Chương Trình Đào Tạo

 III. NỘI DUNG ĐÀO TẠO
Nói về việc đào tạo linh mục, số 59 của Tông Huấn Những Mục Tử Như Lòng Chúa Mong Ước nhấn mạnh cả ba chiều kích mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ: “Bởi lẽ hoạt động mục vụ tự bản chất nhắm đến việc tạo sức sống cho Hội Thánh, vốn thiết yếu là “mầu nhiệm”, “hiệp thông” và “sứ vụ”, việc đào tạo người mục tử sẽ phải ý thức và đẩy mạnh các chiều kích ấy trong việc thi hành thừa tác vụ.”
Hiểu như thế, chủng viện giúp chủng sinh chuẩn bị để thể hiện nơi mình và nơi cộng đoàn Dân Chúa cả ba chiều kích: mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ.
1. ĐÀO TẠO SỐNG MẦU NHIỆM
“Có một điều quan trọng nền tảng là phải ý thức rằng Hội Thánh là “mầu nhiệm”, tức là công trình của Thiên Chúa, hoa quả của Thần Khí Đức Kitô, sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa trong cộng đoàn Kitô hữu. Thay vì làm giảm thiểu ý thức trách nhiệm đích thực của người mục tử, ý thức này sẽ giúp vị mục tử xác tín rằng Hội Thánh tăng trưởng là nhờ tác động hào phóng của Chúa Thánh Thần và xác tín rằng, nhờ ơn Chúa, mình đang được phục vụ Tin Mừng như một “tôi tớ bất xứng” (x. Lc 17,10). (PDV 59b; xem thêm PDV 51bc; 73).
Như thế, “việc huấn luyện tu đức phải liên kết chặt chẽ với việc trau dồi học vấn và huấn luyện mục vụ,… sao cho các chủng sinh biết luôn sống kết hợp mật thiết với Chúa Cha, nhờ Chúa Giêsu Kitô Con Người và trong Chúa Thánh Thần. Do bí tích Truyền Chức Thánh, họ phải là hiện thân của Chúa Kitô Linh Mục, lại nữa, bởi cùng chia sẻ một cuộc sống của Người, nên họ phải quen sống kết hợp với Người như bạn hữu. Họ phải sống Mầu Nhiệm Phục Sinh của Người thế nào để biết khai sáng Mầu nhiệm ấy cho đoàn chiên sẽ được giao phó.” (OT 8).
1.1. NHỮNG MÔN HỌC VỀ MẦU NHIỆM
Trọng tâm của khoa thần học là nhằm đưa người học đến chỗ ngày càng khám phá Chúa Giêsu Kitô và gắn bó với Người, rồi từ đó khám phá Ba Ngôi Thiên Chúa và hiệp nhất với Ba Ngôi. Theo hướng ấy, việc học thần học sẽ bắt đầu với sự tiếp cận với Thánh Kinh, Truyền Thống và Giáo Huấn của Giáo Hội, sẽ tập trung trên trục chính của tín lý là Kitô học trong tương quan với các môn học khác.
1.2. NHỮNG KINH NGHIỆM VỀ MẦU NHIỆM
Hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi
Linh mục được chọn để giúp Dân Chúa được sống dồi dào. Sứ mạng ấy đòi chính linh mục phải hiệp thông sâu xa với Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì thế, hằng ngày dưới tác động của Chúa Thánh Thần, chủng sinh cần tập ý thức sống hiệp thông với sự sống và tình yêu cứu độ của Thiên Chúa Ba Ngôi, noi gương Đức Giêsu Kitô, sống tình con thảo đối với Chúa Cha và tình huynh đệ đối với mọi người. Chủng sinh cần biết “trung thành suy gẫm Lời Chúa, trong việc thông hiệp tích cực các Mầu Nhiệm chí thánh của Hội Thánh, nhất là Bí Tích Thánh Thể và kinh nguyện thần vụ…” (x. OT 8).
Cầu nguyện
Cầu nguyện Kitô giáo là một gặp gỡ sinh động và cá biệt với Thiên Chúa Cha, nhờ Người Con duy nhất của Người, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, là một cuộc đối thoại dự phần vào cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu với Cha Người.
Để đào tạo đời sống cầu nguyện, chủng sinh cần tập suy niệm Lời Chúa mỗi ngày. Lời Chúa làm cho con người gặp gỡ chính Thiên Chúa, và gặp gỡ Chúa Kitô là Ngôi Lời của Thiên Chúa, là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống. Cần tập ý thức đọc và suy niệm Lời Chúa với tâm tình cầu nguyện và lòng khiêm tốn lắng nghe. Ánh sáng và sức mạnh của Lời Chúa giúp con người khám phá, hiểu biết, quý chuộng và đi theo ơn gọi của mình, nhờ đó cuộc sống tìm được ý nghĩa căn bản và tròn đầy.
1.3. NHỮNG NHÂN ĐỨC CỦA MẦU NHIỆM
“Chủng sinh cần học sống theo Tin Mừng, đứng vững trong đức Tin, đức Cậy và đức Mến, để nhờ trau dồi các nhân đức ấy, họ có được tinh thần cầu nguyện, phát huy ơn thiên triệu của mình, kiên cường các nhân đức khác và lớn lên trong nhiệt tâm chinh phục mọi người về cho Chúa Kitô.” (x. OT 8).
Ba nhân đức hướng thần là riêng của Kitô giáo, khẳng định Kitô giáo là quà tặng của Thiên Chúa, vượt hẳn mọi nỗ lực kiếm tìm của nhân loại. Các nhân đức hướng thần bắt nguồn từ Thiên Chúa và hướng về Thiên Chúa. Khi mọi nỗ lực nhân loại đã đạt đến tột đỉnh, Thánh Thần Thiên Chúa vẫn còn đưa linh hồn con cái Chúa vươn cao đến vô tận (x. Lv 11,44; Mt 5,48). Vì thế, theo chỉ dẫn trên đây của sắc lệnh Đào Tạo Linh Mục, chủng sinh cần chú ý trước hết đến các nhân đức hướng thần, để khỏi rơi vào nguy cơ dừng lại ở sự hoàn thiện luân lý.
Nhờ các nhân đức hướng thần Tin, Cậy và Mến, chủng sinh nhận biết Thiên Chúa là kho tàng đích thực của mình (x. Mt 13,44) và sẵn sàng trả mọi giá để chiếm hữu. Chính ba nhân đức hướng thần sẽ là sức mạnh giúp chủng sinh hoàn tất các lời khuyên Tin mừng và các nhân đức luân lý tự nhiên.
2. ĐÀO TẠO SỐNG HIỆP THÔNG
“Nhờ ý thức rằng Hội Thánh là hiệp thông, ứng sinh linh mục sẽ được chuẩn bị để đảm đương công cuộc mục vụ của mình với một tinh thần cộng đồng, tận tình hợp tác với các thành phần khác trong Hội Thánh: giữa các linh mục với giám mục, giữa linh mục triều với linh mục dòng, giữa linh mục với giáo dân. Một sự hợp tác như thế trước hết phải có sự hiểu biết và quý chuộng những ân huệ và đặc sủng khác nhau mà Chúa Thánh Thần đã ban tặng và ký thác cho các chi thể của Nhiệm thể Chúa Kitô. Sự hợp tác ấy cũng đòi hỏi phải ý thức cách bén nhạy và chính xác về căn tính của chính mình cũng như về căn tính của những người khác trong Hội Thánh. Sự hợp tác ấy còn đòi buộc phải có sự tin cậy lẫn nhau, sự kiên nhẫn, thái độ hiền dịu và khả năng thấu hiểu và dám kỳ vọng. Trên tất cả, sự hợp tác ấy bén rễ trong một lòng yêu mến đối với Hội Thánh sâu xa hơn cả lòng yêu mến chính mình và những nhóm mình trực thuộc.” (PDV 59c; xem thêm PDV 74).
Như thế, “chủng sinh phải thấm nhuần Mầu Nhiệm Hội Thánh…, để có thể làm chứng sự hiệp nhất đang thu hút mọi người về với Chúa Kitô bằng cách thảo hiếu và khiêm nhường hiệp nhất với vị Đại Diện Chúa Kitô, và một khi đã lãnh nhận chức linh mục, sẽ luôn liên kết với Giám Mục của mình như những cộng tác viên tín cẩn và tiếp tay cộng tác với các anh em linh mục khác. Phải dạy cho họ biết mở rộng tâm hồn tham gia cuộc sống của toàn thể Hội Thánh như lời Thánh Augustinô: “Kẻ nào càng yêu mến Hội Thánh Chúa Kitô càng có Chúa Thánh Thần” (OT 9)
2.1. NHỮNG MÔN HỌC VỀ HIỆP THÔNG
Những môn học phục vụ hiệp thông là: Giáo hội học – Thánh mẫu học – Bí tích học – Giáo sử – Giáo luật và Phụng vụ.
2.2. NHỮNG KINH NGHIỆM VỀ HIỆP THÔNG
Hướng đến đỉnh cao hiệp thông là Thánh Thể
Để hiệp thông với Chúa, chủng sinh cần sốt sắng lãnh nhận các Bí tích mà đỉnh cao và nguồn mạch là Bí tích Thánh Thể. Sự hiệp thông này sẽ soi sáng cho những lựa chọn, những quyết định, những thái độ và những hành động trong đời sống thường ngày.
Hằng ngày chủng sinh cần tham dự Thánh lễ không phải với thói quen nhưng với ý thức tưởng niệm lễ hy tế và sự sống lại của Chúa Giêsu; tham dự với tinh thần hiệp nhất trong tình bác ái, với tâm tình biết ơn đối với ân sủng Chúa, với tâm tình hiến dâng và kết hợp với sự tự hiến của Chúa Giêsu, với tâm tình khao khát chiêm ngắm, tôn thờ Chúa Giêsu, và hiệp thông với tình yêu mục tử của Người.
Sống tinh thần Hội Thánh:
“Cũng phải dạy cho họ biết tìm gặp Chúa Kitô trong Đức Giám Mục, Đấng sai họ đi và trong những người mà họ được sai đến, nhất là trong các kẻ nghèo khó, hèn mọn, đau yếu, tội lỗi và cả những kẻ vô tín ngưỡng. Họ phải lấy lòng tin cậy như con thảo mà tôn kính và yêu mến Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh, Đấng mà Chúa Kitô khi hấp hối trên Thánh Giá đã trối ban làm mẹ người môn đệ.”
“Phải hết sức cố gắng cổ võ việc đạo đức đã được tập quán đáng kính của Hội Thánh khuyên làm, nhưng phải lưu tâm đừng để việc huấn luyện tu đức chỉ hệ tại những việc đạo đức ấy hay chỉ là một nỗ lực tạo ra thứ đạo đức tình cảm” (OT 8).
2.3. NHỮNG NHÂN ĐỨC CỦA HIỆP THÔNG
Tông huấn Những Mục Tử Như Lòng Chúa Mong Ước số 27-30 nhấn mạnh rằng người linh mục phải triệt để sống các giá trị Tin Mừng, đặc biệt là tuân phục, thanh bần và thanh khiết (3 T). Ba nhân đức này bắt nguồn từ ba nhân đức hướng thần và lôi cuốn theo các nhân đức luân lý.
Chủng sinh cần ý thức rằng chính mình đã tự nguyện bước theo Đức Kitô nghèo khó, khiết tịnh và vâng phục, để luôn hân hoan bước đi trong chọn lựa ấy. “Chủng sinh phải thấu hiểu thật rõ ràng là cuộc đời họ không phải để thống trị hay để được danh giá, nhưng để hết mình phụng sự Thiên Chúa và chu toàn bổn phận mục vụ. Phải đặc biệt lo lắng tập sống đức vâng lời linh mục, đời sống khó nghèo và tinh thần xả kỷ sao cho họ quen mau mắn từ bỏ ngay cả những gì được phép nhưng không thích đáng và trở nên giống Chúa Kitô chịu đóng đinh” (OT 9). “Họ cần thâm tín rằng: bậc sống độc thân đáng hân hoan đón nhận không phải chỉ như một mệnh lệnh do Giáo Luật, nhưng như là một ân huệ quý giá của Thiên Chúa mà họ phải khiêm tốn cầu xin, và phải mau mắn đáp ứng với tự do và quảng đại, nhờ ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy và giúp đỡ” (OT 10).
Đào tạo chủng sinh về phương diện này là luôn nhớ ghi khắc vào tâm khảm họ ý nghĩa của thập giá trung tâm của Mầu nhiệm vượt qua. Chính nhờ đồng hoá với Chúa Giêsu chịu đóng đinh, chủng sinh gặp được giá trị của khổ chế, của đau thương, của tử đạo giữa lòng xã hội đề cao tính chiếm hữu vả hưởng thụ.
Ba nhân đức Tin mừng giúp người của Chúa đi từ sự hiệp thông với Ba Ngôi tới chỗ hiệp thông đồng cảm với những người họ phục vụ. “Điều đặc biệt quan trọng là phải chuẩn bị cho các linh mục tương lai biết cộng tác với giáo dân. Công đồng dạy: Họ cần phải sẵn sàng lắng nghe giáo dân, biết lấy tình huynh đệ cân nhắc những ước vọng của giáo dân, trân trọng kinh nghiệm và thẩm quyền của giáo dân trong những lãnh vực khác nhau của hoạt động trần thế, hầu có thể cùng với họ đọc ra những dấu chỉ của thời đại” (PDV 59c).
3. ĐÀO TẠO SỐNG SỨ VỤ
“Nhờ ý thức rằng Hội Thánh là sự hiệp thông trong sứ vụ, ứng sinh lên chức linh mục sẽ được giúp đỡ để yêu mến và sống chiều kích thừa sai cốt yếu của Hội Thánh cùng với những hoạt động mục vụ khác nhau của Hội Thánh. Nhờ đó họ sẽ rộng mở và biết vận dụng mọi khả năng hiện đại để loan báo Tin Mừng, kể cả sự đóng góp quý giá mà các phương tiện truyền thông xã hội có thể và phải mang lại trong lãnh vực này. Cũng nhờ đó họ biết phải tự chuẩn bị để nếu Chúa Thánh Thần và giám mục của họ muốn thì họ sẵn sàng để được sai đi rao giảng Tin Mừng vượt ngoài biên giới quốc gia mình” (PDV 59d; xem thêm PDV 75; OT 19-21).
3.1. NHỮNG MÔN HỌC VỀ SỨ VỤ
Chủng sinh cần được đào tạo về triết học để trí tuệ thêm sắc sảo, biết sử dụng kho tàng kiến thức của gia đình nhân loại về vũ trụ, con người và Thiên Chúa, về tương quan giữa những thực tại ấy, biết nắm bắt những vấn đề lớn của con người với những giải đáp khác nhau qua các thời đại và biết đối thoại với người thời đại mình.
Chủng sinh cần được đào tạo khả năng truyền đạt đức tin và trình bày Mầu Nhiệm Chúa Kitô thích hợp với con người ngày nay:
– khoa học nhân văn (tâm lý học, xã hội học, sư phạm…), nói chung là các khoa học về con người, giúp cho sự hiểu biết về con người và các hiện tượng xã hội thêm sâu rộng. Chủng sinh cần có khả năng:
– sử dụng tiếng mẹ đẻ tốt và một số ngoại ngữ.
– hiểu biết lịch sử Hội Thánh Việt Nam.
– hiểu biết lịch sử và địa lý hai giáo phận Vinh và Thanh Hóa.
– mục vụ giáo xứ.
– truyền giáo học.
– sư phạm đào tạo đời sống nội tâm.
3.2. NHỮNG KINH NGHIỆM VỀ SỨ VỤ
Linh mục thời mới cần nói chuyện được cả với những người thuộc giới trí thức và bình dân.
Học để phục vụ giới trí thức
Với giới trí thức: Việc học ngày càng hướng tới chuyên môn. Giới trí thức biết thế nên không đòi linh mục phải chạy đua trên lãnh vực chuyên môn của họ nhưng đòi linh mục phải nắm vững phần chuyên môn của mình. Trong mắt họ, chuyên môn của linh mục không chỉ là thần học mà còn kinh nghiệm tâm linh. Họ chờ đợi nơi linh mục câu trả lời cho những vấn nạn mà họ gặp phải trong đời sống thường ngày. Họ chờ đợi nơi linh mục những chia sẻ sâu sắc, sáng rõ và sát thực tế (3 S). Linh mục cần có lòng hiếu học, cầu tiến, không ngừng tìm tòi để hiểu biết thật cặn kẽ về phạm vi chuyên môn của mình.
Học để phục vụ giới bình dân
Với lớp bình dân: Linh mục cần lưu ý tập trung vào những điểm then chốt, trình bày trong sáng, nhằm xây dựng tương giao và thực hành (4 T).
– then chốt: ngày nay người ta bị cuốn hút theo xã hội tiêu thụ, không đủ thinh lặng nội tâm, dễ lạc vào những điều phụ và bỏ mất những điều chính. Linh mục cần nắm vững những điều chính và dẫn dắt người khác huớng tới những điều chính đó.
– trong sáng: sự thiếu vắng thinh lặng nội tâm cũng khiến người ta mất khả năng trừu tượng, chỉ hời hợt với những cái cụ thể bên ngoài; do đó, linh mục cần nghiền ngẫm sao để có thể diễn tả những chân lý sâu xa cách đơn sơ, trong sáng, dễ hiểu;
– tương giao: ngày nay người ta rơi vào thế giới sự vật, đánh mất tương quan, do đó, linh mục cần biết cách dẫn vào sự gặp gỡ và sống thân tình với Thiên Chúa, nhờ Lời Kinh Thánh, Lịch sử cứu rỗi, sự Lắng nghe và đáp lại với Lòng tin, cậy, mến (4 L).
– thực hành: ngày nay người ta thường nói mà không làm, đo đó linh mục cần dẫn dắt họ tới chiều kích thực hành. Muốn vậy, chính linh mục phải triệt để sống điều mình đã học hiểu.
Có tấm lòng mục tử
Nhờ gặp gỡ Đức Giêsu và đồng cảm với tình yêu mục tử của Người, linh mục cần đến với mọi người trong tinh thần tự hiến phục vụ. Người linh mục tương lai cần tập sống bác ái huynh đệ với mọi người, đặc biệt với người nghèo, người bé mọn và bị bỏ rơi. Đây phải là đức ái chân thực, chấp nhận, cảm thông và trợ lực trong tương giao với họ trên cơ sở ý thức họ là con cùng Cha, là hình ảnh Thiên Chúa, là giá máu cứu chuộc của Chúa Giêsu, là tác phẩm kỳ diệu của Thiên Chúa, là nơi mà Chúa lựa chọn để hiện diện với ta.
Toàn bộ công cuộc đào tạo hướng đến chỗ biến đổi chủng sinh thành những Mục tử theo mẫu gương Đức Giêsu Kitô, vừa là Thầy, là Tư tế và là Mục tử. Do đó, người linh mục tương lai cần tập luyện nhằm:
(1) Ngày càng am hiểu và tinh thông Lời mạc khải của Thiên Chúa để có thể diễn tả Lời đó bằng ngôn ngữ và bằng đời sống (tác vụ Lời Chúa).
(2) Chuyên tâm cầu nguyện và tích cực tham dự cử hành phụng vụ để có thể hoàn thành sứ vụ cứu độ qua hy tế tạ ơn và các bí tích (tác vụ thờ phượng và thánh hoá).
(3) Sống thế nào để qua bản thân linh mục, người ta nhận ra Đức Giêsu Kitô đang đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và thí mạng sống mình làm giá cứu chuộc nhiều người (tác vụ mục tử).
Việc đào sâu khoa thần học mục vụ (hay thần học thực hành), cũng như việc thực tập mục vụ chính là để ngày càng hiệp thông sâu xa hơn với tình yêu mục tử của Đức Giêsu Kitô, với chính tâm tư và cách ứng xử của Người là vị mục tử tốt lành.
Nhiệt thành truyền giáo
Chủng sinh sống cởi mở và sẵn sàng trước mọi khả năng loan Tin mừng ngày nay, và chuẩn bị cho mình một tâm thế sẵn sàng đáp trả lời gọi của Chúa Thánh Thần và của Đức Giám mục sai đi loan báo Tin mừng trong cũng như ngoài ranh giới giáo phận, trong cũng như ngoài đất nước mình.
– Rèn luyện mình thành con người vui tươi cởi mở để trở nên nhịp cầu cho người khác gặp gỡ Chúa.
– Luôn thân tình với mọi người, thiết lập mối tương giao chân thực và huynh đệ, cảm thông và bao dung, ủi an và trợ lực.
– Quan tâm học biết con người, tìm hiểu tâm thức và những vấn đề của họ, mở đường cho sự gặp gỡ và đối thoại, tạo sự tín nhiệm và hợp tác…
Biết trao đổi, làm việc chung
Để hành động hữu hiệu giữa một xã hội ngày càng đa dạng và phức tạp, linh mục cần có tinh thần tập thể và khả năng làm việc chung.
Muốn được vậy, người chủng sinh cần biết tích cực tham gia đời sống chung với những giờ chung, sinh hoạt chung và việc chung.
Tinh thần gia đình của chủng viện sẽ giúp chủng sinh xác tín về mục vụ của Hội Thánh hiệp thông, tức là mục vụ tập thể, có sự hợp tác của mọi thành phần dân Chúa. Sự hợp tác trong mục vụ giả thiết phải có sự hiểu biết và quí trọng những ân ban và đặc sủng khác nhau, những ơn gọi và trách nhiệm khác nhau, một sự hợp tác cần đến sự tín nhiệm lẫn nhau, sự nhẫn nhục và hài hoà, lắng nghe và cảm thông, nhất là cần có lòng yêu mến Hội Thánh.
Theo hướng tập làm việc chung, tuỳ theo nhu cầu và hoàn cảnh, chủng sinh có thể tham gia sinh hoạt các nhóm khác nhau: Nhóm giáo phận, Nhóm mục vụ Giáo lý, Nhóm sinh hoạt giới trẻ, Nhóm Thánh ca, Nhóm mục vụ gia đình, Nhóm mục vụ xã hội… Ngoài Trưởng Nhóm, mỗi nhóm có thể mời một Cha giáo đồng hành, cùng tham dự các buổi họp mặt và góp ý. Chủng viện cũng khuyến khích chủng sinh tham gia các hiệp hội khuyến khích nhau đạt tới đức ái hoàn hảo trong cuộc sống linh mục triều cũng như các tu hội đời dành cho linh mục (x. PDV 31d; 81b).
3.3. NHỮNG NHÂN ĐỨC CỦA SỨ VỤ
“Nền giáo dục chủng viện nhằm huấn luyện cho các chủng sinh đạt được mức trưởng thành nhân bản cần thiết, nhất là mức trưởng thành đã được kiểm nghiệm trong một đức tính cương nghị, trong khả năng quyết định chín chắn, và một óc phê phán xác đáng về con người và về các biến cố. Chủng sinh phải tập cho quen điều hòa thích hợp cá tính mình, họ phải được huấn luyện cho có tinh thần quả cảm, và nói chung, phải biết quý chuộng những đức tính mà người đời thường quý chuộng và không thể thiếu nơi các thừa tác viên của Chúa Kitô, thí dụ như lòng thành thực, chuyên lo giữ đức công bình, đức tín trung, cư xử lịch thiệp, khiêm tốn và bác ái trong ngôn từ” (OT 11a).
Các nhân đức luân lý ấy được Thánh nữ Têrêxa Avila tóm kết nơi ba nhân đức căn bản: Tự khiêm, Từ bỏ và Thương yêu (3 T) [1]. Ba nhân đức căn bản này vừa song song với các kinh nghiệm ngoài Kitô giáo quanh ta[2] vừa tương ứng với ba lời khuyên Tin mừng và ba nhân đức hướng thần, sẽ vừa tạo nên sự nhịp nhàng giữa tự nhiên và siêu nhiên vừa tạo thuận lợi cho việc đối thoại với các anh em ngoài Kitô giáo.
III. THỜI GIAN ĐÀO TẠO
Các chủng sinh có 6 năm đào tạo trực tiếp tại trường. Sau 2 năm đầu tiên theo chương trình triết học, các chủng sinh được gửi đi thực tập mục vụ tại các giáo xứ 1 năm. Sau thời gian này, các chủng sinh sẽ trở về theo học chương trình thần học 4 năm.
IV. PHƯƠNG THỨC ĐÀO TẠO
Đang khi tháp tùng ơn gọi, Ban Đào Tạo Chủng viện nỗ lực trang bị cho chủng sinh những vốn liếng tối thiểu về tư cách, trí thức, tâm linh và mục vụ. Đáp lại, chủng sinh cần biết nỗ lực tối đa để theo sát chương trình Chủng viện, tự luyện, thực tập và trao đổi với anh em đồng bạn (4 T).
– Theo sát chương trình Chủng viện
Chương trình đào tạo và giảng dạy ở Chủng viện được chắt lọc từ những truyền thống và kinh nghiệm lâu đời, gói ghém những nội dung chính xác và sát với giáo huấn của Hội Thánh. Do đó chủng sinh cần biết trân trọng và tiếp nhận với tâm tình biết ơn.
Gắn liền với đời sống nhân bản và đời sống tâm linh, đời sống tri thức là một đòi hỏi của trí tuệ con người và của chức linh mục. Nó hướng con người đến tham dự vào ánh sáng của Thiên Chúa để nhận biết và gắn bó với Người. Nó còn hướng con người đến một sự hiểu biết ngày càng thâm sâu về các Mầu nhiệm của Thiên Chúa, đến sự đón nhận Mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô, một Mầu nhiệm liên hệ đến toàn thể lịch sử nhân loại. Chủng sinh cần biết mở rộng trí tuệ và cõi lòng để đón nhận chân lý tròn đầy.
Tự luyện
Chủng sinh cần xin Chúa Thánh Thần ban cho ơn hiếu học: tự mình tìm kiếm học hỏi để nắm bắt các vấn đề thật cặn kẽ, có thể giải thích lại cho người khác cách chính xác, rõ ràng và dễ hiểu. Chủng sinh cần nhớ mình không thể nhờ ai học thay được. Chính vì yêu mến Chúa Giêsu Cứu Thế và yêu mến những linh hồn đã được Người lấy máu đào chuộc lại, chủng sinh sẽ chấp nhận những hy sinh khổ chế cần thiết để học hỏi đến nơi đến chốn.
Mỗi người cần biết dựa vào chương trình chung để tổ chức đời sống trí thức của mình cách khoa học, tổ chức thời giờ và việc học tập cách có phương pháp. Cần đến với các vị giảng dạy và vị giám học là nơi để xin những chỉ dẫn cụ thể và thích hợp.
– Thực tập
Trong việc đào tạo ở Chủng viện, học phải đi đôi với hành. Chủng sinh cần thực tập về tất cả mọi mặt: luyện tính tốt, rèn nhân đức, áp dụng kiến thức vào cuộc sống và cả thực tập mục vụ.
Thực tập mục vụ là để phát huy đức ái mục tử, tập đồng cảm với Chúa Giêsu, yêu mến như Người và cùng với Người trở thành anh em của mọi người, đặc biệt người cùng khổ bất hạnh. Trong năm học, tùy nhu cầu thực tế của môi trường phụ cận chủng viện, chủng sinh có thể được cắt cử đi thực tập dạy giáo lý, giúp phụng vụ, lo cho giới trẻ, bác ái xã hội, thăm viếng…
Việc thực tập mục vụ trong năm học được tổ chức vào những ngày Chúa Nhật, tùy nhu cầu và hoàn cảnh. Trừ lớp Triết năm thứ nhất (mới vào chủng viện năm đầu), tất cả các lớp đều thực tập mục vụ. Ban Thường Vụ chủng sinh sẽ làm việc chung với Ban Giám đốc để phân công và giúp đỡ anh em đi thực tập tập mục vụ.
Thực tập mục vụ không đơn thuần là tập làm quen với những kỹ thuật mục vụ, mà còn nhằm:
(1) Tập rung một nhịp với Trái tim Chúa Giêsu, chạnh lòng thương đám đông vì họ bơ vơ như chiên không người chăn dắt (x. Mt 9,36).
(2) Tập mở rộng tầm nhìn đến chiều kích truyền giáo của Hội Thánh, tập đối thoại và hợp tác với người khác, tập thiết lập tương giao trợ lực và mở đường, tập thăm viếng, tiếp xúc, tập thi hành bác ái, tập làm chứng cho tình yêu phục vụ của Đức Giêsu là Đấng đã thi ân giáng phúc cho những kẻ Người gặp gỡ.
(3) Tập đảm nhận trách nhiệm cách ý thức chủ động và chín chắn, tập sáng suốt đánh giá tình hình, tập thiết lập những ưu tiên và tìm ra phương thế thực hiện, tập làm mọi việc dưới ánh sáng đức tin.
(4) Tập nhận định và ứng xử theo phương pháp xem – xét – làm.
– Trao đổi với anh em đồng bạn
Chủng viện khuyến khích chủng sinh tổ chức các nhóm học hỏi, nghiên cứu, dịch thuật, sáng tác, làm việc mục vụ, thăng tiến đời sống nội tâm. Chủng sinh cần tự tạo cho mình tập quán và sự ham mê làm việc trí thức riêng và chung qua các nghiên cứu, dịch thuật và biên tập.
V. TÁC NHÂN ĐÀO TẠO
Trong việc đào tạo ơn gọi, chính Chúa Thánh Thần chủ động uốn nắn kẻ Người chọn, tiếp đến là bản thân chủng sinh, còn các tác nhân khác đóng vai trò tháp tùng, trước hết và chính yếu là Chủng viện, rồi đến là gia đình, cha xứ và cộng đoàn giáo xứ.
– Chúa Thánh Thần
Chính Chúa Thánh Thần đã gợi hứng và dẫn dắt chủng sinh lên đường theo Chúa Kitô. Chính Chúa Thánh Thần đào tạo nhân cách, trí tuệ, tâm lý và đời sống tâm linh của chủng sinh. Chủng sinh cần biết luôn đến với Chúa Thánh Thần là vị Thầy nội tâm: cầu nguyện với Người trong thinh lặng ngay từ khi vừa thức dậy, càng lâu càng tốt. Cần trung thành với Chúa Thánh Thần, gắn bó với Người từng giây phút; xin Người soi sáng và nâng đỡ trước mọi kinh nguyện, suy tư, học hỏi, lời nói cũng như việc làm. Cần tỉnh táo hưởng ứng ánh sáng Chúa Thánh Thần từ những chi tiết nhỏ để tránh nguy cơ biến công cuộc Thiên Chúa thành công cuộc nhân loại.
Chủng sinh hưởng ứng sự đào tạo của Chúa Thánh Thần bằng cách:
– Suy niệm Lời Chúa riêng mỗi ngày 30 phút
– Kiểm điểm đời sống trước khi đi ngủ
– Tham dự thánh lễ và rước Mình Thánh Chúa mỗi ngày
– Lãnh bí tích hoà giải: Chủng sinh cần lãnh bí tích hoà giải thường xuyên, ít là mỗi tháng một lần vào chiều Thứ Năm đầu tháng, trong ngày tĩnh tâm. Ngoài những giờ trên, nếu xưng tội, có thể liên hệ với các cha linh hướng.
– Gặp cha linh hướng: một hoặc hai tháng một lần, cách riêng là trước những dịp tiến chức. Nếu vì lý do quan trọng cần đổi cha linh hướng, chủng sinh phải bàn với cha linh hướng rồi báo cho cha Giám đốc.
– Tĩnh tâm năm vào một số ngày trong Mùa Chay; tĩnh tâm tháng vào ngày Thứ Năm đầu tháng (từ sáng đến tối); ngoài ra mỗi chủng sinh còn được mời gọi thực hiện những khóa tĩnh tâm dài ngày (linh thao) cách riêng là sau năm Tu đức, sau năm đi Thực tập Mục vụ, trước khi ra trường hoặc trước khi thụ phong linh mục.
– Chủng sinh
“Sau hết, trong việc đào tạo của mình, chính ứng sinh linh mục là một tác nhân cần thiết không ai thay thế được. Mọi công cuộc đào tạo, kể cả đào tạo linh mục, cuối cùng đều là một cuộc tự đào tạo. Chúng ta là những ngôi vị cá biệt và tự do, không ai chịu trách nhiệm thay được.
Hơn ai hết, người linh mục tương lai phải ý thức mãnh liệt rằng tác nhân tuyệt hảo đang đào tạo mình chính là Chúa Thánh Thần, Đấng đang ban cho mình tấm lòng mới và làm cho mình trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô là mục tử nhân lành.
Có thế người ứng sinh lên chức linh mục mới quả quyết được một cách hết sức triệt để rằng mình hoàn toàn tự do đón nhận sự uốn nắn của Chúa Thánh Thần. Đón nhận tác động của Chúa Thánh Thần cũng có nghĩa là đón nhận cả những tác nhân trung gian nhân loại mà Chúa Thánh Thần sử dụng. Chính vì thế, những hành động của các nhà đào tạo chỉ hữu hiệu thật sự và trọn vẹn khi người linh mục tương lai đích thân cộng tác vào đó cách hoan hỉ và xác tín.” (PDV 63).
Với lòng biết ơn, chủng sinh đón nhận sự chăm sóc của chủng viện, của gia đình và của cộng đoàn Hội Thánh nói chung như những ơn đặc biệt của Thiên Chúa. Đáp lại, chủng sinh luôn nỗ lực tự đào tạo với tinh thần siêng năng, sáng suốt, sắc sảo, say mê làm việc chung và sẵn sàng phục vụ (5 S).
– Chủng viện
Với trách nhiệm “tháp tùng ơn gọi linh mục”, Chủng viện đảm nhận 3 việc chính: (1) Phân định ơn gọi, (2) giúp đáp trả ơn gọi, (3) giúp chuẩn bị lãnh bí tích Truyền chức Thánh cùng những ân ban và những trách nhiệm hàm chứa trong đó, nhờ đó mà linh mục trở nên giống Chúa Giêsu là và Mục tử nhân lành, được thừa nhận có tư cách tham sự vào sứ vụ cứu độ trong Hội Thánh và trong xã hội (x. Ratio, 148).
Với chức năng giáo dục ấy, toàn bộ đời sống Chủng viện quy hướng về việc đào tạo nhân bản, tâm linh, trí thức và mục vụ cho những linh mục tương lai.
Lý tưởng của Chủng viện là trở nên một cộng đoàn và một gia đình trong đó mọi thành phần liên kết với nhau trong tình bằng hữu và cùng sống trong niềm vui. Chủng viện phải là một cộng đoàn được Chúa Thánh Thần tập họp trong một tình huynh đệ duy nhất, và mỗi người theo ân ban riêng góp phần làm cho mọi người tăng trưởng trong đức tin và đức mến.
Cộng đoàn chủng viện cần ý thức mình là cộng đoàn môn đệ của Chúa Giêsu theo mẫu gương cộng đoàn Giêrusalem tiên khởi (x. Cv 2,42-46):
(1) cùng chung một Phụng vụ làm cho tinh thần cầu nguyện thấm nhập vào toàn diện đời sống.
(2) hằng ngày được tập hợp bởi việc lắng nghe và suy niệm Lời Chúa, cử hành Bí tích Thánh Thể.
(3) hiệp nhất trong việc thực hành bác ái huynh đệ và tinh thần công bằng.
(4) và là cộng đoàn nơi đó tinh thần Chúa Giêsu và lòng yêu mến Hội Thánh của Người được thắp sáng lên mãi nhờ những cố gắng và những tiến bộ tâm linh của mỗi người.
Môi trường chủng viện – với bầu khí huynh đệ và gia đình quây quần xung quanh Chúa Giêsu, với tổ chức đào tạo kỷ luật chung, với những điều kiện vật chất – tạo nên một trợ lực lớn lao cho mọi người thực hiện hành trình ơn gọi là đi tìm Chúa, bước theo Chúa, lưu lại với Chúa và trở nên giống Chúa ngày một hơn.
Mỗi người sống trong môi trường này đều có phần trách nhiệm liên đới, tích cực đóng góp phần mình, yêu thương và phục vụ mọi người anh em để xây dựng gia đình chủng viện thành một cộng đoàn Hội Thánh mẫu mực.
Kỷ luật chung trong môi trường chủng viện là một trong những nhân tố quan trọng tạo nên bầu khí nói trên. Kỷ luật này gồm những tập tục, những qui ước, những chỉ dẫn, những chương trình sinh hoạt, tất cả đều nhằm : (1) giúp mỗi người bảo trì bầu khí thanh tịnh và huynh đệ, (2) gìn giữ trật tự chung và tôn trọng cái chung và cái riêng của nhau, (3) giúp mỗi người tự tổ chức đời sống và tự tạo một kỷ luật bản thân, rèn luyện tính tự chủ và từ bỏ ý riêng. Đó là những điều kiện cần thiết giúp chủng sinh theo bước Chúa Giêsu vâng phục, phát huy nhân cách của người mục tử biết hy sinh cả mạng sống mình.
Đời sống kỷ luật là biểu hiện của một nhân cách tự trọng. Tự giác tuân hành kỷ luật là biểu hiện của sự tự do của con cái Chúa trong hiến thân phục vụ.
Theo sắc lệnh Đào Tạo Linh Mục số 4-5, Ban Đào Tạo của Chủng viện nỗ lực để trung thành với việc đào tạo bằng gương sáng: hiệp nhất với Chúa, hội ý với nhau, hòa đồng với chủng sinh, hạ mình phục vụ và học hỏi không ngừng (5 H).
– Cha mẹ và gia đình
“Với sự dìu dắt đầy tình phụ tử của các Bề Trên và với sự cộng tác thuận lợi của các phụ huynh, chủng sinh phải sống một đời xứng hợp với lứa tuổi, với tinh thần mà mức độ phát triển của con người thiếu niên và hoàn toàn phù hợp với tiêu chuẩn tâm lý lành mạnh, cũng đừng để họ thiếu kinh nghiệm trường đời và thiếu liên lạc với gia đình họ” (OT 3).
Chúa Kitô và Hội Thánh Người biết ơn các bậc cha mẹ đã gieo mầm ơn gọi cho con cái mình. Hội Thánh gọi gia đình là “chủng viện đầu tiên” (x. OT 2, PDV 41e). Khi con em đã vào chủng viện, cha mẹ và gia đình được mời gọi tiếp tục góp phần đào tạo bằng kinh lễ thường xuyên, kiên trì vượt khó, khiêm nhường phục vụ, khích lệ con em và không màng danh lợi (5 K). Hội Thánh ước mong gia đình đồng hành với con của mình không những trong thời gian đào tạo ở chủng viện mà suốt cả hành trình đời linh mục (PDV 79d).
– Cha xứ và giáo xứ
Đa số các ứng sinh vào chủng viện đã được cha xứ và cộng đồng giáo xứ tích cực chuẩn bị. Cha xứ và giáo xứ được mời gọi tiếp tục góp phần đào tạo các chủng sinh bằng nguyện cầu, nâng đỡ và nhắc nhở (3 N). (x. PDV 41 e.fghi)