Độc Thân Khiết Tịnh Vì Nước Trời - Những Thương Tổn

Tue,08/01/2019
Lượt xem: 3711

 Thương tổn luôn là một phần của đời sống con người, dù sống ở bậc nào, dù ta muốn hay không muốn. Alexandria David đã khẳng định: “sự tổn thương nó luôn hiện hữu nơi tất cả mọi người, không ai có thể trốn chạy nó”. Mỗi người chúng ta điều đã trải qua ít nhiều kinh nghiệm này: người thì mang thương tổn thể xác, người thì mang thương tổn tinh thần (tâm hồn), lại có người phải chịu cả hai. Thế nhưng, thương tổn nơi người chọn bậc sống độc thân khiết tịnh thì lại sâu lắng hơn. Dẫu biết rằng: đời sống “độc thân khiết tịnh vì Nước Trời” là một tặng phẩm cao cả mà Thiên Chúa tặng ban cho con người, nhưng tặng phẩm này không phải luôn luôn êm đềm, hạnh phúc và bình an. Muốn giữ trọn con đường ấy, người độc thân dâng hiến phải đánh đổi bằng chính những thương tổn và những thách thức. Tại sao lại như vậy? Câu trả lời đó chính là nhìn vào con người Đức Giêsu, Thầy Chí Thánh của chúng ta. Chúa Giêsu nói với các tông đồ rằng: “tôi tớ không lớn hơn chủ…”(Ga 15,20), “Cả anh em nữa, anh em cũng phải làm chứng…” (Ga 1, 27). Chính Đức Giêsu cũng phải bước qua những thương tổn rất nặng nề mới có thể bước vào vinh quang (x.Lc 24,26). Hiểu được như thế, người sống độc thân khiết tịnh mới có thể theo Thầy Chí Thánh của mình và xác quyết rằng: con đường mình đi không thể tránh khỏi mất mát, thương tổn và thậm chí phải đổi cả mạng sống mình nữa. Đặc biệt, trong thế giới tục hóa hôm nay, con người như đang quay cuồng trong những ảo tưởng của đam mê và dục vọng với đủ loại cám dỗ của danh, lợi, dục, tự do phóng túng … Lối sống tự do ấy dường như cũng đang có nguy cơ dần dần gặm nhấm và bào mòn ngay cả đời sống người Kitô hữu kể cả trong bậc sống vợ chồng cũng như người sống độc thân vì Nước Trời.
Vậy, đâu là những vấn nạn làm thương tổn cho đời sống độc thân khiết tịnh? Tại sao đã chọn con đường độc thân vì Nước Trời rồi mà lại còn tổn thương? Muốn hiểu được tận căn vấn đề này. Chúng ta phải quay về tìm hiểu khoa nhân học thì ta sẽ thấy rõ hơn. Theo nhân học Kitô giáo, con người là hữu thể nhân linh có: Khả năng (bản năng) yêu – ghét như một biểu hiện của hiện hữu, biết lựa chọn yêu – ghét (cảm xúc theo nhiều mức độ - cảm tính, lý tính), biết hòa điệu giữa cảm xúc và tự chủ, tự do và chọn lựa, tự nhiên và siêu nhiên, bản năng và lý trí…Như vậy đời sống khiết tịnh liên quan đến đời sống tính dục. Cách tự nhiên, tính dục được biểu lộ qua căn tính đích thực như người nam hay người nữ (phái tính), là chủ thể sống trong tương quan liên nhân vị với Thiên Chúa và tha nhân, biểu lộ qua cảm xúc, yêu ghét…Qua đó, ta thấy khiết tịnh có liên quan đến tính dục xét về khía cạnh tiêu cực như: khuynh hướng thụ hưởng, chiếm đoạt, ích kỷ, ý tưởng khao khát tà dâm, hành vi tính dục phi luân…Như vậy, thanh khiết có thể được xem như là lối sống đối kháng với ‘con người tự nhiên’- con người vốn ‘tham, sân, si’, yêu ghét, chiếm đoạt, hưởng thụ, tranh chấp, vun quén cho mình... Sống độc thân khiết tịnh có nghĩa là từ bỏ, hy sinh, hiến dâng, trao ban