Suy Niệm Tin Mừng - Chúa Nhật 24 TN A: Tha Thứ , Mệnh Lệnh và Ân Huệ

Sat,16/09/2023
Lượt xem: 466

Suy Niệm Tin Mừng – Chúa Nhật 24 TN A

(Hc 27,30-28,7;Tv102; Rm14,7-9; Mt 18,18,21-35)

Tha Thứ , Mệnh Lệnh và Ân Huệ

Tha thứ, một hạn từ rất dễ nói và dễ khuyên răn người khác, nhưng lại là bài học mà chúng ta khó học và phải học mỗi ngày. Tha thứ là một khái niệm phức tạp và là một thực tế tâm lý khó khăn. Nó chỉ thực sự trở thành trong hành động bằng việc ý thức chính mình và phải nhờ một cái gì khác, từ Ai khác, chúng ta mới có thể thức thi điều cốt tủy của tình yêu. Đó là kinh nghiệm của từng người đối diện với Thiên Chúa; là tình yêu cao cả vượt qua rào cản, những vách ngăn và thù hận; là một ơn mà chúng ta phải xin và nhờ vào để sống kinh nghiệm được tha thứ để thứ tha.  Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta khám phá:

1.           Biên cương của sự tha thứ là tha tha cách không giới hạn

Phêrô đặt ra vấn nạn phải tha thứ bao nhiêu lần cho người mắc lỗi với mình. Các Rabbi khuyên nên tha 3 lần. Phêrô hướng tới một sự trọn hảo hơn với việc tha đến 7 lần. Tuy nhiên, Chúa Giêsu cho thấy sự tha thứ không có một hạn định nào, “không phải bảy lần, nhưng bảy mươi lần bảy” (c.22). Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Người, những con cái của Thiên Chúa mặc lấy một tình yêu vị tha, không giới hạn, vô điều kiện. Tha thứ một cách tận cùng, không biên cương. Một đòi hỏi triệt để của Tin mừng, nhưng làm sao để tha thứ?

Sau thế chiến thứ II, người ta tổ chức một cử hành hòa giải với những nạn nhân của thảm họa phân biệt chủng tộc. Một phụ nữ đứng lên giữa cộng đoàn tham dự lễ Chúa nhật nói lên sự tha thứ cho những người đã tra tấn mình trong các trại tập trung. Người ta vổ tay tán thưởng hành động thấm nhuần tình thân Kitô giáo của nữ tín hữu này. Kết thúc buổi hòa giải, bà bước ra khỏi cửa nhà thờ, một người đàn ông tiến về phía bà và đưa cánh tay ra như lời cảm ơn về sự tha thứ của bà. Bà nhận ra khuôn mặt mà mình đang đối diện, gã đã tra tấn bà những năm trước. Bà chết lặng và khuôn mặt biến sắc. Phải mất một hồi lâu, ba mới đình thần, mới đưa bàn tay về phía người đối diện. Bà thú nhận một sự xáo trộn, vách ngăn khi đối diện với người cần được tha thứ, và cuối cùng bà thanh thản thi hành điều bà nói giữa cộng đoàn và tha thứ cho chính người hại bà.

Mệnh lệnh tha thứ khôn cùng mà Tin mừng đòi hỏi hệ tại ở nội lực của việc cảm được tình yêu của Thiên Chúa, một Thiên Chúa chậm giận và rất mực khoan nhân hơn là sự ăn năn hối lỗi, cũng chẳng xuất phát từ nhân tâm, lòng quảng đại của kẻ bị xúc phạm.

2.       Kinh nghiệm về một Thiên Chúa luôn thương và tha

Có thể yêu thương hết mọi người, tha thứ những lỗi phạm của người khác không? Từ kinh nghiệm thường nhật trên bình diện cá nhân và cộng đoàn, chúng ta thú nhận dường như đó là điều bất khả. Dĩ nhiên, con người là hữu thể có khả năng yêu thương, do đó, thương - tha là khả thể của chân tính con người. Và con người chỉ có thể sống chân tính của hữu thể biết thương - tha khi tuyên nhận:

Chúng ta, những kẻ mắc nợ, những tội nhận, những kẻ luôn xúc phạm tới Thiên Chúa. Dụ ngôn trong bài Tin mừng, Chúa Giêsu cho thấy sự khác biệt giữa hai món nợ và hai thái độ: hai kẻ mắc nợ, hai tình trạng kiệt cùng, hai lời cầu xin thống thiết, song hai cách hành xử trái ngược nhau: sự quảng đại vô lượng giá của Thiên Chúa và sự so đo, keo kiệt, thấm chí bất nhân của con người. Món nợ 100 quan tiền10 ngàn yến vàng như thế giọt nước giữa đại dương bao la.[1] Qua đó, Người vén mở cho chúng ta lòng quảng đại của Thiên Chúa và sự vô lý, ích kỷ, hẹp hòi của lòng dạ con người.

Chúng ta được mời gọi cúi mình trước Thiên Chúa, ý thức mình là “kẻ mắc nợ” và “không có khả năng hoàn trả” - thậm chí có bản hết mọi thứ, và Thiên Chúa, Đấng không biết mệt mỏi để tha thứ cho chúng ta. Đó là nền tảng, là nguyên lý và sức mạnh để học cách yêu thương tha thứ. Chúng ta nhận được tha bổng không phải vì lời khẩn nài hay thiện chí của chúng ta mà bởi lòng tốt của Thiên Chúa, Đấng “từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương”, Đấng luôn “tha muôn ngàn tội lỗi” của chúng ta “bằng ân nghĩa và lượng hải hà” (Tv 102,1-12).

Chúng ta được thương và tha một cách nhưng không, vô lượng giá bởi Ai khác, bởi Thiên Chúa, Đấng luôn sẵn sàng tha thứ những món nợ lớn lao không thể nào đền trả của chúng ta, thế nhưng, chúng ta lại thường dễ chấp nhất những khiếm khuyết, những thiếu sót, sai phạm của anh chị em. Chúng ta cần tới sự bao dung, lượng thứ của Thiên Chúa trong khi mình lại gây hấn với những ai lỡ phạm tới mình. Mỗi ngày chúng ta khẩn nài: “xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha” nhưng chỉ ý thức điều xin trước còn điều xin phía sau bỏ ngỏ trong tương quan với anh chị em.

Khi xứng thú, tuyên nhận chính mình, những kẻ mang nợ, những món nợ khổng lồ với Chúa và anh em, đồng thời chúng ta được tự do, được tha thứ hoàn toàn bởi Đấng luôn yêu thương chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân, là cách thể để được yêu, để học yêu và thông truyền tình yêu.

3.       Tha thứ để được thứ tha

Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36), “Nếu anh em không hết lòng tha thứ cho anh mình, thì Cha anh em trên trời cũng đối xử với anh em như thể” (Mt 18,35; 6,14), Chúa Giêsu đã khẳng định như thế sau khi kết thúc dụ ngôn và Kinh Lạy Cha. Còn thánh Phaolô nhắc nhớ cộng đoàn Colose: “Nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia, Chúa đã tha thứ cho anh em thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau” (Cl 3,13). Tha thứ cho anh em là điều kiện để đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa. Đó là con đường, là phong cách của tình yêu, điều mà thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai khuyên nhủ chúng ta: “sống - chết cho người khác, cho Chúa theo gương mẫu Đức Kitô.

Đây là mệnh lệnh khó nhất của Tin mừng là tha thứ cho kẻ thù (x. Mt 5,44). Những lời này được viết khi các Kitô hữu trải qua những cuộc bách hại đầu tiên và cả cuộc sống thường nhật của của chúng ta hôm nay. Giới luật yêu thương đã đảo lộn các tiêu chuẩn công bằng, phá vỡ mọi logic, toan tính hơn thiệt của con người.

Đức bác ái là cử chỉ can đảm trong một thế giới đang bị đe dọa bởi nguy cơ sụp đổ vì hận thù. Sự tha thứ ngăn chặn chu kỳ bạo lực và hướng các bên đến sự hòa giải. Chúa Giêsu không bảo biến kẻ thù thành bạn bằng một phép thuật nào đó, nhưng với tình yêu, mọi cách trở tương quan giữa các cá nhân và cộng đoàn có thể được khỏa lấp, tình yêu cải thiện chất lượng các mối tương quan liên vị.

Chúng ta cần chân nhận rằng, tha thứ là ân huệ cần nài xin và kinh nghiệm bởi tình yêu Thiên Chúa, chứ không phải bởi công sức của chúng ta. Tha thứ cho anh em là ân huệ chúng ta cần nài xin và học lấy mỗi ngày.

Chúa Giêsu không yêu cầu chúng ta điều gì vượt quá sức của chúng ta. Điều này Chúa Giêsu Kitô đã phúc đáp từ thập giá của Người. Nơi thập giá: Chúa Giêsu chịu sự đè nặng, thống trị của sự ác, Người cảm giác bị bỏ rơi bởi các môn đệ, thậm chí dường như Chúa Cha cũng vậy, Chúa Giêsu chỉ nhìn thấy vực thẳm của sự ác. Tuy nhiên, từ trên thập giá, Chúa Giêsu đã đánh bại sự ác bằng cử chỉ tha thứ: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

Trong bản tính nhân loại, Chúa Giêsu đủ để cảm nhận được mọi sự tàn bạo của sự bất công đang quay lưng lại với mình. Người cảm nhận được quằn quại khi trao ban sự tha thứ vào lúc đó. Và những lời của Chúa Giêsu dạy chúng ta cách yêu và tha thứ. Người đòi hỏi các không thể nhân danh mình tha thứ cho kẻ thù mà nhân danh Chúa Cha. Người không cậy vào sức mạnh của mình để tha thứ, mà là quyền năng của Thiên Chúa.  Chúa Giêsu không nói: “Tôi tha thứ cho các ngươi …” nhưng phó thác sự tha thứ cho một tình yêu cao cả hơn, tình yêu của Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ”. Người đã tìm thấy ân sủng của sự tha thứ, không phải ở chính mình, mà là ở Thiên Chúa. Tương tự như vậy, chúng ta đọc thấy thánh Stêphanô, vị tử đạo không đích thân tha thứ cho những người ném đá mình, nhưng xin Chúa Giêsu tha thứ cho họ. Sự tha thứ của Chúa Giêsu trên thập giá đứng trước mặt chúng ta như một tấm gương gây sốc. Khi khả năng có hạn và mong manh của chúng ta cạn kiệt để có thể tha thứ, thì chúng ta cầu xin Thiên Chúa là Đấng tha thứ cho kẻ thù của chúng ta.

Chúng ta hãy thành tâm sám hối như lời của Daniel thốt lên với Đức Chúa thay cho toàn dân: “Lạy Chúa, xin đừng rút lại lòng thương xót của Chúa đã dành cho chúng con. Xin thương nhận tâm hồn thống hối và tình thần khiêm nhường của chúng con” (Dn 3,35.39).

Don Lửa Hồng

      



[1] 1 yến vàng = 6000 quan (6000 ngày công), 100 quan (100 ngày công) so với 10 ngàn yên vàng quả là một trời một vực.

Nguồn tin:
Tags :