Ed 34,11-12.15-17; 1 Cr 15,20-26.28; Mt 25,31-46
Hôm nay là Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ. Chúng ta cử hành trọng thể lễ Chúa Kitô Vua. Thánh lễ này được Đức Giáo Hoàng Piô XI thiết lập vào ngày 11/12/1925 trong bầu khí tạ ơn và hân hoan mừng Năm Thánh. Bởi lẽ, vào những thập niên đầu thế kỷ 20, thế giới phải đối diện với trào lưu tục hóa và vô thần. Đức Giáo Hoàng thiết lập lễ này để mời gọi mọi tín hữu biết tôn thờ và yêu mến Chúa Kitô là Vua của mọi tâm hồn. Sau Công Đồng Vaticanô II, lễ này được đặt ở cuối năm phụng vụ để nói lên rằng: Chúa Kitô là vua vũ trụ, vua các tâm hồn, là chủ thời gian, là vua trên các vua, là Chúa trên các chúa.
Chúng ta biết rằng trong Tin Mừng dân Do Thái đã có lần tôn Đức Giêsu lên làm vua, nhưng theo kiểu vua chính trị. Nghĩa là họ mong Người làm vua để giải phóng dân Do Thái thoát ách độ hộ của nước ngoài. Người đã tránh né và từ chối kiểu làm vua như thế (x. Ga 6,15; Lc 19,38). Bởi vì, sứ vụ của Người không phải đến để làm người đứng đầu một quốc gia, một đảng phái hay một thể chế chính trị. Người không muốn “là thủ lãnh các dân tộc” như các hoàng đế, các vua chúa, hay các tổng thống trên thế giới (x. Mt 20,25). Ngược lại, Chúa có lần tự nhận mình là vua trước mặt Philatô khi ông ta hỏi Chúa:
“Vậy ông là vua sao? Đức Giêsu đáp: Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật” (Ga 18,37).
Trước đó Chúa Giêsu nói:
“Nước Tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18,36).
Theo đó, Nước Chúa hay vương quốc của Đức Kitô không được đồng hóa hay thuộc về một quốc gia, một chính thể chính trị nào, cũng không bị giới hạn bởi một lãnh thổ hay một đất nước nào. Nước Chúa hiện diện trong thế giới một cách vô hình và thiêng liêng. Bởi Nước Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là vương quốc của tình yêu, chân lý, hòa bình và niềm vui trong Chúa Thánh Thần (x. Rm 14,17). Chúa Giêsu đã thiết lập Nước Chúa khi Người hiện diện ở trên trần gian. Người như là vị mục tử được nói ở trong bài đọc I, chăm sóc, kiểm soát đoàn chiên và hiến mình cho đoàn chiên (x. Ed 34,11-12,15-17). Đặc biệt, như lời của thánh Phaolô trong bài đọc II (x. 1 Cr 15,20-28), với mầu nhiệm tử nạn và phục sinh, Đức Kitô đã chiến thắng sự dữ, giải thoát con người khỏi ách nô lệ của tội lỗi, sự chết và ma quỷ, Người thiết lập vương quốc mới, để đưa con người vào trong vương quốc của sự sống vĩnh cửu là thiên đàng. Vì lẽ đó, Người được tôn vinh và tuyên xưng là vua của mọi tâm hồn.
Nhưng làm sao có thể được vào Nước Chúa? Tin Mừng hôm nay trả lời cho câu hỏi đó khi nói về phán xét chung. Lúc đó Chúa Kitô xuất hiện như là vị thẩm phán tối cao xét xử nhân loại. Đây là dụ ngôn tuyệt vời về ngày cánh chung. Dụ ngôn dùng một thứ ngôn ngữ bình dân và những hình ảnh đơn sơ, nhưng chứa đựng sứ điệp thật quan trọng. Nó diễn tả chân lý về số phận cuối cùng của chúng ta và về tiêu chuẩn mà Thiên Chúa dựa vào đó để xét xử chúng ta.
Số phận mỗi người và thế giới có khởi đầu và có kết thúc. Bởi lẽ, thế giới không phải ngẫu nhiên mà có, cũng không phải chỉ là kết quả của tiến hóa tự nhiên như triết gia vô thần nói. Nhưng vũ trụ và con người được Thiên Chúa tạo dựng, yêu thương và cứu độ (x. St 1-2).
Và số phận của mọi người sẽ được định đoạt thành hai hạng người, người được chúc phúc và chúc dữ:
“Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi” và “quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời” (Mt 25,34.41).
Một chi tiết của dụ ngôn đáng chúng ta chú ý đó là tiêu chuẩn mà dựa vào đó vị thẩm phán xét xử:
“Khi ta đói các ngươi đã cho ăn, khi ta khát, các ngươi đã cho uống…” (Mt 25,35-36).
Đây là tiêu chuẩn mà Thiên Chúa sẽ xét xử mỗi người chúng ta. Thiên Chúa sẽ xét xử chúng ta dựa theo tiêu chuẩn của lòng bác ái. Như thánh Gioan Thánh Giá lưu ý: “Vào ngày cuối cùng, Thiên Chúa xét xử chúng ta dựa trên tình yêu.”
Thật vậy, Thiên Chúa không xét xử chúng ta dựa trên kiến thức, địa vị, của cải mà chúng ta có. Nhưng Người dựa trên lòng yêu thương của chúng ta đối với tha nhân, nhất là đối với người đau khổ. Cha Mark Link nói: “Khi Chúa đến, Ngài không cân đo trí khôn chúng ta thông minh thế nào. Nhưng Ngài sẽ cân đo trái tim của chúng ta yêu thương ra sao.”
Như thế, những người được vào Vương Quốc Thiên Chúa không phải là những người nói: “Lạy Chúa, lạy Chúa trên môi miệng,” nhưng là những người tuân giữ giới răn của Thiên Chúa, những người thực thi tình bác ái đối với anh em đồng loại. Vì thế, sứ điệp mà Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy cho kẻ khát uống, cho kẻ đói ăn, cho khách lạ trọ nhà, thăm viếng người đau yếu và tù đày… Tắt một lời, là hãy có lòng thương xót và làm việc thiện cho những người bất hạnh và đau khổ. Vì họ là hiện thân của Đức Kitô.
Thánh Martinô thành Tours là một quân nhân La Mã vừa là một Kitô hữu. Một ngày mùa đông lạnh giá, khi ngài đi vào một thành phố, có người hành khất chặn ngài lại xin bố thí, Martinô không có tiền để giúp anh, nhưng khi thấy người hành khất xanh xao và run rẩy vì giá lạnh, Martinô đã chạnh lòng thương và đã cho anh cái cần nhất. Ngài cởi chiếc áo nhà binh đã sờn rách, rồi xé một nửa cho người hành khất. Tối hôm ấy, khi trở về nhà, ngài nằm mơ thấy thiên đàng với các thiên sứ đang bao quanh Chúa Giêsu và thấy Chúa đang mặc nửa chiếc áo lạnh nhà binh của ông. Một thiên sứ hỏi Chúa Giêsu: “Tại sao Ngài mặc chiếc áo sờn rách đó? Ai đã cho Ngài áo đó?” Chúa Giêsu trả lời: “Martinô, tôi tớ của Ta đã cho Ta.”
Như thế, với dụ ngôn về ngày phán xét chung, lễ Chúa Kitô Vua mang lại cho chúng ta một cái nhìn trước về tương lai của mỗi người chúng ta. Trong ngày sau hết, Đức Kitô sẽ là vua xét xử nhân loại. Người sẽ xét xử chúng ta dựa trên lòng bác ái của mỗi người đối với tha nhân, nhất là với người nghèo khổ. Chúng ta cố gắng yêu thương nhau, và làm việc thiện cho nhau, nhất là cho người nghèo khổ khi chúng ta có thể, để ngày sau hết, chúng ta được nghe vị Thẩm Phán nói với chúng ta bằng những lời này:
“Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ khi thuở tạo thiên lập địa” (Mt 25,34).
Amen!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương