Bông hồng của mẹ!

Wed,21/11/2018
Lượt xem: 2054

Mẹ tôi đã gần tám mươi xuân qua mà chưa một lần biết đến ngày mồng tám tháng ba, và cũng chưa một lần nhận được một bông hoa từ người khác trao tặng. Tôi vẫn biết ngần ấy cuộc đời, mẹ tần tảo ngược xuôi nuôi con nhưng chưa một lần tôi tặng mẹ một bông hoa nào. Và cũng chưa bao giờ nghe mẹ ước mong tôi tặng hoa cho mẹ vào ngày Quốc tế Phụ nữ. Mẹ đâu biết ngày ấy đến, tôi mua hoa tặng cho người khác mà không phải là mẹ. Mẹ đâu biết ngày ấy đến, tôi dành bao nhiêu lời yêu thương ngọt ngào để tặng trao cho người khác mà không phải là mẹ. Và mẹ vẫn không biết và không biết bao nhiêu điều khác nữa, tôi dành cho người khác mà không dành cho mẹ. Dẫu vậy với mẹ, tôi vẫn là “niềm tự hào” là “ bông hồng cưng” trong cuộc đời.

Thời gian cứ lặng lẽ trôi vô tình làm tuổi mẹ ngày một lớn dần theo năm tháng, nhuốm phủ lên đầu mẹ vô vàn sợi bạc, da mẹ đã “mấy lần” hết thời mịn trơn. Ấy thế mà mẹ vẫn chưa một lần được nếm trãi vị ngọt của ngày mà nhiều phụ nữ cho là “hạnh phúc”. Với mẹ, ngày “hạnh phúc” ấy như là một ảo ảnh xa vời nằm ngoài tầm với của ký ức, mẹ chưa từng nghe, từng thấy bao giờ. Một hôm, nhân ngày mồng tám tháng ba mẹ ngồi chơi với mấy đứa cháu, tôi đùa vui hỏi mẹ: ngày xưa mẹ được mấy người tặng hoa vào ngày mồng tám tháng ba? Mẹ ngạc nhiên không hiểu, hỏi lại như trẻ thơ: ngày ấy là gì? Sao lại tặng hoa? Mấy đứa cháu cười rộ lên, tôi cũng phát cười theo rồi giải thích cho mẹ, nhưng mẹ nghe như là nghe “chuyện cổ tích”, “chuyện lạ bốn phương”. Ngẫm nghĩ hồi lâu, tưởng nhớ quá khứ, mẹ kể cho tôi và mấy đứa cháu nghe về cuộc đời của mẹ. Mẹ kể hồi còn nhỏ, mẹ không được được đi học “như tụi bây lúc này”, vì nhà mẹ nghèo, trường xa, điều kiện không có. Cũng vì lẽ đó mà mẹ không biết chữ, chỉ biết đếm, nhưng là đếm những số nhỏ thôi, nhờ đếm tiền qua giao thương buôn bán. Hồi còn tuổi cập kê, mẹ phải tần tảo ngược xuôi, chạy chợ kiếm gạo nuôi đàn em nhỏ phụ giúp gia đình trong những ngày thất bát đói kém, bởi mẹ là con cả trong gia đình. Mẹ nói thời ấy do hoàn cảnh xã hội nghèo khổ, nên không mấy ai lo nghĩ đến chuyện tặng hoa, và mẹ cũng không hề biết  về ngày mồng tám tháng ba hay ý nghĩa của việc tặng hoa là gì. Rồi mẹ đi lấy chồng trong thời buổi chiến tranh khắc nghiệt, nhà chồng nghèo, của hồi môn không có, chồng lại bệnh nặng, con yếu đau, mẹ lo tận tụy săn sóc chồng con nên chẳng mấy khi nghĩ “đến hoa đến hòe”. Mẹ cũng không nhận được bông hồng nào từ chồng tặng, cho dù buổi đầu gặp gỡ yêu thương hay hẹn hò thề ước…
 

Với mẹ, chồng và con chính là hai bông hồng đẹp nhất trong đời. Nhưng oái oăm thay cho mẹ, ngày con cái trưởng thành cũng là ngày bất hạnh nhất của mẹ. Những đứa lớn xây xựng gia đình, đứa út ra trường đi làm, mẹ lại mất chồng như mất bông hồng “quí nhất” cuộc đời. Mẹ buồn, mẹ cảm thấy chênh vênh hụt hẩng vì mẹ đã thiếu đi “cái nửa” của mình. Nên mẹ khóc nhưng nước mắt mẹ không chảy thành giọt, thành hàng mà chảy vào trong như thấm hết nỗi đau tột cùng. Mẹ âm thầm chịu đựng và cảm nghiệm sự trống trãi, sự cô đơn không gì bù lấp. Một mình mẹ biết, một mình mẹ chịu, mẹ không nói với ai, không than phiền với ai dù chỉ nửa lời. Thế rồi, thời gian qua đi như liều thuốc an thần giúp mẹ nguôi ngoai dần nỗi nhớ nhung trống trãi, và phủ lấp được phần nào những thực tại đớn đau đó của mẹ. Niềm an ủi và động viên mẹ lúc này chính là tôi, người con út được mẹ coi như là “bông hồng cưng” của mẹ…

Thời tôi học cấp ba, mẹ có một ước nguyện là tôi được đi tu. Có lần mẹ nói “dù mẹ phải vất vả lầm than đến mấy, mẹ vẫn quyết cho con ăn học để đạt được ước nguyện”. Nhưng thật buồn thay, ước nguyện của mẹ lại nằm ngoài ý hướng của tôi, bởi lúc ấy tôi chưa hề nghĩ gì đến chuyện đi tu, tôi chỉ ước mong được vào đại học mà thôi. Tôi vào cấp ba, rồi vào đại học là kết quả của bao chuỗi ngày dày công ôn luyện, và bao ước mơ trăn trở. Mẹ mừng vì tôi đã có cố gắng ăn học để đem lại vinh quang cho gia đình, cho xóm làng, do thời đó ở quê tôi, người học cấp ba và đại học chỉ đếm trên đầu ngón tay. Dẫu vậy, vẫn không dập tắt được khát khao trong mẹ đó là: tôi đi tu, mẹ mới thỏa chí toại lòng.

Ngày tôi tốt nghiệp đại học, tôi nộp đơn xin đi làm và được người ta chấp nhận, tôi tự hào về điều đó, vì không phải mất tiền của mẹ để chạy việc như bao người khác. Tôi nói với mẹ, lẽ ra mẹ vui, nhưng ngược lại tôi thấy mẹ buồn hơn! Bởi tôi đoán chắc mẹ ngầm đọc được điều gì đó có dự cảm không tốt về tôi mà mẹ không nói ra, nhưng tôi phần nào cảm nghiệm được ý nghĩ của mẹ, nên thấy áy náy không yên trong lòng mà không biết giải thích thế nào cho mẹ hiểu. Và thế là, tôi vẫn âm thầm đi làm, còn mẹ thì lại âm thầm cầu nguyện cho tôi bỏ việc… Có lần về tết mẹ nói thẳng: mẹ luôn cầu nguyện cho con và mong sao con thay đổi ý hướng, vì mẹ nghĩ tiền tài, danh vọng, địa vị xã hội chẳng là gì cả. Đời mẹ khổ nhiều rồi cũng qua, nên con đừng màng chi đến nó. Mẹ còn bảo, ngày xưa khi bố còn sống, bố cũng có mong ước như mẹ, nên con phải làm sao đó cho bố mẹ được thỏa lòng mong ước. Có như thế, “con cưng” của mẹ mới không làm mẹ phải tủi thân khi còn sống trên cõi đời, và linh hồn của bố cũng được thảnh thơi “nơi chín suối”.

*

Bảy năm trôi qua kể từ ngày ra trường, tôi bôn ba với xã hội được cho là “bên ngoài”, một hôm tôi quyết định nộp đơn thi vào Đại Chủng Viện. Như thế là bước đầu đã hé mở cho mẹ một “điềm lành”, vì lời cầu nguyện của mẹ qua bao công khó trăn trở đã vượt thắng được ý hướng của tôi. Bước ngoặt của cuộc đời tôi chính là niềm vui, niềm hạnh phúc cho đời mẹ. Ngày tôi nhận giấy báo đậu Đại Chủng Viện mẹ mừng khôn tả xiết, mẹ không đi khoe với xóm làng mà mẹ âm thầm cảm nếm trong lòng. Trông mẹ khỏe ra và nét mặt mẹ rạng rỡ hẳn lên. Nhưng tiếc thay, ngày ấy đến với mẹ không được sớm hơn để mẹ hưởng trọn được niềm mong ước. Vì ngày mẹ nhận được tin vui như nhận được “bông hồng” từ tay con dâng tặng cũng là ngày mẹ đã xế bóng chiều tà, sức khỏe đã dần sa sút.

Nay, đời mẹ đã chẳng còn được bao lâu nữa rồi mà con của mẹ thì chỉ mới bắt đầu chập chững bước đi trên chặng đường dài tu luyện. Giờ đây “niềm mơ ước, sự khao khát, bông hồng, đứa con cưng…” của mẹ đang từng ngày cần chất dinh dưỡng và nhựa sống thiêng liêng để chờ đến lúc tỏa ngát hương thơm cho mẹ được toại lòng, thì một câu hỏi lớn đặt ra: liệu ngày đó đến, mẹ ơi, mẹ có còn trên thế gian này nữa không?, dẫu biết rằng tôi không dấn thân vào đường tu trì là cho mẹ và vì mẹ, nhưng niềm mong ước của mẹ như một sự thúc đẩy tôi dấn bước và tôi luôn nhớ đến ước nguyện ấy, bởi người mẹ nào cũng chỉ muốn tốt cho con chứ không đặt niềm tự hào, sự rạng rỡ của bản thân, của gia đình lên hang đầu. 

Pet. Lê Hữu Trường
 
Nguồn tin:
Tags :