cuộc sống, năng lực, nhiệt tâm, thời gian, lý tưởng phục vụ… vì đối tượng mà mình yêu thương (Thiên Chúa, con người). Hiểu theo nghĩa này, trong sự khác biệt có vẻ ‘không tự nhiên’, đời sống khiết tịnh lại là một kiểu sống “hội nhập với cuộc đời’, ‘hoà mình với mọi người’ theo cách đặc biệt của mình. Cho nên, xét theo khía cạnh một con người tự nhiên thì không tránh khỏi có những thương tổn. Điều này như Thánh Phaolô đã nói: “Những ai thuộc về Đức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh xác thịt vào Thập Giá cùng với các dục vọng và đam mê”(Gl 5,24). Chúa cũng nói: “Trong thế gian, anh em cũng phải gian nan khốn khó”(Ga 16,33).
Nhìn chung, ta có thể liệt kê một số nguyên nhân làm tổn thương như sau:
- Do xu hướng hay khí chất tự nhiên của cá nhân với những đòi hỏi của thể xác ở mức ‘bất bình thường’ (khuynh hướng tính dục hoặc tính dục ‘khác thường’) mà không được trợ giúp phân định và điều chỉnh từ đầu, dần dần trở nên tập quán hoặc có tính chất của tâm bệnh.
- Ảnh hưởng ngoại cảnh: trào lưu văn hóa tự do tính dục, internet và ‘cơ hội’, ‘dịp tội’, ‘cám dỗ’ với nguy cơ cao mà không biết kiểm soát hay không có sự ngăn ngừa và chọn lựa cần thiết. Đây là một thách đố lớn cho đời sống độc thân khiết tịnh thời hiện đại.
- Đời sống cộng đoàn và những xáo trộn trong tương quan nhân bản, cụ thể như bề trên hiểu lầm, chỉ trích, đàm tiếu, ghanh tị, lấy oán trả ơn…,sự cằn cỗi và cứng nhắc của luật lệ và quyền bính, thiếu bao dung và cảm thông…
- Đời sống và lựa chọn cá nhân: do khủng hoảng tâm lý vì hoảng sợ và hoang mang với sức ép của công việc, do mất niềm tin và định hướng sống, do buông bỏ kỷ cương và dần rơi vào tính trạng thoái hóa đạo đức (Hậu quả sẽ là chuyện ‘nhảy rào’, chuyện ‘yêu riêng’, chuyện ‘vướng tình cảm’, chuyện ‘bỏ cộng đoàn và bỏ tu’… Vì người sống độc thân khiết tịnh vẫn không thôi là những con người, vẫn sống trong, sống với và sống cùng xã hội nên người không tránh hết những tổn thương và nguy hiểm đe dọa đến đời sống khiết tịnh, nhất là trong việc sống và giữ đời sống thanh khiết.
- Bộ ba tiền - tài – tình được xem như căn bệnh của thời đại mà không ít người cho đó là hạnh phúc nên cố đi tìm dưới mọi hình thức: mê học, ham làm, chịu chơi cũng vì đó. Tình dục lại trở nên nhu cầu trong sinh hoạt của con người: trước kia nam nữ thụ thụ bất thân thì ngày nay nam nữ thụ thụ rất thân, chưa lấy nhau đã dắt nhau về. Đây là một thách đố trong quan hệ nam nữ - nó là một loại vi rút của thời đại mà ai cũng có thể bị lây nhiễm. Chưa hết, Do bối cảnh chung quanh, nhất là trong thời đại toàn cầu hóa này, trước khi chọn đời sống khiết tịnh, người đó đã chịu ảnh hưởng của học đường, của xã hội, không được giáo dục về lối sống nhân bản cũng như lối sống tương quan, cộng thêm những hình ảnh xấu, những tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, những cách cư xử thiếu tình người của một số giảng viên đã in vào não trạng tâm lý của người trẻ, nên bước vào đời sống độc thân khiết tịnh mặc dù được đào tạo có vẻ kỹ càng, nhưng không thể xóa tan được những ấn tượng xấu.
Mặt khác, trong một xã hội, đang khi con người đề cao tiền bạc, vật chất, thì đời sống độc thân khiết tịnh lại mời gọi sống khó nghèo triệt để; đang khi con người sống hưởng thụ, thì người tu trì lại được mời gọi sống khiết tịnh vì Nước Trời; đang khi con người đề cao cái tôi cá nhân, thì lại được mời gọi sống vâng phục tuyệt đối theo gương Đức Ki-tô, “Đấng đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá” (Pl 2,8). Do vậy, Cuộc sống độc thân luôn có những thách đố và khủng hoảng. Hành trình làm con Chúa cũng tồn tại nhiều nghi ngờ và e ngại. Dấn thân theo Đức Kitô, để trở thành người môn đệ đích thực của Người cũng thật chông gai và nhiều cam go. Chúng ta luôn mong tìm được một hướng đi nào đó thích hợp, bớt được những khó khăn thì mãn nguyện và hạnh phúc. Thế nhưng, điều này còn nhiều bước cản, nhiều tổn thương, bởi con người thì giới hạn mà khát vọng lại vô cùng.
Vì thế, để có cuộc sống bình an và trưởng thành, người chọn bậc sống khiết tịnh vì Nước Trời ngày nay cần phải đọc ra được những dấu chỉ của thời đại. Họ cần đọc được điều Chúa muốn nói với mình qua những biến cố, những sự kiện của bản thân, của những người xung quanh, cũng như những sự kiện của xã hội. Nếu như con người không thể sống thiếu cơm bánh, thì có thể nói không thể sống thiếu Lời Chúa: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.” (Mt 4,4). Nhờ Lời Chúa, người tu trì sẽ biết được sự yếu đuối của bản thân, để biết cậy dựa, tin tưởng vào một mình Chúa mà thôi. Phương dược tốt nhất cho người độc thân khiết tịnh đó là biết chạy đến với bí tích Hòa Giải và bí tích Thánh Thể, ngoài ra phải trau dồi cho bản thân bốn chiều kích: ‘nhân bản, tu đức, tri thức và mục vụ’.
Cuối cùng, người sống độc thân vì Nước Trời cần thực hiện ba điểm chính yếu của đời tu, đó là: tìm kiếm Thiên Chúa, sống tinh thần hiệp thông huynh đệ và phục vụ người khác. Những người sống trong ơn gọi độc thân vì Nước Trời hãy cố gắng làm chứng cho mọi người thấy rằng, ai cũng được mời gọi nên thánh. Đồng thời, họ phải là gương sáng cho người Kitô hữu lẫn người ngoài Kitô giáo về lòng yêu thương tha nhân, nhất là những anh chị em gặp nhiều đau khổ trong xã hội. Trong một thế giới không còn ý thức mạnh mẽ về sự hiện diện của Thiên Chúa nữa, thì người tu trì phải trở thành chứng nhân đầy sức thuyết phục về một Thiên Chúa Tình Yêu và về đời sống vĩnh cửu mai sau. Trong đời sống cộng đoàn, họ phải làm chứng về các giá trị của tình huynh đệ và sức biến đổi của Tin Mừng. Tất cả những ai bước vào đời tu đều được mời gọi trở thành người đi đầu trong việc tìm kiếm Chúa, một sự tìm kiếm luôn làm dao động lòng người và được bày tỏ hết sức rõ ràng bằng nhiều hình thức tu đức và đời sống tâm linh. Sống cộng đoàn, làm chứng trong thinh lặng và bình an là hình thức thôi thúc mọi người xây dựng một sự hòa hợp lớn hơn trong xã hội. Sống nghèo khó và từ bỏ trong thinh lặng, sống thanh khiết và chân thành, sống quên mình trong tuân phục, tất cả những điều ấy trở nên lời chứng hùng hồn cho bối cảnh ngày nay.

 

Antôn Nguyễn Xuân Bá, K.11

 

Nguồn tin: