Mục Vụ Trong Thế Giới Hôm Nay Dưới Ánh Sáng Của Công Đồng Vatican II

Fri,11/01/2019
Lượt xem: 3289

LH - Công đồng Vatican II đã khai mạc vào ngày 11-10-1962, nửa thế kỷ nhìn lại, chúng ta thấy vẫn vẹn nguyên tính thời sự của những vấn đề mà Công đồng đã đề cập: cần phải mở ra với thế giới, cùng chung chia những ưu tư với con người thời đại chứ không phải chỉ kết án và tuyệt giao với thế giới: Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của những người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô và không có gì là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (MV,1). Công đồng được triệu tập là nhằmcập nhật hóa Giáo Hội để quét sạch bụi bậm đã bám vào trong thời gian cả ngàn năm; và mở đường cho phong trào Đại kết, tái hợp nhất mọi Kitô hữu đã chia rẽ gần chục thế kỷ”. Trước 2449 nghị phụ, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã long trọng đọc diễn văn khai mạc và nêu lên định hướng cho Giáo Hội trong viễn cảnh thời đại mới: “Ngày nay, Giáo Hội Chúa ưa dùng thuốc từ bi hơn dùng gươm chống đỡ, ưa đáp ứng nhu cầu hiện đại bằng cách trình bày giáo lý sung mãn của mình hơn cách lên án các lạc thuyết”.

Khi được hỏi về việc cần phải có một Công đồng không, Đức Gioan XXIII trả lời rằng ngài muốn có một luồng gió mới thổi vào Giáo Hội, đưa vào đó một sức sống mới, sự lan tỏa mới. Ngài nhấn mạnh: “Chúng ta không có mặt ở đây để canh giữ một viện bảo tàng nhưng là để chăm nom một khu vườn tươi tốt tràn đầy sức sống”; “Giáo Hội không phải là một viện bảo tàng khảo cổ học, nhưng là dòng nước mát làm dịu cơn khát của thế hệ hôm nay, cũng như Giáo Hội đã từng làm như vậy cho những thế hệ đã qua”… Đức Gioan XXIII nhìn thấy Công đồng như một cơ hội để cập nhật (aggiornamento), để canh tân Giáo Hội, đó là một sự đổi mới mà mỗi thế hệ Kitô hữu cần phải thực hiện để trình bày sứ điệp và sứ vụ của Đức Giêsu trong nền văn hoá của thời đại riêng của mình.

Quá khứ: Một chặng đường với nhiều khúc quanh

Có một thời theo một thứ linh đạo nào đó, các giá trị nhân bản chân chính đã bị hạ thấp, các thực tại trần thế chân chính đã bị miệt thị. Cần phục giá cho chúng.[1]

Chúng ta có thể đi trên biển trần bằng cánh buồm tư tưởng của Thomas d’Aquin, nỗ lực suy tư thần học của Ngài nhằm trả lại cho trật tự thụ tạo quyền tồn tại của mình. Để làm Thiên Chúa được vinh danh hơn, không cần gì phải miệt thị thụ tạo, theo Thomas d’Aquin: “Lấy cắp đi một một điều gì ở nơi tình trạng hoàn hảo của biến cố tạo thành, tức là lấy cắp đi tính chất hoàn hảo của sức mạnh tạo thành”. Và Ngài đã đưa ra một châm ngôn làm nên tháp đài tư tưởng của cộng đồng Kitô hữu: “Ân sủng không loại trừ bản tính, nhưng làm cho bản tính được viên thành.”[2]

Chúng ta cũng có thể cùng với chuyên viên khảo cổ học Teilhard de Chardin đặt ưu tư cho nỗ lực “Giải hòa Giáo Hội với thế giới ngày nay”. Bởi đã bao nhiêu thế kỷ trôi qua, “Giáo Hội vẫn sống trong tư thế tự mình co cụm lại để luôn sẵn sàng đối đầu với thế giới”. Teilhard muốn Giáo Hội “hồi lại và đi nước cờ khác, lấy lại cho Giáo Hội chỗ đứng, hòa giải Giáo Hội với thế giới, vừa chống lại một thứ khoa học cái gì cũng muốn ôm đồm bao biện có cao vọng nắm trong tay chìa khóa mở vũ trụ, đồng thời lại phải chống lại một thứ Kitô Giáo với thái độ hãnh diện phô trương cứ ngồi ỳ trong những niềm xác tín bất di bất dịch của mình”. Teilhard muốn giải hòa với Thiên Chúa tất cả những cái gì tốt đẹp trong thế giới ngày nay: “những trực giác khoa học của nó, những thèm khát mang tính chất xã hội của nó, thái độ phê phán hợp pháp của nó.”[3]

Liệu nỗ lực dấn thân hòa giải Giáo Hội với thế giới của Teilhard có thực hiện được không? Với ông, điều đó là được, vì vết rạn hiện nay chẳng qua là thứ tai nạn rủi ro do lịch sử gây ra chứ hoàn toàn không có cơ sở trên bất kỳ một “đối kháng nghiêm trọng nào cả”. Thật vậy, làm sao người ta có thể hiểu được lại có một tình trạng mâu thuẫn giữa “kế hoạch của trời và những tham vọng cao cả của đất”. Niềm xác tín thứ hai của ông cũng không kém phần mạnh mẽ: Chỉ có Kitô Giáo mới có câu đáp trả cho niềm mong đợi của thế giới. Vì thế Giáo Hội ngày nay, hơn bao giờ hết, cần phải có trách nhiệm giới thiệu với nhân loại một Đức Kitô nhập thể có tầm vóc vũ trụ để thức tỉnh họ khỏi cơn cám dỗ Marxisme là “muốn tự hoàn tất mình một cách tập thể dựa trên chính mình.”[4]

Trong niềm say mê thuộc về nhân loại, Teilhard muốn nỗ lực dấn thân hòa giải của ông phải được khởi đi từ nơi cung lòng vật chất, nơi mà Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể và giáng thế. “Nếu tất cả đều quy tụ về Đức Kitô, thì để đến được với Ngài không cần gì phải thoát ly khỏi thực tại đời sống. HÃY TRỌN VẸN LÀ NGƯỜI, NHƯ THẾ LÀ ĐỦ”. Teilhard du nhập vào một nền tu đức mới, dựa trên cơ sở “đạt tới trời bằng cách hoàn tất đất”, “thông hiệp với Thiên Chúa thông qua vũ trụ.”[5]

