Suy Niệm Lời Chúa - Chúa Nhật V Mùa Chay Năm B: Mầu Nhiệm Tự Hủy

Fri,15/03/2024
Lượt xem: 164

 

Chúa nhật 5 Mùa chay B

(Gr 31,31-34; Tv 50; Hr 5,7-9; Ga 12,20-33)

Mầu Nhiệm Tự Hủy

Mùa Thương, Mùa giúp chúng ta đi sâu vào huyền nhiệm tình yêu tự hiến của Thiên Chúa để học biết yêu thương. Chúa nhật V mùa chay, Chúa nhật dọn chịu nạn, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm con đường “đi xuống” của hạt giống Ngôi Lời – mầu nhiệm kenosis của Con Thiên Chúa vì ơn cứu rỗi chúng ta, và đó cũng hành trình của những ai muốn tiến bước trên nẻo đường môn đệ Chúa Kitô.

1.        Ngôi Lời nhập thể - hạt giống mục nát – tình yêu tự hiến

Tâm điểm của Lời Chúa hôm nay nằm ở bài Tin mừng, trong đó, Chúa Giêsu loan báo về “Giờ” của Người, Giờ “Người đươc tôn vinh”. Chúa Giêsu khẳng định con đường mà Người được tôn vinh là hành trình thập giá, hành trình tự hủy của hạt lúa: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi thì nó trơ trọi một mình, còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (c. 24). Từ hình ảnh cụ thể, quen thuộc, Chúa Giêsu cho thấy: Người chính là hạt giống, là Ngôi Lời của Thiên Chúa đã được gieo vào lòng nhân thế qua Mầu nhiệm Nhập thể, và cuộc Thương Khó, cái chết của Người, hạt giống chịu mục nát, sẽ đem lại hoa trái dồi dào, đó là sự Phục sinh, công trình tạo thành mới.

Hành trình mục nát của hạt giống không phải để tiêu tan, nhưng là để cho sự sống được thông truyền và triển nở, để mang lại hoa trái dồi dào. Đó là hình ảnh diễn tả chân thực của tình yêu, của sự sống, là con đường của tình yêu – agape – tình yêu tự hiến: “tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Đó là tình yêu của Mục tử “hy sinh mạng sống vì đoàn chiên”, để cho chiên “được sống và sống dồi dào” (Ga 10,15.11). Thánh Phaolô gọi hành trình đó là mầu nhiệm kenosis, rằng: “Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-7), và vì thế, Người đã được Thiên Chúa tôn vinh.

Quả vậy, chính khi chịu tàn lụi, chịu mục nát trong mầu nhiệm tự hạ, Đức Giêsu đã đem lại sự sống dồi dào cho con người. Khi Người tự hủy cũng chính là lúc Người được giương cao, khi Người khiêm hạ cũng là lúc Người được Thiên Chúa siêu tôn, và nhờ Người, muôn người được nâng lên cùng Thiên Chúa: “Phần tôi, một khi được giương lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (c. 32). “Người vốn giàu sang phú quí, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì chúng ta, để lấy cái nghèo của Người mà làm cho chúng ta trở nên giàu có” (2Cr 8,9).

2.       “Sequela Christi – hành trình “kenosis”

Hạt giống phải mục nát mới sinh trưởng và đơm bông hạt. Điều này hợp với đời sống của cây cỏ cũng đời sống tự nhiên của con người, và là con đường của Kitô hữu, cách riêng với những ai bước theo Đức Kitô trên con đường hoàn thiện Kitô giáo, của đời sống môn đệ Chúa Kitô.

Ai muốn bảo toàn sự sống đời đời, ai muốn dấn thân trên con đường phục vụ Đức Kitô, phục vụ Nước Thiên Chúa phải chấp nhận con đường của hạt giống, con đường tự hủy: “Ai quí  mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đơi” (c.25). Con đường của hạt giống, con đường của Thầy Giêsu và là con đường của người môn đệ. Con đường phục vụ tình yêu: “Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy”, và Thầy ở đâu thì kẻ phục vụ Thầy cũng ở đó” (c. 26). Môn đệ là người phục vụ Đức Kitô, bước theo Đức Kitô nghĩa là đi trên con đường của Người, nên đồng hình đồng dạng với Người. Đó là tiến trình biến đổi để mỗi ngày nên giống Đấng đã yêu mến và gọi mời chúng ta tiến bước trên hành trình kenosis để cho ‘vinh quang Thiên Chúa hơn và phần rỗi các linh hồn - ad maiorem Dei gloriam et salutem animarum’.

Tình yêu đòi hỏi chúng ta phải tiêu hao, phải hiến tế mỗi ngày như hạt lúa mục nát để sự sống lên ngôi, như ngọn nến tan chảy để ánh sáng tỏa lan. Con đường của sự sống, hành trình của người môn đệ, là hành trình chết đi cho những đam mê tục lụy, chết đi đối với tội lỗi, để sống cho Thiên Chúa, cho anh chị em, vì chính Đức Giêsu, khi mang kiếp phàm nhân, như tác giả thư gửi tín hữu Do thái trong bài đọc hai diễn tả: Người đã “lớn tiếng kêu van khóc lọc”, “đã phải trải qua nhiều đau khổ để học biết vâng phục”, để trở nên nguồn ơn cứu độ cho muôn người.

Tự hủy – biến đổi – hành trình của những ai muốn theo sát Tôn sư Giêsu, là tiến trình liên tục, suốt cả cuộc đời, của công cuộc tự đào tạo và được đào tạo, ngoan ngùy với Chúa Thánh Thần, để cho Người “nắn nên hình nên dáng”, để trở nên hiện thân của Đức Kitô. Ý thức và đón nhận việc đi vào hành trình tự hủy – biến đổi cũng là tiêu chí để phân định chúng ta có thực là môn đệ của Đức Kitô hay là nô bộc của ai khác; chúng ta đang đi trên hành trình phục vụ Nước trời hay phụng sự nước thế gian.

Tự hủy, biến đổi, con đường tất yếu của chúng ta – những người Sequela Christi, bởi “thập giá luôn có đó trên hành trình môn đệ”, nhưng chúng ta tiến bước với niềm hăng say: “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khổ. Những can đảm lên! Thầy đã tháng thế gian” (Ga 16,30).

Thân phận chúng ta, những kitô hữu như thân phận cây lúa miến được gièo vào lòng đời. Cần biết chết đi mỗi ngày cho những yếu hèn tục lụy, cho tội lỗi, cho vinh quang nước Chúa và phần rỗi các linh hồn:  “Chúa ơi thân con là thân lúa miến gieo vào lòng đời và mục nát với thời gian. Bông lúa vàng kết thành tấm bánh và thân con trở thành hiến vật nguyện dâng Cha như lễ toàn thiêu” (Lm. Mi Trầm, Thân lúa miến).

Lm. Hoa Thập Tự

Nguồn tin: