Suy Niệm Tin Mừng - Chúa Nhật 27 TN A: Cây Nho Đích Thực

Sat,07/10/2023
Lượt xem: 600

CHÚA NHẬT XXVII TN A

(Is 5,1-7; Tv 79; Pl4,6-9; Mt 21.33-43)

Cây nho đích thực

Vườn nho”, khái niệm được sử dụng nhiều trong Kinh thánh để diễn tả về Dân của Chúa, Nhà Israel và sau này được áp dụng cho “Giáo hội”. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay: bài đọc thứ nhất, Thánh vịnh 79 và bài Tin mừng đều đề cập tới thực tại mà hình ảnh vườn nho muốn diễn tả. Dụ ngôn những tên sát nhân nằm trong bài Tin mừng nằm trong 4 dụ ngôn: Cây vả không ra trái – 21,18-22; Hai người con - 21,28-32; Tiệc cưới - 22,1-14, Chúa Giêsu dùng để trả lời cho câu hỏi về quyền bính của Đức Giêsu sau biến cố Người thanh tẩy đền thờ mà những người Pharisêu đặt ra. Qua hình ảnh vườn nho, sứ điệp Lời Chúa đưa chúng ta khám phá tầng sâu của giáo huấn Tin mừng: không phải vườn nho là tâm điểm mà Thiên Chúa - Đức Giêsu Kitô và con người.

1.       Thiên Chúa, Chủ vườn nho

Từ “Vườn nho” vũ trụ, vườn nho Israel, vườn nho – Giáo hội, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm chủ của vườn nho, Đấng trang điểm cho vườn nho của Người vẽ đẹp và sự an toàn. Quả thật, “Thiên Chúa tốt lành và uy quyền toàn năng của mình, đã biểu lộ sự trọn hảo của Người qua những điều thiện hảo Người ban cho các loài thụ tạo” (Dei Filius, 1). Qua việc tạo dựng, Thiên Chúa đã điểm trang vũ trụ vẻ đẹp của Đấng toàn mỹ, bảo toàn nó với sự quan phòng quyền năng, chăm nom nó với tình yêu diệu vời. Thiên Chúa ân cần chăm sóc vũ trụ, cách riêng Israel và Giáo hội của Người. Vườn địa đàng, vườn nho Israel và Giáo hội luôn được Thiên Chúa chăm nom cẩn thận: “khẩn hoang”, “cuốc đất, nhặt đá”, “xây tháp canh”, “khoét bồn đạp nho”, chọn giống nho tốt trồng “trên sườn đồi màu mỡ”, “bốn mùa Chúa đổ hồng ân, tuôn màu mỡ ngập tràn lối đi”. Chiêm ngắm vườn nho, chúng ta khám phá Tôn chủ của nó, Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa. Vũ trụ được tạo dựng, được trang hoànglộng lẫy, mỹ miều và con người được ủy thác cho việc “làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo”, cai quản muôn loài muôn sự. Quả thực, Thiên Chúa, chủ vườn nho, Người:

-     Tôn trọng, tin tưởng con người, giao phó vườn nho cho họ tự quản lý và canh tác. Thiên Chúa trao phó kế hoạch cứu độ cho con người, cho Israel, cho Giáo hội. Mỗi ơn gọi, mỗi sứ vụ chúng ta lãnh nhận đều do Chúa trao phó. Chúa tin tưởng nơi chúng ta;

-      Kiên nhẫn với con người, mong đợi họ canh tác vườn nho của Người để đem lại hoa trái. Người sai hết đại diện này tới đại diện khác tới với con người, bị ngược đãi, đánh đập và giết chết. Chúa nín nhịn mọi lỗi phạm của con người và chờ đợi con người hoán cải;

-     Yêu cho đến cùng: dù con người lần này tới lần khác chối bỏ trách nhiệm, khước từ sứ giả của Thiên Chúa, Người không bỏ cuộc, Người yêu cho đến cùng, trung thành với kế hoạch vườn nho của Người. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con một của Người” (Ga 3,16).

Qua việc chiêm ngắm vườn nho, chúng ta được mời gọi nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy. Tình thương của Người trải dài qua muốn thế hệ và với từng người chúng ta.  

2.       Đức Giêsu Kitô, Cây nho đích thực

Giống nho quý”, “gốc nho từ Ai cập” với “nhánh vươn dài”, chồi “mọc xa” mà Isaia và Vịnh gia 79 diễn tả là hình ảnh của Israel và Giáo hội – Israel mới: mầm mống của ơn cứu độ phổ quát. Nhưng trên tất cả, đó là hình ảnh của Đức Giêsu Kitô, Cây nho đích thực như Người khẳng định “Thầy là cây nho” (Ga 15,1), được Chúa Cha trồng trong lòng đất nhân thế (Ga1,14). Hiến chế về Lumen gentium khẳng định: “Giáo hội là mảnh vườn được canh tác… hay thửa ruộng của Thiên Chúa”, trong đó, “gốc từ giống cây nho đặc biệt đã được người canh tác từ thiên quốc trồng xuống. Cây nho đích thực là chính Đức Kitô, Đấng ban sức sống và hoa trái cho các cành nho, nghĩa là cho chúng ta” (n. 6).

Dụ ngôn này là một lời tuyên xưng về Chúa Giêsu, Người giữ vị trí độc nhất và khác biệt so với những vĩ nhân, những người được sai đến, là Con của Chúa Cha. Người được sai đến với vườn nho nhân loại, và Người đối diện với sự tàn ác của con người, gánh nặng của tội lỗi, Người chấp nhận đến để thanh tẩy, để mang lại sức sống mới cho vườn nho. Bởi thế, Người làm tròn lời tiên báo của Vịnh gia 118,22: “Phiến đá thợ xây nhà loại bỏ, lại trở nên đá tảng góc tường”. Do thái khước từ Đấng Messia, khước từ ơn cứu độ, nhưng sự khước từ của họ đã thực hiện công trình của Thiên Chúa, xây dựng Nước của Người.

Hình ảnh Tảng Đá vấp ngã (Lc 2,34 “dấu hiệu cho người đời chống báng”) này ám chỉ ba hình ảnh về đá tảng trong Cựu ước: trong Is 8.14.15 “Ngài sẽ là nơi thánh, nhưng cũng là hòn đá vấp ngã, đá vướng mắc cho Israel, và là bẩy cũng là lưới cho dân thành Giêrusalem vậy. Nhiều người trong họ vấp chân, sẽ té và dập nát, sẽ sa vào lưới và bị bắt”; đoạn thứ hai Is 28,16: “Này ta đặt tại Sion một hòn đá làm nền, là đá đã thử nghiệm, là đá góc quý báu, làm nền bền vững, ai tin sẽ chẳng vấp”; đoạn thứ ba trong Daniel 2,34.44.45 bức tranh về hòn đá đập vỡ mọi kẻ thù của Chúa. Những hình trong Cựu ước về đá tảng được tóm gọn trong Chúa Giêsu. Chính Người là đá tảng trên đó mọi thứ được dựng nên, và đá góc nhà để giữ mọi thứ lại với nhau. Đi ra khỏi đá tảng, không xây đời mình trên đá tảng, cuộc sống chúng ta sẽ sụp đổ tan tành (x. Mt 7,23).

Bởi vậy, dụ ngôn này và cách đặc biệt Lời Chúa hôm nay tập trung vào Đức Giêsu Kitô, Tình yêu hữu hình của Thiên Chúa đối với con người, Đấng đến để cho con người được sống, phong nhiêu nhờ tình yêu.

3.       Về con người, vườn nho nhân tâm

Từ vườn nho vũ trụ, vườn nho Israel, vườn nho Giáo hội, sứ điệp Lời Chúa dẫn chúng ta đi vào “Vườn nho cõi lòng”. Nói cách khác, môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội và môi trường nhân tâm bị khai thác, bóc lột tới khánh kiệt. Sự băng hoại cả trên bình diện vũ trụ và bình diện nhân phẩm trong thế giới tục hóa và dửng dưng. Con người không sinh trái tốt của tình huynh đệ, tình liên đới, ngôi nhà chung bị tan hoang, “gai góc mọc um tùm”, thay vì hòa bình, toàn thấy đổ máu, khát khao chính trực nhưng chỉ thấy thương đau, bất công.

Con người dễ lãng quên Thiên Chúa, đánh mất cảm thức siêu việt, vắng trực giác thiêng liêng, và do đó, cũng đóng băng tình huynh đệ. Qua thực, thời đại kỹ nghệ số, thế giới phẳng, con người xích lại gần nhau về mặt không gian và thời gian, nhưng tương quan liên vị “bị giãn cách”. Người ta ngồi gần nhau, tương tác với nhau nhưng không tương giao đệ huynh. Đức giáo hoàng viết: “Những tiến bộ này thật là to lớn và có giá trị” (FT, 29), nhưng cái đang thống trị thế giới hôm nay “là một sự thờ ơ vô tâm lạnh lùng được toàn cầu hóa, phát sinh từ sự vỡ mộng sâu xa ẩn đằng sau một ảo tưởng có tính đánh lừa: ý nghĩa rằng chúng ta toàn năng, trong khi không nhận ra rằng tất cả chúng ta ở trên cùng một con thuyền. Ảo tưởng này, không chút ý thức về các giá trị to lớn của tình huynh đệ, dẫn tới một loại chủ trương yếm thế. Bởi đó là con đường chúng ta sẽ gặp nếu đi theo con đường vỡ mộng và thất vọng” (FT, 30).

Trong thông điệp “Chăm sóc ngôi nhà chung - Laudato S”i, Đức Phanxicô nói: “Người chị trái đất đang kêu gào vì sự hủy hoại do chúng ta, vì việc sử dụng vô trách nhiệm và bóc lột các tài nguyên”, “Qua việc khai thác vô tội vạ thiên nhiên, con người phải đối mặt với một nguy hiểm là sẽ tàn phá thiên nhiên và trở thành tế vật cho việc tàn phá của mình” (L. Si, 2.4). Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta khám phá “thiên nhiên là quyển sách sáng ngời, trong đó Thiên Chúa nói với chúng ta và cho chúng ta thấy ánh quang đẹp đẽ và nhân từ của Người” (L. Si, 12).

Mới đây, ngày 04.10.023, Đức Phanxicô đã ban hành Tông huấn “Laudate Deum - Hãy ngợi khen Chúa”, đề cập tới trách nhiệm của con người trong sự nóng lên toàn cầu là không thể chối cãi. Ngài đưa ra lời kêu gọi đồng trách nhiệm trước tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu vì thế giới “đang sụp đổ và có lẽ đang tiến đến điểm đổ vỡ”. Tông huấn gồm 6 chương với 73 đoạn, cụ thể và hoàn thành những điều Đức Thánh Cha đã nói trong thông điệp “Laudato si'” được ban hành vào năm 2015.

Con người được mời gọi công tác vào công việc của Thiên Chúa. Người trang bị mọi sự rào dậu, đắp bồn đạp nho và giao cho họ canh tác. Thế nhưng, họ chống lại Thiên Chúa, phá vỡ kế hoạch của Người. Con người với tính ghen tuông đưa đến sự tàn sát, đánh mất tình huynh đệ. Lòng ganh ghét đã khiến các con Giacóp coi đứa em ruột của mình là kẻ thù. Lòng ganh ghét cũng khiến các thượng tế và kỳ lão Do Thái giết chết Đấng Messia mà toàn dân mong đợi. Tuy nhiênChính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc”, cũng như Giuse bị bán làm nô lệ, nhưng lại trở nên người cứu cả gia đình ông khỏi nạn đói. Và “việc đó thật lạ lùng trước mắt chúng ta” (Mt 21,42).

Việc tìm về với gốc rễ nơi Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, Cây nho, Đá tảng đích thực, trong sự gắn kết và bén rễ sâu với thân nho, là cách duy nhất để con người và thế giới tồn hữu và phát triển để đạt tới sự thành toàn trong kế hoạch của Hóa Công.

Như một lời kết: Vun xới vườn nho nhân tâm

Cần nhận ra lòng tốt của Thiên Chúa, Đấng luôn nhìn tới và chăm nom vườn nho của Người, không ngừng thi thố ân huệ và trao gửi những người thợ để chăm sóc, vun xới và mong vườn nho nhân tâm trổ sinh hoa trái. Cần hoán cải và khẩn nài xin Chúa tiếp tục công cuộc Người đã khởi sự như Vịnh gia 79  trong bài đáp ca và thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai mời gọi chúng ta: “Lạy Chúa, xin trở lại, xin ngó xem và thăm nom vườn nho Chúa và bảo vệ cây tay hữu Chúa đã trồng” (Tv 78,15-16). Đức Phanxicô nhắn gửi chúng ta: “Đừng ngại để mình được liên kết với lòng thương xót của Trái Tim Chúa Kitô”, hãy để Người “yêu thương qua anh chị em” và cho phép sự dịu dàng của Thiên Chúa “chỉnh sửa và thậm chí làm đảo lộn, nếu cần, các kế hoạch và dự án của anh chị em”.[1] Thiên Chúa “gần gũi, nhân hậu và dịu dàng”, anh chị em cũng sống như thế với người khác và khi đối thoại với Chúa Giêsu trong cầu nguyện.

Hơn nữa, chính chúng ta cũng phải biết xây dựng, thủ đắc những đức tính của con người, để hoàn thiện nhân tâm: “Những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý” (Pl 4,8). Và như thế, bình an của Thiên Chúa, vượt trên mọi sự toan tính và hiểu biết của con người sẽ giữ cho lòng trí chúng ta kết hợp với Đức Kitô, Cây nho đích thực.

Lm. Hoa Thập Tự

 



[1] Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích các tu sĩ Dòng Thừa sai Thánh Tâm Chúa Giêsu vào ngày 02.10.2023.

Nguồn tin: