Ed 33,7-9; Rm 13,8-10; Mt 18,15-20
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, nói tới một trách nhiệm của người Kitô hữu trong mối liên hệ với tha nhân, đó là việc sửa lỗi cho nhau. Đây là một trong những trách nhiệm tế nhị, khó khăn nhưng cần thiết cho sự trưởng thành cá nhân và lợi ích chung.
Người La Tinh nói rằng: “Errare humanum est - làm người ai cũng sai lỗi.” Người Việt Nam cũng có câu ngạn ngữ tương tự: “Nhân vô thập toàn.” Sống trên đời không ai hoàn hảo cả. Mỗi người đều có giới hạn và khuyết điểm. Bởi thế, Giáo Hội không phải là một cộng đoàn chỉ gồm những người thánh thiện, nhưng gồm các tội nhân cần ơn hoán cải. Trong sự liên đới và trách nhiệm đối với tha nhân, mỗi người cần đến sự hướng dẫn và giúp đỡ của người khác. Mỗi người có trách nhiệm phải sửa lỗi cho nhau. Mỗi người là “lính canh” của người khác như bài đọc I đề cập:
“Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Ítraen. Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết” (Ed 33,7).
Việc sửa lỗi là trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái, thầy cô giáo đối với học trò, của vợ chồng, của bạn bè với nhau, của người đứng đầu, của các nhà giáo dục v.v… Đây là một công việc khó khăn. Nên hôm nay, Chúa Giêsu chỉ dẫn cho chúng ta một bí quyết vàng để thực hiện trách nhiệm này qua một tiến trình ba bước:
Bước thứ nhất: Chúa dạy:
“Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi” (Mt 18,15).
Đây là bước đầu tiên để sửa lỗi cho người anh em. Khi anh em lỗi phạm hay làm điều xấu, chúng ta có bổn phận gặp gỡ riêng, khuyên bảo ngõ hầu giúp họ trở về với đường ngay nẻo chính và được cứu độ. Nhưng chúng ta làm việc này với sự thận trọng, kín đáo và yêu thương. Đặc biệt, chúng ta phải giữ kín mọi chuyện để không ai biết đến và họ có thể giữ được danh dự và uy tín của mình trước mặt người khác.
Bước thứ hai: Nếu bước trên không thành công, Chúa Giêsu dạy chúng ta thực hiện bước thứ hai:
“Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân” (Mt 18,16).
Trong bước này, Chúa Giêsu quy chiếu theo truyền thống Kinh Thánh Cựu Ước, theo đó, luật Môsê dạy:
“Một nhân chứng duy nhất không thể đứng lên buộc tội một người về bất cứ một tội một lỗi nào; về bất cứ lỗi nào người ấy phạm, phải căn cứ vào lời của hai nhân chứng hay căn cứ vào lời của ba nhân chứng, sự việc mới được cứu xét” (Đnl 19,15).
Ở đây việc mời gọi người khác cộng tác trong việc sửa lỗi không có ý gây áp lực cho bằng muốn cho đương sự thấy được tính khách quan của lầm lỗi khi có hai hoặc ba người làm chứng để họ dễ dàng ý thức và sửa lỗi. Nếu bước này cũng không kết quả, Chúa Giêsu dạy chúng ta chuyển sang bước sau cùng.
Bước thứ ba:
“Nếu nó không chịu nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng không nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thế” (Mt 18,17).
Sau những cố gắng ở hai bước trên không thành, chúng ta mới đưa ra trước cộng đoàn hay Giáo Hội. Bởi vì, Giáo Hội được Chúa ban cho thẩm quyền phân định, xét xử và tháo cởi (x. Mt 18,18). Việc công khai hóa lầm lỗi của tội nhân không phải là để lên án họ nhưng nhờ đến thẩm quyền Giáo Hội, cầu nguyện, giúp đỡ và hướng dẫn họ sám hối. Giáo Hội như cha mẹ làm hết mọi sự để có thể cứu vớt những linh hồn sai lạc.
Trong tiến trình này, chúng ta cũng phải khôn ngoan giữ những nguyên tắc sau:
· Không được đầu hàng với điều dữ, nhưng hãy tiếp tục tìm những phương thế khác để thu phục người lầm lạc về với Chúa.
· Không được vội vàng lên án, bêu xấu họ giữa cộng đoàn, nhưng tôn trọng danh dự của họ và tiếp tục đồng hành với họ.
· Hãy làm tất cả với lòng yêu thương. Như thánh Phaolô dạy:
“Vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật… Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại” (Rm 13,8.10).
Về điều này, thánh Augustinô nói: “Hãy yêu thương rồi mới làm gì thì làm.”
· Cuối cùng, không được chủ quan theo phán đoán cá nhân, nhưng hãy theo sự phán quyết của cộng đoàn và Huấn Quyền Giáo Hội.
Khi cá nhân, cộng đoàn và Huấn Quyền Giáo Hội đã làm tất cả để giúp đương sự sửa lỗi, nhưng họ vẫn cố chấp và không sửa đổi, chúng ta không còn trách nhiệm đối với họ nữa và coi họ như một người ngoại, nghĩa là vì gương xấu và sự cố chấp, họ tự tách khỏi lòng thương xót của Thiên Chúa và đời sống Giáo Hội. Khi đó chỉ còn lại cách duy nhất là phó thác cho lòng nhân từ của Thiên Chúa.
Như thế, hôm nay Chúa Giêsu dạy chúng ta sửa lỗi cho anh em theo một tiến trình khôn ngoan, cẩn trọng, kiên nhẫn, đúng nơi, đúng lúc trong tình bác ái Tin Mừng.
Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều lúc chúng ta làm ngược lại với những hướng dẫn trên của Chúa. Thay vì chúng ta phải giữ kín sự thật và từng bước một thuyết phục người sai lỗi trở về, chúng ta thường công khai hóa, nói xấu và vội vàng lên án lầm lỗi của họ. Như thế, vô tình chúng ta làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Cần phân biệt việc sửa lỗi hoàn toàn khác với việc nói xấu người khác. Sửa lỗi là một việc tốt, còn nói xấu là một tội.
Câu chuyện sau đây nói lên thái độ tế nhị cần có khi sửa lỗi cho nhau:
Một ngày kia, Ðức Hồng y Roncalli (sau này là Giáo Hoàng Gioan XXIII) dự bữa tiếp tân. Ngài ngồi bên cạnh một nữ công tước mặc chiếc váy cực ngắn. Thấy việc ăn mặc của người phụ nữ này không phù hợp ở đây, nhưng suốt bữa tiệc ngài tỏ ra như không biết gì bà. Cuối bữa, ngài đưa cho bà một trái táo. Bà rất hân hạnh và ngạc nhiên nói: “Tôi không biết phải cám ơn ngài thế nào. Nhờ đâu tôi được ngài ưu ái như thế?” Ngài nhìn bà rồi nói: “Sau khi ăn quả táo, bà Evà nhận ra mình trần truồng.” Đó là cách nhắc nhở rất tế nhị.
Người Ái Nhĩ Lan có một lời nguyện rất ý vị:
“God grant me the serenity to accept the things I cannot change, courage to change the things I can, and wisdom to know the difference.”
Chúng ta hãy thưa với Chúa: Lạy Chúa xin cho con sự thanh thản để chấp nhận điều con không thể thay đổi, sự can đảm để thay đổi những điều con có thể thay đổi và sự khôn ngoan để đón nhận sự khác biệt. Amen!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
PGĐ. Đại Chủng Viện Thánh Phanxicô Xaviê