Những Người Bạn Trên Đường

Tue,23/01/2024
Lượt xem: 574

 Những Người Bạn Trên Đường

Trên đường  loan báo Tin Mừng, người được sai đi sẽ gặp những điểm dừng, nhưng lại không bao giờ thấy được điểm kết thúc, vì cánh đồng thì mênh mông mà thiếu thợ gặt, trước mắt luôn là những cánh cổng mở ra những nẻo đường dẫn đến những đồng lúa mới. Chả thế mà ngay buổi  đầu của Hội Thánh sơ khai, chỉ với 12 tông đồ, các ngài đã có mặt giữa nhiều dân nước.

Được sai đi nhân danh Chúa: một sứ vụ vượt quá khả năng của con người, nhưng đã là sứ vụ thì luôn mở đầu bằng mệnh lệnh và kèm theo lời hứa, để người được sai đi có thể bước tới và vượt qua mọi rào cản trên đường. Sứ vụ khác với việc bổn phận là vậy: chính Chúa dẫn vào cánh đồng và dự liệu tất cả.

Vì thế, cứ mỗi lần đặt chân lên một vùng đất lạ, tôi luôn cảm thấy có một bàn tay vô hình sắp sẵn tất cả. Chúa gửi đến với tôi từ những người giúp tôi làm quen, cho tới những người sẽ cùng tôi chung bước.

Có những chuyện diễn ra như đùa, vào việc như thể làm chơi ăn thật. Khi đang phải kiếm cách làm quen  với một  vùng rộng lớn, Chúa đem đến cho tôi một chú lái bò, còn tôi trong vai người đi mua bò, vui lắm. Rồi khi phải làm quen thêm vùng đất mới thì lại là chàng trai con của một già làng; có nơi chẳng có ai quen ngoài bà hàng phở, nhưng rồi hàng phở lại dễ gặp được nhiều người.

Bất ngờ nhất là trong lần tìm đến một giáo họ vùng sâu, gặp mấy ông trong ban hành giáo, xin giới thiệu cho vài người cùng tôi chung bước, mấy ông quay lưng cho rằng lời đề nghị của tôi chỉ là chuyện không tưởng. Nhưng chỉ mấy ngày sau, những ngưới cùng chúng tôi chung bước không tìm mà gặp, đó là mấy anh chị em trong ca đoàn, sau khi nghe biết, đã  chia nhau đi vào các làng. Thế là cả một cánh đồng hoang nay đã có những người thợ đứng ra khai phá, nói là thợ chứ thực ra đây chỉ là những tay ngang tập tễnh vào nghề, vậy mà chỉ một năm sau đã có 500 người được dẫn tới dòng suối thanh tẩy. Từ đó ngôi nhà thờ đã bé nhỏ càng thêm bé nhỏ, vì mỗi Chúa nhật phải mở rộng cửa đón con cái đổ về bằng đủ thứ phương tiện, ngay cả xe kéo với xe máy cầy.

Đi tới Kon-Tum, Đức Cha đề nghị tôi tìm đến với các dân tộc không phải là Bahnar với Sê-Đăng, vậy là phải đi tới mãi tận Ngọc Hồi xa lắc xa lơ. Mới quen được ít tháng thì được biết có những anh em khác muốn khai mở sứ vụ tại đây, lại phải đi kiếm đất mới. Thế rồi, thật tình cờ, khi tôi mở khóa cầu nguyện dành riêng cho các anh chị em muốn được sai đi thì gặp một chàng trai, dáng người không mấy mạnh mẽ, nhưng bù lại là cặp mắt tinh anh.

Cuối tuần, tôi hỏi thăm vùng đất anh đang sống, một người Sê-đăng theo vợ về giữa núi rừng của người Hlăng, chưa có ai được nghe nói đến danh thánh Giêsu. Anh được sai trở về với người gần nhất là bà con dòng họ bên vợ, và ngôi làng tiếp theo cách nhà 13 cây số.

Khoảng cách không xa lắm, nhưng ngặt nỗi anh không có nổi cái xe đạp. Không có phương  tiện di chuyển xem ra bất lợi rồi, nhưng với một người được đặt trên đường lại thuận lợi hơn ai hết, vì sau hơn 3 giờ lội bộ, anh phải nghỉ mệt và nếu cần thì ngủ lại qua đêm, có nhiều thời gian gặp gỡ trò chuyện. Chứ nếu chạy xe máy ào tới rồi cũng dễ vội về, khác chi người đi thăm bẫy, giờ đâu để kết thân.

Sau ít tháng có dịp gặp lại anh, tôi xin anh đi tiếp một đoạn đường tính ra phải trên 50 cây số, và tôi ngạc nhiên khi thấy anh vui vẻ nhận lời, không chút do dự.

Thì ra trong khi bước đi giữa hữu hình và vô hình, đoạn đường có xa mấy cũng gần. Người bộ hành không đơn độc, vì luôn tin rằng có đấng Phục Sinh cùng đi, và anh vui sướng đếm bước chân mình bên người bạn đường; còn khi gặp  xe máy cùng chiều thì xin quá giang từng đoạn, gặp hai ba người là tới nơi thôi. Cứ thế, anh có thể đi xa hơn, kết thân với nhiều người, và chỉ sau sáu tháng. Anh đã có một nhóm bạn mới chia nhau đi trên những ngả đường khác nhau, bước đầu không biết làm gì thì làm quen, không biết nói gì thì hỏi chuyện làm ăn sinh sống, đây là bước để người được sai đi hòa nhập vào cảnh sống nơi mình đến.

Bước đi của những người bạn đường xem ra dễ dàng quá! Hôm nay là thế, nhưng mai ngày thì sao?

Thực ra, nhóm bạn đường còn được khích lệ nhờ cha xứ quan tâm đặc biệt.

Để có thể bước đi cùng nhau như những ngưới được sai đi, anh em đã tới gặp cha xứ vùng đó xin được  hướng dẫn và nâng đỡ. Cha xứ, vị mục tử nhân từ đã giang rộng đôi tay đón tiếp, và sẵn sàng đồng hành với anh em, mỗi tháng cha con dành ra một ngày để chia sẻ và cầu nguyện. Ngoài ra, cha còn khích lệ anh em tham gia chương trình đào tạo trở nên môn đệ, cứ 3 tháng một  tuần, tại những điểm hẹn nhất định. Ở đó, anh em cùng nhau lắng nghe lời Chúa và sống màu nhiệm Thánh Thể, cùng nhau “chia sẻ những bữa ăn  với lòng đơn sơ vui vẻ”. Cứ mỗi lần về học, các anh lại dẫn theo người mới từ những vùng đất vừa đặt chân tới. Nhờ đó, có thêm những người tiếp bước và nhưng người đứng ra qui tụ cộng đoàn: lời Thiên Chúa mỗi ngày lan rộng.

Các anh lên đường từ những năm tháng mái đầu còn xanh, nay thì mái đầu một số anh đã bạc trắng, gần hai mươi năm rồi còn gì. Anh trưởng nhóm, ngay những năm đầu tiên đã đứng ra qui tụ bà con trong làng, rồi lân la tới mấy làng chung quanh. Nay thì một ngôi nhà thờ cột gỗ được mọi người góp sức dựng lên ngay trên mảnh đất anh hiến dâng, diện tích 320 mét vuông mà vẫn không đủ sức chứa. Ngạc nhiên chưa! Từ một vùng đất hoang sơ nay đã là giáo họ, và đã có linh mục về coi sóc.

Một nhóm nữa đi rất xa, phải mất hơn một năm mới đem về được 2 người thuộc 2 làng. Đối với việc khai mở cánh đồng lúa mới thì chỉ cần nhiêu đó thôi, vì cứ mỗi vụ mùa Chúa lại ban cho gấp trăm, và 2 năm sau là cánh đồng tràn ngập lúa vàng.

Qua một giáo xứ ngay giữa thị trấn vùng quê, nhóm loan báo Tin Mừng vừa được thành lập cũng không biết phải bắt đầu từ đâu. Nếu vậy thì cứ chia nhau mỗi người vào thăm một xóm. Cha xứ chỉ đưa ra yêu cầu là xin mỗi người tìm cách mời một người về nhà thờ cho biết. Chính cha xứ và ban hành giáo sẽ lo phần đón tiếp.

Người được sai đi ở đây nhận lệnh với những bước đi đơn giản, chỉ cần nhẹ nhàng khéo léo chút thôi. Dĩ nhiên người được mời tới nhà thờ thì cũng được dẫn vào tham dự thánh lễ, được mời hòa chung lời cầu nguyện với dân thánh, sau đó ra dùng chung bữa sáng. Một buổi sáng nhẹ nhàng, từ lời kinh cho tới tô mì nóng đã dẫn đưa mọi người vào cuộc gặp gỡ thân tình, ấm áp, làm cho những người khách lạ cứ ngỡ như đang ở nhà mình. Chúa nhật tiếp theo, sau khi dùng chung bữa sáng, mọi người được mời ở lại nghe kể chuyện Thiên Chúa, từ việc Thiên Chúa mà tổ tiên chúng ta vẫn gọi là Ông Trời, cho tới Thiên Chúa của tổ tông loài người, tới Con Thiên Chúa làm người và ở cùng chúng ta….

Lớp giáo lý dự tòng đã được bắt đầu thế đó thôi. Các Chúa nhật tiếp theo, ban giáo lý sẽ phối hợp với ban loan báo Tin Mừng, cùng với cha xứ lên chương trình để bà con về học đều đặn, cho tới  thánh lễ đêm Phục Sinh, các dự tòng sẽ chung lời tuyên xưng đức tin, được lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo, mang dấu ấn con cái Thiên Chúa.

Hội Thánh cứ thế lan rộng… nhờ một sự kết hợp tài tình giữa cha xứ, ban hành giáo, giáo lý viên và nhóm những người bạn trên đường.

Một sự kết hiệp làm nên khuôn mặt của Hội Thánh hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ.

Đa-minh Trần Văn Tân, SJ.

 

Nguồn tin: https://dongten.net/
Tags :