ĐI TU ĐỂ LÀM GÌ?
Từ trước tới nay, trên một số trang mạng Công giáo, độc giả thấy xuất hiện những bài viết có liên quan tới người tu hành và đời sống tu trì. Chẳng hạn như: Bài “Đời sống tu trì: sướng hay khổ?” (conggiao.info), bài “Đi tu để hiến thân hay tiến thân?” (tgpsaigon.net), bài “Đừng đi tu để hưởng thụ” (dongten.net), bài “Đi tu có khó không?” (dongten.net), bài “Đi tu là gì?” (dongten.net), bài “Đi tu hay sống đời thánh hiến” (simonhoadalat.com) vv…
Lần này, cũng liên quan tới đề tài “Tu trì”, chúng tôi xin mạn phép nêu câu hỏi: “Đi tu để làm gì?” và rất mong được quý vị độc giả đón nhận phần chia sẻ của chúng tôi dưới dây.
Xin nhắc lại, ngày 25-8-2020, trong bài giảng thánh lễ phong chức sáu tân linh mục tại giáo phận Phát Diệm, Đức TGM Giu-se Nguyễn Năng đã nhắc nhở các tân linh mục phải làm sao để trở thành hiện thân của Chúa Giê-su là Đầu và là Mục Tử của Giáo Hội. Ngài đã nhắn nhủ như sau:
Ngày hôm nay, chúng ta vui mừng tạ ơn Chúa bởi vì có 6 người anh em chúng ta được tuyển chọn tham dự vào chức Tư Tế Thừa Tác. Không phải bỗng dưng mà các thầy này tiến lên, nhưng mà được Chúa kêu gọi và tuyển chọn. Chỉ một mình Chúa là Mục Tử, nhưng mà Chúa Giêsu ngày hôm nay đã lên Trời rồi, Ngài không còn hiện diện hữu hình giữa chúng ta nữa. Nhưng mà, Ngài muốn có những người tiếp nối sứ mạng của Chúa. Cho nên, trong bài Tin Mừng chúng ta thấy Chúa đã nói với các Tông Đồ “như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. Như Chúa Cha đã sai Chúa Giêsu, ngày nay Chúa Giêsu cũng sai các con đi, sai các con đi để tiếp nối sứ mạng của Chúa, mà không phải chỉ là tiếp nối, mà còn trở thành hiện thân của Chúa. Là dấu chỉ của Chúa ở giữa dòng đời này. Để làm việc đấy, thì Chúa Giêsu đã ban Chúa Thánh Thần cho các Tông Đồ.
Và hôm nay, Chúa Giêsu cũng ban Chúa Thánh Thần cho các con, để các con được thánh hiến, được đổi mới từ bên trong. Bởi vì linh mục không phải là một người công nhân, không phải là một nhân viên làm công tác xã hội, mà là hiện thân của Chúa. Cho nên Chúa Thánh Thần biến đổi các con từ bên trong, để làm cho các con trở nên giống hình ảnh của Chúa Giêsu. Chính vì thế, tất cả các con đây, ngày hôm nay, nhờ việc đặt tay và nhờ lời nguyện Thánh Hiến các con trở thành hiện thân của Chúa, là dấu chỉ của Chúa.
Cho nên cả cuộc đời của chúng ta, bản thân của chúng ta, lối sống của chúng ta, lời ăn tiếng nói của chúng ta, cách cư xử của chúng ta, cách phản ứng của chúng ta, cách giải quyết vấn đề của chúng ta, cách phục vụ của chúng ta, tất cả phải làm sao để cho thấy Chúa Giêsu trong con người của các con. Người ta nhìn vào đời sống của các con người ta thấy Chúa Giêsu và người ta có thể thốt lên rằng: quả thật đây là người Mục Tử của Chúa, quả thật đây là hình ảnh của Chúa Giêsu, là linh mục thật chứ không phải là linh mục giả. Cho nên các con phải cố gắng từng ngày nên hoàn thiện hơn. [1]
Ngày trước, với não trạng “Một người làm quan, cả họ được nhờ”, người ta rất coi trọng việc đi tu, coi đó như là một bước đường để “thăng quan tiến chức”. Ngày chịu chức hay ngày khấn dòng thường được coi là dịp để “Vinh quy bái tổ”! Đó là chuyện của ngày trước, nhưng ngày nay thiết nghĩ điều đó vẫn còn để lại dư âm không ít. Và đây cũng có thể là động cơ chính đối với một số ứng viên đứng trước sự chọn lựa theo hay không theo ơn gọi tu trì.
LM Tôma Vũ Quang Trung S.J, trong bài thuyết trình tại Đại hội tu sĩ toàn quốc lần II năm 2008 với đề tài “Nhận định ơn gọi tu trì” đã liệt kê ra 10 động lực vô thức thường hay tiềm ẩn dưới những giá trị tốt đẹp của bình diện ý thức, trong đó xin liệt kê mấy động lực điển hình sau:
Ước muốn phát triển bản thân: Một bạn trẻ có thể được thôi thúc bước vào đời tu như một con đường tiến thân mở ra một bảo đảm tương lai cho bản thân. Lúc ấy, đời tu như một môi trường thuận lợi để phát triển các tài năng cá nhân. Việc phục vụ trở nên một cơ hội phô trương cái tôi trước mặt mọi người. Đặc biệt, trong bối cảnh hôm nay của Giáo hội Việt Nam, nhiều bạn trẻ gõ cửa các nhà dòng, tu hội là để có cơ hội học hành tốt hơn, thậm chí chỉ là để được đi ra nước ngoài. Khi mục tiêu này trở thành đích nhắm của ơn gọi, người ta sẵn sàng chấp nhận uốn mình vào kỷ luật đời tu trong thời gian huấn luyện để ráng “nín thở qua sông”. Qua tới bờ bên kia, họ trồi lên khỏi mặt nước và tiếp tục con đường của riêng mình!
Thoát khỏi cảnh nghèo: Ơn gọi tại Việt Nam hôm nay đa số phát xuất từ những gia đình nghèo ở miền quê. Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến việc theo đuổi ơn gọi của ứng sinh. Kinh nghiệm thiếu thốn về đời sống vật chất khi còn ở gia đình có thể biến việc theo đuổi ơn gọi như một bù trừ nhằm thoát khỏi cảnh nghèo đói. Đời tu được xem như bảo đảm chắc chắn về đời sống vật chất và sự an toàn cho tương lai. Khi có được những điều mình tìm kiếm, đời tu cũng sẽ chẳng còn ý nghĩa!
Tìm kiếm sự kính trọng, danh dự: Đời tu có thể bị biến tướng thành một cuộc tìm kiếm ngấm ngầm hư danh của thế gian nơi những thành công của các công việc tông đồ. Lời khen, tiếng chê của người khác dễ gây ảnh hưởng trên quyết định chọn lựa của ứng sinh trong sứ mạng phục vụ. Đặc biệt, yếu tố danh dự gia đình dễ gây ảnh hưởng lớn đến quyết định theo đuổi ơn gọi của ứng sinh, làm cho ứng sinh mất đi thái độ tự do nội tâm cần thiết trong việc nhận định, tìm kiếm và thi hành thánh ý Chúa trong cuộc đời mình.
Xét như vậy thì không phải tất cả những ai mang danh tu sĩ linh mục đều dấn thân theo ơn gọi đúng như ý Chúa. Họ có thể đi tu theo ý riêng của mình hay theo sự thúc đẩy của người khác.
Ngược lại, có những người chấp nhận đời tu như một dấn thân thực sự, họ không coi việc tu hành như một nghề nghiệp để kiếm tiền hay an thân hưởng lợi. Họ chấp nhận sống nghèo vì Tin Mừng và sẵn sàng hiến thân hi sinh vì Chúa, vì Hội thánh, vì nhân loại. [2]
Xét như vậy, ngoài việc đáp lại tiếng Chúa mời gọi, người theo Chúa cần luôn luôn định hướng cho mình mục tiêu rõ ràng, chân thực, đó là đi tu để làm gì, đi tu cho ai và vì ai. Bởi vì trên thực tế ta có thể thấy không ít người bề ngoài mang danh nghĩa “dâng mình cho Chúa” nhưng thực chất là muốn bước vào đời tu để thỏa mãn danh vọng. Cũng có người lúc đầu thì có ý ngay lành, nhưng sau vì sự cuốn hút và hấp dẫn của những ưu đãi trong đời tu hành, đã đánh mất lý tưởng ban đầu, sa đà vào cuộc sống dễ dãi, hưởng thụ.
Trở lại đề tài nêu trên, “Đi tu để làm gì?”, xin mạn phép đưa ra 3 câu trả lời, như sau: 1- Đi tu để đáp lại lời mời gọi theo Chúa; 2- Đi tu để phục vụ chương trình cứu rỗi của Chúa; 3- Đi tu để trở nên chứng nhân của Tin Mừng.
I.- ĐI TU ĐỂ ĐÁP LẠI LỜI MỜI GỌI THEO CHÚA
Chúng ta xác tín một điều này là, đi tu là đáp lại lời mời gọi của Chúa, là từ bỏ tất cả để theo Chúa. “Các anh hãy theo tôi…” (x. Mt 4, 18-22; Mc 1, 16-20; Lc 5, 1-11; Ga 1, 35-42). Nhưng tự hỏi, theo Chúa để làm gì? Chúa nói rõ hơn, đó là: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá. Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.” (Mt 4, 19-20).
Như vậy lời mời gọi của Chúa nhắm đến ba điều cơ bản: một là theo Chúa, hai là từ bỏ tất cả và ba là đánh lưới người.
1.1- Theo Chúa: Người đi tu trước hết là người theo Chúa, trở nên môn đệ của Chúa. Khi tự nguyện theo Chúa, họ không thể theo một ai khác, không thể theo một chủ thuyết hay một ý thức hệ nào đó. Người theo Chúa sẽ chọn Chúa là thần tượng, là thầy dạy, là mẫu gương sống động cho mình trong suốt cuộc đời tu trì. Người theo Chúa lúc đầu chỉ là nghe tiếng Chúa và đáp trả bằng việc lên đường theo Chúa. Sau đó, chính Chúa sẽ huấn luyện, đào tạo họ rồi dần dần biến đổi họ để họ trở thành môn đệ đích thực của Chúa. Người môn đệ đồng hóa với Thầy mình. Chính thánh Phao-lô đã có kinh nghiệm này: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi.” (Gl 2, 20)
Thực vậy, “Đi tu không phải là theo một người nào đó trong nhà dòng. Đó cũng chẳng phải là hành trình đi một mình. Trên hết đó là tiến trình lắng nghe tiếng Chúa Giêsu mời gọi, sau đó, đáp lời để bước theo Ngài (sequela Christi). Khao khát của người tu sĩ là được ở với Ngài. Trong mối tương quan này, người tu sĩ hiểu hơn về Thiên Chúa. Với họ, việc bước theo Đức Giêsu là quan trọng nhất, vì khi đó, họ sẽ đi đúng đường. Ngược lại, những ai đi tu mà vắng bóng Đức Giêsu, người ấy chẳng thể hạnh phúc an bình trong nhà Dòng.” [3]
Một khi đã theo Chúa, người tu trì không được phép nhìn lại phía sau, luyến tiếc quá khứ, lo lắng cho hiện tại và sợ hãi tương lai. Tin Mừng thánh Luca thuật lại như sau:
“Ðức Giêsu nói với một người khác: “Anh hãy theo tôi!” Người ấy thưa: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã.” Ðức Giêsu bảo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Ðại Thiên Chúa.” Một người khác nữa lại nói: “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã.” Ðức Giêsu bảo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.”(Lc 9, 59-62)
Trong buổi tiếp kiến sáng 1-6-2017, dành cho 100 tham dự viên khóa họp toàn thể của Bộ giáo sĩ, tiến hành dưới quyền chủ tọa của ĐHY Tổng trưởng Benjamino Stella, ĐTC Phan-xi-cô đã có dịp nhắn nhủ các linh mục trẻ như sau: “Chúng ta chỉ có thể là những người “đánh cá người”, nếu trước tiên chúng ta nhìn nhận mình đã được sự dịu dàng của Chúa thu hút. Ơn gọi của chúng ta bắt đầu khi, rời bỏ lãnh vực cá nhân chủ nghĩa và những dự phóng bản thân của chúng ta, chúng ta tiến bước trong cuộc “du hành thánh”, phó thác cho Đấng là Tình Yêu đã tìm kiếm chúng ta và Tiếng Nói đã làm rung động tâm hồn chúng ta.” [4]
1.2- Từ bỏ tất cả: Có thể nói, “từ bỏ” vừa là mệnh lệnh vừa là điều kiện của người theo ơn gọi tu trì. Đây, Lời Chúa quá rõ ràng: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14, 26-27); “Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14, 33)
Ngày nay, người ta nói nhiều đến thái độ “buông bỏ” trong đời sống thường ngày, coi đó như một điều kiện để được sống an nhiên, hạnh phúc. Càng buông bỏ nhiều bao nhiêu, ta càng cảm thấy nhẹ nhõm, thảnh thơi bấy nhiêu.
Nhưng cái triết lý buông bỏ ấy không là gì so với yêu cầu từ bỏ mà Chúa đòi hỏi nơi môn đệ. Sự từ bỏ của người theo Chúa không chỉ là từ chối một đời sống theo ý riêng hay một số quyền lợi nào đó, mà là một sự buông bỏ toàn diện, khiến mình trở nên bé nhỏ, nghèo hèn và trống rỗng. Sự từ bỏ đích thực sẽ khiến cho người theo Chúa được thảnh thơi bước vào môi trường đào tạo của Chúa, ở đó mọi dự phóng cá nhân sẽ được thay thế bằng thánh ý nhiệm mầu của Chúa. “Lạy Chúa, này con xin đến, để thực thi ý Chúa” (Tv 39).
Quả thực, người môn đệ, nhờ từ bỏ theo giáo huấn của Chúa mà có thể tập trung vào Đức Ki-tô, chính nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, và vì Ngài mà họ sống và hoạt động. Bên cạnh đó, từ bỏ đích thực cũng là để sống phục vụ vị tha, không tìm vui sướng nào ngoài vui sướng được liên kết mật thiết với Đức Ki-tô, như lời Ngài phán: “Thầy là cây nho, anh em là cành”. (Ga 15, 5)
1.3- Công việc “đánh lười người”: Khi Chúa chọn và gọi các môn đệ đi theo Ngài, Ngài nói rõ công việc mà họ sẽ đảm nhận, “Đánh lưới người”. Nghe thì có vẻ kỳ lạ, nhưng Chúa đã dùng cách nói rất thực tế và một cách loại suy, để họ dễ hiểu. Họ phải đi tìm chỗ nào có con người, nhất là những người nghèo khổ, tội lỗi, bị bỏ rơi, để quăng lưới, để đánh bắt. Chúa không đưa họ vào đền thờ để tu luyện và giảng dạy. Chúa cũng không đem họ lên núi, xuống đồng bằng hay vào các dinh thự…Ngài dẫn họ đến với dân chúng.
Địa chỉ mà môn đệ cần tìm đến, đó là những con người cần nghe Tin Mừng, cần được cứu rỗi. ĐTC Phan-xi-cô đã từng nói: “Hãy ra khỏi bản thân mình để loan báo Tin Mừng, nhưng để làm điều này, các con phải ra khỏi chính mình để gặp gỡ Đức Giêsu. Có hai con đường để ra đi: một là hướng về gặp gỡ Đức Giêsu, hướng về tính siêu việt; đường kia là hướng về tha nhân để loan báo Đức Giêsu. Hai con đường này đi đôi với nhau. Nếu bạn chỉ thực hiện một trong hai thì chẳng ích lợi gì.”; “Cha muốn một Hội Thánh ra đi truyền giáo nhiều hơn, một Hội Thánh không quá tĩnh lặng. Một Hội Thánh xinh đẹp khi biết ra đi.”
Công việc “Đánh lưới người” buộc các môn đệ phải ra đi, dù có mưa bão, dù có sóng to gió lớn, vì họ biết rõ rằng một khi chấp nhận theo Chúa để phục vụ Tin Mừng thì phải hy sinh, phải vất vả, phải cực nhọc. Theo Chúa có nghĩa là vác thánh giá của chính mình và của những ai Chúa trao phó mình. Chúa đã nói: “Mục tử nhân lành, hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10, 11). Khi nói về tính cách tự nguyện hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên, Chúa Giê-su nói: “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được. Nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình” (Ga 10, 18).
ĐGM GB. Bùi Tuần, Giáo phận Long Xuyên, trong bài viết “Hy sinh mạng sống mình”, đã chia sẻ như sau:
Chúa Giêsu kêu gọi các mục tử hãy biết hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên, không phải chỉ những lúc cần bảo vệ chiên khi có sói tấn công chiên, mà còn cả những lúc tự nguyện, khi sự hy sinh mạng sống của mình có lợi cho chiên, để họ được cứu độ. Đã hẳn, bổn phận của người mục tử là biết chăn nuôi, biết bênh vực, biết dẫn dắt, biết quy tụ. Nhưng không phải chỉ có thế. Chúa Giêsu còn nhấn mạnh đến việc hy sinh mạng sống. Như thế, việc hy sinh mạng sống là đức tính cao quý nhất của người mục tử theo mẫu gương Chúa Giêsu. Hy sinh mạng sống mình, đó là dấu chỉ chắc chắn nhất, để nhận ra ai là mục tử đích thực, mà Chúa Giêsu mong muốn. [5]
II.- ĐI TU ĐỂ PHỤC VỤ CHƯƠNG TRÌNH CỨU RỖI CỦA CHÚA
Chúng ta đều biết rằng, đi tu không phải để LÀM một nghề gì đó. Ơn gọi linh mục, tu sĩ không phải là một nghề nghiệp. Đi tu không phải là tham gia một nghề nghiệp, có biên chế, có lương bổng, có thăng quan tiến chức. Đi tu không làm quan mà là đầy tớ phục vụ Chúa và cộng đoàn cứu rỗi của Ngài.
ĐGM Phê-rô Nguyễn Soạn, giáo phận Qui Nhơn, trong bài giảng đề tài “Khủng hoảng trong đời sống linh mục”, đã chia sẻ như sau:
Trong khi thi hành mục vụ, các linh mục thích đi vào chính trị, thích làm các công tác chuyên môn ở đời, muốn làm bác sĩ, kỹ sư, phi hành gia, nhà xã hội, nhà văn v.v... Trong lúc đó người ta cần nơi chúng ta không phải là điều họ có, mà là điều họ không có. Jean Guitton có lần viết trong báo Le Christ au Monde: “Chúng tôi không cần các linh mục làm những việc như chúng tôi, mà các linh mục làm sao làm các điều ấy có hiệu năng như chúng tôi được. Chúng tôi là những nhà chuyên môn. Còn các linh mục phải lo những chuyện của mình như bận đọc kinh, bận dâng lễ và các công tác mục vụ khác nữa. Điều chúng tôi cần, là đời sống chứng tá và các lời rao giảng của các linh mục...” [6]
Những người được Chúa Giê-su gọi và chọn vào hàng ngũ những người tu trì là để phục vụ cho chương trình cứu độ mà Chúa Cha đã trao cho Ngài. “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20, 21). Mối bận tâm của người môn đệ là thi hành ý Chúa và làm những gì Chúa mong đợi. Người môn đệ cần hiểu Chúa muốn gì nơi mình và mình phải làm gì đúng với ý Chúa.
Người môn đệ là người được chọn và sai đi để loan báo và làm chứng cho Tin Mừng, cho tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Đức Giê-su đã long trọng trao phó sứ vụ tông đồ cho các môn đệ Chúa chọn: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần…” (x. Mt 28, 18-20; Mc 16, 15). Và “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trong anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất” (x. Cv 1, 8).
Một tác giả đã chia sẻ như sau: Là linh mục, chính là trở nên như Giêsu, vị linh mục đầu tiên và hoàn hảo nhất. Đó là con người gắn với Cha không ngơi, và nhờ đó mà luôn có lòng thương cảm dành cho con người, luôn thao thức trước đồng lúa mênh mông không người gặt và đàn chiên bơ vơ không người chăn dắt. Họ thổi vào nhân gian luồng gió mới, họ đánh thức con người khỏi giấc mộng mê muội của những cái mau qua. Họ chiếu sáng thế giới bằng ánh sáng nhân đức và sưởi ấm lòng người bằng ngọn lửa yêu thương.
Có thể nói, linh mục là người mang Thiên Đàng xuống trái đất này và đưa con người lên cao đụng chạm với Thiên Chúa. Như Chúa Giêsu, họ ý thức rằng họ đến “để phục vụ chứ không phải để được phục vụ”; họ gắn kết cuộc đời mình với mọi con người dù người đó có giàu sang hay nghèo khổ, thánh thiện hay tội lỗi, cao sang hay hèn kém. Họ đảm bảo cho người ta hạnh phúc Nước Trời “anh sẽ được ở trên Thiên Đàng với tôi”; họ trao ban bình an, sự tha thứ và đưa người ta đến cuộc sống mới tươi đẹp hơn “cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”. [7]
Ai cũng biết rằng, việc phục vụ chương trình cứu rỗi của Chúa phải là mối bận tâm hàng đầu của người Chúa chọn. Tuy nhiên, đây đó tín hữu chúng ta có thể thấy những sự việc không phù hợp. Nhiều vị đam mê vào những việc không phải là nhiệm vụ chính của mình, như xây cất, kinh doanh, mở mang phong trào, xây dựng đoàn thể, tổ chức du lịch kết hợp hành hương vv… Các vị coi đó như là những nhiệm vụ trọng tâm của mình.
Khi Đạo chỉ quy chiếu vào những việc hình thức, bề ngoài thì điều đó sẽ khiến cho Đạo của Chúa mất đi sức sống nội tại, sức sống biến đổi thế giới bằng tình thương cứu độ, bằng tinh thần nghèo khó của Tin Mừng và qua những gương sáng của nếp sống từ bỏ. Đức cố HY Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận đã nói: “Làm chứng về Đức Tin trước mặt mọi người, thì quan trọng hơn tìm cách thoả mãn thị hiếu của họ” (Trích trong Mười điều răn của LM).
LM Giuse Nguyễn Trọng Viễn OP., trong bài viết có tựa đề “Đạo sinh hoạt” khi bàn về việc giáo sĩ và tu sĩ khẳng định mình trong sinh hoạt, đã nhận định như sau: [8]
Giới giáo sĩ và tu sĩ VN đang có rất nhiều nỗ lực để canh tân sinh hoạt tôn giáo. Giáo hội VN, nói chung, vẫn còn khá nhiều ơn gọi và vẫn còn một nguồn giáo sĩ, tu sĩ tương đối trẻ, năng động, để có thể xoay xở trong những sinh hoạt tôn giáo nhằm thu hút sự tham gia của người Ki-tô hữu. Quả thật, hiện nay, chính những nỗ lực sáng tạo, đổi mới hình thái sinh hoạt tôn giáo cho hấp dẫn hơn, sinh động hơn, đang là sức mạnh chính yếu để giữ gìn nếp sống đạo trong Giáo hội VN.
Tuy nhiên, trong bầu không khí chung của một thứ “đạo sinh hoạt”, phần lớn giáo sĩ và tu sĩ có lẽ cũng không thoát được tâm thức chung. Khả năng khẳng định mình trong sinh hoạt Giáo hội đã trở thành “giá trị” lớn trong lòng Giáo hội VN và chính “giá trị” ấy đang tác động sâu xa trong mọi lãnh vực, cả trong ý nghĩa ơn gọi.
Do đó, tầng lớp giáo sĩ và tu sĩ nhận thấy trách nhiệm chính yếu của mình là đảm nhận những tổ chức và sinh hoạt trong Giáo hội, và ngầm hiểu rằng điều làm nên “sức sống” của Giáo hội VN cũng chính là những sinh hoạt và tổ chức sầm uất... Nhiều giáo sĩ và tu sĩ bận tâm chuẩn bị những “kỹ năng”cần thiết trong sinh hoạt của Giáo hội nhiều hơn là bận tâm sống giá trị Tin Mừng. Nhiều giáo sĩ và tu sĩ nỗ lực làm cho tổ chức phụng vụ được hấp dẫn và lôi cuốn chứ không mấy ưu tư cần làm gì để nuôi dưỡng đức tin chân chính và thật sự loan báo Tin Mừng cứu độ.
III.- ĐI TU ĐỂ TRỞ NÊN CHỨNG NHÂN CỦA TIN MỪNG
ĐTC Phao-lô VI đã nói: “Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân”.
Nhà tu hành có thể là chứng nhân bằng nhiều cách, trong mọi hoàn cảnh và mọi thời đại. Trong khi các linh mục, tu sĩ kêu gọi mọi tín hữu phải trở nên ánh sáng, phải là muối men cho đời, thì trước đó các ngài phải là gương sáng để lời giảng dạy của các ngài được thuyết phục hơn. Người ta thường nói: “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo.”
Ở đây, xin bàn đến khía cạnh chứng nhân về sự phục vụ hết mình và về đời sống khó nghèo theo Tin Mừng của người theo Chúa.
3.1- Chứng nhân về sự dấn thân hết mình phục vụ
Như trên đã nói, Đức Giê-su tuyển chọn môn đệ không phải làm quan cai trị thiên hạ, nhưng là làm đầy tớ phục vụ dân Thiên Chúa. Đức Giê-su đã nhấn mạnh: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì áp đặt trên họ quyền bá chủ, những người làm lớn thì áp đặt trên họ quyền hành của mình. Nhưng giữa anh em thì không phải như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người” (Mc 10, 42-45).
Tông thư “Pastores Dabo Vobis” của Đức thánh GH Gio-an Phao-lô II về việc đào tạo linh mục (số 22-23) đã diễn tả sứ mệnh của linh mục với giáo dân như sau: “Là mục tử của cộng đoàn, linh mục sống và hiện hữu vì nó; vì nó mà cầu nguyện, học hỏi, làm việc và hy sinh. Và chính vì cộng đoàn mà ngài sẵn sàng thí mạng, yêu mến nó như Đức Kitô, trao cho nó tất cả tình yêu và sự quí mến, hao tốn sức lực và thời giờ vì nó nên hình ảnh của Giáo hội hiền thê Đức Kitô càng ngày càng xinh đẹp hơn, xứng đáng được Chúa Cha quí chuộng và Chúa Thánh Thần yêu thương. Chiều kích hôn ước này của đời sống linh-mục-Mục-Tử buộc linh mục hướng dẫn cộng đoàn bằng sự phục vụ hết mình
toàn thể cộng đoàn và từng thành viên”.
Phục vụ là cung cách làm việc và hành xử của một đầy tớ chứ không phải của ông chủ. Hình ảnh Chúa quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ đã minh họa rõ ràng về điều đó. Và còn hơn thế nữa, đối với Chúa, tột cùng của phục vụ là hy sinh mạng sống và chịu chết vì đàn chiên. Cái chết của Chúa trên thập giá đã chứng minh hùng hồn cho điều đó. “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 8); “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15, 13).
Cha Antoine Chevrier đã nói: “Linh mục là người bị ăn”. Khi dấn thân vào đời sống phục vụ, linh mục chấp nhận sự sống mình phải chịu tiêu hao đi vì người khác. Cộng đoàn tín hữu là một gia đình trong đó linh mục được sai đến để chăm sóc, lo lắng và làm gương. Ngài luôn tự nhủ rằng việc ngài đến là “để phục vụ”. Người phục vụ luôn luôn là người chịu thiệt thòi, lo trước cái lo của dân Chúa và vui sau cái vui của họ. Nếu ngày đưa đón cha về nhận giáo xứ mới, lòng đầy nỗi hân hoan, vui sướng bao nhiêu thì những ngày sau đó, là một núi công việc đang chờ đợi bàn tay và khối óc của linh mục. Nỗi lo lắng của ngài không phải là an hưởng bản thân mà là gánh vác công việc cộng đoàn, ở đó bao con người đang mong đợi và cần sự hiện diện của ngài.
Linh mục sẽ luôn luôn phải thao thức về các nhu cầu của cộng đoàn, qua đó ngài biết nên làm gì và làm như thế nào để họ “được sống và sống dồi dào”. Sự hy sinh của linh mục không chỉ là chịu đựng một vài khó khăn trong vấn đề ăn uống, nhà ở, phương tiện này nọ mà là “chỉ có một sự cần”, đó là làm sao mình phải bé nhỏ, tiêu hao đi để cho Đức Ki-tô lớn lên trong cộng đoàn. Làm sao để Tin Mừng thực sự lan tỏa trong mỗi người, mỗi gia đình, mỗi hội-đoàn-nhóm tín hữu. Làm sao hạn chế được những chia rẽ, bất hòa, hành xử cục bộ, bè phái...để mọi người sống hiệp nhất yêu thương như Chúa đã dạy. Nguyên chỉ với những thao thức đó thôi, linh mục cũng đã phải “tự tiêu hao” biết bao dự phóng, bao sáng kiến, bao lo toan, bao kế hoạch riêng tư...Nói cách khác, khi lo cho người khác được lớn lên, linh mục sẽ hy sinh chính bản thân ngài.
ĐTGM Giu-se Nguyễn Chí Linh đã có lần chia sẻ như sau: “ ‘Yêu mến giáo dân như Đức Kitô, trao cho họ tất cả tình yêu và sự quí mến, hao tốn sức lực và thời giờ vì họ nên hình ảnh của Giáo hội hiền thê Đức Kitô’ (Pastores dabo vobis). Tôi nghĩ rằng đây là bí quyết để linh mục huấn luyện con tim mục tử của mình có được sự nhạy cảm của Chúa Giêsu khi Ngài nhìn đám đông không người chăn dắt mà chạnh lòng thương. Phải đạt cho tới trình độ hễ nhìn thấy dân là thương. Theo suy nghĩ của Chúa Giêsu, đám đông luôn là một đàn chiên bơ vơ. Họ cần đến mục tử chăn dắt họ, họ cần đến linh mục. Nếu không tạo được một con tim mục tử, tự khắc chúng ta sẽ biến mình thành một tên Pharisiêu đã bị Chúa Giêsu lên án là chất lên vai người khác những gánh nặng mà chính mình không vác được”. [9]
3.2- Chứng nhân đời sống khó nghèo vì Tin Mừng
Sự khó nghèo của môn đệ trong đời sống tận hiến là khó nghèo tự nguyện vì Tin Mừng. Họ đi theo Chúa, bỏ lại tất cả, thì không có lí do gì mà lại luyến tiếc của cải trần gian cả. Chấp nhận sống nghèo theo giáo huấn của Chúa, người môn đệ sẽ đạt được ba điều lợi ích sau:
- Sống nghèo để được hoàn toàn tự do chuyên lo việc của Chúa và của Hội thánh.
- Sống nghèo để làm chứng nhân cho Tin Mừng Chúa Ki-tô.
- Sống nghèo để thông cảm và chia sẻ sự túng thiếu của những người nghèo.
ĐGM GB. Bùi Tuần, giáo phận Long Xuyên, trong tập “Truyền giáo”, tài liệu tĩnh tâm các linh mục Tổng giáo phận Saigon năm 1990 đã viết: “Khi Chúa Giê-su sai các tông đồ đi làm nhiệm vụ Lời Chúa, Người bảo các ông đừng mang theo nhiều hành lý, dù đó là quần áo, tiền bạc. Chúa muốn các môn đệ ra đi với thái độ nghèo, không những nghèo về thái độ khiêm tốn bên trong, mà cũng nghèo cả về vật chất nữa. Bởi vì thái độ nghèo về vật chất chính là một hành trang tinh thần có giá trị lớn tăng bản lãnh cho người làm nhiệm vụ Lời Chúa. Nó giúp cho môn đệ Chúa làm chứng được phần nào mầu nhiệm thánh giá cứu độ và tám mối phúc thật là những điều quan trọng của Lời Chúa”.
Vậy thì khi dấn thân theo ơn gọi tận hiến, người môn đệ của Chúa tự nguyện chấp nhận sống nghèo, xem như đó là một đòi hỏi thiết yếu của ơn gọi tận hiến, như ý Chúa muốn và như Hội thánh mong đợi. Chính ĐTC Phan-xi-cô đã khẳng định: “Tôi ước muốn một Giáo hội nghèo và cho người nghèo.” Ngoài các Ki-tô hữu nói chung, thì thành phần nòng cốt các linh mục, tu sĩ nói riêng, là những nhân tố cần thiết giúp xây dựng và củng cố một Hội thánh nghèo và chính họ cũng trở thành nơi nương tựa bám víu của những người nghèo hèn khốn khổ trong xã hội.
Thực vậy, “Đức nghèo khó theo Tin Mừng không hề khinh chê của cải trần gian vì những thứ này được ban cho con người là để sống và hợp tác với chương trình sáng tạo của Thiên Chúa. Theo Công Đồng Va-ti-ca-nô II, linh mục cũng như mọi Ki-tô hữu, vì có nhiệm vụ ca tụng và tạ ơn, nên phải nhìn nhận và tán dương lòng quảng đại của Cha trên Trời được biểu lộ trong các của cải trần gian (PO 17). Nhưng Công Đồng còn nói thêm là các linh mục đang khi sống ở giữa thế gian phải luôn luôn nhớ rằng mình không thuộc về thế gian này (Ga 17,14-16) và phải gỡ mình ra cho khỏi mọi ràng buộc quá đáng, hầu đạt được một tư thế thiêng liêng thích hợp và quân bình với thế gian và những sự đời (Pastores Dabo Vobis 30)”. [10]
Quả vậy, nhờ đời sống nghèo đích thực theo tinh thần của Tin Mừng Ki-tô giáo, môn đệ sẽ an tâm sống cuộc đời hiến tế của mình theo gương thầy chí thánh Giê-su. Cái lo của họ chắc chắn sẽ không hướng hoàn toàn về việc phải ăn gì, uống gì, mặc gì, nhà cửa ra sao...(x. Mt 6,25-34), trái lại, mối bận tâm chính của các ngài chính là cố gắng trở nên người môn đệ đích thực của Chúa Ki-tô, cố gắng để trở thành con người sinh ích lợi cho mình và cho người khác. Và sự đòi hỏi chính yếu đặt ra cho người theo Chúa, đó là tinh thần dứt khoát từ bỏ như lời Ngài đã chỉ dạy: “Nếu ai muốn là môn đệ Thầy, thì hãy từ bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Thầy” (Mt 16,24); và “Ai không từ bỏ tất cả những gì mình có, sẽ không thể là môn đệ Thầy.” (Lc 14,33) ./.
Aug. Trần Cao Khải
______________
[1]https://www.facebook.com/profile.php?id=100009137003303&https://www.youtube.com/watch?v=cAKgpB8G9uw
[3] https://dongten.net/2020/05/01/di-tu-la-gi/
[4] http://donggioanthienchua.net/duc-thanh-cha-nhan-nhu-cac-linh-muc-tre.html
[5] http://ghhv.quetroi.net/02DCBUITUAN/ThaoThuc12_816_HySinhMangSongMinh.htm
[6]http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/NamThanh/LinhMuc/10KhungHoangTrongDoiSongLM.htm
[7] http://gplongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20161025074519
[8] LM Nguyễn Trọng Viễn OP – Đạo sinh hoạt – NS. CGvDT số 308 trang 12-13
[9] ĐTGM Giuse Nguyễn Chí Linh - Tĩnh tâm thường niên linh mục Gp Đàlạt từ ngày 16 đến 22-02-2009, nguồn: VietCatholic News
[10] LM An-rê Đỗ Xuân Quế OP - LM và của cải trần gian - Nguồn: VietCatholic News 13-5-2014