Suy Niệm Tin Mừng - Chúa Nhật I MV B: Tôi Canh Thức Như Thế Nào?

Sat,02/12/2023
Lượt xem: 339

TÔI CANH THỨC NHƯ THẾ NÀO?

(Suy niệm Chúa nhật I Mùa Vọng B)

Bắt đầu bước vào Mùa Vọng, khởi đầu cho năm phụng vụ, chúng ta được mời gọi phải canh thức để chuẩn bị tâm hồn đón gặp Đấng Cứu Tinh, là Đức Giê-su Ki-tô. Quả thật, Mùa Vọng có hai đặc tính: vừa là mùa chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng Sinh, trong lễ này, kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người; vừa là mùa mà qua việc kính nhớ này, các tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Ki-tô đến lần Thứ Hai trong ngày tận thế. Với hai lý do này, Mùa Vọng được coi như mùa sốt sắng và hân hoan mong đợi” (AC 39). Như vậy, để đón gặp Đức Giê-su, Con Thiên Chúa đến với chúng ta, chúng ta phải sống như thế nào? Thưa phải canh thức như bài Tin mừng mời gọi.

Ý thức thân phận tội lỗi của kiếp nhân sinh, luôn bị chi phối bởi biết bao nhiêu điều xấu xa và tội lỗi, chúng ta được mời gọi hãy tin tưởng vào Đấng có thể cứu thoát và ban sự sống đời đời. Đấng đó là ai vậy? Thưa, Đấng đó là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Ngài là Em-ma-nu-en. Ngài là Đấng Cứu Tinh đến giúp ta thoát khỏi mọi xiềng xích của tội lỗi và thần chết. Nhưng Ngài sẽ đến lúc nào vậy? Xin thưa, Ngài đã làm người cách đây hơn 2000 năm. Ngài là Thiên Chúa thật, là Ngôi Hai Thiên Chúa, nhưng đã sẵn sàng nhập thể làm người, giống con người mọi sự, ngoại trừ tội lỗi để cứu độ con người. Ngài đã trở thành nhục thể và ở cùng chúng ta. Như vậy, Ngài không chỉ là Thiên Chúa thật mà còn là người thật. Mùa vọng, chúng ta tưởng niệm kỳ công vi diệu này để cảm tạ Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại tội lỗi qua việc cho Con của Ngài xuống ở với con người để đưa con người về với Chúa.

Mặt khác, Mùa vọng chúng ta cũng được mời gọi hướng lòng trông đợi Chúa Ki-tô đến lần Thứ Hai trong ngày tận thế. Nhưng Ngài sẽ đến lúc nào? Khi nào là đến ngày tận thế? Chúng ta sẽ không biết được khi nào Chúa Ki-tô đến lần thứ hai và cũng không biết ngày nào là ngày tận thế của nhân loại nói chung hay của cá nhân ta nói riêng? Nhưng chắc chắn một điều rằng là đích thực Đức Ki-tô sẽ đến và chắc chắn sẽ có ngày tận cùng của đời ta nên ta được mời gọi phải canh thức. Tại sao chúng ta phải canh thức? Chúng ta phải canh thức như thế nào?

Quả thật, chúng ta như là người thợ được sai đến thế gian làm việc và có nhiệm vụ sinh hoa kết quả trong sứ vụ cũng như bổn phận của mình. ‘Ông Chủ’, là Thiên Chúa, trẩy đi phương xa có thể đến bất cứ lúc nào để xem thành quả mà chúng ta đạt được. Cái oái ăm là chúng ta không biết ‘Ông Chủ’ ấy sẽ về lúc nào? Đến lúc chẳng ai ngờ, đến giờ chẳng ai biết. Cho nên, chúng ta phải cố gắng miệt mài để gieo rắc những điều tốt, điều lành mà chính ‘Ông Chủ’ đã trao ban. Hãy luôn tỉnh thức để làm việc, để cầu nguyện và tiếp tục yêu thương. Hãy trung tín trong mọi sự để hoàn thành mọi điều răn ‘Ông Chủ’ truyền dạy: Mến Chúa và yêu người. Hãy sống thánh thiện trong mọi nơi và mọi lúc cũng như đối với mọi người. Đừng mải mê và chủ quan vì một phút suy nghĩ thiếu thiển cẩn là ‘Ông Chủ’ chưa đến nên cứ ăn chơi, cứ rượu chè, cứ trai gái, cứ phạm tội, cứ tham lam, cứ ích kỷ, cứ hận thận ghen ghét, cứ trộm cắp và lỗi đức công bằng, cứ đam mê của cải và nhục dục,…nhưng hãy canh thức!

Vì biết rằng Con Thiên Chúa sẽ đến khi chúng ta không ngờ nên chúng ta hãy canh thức. Canh thức ở đây không phải là không được ngủ nghỉ, nhưng chúng ta luôn luôn ở trong tâm thể sẵn sàng và chuẩn bị. Nghĩa là trong từng giây phút sống của cuộc đời lữ hành, chúng ta hãy luôn hăng say làm việc lành phúc đức, luôn sống trong thái độ vui vẻ và yêu thương, luôn hy sinh phục vụ mà không đòi hỏi đền đáp, luôn chuyên chăm cầu nguyện và đón nhận các bí tích để khi Đức Giê-su Ki-tô xuất hiện thì chúng ta sẽ được đón nhận vào hưởng niềm vui vẻ cùng Ngài.

Hơn nữa, Mùa Vọng không chỉ dừng lại ở việc chúng ta chờ đợi Chúa mà còn nhắc nhở chúng ta về sự chờ đợi của Chúa: “Này Ta đứng ngoài cửa mà gõ; ai nghe tiếng Ta gõ cửa và mở cửa cho Ta vào, Ta sẽ vào và dùng bữa với người đó” (Kh 3,20). Theo đó, chính Chúa là Đấng đang chờ, đang đợi, đang mong chúng ta mở cửa cho Ngài vào. Giữa bao tiếng ồn ào của cuộc sống xô bồ, nhiều khi chúng ta khó nhận ra tiếng gõ cửa của Chúa. Đôi khi chúng ta mải mê và chìm sâu trong những vũng bùn êm ái của các đam mê, của tội lỗi, chúng ta không để tâm, để tai lắng nghe tiếng mời gọi của Chúa. Ngay cả khi nghe được tiếng Chúa rồi nhưng chúng ta cứ giả điếc làm ngơ vì sợ phải thay đổi, sợ phải từ bỏ những quyến rũ bất chính đang giết chết linh hồn chúng ta. Quả thật, Mùa Vọng này không chỉ mời gọi tôi chờ đợi Chúa đến nhưng cũng nhắc nhở tôi rằng Chúa cũng đang chờ đợi tôi đến với Ngài. Tôi phải không ngừng canh thức để đón đợi Chúa mà tôi còn phải canh thức để vượt qua những rào cản của tội lỗi hầu đến với Chúa, nghe tiếng Chúa mời gọi và đón nhận Chúa để được hưởng sự bình an muôn đời.  

Lm.Phaolô Phạm Trọng Phương

Nguồn tin:
Tags :