Suy Niệm Chúa Nhật XVI Thường Niên A - Lúa Và Cỏ Lùng

Sat,22/07/2023
Lượt xem: 6715

 Lúa và cỏ lùng

Kn 12,13.16-19; Rm 8,26-27; Mt 13,24-43

Phụng vụ Chúa Nhật này trình bày cho chúng ta ba dụ ngôn mà Chúa Giêsu dùng để loan báo mầu nhiệm Nước Trời cho dân chúng. Chúa Giêsu thường dùng dụ ngôn để giảng dạy những chân lý cao siêu, bởi vì, khoảng cách giữa con người và chân lý là một câu chuyện. Đây là phương pháp mà các bậc hiền triết dùng giúp người nghe dễ hiểu và dễ nhớ bằng một câu chuyện ngụ ngôn.

1. Ý nghĩa của các dụ ngôn

Trong dụ ngôn thứ nhất, Nước Trời được ví như một thửa ruộng có lúa và cỏ lùng mọc lên; dụ ngôn thứ hai ví Nước Trời như hạt cải nhỏ bé nhưng khi mọc lên, nó thành cây rau lớn nhất, đến nỗi chim trời đến làm tổ trên cành; dụ ngôn thứ ba ví Nước Trời như nắm men trộn vào trong ba đấu bột và làm cho bột dậy men. Hai dụ ngôn sau khá dễ hiểu. Cả hai muốn diễn tả sự lớn mạnh của Nước Trời trên trái đất. Nước Trời hiện diện âm thầm, đôi lúc rất khiêm tốn, nhưng sức mạnh của nó thì rất mãnh liệt và kỳ diệu đến nỗi có thể thay đổi hoàn toàn bộ mặt cuộc sống con người và xã hội như men trong bột.

Tuy nhiên, dụ ngôn “lúa và cỏ lùng” thì khó hiểu hơn cả. Vì thế, Chúa Giêsu giải thích nó riêng biệt: người gieo giống là chính Người; hạt giống tốt là con cái Nước Thiên Chúa; những hạt giống xấu là con cái của ma quỷ; cánh đồng là thế giới này; thợ gặt là các thiên thần và mùa gặt là ngày tận thế. Chúng ta cần dừng lại để tìm hiểu ý nghĩa của dụ ngôn này. Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn trả lời cho con người mọi thời về những câu hỏi quan trọng sau đây:

1) Sự dữ do đâu mà có?

2) Tại sao Thiên Chúa không hủy diệt những người tội lỗi?

3) Thái độ của chúng ta như thế nào đối với tội nhân?

2. Nguồn gốc sự dữ và thái độ của Thiên Chúa

Trướt hết, Chúa Giêsu dùng hình ảnh “người gieo giống trong ruộng mình, nhưng khi ông đang ngủ, thì kẻ thù đến gieo cỏ lùng vào trong ruộng” (x. Mt 13,24-43). Qua hình ảnh này, Chúa Giêsu muốn quả quyết rằng sự dữ không đến từ Thiên Chúa, nhưng đến từ ma quỷ. Sự dữ hiện diện trong thế giới này là do ma quỷ gieo vào. Thiên Chúa đã sáng tạo thế giới và mọi sự rất tốt đẹp (x. St 1,1-17). Nhưng ban đêm ma quỷ đã đến gieo cỏ lùng; nó đến để gieo cỏ lùng vào những nơi không có ánh sáng. Ma quỷ rất xảo quyệt khi gieo sự dữ bên cạnh sự thiện; nó làm cho con người lẫn lộn, không thể phân biệt chúng cách rõ ràng.

Tuy nhiên, trọng tâm của dụ ngôn mà Chúa Giêsu muốn nói không phải là lúa tốt hay là cỏ lùng, nhưng là thái độ kiên nhẫn của chủ ruộng. Đó chính là thái độ kiên nhẫn của Thiên Chúa đối với tội nhân.

Ở bài đọc I, sách Khôn Ngoan làm nổi bật sức mạnh của Thiên Chúa được bày tỏ dưới hình thức của sự kiên nhẫn và khoan dung:

“Chúa xử khoan hồng vì Ngài làm chủ được sức mạnh. Ngài lấy lượng từ bi cao cả mà cai quản chúng con… Ngài đã cho con cái niềm hy vọng tràn trề là người có tội được Ngài ban ơn sám hối” (x. Kn 12,13.16-19).

Sự kiên nhẫn của Thiên Chúa không đơn giản chỉ là chờ đợi đến ngày phán xét để thưởng phạt con người cách công minh, nhưng chính là sự chờ đợi, thương xót và muốn cứu độ lúc họ còn sống. Dụ ngôn diễn tả sự trái ngược giữa thái độ bất kiên nhẫn của những tá điền và thái độ kiên nhẫn của chủ ruộng. Thái độ của tá điền chính là thái độ của mỗi người chúng ta. Khi thấy gương xấu xảy ra, khi đối diện với người làm điều ác, chúng ta muốn thủ tiêu họ, hủy diệt họ như nhổ cỏ lùng để làm sạch ruộng. Nhiều lúc chúng ta vội vàng lên án, phân loại và đặt người tốt một bên, người xấu một bên để ném đá và lên án họ. Nhưng đây không phải là thái độ của Thiên Chúa. Người luôn biết chờ đợi; Người thấy rất rõ những sự dơ bẩn và tội lỗi trong chúng ta; Người không vội kết án và hủy diệt, nhưng mời gọi chúng ta hoán cải; Người cũng thấy những mầm tốt và chờ đợi với sự tin tưởng rằng chúng sẽ lớn lên. Điều này thật ý nghĩa cho chúng ta: Thiên Chúa là một người cha kiên nhẫn, chờ đợi chúng ta với một trái tim thương xót và sẵn sàng tha thứ. Sự kiên nhẫn của Thiên Chúa là cơ hội cho tội nhân sám hối và phục thiện. Người luôn tha thứ nếu chúng ta đến với Người.

Như thế, thái độ của ông chủ là thái độ của hy vọng dựa trên sự chắc chắn rằng sự dữ không phải là tiếng nói đầu tiên, cũng không phải là tiếng nói cuối cùng. Thiên Chúa hy vọng rằng cỏ lùng là những tội nhân dẫu có nhiều lỗi lầm, cuối cùng có thể trở thành hạt giống tốt là những con người tốt và những thánh nhân.

Trong những thế kỷ đầu của Giáo Hội, lạc giáo Donatus xuất hiện và cho rằng: chỉ có Giáo Hội của họ là thánh thiện, còn thế giới này đầy tràn con cái của ma quỷ, họ không còn hy vọng có thể cứu độ. Thánh Augustinô chống lại quan điểm sai lầm này và giải thích:

“Quả vậy, cánh đồng là thế giới này và cũng là Giáo Hội, nơi mà những người thánh thiện và người tội lỗi sống bên cạnh nhau. Mỗi người đều có những cơ hội để lớn lên và để hoán cái. Theo cách này những người tội lỗi sống trong thế giới vừa có cơ hội để hoán cải, vừa qua họ những người tốt thực tập đức tính kiên nhẫn.”

3. Thái độ của Kitô hữu

Thay vì lên án, người Kitô hữu được mời gọi tập thái độ kiên nhẫn như Thiên Chúa. Nhưng chúng ta hãy lưu ý rằng sự kiên nhẫn Tin Mừng không phải là sự dửng dưng với sự dữ, chúng ta không được lẫn lộn giữa sự dữ và sự lành! Đối diện với cỏ lùng hiện diện trong thế giới, người môn đệ của Chúa Kitô được mời gọi hãy bắt chước sự kiên nhẫn của Thiên Chúa, củng cố niềm hy vọng với sự trợ giúp của một đức tin không hề lay chuyển vào chiến thắng chung cuộc của sự thiện, nghĩa là của Thiên Chúa. Người nói lời cuối cùng.

Sau hết, chúng ta xác tín rằng vào thời sau hết, Thiên Chúa sẽ tiêu diệt sự dữ: vào mùa gặt, nghĩa là vào ngày phán xét chung, những thợ gặt sẽ theo lệnh của Thiên Chúa mà tách cỏ lùng ra khỏi lúa để bỏ vào lửa mà đốt đi (x. Mt 13,30). Trong ngày đó, vị thẩm phán là Chúa Kitô sẽ đến xét xử nhân loại. Cuối cùng tất cả chúng ta sẽ chịu xét xử theo mức độ mà chúng ta đối xử với người khác. Lúc đó, chúng ta sẽ chịu xét xử dựa trên lòng thương xót mà chúng ta đã đối xử với tha nhân.

Chúng ta hãy cầu xin Đức Maria, Mẹ chúng ta, nâng đỡ và giúp chúng ta lớn lên trong kiên nhẫn, hy vọng và thương xót đối với anh chị em chúng ta. Amen!

 Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

               PGĐ. Đại Chủng Viện Thánh Phanxicô Xaviê

Nguồn tin:
Tags :