Đức Maria Là Tòa Đấng Khôn Ngoan

Thu,14/03/2019
Lượt xem: 2712

 Sứ thần của Thiên Chúa đã đến với Đức Maria, và quyền năng của Đấng tối cao rợp bóng trên Mẹ. Theo nghĩa đen, người trinh nữ đã trở thành người gìn giữ duy nhất của chân lí thần linh: Mẹ đã cưu mang Ngôi Lời trong cung lòng mình. Trong ơn gọi làm Mẹ Thiên Chúa, Đức Maria đã mở rộng chính mình để đón nhận quyền năng hữu hiệu của chân lí. Và trong hang lừa Belem, Mẹ chuyển chân lí đó cho người khác. Vì vậy, Mẹ là mẫu gương hoàn hảo về đời sống khôn ngoan. Bài luận gần đây của Paul Griffith, “Thư gửi cho một trí tuệ đang khao khát” (tháng 5 năm 2018), đã truyền cảm hứng cho tôi để một lần nữa nghĩ về Đức Trinh Nữ Maria, vì nơi Mẹ chúng ta có thể nhận ra những ý hướng, phẩm giá và nhân đức mà chúng ta cần để trở nên những người đón nhận chân lí và ban tặng chân lí, nghĩa là trở nên nhà trí thức đích thực.

“Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một người con trai”. Theo trí tưởng tượng chung, trước tiên và trên hết Đức Maria là một trinh nữ. Ý nghĩa căn bản của lời đó có nghĩa tính dục, nhưng hàm ý thì rộng hơn. Để là một trinh nữ có nghĩa là người không bị xâm phạm, không bị ô uế, tinh khiết và vô nhiễm. Vì thế, Đức Trinh nữ Maria không chỉ đơn thuần là một phụ nữ không biết đến quan hệ xác thịt. Mẹ còn không có khuyết điểm hay lỗi lầm. Mẹ hoàn thành mối phúc thứ sáu: “Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa”. Trong đời sống đạo đức, tâm hồn trong sạch có nghĩa là có ý định rõ ràng hoặc trong sáng trong ý định, để làm điều đúng đắn mà không có những động cơ ô hợp hoặc do dự. Trong đời sống khôn ngoan chúng ta nên tìm kiếm một sự trong sáng giống như vậy.
Khó có được cái nhìn trong sáng. Như Thánh Phaolô đã viết: “Bây giờ chúng ta nhìn qua tấm gương một cách mù mờ”. Những gánh nặng của một thế giới sa ngã đè nặng lên chúng ta; cái nhìn của chúng ta bị che khuất bởi những mối bận tâm trần thế.
Sự xao lãng, những chuyện ngồi lê đôi mách và những hoạt động giải trí, những thứ này và các cám dỗ khác khiến chúng ta không thể tập trung vào việc học hỏi với sự kiên trì và mục tiêu ổn định. Chúng ta cần kĩ thuật để rèn luyện sự tập trung. Điều đó có nghĩa là dành ra một khoảng thời gian trong đời sống không làm gì ngoài công việc trí thức, thường thì trong môi trường học viện và giữa những đồng bạn mà gương sáng của họ có thể khích lệ và khiển trách chúng ta. Chúng ta cần tập trung vào những đam mê của mình, tạo ra một hệ thống có trật tự cho những ước muốn để chúng ta tập trung chủ yếu vào công việc trí thức. Dễ dàng thấy rằng việc học hỏi liên tục sẽ lau sạch những bụi bẩn che khuất cái nhìn của chúng ta.
Điều này không có nghĩa là chúng ta phải tránh xa sự giải trí, sự tiêu khiển và trở nên những tên học gạo. Giống như những cánh đồng cần được bỏ hoang để đạt được sự màu mỡ tối ưu của chúng, cũng thế tâm trí của chúng ta cần những dịp để dạo quanh và nhìn ngắm. Những chân lí thường xuất hiện trong chúng ta một cách tình cờ đầy thú vị. Hơn nữa, chúng ta còn có những bổ phận luân lí với gia đình và bạn bè và với Thiên Chúa. Không có sự thanh khiết nơi tâm hồn khi tìm kiếm sự khôn ngoan bằng việc cách phớt lờ những người cậy dựa chúng ta – hoặc bỏ cầu nguyện để đọc một cuốn sách khác hay viết bài. Tuy nhiên, đời sống khôn ngoan đòi hỏi sự tập trung thật sự, nghĩa là một khoảng thời gian có ý nghĩa, và quan trọng hơn nữa, là sự ưu tiên dành cho các tình cảm của chúng ta. Như dụ ngôn về Bà Khôn Ngoan trong Sách Châm ngôn dạy, chân lí tìm đến trái tim của chúng ta, chứ không chỉ trí não.
Một trở ngại khác nữa là sự nhỏ nhen sai lầm. Hoàn toàn có khả năng là một chuyên gia học thuật mà lại không phải là một nhà tri thức. Trong thực tế, sự sùng bái kiến thức về mặt chuyên môn rõ ràng có thể trở thành điều phản tri thức. Nó tập trung vào từng mảnh sự thật hơn là tha thiết với việc hiểu biết toàn thể. Theo kinh nghiệm của tôi, nhiều giáo sư, có lẽ hầu hết, là người phản tri thức theo cách này. Họ công khai khinh thường những người dám liều lĩnh suy nghĩ rộng hơn, bằng cách ép vào những ranh giới của lề luật và coi những người vượt qua họ là những người “không đủ trình độ”.
Điều cần thiết là cống hiến đúng đắn nhưng không phóng đại cho lĩnh vực chuyên môn của mình. Các kỉ luật rèn luyện về mặt học thuật tập trung sự chú ý của chúng ta và đào tạo chúng ta nên nghiêm túc, chính xác và cẩn thận. Đây nhằm đạt được kết quả tốt nhất. Nhưng chúng ta cũng cần đặt ra những câu hỏi rộng hơn, cũng như trau dồi những quan tâm đa dạng, thậm chí lập dị. Sự khai sáng thường đến từ những nguồn vượt xa những khóa học cơ bản của chúng ta.
Không để mình hư hỏng là đặc trưng cho sự thanh khiết của Đức Maria. Sự thanh khiết trong tầm hồn chống lại sự xâm phạm của các quyền lực thế gian. Điều này đòi hỏi kỉ luật đạo đức, có thể được phân biệt với kỉ luật học tập nhưng không bao giờ tách khỏi nó. Chúng ta thường xuyên nằm dưới sự chi phối của bản ngã thiếu thực tế của chúng ta, bản ngã này mong muốn những chân lí có lợi, để phục vụ cho bản thân và tôn vinh bản thân. Những mối quan tâm trần tục của chúng ta chiếm ưu thế, làm hỏng sự phán đoán lí trí của chúng ta.
Sự thiếu thanh khiết này được nhận thấy rõ ràng bởi bất kì ai trải qua thời gian ở đại học. Ở đó người ta rất thường thấy rằng sự tự cao khiến cho chúng ta vô cùng trung thành với những cách giải thích, ý kiến và lí thuyết của mình – chứ không phải với sự thật. Tính tham lam mong muốn chức vụ, giải thưởng, và học bổng, không phải là tầm nhìn trong sáng. Các trường đại học ngày nay có thể rất đúng về mặt chính trị. Để được an toàn, nhiều người không nói lên những gì họ tin, hoặc họ tán thành những điều họ biết là sai. Những thói quen này phá hỏng sự sống trí tuệ.
Sự đơn sơ vẫn được xem là một sự biểu lộ khác của lòng trinh khiết của Đức Maria làm ngời sáng đời sống trí tuệ. Thật thế, chúng ta cần sử dụng những công cụ phê bình để phân tích. Trong công việc của chúng ta, việc gặp phản đối và chịu sự phê bình nghiêm khắc là điều hữu ích. Người trí thức thực sự cần phải trau dồi sự nhanh nhẹn trong việc tránh câu hỏi của đối phương và áp lực của cuộc tranh luận. Nhưng những lối phê bình và biện chứng này có thể rất dễ dẫn đến thái độ hoài nghi lạnh nhạt, sự ranh mãnh của thế gian, và một tinh thần hiếu chiến làm lẫn lộn các kĩ năng tranh luận với sự khôn ngoan. Ngày nay, có thể thấy rõ những nguy hiểm này cách đặc biệt. Rất thường chúng ta đề cao những nghi ngờ nhằm chỉ trích hơn niềm tin chắc chắn, và chúng ta coi trọng những kĩ năng phê bình hào nhoáng hơn sự tìm kiếm sự phê bình lành mạnh. Để chống lại những nguy hiểm này chúng ta cần nuôi dưỡng sự đơn sơ về mặt trí thức. Chúng ta đang sống trong một thế giới sa ngã, vậy, tầm nhìn của chúng ta bị che khuất bởi tội lỗi. Nhưng thực tế vẫn còn xán lạn nhờ những chân lí đánh động chúng ta một cách vô cùng gần gũi.
Do đó, lời khuyên của tôi là trở đi trở lại với sách vở hay kinh nghiệm mà lần đầu tiên đã thắp lên khát khao trí thức của bạn và truyền cho bạn cảm hứng dấn thân vào một cuộc sống trí tuệ. Cách đây vài năm, tôi đọc lại cuốn sách nhỏ của Karl Barth, Evangelical Theology: An Introduction. Trong một khoảnh khắc, tôi lại trở thành sinh viên đại học vui thú trong việc khám phá một phương pháp rèn luyện sự suy tư mà nói thẳng về Thiên Chúa. Sự ngụy biện trong học thuật thường là một kẻ thù đối với sự đơn sơ về mặt trí thức. Chúng ta cần phải cẩn thận với sự đơn sơ đáng trách làm vấp vào những kết luận thiếu suy nghĩ. Nhưng cũng có một lòng hăng hái hồn nhiên có thể canh tân trái tim của bất kì linh hồn nào đang mệt mỏi với vẻ thông thái rởm. Hãy tìm những cuốn sách táo bạo theo cách gần như trẻ con, tỏa hương thơm của sự đơn sơ. G.K. Chesterton đã viết theo cách đó. Hãy tìm kiếm bạn đối thoại với những phẩm chất tương tự.
Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Hãy khôn ngoan như rắn, nhưng đơn sơ như bồ câu”. Một người có ơn hiểu biết biết khi nào để giống loài rắn. Có một chỗ dành cho những suy nghĩ chiến lược, sáng suốt đặt câu hỏi - hỏi khi nào và hỏi cho ai. Tuy nhiên, cũng đòi chúng ta trở nên giống loài bồ câu. Đừng luôn thận trọng trong việc can thiệp vào những chuyên đề nghiên cứu, hạn chế phát biểu có chất lượng mạnh với những bằng chứng. Không phải lúc nào cũng chọn những chủ đề an toàn và những đề tài không gây tranh cãi. Có những thời điểm phải gạt qua một bên những nỗ lực theo sự khôn ngoan thế gian để tìm thành công trong nghề nghiệp. Trinh nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa – có những lúc thốt ra lời nói đơn sơ cho một điều rất lớn lao và siêu việt, một điều vượt xa khả năng và lí trí của bạn. Và điều này có thể được thực hiện trong hoàn cảnh tưởng chừng rủi ro, như ở trong chuồng bò lừa.
Sự thanh khiết trinh khiết khó đạt được trong đời sống trí thức cũng như trong đời sống đạo đức. Quan trọng hơn là làm sao có được một giáo sư liêm khiết hơn là một người đầy tham vọng giữ những quan điểm thoải mái. Hãy tìm những người bạn biết thưởng thức sự đơn sơ trong thời kì huấn luyện cứ tìm đi tìm lại những cảm hứng ban đầu cho ơn gọi của họ thay vì lo cho thời gian thực tập, tuyển đơn xin việc hay bổ nhiệm tiếp sau. Như Chúa Giêsu dạy: “Đứng lo lắng về ngày mai, ngày mai cứ để ngày mai lo”.
Trinh nữ Maria hiện thân cho một sự khiêm tốn hoàn hảo: “Này, tôi là tôi tá của Thiên Chúa”. Giống như sự thanh khiết của tâm hồn, đức hạnh này thể hiện cho một lối sống tìm kiếm chân lí. John Henry Newman viết, “Những tư tưởng tốt chỉ tốt khi nào chúng được xem như những phương tiện dẫn tới sự vâng phục thật sự”. Không có sự liêm chính trong trí tuệ khi những từ “tôi muốn” làm chủ suy nghĩ của chúng ta. Chúng ta nên cố gắng xây dựng trí tuệ của chúng ta trong sự vâng phục điều chân thật, chứ không phải những điều phục vụ cho sở thích của chúng ta, xoa dịu sợ hãi hoặc giảm bớt nỗi âu lo của chúng ta. Cái tôi chỉ toàn đòi hỏi phải được thuần hóa. Sự khiêm nhường hướng chúng ta ra xa lối suy nghĩ lấy mình làm trung tâm.
Sự tự ngờ vực là một phẩm chất mà bất kì người sáng suốt nào cũng cần phải tu luyện. Khi nói thế, tôi không có ý nói phải nghi ngờ khả năng của mình, như thể chúng ta phải giả vờ rằng chúng ta không có khả năng hay tài cán gì hết. Cũng không phải là tôi đề nghị một thái độ hoài nghi méo mó mà ngần ngại trước những khẳng định chân lí vững vàng. Thay vào đó, việc tự nhắc mình về những gì chúng ta không biết giúp chúng ta có được một sự tự ngờ vực đúng mực và lành mạnh. Những người cho mình biết hết mọi thứ không là ai khác ngoài việc là người hay nói chuyện vớ vẩn. Kiêu ngạo về trí tuệ của họ làm cho họ chai lì với kiến thức mới và tách họ khỏi sự lời phê bình bổ ích.
Theo kinh nghiệm của tôi với tư cách là một nhà học thuật, tôi sốc bởi tính ngạo mạn của những giáo sư đồng nghiệp. Chúng tôi có khuynh hướng xem những hiểu biết thực sự về các ngành học của mình là đầy đủ và toàn diện. (Các nhà tâm lí học, các nhà sinh học tiến hóa và các nhà kinh tế học có thể đặc biệt nổi bật trong vấn đề này). Hoặc chúng tôi cho rằng kiến thức chuyên môn của chúng tôi cho phép chúng tôi nói một cách có uy quyền trong bất kì chủ đề nào. Một đồng nghiệp đã từng viết những bài chỉ trích về chính sách đối ngoại dựa trên cơ sở chuyên môn của anh ta về lịch sử quân sự La Mã cổ đại. Tự nó đó không phải là một ý tưởng tồi, nhưng anh ta đã không dành thời gian để học biết những chi tiết đương thời, tự tin rằng kiến thức về chiến lược cổ đại của anh ta cho anh cách giải mã mọi vấn đề. Não trạng tốt nhất luôn nuôi dưỡng sự khiêm nhường. Một nhà vật lí xuất sắc biết nhiều thứ, nhưng ông biết rằng ông không biết hết tất cả, đó là lí do, ngay cả khi ông là người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình, thì ông cũng phải học hỏi về lịch sử nghệ thuật hay lí thuyết chính trị từ những người mà ông thừa nhận là hiểu biết nhiều hơn ông.
Một sự tự ngờ vực hợp lí sẽ làm giảm uy quyền của các nhà học thuật và bằng cấp. Chúng ta nên lưu tâm lời cảnh báo của thánh Phaolô: “Kiến thức thổi phồng”. Kiến thức chuyên môn không khiến người ta khôn ngoan hay thậm chí là có sức hấp dẫn. Những người tẻ nhạt nhất trong dạ tiệc thường là các học giả. Chúng tôi huyên thuyên. Tôi nhớ lại một trò đùa về một giáo sư Harvard. Ông đã dẫn một sinh viên sáng giá đã tốt nghiệp tới buổi ăn trưa. Sau khi trò truyện khoảng 30 phút ông nhận ra và xin lỗi, rồi nhắc cậu sinh viên của ông rằng: “Tôi nói nhiều quá. Tại sao anh không nói với tôi suy nghĩ của anh về công việc của tôi?”.
Trò chuyện với Chúa Cha, Chúa Giêsu cho thấy rằng: “Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn”. Rất thường những người uyên bác không thể thấy khu rừng dành cho cây cối. Nhà chính trị năng động có thể hiểu biết nhiều hơn nhà triết học về chính trị, mặc dù ông thiếu sự giáo dục kĩ thuật cần thiết để đưa những hiểu biết của mình thành những hình thức tốt nhất và hữu dụng nhất. Chúng ta không được đánh mất cái nhìn sự thật này là chuyên môn với những từ ngữ và những khái niệm – là thứ được đánh giá cao thực sự đối với người trí thức - thì không giống như những kiến thức về thực tại.
Lắng nghe là hình thức chủ động của sự tự ngờ vực đúng cách. Một vài người rất thiếu trung thực đến mức những phát biểu của họ không đáng xem xét. Tuy nhiên, hầu hết đều tìm kiếm chân lí. Chúng ta có thể học hỏi từ Đức Trinh Nữ Maria để lắng nghe và suy ngẫm ý nghĩa của những gì người khác nói. Ngày nay, cách lắng nghe như thế thực sự cần thiết, khi sự phân cực trong chính trị ngăn trở chúng ta tìm cách rút ra chân lí trong những quan niệm về chính trị hoặc đạo đức, có vẻ xấu xa.
Gợi lại lời của Chúa Giêsu: “Ngài sẽ cho miệng con thơ và trẻ nhỏ cất tiếng ngợi khen”. Thường thì con người không thực sự biết những gì họ đang nói. Ngay cả khi nói ra những ý kiến từ cái đầu lệch lạc, họ thốt ra những chân lí một cách tình cờ, như bản chất của nó. Điều này không có gì ngạc nhiên. Như một loại tội lỗi, dối trá là không có hoặc thiếu điều tốt, có nghĩa là nó luôn luôn dựa vào một số yếu tố hay một chút chân lí. Vì vậy, đáng phải chú ý những gì người ta nói, phân tích lời nói của họ và chọn lọc ý kiến của họ.
Sự khác biệt giữa người thông minh đơn thuần và người khôn ngoan thực tùy thuộc vào nhân đức Đức Maria nằm ở sự suy ngẫm những gì người khác nói. Những người không lắng nghe có khuynh hưởng trở nên ngày càng khép kín hơn trong những ý tưởng riêng của họ. Họ cũng thường là những tác giả và những người dạy rất tệ. Do không chú ý đến những gì người khác nghĩ, họ không hề biết về thính giả của mình.
Chân lí đến từ bên ngoài. Nó có thể đến qua sách vở hay các bài giảng. Chúng là những khoảnh khắc tập trung lắng nghe. Nhưng chúng ta chọn sách và các lớp học cho mình. Đây có lẽ là lí do, theo kinh nghiệm của tôi, những khoảnh khắc quan trọng nhất của sự hiểu biết bước vào trong các cuộc đối thoại. Một người hiếm khi có được một ý tưởng hoàn chỉnh, và chắc chắn không phải “học thuyết”, từ những khoảnh khắc không có kế hoạch này. Nhưng bản chất của đối thoại không có ý định và kế hoạch có thể mang lại những hiểu biết bất ngờ. Suy nghĩ riêng của tôi đã được sâu sắc hơn và định hướng lại bởi những điều kì lạ và thậm chí gây sốc mà người ta nói.
Thinh lặng vẫn là một cách khách quan của việc nuôi dưỡng sự khiêm nhường. Như Josef Pieper nhận định, “Lĩnh hội là lắng nghe trong im lặng”. Tất nhiên, theo một nghĩa nào đó, câu này chứa một sự lặp lại không cần thiết. Bạn không thể lắng nghe trong khi bạn đang nói, như vợ tôi thỉnh thoảng nhắc nhở tôi. Nhưng điều Pieper muốn nói tới qua sự thinh lặng là một sự yên tĩnh bên trong, một sự lắng đọng của những bánh răng nghiến nhau ken két là những lí lẽ và phản biện mà chúng ta thường hình dung trong đầu khi đọc và nghe. A.G Sertillanges dòng Đaminh đã viết: “Chúng ta không biết rõ cách tâm trí làm việc cho lắm; nhưng chúng ta biết rằng tính thụ động là luật đầu tiên của nó”. Sự thinh lặng bên trong nuôi dưỡng tính thụ động, làm ngưng các động cơ của linh hồn. Như ở nơi Đức Maria, người đã hạ mình để đón nhận Lời của Thiên Chúa, sự im lặng bên trong này cho phép tâm trí chúng ta nghe thấy một chân lí từ bên ngoài –mà chúng ta không biết chúng trú ngụ ở đâu.
Cầu nguyện, dù bằng lời hay chiêm niệm, là một kỉ luật của sự khiêm nhường. Nó làm im lặng sự huyên thuyên của cuộc sống lấy mình làm trung tâm, đó là điều thiết yếu cho cuộc sống trí thức. Cầu nguyện phải là trung tâm cho cuộc sống trí thức của chúng ta. Điều này là đúng không chỉ vì chúng ta phải dâng hiến mọi thứ chúng ta làm để phục vụ Thiên Chúa, mà còn bởi vì chúng ta khao khát được chân lí bao bọc và nắm giữ.
Biên dịch: Nhóm dịch thuật Gioan XXIII
Nguồn: Firstthings.com
 
Nguồn tin: http://giaophanmytho.net