Suy Niệm Tin Mừng - Chúa Nhật 28 TN A: Tiệc Cưới Con Chiên

Sat,14/10/2023
Lượt xem: 750

CHÚA NHẬT 28 TN A

(Is 25,6-10; Tv 22; Pl 4,12-14.19-20; Mt 22,1-14)

Tiệc Cưới Con Chiên

Từ cao thẳm, Chúa đổ mưa xuống núi,

đất chứa chan phước lộc của Ngài.

Từ ruộng đất, họ kiếm ra cơm bánh,

chế rượu ngon cho phấn khởi lòng người,

xức dầu thơm cho gương mặt sáng tươi,

nhờ cơm bánh mà no lòng chắc dạ”.

 (Tv 104,13-15)

Nói tới hoan tiệc, rượu là nói tới niềm vui. Cách đặc biệt, “tiệc cưới” diễn tả niềm vui yêu thương. Vậy nên, mọi nơi, mọi thời, tiệc cưới là thời khắc của sự sung mãn tình yêu. Kinh thánh cũng dùng hình ảnh này để nói tới niềm vui tương ngộ ái tình giữa Thiên Chúa với con người. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay dẫn chúng ta vào niềm vui hôn lễ tình yêu mà Thiên Chúa thiết đãi dân Người. Đó là tin mừng trọng đại cho chúng ta. Chúng ta thử hình dung, một ai đó quyền cao chức trọng mời chúng ta dự tiệc, chúng ta hồ hởi chuẩn bị để tham dự! Ở đây, còn hơn thế nữa! Thiên Chúa hậu đại dân Người. Tuy nhiên, con người lại không mấy bận tâm tới lời mời của Đức Vua, người ta nại nhiều lý do để khước từ, thậm chí còn dửng dưng, không đếm xỉa tới.

1.       Hôn tiệc Con Chiên…

Một vua kia mở tiệc cưới cho con mình”, Chúa Giêsu mở đầu dụ ngôn với những lời này để mô tả Nước Trời. Thiên Chúa thiết đãi dân Người, thiết đại toàn thể nhân loại. Isaia trong bài đọc thứ nhất tiên báo về bữa tiệc cánh chung để mừng chiến thắng và vinh quang của Thiên Chúa trên núi thánh Sion. Tác giả mô tả hoan tiệc với những từ mà chúng ta có thể cảm được: “thịt béo”, “rượu ngon tinh chế”. Tuy nhiên, niềm vui không hệ tại ở việc được thưởng thức những thứ sơn hào hải vị mà là ơn cứu độ, ơn giải thoát: Thiên Chúa “cất chiếc khăn tang” phủ mọi dân, “lau khô dòng lệ” trên khóe mắt, “cất nỗi ô nhục” của dân; Người là Đấng cứu độ chúng ta mong đợi, là niềm vui sung mãn. Đó là niềm vui mà Nơkhemia ngỏ với dân trong ngày khánh thành Đền thờ sau cuộc hồi hương từ Babilon: “Anh em hay về ăn thịt béo, uống rượu ngon.. Vì hôm nay là ngày thánh hiến cho Chúa chúng ta… và niềm vui của Đức Chúa là thành trì bảo vệ anh em” (Nkm 8,10).

Thiên Chúa như Mục tử chăn dắt đoàn chiên như Vịnh gia 22 mô tả trong bài đáp ca: “Người dọn sẵn bữa tiệc… xức dầu thơm và ly rượu chứa chan đầy tràn”. Tiệc thịt béo ngon và rượu tinh chế đó là “tình yêu và lòng nhân hậu” của Thiên Chúa. Đó là Tiệc Con Chiên. Quả thực, Thiên Chúa không chỉ thiết đãi dân Người những thức ăn bổ dưỡng, rượu ngon, nghĩa là quà tặng từ công trình tạo dựng, mà còn trao ban chính mình, Người quyến luyến con người, kết thân với họ trong một “mối tình muôn thuở”. Người đính hôn và kết ước với con người, trở nên con người trong máu thịt của con người. Đó là ý nghĩa cao cả của hôn lễ tình yêu, yêu cho đến cùng, trở nên thịt máu của người mình yêu.

Vậy nên, hình ảnh tiệc cưới trong dụ ngôn được hiện thực hóa trong chương trình tình yêu của Thiên Chúa, Đấng thân hành tổ chức hôn lễ với dân Người như tình yêu nam nữ: “Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo người sẽ cưới người về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể. Người cũng là niềm vui cho Chúa người thờ(Is 62,5). Chóp đỉnh của cuộc tình giữa Thiên Chúa và con người là Hôn lễ Con Chiên, Đức Giêsu, vị Hôn phu của hôn lễ: “Này đây đã tới ngày, cử hành hôn lễ Chiên Thiên Chúa và Hiền Thê của Người, đã điểm trang lộng lẫy” (Kh 19,7). Trong “Hôn lễ Con Chiên”, Chàng Rể chính thực tiệc và niềm vui sung mãn. Nơi đó, con người được thưởng thức không phải thịt bò bittet hay các loại sinh vật mà thịt Con Chiên Vô tích tích, được nếm hưởng “rượu ngon tiết độ” không phải là những thứ tinh chế từ hoa màu mà là “Thần Khí Chúa” và “Máu Con Chiên”. Còn gì cao quý hơn khi trao ban chính mình làm hiến lễ ái tình. Người ta đãi chúng ta hoa màu ruộng đất, Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta chính mình Người trong Hôn lễ Con Chiên trên Hiến tế Thập giá và Hiến tế Bàn thờ để trở nên chúng ta.

2.        người ta đồng loạt xin kiếu…

Thiên Chúa tốt lành, Người thi thố lòng quảng đại với cỗ bàn đã dọn, bò tơ và thú béo đã hạ, mọi sự đã sẵn”, nhưng thái độ  của thực khách thì trái ngược với lòng tốt của Chủ tiệc. Người ta đưa ra đủ lý do để khước từ, “không chịu đến” vì “thăm nông trại”, “đi buôn”, thậm chí “hạnh hạ, sát hại” sứ giả thông chuyển lời mời. Hơn thế nữa, có những kẻ thờ ơ, “không đếm xỉa tới”. Người Do thái đại diện cho những thái độ này, họ được mời nhưng “không xứng đáng” với lòng rộng rãi của Thiên Chúa. Lời từ chối như thế tỏ ra bất xứng và sỉ nhục lòng tốt của Đức vua.

Tất cả đều được mời. Tất cả đều biết nội dung bữa tiệc. Tuy nhiên, không chỉ người Do thái mà cả chúng ta, toàn nhân loại đang quay lưng lại với tiếng gọi yêu thương của Thiên Chúa. Con người, mọi nơi, mọi lúc, luôn biện cớ để chối bỏ cảm thức siêu việt, khước từ Thiên Chúa: tôi không có thời gian, tôi phải làm tăng ca, tôi phải đi nghỉ với gia đình… Đặc biệt trong thế giới phẳng, toàn cầu hôm nay, với chủ trương duy cá nhân, chủ nghĩa thế tục, người ta phớt lờ, dửng dưng với hướng đích của mình, thậm chí làm ngơ như không có Thiên Chúa, như Người đã chết.

Trong tác phẩm “Bữa Tiệc”, hiền triết Platon (385–370 TCN) tường thuật cuộc đàm đạo ca ngợi về tình yêu eros. Những thực khách lần lượt đưa ra những thiển kiến nhằm lý giải mục đích của vị thần tình yêu eros. Một số vị khách tôn vinh thần tình yêu, đồng thời miêu tả và tán dương những lợi ích của tình yêu. Song nhiều cảnh báo cũng được đưa ra về mối nguy hại của nó. Trong đó, hai nhân vật (hài kịch gia Aristophanes và triết gia Socrates) đã trình bày những cách hiểu đơn sơ về eros. Aristophanes cho rằng con người xưa kia vốn dĩ là sinh vật hình cầu bốn tay bốn chân. Do tự phụ và hỗn xược các vị thần, Zeus đã chẻ họ thành hai nửa. Từ đó, người ta yêu nhau là vì muốn hội ngộ với nửa còn lại của mình. Socrates, người cuối cùng phát biểu, tạo nên cao trào của cuộc hội thoại. Lần kia, ông gặp một phụ nữ khôn ngoan, Diotima, người cho ông biết thế nào là tình yêu. Socrates đã học được rằng tình yêu là một liều thuốc tinh thần giúp chúng ta đạt được những gì chúng ta mong muốn và cần. Socrates cho biết tình yêu có thể hướng dẫn một người chiêm ngưỡng nó. Ông đã cho thấy tình yêu có thể giúp tâm trí con người tiến lên một cõi cao hơn, vĩnh cửu như thế nào, một cõi vượt ra ngoài thế giới tạm thời của các giác quan.

Con người trong thế giới hôm nay như đang ở trong một bữa tiệc, người ta chú tâm vào những thứ tầm thường của “bàn nhậu”, nơi người ta đàm tán đủ thứ mà không có tình yêu, không có niềm vui đích thực. Tiệc tàn, rượu cạn, tình người cũng vơi. Sau nhiều bữa tiệc, người ta khánh kiệt cả túi tiền, thể lực, tâm lực, thậm chí đóng băng, vỡ tan tình thân, tình bạn và cả tình yêu.

Chúng ta được mời gọi hướng về lòng tốt của Chủ tiệc chứ không chỉ dừng lại ở những thực phẩm được bày biện. Niềm vui đích thực của hoan tiệc, của hôn lễ không phải những món được dọn ra mà là con người, niềm vui yêu thương. Nếu không nhận ra lòng tốt, nếu thiếu vắng tình yêu, tiệc sẽ không có niềm vui và những thứ cao lương mỹ vị cũng trở nên chán ngầy, và người ta biện lý do để khước từ, và nếu có tham dự cũng chỉ cho có lễ.

3.       … tấm áo khác màu và bệnh tâm thần phân liệt

Khi Israel khước từ ơn cứu độ, Tin mừng được loan báo cho dân ngoại. Bất luận tốt xấu đều được mời vào trong Giáo Hội, bí tích phổ quát của ơn cứu độ. Cao điểm của dụ ngôn là thời điểm khai tiệc với sự xuất hiện của Đức Vua và người không mang lễ phục cưới – tấm áo khác màu. Xét theo khía cạnh tự nhiên và cách thức mời dự tiệc, việc kết án người này xem ra phi lí, song đây là lối ẩn dụ, để chỉ những ai được mời tham dự vào Giáo hội, đã mang trên mình tấm áo trắng của Phép Rửa, nghĩa là chiếc áo được tẩy sạch trong Máu Con Chiên, nhưng không còn giữ được tình truyền tới ngày dự hoan tiệc. Đó là lý do bị kết án, bị loại ra ngoài. Chiếc áo cưới là căn tính của người kitô hữu, là trang phục để dự hội vui của con cái Thiên Chúa.

Còn chúng ta, có thể tấm áo chúng ta không bị phai màu, chúng ta vẫn mang lễ phục hôn lễ, nhưng tâm thái chúng ta không có niềm vui hân hoan, chúng ta rơi vào trạng thái “tâm thần phân liệt giáo sĩ, tu sĩ”, đánh mất cảm thức về sự dịu ngọt và niềm hoan hỷ dự Tiệc thánh. Trong Tông thư Desiderio Desideravi về việc đào tạo phụng vụ cho dân Thiên Chúa (29.06.2022), Đức Phanxicô khẳng định: Phụng vụ, nhất là Thánh Thể, là nơi gặp gỡ Đức Kitô, Chiên Vượt Qua của chúng ta, là hoan tiệc (n.10-13). Phụng vụ là phương thuốc chống lại nọc độc của tinh thần thế tục (n.17-20), của sự dửng dưng, của tình trạng tâm thần phân liệt đời sống kitô hữu. Bởi vậy, cần phải tái “khám phá lại vẻ đẹp đích thực của các cử hành Kitô giáo” (n.21), cần biết “ngỡ ngàng thán phục trước mầu nhiệm vượt qua”, hiến lễ tình yêu, tiệc cưới Con Chiên. Ngài viết:

“Cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa không phải là kết quả của một cuộc tìm kiếm nội tâm cá nhân, nhưng là một tặng phẩm: chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa qua một hành động mới của việc Nhập thể để đạt đến mực tận cùng trong Bữa Tiệc Ly – Tiệc Con Chiên - là muốn trở thành của ăn nuôi dưỡng chúng ta. Lẽ nào chúng ta lại đánh mất niềm hạnh phúc khi để mình không còn bị lôi cuốn trước vẻ đẹp của tặng phẩm này?” (n.24).

Ước gì chúng ta biết tái khám phá vẻ đẹp của Tình yêu tự hiến trong Hoan Tiệc Con Chiên, vẻ đẹp luôn khơi dậy trong chúng ta sự ngưỡng mộ và đưa dẫn chúng ta tới hành động ái kính tôn thờ Tình yêu. Khi chúng ta tham dự Thánh Lễ, tham dự vào Hôn lễ Con Chiên, có thể chúng ta chưa ý thức đủ, nhưng nếu chúng ta tìm kiếm vẻ đẹp của tình yêu, của sự hiến trao đến cùng, của một tình yêu bao gồm cả eros và agape, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng một Thiên Chúa luôn khao khát gặp gỡ chúng ta trước, và như thế, chúng ta sẽ để cho Người yêu thương và quyến rũ chúng ta. Việc rước Mình Thánh Chúa là thời điểm chúng đạt tới niềm vui sung mãn khi Chúa trở nên chúng ta và chúng ta trở nên giống Chúa. Đó là Hiến lễ Tình yêu của những người “tới dự hội vui, dự đại hội giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa” (Dt 12,22).

Lm- Hoa Thập Tự

 

Nguồn tin: