Suy Niệm Lời Chúa: Lễ Đức Mẹ Mân Côi - Kinh Mân Côi, Lời Kinh Gia Đình

Sat,30/09/2023
Lượt xem: 2373

               LỄ MÂN CÔI (07/10)

(Cv 1,12-14; Gl 4,4-7; Lc 1,26-38)

Kinh Mân Côi, Lời Kinh Gia Đình

“Chuỗi ngọc vàng kinh” là những từ có thể diễn tả cách tròn đầy ý nghĩa của Kinh Mân Côi trong đời sống kitô hữu. “Kinh Mân Côi hay Thánh vịnh của Đức Trinh Nữ Maria, là cách sốt sắng nhất của việc cầu nguyện với Thiên Chúa, một cách dễ dàng trong tầm với của mọi người, bao gồm việc ca ngợi chính Đức Trinh Nữ Maria bằng cách lặp lại lời chào của thiên thần một trăm năm mươi lần, như các Thánh vịnh, xen kẽ giữa mỗi chục hạt là Kinh Lạy Cha, với việc suy niệm các mầu nhiệm của toàn bộ cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” - định nghĩa này của Đức Piô V thể hiện như một điểm khởi đầu tuyệt vời để nói về Kinh Mân Côi, và cũng như một điểm quy chiếu để hiểu nội dung của lời Kinh Mân Côi.

Kinh Mân Côi đã có một lịch sử lâu dài, tuy nhiên, hình thức như chúng ta có hôm nay được Đức Giáo Hoàng Pio V công bố vào năm 1569 (gồm 150 kinh Kính Mừng, chia thành 15 chục, với một Kinh Lạy Cha đi trước và Kinh Sáng danh sau mỗi chúc; được chia thành 3 sự ngắm: VUI – THƯƠNG - MỪNG). Ngày 07/10/1671, Lễ Mân Côi đã được thiết lập. Để khẳng định vị thế của Mẹ Mân Côi, đồng thời canh tân truyền thống lần chuỗi Mân Côi trong Giáo hội, ngày 15/10/2002, Đức Gioan Phaolô II đã ban hành Tông Thư Kinh Mân Côi và thêm vào Năm Sự Sáng.

Chúng ta đang dẫn bước trong thánh Mân Côi, tháng mà Giáo hội mời gọi con cái mình, cùng với Nữ Vương rất Thánh Mân Côi khám phá sức sống của “Các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi được coi là Bản lược tóm Sách Tin mừng”. Ý hướng này càng thiết yếu hơn trong biến cảnh thế giới hiện thời.

1.       Kinh Mân Côi, Lời Gia đình

Lời kinh Mân Côi là lời kinh của gia đình, gắn liền với đời sống Kitô hữu. Chắc hẳn quí ông bà anh chị em lớn tuổi còn nhớ lời kinh đơn sơ nhưng là lương thực cho đời sống giáo hữu Việt Nam trong những biến cảnh của lịch sử. Mỗi đầu hôm sớm mai, cha mẹ, con cái quây quần bên bàn thờ tại gia hay bên bếp lửa râm ran lời kinh “Kính Mừng… Thánh Maria”. Tuy nhiên, với nền kinh tế thị trường, quá trình di dân, đã làm mất dần ý nghĩa và tầm quan trọng lời kinh bình dân này trong đời sống nhiều gia đình kitô hữu.

Ngày nay, nhiều người coi lời Kinh Mân Côi là chuyện của những ông lão bà già, của đám con trẻ. Nhiều người trẻ đeo tràng chuỗi không phải là vũ khí của đức tin mà chỉ là vật trang sức; thay vì cầm tràng hạt thì các ngon tay nó nhảy múa với những con phím của điện thoại; thay vì chiêm ngắm, suy niệm lời Kinh Mân Côi thì họ nhấm nháp những từ nút like, comment trên facebook, số khác đắm mình trong những chương trình giải trí, các game show…

Tháng Mân Côi nhắc nhớ các gia đình khơi dậy đời sống đức tin bằng đời chứng tá Tin mừng, qua lời kinh gia đình mà kinh Mân Côi được coi là tiêu biểu. Đức Gioan Phaolô II đã viết: “Để thúc đẩy các tín hữu tái khám phá và trở lại việc đọc kinh này trong các gia đình - như ngài đã nói – “Gia đình cùng nhau cầu nguyện, đó là gia đình hiệp nhất”. Quả thực, qua Kinh Mân Côi, bản tóm lược toàn bộ sách Tin mừng, các thành viên trong gia đình hiệp thông với nhau trong việc thờ phượng Thiên Chúa khi cùng Đức Maria sống các chặng đường của Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô. Lời kinh gia đình là giờ gia đình đoàn viên, giờ giáo dưỡng đức tin văn hóa cho con cái. Do đó, “việc làm sống lại kinh Mân Côi trong gia đình công giáo là một công việc mục vụ rộng lớn, sẽ là một sức trợ giúp rất hữu hiệu để chống lại những tác động có tính cách hủy diệt qua các cuộc khủng hoảng của thời đại chúng ta.”

Khi hiện ra tại Fatima (1917), Đức Mẹ đã nhắc nhở chúng ta hãy siêng năng lần hạt Mân Côi và cải thiện đời sống. Điều đó càng quan trọng hơn trong thế giới với nhiều bất trắc và mong manh, nơi mà người ta cổ xúy những chủ trương đi ngược với lương tâm con người và phá hủy nền tảng giá trị gia đình như: luyến ái tự do, ly dị, phá thai, đồng tính luyến ái... Lời Kinh Mân Côi, lời kinh của các gia đình Kitô hữu là phương thế tối ưu giúp các gia đình trở thành cộng đoàn yêu thương, cầu nguyện, phục vụ sự sống và loan báo Tin mừng.

2.       Kinh Mân Côi, phương thế kiến tạo hòa bình

Trong lịch sử, lời kinh này đã là lời kinh của hòa bình, và trong bối cảnh thế giới đầy biến động hôm nay, khi nền hòa bình đang bị đe dọa nghiêm trọng, thì lời kinh Mân Côi là phương thế để vãn hồi nền hòa bình đích thức. Trong Tông Thư Kinh Mân Côi, Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh đặc biệt điều này: “Tự bản chất, Kinh Mân Côi Là Lời Kinh Hòa Bình”.

Kinh Mân Côi gìn giữ hạnh phúc, sự bình an cho tâm hồn chúng ta và giúp chúng ta trở nên những ‘khí cụ bình an của Chúa’: “Kinh Mân Côi đem lại sự bình an nơi người cầu nguyện và giúp họ gieo rắc chung quanh mình hòa bình đích thực, vốn là quà tặng đặc biệt của Chúa Giêsu Phục Sinh […]. Bằng cách hướng con mắt tâm hồn chúng ta về Chúa Kitô, Kinh Mân Côi cũng biến chúng ta thành những người kiến tạo hòa bình thế giới. Kinh Mân Côi cho phép chúng ta hy vọng rằng, ngay trong thời buổi này, công cuộc chiến đấu cho hòa bình sẽ dành phần thắng lợi… Kinh Mân Côi không hề là một cơ hội để chúng ta tránh né những vấn đề của thế giới, trái lại Kinh Mân Côi thúc đẩy chúng ta nhìn thẳng vào những vấn đề của thế giới với con mắt của những con người có tinh thần trách nhiệm và quan tâm, đồng thời ban cho chúng ta nghị lực để đối phó với những vấn đề đó”.

Chính khi chúng ta sống lời Kinh Mân Côi, chúng ta cùng với Đức Maria hướng lòng với anh chị em trong cộng đồng nhân loại thao thức với họ, cùng học khát vọng và kiến tạo hòa bình. Chính Đức Mẹ đã mời gọi con cái mình lần hạt để vãn hồi và kiến tạo nền hòa bình đích thực. Và chúng ta xác tin rằng, với lời Kinh Mân Côi, một nền hòa bình đích thực cho cộng đồng nhân loại sẽ hiện thực.

3.    Kinh Mân Côi, lời mời gọi hoán cải con tim

Bước đi tiên khởi của việc kiến tạo hòa bình trong gia đình và xã hội là việc hoán cải con tim, canh tân đời sống kitô hữu. Lời Kinh Mân Côi với việc suy chiêm các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Cứu Thế, qua việc học gương “lòng lành và nhân đức Đức Mẹ” giúp người lần chuỗi bước vào hành trình hoán cải để đáp lại tình yêu của Thiên Chúa bằng đức tin và lòng mến.

Trong sứ điệp Fatima, Đức Mẹ đã nhắn gửi con cái loài người không chỉ lần chuỗi, mà cần “cải thiện đời sống”. Quả thực, mọi bất ổn trong gia đình, nơi khối phố, thôn xóm, và lớn hơn ở tầm mức quốc gia, quốc tế đều xuất phát từ tà tâm của con người. Thay vì tìm thiện ích chúng, người ta chỉ tìm kiếm lợi ích của bản thân hay của nhóm. Bởi vậy để có thể kiến tạo mái ấm thuận hòa trong gia thất, bình an nơi thôn xóm, hòa bình cho các quốc gia, bước trước tiên mỗi người cần biến cải đời sống theo các Mối phúc, theo giáo huấn Tin mừng.

Đó là việc thực hiện cuộc hòa giải với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính mình, trở về với giáo huấn Tin mừng là con đường tối ưu để kiến tạo nền công lý hòa bình vững chắc. Chính Kinh Mân Côi sẽ dẫn con người đi vào mầu nhiệm Thiên Chúa, khám phá tình yêu cứu độ của Người, nhờ đó, con người trở nên canh tay nối dài của tình yêu Thiên Chúa.

Xin Chúa là Nguồn mạch bình an, nhờ lời chuyển cầu của Nữ Vương Hòa bình giúp chúng ta biết không ngừng khám phá sức sống của lời Kinh Mân Côi, nhờ đó, chúng ta biết sống mầu nhiệm của Đạo Thánh qua Chuỗi Mân côi, nhờ đó chúng ta được cải biến tâm can, kiến tạo bình an cho gia đình và nhân loại.

 Lm. Hoa Thập Tự

 

 

Nguồn tin: