Suy Niệm Lời Chúa - Chúa Nhật IV PS, Năm B: Ơn Gọi Trở Nên Mục Tử

Fri,19/04/2024
Lượt xem: 426

ƠN GỌI TRỞ NÊN MỤC TỬ

(Suy niệm Chúa nhật IV Phục Sinh năm B)

Khi nghe nói đến chữ “mục tử” chúng ta thường liên tưởng đến các linh mục ngay. Có thể đó là điều đúng, nhưng thật sự chưa đủ. Chúng ta nên biết rằng mỗi người đều được Thiên Chúa dựng nên giống hình Ngài và được mời gọi cộng tác vào công trình sáng tạo của Ngài bằng nhiều ơn gọi khác nhau, bằng bậc sống khác nhau. Ơn gọi làm ‘mục tử’ trong bậc sống hôn nhân nơi người cha và người mẹ; ơn gọi làm ‘mục tử’ trong trường học nơi người thầy người cô; ơn gọi làm ‘mục tử’ nơi những người lãnh đạo cộng đoàn, tập thể hoặc hiệp hội nào đó; ơn gọi làm ‘mục tử’ nơi các linh mục tu sĩ trong cộng đoàn giáo xứ hoặc cộng đoàn tu; ơn gọi làm ‘mục tử’ cho nhau khi cùng nhau đồng hành và hướng dẫn nhau trở nên tốt lành thánh thiện… Như vậy, ơn gọi trở nên mục tử thật là phong phú và ai ai cũng phải ý thức cũng như cố gắng sống xứng đáng là vai trò mục tử của mình.

ĐỨC GIÊ-SU, VỊ MỤC TỬ NHÂN LÀNH

Để đi vào tìm hiểu Đức Giê-su là Mục Tử nhân lành, chúng ta cùng nhau đọc câu chuyện sau đây:

Trong quyển The land and the Book – Đất và Sách, Thomas Thompson có ghi lại câu chuyện bi đát như sau: Một ngày nọ có chàng mục đồng trẻ tuổi dẫn đàn súc vật đi về vùng lân cận ngọn núi Thabor. Bỗng có ba tên cướp đường người Ả Rập xuất hiện. Chàng thanh niên biết rõ chàng sẽ gánh chịu những hậu quả khôn lường, thế nhưng chàng đã không bỏ trốn. Chàng kiên cường chiến đấu để giữ cho bầy súc vật của chàng khỏi rơi vào tay lũ thô phỉ. Đoạn cuối được kết thúc bằng cái chết liều mạng của chàng thanh niên cho đàn cừu của chàng.

Quả thật, hôm nay Chúa Giê-su tuyên bố Ngài là Mục Tử, người mục tử luôn luôn lo lắng, quan tâm cho đoàn chiên, sự gắn bó đó trở nên thân tình như Ngài nói: “Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta” (Ga 10,14). Chữ “biết” trong Kinh Thánh giải thích một quan hệ sâu sắc hỗ tương nói lên sự hiệp thông toàn diện thần trí tâm hồn hai người trong tình yêu. Kinh Thánh sử dụng từ “biết” để chỉ tình yêu vợ chồng. (x. Lc 1, 34). Từ “biết” này biểu lộ sự gắn bó thẳm sâu giữa Chúa Cha và Chúa Con: “Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha” (Ga 10,15a). Quan hệ này biểu tượng mô phạm cho quan hệ giữa nhân loại với Thiên Chúa. Nhờ mối liên hệ sâu sắc và linh thiêng này mà cuộc sống và tình yêu được nảy sinh. Biết và hiệp thông trở nên hình ảnh tiêu biểu trong quan hệ nhân văn trọn vẹn và tình yêu nảy nở trong những quan hệ giữa nhân loại. Với sự “biết”, Thiên Chúa qua Đức Ki-tô, Con Ngài tự hiến để “thí mạng sống vì đoàn chiên” (c.15b) cho nhân loại sống, như Ngài đã nói “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào…Tôi là Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống cho chiên”. (cc. 10-11).

Nơi bài đọc I, Thánh Phê-rô đã mạnh mẽ khẳng định rằng Đức Giê-su, vị Mục Tử nhân lành đã bị người Do Thái đóng đinh và giết chết. Thế nhưng, chính nhờ vị Mục Tử Giê-su và chỉ nơi vị Mục Tử này mà muôn người được cứu độ. Thánh Phê-rô minh định: “Đấng ấy là tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, chính tảng đá ấy lại trở nên đá tảng góc tường. Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ.” Quả là một tình yêu vô bờ vô bến của Đức Giê-su, vị Mục Tử nhân lành đối với đoàn chiên, là những người thuộc cùng ‘chuồng’ cũng như chưa cùng ‘chuồng’. Ngài sẵn sàng ôm lấy tất cả để trao ban tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại tội lỗi. Ngài đã hứa ban sự sống đời đời cho những ai tin, biết và thực hành Lời Ngài. “Ta ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong…” (c.28). Thật vậy, khi suy niệm về tình yêu Mục Tử Giê-su, Thánh Gioan Kim Khẩu nói rằng: “Tình yêu làm cho sự kiên cường dũng cảm, bởi vì tình yêu thật không thấy gì là khó khăn, không có gì là cay đắng, không có gì là nặng nề… Tình yêu là một áo giáp vững bền không thể bị xuyên thủng. Nếu tình yêu thật khinh thường mọi sự nguy hiểm, chế nhạo cái chết, biết khuất khục tất cả các sức mạnh khác” (Bài Giảng XL). Nơi bài đọc II, Thánh Gioan Tông Đồ đã giới thiệu cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa là Vị Mục Tử Tình Yêu. Ngài yêu chúng ta đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa. Quả thật, làm con Thiên Chúa, là chiên dưới sự dẫn dắt của Người thì thật là hạnh phúc biết chừng nào. Có Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng còn sợ gì, chẳng còn lo chi là vậy. (x. Tv 22).

Ngoài ra, nơi bài Tin Mừng, Thánh sử Gioan còn nhấn mạnh sứ vụ của Vị Mục Tử Giê-su khi Ngài tuyên bố: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.” (c.16). Không chỉ dành riêng cho những con chiên ưu tuyển, nhưng những con chiên ngoài chuồng, những con lạc mất, Vị Mục Tử Giê-su cũng hăng say đi tìm cho bằng được. Tinh thần đến với dân ngoại, đi ra vùng ngoại biên của Vị Mục Tử Giê-su là đây! Như vậy,

CHÚNG TA CŨNG ĐƯỢC MỜI GỌI TRỞ NÊN MỤC TỬ

Đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội, mỗi người đều được trao sứ vụ phổ quát: ngôn sứ, tư tế và vương đế. Cho nên không ai trong chúng ta đã là ki-tô hữu có quyền chối từ việc trở nên ‘mục tử’ như Mục Tử Giê-su. Trong bậc sống của mình, mỗi ki-tô hữu đều được mời gọi trở nên người dấn thân và phục vụ như Thầy Giê-su, Vị Mục Tử nhân lành. Chiêm ngắm người Mục Tử Giê-su nhân lành lo lắng cho đàn chiên, hy sinh và chịu chết để chiên được sống, chúng ta, những ki-tô hữu, những người mang danh Đức Giê-su Ki-tô, cũng được mời gọi tham gia vào sứ vụ mục tử là “biết” chiên, bảo vệ chiên trong cộng đoàn, trong gia đình, trong giáo xứ, trong Giáo hội, và nhất là biết ra đi để “tìm chiên” lạc, chiên lương dân, chiên ngoại đạo, chiên đau khổ, chiên bệnh tật, chiên già cả neo đơn, chiên khuyết tật, chiên câm điếc, chiên thiếu năng, chiên nghèo đói, chiên rượu chè – cờ bạc, chiên khô khan, chiên bỏ đạo, chiên cứng đầu cứng cổ,… Tuy nhiên, để trở nên mục tử như vậy, chúng ta cần sức mạnh từ Mục Tử Giê-su, cần kết nối trực tiếp và “online’’ với Giê-su, Mục Tử nhân lành liên lỉ và thường xuyên. Sự gắn bó và hiệp thông với Giê-su Mục Tử ngang qua Lời Chúa và Bí Tích Thánh Thể sẽ là nguồn sống và động lực để chúng ta trở nên mục tử cho những con chiên chung quanh, nhất là đối với những con chiên chưa thuộc về “chuồng” của Chúa. Chính vì thế,

Là mục tử trong gia đình, người cha người mẹ cần làm gương sáng trong lời ăn tiếng nói. Cha mẹ cần biết đồng hành và quan tâm đến con cái. Sinh con phải có trách nhiệm. Đừng bỏ rơi con cái trong khi chỉ lo công việc làm ăn, chỉ mải mê chơi bời và xa lánh gia đình. Bổn phận của cha mẹ phải là mục tử như Giê-su Mục Tử để biết, để yêu và để hy sinh cho con cái và chăm lo cho gia đình để gia đình trở nên mái ấm hạnh phúc và bình an, là thiên đàng trần thế.

Là mục tử nơi trường học, các thầy cô cần trở nên mục tử cho các em học sinh ngang qua lời dạy yêu thương, nhiệt tình quan tâm và giảng dạy để không chỉ dừng lại ở việc bồi bổ kiến thức nhưng còn phải trau dồi đời sống nhân bản, lối sống tử tế để sau này các em cũng trở nên những mục tử có ích cho Giáo hội và xã hội tương lai.

Là mục tử trong cộng đoàn giáo xứ, các linh mục cũng được mời gọi gắn bó và học nơi người Mục Tử Giê-su: “Biết chiên”, yêu và hy sinh mạng sống vì chiên. Sống giống như Giê-su Mục tử đã sống. Các linh mục được mời gọi trở nên ‘Alter Christus’, nghĩa là trở nên “Giê-su khác”, “Giê-su thứ hai” nơi môi trường sống, nơi cộng đoàn được sai đến chứ không phải trở nên một mục tử “khác Giê-su”.

Anh chị em thân mến! Chúa Nhật IV Phục Sinh nhắc nhở các linh mục, tu sĩ về ơn gọi cao cả Thiên Chúa đã mời gọi. Nên Hội Thánh đã cho đọc Tin Mừng theo Thánh Gio-an chương 10. Chương này cho thấy Chúa Giê-su là vị mục tử nhân lành, luôn yêu thương chiên của Người, dù chiên ngỗ nghịch, phản bội, hay yếu đuối. Lúc nào Người cũng tìm kiếm chiên lạc, hi sinh cứu chiên và qui tụ những chiên quanh một vị mục tử duy nhất, để tất cả được sống trong hiệp nhất, hòa thuận, yêu thương và bình an. Hội Thánh cũng mời gọi mọi người cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và tu sĩ. Tất cả mọi người đều được mời gọi làm trong vườn nho của Chúa là Giáo Hội. Vì thế, chúng ta không thể làm ngơ trước hiện tình thiếu hụt thợ làm vườn.

Ước gì được như vậy!

Lm. Phaolô Phạm Trọng Phương

 

Nguồn tin: