Suy Niệm Tin Mừng - Chúa Nhật XXXIV TN A: Chúa KiTô Vua Vũ Trụ - Vinh Quang Dành Cho Người Biết Yêu

Sat,25/11/2023
Lượt xem: 3429

CHÚA NHẬT 34 TN A  - CHÚA KITÔ VUA

(Ed 34,11.12.15-27; Tv 22; 1Crx 15,20.26-28; Mt 25,31-46)

Vinh Quang Dành Cho Người Biết Yêu

Chúa nhất cuối năm phụng vụ hôm nay dẫn chúng ta tới quang cảnh hùng vĩ: “Con Người đến trong vinh quang của Người cùng với các thiên thần hầu cận. Người ngữ trên ngài vinh hiển” để thực hiện việc xét xử chung cuộc đối với muôn dân nước. Đó là lúc mà Thiên Chúa đặt mọi sự suy phục dưới quyền của Đức Kitô như Thánh Phaolô chứng thực trong bài đọc thứ hai. Như Mục tử, Con người thực hiện cuộc tách biệt để xét xử. Tiêu chí của việc xét xử chung cuộc làm cho tất cả ngạc nhiên, cả những người “được chúc phúc” lẫn kẻ “bi nguyền rủa”. Tuy nhiên, cái người ta không ngờ tới lại là cốt yếu của con người và sứ điệp Tin mừng. Chúa Giêsu khởi đầu loan báo với Hiến chương Nước trời mà tâm điểm là “Các Mối phúc” (Mt 5,3-12) và kết thúc bằng “Cuộc Phán xét chung” (Mt 25,31-46). Người kêu mời chúng ta “hoàn thiện như Cha” (Mt 5,48) và xét xử dựa trên tình yêu.

1.       Vua - Mục tử , Tình yêu – Trao hiến– Agape

Phụng vụ cử hành lễ Chúa Kitô Vua tập trung vào việc xét xử của Con người đối với muôn dân Thiên hạ, tuy nhiên, trước hết, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm dung nhan Thiên Chúa, Đấng yêu thương, chăn dắt dân của Người như Mục tử. Hình ảnh này giúp chúng ta hình dung khuôn mặt Thiên Chúa nhân hậu, gần gũi, ân cần đối với từng người, như mục tử với những con chiên, chứ không phải là sự nghiêm nghị, oai phong của vị thẩm phán. Kinh Thánh dùng hình ảnh mục tử để trình bày trái tim của Thiên Chúa và của Đức Giêsu đối với con người. Chỉ mình Thiên Chúa là Mục Tử Nhân Lành. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa là Mục Tử tuyệt đối chăm sóc cả đàn chiên và từng con chiên một. Thiên Chúa - Mục Tử là Đấng Cứu Độ và có thể bảo đảm sự an toàn cho đoàn chiên của Người (x. Gr 23,1-4; Ez 34,2-6; 11-16; Tv 23). Ezechiel trong bài đọc thứ nhất và Tv 22 trong bài đáp ca phác họa chân dung mục tử - dung nhan hiền từ của Thiên Chúa:

Một Thiên Chúa như Mục tử với tất cả tình yêu thương ân cần, như người mẹ đối với con cái: “chăm sóc”, “kiểm điểm”, “quy tập”. Thiên Chúa quan tâm, chăm sóc từng con chiên một: “đưa về con chiên lạc”, “tìm về con bị mất”, “băng bó con bị thương”, “chữa lành con bị bệnh”, canh cừng con béo mập, khỏe mạnh” (x. Ed 43,12.16).  Thiên Chúa chăn dắt đoàn chiên, đưa đoàn chiên hoan hưởng sự phong nhiêu của Tình yêu: “đồng cỏ xanh, suối mát trong”, Người dẫn chiên đi trên “đường ngay nẻo chính”, cho họ được nghi ngơi và thưởng thức “tiệc thịnh soạn”. “Tiệc thịt ngon”, “rượu ngon tinh chế”, “đồng cỏ xanh”, “suối mát trong” không chỉ là hoa màu ruộng đất, muôn sinh vật làm cho con người “muôn vàn thỏa thuê” bởi tay Chúa rộng ban đó chính là “tình thương và lòng thương xót của Thiên Chúa”. Thiên Chúa trao ban, làm no thỏa đoàn chiên bằng chính mình Người nơi Ngôi Lời làm người, trong hiến tế Thánh Thể.

Trong Tân ước, Chúa Giêsu tự giới thiệu là “Mục tử tốt lành” (Ga 10,11), biết từng con chiên một (x. Ga 10,14.27), Người trao hiến mạng sống để “chiên được sống và sống dồi dào” (x. Ga 10,10.11.18.28). Chúa Giêsu là Mục tử nhân lành với tình yêu và sự dịu dàng, “bỏ chín mươi chín con chiên không lạc để đi tìm cho được con chiên bị lạc. Người tìm cho kỳ được. Khi tìm được rồi Người vui mừng vác trên vai (x. Mt 18,12-14; Lc 15,4-7). Đức Giêsu chính là Mục tử mà Thiên Chúa, Đấng yêu thương thế gian đến nỗi “ban chính Con Một của Người để cho thế gian được sống và sống dồi dào” (Ga 33,16; 10, 10).

Ta là dân Người, là đoàn chiên Người dẫn dắt” (Tv 99,3). Lễ Chúa Kitô Vua hôm nay mời gọi chúng ta chiêm ngắm tình yêu của Thiên Chúa, Đấng trao hiến mạng sống cho chúng ta. Đây là chân lý nền tàng làm nên hiện hữu của chúng ta, là nguyên lý nội tại chi phối toàn bộ hiện hữu của chúng ta, từ cảm nghĩ, lời nói và việc làm của chúng ta. Tôi có xác tín về kinh nghiệm căn bản này không? Đó là ơn gọi mà Thánh Thêresa Lisieux thâm tín: “Trong lòng mẹ Hội thanh, con sẽ là tình yêu”.

2.       Phân định và xét xử theo tình yêu

Chúng ta được sinh ra bởi tình yêu, được nuôi dưỡng bởi tình yêu, được khuôn đúc bởi tình yêu, được mời gọi để thi thố tình yêu và sẽ bị xét xử bởi tình yêu. Bài Tin mừng về cuộc chung thẩm trình bày việc Thiên Chúa thực hiện cuộc tách biệt như mục tử tách chiên với dê, người lành khỏi kẻ dữ đối với muôn dân nước, một cuộc phân định chung cuộc với tiêu chí tình yêu: những người hưởng được phúc lành của Thiên Chúa, nghĩa là sự sống đời đời và những kẻ bị luận phạt.

Trong cuộc phán xét này, Chúa Giêsu không hỏi chúng ta đã làm được những công trình nào, đi được bao nhiều chỗ, đã có được những bằng cấp, học vị nào mà Người tra hỏi chúng ta đã yêu như thế nào! Điều làm nên sự khác biệt giữa người lành và kẻ dữ hệ tại ở một bên biết xót thương và bên kia thì không. Là hình ảnh của Thiên Chúa, nghĩa là hình ảnh của tình yêu, con người là hữu thể có khả thể tình yêu, được yêu và biết yêu. Đó là căn tính của chúng ta. Vậy nên, khi sống tình yêu, thực hành đức ái đối với người khác, con người nhận ra khuôn mặt Thiên Chúa và nên giống như Thiên Chúa, Đấng luôn xót thương và thi thố ân huệ của Người cho con người, nhất là những người bất hạnh, những kẻ ở bên rìa xã hội. Nói cách khác, thực thi đức bác ái làm cho chúng ta đạt tới căn tính của mình, nên hoàn thiện, nên thánh, nên giống Thiên Chúa (Mt 5,48; 19,21). Thánh Gioan khẳng định: “Thiên Chúa là Tình yêu” và Người đi bước trước trong việc thị thố tình yêu. Vậy nên chúng ta phải yêu thương nhau. Ai “yêu thương” thì “được Thiên Chúa sinh ra và biết Thiên Chúa”, Thiên Chúa ở lại nơi người ấy và tình yêu của Thiên Chúa nơi người đó trở nên trọn hảo (x. Ga 4,8-12).

Sống tình yêu, thức thi đức ái với tha nhân không phải là cái gì trừu tượng, bất khả, nhưng là cái làm nên cuộc sống và hiện hữu của chúng ta. Những nghĩa cử ân cần với người gặp khó khăn, cần giúp đỡ; những ánh mắt trìu mến, cảm thông với người hoạn nạn, sai lỗi; những tâm tưởng, thấu cảm với người khổ đau, bất hạnh; những lời nói đem lại niềm hy vọng, sự an ủi cho người hoang mang, thất vọng; những hành động cụ thể với người thân cận cần tới chúng ta trong từng hoàn cảnh cụ thể… Tất cả được điều phối bởi tình yêu và diễn tả, nhập thể tình yêu. Đức Phanxicô nói:

Thực thi việc bố thí, thương người là một trong ba loại thuốc để chữa lành bệnh tội lỗi, giải phóng con người khỏi những tình trạng nô lệ với thụ tạo, “giúp chúng ta nhạy cảm và thương xót hơn. Đó là một lời mời đơn sơ và sẻ chia: hãy dám mất đi cái gì đó ở trên bàn ăn và trao ban của cải chúng ta để tìm thấy của cải đích thực là sự tự do. [1]

Yêu người khác như chính mình, con đường làm cho chúng ta giống Thiên Chúa. Thánh Gioan dạy: “Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình (1Ga 4,20-21). Vì vậy, trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

Tình yêu đối với người khác là thước đo tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa và là bằng chứng chúng ta là con cái của Thiên Chúa, con cái của tình yêu, và như thế chúng ta biết Thiên Chúa, biết yêu và nên giống Người. Tình yêu là nền tảng, là tiêu chỉ để phân định chúng ta thuộc về Thiên Chúa hay không. Đức Phanxicô trong Thông điệp Fratelli Tutti dạy: “Tầm vóc đời sống thiêng liêng của một con người được đo bằng tình yêu, cuối cùng đó vẫn là tiêu chuẩn để quyết định dứt khoát xem đời sống của một con người có hay không có giá trị” (n. 92).

3.       Tôi đang đứng ở bên phải hay bên trái!

Mở đường là Đức Kitô, rồi khi Đức Kitô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người” (1Cr 15,23). Đức Kitô đã khai mở và trở nên mẫu gương cho chúng ta trên hành trình yêu thương. Chúng ta có thể phân định và nhận ra chỗ đứng của mình trong ngày quy tập cánh chung từ hôm nay, lúc này. Chúng ta có tuyên nhân tình yêu mà Thiên Chúa dành cho tôi không? Tôi đã sống tình yêu đối với Chúa được bày tỏ nơi tha nhân thế nào? Hay nói cách khác, chúng ta đang tiến bước trên hành trình hoan vui của con cái đức ái hay tín đồ của chủ nghĩa ái kỷ? Chúng ta có giám ra khỏi chính mình để đến với anh chị em trong ơn gọi và tác vụ để tìm thấy, nhận ra sự tăng tưởng của hiện hữu trong mối liên hệ huynh đệ hay là quy ngã, khóa chặt trong ốc đảo của chính mình? Yêu thương người là chu toàn Lề Luật và nên hoàn hảo (x. Rm 13,10). “Tất cả chúng ta, trong tư cách là kitô hữu, cần nhận ra rằng tình yêu chiếm chỗ thứ nhất: không bao giờ được phép liều đánh mất tình yêu và nguy hiểm lớn nhất nằm ở chỗ không yêu thương” (FT 92).

Xin Chúa giúp chúng ta nhận ra người lân cận là anh em của chúng ta và là hình ảnh của Thiên Chúa, để chúng ta yêu mến và phục vụ Thiên Chúa nơi từng người một bên cạnh chúng ta.

Lm. Hoa Thập Tự

 

 

 

 



[1] Đức Phanxico, bài giảng lễ tro năm 2016.

Nguồn tin:
Tags :