Thánh Phanxicô Xaviê, Nhà Truyền Giáo Vĩ Đại

Fri,02/12/2022
Lượt xem: 1223


Ngày 03-12 hằng năm là lễ Thánh Phanxicô Xaviê, nhà truyền giáo vĩ đại.

1. CON NGƯỜI CAN ĐẢM

Thánh Phanxicô Xaviê thực sự là con người can đảm, đầy sức sống mãnh liệt của Đức Kitô. Tầm quan trọng của công việc ngài đảm nhận vì yêu mến Đức Kitô khiến người ta phải tâm phục khẩu phục.

Ngài là người Basque, sinh tại Navarre, thuộc Tây Ban Nha, ở biên giới dãy núi Pyrênê và Pháp. Cuối thập niên 1520, ngài học tại Đại học Paris, với tham vọng cuộc đời này, không quan tâm vấn đề thiêng liêng hoặc phục vụ Đức Kitô. Nhưng ngài biến đổi nhờ một người Basque khác, đó là Inhaxiô ở Loyola, lớn tuổi hơn Phanxicô Xaviê, đang tiến bộ trên con đường thiêng liêng.

Phanxicô mơ ước thành công, danh tiếng và uy tín ở đời này. Inhaxiô đợi dịp thuận tiện và đặt vấn đề: “Này Phanxicô, ích gì khi được cả thế gian này mà phải mất linh hồn?” Rồi một hôm, tham vọng của Phanxicô Xaviê biến đổi, bây giờ không tham vọng cho chính mình mà cho Đức Kitô.

Năm người khác, thành tâm và nhiệt huyết, cùng với Inhaxiô và Phanxicô Xaviê đã tuyên thệ tại Montmartre hồi tháng 08-1534. Năm 1540, nhóm đã có được 13 người, Inhaxiô viết hiến pháp Dòng Tên (SJ – Society of Jesus), và rồi được ĐGH Phaolô III phê chuẩn.

Năm sau, vua John của Bồ Đào Nha yêu cầu Inhaxiô gởi đại diện giáo hoàng tới đế quốc mới của Bồ Đào Nha ở Ấn Độ. Phanxicô Xaviê là người nhận nhiệm vụ này, và ngày 07-04-1541, đúng ngày sinh nhật thứ 35, ngài khởi hành từ Lisbon. Ở đó, ngài bắt đầu mười năm truyền giáo không mệt mỏi và can đảm nhất: luôn giải tội, dạy giáo lý, chăm sóc bệnh nhân, làm mọi việc một cách vui vẻ.

Ngài là một vị thánh luôn vội vã, thế nên đôi khi người ta cho rằng ngài hiếu động, nhưng Thiên Chúa biết hết, như ngài nói về mình rằng ngài đi đó đây không vì muốn thay đổi hoặc làm việc mình thích, mà “phải đi mở cửa”, và Thiên Chúa biết cửa nào đáng giá với ngài. Nếu ngài chỉ ở Goa 5 tháng khi ngài đến đó lần đầu tiên, thì những người bệnh, người nghèo, người nô lệ, người bị xa lánh sẽ không bao giờ quên vì họ đã từ bỏ tà giáo nhờ ngài làm việc suốt ngày đêm.

Trong 10 năm ở Đông Ấn, dấu ấn của ngài là cái chuông. Khó khăn nhất đối với ngài là vấn đề ngôn ngữ. Ngài nhờ người dịch các kinh nguyện và các điều răn sang tiếng Tamil, hoặc bất cứ ngôn ngữ nào. Ngài cho biết: “Khi tôi nhờ họ giúp tôi ghi nhớ, tôi đi khắp nơi với cái chuông cầm trong tay, kêu gọi các em trai và đàn ông để tôi dạy họ 2 lần mỗi ngày trong một tháng.”

Thánh Phanxicô Xaviê viết cho Thánh Inhaxiô: “Rất nhiều người đến với đức tin ở vùng đất mà tôi đi khắp nơi để rửa tội, và tôi rất thường xuyên đọc Kinh Tin Kính và Mười Điều Răn.” Không lâu sau, tay ngài gần như bị liệt, vì rửa tội ở khắp vùng Tranvacore, chỉ trong vòng một tháng mà ngài rửa tội hơn 10.000 người, nghĩa là mỗi ngày phải mất 12 giờ để rửa tội. Cứ như thế trong 30 ngày liên tiếp.

Tháng 09-1545, ngài vượt đường xa 1.000 dặm đường biển để tới nơi phải đến. Ngài làm việc như người ở TP Malacca, chủ yếu ở giữa những người Bồ Đào Nha thực dân, những người này ít cần theo đạo hơn dân bản xứ Malacca. Từ đó tới rừng Amboina và quần đảo Moro, ngài không bị ngăn cản.

Mùa Xuân năm 1547, khi trở lại Malacca, và lần đầu tiên ngài nghe nói tới Nhật Bản, nơi mà tên Chúa Giêsu Kitô chưa được biết đến, và Phúc Âm cũng chưa được rao giảng, chưa một người Âu châu nào đặt chân tới. Tháng 4-1549, ngài khởi hành từ Goa tới Nhật Bản, vượt 6.000 dặm đường biển, dù chẳng biết một chữ tiếng Nhật nào. Và rồi ngài cảm thất thất vọng trong những năm ở Nhật Bản.

Một tu sĩ Dòng Tên diễn tả: “Ở Cape Comorin, ngài làm được chiếc lưới, nhưng ở Nhật Bản ngài phải bắt cá bằng sợi dây.” Ngài bị khổ sở vì người ta và thời tiết. Nói chung, Nhật Bản là nỗi buồn não nề. Giữa tháng 11 năm 1551, ngài lên tàu đi Nhật Bản, dành 2 năm 6 tháng làm việc ở Kagoshima, Ichiu, Tamaguchi, Hirado, Fuiami, nhưng không có hơn 2.000 Kitô hữu, rất ít so với 15 triệu cư dân. Tuy nhiên, Thiên Chúa không tính bằng những con số, và từ số tín hữu ít ỏi này đã phát triển thành một cộng đoàn lớn của Giáo Hội.

Mùa hè năm 1552, ngài tới “thiên đường buôn lậu” San Cian, một hòn đảo cằn cỗi và trống trơn nằm ngoài khơi Quảng Đông. Ngài đợi ở đó cho tới khi gặp một thương gia Trung Hoa đồng ý đưa ngài vào đất liền, khởi hành ngày 19 tháng 11.

Buổi sáng, ngài gói sách và quần áo, rồi hướng mắt vào bờ biển và chờ đợi. Nhiều giờ trôi qua vẫn không thấy gì, dù chỉ là một cánh buồm thấp thoáng xa xa. Ngài biết mình bị lừa, thân xác mệt mỏi nhưng tinh thần ngài vẫn không nao núng. Nhưng rồi ngài bị bệnh nặng. Hai tuần sau, ngài qua đời vào đêm 2-12-1552, khi đó ngài mới 46 tuổi 7 tháng.

Sau 70 năm, ngày 12-03, ĐGH Grêgôriô XV tuyên thánh cho hai người bạn của nhau là Inhaxiô và Xaviê. ĐGH Piô X tôn vinh Thánh Phanxicô là bổn mạng công cuộc truyền bá đức tin và các sứ vụ Công giáo. Ngài đã đi khoảng 75.000 dặm, bằng ba lần vòng quanh trái đất. Ngài mất hai năm đi tàu. Khoảng cách từ Goa tới Cape Comorin tương đương từ New York tới Miami, Thánh Phanxicô Xaviê đã đi khoảng cách đó 13 lần.

Nếu chúng ta mong đợi Thánh Phanxicô Xaviê cung cấp nhật ký hải hành của ngài thì chúng ta không biết gì về ngài. Ngài có các mối quan tâm riêng, nhưng tập trung vào các linh hồn được ngài đề cập trong 127 lá thư mà ngày nay vẫn còn được lưu trữ. Các thư này được ngài viết trong rừng sâu, trên biển cả, nhưng ngài không cho biết về voi, cọp, hoặc cá mập. Chữ viết của ngài cho thấy rất khó khăn, nhưng ý tưởng như ngọn lửa cháy bùng. Trong đó tỏa sáng chân dung điều tốt đẹp dưới bầu trời này, và một người hoàn toàn vị tha, không chút vị kỷ.

2. THÁNH TÍCH

Thánh Phanxicô Xavie có vóc dáng cao khoảng 162–170 cm, chứng tỏ ngài khỏe mạnh, nhưng ngài kiệt sức vì hành trình cực nhọc với nhiệt huyết loan báo Tin Mừng nên ngài qua đời khi mới 46 tuổi, vào ngày thứ Bảy, 03-12-1552, tại đảo Sancian, gần Trung quốc. Chỉ có vài người tại đám tang ngài.

Antonio mặc áo lễ cho ngài và đặt thi hài ngài vào quan tài, phủ lớp vôi dày, và quan tài được an táng dưới lòng đất. Không có thời gian nhiều, tàu lại phải nhổ neo vào ngày 17-02-1553.

Khi khai quật thi hài thánh nhân, người ta bỏ lớp vôi đi và ngạc nhiên thấy thi hài ngài vẫn nguyên như khi an táng. Họ chạm vào thi hài ngài và xác định vẫn nguyên vẹn, không bị phân hủy. Một hiện tượng khác thường so với điều kiện tự nhiên. Lm Phanxicô Xavie đã từng được coi là thánh sống lúc còn sinh thời. Thi hài ngài vẫn được để trong quan tài với lớp vôi hơn hai tháng nữa mà cũng không bị phân hủy, vẫn nhìn thấy rõ gân và mạch máu nổi lên. Đây là một phép lạ, dù cho có xảy ra bất cứ chuyện gì sau đó.

Để minh chứng cho thuyền trưởng, họ cắt một miếng thịt ở bắp đùi trái của ngài, miếng thịt được cắt lớn bằng khoảng một ngón tay. Vết cắt vẫn chảy máu. Sau đó, quan tài được đưa lên tàu đem tới Malacca. Con tàu tới Malacca ngày 22-03-1553. Hôm sau, cả thành phố tới rước thi hài ngài vào nhà thờ Đức Mẹ Núi (Our Lady of Mount), Thánh Lễ cầu hồn cho ngài được cử hành và thi hài ngài được an táng ngay lối vào cung thánh mà không có quan tài. Ngôi mộ nhỏ bé nên khi đưa thi hài ngài vào mộ thì cổ ngài bị cong, người ta cố gắng đẩy vào nên làm gãy cổ ngài. Ngài an nghỉ tại đó cho tới khi dời thi hài tới Goa ngày 15-3-1554, và là nơi an nghỉ cuối cùng của ngài. Tại Goa, người ta đến kính viếng ngài càng ngày càng đông.

Ngày 03-11-1614, cánh tay phải của ngài được cắt ra – từ khuỷu tay với các ngón tay, rồi được đưa tới Rôma và được đặt tại Nhà thờ Chúa Giêsu (Church of Gesu).

TRẦM THIÊN THU (tổng hợp và chuyển ngữ)

 

Nguồn tin: nhathothaiha.net
Tags :