Suy Niệm Tin Mừng - Chúa Nhật 26 TN A: Thi Hành Thiên Ý

Sat,30/09/2023
Lượt xem: 1169

CHÚA NHẬT 26 TN A

(Ez 18,25-28; Tv 24; Pl 2,1-11; Mt 21,28-32)

Thi hành thiên ý

Người xưa vẫn luôn truy tìm Đạo để có thế sống đúng với Thiên Mệnh. Đọc được mệnh trời nghĩa là người ta đã thành nhân, vì khi đó con người sống và hành động theo Thiên Ý. Có thể nói, sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đi vào tâm điểm của ơn gọi làm con cái Thiên Chúa là kiếm tìm và thi hành Thiên Ý.  Xin gợi lên 3 điểm để cùng suy niệm:

1.       Sám hối – đường tìm về Thiên ý

Câu chuyện hai người con trong bài Tin mừng nói lên hai thái độ sống, nơi họ có điểm chung là ngôn hành bất nhất. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận ra điểm khác biệt tận căn giữa họ. Cái làm cho nên sự khác biệt chính là hành – làm theo ý của cha mình. Dĩ nhiên để đi tới điểm quyết định này, người con thứ nhất, sau khi NÓI KHÔNG lời mời gọi của Cha, đã thực hiện bước căn bản: SÁM HỐI.

Sám hối mở ra cánh cửa cho con người tiến vào thế giới của Thiên Chúa. Nói cách khác, sám hối là lối dẫn con người đi vào trong niềm hoan lạc của con người công chính, miền đất cõi nhân sinh. Bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Ezechiel công bố sâm ngôn của Đức Chúa: “Nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ được cứu, sẽ được sống” (c.27). Và trong Tin mừng, Chúa Giêsu mời gọi những người Israel thực hiện việc sám hối, Người nói : những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông vì họ tin vào lời rao giảng sám hối của Gioan Tẩy Giả và thực hiện việc biến đổi (cc. 31-32). Bài Tin mừng này nằm trong ba dụ ngôn và 4 cuộc tranh luận mà Chúa Giêsu nhắm thẳng vào giới lãnh đạo Do thái (21,28-22,) những người nói mà không làm (Mt 23,1) và đó cũng là lời nhắc nhở chúng ta hôm nay.

Sám hối để thực hiện cuộc đổi thay không chỉ trên phương diện đạo đức, luân lý và cả trên bình diện hữu thể. Nghĩa là cuộc hoán cải hoàn toàn, mang lấy con người mới, con người mang hình ảnh của Đức Kitô, Đấng xem việc “thi hành ý muốn của Chúa Cha là lương thực” của mình (Ga 4,34).

Chúng ta, những kitô hữu, những môn đệ trên hành trình – Sequela Christi – bao lần chúng ta đã trịnh trọng thưa với Chúa “Này con đây, con đến để thi hành ý Chúa, nhưng chúng ta chỉ “hứa” mà không “hành”, “thưa” mà không “đáp”; “tuân” mà không “phục”. Nói cách khác, chúng ta chỉ giả bộ ngoan hiền, công chính bên ngoài nhưng bên trong là sự phản trắc, chống cưỡng ý muốn của Thiên Chúa: “Dạ con đi, nhưng rồi nó không đi”. Chúng ta “hứa thật nhiều mà thất hứa” cũng nhiều. Bởi vậy, chúng ta được mời gọi sám hối luôn để tìm về với nẻo chính đường ngay, với căn cốt của đời sống kitô hữu, của môn đệ Chúa. Sám hối là con đường để triệt tiêu tính cao ngạo và hạ bệ sự thống trị các thói hư, tật xấu để chúng ta đạt tới sự vẹn toàn nhờ tựa nương vào lòng nhân ái của Chúa, Đấng nhân từ và chính trực, chỉ lối cho tội nhân, dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính (Tv 24,8-9).

2.       Thiên ý: niềm hoan lạc tâm can

Người con thứ nhất hối hận sau khi từ chối ý muốn của người cha, bởi anh biết rằng đường lối của cha mình là vững chắc, là toàn thiện. Chúng ta thi hành ý muốn của Chúa bởi: “Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bố sức cho tâm hồn. Thánh ý chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn”. Bởi vậy, chúng ta luôn được mời gọi truy tầm và thi hành THIÊN Ý, phải “ra công học hỏi” (Tv 18).

Việc thi hành ý muốn của Thiên Chúa, con người không chỉ là thực hiện điều chính trực theo đạo lý luân thường, nhưng trên hết là con đường dẫn tới niềm vui đích thực như Vịnh gia 119 diễn tả kinh nghiệm này:

Lạy Chúa, con hết dạ kiếm tìm Ngài, 
xin chớ để con làm sai mệnh lệnh Chúa.

Tuân theo thánh ý Ngài, con vui sướng,
hơn là được tiền rừng bạc bể.

Vâng, thánh ý Ngài là gia nghiệp con mãi mãi,

Đó là niềm hoan lạc của lòng con (cc. 10.14.111).

Thiên ý là gia nghiệp, là niềm hoan lạc, mà gia nghiệp và niềm hoan lạc đó chính là Chúa. Ý muốn của Thiên Chúa là ơn cứu rỗi con người, là chính Thiên Chúa. Thi hành thiên ý liên quan tới đức vâng phục mà chúng ta đoan hứa: với bề trên: đòi buộc bề giới tuân phục theo mức độ mà bề trên tuân hành ý muốn của Chúa và bề dưới tìm kiếm ý Chúa qua việc làm theo ý muốn của bề trên trong việc tương hợp với ý Chúa.

3.       Phân định để mang lấy những tâm tình Chúa Con

Trên con đường thành nhân, thành môn sinh qua việc thi hành thiên ý, người ta thực hiện những bước phân định để nhận diện ý riêng và ý Chúa, giữa bóng tối và ánh sáng, thần dữ và thần lành. Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai cung cấp cho chúng ta những chìa khóa để tiến hành bước phân định để tìm và sống Thiên ý. Hai từ chìa khóa để thực hiện việc phân định:

Khiêm nhườngcoi trọng khi đối diện với người khác. Nếu khiêm nhường là nhân đức quy hướng về chủ thể thì việc coi trọng người khác hay quảng đại là việc hướng tới tha thể. Nếu khiêm nhường là bước trở về với bản ngã để sám hối, để chính tâm, để tìm được tiếng vọng của thiên ý trong sâu thẳm cõi lòng thì việc đặt lợi ích của người khác lên trên, mở ra cho chúng ra trong mối liên hệ liên vị trong “cùng một cảm nghĩ, một lòng mến, một tâm hồn, một ý hướng”, nghĩa là cùng thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Khiêm tốn và quảng đại là việc tự hủy chính mình để cho thiên ý được biểu lộ và thực thi nơi chính mình và nơi người khác.

Cần phân định mỗi ngày để tẩy sạch những gì là ganh tỵhư danh bằng sự khiêm nhu và quảng đại, bằng cách mang lấy những tâm tình và rập theo khuôn mẫu là Chúa Con, Đấng đã khiêm tốn tự hủy, trút bỏ vinh quang, mang thân tôi tớ, trở nên như mỗi một chúng ta và tuân hành thánh ý tới cùng. Đó là việc trao hiến trọn vẹn cho ơn cứu rỗi con người, nghĩa là cho Thiên ý được thành toàn.

Trong thư gửi tín hữu Roma, Thánh Phaolô cũng mời gọi chúng ta tự hủy và hiến dâng để có thể phân định và thi thành thiên ý. Ngài khuyên nhủ: “Vì Thiên Chúa thương xót”, “anh em hãy hiến dâng thân mình là của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa”. Đó là cách thức xứng hợp để tôn thờ Thiên Chúa. “Đừng có rập theo” sự đời, nhưng hãy “cải biến con người anh em”, “ đổi mới tâm thần” để nhận ra “đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (x. Rm 12,1-2).

Lạy Chúa, xin cho chúng ta cảm nghiệm sự dịu ngọt, niềm hoan lạc của việc tìm và làm theo ý Chúa trong ơn gọi và sứ vụ của chúng ta. Amen.

 

Lm. Hoa Thập Tự

 

Nguồn tin: