Plato Và Kitô Giáo: Sự Hoàn Thiện, Thông Thiên Học Và… Kem Dưỡng Da Tay Hữu Cơ

Tue,23/01/2024
Lượt xem: 299

 PLATO VÀ KITÔ GIÁO: SỰ HOÀN THIỆN

THÔNG THIÊN HỌC VÀ… KEM DƯỠNG DA TAY HỮU CƠ

Tư tưởng của Plato về một thế giới vĩnh cửu của các hình thức hoàn hảo (Forms) đã cung cấp một khuôn mẫu giúp các triết gia Kitô giáo xây dựng tầm nhìn về lĩnh vực vĩnh hằng và siêu nghiệm của Thiên Chúa. Khái niệm này đã tích hợp thần bí Hy Lạp và Do Thái cổ xưa, và có ảnh hưởng to lớn không chỉ với niềm tin Kitô giáo mà còn với toàn bộ truyền thống tư tưởng phương Tây, cho đến thông thiên học hiện đại, ngay cả với đến các trường học theo phương pháp giáo dục Waldorf và các loại kem dưỡng tay hữu cơ.

Ngày nay, đôi khi người ta xem tôn giáo một cách nào đó đi ngược với sự tìm tòi suy lý, chức năng của triết học đúng nghĩa, tuy nhiên không phải lúc nào điều này cũng đúng. Ở thời điểm và nơi chốn riêng của chúng, triết học Kitô giáo cũng như Phật giáo và tư tưởng Hồi giáo đều đã (và đang) được coi là triết học chính thống.

Triết học cũng chưa bao giờ bị giới hạn nơi những tư tưởng phân tích hàn lâm. Sartre và Camus đã trình bày phần lớn triết học của họ nơi các tác phẩm hư cấu, tiểu thuyết, tiểu luận văn học và các vở kịch. Triết học được diễn tả qua các bài thơ (chẳng hạn trong chủ nghĩa lãng mạn Đức), các công trình vật lý và toán học (chẳng hạn triết học vật lý lượng tử), thuật bắn cung, hội họa và cắm hoa (trong văn hóa truyền thống Nhật Bản). Việc triết học hàn lâm hiện nay không để ý đến tất cả các hình thức minh triết này là một tấn bi kịch, dẫn đến một ngành học hàn lâm cằn cỗi, chỉ quẩn quanh chính mình mà không còn tương tác với nền văn hóa rộng lớn hơn chung quanh mình. Các nhà triết học hàn lâm nhanh chóng phàn nàn khi các phân khoa triết nơi các trường đại học bị đóng cửa, nhưng liệu họ có thể thực sự biện minh cho việc xã hội không màng đến triết học, một khi chúng chẳng đem lại điều gì giá trị?

Từ “Philo-sophy” có nghĩa là tình yêu (philia) dành cho sự khôn ngoan (sophia). Phải chăng có thể tìm thấy sophia ở nhiều nơi khác chứ không chỉ nơi siêu hữu thể luận (metaontology) và luận lý hình thức?

Các tôn giáo luôn dùng truyện kể để giáo dục, định hình cách suy nghĩ và hình thành một khuôn mẫu luân lý chung để xã hội vận hành. Và về mặt lịch sử, những triết thuyết lớn của Ấn giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo và Kitô giáo còn có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến lịch sử và văn hóa nhân loại qua các thời đại, chắc chắn hơn cả các tác phẩm của Frege, Wittgenstein hay thậm chí của Heidegger.

Plato và những vòng tròn hoàn hảo

Do đó, cần trở lại một chút về khởi nguồn của chính triết học phương Tây – cũng như của phần lớn những gì sau đó trở thành tư tưởng Kitô giáo – và về Plato, người  khởi xướng phần lớn triết học phương Tây, cũng là cách chúng ta thường nghĩ về cái “bên kia” Kitô giáo, thiên đường hay nơi Thiên Chúa ngự trị.

Để hiểu được Plato, hãy xem xét một vòng tròn vẽ trên giấy. Đó chắc chắn không là một vòng tròn thực sự. Nó có thể không đều ở một số chỗ hoặc thậm chí có thể không kết đúng chỗ. Nhưng điều đó không quan trọng. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra đó là “giả định là vòng tròn”. Ngay cả những vòng tròn vẽ bằng máy, hay những vòng tròn trên màn hình máy tính cũng không chắc là những vòng tròn thực sự và hoàn hảo. Chúng có thể gồm những điểm hình vuông và dưới kính hiển vi, chúng sẽ trông giống cầu thang hơn là các đường cong nhẵn nhụi. Nếu ta dùng mực vẽ vòng tròn, nó sẽ thấm vào giấy và tạo ra đủ loại hình không phải là “vòng tròn”: tùy đường vẽ đậm hay lợt, mực thấm vào trang giấy thành những vết nhỏ lan rộng, xa hay gần tâm vòng tròn.

Vậy làm thế nào để biết được vòng tròn là gì nếu ta chưa bao giờ thật sự nhìn thấy nó? Và cũng có thể hỏi như vậy với mọi vật cụ thể trong thế giới này. Giống như việc chưa từng có người nào nhìn thấy một “cây chung chung”. Mỗi cây là một cá thể độc nhất và không có cây nào thực sự giống “ý niệm cây”. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều có khả năng nhận ra “cây”. Nhưng làm sao nhận biết cây nếu chúng ta chưa bao giờ thấy một cây hoàn hảo?

Bạn có thể nói chúng ta so sánh cây mà ta thấy được với một hình ảnh trừu tượng về hình dáng của một cây. Và hình ảnh trừu tượng này ở đâu? Chính trong tâm trí chúng ta. Hình ảnh trừu tượng về “X hoàn hảo” (bất kỳ X nào) là điều mà Plato gọi là “Hình thức (hay Ý niệm) của X”. Chúng ta sẽ viết hoa Hình thức và Ý niệm để ám chỉ thí dụ hoàn hảo của Plato về X, trong đó X có thể là bất cứ thứ gì. Do đó với Plato, có Ý niệm cây, nhà, xe ô tô, v.v.; và mỗi ý niệm là hình ảnh hoàn hảo về hình dạng lý tưởng của vật tương ứng. Plato sẽ nói: tất cả các trường hợp cụ thể (không hoàn hảo) của các vòng tròn đều thông dự vào ý niệm vòng tròn hoàn hảo – và đây là phương cách chúng ta có thể nhận ra chúng là vòng tròn.

Plato, Kitô giáo và hơn thế nữa

Bây giờ có thể có người hỏi: những ý niệm hoàn hảo của sự vật này ở đâu? Chúng chỉ có trong tâm trí hay chúng thực sự tồn tại ở mọi nơi? Plato nghĩ rằng các Ý niệm thực sự tồn tại, nhưng chúng tồn tại một nơi riêng biệt nằm ngoài vũ trụ bình thường và tại một thời điểm ngoài thời gian thông thường của chúng ta. Điều này có nghĩa là dù chúng ta du hành vào không gian xa tới đâu thì cũng không thể tìm được nơi các Ý niệm tồn tại vì nơi này nằm bên ngoài không gian (có lẽ ngày nay chúng ta sẽ nói: “trong một chiều kích không gian khác”, theo cách nói của các bộ phim khoa học viễn tưởng). Tương tự, các Ý niệm không tồn tại trong một dòng thời gian vĩnh cửu (được hiểu là khoảng thời gian vô tận) nhưng đúng hơn là hoàn toàn nằm ngoài thời gian.

Thế giới của Thiên Chúa và của loài người

Giờ đây chúng ta có thể biết được điều đó đang diễn ra ở đâu. Plato đã cung cấp cho các triết gia Kitô giáo thời đầu một chỗ hoàn hảo dành cho sự hiện diện của Thiên Chúa. Cho đến thời điểm đó, các vị thần (ví dụ như các vị thần Hy Lạp và La Mã cổ đại) được ở những nơi có thực: sống trên núi Olympos, sinh ra ở vùng biển ngoài đảo Síp, và thậm chí nhiều người còn cho rằng Adam rời bỏ thiên đường xuống đỉnh Adam thuộc Sri Lanka. Chính Plato đã giải thích rõ rằng một Thượng đế siêu việt thực hữu sẽ ở một nơi như thế nào: đó là một nơi vượt ra ngoài không gian và thời gian. Ngài không những tồn tại mãi mãi, nhưng còn hoàn toàn nằm ngoài thời gian, trong sự vĩnh cửu khác với thời gian kéo dài. Cũng giống như Ý niệm, Thiên Chúa có thực nhưng ở một nơi khác. Ngài tồn tại ở nơi loài người chưa biết đến. Ngài hoàn hảo như Ý niệm của Plato và người phàm không thể tiếp cận vương quốc thật của Ngài bao lâu họ còn sống. Chỉ một hữu thể hoàn hảo mới có thể thoáng thấy vương quốc thực sự của Chúa, cũng giống như chỉ có một triết gia hoàn hảo mới có thể nhận thức được chính Ý niệm.

Để nhận thức được Ý niệm, các triết gia (hoặc các Kitô hữu hoàn hảo) phải bỏ lại sau lưng mọi thứ trần tục. Linh mục và tu sĩ cần vượt qua những đam mê thế tục và trở thành độc thân cũng giống như một nhà thông thái theo Plato giả định thay thế tình yêu một người cụ thể  bằng tình yêu trừu tượng dành cho sự khôn ngoan. Thân xác quá thuộc về thế giới này để có thể nhận thức được thế giới Ý niệm – và vì vậy nhà thần bí Kitô giáo sẽ nhắm được giải thoát khỏi nhà tù thân xác. Tương tự những người thực hành khổ chế thuộc các tôn giáo khác, nhà thần bí Kitô giáo sẽ ăn chay, kiêng rượu và tình dục và tập trung cái nhìn hoàn toàn quy hướng về vương quốc của Thiên Chúa.

Tính cách Plato này đã phát triển mạnh mẽ trong suốt chiều dài lịch sử của Kitô giáo, hòa lẫn với thần bí Do Thái và việc thờ cúng huyền bí Hy Lạp cổ đại và khai sinh truyền thống vô cùng đa dạng và lâu đời của thần nghiệm phương Tây: tất cả các tư tưởng từ Thuyết bí ẩn và Thuyết ngộ đạo cổ đại cho đến Thông thiên học, Hội Tam điểm và thậm chí một số hình thức của chủ nghĩa ngoại giáo hiện đại. Vào thế kỷ 19 và 20, nghành Thông thiên học đã ảnh hưởng đến nhận thức ban đầu của phương Tây về Tây Tạng và Phật giáo Tây Tạng (thông qua tác phẩm của Alexandra David-Neel) và toàn bộ phong trào của Rudolf Steiner và Nhân trí học (Anthroposophy)[1] của ông vẫn còn phát triển mạnh mẽ cho đến ngày nay, nơi các công ty chăm sóc sức khỏe như Weleda hoặc các hệ thống giáo dục như trường Waldorf.

Plato và thế giới siêu nghiệm của ông về những điều hoàn hảo chưa bao giờ ngừng mê hoặc chúng ta. Một ý tưởng 2500 năm tuổi đã kiến tạo thế giới chúng ta có lẽ nhiều hơn bất kỳ khái niệm triết học nào khác: từ linh mục độc thân cho đến kem dưỡng tay hữu cơ, tất cả cuối cùng đều trở về với triết gia Hy Lạp thời thượng cổ và tình yêu của ông đối với những điều hoàn hảo đích thực.

----------------

[1] “Anthroposophy là một con đường khám phá tri thức, mà trên đó mỗi con người cất bước hành trình đi tìm ý nghĩa thiêng liêng của cuộc sống (ND).

By Dr Andreas Matthias (dphilo)

Chủng sinh Phêrô Cao Nguyễn Tiến Hưng chuyển ngữ từ daily-philosophy.com 

 

Nguồn tin: https://stellamaris.edu.vn/
Tags :