Bài Giảng Trong Thánh Lễ Mừng Kính Thánh Gioan XXIII

Wed,11/10/2023
Lượt xem: 244

   THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN XXIII

  (Gr 1,4-9; Tv 22; Cr 1,17-25; Ga 10,11-16)

  Khát vọng nên thánh trong sự khiêm hạ

Ta sẽ ban cho các ngươi những mục tử như lòng Ta mong ước” (Gr 3,15), Giáo hội luôn chứng nghiệm cho thực tại lời hứa ấy của Thiên Chúa, Đấng luôn ban cho Dân Người những mục tử phản chiếu dung nhan của Mục tử nhân lành Giêsu. Đức Gioan XXIII là sự phản chiếu “chân thực, sống động và trong suốt” của Đức Giêsu Mục tử nhân lành.

Lãnh đạo Giáo hội trong một thế giới chuyển mình, người tôi tớ khiêm hạ, thánh thiện, Đức Angelo Giuseppe Roncalli, với trực giác thiêng liêng đã đưa Hội thánh Chúa Kitô bước vào một cuộc chuyển mình để có khả năng tiến bước trong thế giới đương đại. Ngày 28 tháng 10 năm 1958, vị Giáo hoàng mới đăng quang chào đón giáo dân từ bao lơn cửa sổ nhìn xuống Quảng trường Thánh Phêrô. Xuất thân từ một gia đình nông dân thánh thiện và đạo đức, với nét mặt phúc hậu, dễ mến, Đức Roncalli mỉm cười và nói một cách tự nhiên: “Tôi được gọi là Gioan!” Đã 78 tuổi đời, mọi người đều cho rằng ngài  là vị Giáo hoàng chuyển tiếp, thế nhưng chính ngài lại nói “78 tuổi mới làm giáo chủ thì chắc chả có gì lớn, rồi ngẫm nghĩ một lát ngài tiếp, nhưng tin tưởng vào Chúa thì không việc gì phải ngại”. Quả thực, ngài đã mang lại luồng khí mới cho Vườn nho của Thiên Chúa với việc triệu tập Công đồng Vaticanô II, một “Cuộc hiện xuống mới”, công trình của Chúa Thánh Thần trong thời đại của chúng ta được Đức Gioan XXIII thực hiện. Đó là chương trình của Thiên Chúa và cũng là sự phản chiếu phẩm cách của người được Chúa chọn lựa, tôi luyện, người tôi tớ của Tin mừng, người thợ khiêm hạ trong Vườn nho Nhà Đức Chúa như sứ điệp Lời Chúa cử hành hôm nay trình bày.

Di sản của Đức Gioan XXIII không phải là tổng luận suy tư thần học xuất chúng, mà là cốt cách của người mục tử, tôi tớ, người cha trong Giáo hội Chúa Kitô. Chúng ta có thể dựng lại vài nét trong phẩm cách của Đức Roncalli như là mẫu gương cho chúng ta học đòi trên hành trình môn đệ, hành trình suốt đời với ơn gọi căn bản, cách riêng đối với các thầy đã chọn ngài làm quan thầy.

1.       Roncalli, con người khát khao nên thánh

Người ta thường gọi ngài là “Vị Giáo hoàng Nhân hậu”, một con người phản chiếu nhân cách của tôi tớ, của mục tử, người của Thiên Chúa. Một nhân cách thực thụ của môn đệ Chúa Kitô được dệt nên từ khát vọng nền tảng, khát vọng nên thánh.

Khát khao nên thánh nên thánh của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, chúng ta có thể đọc lại qua bài giảng mục vụ trong suốt 59 năm linh mục, giám mục và giáo hoàng của Ngài, những văn kiện ngài trong triều Giáo Hoàng, cũng như những sách báo người ta viết về Ngài. Tuy nhiên, tài liệu cơ bản, đơn sơ, gần gũi, trực tiếp và sống động nhất là cuốn “Nhật Ký Tâm Hồn”, tài liệu phản ảnh cách trọn vẹn về đời sống tận hiến của Đức Gioan XXIII, kể từ khi mới vào chủng viện, làm linh mục phục vụ tại giáo phận, tại bộ Truyền Giáo, tại nhiều nhiệm sở thuộc ngành Ngoại Giao của Tòa Thánh, thời gian làm Giáo Chủ Venise và năm năm trên ngôi Giáo Hoàng. Nói tắt từ khi chịu chức “cắt tóc” tức là “gia nhập hàng giáo sĩ” (1895) cho đến lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, mấy tuần trước khi chết (3.6.1963).

Ngay khi còn là chủng sinh, thầy Angelo Giuseppe Roncalli đã bộc lộ ý chí muốn nên thánh, nên trọn lành. Ngài đã lặp lại ý chí muốn nên thánh sau nhiều lần cấm phòng, khi còn là chủng sinh và trong cương vị giáo hoàng. Ngài viết:

“Qua những dấu chỉ và các hồng ân cao cả Chúa đã ban cho tôi kể từ khi tôi còn bé cho đến bây giờ, tôi nhận ra rõ ràng là Chúa muốn tôi nên thánh trọn lành. Luôn luôn, tôi phải xác tín điều đó. Như vậy, tôi phải nên thánh với bất cứ giá nào. Thời gian trôi qua mau chóng. Giờ đây tôi đã 21 tuổi. Tôi trở về con số không. “Và giờ đây tôi bắt đầu lại” (Tv 76,11): “là nên thánh!” (Cấm phòng năm 1902).

“Kỳ cấm phòng này, tôi quyết chí phải nên thánh, vì là Kitô hữu, là linh mục, là giám mục, mà hơn nữa, là giáo hoàng, là cha chung của mọi tín hữu, là chủ chiên của đàn chiên đông đúc…” (Cấm phòng năm 1961).

Mỗi lần tĩnh tâm, Đức Gioan XXIII vẫn thấy mình còn xa sự trọn lành mong ướcđó cũng là động lực giúp Ngài tăng thêm ý chí tiến đức. Ngài đặt ra cho mình sáu châm ngôn để nên trọn lành: 1. Để làm vui lòng Chúa; 2. Hướng mọi tư tưởng, việc làm vào chủ đích làm vinh danh Chúa và Giáo Hội; 3. Phải bình tĩnh trước mọi biến cố xy đến cho Giáo Hội, luôn làm việc và chịu đau khổ vì Giáo Hội; 4. Luôn phó thác cho Chúa Quan Phòng; 5. Luôn nhìn nhận mình là thấp hèn; 6. Phải chu toàn thực nghiêm chỉnh mọi công việc mỗi ngày (Cấm phòng năm 1961).

2.       Người thợ khiêm hạ và hiền lành

Với khát vọng và tiến bước trên con đường trọn lành, Đức Gioan XXIII luôn thể hiện một nhân cách khiêm hạ và hiền lành. Trọng mọi giai đoạn, trong từng cương vị khác nhau, ngài luôn kiếm tìm và diễn tả phẩm cách của người thợ, người tôi tớ trong Vườn nho của Chúa. Từ khát vọng nên thánh, với nhân đức khiêm nhường, ngài không tìm kiếm chính mình mà là Thiên Chúa, ngài không bắt người khác thực hiện dự án của mình, ngài không thay thế vườn nho của Chúa bằng những thứ khác của xu hướng thời đại mà đặt mọi dự án trong kế hoạch của Chúa. Đó là phẩm cách được nuôi dưỡng và sống trong suốt hành trình của ngài, một sự biểu thị khát vọng kiếm tìm nữ hoàng của các nhân đức, sự khiêm nhường đích thực. Đó không phải là sự ngẫu hứng nhất thời và là sự nhất quán trong toàn bộ hiện hữu và hiện sinh của ngài, một con người khiêm nhường như Đức Giêsu khiêm nhường.

 

Nhân dịp cấm phòng chịu chức “cắt tóc”, tức “gia nhập hàng giáo sĩ” (1895), thầy Angelo đã cầu nguyện như sau:  Lạy Chúa Giêsu Kitô, không vì công đức của con, nhưng chỉ vì Chúa thương mà gọi Angelo Giuse, tôi tớ bất xứng, hèn hạ vào hàng giáo sĩ của Chúa… Xin Chúa trang bị cho con các nhân đức, đặc biệt đức khiêm nhường phúc âm.

Khiêm nhường là sự thật. Muốn sống khiêm nhường điều kiện cơ bản là phải triệt hạ tự ái. Đó là điều mà thầy Angelo đã ghi hàng đầu trong trang Nhật Ký tuần cấm phòng năm 1896: “Đặc biệt phải sửa trị tính tự ái, tật xấu lớn nhất của tôi. Dẹp bỏ mọi cơ hội làm dịp cho tự ái ngoi lên”. Khiêm nhường là sự thật. Đức Gioan XXIII nhấn mạnh lại điều này khi cấm phòng chịu chức giám mục: “Phải dẹp tính kiêu căng và sống đức khiêm nhường. Khiêm nhường là yêu mến sự thật. Đừng vì ưa được đua nịnh, nhát gan mà mất hai đức tính đó. Không đổi trắng thay đen, thay đen đổi trắng. Tốt nói là xấu, xấu lại cho là tốt” (Cấm phòng năm 1925).

Nhờ ơn Chúa và sự cố gắng thường nhật mà Đức Gioan XXIII “được sống trong sự bình an của đức khiêm nhường”, không cảm thấy bị cô đơn, vị ruồng bỏ, vì Ngài tín thác với Chúa. Trong thời gian dài làm Khâm sứ, Ngài đã ghi:

“Tôi cảm thấy bình an với chức vụ. Tôi chỉ không hài lòng vì thấy mình chưa nên thánh đủ, chưa làm gương sáng đủ theo phận vụ đòi hỏi. Vinh dự, tiến chức không chút lo tới” (Cấm phòng năm 1927).

Tôi chỉ còn một điều là xin Chúa cho tôi sống khiêm nhường, lấy khiêm nhường làm nền tảng mà nên thánh. Vào tuổi già, các vị thánh đã thực sự khiêm nhường… Tín thác vào ơn Chúa, tôi cố sống khiêm tốn. Tôi phải làm sáng tỏa ‘đức hiền lành và đức khiêm nhường thật lòng” (Cấm phòng năm 1947).

Một trong những động lực giúp thầy Angelo, và sau này là linh mục, giám mục và giáo hoàng, sống khiêm tốn, triệt hạ được tự ái, chính là sự hãnh diện về cảnh nghèo của gia đình mình: “Thân phụ tôi chỉ là một bác nhà quê, ngày ngày cày sâu cuốc bẫm… Tôi sẽ không hơn cha tôi đâu. Ít ra cha của tôi chất phác hiền lành” (Cấm phòng năm 1902). Nơi Đức Gioan XXIII, chúng ta tìm thấy đức tử hiền lành và khiêm nhường là nhân đức thủ đắc trong toàn bộ hiện hữu của Ngài, nghĩa là trên bình diện nhân bản, tâm linh và mục vụ. Trong một bài báo quan trọng, Robert T. Elson của tờ Life viết:

Đứng trước Người, ai ai cũng cảm thông được nhân cách của Người. Nhân cách đó là đức tính khiêm tốn và bao dung, phản ánh cả một nếp sinh hoạt nội tâm phong phú và sâu xa. Một ông lão mang một tình thương nhân loại, một tình thương thắm thiết, một vị Giáo hoàng có một tình phụ huynh nồng nàn mà ai nấy đều kính yêu khi được trò chuyện cùng người”.

3.       Như một lời mời gọi

Đức Gioan XXIII là mẫu gương phản chiếu cách sống động Mục tử nhân lành Giêsu mà mỗi chúng ta có thể học lấy trong bối cảnh thế giới và Giáo hội hôm nay. Một con người khiêm hạ với khát vọng nên thánh liên lỉ, luôn mở ra với Chúa Thánh Thần để đón lấy những cái mới trong sự đa diện và khác biệt như lời Ngài ngỏ với các 2500 nghị phụ tham dự Công đồng Vaticanô II vào tháng 10 năm 1962: Trong hiện tại, Thiên Chúa quan phòng đang hướng dẫn chúng ta đến một trật tự mới trong niềm cảm thông giữa những con người đang nỗ lực thi hành những kế hoạch của Thiên Chúa, dù có những khác biệt giữa con ngưi, ý kiến chung vẫn đưa dẫn đến những điều tốt đẹp cho Giáo hội.

Đức Thánh Cha Phanxicô mô tả Thánh Gioan XXIII: Đức Gioan XXIII đã cho thấy một sự cởi mở tinh tế với Chúa Thánh Thần. Ngài đã để cho Chúa Thánh Thần dẫn dắt bản thân của ngài - trong tư cách là mục tử, đầy tớ và lãnh tụ. Đây là cách phục vụ Giáo Hội thật tuyệt vời. Ngài là vị giáo hoàng của sự mở rộng tâm hồn cho Chúa Thánh Thần” (Bài giảng lễ Phong thánh cho hai Giáo hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II, 27.04.2014).

Nhờ lời chuyển cầu của Thánh Gioan XXIII, cho chúng ta cũng biết mở lòng với Chúa Thánh Thần, Thầy Nội Tâm, Nhà đào tạo chính để chúng ta trở nên tôi tớ, môn đệ của Đức Kitô nhằm phục vụ Tin mừng và Giáo hội của Người trọng sự thánh thiện và sự khiêm nhường.

Lm. Hoa Thập Tự

 

Nguồn tin:
Tags :