Thật vậy, Giáo Hội giờ đây phải sống với cơ chế mở cửa và các nhà thần học phải tự thân chinh tìm đối tác chứ không thể ở mãi trong những mạng lưới cơ chế với vành đai ghetto Công giáo bao quanh và nhốt mình trong tháp ngà kinh viện. Nghĩa là để trở thành trợ thủ đắc lực và đúng với tư cách hoa tiêu cho Giáo Hội trong thế nổi trôi của các lục địa thì nhà thần học và người kitô hữu nói chung phải chấp nhận đối thoại với những dòng tư tưởng phản kháng, nó sẽ thanh luyện, quét sạch và làm tan biến những thứ an toàn giả hiệu. Nhưng trên thực tế, công cuộc này đã và sẽ còn gặp nhiều khó khăn từ phía những Kitô hữu không chịu để “tra vấn”, để “bị quấy rầy” thật sự. Hiện giờ nơi chúng ta đang có hai thái cực tôn giáo đập mạnh vào nhãn quan người đời. Trước hết là thái cực của các Kitô hữu mà mới hôm qua đây, Kitô giáo của họ còn tươi tỉnh, sống động nhưng nay đã bại trận ê chề và tan tác chỉ vì giáp mặt với những dạng thức vô thần khác nhau, chẳng hạn như chủ nghĩa Marx, học thuyết phân tâm bị bình giải một cách lệch lạc, cơ cấu thuyết, hiện sinh thuyết… Kế đến là thái cực của nhóm Kitô hữu “bảo thủ hạng nặng”, đức tin của họ èo ọt trong mộng tưởng bởi đã bị ru ngủ. Họ cho rằng “điều quan trọng là làm chứng, mà tôi đã có di chứng của kinh nghiệm riêng: vậy là quá đủ rồi”. Họ ngại tranh luận, ngại trực diện đối thoại với những “ông thầy đa nghi”, và theo họ làm chứng trong tâm thái thinh lặng vẫn còn là thời trang được ưa chuộng, vì thế họ đang ngợi ca chứng “cấm khẩu”.[6]

Chúng ta hãy cùng với L.Leahy sẵn sàng chấp nhận sự quấy rầy của ông thầy đa nghi Sigmund Freud, cùng với L.Leahy sẵn sàng đón nhận những thao thức, những trăn trở từ một Đức Tin không thoải mái: “… Nhưng sau khi đã suy tư về tất cả các vấn đề mà người ta đã gợi ra cho tôi bàn ở đây, tôi vẫn không được thỏa mãn: phản kháng vẫn còn đó, đối chất luôn tồn tại. Tư thế này đâu có được thoải mái? Đúng vậy, mọi tương giao với người khác và nhất là với ĐẤNG KHÁC có bao giờ đem lại được sự thoải mái đâu? Hy vọng thì có, tiến bộ trong tình yêu tinh tuyền và niềm vui căn bản cũng thấy có, nhưng thoải mái thì không thấy đâu cả vì tôi luôn luôn phải chiến đấu, cảnh tỉnh để khỏi bị sa lầy vào những hình thức ấu trĩ của tôn giáo. Tôn giáo và Đức Tin không bao giờ ‘tinh ròng’ trong tôi. Chúng là một con đường dốc đi lên, và sự thanh luyện được thể hiện trong chính động tác đi lên đó. Nhưng bao lâu còn là kẻ ‘lữ hành’, tôi không thể cho mình là đã tới đích. Và mỗi chặng đường, tôi không lấy làm lạ khi xét thấy trong cách sống Đức Tin của mình thường có đôi chút điều Freud đã tố cáo, thỉnh thoảng lại có nhiều nữa là khác. Chính vì vậy, ta không thể dừng lại. Ta phải vượt qua điều giải thích về tôn giáo bằng chính việc leo xa hơn lên, lên cao hơn nữa. Chỉ khi nào tôi sống trọn vẹn Tin Mừng thì Freud mới thôi quấy rầy tôi. Nếu không, Freud chẳng để yên tôi đâu! Mọi lời giải đáp tốt đẹp có thể có trong các cuộc tranh luận đều chẳng ăn thua gì cả, nếu qua đời sống cụ thể, người Kitô hữu không chứng tỏ cho người khác thấy mình đã vượt qua ‘cái tâm bệnh có tính cách ám ảnh toàn diện’ và không chứng tỏ được rằng Đức Tin của mình không thể giản lược vào cái thứ tâm bệnh đó.”[7]

Chúng ta đã thấy L.Leahy bị tấn công liên tục. Freud khai mào trận chiến bằng một định đề tẩy chay tôn giáo: “Tôn giáo là một tâm bệnh có tính cách ám ảnh toàn diện”. Riêng với Kitô giáo, tâm chứng phản loạn ấy khơi dậy từ một phản ứng lưỡng diện của người cha - vật tổ: vừa là đối tượng của khâm phục, vừa là đối tượng của tị hiềm. Đám con trai nổi loạn giết cha mình để giành dật tình nhân là mẹ, nhưng vì người cha không chỉ là đối tượng của ghen tương mà còn là thần tượng của chúng, nên chúng đã ăn thịt cha, để cũng được mạnh mẽ như cha. Tội các đè nặng trên lương tâm chúng, vì thế chúng tự tạo ra vật tổ là biểu tượng của người cha, để trút vào đó uẩn tình của chúng. Lễ tế và bữa ăn trong lễ tế đã trở thành kỷ niệm của tội ác nguyên thủy, song kỷ niệm này đã được trừ khử khỏi mọi tà ý và được khoác lên đó trang phục lộng lẫy diêm dúa của thần linh – mình và máu Cha là của nuôi linh hồn con.[8]

Trong công cuộc phục hồi bộ mặt trần thế chân chính mà đã một thời bị miệt thị, thiết tưởng không nên bỏ qua diện mạo của những con ngựa hoang tư tưởng này. Trong một chừng mực nào đó, Freud đã làm ta bừng giấc sau chặng thời gian cô miên giằng giặc, sau thời kỳ ta tự tung tự tác với bộ xiêm y lộng lẫy trên sân khấu trần gian, thâu tóm hết mọi bình diện, kinh tế, chính trị, văn hóa… “Lớp áo văn hóa” sặc sỡ ấy đã bị cởi bỏ để người ta nhận diện một cách thật hơn phong thái lượn là đỏng đảnh của ta. Nhưng khi trực diện với bộ mặt thật được giấu kín nơi tầng sâu “phi ngã” của bản năng, ta sợ phải tận mắt ngắm nhìn những cơ phận của ta bị phơi bày trên bàn mổ phân tâm. Vì thế, ta đã kịch liệt lên án nó, mạ lị nó, xổ toẹt vào nó như là đầu mối của tội lỗi, nhưng thực tế nó lại bám riết vào ta và trở thành năng lực nguyên khởi cho mọi động thái. Thái độ khinh khi, miệt thị ấy phải gọi đúng tên nó, đó là thái độ của những người đang rạo rực, héo hắt quá, muốn nhìn nhưng lại “sợ trời đánh” khi mình ăn vụng, ăn chùng, nhìn trộm. Thái độ ấy, một cách vô tình hay cố ý, đã biến những tạo phẩm tuyệt tác của Thượng đế chí công trở thành ác quỷ. Và cứ thế có một kiểu linh đạo rong ruổi trên lộ trình luôn bị tắc nghẽn, bị vây hãm, bị tấn công từ mọi phía. Để đến lúc trong thế bại trận, “người mình” lại đi ca tụng nó hết lời nhằm để biện minh cho một chút lầm lỡ bước vào “vườn hoa tình ái” mà ngỡ là đang bước vào vườn địa đàng yêu dấu thuở ban đầu. Hăm hở trong cao trào rẻ rúng nó, rồi lại say sưa tán tụng trong chiều hướng phục hồi nó là thái độ nước đôi, lập lờ mờ ảo của những đời sống đức tin không trưởng thành. Phải nói rằng, chúng ta đang sống trong ảo tưởng về một đức tin "tinh ròng". Một đức tin vượt thoát khỏi bầu khí ô nhiễm bụi bẩn là là bay nơi mặt đất, chốn phố phường phồn hoa đô hội xô bồ huyên náo. Thử hỏi, khi ta cố gắng cách ly khỏi những thực tại trần thế ấy liệu ta có còn xứng đáng làm môn đệ của Đức Kitô mang Tin Mừng đến cho muôn dân nữa không? Câu hỏi ấy muôn đời vẫn chỉ là những vấn nạn lơ lửng bay nơi bầu trời của những Kitô hữu "siêu quần bạt chúng", nơi những bậc trí thức "trùm chăn" hay nơi những tín đồ "ngậm tăm" xấu hổ vì thua cuộc, ngại dấn thân, thích an phận.

Cũng đã một thời chúng ta tuyển dụng "quân nhân" gia nhập vào đội quân thập tự để xuống đường làm cuộc “thập tự chinh” chống chủ nghĩa cộng sản, đánh hơi truy lùng tìm cho ra dấu vết của hậu duệ Marx, nhưng lại không nhận ra "vị đại ân nhân"[9] ấy đã cùng với Thầy Chí Thánh lột trần mặt nạ những hình thái bất công đang phẫn nộ mà lẽ ra chính ta đã phải tố cáo trước cả Marx. Phải nhìn nhận rằng: "Nhiều Kitô hữu thế kỷ XIX đã không ý thức đầy đủ về các biến đổi kinh tế trước mắt họ, chưa ý thức vai trò trần thế mà đức công bằng và lòng bác ái đòi buộc họ phải thực hiện. Phải chăng người Kitô hữu lại không có bổn phận đi tiên phong trong việc tranh đấu cho giới bần cùng và cho công cuộc thăng tiến xã hội của giới này sao? Tháng 10 năm 1846, Marx soạn thảo bài mở đầu về những quy chế của liên hiệp thợ thuyền quốc tế tiên khởi, thế mà mãi 50 năm sau mới có một Đức Giáo Hoàng công bố thông điệp đầu tiên về xã hội…."[10] Công bằng mà xét thì ta phải đón nhận nơi chủ thuyết Marx lời nhắc nhở về một vài chân lý, đó là con người phải ý thức về vai trò chủ động của họ trong công trình biến cải vũ trụ cũng như về bản chất cộng đoàn mà con người được mời gọi tham dự. Marx đã có lý khi lên án một lý tưởng Kitô giáo hoàn toàn theo cá nhân chủ nghĩa: Cứu linh hồn mình mà quên hạnh phúc trần gian và cứu rỗi tha nhân. Cùng với Maritain chúng ta hãy thừa nhận: "Nỗi bất hạnh của thế kỷ XIX không phải là vì đã có Marx mà là vì không có kitô hữu marx". Vì không có kitô hữu marx nên nhiều kitô hữu cuối cùng đã phải đến với Marx vô thần và chấp nhận không chút băn khoăn những phân tích và những chiến thuật marxisme.[11] Từ những năm của thập kỷ 60 thế kỷ XX, nền thần học giải phóng ra đời ở châu Mỹ La tinh là con đẻ của hình thái ý thức hệ Marxisme. Nền thần học này đã và đang nói lên tiếng nói của người dân bị bóc lột, bị coi khinh và của một nền văn hóa đã bị gạt ra bên lề. Điểm đến của cuộc "giải phóng" là đem lại cho con người và những dân tộc bán khai một chỗ đứng trong cộng đồng nhân loại, cùng với thế giới này chia sẻ những ưu tư, những mất mát hay những thành quả gặt hái được của nền khoa học phát triển như vũ bão, nhưng lộ trình và bước đi của nó lại mang dáng dấp Marxisme. Xã hội và những dạng thức bất công của nó được nhìn qua lăng kính của Duy vật biện chứng và Duy vật sử quan. Con người có thể tự hoàn thiện mình, loại bỏ được vong thân, tha hóa trong cần lao và trong xã hội nhờ vào việc xuống đường làm cách mạng, hạ bệ ngai tòa của giai cấp thống trị, trả lại cho giới thợ thuyền quyền lợi tương xứng với sức lao động mà họ đã bỏ ra.

Trên lĩnh vực tôn giáo, người ta khám phá ra một vài phê bình chỉ trích của người Marxiste về tôn giáo không phải là không có cơ sở. Những lời phê bình chỉ trích này nhắm tới những chức năng xã hội mà tôn giáo vẫn hành xử và tố cáo một thứ Kitô giáo đã phản bội lại sứ mạng của mình. Đó là: Tôn giáo vẫn thường có khuynh hướng biện minh cho trật tự hiện tồn, cho những giá trị đang ngự trị, cho quyền lực hiện hành, cho những bất bình đẳng trong xã hội được pháp luật chế định hóa,… Tôn giáo, như vậy, tự để lộ mình ra như là một lực lượng trì cố bảo thủ chứ không là phản kháng lên tiếng đòi công lý…[12] Thậm chí có những chức sắc tôn giáo lại thỏa hiệp nhượng bộ với chính quyền, giữ thái độ thinh lặng trước tội ác, trước mọi bất công và đau khổ của đồng loại để tìm sự an thân trong cương vị của mình. Đã có một lối biện minh cho sự thinh lặng do hèn nhát bằng sự thinh lặng của Chúa Giêsu trong suốt cuộc tử nạn của Ngài. Cũng đã có một kiểu trưng dẫn rất khiên cưỡng gượng gạo bản văn của thánh Phaolô từ chương 12 câu 7 đến chương 13 câu 7 Thư gửi giáo đoàn Rôma, hay trong thư thứ nhất chương 2 câu 13 của thánh Phêrô và trong thư thứ nhất chương 2 từ câu 1 đến câu 3 của thánh Phaolô gửi Timôthê, để biện minh cho đường lối chính trị chà đạp phẩm giá và các quyền tự do căn bản của con người.[13]

Giáo Hội vẫn hằng răn dạy con cái mình trung thực thừa nhận sự hiện hữu của chính quyền dân sự khi nó chu toàn các dấn thân và bổn phận đặc thù của quyền bính công cộng, đó là điều hành công lý và tổ chức cuộc sống dân sự vì thiện ích chung của mọi người. Còn khi nó biến thành các cơ cấu độc tài, gian tham, hối lộ, thối nát, ức hiếp, chèn ép người dân và chà đạp các quyền con người để chỉ biết củng cố và bảo vệ quyền lợi của thiểu số lãnh đạo hay của một phe nhóm, đảng phái thì nó không còn chính đáng và không có lý do hiện hữu.[14] Khi đó, quyền tự do lương tâm và trách nhiệm bổn phận được mời gọi nhằm giải phóng con người khỏi "các cơ chế áp bức xuất phát từ những lạm dụng về sở hữu hoặc quyền bính, từ sự bóc lột cần lao hoặc bất công trong vấn đề giao thương"[15] đòi buộc tôn giáo lên tiếng. Giáo Hội đã phải ít nhiều nếm vị đắng của bài học lịch sử. Bài học lịch sử có tác dụng gì khi Giáo Hội lập kế đồ cho hành trình đi tới? Hay vẫn tiếp tục làm ngơ và im lặng trước bất công và đau khổ của đồng loại để rồi sau đó đọc bài diễn văn xin lỗi, phủi tay rủ bụi quá khứ là an vị thôi sao? Hay lúc đó chỉ ngồi nhìn người khác thực hiện cái sứ mệnh mà mình đã chủ trương nhưng nay đã nằm yên trong ngăn kéo và bị lịch sử chôn vùi trong mồ tự điển. Marx cũng kết án gắt gao thứ chức năng đền bù mang tính thuốc phiện, hoàn toàn hư ảo trong tôn giáo: "Tôn giáo lầm khi dạy rằng có một thế giới bên kia thế giới, trường sinh bất tử, chí thiện chí mỹ sẽ xoa dịu mọi khổ đau, thỏa mãn mọi khát vọng. Cái lầm ấy tai hại: tin vào thế giới bên kia tuy có an ủi nỗi khổ đau nhưng lại giúp cho đau khổ và bất công tồn tại. Thế giới bên kia khác gì những bông hồng cài phủ những xiềng xích trói buộc con người. Bứt bỏ những bông hồng đó đi để con người nhận ra xiềng xích và phá tan xiềng xích, vứt bỏ thuốc phiện tôn giáo để con người nhận ra rằng không có thế giới nào khác và thay vì chờ đợi một thế giới khác, phải đấu tranh cho thế giới này đổi khác."[16]  Chúng ta không cùng với Marx và hậu duệ của ông mạo hiểm dấn sâu vào ảo tưởng để lại tiếp tục cái vòng luẩn quẩn của thứ học thuyết không tưởng đó. Nhưng chúng ta phải bình thản để nhận ra con người hôm nay đang cần gì, họ đang khát khao một sự giải thoát đích thực nơi Giáo Hội, họ cần Giáo Hội hiện hữu như con thuyền cứu vớt giữa biển đời đầy giông bão. Để con người ngày nay tìm đến với Chúa mà không bị "lộn địa chỉ, nhầm nhãn hiệu"[17], để họ không bị cám dỗ, bị đánh lừa bởi căn nhà ma quái được dựng lên do tấm gương không khí trong sa mạc nắng và gió, thì Giáo Hội cũng phải dấn bước đồng hành với họ.

Cũng cần nói thêm, Marx kết án tôn giáo, nhưng chính học thuyết Marx khi vận dụng vào trong việc kiến tạo xã hội cũng chỉ là ảo tưởng, theo đuổi một mô hình xã hội viễn mơ. Trong hành trình xa xăm mịt mù lam chướng ấy, Marx đã "xoá bỏ con người hiện tại bằng cách hạ con người hiện tại xuống vị trí của một phương tiện, một dụng cụ xây dựng con người tương lai. Rồi cứ thế, lần hồi con người tương lai cũng bị xóa bỏ cho một cứu cánh hoàn toàn viễn vông".[18] Trên bình diện chính trị và xã hội, học thuyết Marx cũng là nỗ lực biện minh cho tình trạng bất công tồn tại: "Hứa hẹn ngày mai tươi sáng là cái bánh vẽ giúp con người của ngày hôm nay nhẫn nhục nhịn đói".[19]

Hiến chế Công đồng về Giáo Hội trong thế giới ngày nay đã thành thật nhìn nhận: "Việc khai sinh ra chủ nghĩa vô thần là do các tín hữu sao nhãng trong việc giáo dục đức tin, trong việc trình bày sai lạc về giáo lý hoặc do những thiếu sót trong đời sống tôn giáo, luân lý và xã hội".[20] Có một cách trình bày giáo lý khiến người ta có cảm tưởng Thiên Chúa như một tên cảnh sát công lộ hay như vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa đằng đằng sát khí sẵn sàng thổi còi, sẵn sàng tuyên án mà không cần màng đến nỗi đau lòng của người khác. Một Thiên Chúa xa lạ, không liên quan gì đến cuộc sống lao nhọc vất vả khổ lụy của con người. Một Thiên Chúa như vậy hiện hữu hay không hiện hữu, cũng chẳng can hệ gì đến cuộc sống của con người trăm năm trong cõi, với muôn muôn thử thách, ngàn vạn cạm bẫy, đầy dẫy những bất công và đau khổ. Khởi đầu với trào lưu văn nghệ phục hưng vào thế kỷ XVII tại Tây phương, căn cội độc nhất khai sinh ra trào lưu vô thần hiện đại. Từ những Didrot, Voltaire, Rousseau… thích đấm đá với thần quyền để đòi sự tự trị về tri thức và luân lý. Con người là chủ tể của chính nó, con người làm ra luật luân lý cho chính mình. Con người là tự do tuyệt đối. Thiên Chúa là chuyện phù phiếm thừa thải, và hơn thế, còn là cản ngại cho tự do tuyệt đối và thành toàn của con người. Năm 1844, Marx đã đưa ra phán quyết chung cục như sau: Con người là hữu thể tối hậu của con người.[21] Đây là giai đoạn lịch sử Giáo Hội bước vào bóng đêm, đúng hơn là bị quên lãng trong dòng chảy ồ ạt của đoàn người khao khát tự khẳng định mình và vứt bỏ gông cùm của một nền luân lý và tín lý "ăn trên người trước". Thật thế, thời bấy giờ Thiên Chúa mà Kitô giáo trình bày thường là một vị Thiên Chúa chủ tể tối cao, và trong quan hệ với Ngài con người chỉ là một tên nô lệ phải tùng phục tuyệt đối. Gương mặt đích thực của Thiên Chúa như được Chúa Giêsu bày tỏ trong Tin Mừng là gương mặt của một người Cha yêu thương hoàn toàn bị lãng quên. Nền luân lý của Kitô giáo cũng thường được quan niệm và trình bày như một hệ thống chi chít gồm những điều phải làm và phải tránh do một ai đó áp đặt từ bên ngoài nhằm giảm bớt tự do của con người. Sống đạo như thế sẽ chỉ còn là những bó buộc làm cho cuộc sống con người ngày thêm cằn cỗi và sầu thảm mà thôi. Bộ mặt của những con người được cứu rỗi đã không thể chiếu tỏa được niềm vui đích thực mà Chúa Giêsu đã loan báo. Điều đó khiến người ta có cảm tưởng rằng Kitô giáo khinh rẻ con người và những giá trị tự nhiên của con người cũng như của trần thế.[22] “Có thể nói họ đang che dấu thay vì bày tỏ một bộ mặt đích thực của Thiên Chúa và tôn giáo”.[23] Ngày nay, di chứng về căn bệnh trầm kha ấy vẫn còn lác đác sót lại trong Giáo Hội và có nguy cơ làm cho thân mình mầu nhiệm của Giáo Hội bị chứng liệt kháng. Lời Chúa được rao giảng cho con người, nhưng thay vì "hạ cánh gặp con người" thì lại lượn trên mây. Giảng Lời Chúa mà "như bắn chỉ thiên, chẳng trúng ai vì chẳng nhằm ai".[24] Người ta chẳng thể hiểu được cứu cánh của Lời là gì? Một đằng ta quảng bá rầm rộ: Lời của sự sống, của sự thật, của đường đi và đích đến, đằng khác lại bị hối thúc dồn ép và hăm dọa từ một Thiên Chúa như một vị hôn quân. Một người ngoại đạo có học thức, người ta không thể không liên tưởng đến chính sách ngoại giao "cây gậy và củ cà rốt" của nước lớn bá quyền trên chính trường quốc tế. Trong viễn tượng đó thì câu nói: "Giáo Hội muốn tồn tại, trước hết cần biết làm thỏa mãn những nhu cầu thế tục của con người" (Thư ngỏ của một giáo dân), thật không quá lời.

Nhu cầu thế tục ở đây không có nghĩa là tập trung phát triển kinh tế hay phát triển khoa hoc kỹ thuật như Tư bản rừng rú đã làm và chủ nghĩa Marx đã thừa kế để thực hiện giấc mộng biến trần gian thành thiên đường. Nhưng hơn bao giờ hết, Giáo Hội cần phải biết thao thức nỗi thao thức của con người thời đại. Con người ngày nay, ít phải bận tâm với những tiên cảm bi đát về một nền kinh tế sa sút đói kém, nhưng lại day dứt trăn trở nhiều với những vết nứt rạn về tinh thần, những lỗ hổng đạo đức, những loay hoay vì một cuộc hành trình mất hướng, loạn chuẩn, đi đâu không biết đi đâu; đi đi, đi mãi nơi vô định. Ăn no, mặc đẹp, có đủ tiện nghi sử dụng hàng ngày, nhưng con người vẫn thấy tận trong sâu thẳm lòng mình một khoảng trống quá lớn, và hình như càng đầy đủ về những nhu cầu vật chất, con người càng rơi vào khủng hoảng tinh thần. Đây là vấn đề “biết rồi khổ lắm nói mãi”, nhưng không phải là đề tài xưa như trái đất. Ai chẳng biết tôn chỉ mục đích trong những đường hướng mục vụ của Giáo Hội vẫn là nhắm đến giải phóng con người trên bình diện tinh thần. Nhưng thiết nghĩ, nhắc lại điều này như một định đề đạo đức luân lý cũng không là chuyện thừa. Nhưng nhắc đến nó là muốn nói đến vấn đề hành xử như thế nào cho đúng với tâm nguyện của con người mà thôi. Thiển nghĩ, cần phải đoạn tuyệt với cái nhìn nhị nguyên về con người. Trong nền tảng tín lý thì Giáo Hội không đồng lõa với trường phái triết học này, nhưng trong cách hành xử, với một thứ linh đạo miệt thị “phần con” nơi con người, ít nhiều vẫn tồn tại. Cái nhìn nhị nguyên là cái nhìn phân định tách bạch về cấu trúc tổng thể nơi con người. Theo đó, thể xác và những thuộc tính của thể xác là những thế lực đối kháng với linh hồn. Liệu đây có phải là những xung đột bất dung hòa hay không? Ta không bàn đến sự zích zắc này trên bình diện triết học. Nhưng trên bình diện đạo đức và trong viễn ảnh của ơn cứu chuộc thì khoảng cách đối lập này đã được khỏa lấp san bằng từ ánh nhìn yêu thương nơi cung lòng của Đức Giêsu Kitô.

Hiện tại và tương lai: Một tiếng nói giữa những ồn ào và một cách thế hiện diện giữa bao thách đố của thế cuộc

Con người ngày nay sống trong một nền văn hóa luôn cổ vũ và khuyến khích sự thụ hưởng bằng những phương thế đáp ứng thỏa mãn nhu cầu vật chất. Đồng tiền trở nên tiêu chí thẩm định và đánh giá nhân phẩm của một con người, mãnh lực của nó cũng trở nên phi thường khi người ta biến nó thành mục đích và cứu cánh cho cuộc đời mình, khi nó tham gia can thiệp vào đời sống chính trị, tôn giáo. Chúng ta đang sống dưới chế độ gay gắt của kim tiền. Lương tâm, nhân phẩm bị dày xéo một cách tai ác. Chỉ có tiền! Tiền đưa lại cho ta danh giá, địa vị, đức tính, tiền mua chuộc được lòng người, làm mù quáng được công lý và chân lý. Trong vòng quay cuồng mê bấn loạn của lòng người và thói đời, của cơ chế kinh tế, của thể chế chính trị, của những chằng chịt như mạng nhện bao quan niệm sống, của vụ nổ big bang về thông tin, con người hết tự chủ, và hơn bao giờ, con người bị vong thân trong tận căn tính của nó. Con người quá mệt mỏi trên hành trình tìm về miền đất hứa, tìm lại vẻ đẹp nguyên sơ và lời hứa yêu thương ngọt ngào trong “thuở ban đầu lưu luyến ấy”. Vì thế, trong hành trình dang dở này, có nhiều người đang tìm những lối rẽ khác, “tạm lánh hè gay” dưới “bóng mát” của nhục dục, của danh vọng và tiền tài. Trong cảnh tượng đen tối này, đã có lúc Giáo Hội lánh vào chốn an thân để phòng thủ, hoặc trực diện đối đầu bằng cách mạ lỵ nó mà không có can đảm xâm nhập vào  thế cuộc để thực hiện sứ mệnh cao cả của mình.

Bởi vậy, để tham gia cứu đời, cứu linh hồn người, Giáo Hội phải thực sự vào cuộc, cùng ăn cùng ngủ, cùng thức khuya dậy sớm, cùng một nắng hai sương, cùng ngược xuôi bôn tẩu, cùng sống với những trăn trở thao thức của con người hôm nay, thì Giáo Hội mới hiểu được nỗi lòng của họ, mới quảng đại đón nhận tất cả trong vòng tay bao dung độ lượng của mình, đúng như trọng trách mà vị Hôn phu - Đức Giêsu - giao phó. Nhưng trước hết và trên hết vẫn phải dùng tình yêu thương mà cảm hóa họ, phải có tấm lòng bao dung độ lượng mà đón nhận họ trở về sau lần lầm lỡ. Trong một thế giới mà sự giả dối lọc lừa, thủ đoạn và mánh khóe được xem là đức tính của người hùng; sự hy sinh khiêm hạ, kiên nhẫn, bác ái… được xem là những nhân đức của kẻ hèn nhát và yếu đuối, thì Giáo Hội luôn bị kết án là lỗi thời, lạc hậu, cổ hủ, phản tiến bộ là điều dễ hiểu thôi! Nhưng Giáo Hội vẫn đầy tín thác nơi Đức Kitô, vì Người đã nói: “Chúng con đừng sợ, hỡi đoàn chiên bé nhỏ, vì Chúa Cha đã vui lòng ban Nước Trời cho các con” (Lc 12, 32). Vì thế, Giáo Hội vẫn đứng vững trước sự tấn công ồ ạt từ phía thế gian, và vẫn sẵn sàng trong tư thế ẵm nhận thế gian tội lỗi trong vòng tay của mình. Thật vậy, khi thật sự xác tín và tín thác vào Đức Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một, thì Giáo Hội không bao giờ bị rơi vào mặc cảm mình là một cỗ máy cũ kỹ lỗi thời hay một tổ chức bị rớt lại phía sau trong cuộc chạy đua của thời đại để cứ phải loay hoay tìm cách sơn phết lại lớp vỏ, tỉa tót lại bộ cánh của mình cho hợp với tầm nhìn hiện đại mà vô tình đánh mất căn tính của mình lúc nào không hay, vì như thế Giáo Hội đang bị điều kiện hóa, bị thực tại xách động, lèo lái và luôn phải đổi màu để thích nghi như một loại tắc kè.

Để Thiên Chúa phục sinh thật sau “bản án tử hình” của Nietzsche, sau “phát súng kết án tử” của Voltaire, thì Giáo Hội phải xuống đường làm một cuộc “Thập tự chinh”, nhưng không phải để chiếm Thánh địa mà để dành lấy tâm địa. Lẽ dĩ nhiên đội quân Thập tự không là những khuôn mặt của những cuộc xuống đường của ngàn năm trước, một thời làm nẫu nát nhân loại vì nhân danh Chúa mà loại trừ tha nhân, nhưng phải là đội quân xung trận trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mang dung mạo của Thầy Giêsu chí ái. Đó là điểm khởi đầu và cốt yếu cho một cách lối sống tương quan mật thiết với các thực tại trần thế hôm nay.

Ngày nay, dưới ánh sáng của Công đồng Vatican II, Giáo Hội mạnh mẽ quả quyết về cách thế hiện diện và vai trò của mình giữa các thực tại trần thế: “Hoạt động của Giáo Hội không những không hủy mất mầm mống thiện hảo trong tâm hồn và tư tưởng của con người, hoặc trong nghi lễ và văn hóa riêng của các dân tộc, nhưng lại chữa trị, nâng cao và hoàn thiện hóa những điều ấy để làm vinh danh Thiên Chúa, đánh bại ma quỷ và mưu cầu hạnh phúc cho con người”.[25] Và trong khi kiến tạo Vương quốc Đức Kitô, Giáo Hội “không hề lấy mất đi gia sản trần thế của bất cứ dân tộc nào, trái lại, Giáo Hội cổ vũ và đảm nhận để tinh luyện, củng cố và thăng hoa tất cả những gì là thiện hảo nơi các nguồn năng lực, các di sản phong phú và nếp sống của các dân tộc”.[26] Để có thể thực thi một cách trọn hảo sứ mệnh này, Giáo Hội đã khôn ngoan lựa chọn một lối đi, dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, giữa những tương tác của các thực tại trần thế. Giáo Hội chỉ yêu cầu các nhà cầm quyền của các quốc gia cho Giáo Hội được “tự do tin và rao giảng niềm tin của mình, tự do yêu mến Thiên Chúa và phụng sự Ngài, tự do sống và mang đến cho mọi người sứ điệp về sự sống”.[27] Giáo Hội cũng kêu gọi các nhà cầm quyền “đừng kiêng sợ Giáo Hội” vì khi sống theo gương Đức Giêsu mọi “hoạt động mầu nhiệm của Giáo Hội không giẫm chân lên những đặc quyền” của quý các cấp chính quyền “nhưng để cứu nhân loại khỏi sự tàn tạ oan nghiệt, biến đổi nó, đổ đầy niềm hy vọng, chân lý và vẻ đẹp”[28],“cả hai đều cùng phục vụ cho ơn gọi cá nhân và xã hội của con người. Việc phục vụ đó sẽ hữu ích hơn cho thiện ích của nhân loại, nếu cả hai duy trì được sự cộng tác tốt đẹp với nhau. Thật vậy, con người không chỉ thuộc về thế giới chóng qua này, trái lại, tuy sống trong lịch sử nhân loại con người vẫn luôn hướng đến ơn gọi vĩnh cửu của mình”.[29]

Ngày nay, sau 50 năm, đọc lại di sản tinh thần của Đức chân Phước Gioan XXIII, chúng ta vẫn thấy chính tư tưởng của ngài đang dẫn đường chỉ lối cho Giáo Hội vững bước trên một hành trình mới, hành trình mà trong đó nhân loại tiếp tục khẳng định ‘quyền tối thượng của dân chủ’: “Hôm nay hơn bao giờ hết và chắc chắn hơn những thế kỷ vừa qua, chúng ta được mời gọi để phục vụ con người xét như là con người, chứ không phải chỉ phục vụ người Công giáo mà thôi, trong tương quan với nhân quyền chứ không phải chỉ vì quyền lợi của Giáo hội Công giáo. Hoàn cảnh hiện tại, những đòi hỏi của năm mươi năm sau cùng này, việc đào sâu đạo lý đã dẫn đưa chúng ta đến những thực tại mới (...). Không phải Tin Mừng đã thay đổi; đúng hơn chính chúng ta bắt đầu hiểu Tin Mừng hơn. Ai đã sống lâu (...) và đã có thể đối chiếu những nền văn hoá và truyền thống khác biệt, biết rằng đã đến lúc cần nhận ra “những dấu chỉ thời đại”, để nắm lấy cơ hội và để nhìn xa hơn”.[30] Thật vậy, tương lai của Giáo Hội sẽ phụ thuộc vào việc “biết cách đối thoại và cởi mở, tự đăng ký vào cuộc thảo luận của loài người, cùng đi với loài người trong cuộc phiêu lưu chung”.[31] Vì thế cũng không nên vội vàng “căn cứ vào một số chuẩn mực để tuyên bố rằng nền văn minh hiện đại đang khủng hoảng. Nhưng trước hết phải nhận thức rằng văn hóa đang chuyển biến – sự trôi nổi của các lục địa”[32], lúc đó “chúng ta phải tập đi trên biển” và qua đó để thấy được “dù thế giới này có thế nào đi nữa thì Tin Mừng vẫn mời gọi chúng ta ‘yêu thương thế giới như thế giới hiện hữu’, có thế nào ta yêu thế nấy, cho dù có lệch lạc chăng nữa, bởi vì trong thế giới có những điều Thiên Chúa muốn mạc khải mà chúng ta phải ráng tìm cho ra”.[33]

Trên lục địa Á châu mênh mông này, một Á châu huyền bí, một Á châu là cái nôi của các truyền thống tâm linh và các tôn giáo lớn trên thế giới. Khi Tin Mừng được gieo trên mảnh đất này thì đó không phải là một vùng đất bỏ hoang, vì thế chúng ta không phải nói theo kiểu lấy được, mang não trạng đắc thắng của phương Tây trong thời buổi Kitô giới để “áp đặt” lên tâm thức con người Á châu những gì mình đã đúc khuôn sẵn, nhưng phải tìm một cách thế hiện diện phù hợp. Sứ điệp Hội nghị toàn thể lần thứ X của Liên Hội đồng Giám mục Á châu đã nêu lên các chiều kích cơ bản của nền linh đạo Tân Phúc âm hóa nhằm giúp Giáo Hội Á châu “đáp lại Thần khí đang hoạt động tích cực trong thế giới…, trong các dấu chỉ thời đại và trong tất cả những gì thực sự thuộc về con người” để Giáo Hội “trở nên những thừa sai mới” trên lục địa này. Thứ nhất, cần có cuộc gặp gỡ cá nhân với Đức Giêsu Kitô, đó là “cần phải có một đức Tin sống động, được xây dựng trên nền tảng cuộc gặp gỡ sâu xa, cá vị và có sức biến đổi, với con người sống động của Đức Giêsu Kitô, một cuộc gặp gỡ đem lại hiệu quả là bản thân được hoán cải và trở nên môn đệ của Chúa Giêsu trong lời nói và việc làm. Tóm lại, chúng ta loan báo Đấng mình đã thấy, đã nghe và chạm đến (x. 1 Ga 1, 1-3)”. Chiều kích này rất cần thiết, đến mức, Sứ điệp nhấn mạnh, “Thiếu điều này, không ai có thể chạm đến cái hồn của châu Á”. Tiếp đến trong mục 5, Sứ điệp nêu lên chiều kích Đối thoại, một phương cách sống và thi hành sứ vụ. Đối thoại, chứ không phải đối đầu, “là tiêu chí cho mọi hình thức thực thi sứ vụ và phục vụ tại châu Á. Đặc trưng của đối thoại là khiêm tốn nhận ra sự hiện diện kín đáo của Thiên Chúa trong cuộc tranh đấu của người nghèo, trong sự phong phú về văn hóa của nhân dân, trong sự đa dạng về truyền thống tôn giáo và trong thẳm sâu cõi lòng mỗi người”. Trên vùng đất Á châu, nơi in đậm dấu ấn của “nền văn hóa đề cao sự bỏ mình và quý trọng cầu nguyện”, liệu một kiểu hiện diện mang phong thái bá chủ nước lớn có còn thích hợp? Sứ điệp đề nghị một cách thế hiện diện khiêm hạ: “Trên cánh đồng truyền giáo bao la tại châu Á, chứng từ lặng lẽ nhưng hùng hồn của đời sống Kitô hữu đích thực đòi phải biết hiện diện trong khiêm hạ, biết sống đối thoại, trong đó bao gồm cuộc sống cầu nguyện và ‘chiêm niệm’. Đó là yêu cầu đặt ra cho các sứ giả mới của Tin Mừng, hoạt động giữa những nền văn hóa đề cao sự bỏ mình và quý trọng cầu nguyện. Sự hiện diện khiêm hạ phải được thể hiện bằng nếp sống giản dị và liên kết với người nghèo”.[34]

Giuse Trần Văn Học

Trích Tập san Đức Tin Và Văn Hóa - số 01


[1] Lm. Nguyễn Văn Tuyên, Ơn gọi và sự hiện diện của linh mục: Thừa tác cộng đồng trong thế giới ngày nay, Giáo phận Sài gòn 1994.

[2] Bruno Chenư-Marcel Neusch, Ở nơi xứ sở thần học (Au pays de la théologie), Nguyễn Thiên Cung chuyển ngữ, Niềm tin 1997.

[3] Bruno Chenư-Marcel Neusch, Ở nơi xứ sở thần học.

[4] Bruno Chenư-Marcel Neusch, Ở nơi xứ sở thần học.

[5] Bruno Chenư-Marcel Neusch, Ở nơi xứ sở thần học.

[6] Louis Leahy, Con người và vấn đề Thượng đế, Phân khoa thần học Giáo Hoàng học viện Piô X, Đà Lạt, Việt Nam.

[7] Louis Leahy, Con người và vấn đề Thượng đế.

[8] Louis Leahy, Con người và vấn đề Thượng đế.

[9] Nguyễn Khắc Dương, Đức tin và Lý trí.

“Sự hình dung Thiên Chúa và cách sống mối tương quan giữa Ngài với con người và vũ trụ, bao giờ cũng bị giới hạn và nếu không luôn luôn cảnh giác và thanh lọc, thì dễ bị biến thành những khái niệm trừu tượng, những ngẫu tượng lệch lạc, ô nhiễm bởi những hiện tượng tâm lý xã hội, mà Freud và Marx đã phân tích một cách rất sâu sắc. Thực ra, những nhà thần nhiệm học cũng đã biết và đã phân tích đến nơi đến chốn những hiện tượng đó trong các giai đoạn của cuộc đời thần hiệp dưới các khái niệm như đêm tối giác quan (nuit des sens) và đêm tối tâm linh (nuit de l’esprit). Và các ngài cho thấy những sự tinh luyện, thanh lọc ấy có được một phần nào là do cố gắng của tâm hồn, nhưng phần lớn chính là nhờ tác động của Ân sủng Thiên Chúa mời gọi lên đến đỉnh cao của thần hiệp.

Con người bao giờ cũng dính bén, bám víu vào những đối tượng không phải là Thiên Chúa, nên Thiên Chúa phải can thiệp để giúp con người “từ bỏ” tất cả những gì có thể tha hoá chính con người, làm con người vong thân trong những thần tượng do mình tạo nên theo con đường “thăng hoa” như Freud đã phát hiện ra diễn tiến, hoặc con đường tha hoá như Marx đã phân tích và nêu rõ (vì thế xét về mặt này, Freud và Marx là hai vị đại ân nhân đã giúp đức tin ý thức về chính mình để đề cao cảnh giác mọi thăng hoa tâm lý và mọi tha hoá xã hội, luôn luôn đe doạ làm mờ tối, lệch lạc, khô cứng, phiếm diện, hủ hoá nguồn mạch sự sống, ánh sáng của đức tin vẹn tuyền tinh tuý)”.

[10] Louis Leahy, Con người và vấn đề Thượng đế.

[11] Bruno Chenư-Marcel Neusch, Ở nơi xứ sở thần học.

[12] Bruno Chenư-Marcel Neusch, Ở nơi xứ sở thần học.

[13] Lm. Linh Tiến Khải, Mẫu điểm thần học: Sống ơn gọi Kitô trong các tương quan với các chính quyền dân sự, R.Véritas, chương trình phát thanh 8h30 - 8/4/2002.

[14] Lm. Linh Tiến Khải, Mẫu điểm thần học: Sống ơn gọi Kitô trong các tương quan với các chính quyền dân sự.

[15] Thông điệp phát triển các dân tộc (Populorum Progressio, Phaolô VI, 26/03/1967), số 21.

[16] Đỗ Mạnh Tri, Ngón tay và Mặt trăng, Tin nhà 1994.

[17] Lm. Nguyễn Văn Tuyên, Ơn gọi và sự hiện diện của linh mục: Thừa tác cộng đồng trong thế giới ngày nay.

[18] Đỗ Mạnh Tri, Ngón tay và Mặt trăng.

[19] Đỗ Mạnh Tri, Ngón tay và Mặt trăng.

[20] Hiến chế Gaudium et Spes, số 19, trong Công đồng Vatican II, NXB Tôn giáo 2012.

[21] Lm. Linh Tiến Khải, Mẫu điểm thần học: Sống ơn gọi Kitô trong các tương quan với các chính quyền dân sự.

[22] Lm. Linh Tiến Khải, Mẫu điểm thần học: Sống ơn gọi Kitô trong các tương quan với các chính quyền dân sự.

[23] Hiến chế Gaudium et Spes, 19, trong Công đồng Vatican II, NXB Tôn giáo 2012.

[24] Lm. Nguyễn Văn Tuyên, Ơn gọi và sự hiện diện của linh mục: Thừa tác cộng đồng trong thế giới ngày nay.

[25] Hiến chế Lumen Gentium, 17, trong Công đồng Vatican II, NXB Tôn giáo 2012.

[26] Hiến chế Lumen Gentium, 13.

[27] Sứ điệp của Công đồng Vatican II gửi toàn thể nhân loại nhân dịp bế mạc (8/12/1962), 13, Giáo hoàng học viện Pio X, Đà lạt 1972

[28] Sứ điệp của Công đồng Vatican II gửi toàn thể nhân loại nhân dịp bế mạc (8/12/1962), 13.

[29] Hiến chế Gaudium et Spes, 76.

[30] Bản văn ngày 24/5/1963, dẫn trong A. & G. Alberigo

[31] René Luneau, Những con đường không còn dẫn tới Roma

[32] René Luneau, Những con đường không còn dẫn tới Roma

[33] René Luneau, Những con đường không còn dẫn tới Roma

[34] Sứ điệp Hội nghị toàn thể lần thứ X của Liên Hội đồng giám mục Á châu: “Canh tân các sứ giả Tin Mừng để phục vụ công cuộc Tân Phúc âm hóa tại châu Á

Nguồn tin: