Suy Niệm Chúa Nhật XIII TN A - Điều Kiện Của Người Môn Đệ

Fri,30/06/2023
Lượt xem: 12901

Điều kiện của người môn đệ

2 V 4,8-11.14-16a; Rm 6,3-4.8-11; Mt 10,37-42

Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay gửi tới các môn đệ của Người và qua họ gửi tới mỗi người chúng ta những giáo huấn quan trọng giúp mỗi người trở thành những môn đệ đích thực của Người. Trong số đó, chúng ta dừng lại ba giáo huấn sau, đó là: tình yêu dành cho Chúa, vác thập giá và lòng hiếu khách.

1. Yêu Chúa hơn

Trước hết, Chúa Giêsu nói rằng:

“Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10,37).

Những lời này đôi khi bị giải thích không đúng hoặc bị hiểu một cách méo mó. Nên nhiều người cho rằng đi theo Chúa là phải ruồng bỏ cha mẹ. Một số người lương dân cho rằng theo đạo Công Giáo là không chu toàn chữ hiếu đối với cha mẹ. Vì thế, chúng ta cần phải hiểu rõ ý nghĩa đích thực những lời này của Chúa Giêsu. Chúng ta biết rằng Chúa Giêsu dạy chúng ta phải yêu mến và phụng dưỡng cha mẹ như là bổn phận chính yếu của mỗi người con. Trong mười giới răn, giới răn thứ IV dạy chúng ta phải thảo kính cha mẹ. Đó là lệnh truyền của Thiên Chúa trong Cựu Ước và được Chúa Giêsu tiếp tục truyền dạy trong Tân Ước. Ngoài ra, Chúa Giêsu còn dạy chúng ta phải yêu thương người thân cận như chính mình. Yêu thương người khác là giới răn thứ hai quan trọng như giới răn thứ nhất là mến Chúa.

Tuy nhiên, ở đây, Chúa Giêsu thiết lập một mức độ hay trật tự tình yêu mà theo đó chúng ta được mời gọi để thực hành. Để bước theo Chúa, chúng ta được mời gọi phải yêu mến Chúa Giêsu hơn cha mẹ và những người khác. Nghĩa là Chúa Giêsu phải ở chỗ nhất trong tình yêu của chúng ta. Người đòi hỏi chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự. Từ tình yêu đó, chúng ta có thể yêu cha mẹ và người khác.

Quả thật, nếu Thiên Chúa không được yêu mến hơn mọi sự, chúng ta không thể bước theo Chúa, không thể là môn đệ đích thực của Người. Thiên Chúa phải được dành ở chỗ cao nhất, quan trọng nhất trong bậc thang giá trị chọn lựa của chúng ta, theo đó, chúng ta sống và hành động.

2. Vác thập giá và bỏ mình

“Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10,38).

Thật vậy, thập giá là một hình phạt đáng sợ nhất mọi thời nhưng đã trở thành một biểu tượng tình yêu tự hiến kể từ khi Chúa Giêsu vác trên vai và chết trên đó. Thập giá trở thành biểu tượng của mọi đau khổ và nỗi đau của nhân loại. Chúa Giêsu đã không đến để mang thập giá đến cho con người. Nhưng Người đã mang đến cho nhân loại cách thức để vác thập giá. Người ban cho thập giá một ý nghĩa và một niềm hy vọng. Người mạc khải cho biết đích điểm mà thập giá sẽ dẫn chúng ta tới nếu chúng ta vác thập giá với Người: Đó là tới sự phục sinh và niềm vui. Đức Giêsu đã chọn con đường thập giá để tới vinh quang và đó cũng là con đường mà Chúa muốn chỉ cho chúng ta đi.

Bởi thế, nếu không vác thập giá mình mà theo Chúa, thì không xứng là môn đệ của Người. “Vác thập giá” ở đây là biết đón nhận những khó khăn, thử thách và cả những đau khổ trong cuộc sống theo cái nhìn đức tin và vâng phục theo thánh ý Thiên Chúa. “Vác thập giá” ở đây cũng có nghĩa là đón nhận lấy bổn phận, trách nhiệm và sứ vụ của mình và mỗi ngày cố gắng để chu toàn một cách tốt nhất. Mỗi bậc sống đều có thánh giá riêng, không ai có thể từ chối nếu muốn thi hành tốt sứ vụ của mình. Thập giá gắn liền với đời sống và sứ vụ của mỗi người Kitô hữu. Vì thế, muốn làm môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta phải kiên nhẫn và chịu khó vác thập giá mình mỗi ngày mà theo Chúa.

Chúa Giêsu còn nói tới một quy luật xem ra rất nghịch lý, nhưng đó là chân lý:

“Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được” (Mt 10,39).

Quy luật này đúng cả trong đời sống gia đình, xã hội và tôn giáo. Ai lo tìm kiếm mình, hoặc sống một cách ích kỷ thì sẽ mất, đời sống không thể tiến triển và có ích. Nhưng ai biết hiến mình vì người khác, tìm hạnh phúc cho người khác, vì lợi ích của mọi người, thì sẽ tìm lại được chính mình, danh dự, và hạnh phúc cho chính mình. Lịch sử đã minh chứng có biết bao con người đã dám hiến thân phục vụ người khác, và chính họ lại tìm được ý nghĩa và hạnh phúc cho mình, như mẹ Têrêsa Calcutta, như các thánh Tử Đạo, như các nhà truyền giáo, như các nhà khoa học… Họ là những người đã vác thập giá mình và đi qua con đường thập giá tới vinh quang đích thực.

3. Đón tiếp và hiếu khách

Thế giới hôm nay nhiều người vẫn còn sống trong mối tương quan thù địch với người khác, trong thế giới đó, không có sự tôn trọng, đón tiếp lẫn nhau giữa người với người, thay vào đó, là thái độ loại trừ, khinh bỉ và hạ bệ lẫn nhau.

Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Người phải là “ánh sáng” và là “men – muối” cho thế giới đó bằng thái độ đón tiếp nhau với thái độ tôn trọng, hiếu khách và sẵn sàng giúp đỡ người khác. Đây là nền văn hóa “gặp gỡ và đón tiếp” mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta thực hành để biến đổi cuộc sống này tốt đẹp hơn, nhân bản hơn và giàu tình thương hơn. Khi đón tiếp người khác, chúng ta không chỉ đón tiếp họ nhưng còn đón tiếp chính Thiên Chúa và Chúa Giêsu hiện thân trong họ, đặc biệt là những người thánh thiện và những người bé mọn:

“Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Mt 10,40).

Chúa Giêsu còn nói về phần thưởng mà Thiên Chúa sẽ ban cho những ai biết đón tiếp và giúp đỡ người khác: Ai đón tiếp một tiên tri, một người công chính, hay chỉ cho một người bé mọn một chén nước lã thôi, thì sẽ đón nhận được phần thưởng xứng đáng mà Thiên Chúa sẽ ban tặng cho họ (x. Mt 10,41-42).

Câu chuyện được kể trong bài đọc I là một dẫn chứng cho Lời của Chúa Giêsu hứa. Tiên tri Êlisa tới gia đình của đôi vợ chồng già. Họ đón tiếp ngài với sự hiếu khách dành cho một vị tiên tri. Người vợ chuẩn bị cho ngài một căn phòng, một cái giường, một cái bàn, một cái ghế và một cái đèn để ông dùng. Đáp lại lòng tốt của hai vợ chồng, tiên tri Êlisa cầu nguyện và nhân danh Thiên Chúa hứa rằng: “Độ này sang năm, bà sẽ được bế con trai” (2 V 4,16). Có con trong tuổi già là một phần thưởng quý giá mà Thiên Chúa trả công cho ông bà vì sự hiếu khách đóp tiếp tiên tri.

Vì thế, Chúa Giêsu hôm nay tiếp tục mời gọi chúng ta áp dụng ba lời giáo huấn quan trọng trên của Chúa là: biết yêu Chúa trên hết mọi sự; biết vác thập giá mình mỗi ngày; và biết đón tiếp mọi người, nhất là những người của Thiên Chúa. Như thế, chúng ta mới có thể trở thành môn đệ đích thực của Người và làm cho cuộc sống của chúng ta sẽ có ý nghĩa hơn, có ích hơn. Amen!

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

            PGĐ. Đại Chủng Viện Thánh Phanxicô Xaviê

   

Nguồn tin:
Tags :