Sống Mầu Nhiệm Phục Sinh Để Loan Báo Tin Mừng

Tue,06/04/2021
Lượt xem: 2007

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương

 

Chúng ta đang sống trong bối cảnh cả thế giới phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề về số lượng người tử vong, nhiễm bệnh cũng như về mọi lĩnh vực bởi Đại Dịch Covid 19. Là người công giáo, được đức tin hướng dẫn, chúng ta chỉ biết đặt mọi sự dưới sự quan phòng của Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa là Đấng quyền năng và làm Chủ mọi sự trên toàn bộ vũ trụ này. Nhờ mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Giê-su, những người tín hữu của Chúa sẽ luôn luôn vững bước, can đảm, khôn ngoan để đối diện với mọi vấn đề dẫu có khó khăn, gian nan và ngay cả sự chết. Cũng nhờ mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Giê-su mà mỗi chúng ta, ki-tô hữu luôn sống lạc quan, đầy niềm hy vọng qua mọi biến cố xảy ra trong cuộc đời. Phải chăng nhờ vậy, chúng ta có cơ hội để loan báo Tin Mừng cho những người đang sống bên cạnh chúng ta trong mọi nơi và mọi lúc, nhất là trong bối cảnh đầy biến động này?

1/ Mầu nhiệm Phục Sinh là gì?

Mầu nhiệm Phục Sinh là mầu nhiệm lớn trong đạo, là mầu nhiệm mừng Đức Giê-su Sống lại từ cõi chết. Chính các Tông đồ, cụ thể là Thánh Phaolô đã mạnh mẽ tuyên xưng: “Còn chúng tôi, chúng tôi xin loan báo cho anh em Tin Mừng này: điều Thiên Chúa hứa với cha ông chúng ta, thì Người đã thực hiện cho chúng ta là con cháu các ngài, khi làm cho Đức Giê-su sống lại, đúng như lời đã chép trong Thánh vịnh 2: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con.”(Cv 13, 32-33). ‘Sự Sống Lại của Chúa Giê-su là chân lý cao cả nhất của đức tin chúng ta vào Đức Ki-tô, với tính cách là một chân lý trung tâm đã được tin và thể hiện trong cuộc sống bởi cộng đoàn Ki-tô giáo tiên khởi, đã được lưu truyền bởi Thánh Truyền như chân lý nền tảng, đã được xác lập bởi các văn kiện của Tân Ước, và được rao giảng, đồng thời cùng với thập giá, như là phần thiết yếu của mầu nhiệm Vượt Qua.’ (x. GLHTCG, số 638). Mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Ki-tô là một biến cố có thật bởi ngôi mộ trống và các cuộc hiện ra với các môn đệ. Về điều này, chính thánh Phaolô cũng đã khẳng quyết với cộng đoàn Côrintô: “ Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh.” (1Cr 15, 3-4). Đức Giê-su Sống Lại thật rồi, đó là niềm tin của mỗi chúng ta. Thế nhưng, sự sống lại của Đức Giê-su Ki-tô đã đem lại những ý nghĩa và hiệu quả nào cho mỗi chúng ta?

2/ Mầu nhiệm Phục Sinh đem lại cho nhân loại những ý nghĩa và hiệu quả nào?

Sự Phục Sinh của Đức Ki-tô đã đem lại những hiệu quả cho nền tảng đức tin của chúng ta. Chính Thánh Phaolô quả quyết: Nếu Đức Kitô không sống lại, thì tất cả lời giảng của chúng tôi đều là vô ích, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng.” (1Cr 15,14). Như vậy, Thánh nhân đã khẳng định Đức Giê-su Ki-tô đã sống lại thật sự. Theo Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 653: Sự Phục Sinh của Đức Ki-tô được liên kết chặt chẽ với mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Sự phục sinh là việc hoàn thành mầu nhiệm này theo kế hoạch vĩnh cửu của Thiên Chúa. Hơn nữa, Đức Ki-tô, nhờ Sự Chết của Người, giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, nhờ sự Phục Sinh của Người, mở đường cho chúng ta tiến vào cuộc sống mới. “…cũng như Đức Ki-tô đã sống lại từ cõi chết…, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới”. (Rm 6,4). Như thế, sự Sống Lại của Đức Ki-tô đem lại niềm vui khôn tả cho mỗi người vì nhờ vậy, chúng ta được phục hồi con người tội lỗi để trở nên nghĩa thiết với Ngài. Cũng nhờ sự Phục Sinh của Đức Giê-su Ki-tô, từ nay chúng ta sẽ không còn phải chết nữa. Điều này được Kinh Thánh xác quyết rằng: “Đức Ki-tô đã sống lại từ cõi chết, mở đường cho những ai an giấc ngàn thu…Như mọi ngươi vì liên đới với Adam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống” (1Cr 15, 20-22).

Bên cạnh đó, Sự Phục Sinh của Đức Giê-su Ki-tô giúp mỗi chúng ta biết hướng thượng, biết hướng về Trời để được sống thay vì chỉ biết nhìn xuống và sống trong sự tội của ma quỷ, của xác thịt và thế gian. Hướng về trời để rồi từ nay mỗi chúng ta không sống trong sự thất vọng nhưng luôn luôn sống trong tinh thần lạc quan và hy vọng. Vì từ con người phải chết và chết đời đời do tội, nay nhờ sự Phục Sinh, chúng ta sẽ được sống muôn đời. Cũng như Đức Giê-su đã phải trải qua đau khổ và Cái Chết mới được Sống Lại, chúng ta cũng được vững tin và lạc quan dẫu có những khó khăn, gian nan và thử thách vì biết rằng “Hạt giống có chết đi mới sinh ra bông hạt khác”(x.Ga 12,24). Cũng vậy, có ngày Thứ 6 Tuần Thánh mới có Ngày Chúa nhật Phục Sinh. Nhờ đặt nền tảng vào chân lý Phục Sinh như vậy, chúng ta cố gắng sống vui, lạc quan và hy vọng mỗi ngày dù có bóng đêm của tội lỗi bao phủ bởi tính xác thịt, bởi những cám dỗ của ma quỷ cũng như bởi những cái hư nát của thế gian. Đặc biệt, Đức Ki-tô Phục Sinh đã đem lại sự bình an đích thực cho các môn đệ nói riêng và mỗi chúng ta nói chung: “Bình an cho anh em” (x, Lc 24,37; Ga 20,19.21.26). Sự bình an mà không một ai hay thứ gì có thể đem lại. Nếu mỗi chúng ta biết sống mầu nhiệm Phục Sinh với những hiệu quả mà Đức Ki-tô đem lại, chúng ta sẽ trở nên chứng nhân của niềm vui và niềm hy vọng cho thế giới nhiễu nhương này. Vậy,

 3/ Chúng ta phải sống mầu nhiệm Phục sinh như thế nào để loan báo Tin Mừng trong thời đại hôm nay?

Như chúng ta đã biết, Mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Giê-su Ki-tô đã đem lại cho chúng ta niềm vui trọn vẹn. Niềm vui vì từ nay chúng ta không còn sống trong sự sợ hãi và thất vọng nữa. Niềm vui Phục Sinh là nguồn sống giúp chúng ta biết vượt qua những gian nan, khổ đau và những thất bại trong cuộc đời vì biết rằng ‘lửa phải thử vàng’ và ‘gian nan mới thử đức’, vì phải trải qua thập giá mới đến vinh quang là vậy. Chính vì thế, người công giáo sống và làm việc nơi mọi môi trường không được phép buồn bã và thất vọng nhưng phải luôn luôn tin tưởng, lạc quan và vui vẻ trong mọi hoàn cảnh. Nhờ nét mặt vui tươi và ánh mắt dễ thương như thế, mọi người mà chúng ta gặp trên đường đời sẽ nhận ra được dấu chỉ của niềm vui và hy vọng của Đạo Công Giáo.

Mặt khác, người sống mầu nhiệm Phục Sinh là người luôn ý thức có Chúa luôn hiện diện với mình. Mà có Chúa hiện diện là có sự bình an và niềm vui trào dâng. Một khi đã có niềm vui và bình an từ Chúa, người ki-tô hữu cố gắng trở nên ‘vui người vui, khóc với người khóc’, trở nên người dễ mến và hoà nhã với mọi thành phần mà không phân biệt lương giáo hay sắc tộc. Như vậy, sự hiện diện của chúng ta là để trao ban niềm vui và bình an cho người khác thay vì tin buồn, ‘tin vịt’, tin nhảm nhỉ, hay sự bất an và bất hạnh cho họ. Điều này, Chúa Giê-su cũng mong các môn đệ khi đến nhà nào thì hãy nói: “Bình an cho nhà này” là vậy (x.Lc 10, 1-12). Phải chăng sống mầu nhiệm Phục sinh là hiện diện và trao ban sự bình an và niềm vui cho những người mà chúng ta gặp gỡ trên đường đời? Phải chăng đây là một trong những cách thức loan báo Tin Mừng hữu hiệu mà Chúa và Giáo Hội đang mong ước.

Hơn nữa, người sống Mầu nhiệm Phục Sinh là người sẵn sàng ra đi và gặp gỡ anh chị em đồng loại trong mọi nơi mọi lúc mà không ngần ngại khó khăn và cản lối. Vì một khi đã được gặp Đấng Phục Sinh nơi đời sống cầu nguyện, nhất là nơi Thánh Lễ hằng ngày, ít nhất là ngày Chúa Nhật, mà chúng ta lại không thể không gặp hình ảnh của Chúa nơi mọi người, nhất là nơi người nghèo khổ, bệnh hoạn tật nguyền và già cả neo đơn. Như thế, vô tình hay hữu ý, chúng ta đang làm cho nhiều người nhận ra được gương mặt của một vị Thiên Chúa vô hình ngang qua sự hiện diện hữu hình của con cái Chúa nơi đời sống hằng ngày.

Bên cạnh đó, người sống mầu nhiệm Phục sinh là người sống mối tình tương thân tương ái trong mọi nơi và mọi lúc mà không phân biệt bất kỳ đối tượng nào cả. Vì tất cả đều là anh em dưới mái nhà chung trong sự quan phòng của vị Thiên Chúa, Đấng sáng tạo muôn loài muôn vật. Người sống mầu nhiệm Phục Sinh là người đặt yêu thương và tha thứ lên trên hết trong sự gặp gỡ, đối thoại và tiếp cận. Phải chăng đây là bài học đáng ghi nhớ cho mỗi chúng ta khi muốn giới thiệu Thiên Chúa Tình Yêu ngang qua Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời Nhập Thể, Đấng lập nên Đạo Yêu Thương cho anh chị em đồng loại, nhất là những anh chị em chưa nhận biết Chúa.

Như vậy, sống mầu nhiệm Phục Sinh là trở nên chứng nhân của niềm hy vọng. Vì xuất phát từ nguồn sung mãn là Thiên Chúa, nguồn hy vọng duy nhất cho chúng ta về sự sống đời đời, chúng ta sẵn sàng hy sinh, dấn thân và phục vụ trong mọi hoàn cảnh cho mọi người dầu chất chứa những chông gai, bão táp, vấp ngã, ngay cả cái chết trên nẻo đường. Vì thế, người có niềm vui Phục Sinh là người luôn để sự bình an, tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa chiếm đoạt và hướng dẫn hầu có thể trở nên ánh sáng Phục sinh đốt cháy trong mọi ngõ ngách nơi vùng ngoại biên những tâm hồn khô khan, nguội lạnh và u tối.

Quả thật, mừng mầu nhiệm Đức Giê-su Ki-tô Sống Lại, chúng ta rất đỗi vui mừng và hân hoan ca tụng tình yêu khôn dò thấu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Vì từ nay, chúng ta không còn sợ hãi và buồn bã bởi sự tội cũng như sự chết, nhưng chúng ta sẽ được giải thoát nhờ sự Sống Lại của Đức Giê-su Ki-tô. Tuy nhiên, để đón nhận được ân sủng của Đấng Phục Sinh, chúng ta đòi buộc phải chấp nhận chết đi cái tôi ích kỷ, cái tôi tội lỗi, con người cũ với bao nhiêu bất xứng, yếu đuối và xấu xa hằng ngày. Nhờ đó chúng ta trở nên những chứng nhân sống động cho thế giới này ngang qua ‘cách sống mới’ bởi những ân lộc của Chúa Phục Sinh là hy vọng hơn là thất vọng, là yêu thương hơn ghen ghét, là lạc quan vui sống hơn chan chứa nỗi buồn, là bình an hoan lạc hơn là buồn bã kêu than…

Nguồn tin:
Tags :