Suy Niệm Lời Chúa - Chúa Nhật Phục Sinh: Phục Sinh, Nền Tảng Của Kitô Giáo

Tue,02/04/2024
Lượt xem: 405

  Chúa nhật Phục sinh

(Cv 10,34a.37-43; Tv 117; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9)

Phục sinh, nền tảng của Kitô giáo

“Nấm mộ không phải là tiếng nói chung cuộc đối với Đức Giêsu, nếu không, Người đã thất bại hoàn toàn. Nhưng không, Người đã trỗi dậy từ cõi chết là dấu chứng đích thực Người là Thiên Chúa và đã toàn thắng trên sự dữ và sự chết. Đức Kitô Phục sinh là nền tảng của toàn bộ hiện hữu của chúng ta, là niềm hy vọng của chúng ta và toàn thể tạo thành. Thánh Phaolô nhấn mạnh đến việc Thiên Chúa đã biểu lộ quyền năng qua hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho nhân tính đã chết của Đức Giêsu được sống lại và kêu gọi nhân tính đó vào trạng thái vinh hiển của Chúa (x. Rm 6,4; 2Cr 13,4; Pl 3,10; Ep 1,19-22).

1.       Sự Phục sinh, nền tảng của toà nhà đức tin

Tin vào Đức Giêsu Kitô là đá tảng của tòa nhà đức tin của Hội thánh và của từng người chúng ta. Đó là đức tin được Tông đồ trường Phêrô và toàn thể Hội thánh tuyên xưng và thông truyền, biến cố mà tất cả chúng ta được gọi “là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa, bởi đã được xây dựng trên nền móng là các Tông đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Đức Kitô Giêsu. Trong Người, toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa. Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí” (Ep 2,19-22). Là nền tảng của toàn bộ tòa nhà đức tin, biến cố Phục sinh chứng thực:

Những gì Đức Kitô Giêsu đã làm và giảng dạy. Thánh Phaolô khẳng định: “Nếu Đức Kitô không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1Cr 15,14). Tất cả mọi chân lý được sáng tỏ, được biện minh với việc Đức Giêsu từ cõi chết trỗi dậy;

Việc hoàn thành những lời hứa của Cựu ước và của chính Đức Giêsu trong cuộc đời trần thế của Người (x. Lc 24,26-27.44-48). Theo kiểu nói của Thánh Phaolô “đúng như lời Kinh thánh” (1Cr 15,3-4);

Thần tính của Đức Giêsu: “Khi nào các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết Tôi Hằng Hữu” (Ga 8,28). Sự Phục sinh hoàn tất mầu nhiệm Nhập thể, kế hoạch cứu độ vĩnh cửu của Thiên Chúa. Thánh Phaolô khẳng định: “Chúng tôi xin loan báo cho anh em Tin mừng này: điều Thiên Chúa đã hứa với cha ông anh em, thì Người đã thực hiện cho chúng ta là con cháu các ngài, khi làm cho Đức Giêsu sống lại, đúng như lời chép trong Thánh vịnh 2: ‘Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con’” (Cv 13,32-33);

Sự phục sinh của Đức Giêsu từ cõi chết giải thoát chúng ta khỏi tội và dẫn vào đời sống mới với ơn công chính hóa (Rm 4,25; 6,4) và ơn làm nghĩa tử (Ep 1,5; Cl 1,18);

Sự phục sinh của Đức Giêsu là nguyên lý và nguồn mạch cho niềm hy vọng hồng phúc của chúng ta: “Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, mở đường cho những ai an giấc ngàn thu… Như mọi người vì liên đới với Adam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống” (1Cr 15,20-22).

Đức Ratzinger khẳng định: “Tình yêu tạo nên sự bất tử, và bất tử chỉ xuất phát từ tình yêu. Đó là khẳng định mà chúng ta đã đạt tới, và điều này cũng có nghĩa: Đấng đã yêu thương vì mọi người thì cũng đặt nền tảng cho sự bất tử của tất cả. Đây cũng chính là ý nghĩa của lời Kinh thánh: Sự phục sinh của Người là sự sống của chúng ta (x. 1Cr 15,16t). Đây là khẳng định cốt yếu, là nền tảng của đức tin và hiện hữu chúng ta.[1]

2.       Cũng trỗi dậy với Đức Giêsu Kitô

Chỉ có tình yêu của Đức Kitô, một tình yêu hiệp nhất với sức mạnh của sự sống, sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa mới có thể đem lại sự bất tử cho chúng ta. Người trở nên mẫu gương cho chúng ta, giúp chúng ta biết trỗi dậy để sự sống mới đang tiềm tàng nơi chúng ta trong Đức Giêsu đạt tới sự viên thành. Nói cách khác, sự sống mới của Đức Kitô đã được và cần phải được chứng thực trong lịch sử, bởi lẽ sự phục sinh của Người là cho lịch sử và lời loan báo của Kitô giáo cũng không gì khác hơn là thông truyền chứng từ về một tình yêu đã chiến thắng sự chết, và vì thể làm thay đổi tận căn thân phận chúng ta.[2] Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai mời gọi chúng ta cách thức để sống sự bất tử của sự phục sinh của Đức Kitô vốn đang tiềm tàng nơi chúng ta:

“Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,1-3).

‘Trỗi dậy cùng với Đức Kitô’ chính là hướng lòng trí về và tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nghĩa là giết chết con người cũ để mạc lấy con người mới trong Đức Kitô. Tông đồ dân ngoại khuyên nhủ tước “bỏ con người cũ với nếp sống xưa, con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối” (Ep 4,22) và “hành vi của nó” (Cl 3,9), đồng thời phải “để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc ‘lấy con người mới’, là con người được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa, để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 2,23-24) – “Con người mới hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hóa” (Cl 3,10).

‘Mặc lấy con người mới” có nghĩa là ‘mạc lấy Chúa Kitô’ (Gl 3,37) với những ‘tâm tình của Người’ (Pl 2,5). Đây là lệnh truyền, luật của sự phục sinh, được đổi mới cùng với Đấng đã từ cõic chết sống lại. Vậy nên, việc chuyển từ con người cũ sáng con người mới, trỗi dậy cùng với Đức Kitô, vừa là công việc của Thiên Chúa, của ân sủng, vừa là công việc của chúng ta, công việc đã được thực hiện và công việc phải được thực hiện. Thần Khí của Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Kitô, cũng chính Thần Khí này sẽ giúp chúng ta thực hiện công việc trỗi dậy nơi chúng ta: “Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước” (Gl 5,25).

3.       Chúng tôi tuyên xưng Chúa sống lại

Kitô giáo được quy tập nhờ biến cố Phục sinh của Đức Kitô và lan rộng nhờ việc loan báo niềm hy vọng hồng phúc. Quả vậy, sự phục sinh của Đức Kitô đi vào lịch sử vĩnh cửu, không còn lệ thuộc vào các quy luật sinh hóa, và như vậy, thoạt khỏi nanh vuốt của tử thần. Người bước vào cõi vĩnh cửu mà tình yêu để lại. Kinh nghiệm về sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô là một ơn mà Người ban cho cách chứng nhân, giúp họ được “mở mắt”, “khai trí”, “mở lòng” để có thể nhận ra và loan báo về Đấng phục sinh. Đó là Tin mừng trọng đại, là nền tảng của toàn bộ tòa nhà Đức tin, là trọng tâm của mọi lời loan báo của Hội thánh.

Thánh Phêrô đã trịnh trọng loan báo lời Tin mừng cứu độ mà chúng ta nghe trong bài đọc thứ nhất: “Quý vị biết rõ: Đức Giêsu… Chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người làm trong cả vùng dân Do thái và tại chính Giêrusalem. Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người trỗi dậy, và cho người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ được cùng ăn cùng uống với Người, sau Người từ cõi chết sống lại” (Cv 10,38-41).

Bài Tin mừng nói về dữ kiện Phục sinh với các chứng nhân chứng kiến ngôi mộ trống, nơi không phải là tiếng nói chung cuộc, mà là sự Phục sinh. Chúng ta mừng vui hát vang ‘Chúa đã phục sinh’. Như những người phụ nữ loan báo cho các môn đệ, cũng vậy, chúng ta cũng phải lắng nghe lời mời gọi để thực hiện ngay và tiến bước loan báo cho con người thời đại chúng ta sứ điệp của niềm hy vọng. Từ rạng đông của ngày thứ ba, Chúa Giêsu chịu đóng định đã trỗi dậy, từ cuối cùng không phải là sự chết mà là sự sống. Đức Phanxicô nhắc nhở[3]:

Chúng ta sẽ là những người nam, người nữ phục sinh nếu, giữa những biến cố gây đau thương cho thế giới, nơi thế giới xa rời Thiên Chúa, chúng ta biết đặt cử chỉ của sự liên đới và đón nhận, nuôi dưỡng khát vọng hòa bình cho thế giới và nguyện vọng cho một môi trường tự do khỏi sự phân tán. Đó là dấu hiệu phổ biến và nhân loại, nhưng, lấy cảm hứng và duy trì bởi đức tin nơi Chúa Phục Sinh, họ có thể nhận được những gì khả quan tốt đẹp hơn nơi khả năng của chúng ta. Vâng, bởi Đức Kitô hằng sống và hành động trong lịch sử nhờ Thánh Thần của Người, chuộc lại sự khốn cùng của chúng ta, hướng tới mỗi nhân tâm và tái ban tặng niềm hy vọng cho những ai bị áp bức và đau khổ.

Lm. Hoa Thập Tự



[1] Đức Ratzinger, Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội 2009, tr. 329.

[2] Đức Ratzinger, Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội 2009, tr 330.

[3] Đức Phanxicô, Kinh Lạy Nữ Vương, ngày 17.04.2017.

Nguồn tin: