nhiệm này, chúng ta cần đến khiêm tốn, cần đến sự khiêm nhường hạ thấp mình xuống, đi xuống khỏi ngai của cái “tôi” tữ mãn của mình, và các giả định của chúng ta; một sự khiêm tốn để không còn coi bản thân mình là quá quan trọng, trong khi nhận ra chúng ta thực sự là ai: là những tạo vật có những khả thể tốt lành và điểm yếu của mình, và chỉ là những tội nhân cần đến sự tha thứ. Để bước vào mầu nhiệm này, chúng ta cần sự khiêm nhường là sự bất lực, sự từ bỏ những ngẫu tượng của chúng ta... Nói tắt một lời, chúng ta cần biết tôn thờ. Nếu không có sự tôn thờ, chúng ta không thể bước vào mầu nhiệm này.

Những người phụ nữ là môn đệ của Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta tất cả những điều này. Họ tiếp tục canh thức trong đêm đó, cùng với Đức Maria, Đấng giúp họ không đánh mất đi niềm tin và hy vọng. Kết quả, họ không còn là những tù nhân của sự sợ hãi và nỗi buồn, nhưng khi tia nắng đầu tiên của bình minh ló dạng, họ đã đi ra ngoài mang theo dầu thơm của họ, lòng họ đã được xức dầu với tình yêu. Họ ra đi và tìm thấy ngôi mộ mở tung. Và họ đã đi vào. Các bà đã canh thức, vươn ra và bước vào mầu nhiệm. Cầu xin cho chúng ta có thể học hỏi được từ các bà để canh thức cùng Thiên Chúa và với Mẹ Maria là Mẹ chúng ta, để chúng ta cũng có thể bước vào Mầu Nhiệm dẫn từ sự chết đến sự sống.

Lm. Hoa Thập Tự



[1]   Đức Ratzinger, Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội 2009, tr. 315-316.

Nguồn tin: