Bình An Đích Thực

Fri,22/03/2019
Lượt xem: 4275

 Đã làm người, ai cũng muốn có cuộc sống bình an hạnh phúc. Đã vào đời, ai cũng ước một đời không đau khổ bất hạnh. Trong ngôn ngữ thường ngày, bình an hạnh phúc luôn được đề cao, được trình bày như một đích tới, một ước mơ, một thao thức, một kỳ vọng. Bình an và âu lo lúc nào cũng bám lấy và ám ảnh đời sống con người từ lúc sinh ra cho đến khi nhắm mắt. Con người luôn mơ ước cuộc sống của nình được bình an, bản thân bình an, gia đình bình an, xóm làng bình an, đất nước bình an, tuổi thơ bình an, tuổi trẻ bình an, tuổi già bình an, nghèo nhưng bình an…Tính từ bình an không ngừng vang vọng và thúc đẩy con người lên đường và hăng say tìm kiếm. Trong luồng tư đó xin được đưa ra một vài nhận định về sự “bình an” dưới góc độ quan sát theo Tin Mừng Kitô giáo. Để để phần nào hiểu được sự bình an xin mượn câu chuyện của một tác giả khuyết danh như sau:

Một vị vua treo giải thưởng cho họa sĩ nào vẽ được một bức tranh đẹp nhất về sự bình an. Nhiều họa sĩ đã cố công thể hiện tài năng của mình. Nhà vua ngắm tất cả các bức tranh nhưng chỉ thích có hai bức và ông phải chọn lấy một. Một bức tranh vẽ hồ nước yên ả. Mặt hồ là tấm gương tuyệt mỹ vì có những ngọn núi cao chót vót bao quanh. Bên trên là bầu trời xanh với những đám mây trắng mịn màng. Tất cả những ai ngắm bức tranh này đều cho rằng đây là một bức tranh bình an thật hoàn hảo.
Bức tranh kia cũng có những ngọn núi, nhưng những ngọn núi này trần trụi và lởm chởm đá. Ở bên trên là bầu trời giận dữ đổ mưa như trút kèm theo sấm chớp. Bên vách núi là dòng thác nổi bọt trắng xóa. Bức tranh này trông thật chẳng bình yên chút nào. Nhưng khi nhà vua ngắm nhìn, ông thấy đằng sau dòng thác là một bụi cây nhỏ mọc lên từ khe nứt của một tảng đá. Trong bụi cây một con chim mẹ đang đứng trên vành tổ móm thức ăn cho những chú chim con. Ở đó giữa dòng thác trút xuống một cách giận dữ, con chim mẹ đang bình thản đậu trên tổ của mình... Bình an thật sự. "Ta chấm bức tranh này! - Nhà vua công bố . (sưu tầm)
Qua câu chuyện này cho ta một cái nhìn mới về sự bình an, cụ thể sự bình an ở đây không có nghĩa là vắng bóng sự ồn ào, sự nguy hiểm, sự khó khăn hay cực nhọc… ngay cả những lúc phong ba bão táp ta vẫn tìm thấy sự bình an trong tâm hồn. Đây chính là thứ bình an theo tinh thần của Kitô giáo, bởi chính sự bình an này được phát xuất từ Đấng Tạo Hoá, cụ thể nó phát xuất từ cuộc khổ hình sinh ơn cứu độ của Chúa Giêsu Kitô. Vì trước khi về trời Đức Giêsu đã nói với các môn đệ rằng: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban cho các con bình an của Thầy, Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng” (Ga 14, 27). Vậy bình an theo kiểu thế gian ban tặng là gì? Và bình an của Đức Giêsu trao ban là sao? 
Ta có thể hiểu bình an theo kiểu thế gian là trong kinh nghiệm tự nhiên của con người, đói khát, mất quyền lực, thất bại, bất an hay sự chết là điều làm cho con người luôn sợ hãi và mất bình an. Đỉnh cao của nỗi sợ đó chính là sợ mất sự sống. Chính vì vậy, người ta đều mong muốn được an vui và hạnh phúc, tức là ơn bình an. Tuy nhiên, bình an mà Đức Giêsu trao ban cho các môn đệ là một thứ bình an đặc biệt. Đặc biệt vì không phải theo quan niệm thông thường của con người, nhưng đây là sự bình an của Đức Giêsu trao tặng cho các môn đệ, nó không chỉ dừng lại ở việc an toàn về mặt thể xác, mà còn đi xa hơn để đạt được thứ bình an trong sâu thẳm trong tâm hồn. Bình an này hướng người ta về mầu nhiệm cách chung, nhiệm cục cứu độ. Hơn nữa, Ngài chính nội dung của bình an; hay nói cách khác: Ngài chính là nguồn bình an, Ngài ban cho các ông chính bình an của Ngài. Đây là một đặc tính của ơn bình an, đặc tính này đón nhận chính nguồn ơn cứu độ và đi vào sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa là nguồn cội của bình an. Thật vậy, đây là một thứ bình an nội tâm, bình an tuyệt đối, bình an của một Ngôi Vị. Chính Thánh Phaolô cho ta biết điều này: “Bình an là hoa trái của Thánh Thần” (Gl 5, 22-23). 
Vậy, muốn chiếm được sự bình an này không gì khác hơn là ta phải kết hợp với Thiên Chúa cách mật thiết và tin tưởng phó thác vào Ngài. Vì con người không thể nếm hưởng bình an sâu sắc và bền vững nếu sống xa Thiên Chúa, nếu tận lòng dạ sâu thẳm của ta không hoàn toàn quy hướng về Ngài. Quả vậy, khi ta cởi mở tâm hồn mình ra với Chúa thì ta mới cảm nhận được sự bình an của Ngài. Giống như khi ta quan sát mặt hồ mà ánh mặt trời đang chiếu rọi. Nếu mặt hồ êm ả, tỉnh lặng, mặt trời sẽ phản chiếu càng rõ ràng. Ngược lại, nếu mặt hồ bị khuấy động thì hình ảnh mặt trời không thể phản chiếu trong đó được. Hình ảnh này cũng tựa hồ tâm hồn của ta trong tương quan với Thiên Chúa. Do đó, khi tâm ta càng tĩnh lặng, bình an, thì hình ảnh của Chúa càng được rõ nét và như thế ân sủng của Ngài sẽ hoạt động ngang qua chúng ta. Vì mỗi khi ta bết lặng đọng tâm hồn và biết dâng những khó khăn của ta cho Chúa qua những lời cầu nguyện thì sự bình an được bền vững. Vì Chúa phán: “Đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, hãy đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn mà giãi bày trước mặt Chúa. Và …Chúa sẽ ban cho bình an vượt trên mọi hiểu biết. Và bình an ấy sẽ điều khiển cách suy nghĩ và cảm nhận của bạn”(Pl 4, 6-7). 
Như thế, không gì khác hơn là buộc ta xây dựng mối quan hệ giữa ta với Chúa cách sâu sắc và lâu dài, bằng cách tìm hiểu Ngài qua Kinh Thánh, qua việc trò chuyện với Ngài trong lời cầu nguyện và thực hành các bí tích. Đây là phương thế giúp ta ở lại trong sự bình an nội tâm của mình cho dù ta phải trải qua sóng gió của cuộc đời. Cho nên sự bình an nội tâm, hay gọi là sự bình an của Tin Mừng chính là hoa trái của sứ vụ tông đồ. Tức là một sự bình an không mảy may liên quan đến thái độ vô cảm, xơ cứng, chai lỳ, hay khép kín bản thân…mà đây là thứ bình an của một tình yêu, của một sự nhạy cảm trước đau khổ của tha nhân với lòng trắc ẩn đích thực. Bỡi lẽ, chỉ có bình an tận đáy con tim mới thật sự giải thoát chúng ta khỏi chính mình, giúp ta có thêm sự nhạy cảm trước tha nhân, hy sinh cho đồng loại. Thánh Séraphim Sarov nói: “Hãy dành cho được bình an nội tâm thì sẽ có vô số người tìm thấy ơn cứu độ của họ ngang qua bạn”. 
Là Kitô hữu, chúng ta đang bước đi trong một thế giới với nền văn minh vật chất nhưng không thiếu sự lo lắng và bất an. Có nghĩa chúng ta đang bước vào một cuộc chiến trường kỳ để chống lại sự dữ, cám dỗ và tội lỗi trong chính mình. Chúng ta phải xem đây như một thực tại hết sức tích cực, vì như thánh Catarina Siêna nói: “Không có chiến tranh sẽ không có hoà bình, không có chiến đấu sẽ không có chiến thắng”. Như thế, cuộc chiến này giúp chúng ta thanh luyện để trưởng thành trên đường thiêng liêng, giúp ta biến đổi để đi vào vinh quang của sự bình an đích thực. Và khi ta đã có sự bình an này, hẵn chúng ta chiến đấu không chỉ bằng sức mạnh dễ cạn kiệt của ta mà là bằng sức mạnh của Thiên Chúa. Như vậy, chúng ta có đủ lý do để nói lên một nguyên tắc: Tiên vàn, những nổ lực của ta phải hướng về mục tiêu cuộc chiến thiêng liêng, không phải luôn dành được chiến thắng (thắng các chước cám dỗ, những yếu đuối…), nhưng đúng hơn, chính là học biết giữ lấy bình an trong tâm hồn ở mọi hoàn cảnh, kể cả khi thất bại. Chỉ có cách này, ta mới có thể theo đuổi mục tiêu hầu loại trừ những sa ngã, lầm lỡ, bất toàn và tội lỗi của mình. 
Một điều chắc rằng: Tất cả lý do khiến ta mất sự bình an luôn luôn không chính đáng, vì hầu như ta xây dựng sự bình an trên nền tảng của suy tính nhân loại. Mà bình an thì xuất phát từ chính Thiên Chúa, Chúa Giêsu khẳng định rõ điều này (Ga 14, 27). Bởi thế, nếu ta tìm kiếm bình an theo kiểu thế gian, mong chờ sự bình an theo lý lẽ người đời hoặc theo não trạng của ta, chắc chắn sẽ không bao giờ biết đến bình an, hoặc có chăng nó sẽ vô cùng monh manh và chóng qua. Là người mang danh Kitô hữu, ta xác tín rất rõ lý do cốt lõi của bình an không đến từ thế gian này, vì Chúa phán: “Nước Tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18, 36). Đây là lý do ta xác quyết về sự bình an đích thực đến từ Đức Kitô, vì lời này được xuất phát từ Thiên Chúa, lời có sức mạnh sáng tạo nên mọi loài, cứu chữa mọi loài và lời bình an này sẽ không bị lấy đi. “Quả thế, khi Thiên Chúa đã ban ơn kêu gọi thì Người không hề đổi ý”(Rm 11, 19). Chính vì thế, mỗi khi ta ở lại trong Đức Giêsu thì ta sẽ ở lại luôn mãi trong bình an. Ngược lại những ai tránh lời mời gọi của Ngài thì họ không thể sống trong bình an. Có lẽ vì thế mà Thánh Augustinô đã phải thốt lên: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa và tâm hồn con luôn khắc khoải cho đến khi được nghĩ yên trong Chúa”.
 Antôn Nguyễn Xuân Bá-K.XI
Trích từ Tập san Đức tin và Văn hóa, số 4
 
Nguồn tin: