Thần Học Về Chúa Ba Ngôi Của Thánh Bonaventure: Vài Ứng Dụng Thực Tế

Sat,08/07/2023
Lượt xem: 753

 

Ewart Cousins cho rằng thần học của Bonaventure giống như nhà thờ chánh tòa gôtíc. Hai ngọn tháp Chúa Ba Ngôi và Chúa Kitô liên kết với nhau trong những cột nhà nhân loại và thụ tạo cao vút. Nếu lấy đi hai ngọn tháp này, nhân tính sẽ bị sụp đổ. Không có Chúa Ba Ngôi thì không có Chúa Kitô và ngược lại. Chúa Ba Ngôi cùng Chúa Kitô gìn giữ tòa nhà vũ trụ vĩ đại.

Thần học của Bonaventure bắt đầu với Chúa Ba Ngôi. Điều đó cho thấy công trình của ngài bám rể vào nền tảng thần thiêng vừa hiệp nhất lại vừa khác biệt. Đây là cộng đoàn ngôi vị với những cá thể độc nhất nhưng lại quan hệ sít sao và tương hợp với nhau một cách tuyệt đối đến nỗi cùng hà hơi trao ban sự sống.

Thuật ngữ Chúa Ba Ngôi quá nhiệm mầu đến nỗi trí tuệ nhân loại không thể hiểu nổi. Theo mặt chữ, từ ngày có nghĩa là “Ba-Một” (Tri-une), ba và một. Đó là ý tưởng và công thức về một Thiên Chúa có ba ngôi vị, Cha, Con, Thánh Thần trong một bản tính Thiên Chúa. Bonaventure không bao giờ khai triển nghiên cứu độc lập về một Thiên Chúa. Như thế, ngài không bao giờ xem Chúa Ba Ngôi là dữ kiện khả tri nhưng là giáo lý có hệ quả triệt để cho cuộc đời Kitô hữu.

Với Bonaventure, cuộc đời của Thiên Chúa, xét như là Ba-Một, không chỉ thuộc về Ngài. Thiên Chúa, Đấng ngự trong ánh sáng bất khả tiếp cận và vinh quang bất diệt đến với chúng ta trong khuôn mặt Chúa Kitô và hoạt động của Thần Khí. Vì Ngài đụng chạm đến thụ tạo, nên có thể nói rằng Ngài có tương quan, có hạnh phúc, có khả năng sinh nở, và mang tính sống động như tình yêu.

Cuộc sống thần linh chính là cuộc sống của chúng ta. Trung tâm cuộc đời Kitô hữu là việc kết hiệp với Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô qua sự thông hiệp với người khác. Giáo lý về Chúa Ba Ngôi không phải là lời giáo huấn trừu tượng về bản chất của Thiên Chúa nhưng là lời dạy về cuộc sống của Thiên Chúa với chúng ta và cuộc sống của chúng ta với tha nhân.

Khảo luận của Bonaventure về Chúa Ba Ngôi cho thấy ngài suy tư mầu nhiệm này suốt cuộc đời và chưa thấu hiểu được mối liên hệ thống nhất giữa Chúa Ba Ngôi và thụ tạo đặt nền tảng trên Đức Giêsu Kitô. Một mặt, ngài nhìn thấy dấu ấn của Ba Ngôi trên mọi cấp độ của thụ tạo nhưng mặt khác, ngài khám phá ra cuộc sống thần thiêng đang hằn in trên linh hồn nhân loại.

Trong những tác phẩm kinh viện đầu tiên, Bonaventure suy tư cuộc sống “nội tại” của Chúa Ba Ngôi và trong các khảo luận thiêng liêng muộn thời, ngài lại khai thác mầu nhiệm đó trong cuộc đời Kitô hữu. Do vậy có thể nói rằng Bonaventure thiết lập toàn thể viễn tượng thần học của mình ở trên nền tảng Chúa Ba Ngôi.

Mặc dầu theo đuổi thần học tại đại học Paris, Bonaventure không tiếp nhận thần học Ba Ngôi của Augustinô đang ảnh hưởng Tây Phương vào lúc ấy. Đúng hơn, ngài mô tả mẫu thức Ba Ngôi theo truyền thống giáo phụ Hy Lạp, giống những gì đã được các nhà thần học Cappadocia nói đến vào thế kỷ thứ tư.

Trong lúc mô thức Ba Ngôi của Augustinô nhấn mạnh đến sự duy nhất của Thiên Chúa, một bản tính trong ba ngôi vị, mẫu thức của Cappadocia lại chú ý đến bản tính ngôi vị của Thiên Chúa trong công thức “Ba Ngôi trong một bản tính”. Thay vì nhấn mạnh đến sự hiệp nhất của bản tính Thiên Chúa, các nhà thần học Cappadocia lại lưu tâm đến ngôi vị thần thiêng.

Thuật ngữ ngôi vị nhắm đến mối liên hệ bởi vì ngôi vị là hữu thể trong tương quan với tha nhân. Đối với các thần học gia Cappadocia, ngôi vị được xác định dựa vào nguồn gốc bởi vì nó không thể tự mình chuẩn nhận cho căn tính. Vì thế, ngôi vị là tương quan của nguồn gốc.

Vào thế kỷ thứ tám, thần học gia Gioan Damascene giải thích ý tưởng ngôi vị trong tương quan như sau: Đó là những ngôi vị Ba Ngôi thần linh không chỉ liên hệ với ngôi vị khác nhưng còn cư ngụ và rút tỉa sự sống từ đó. Ông sử dụng thuật ngữ tương quan hỗ tương (perichoresis).  Các ngôi vị thần linh, có liên hệ sít sao với nhau, không ngừng rút tỉa sự hiện hữu từ các ngôi vị khác. Đồng thời mỗi ngôi vị cưu mang cũng như tuôn đỗ toàn thể bản thể của mình cho các ngôi vị khác.

Ý tưởng đồng hiện hữu hỗ tương này hình thành nên tư tưởng Chúa Ba Ngôi của Bonaventure, đặc biệt trong mô thức về sự thiện có nền tảng ở tương quan hỗ tương. Thay vì dùng thuật ngữ perichoresis, Bonaventura sử dụng hạn từ Latin circumcessio, có nghĩa là các ngôi vị thần linh di chuyển xung quanh nhau trong tương quan tình yêu.

Mặc dù mô thức Chúa Ba Ngôi của Hy Lạp hấp dẫn Bonaventure, các tác giả tu đức khác cũng giúp ngài hình thành công thức thần học rõ ràng hơn. Đặc biệt, nhà thần học bí nhiệm vào thế kỷ thứ sáu của Syria, Mạo-Dionysius đã ảnh hưởng sâu sắc đến Bonaventure. Trong công trình của mình, Mạo-Dionysius cho rằng Thiên Chúa là sự thiện lan tỏa. Thiên Chúa không chỉ thuần túy là Hữu Thể nhưng còn là Sự Thiện ngoại tại và khiến cho Hữu Thể xuất hiện.

Bonaventure bị đánh động bởi ý tưởng về sự thiện thần thiêng tuyệt đối (một khái niệm của Platon). Ngài nói rằng Thiên Chúa mặc khải thánh danh như là Sự Thiện trong Tân Ước (Lc 18,19: “Không ai thánh thiện ngoại trừ Thiên Chúa”). Còn Cựu Ước lại cho thấy Thiên Chúa là Hiện Hữu (Xh 2,14: “Ta là Đấng hằng có”).  Nếu Tân Ước mặc khải Thiên Chúa như là Sự Thiện, mầu nhiệm Ba Ngôi phải có nền tảng dựa trên Sự Thiện.

Phanxicô thường xuyên quy chiếu về sự thiện (9 lần) khi công bố Thiên Chúa tốt lành của trong hình thức so sánh cao nhất “Tất cả sự lành, tuyệt đối tốt, hoàn toàn tốt. Chỉ mình Ngài là Sự Thiện”. Phanxicô thực sự nhấn mạnh Thiên Chúa tốt lành đến nỗi nếu quên điều này thì cũng quên mất chính ngài. Lòng yêu mến Bonaventure dành cho Phanxicô nhiều đến nỗi việc Phanxicô hiểu Thiên Chúa tốt lành cũng ảnh hưởng sâu sắc đến Bonaventure.

Mặc dầu sự thiện trở nên bản chất của Thiên Chúa, tự nó không thể giải thích mầu nhiệm Ba Ngôi của các ngôi vị. Để hiểu Thiên Chúa như Ba-Một, Bonaventure tham chiếu các tác phẩm của học giả Richard Victor. Nội dung chính mà Richard thảo luận là tính đa nguyên của các ngôi vị không phải trong khái niệm sự thiện tự thân nhưng là đức ái. Đức Ái là nội dung tối thượng của Sự Thiện, hình thức cao nhất của Sự Thiện. Nếu Thiên Chúa là Sự Thiện, thì Ngài cũng là Đức Ái hoặc tình yêu. Ở đâu thần tính đầy tràn thì ở đó tình yêu cũng sung mãn.

Lý luận của Richard khá đơn giản, cô đọng và thật là sáng suốt. Ông cho rằng nếu Thiên Chúa là Đức Ái tối thượng thì Đức Ái không thể không hiện hữu trong ngài dưới hình thức đa nguyên.  Phải chăng một người có thể sống hoàn toàn tách biệt khỏi tha nhân trong thời gian vô định, không tiếp xúc với bất kỳ ai khác để lớn lên trong tình yêu? Có lẽ là không thể được. Tình yêu không thể phát triển bên ngoài các mối quan hệ, trừ khi có “ai đó” trong cuộc đời của một người. Tương tự như thế, Thiên Chúa không thể là đơn thể tự cung tự cấp. Nếu điều này đúng thì Thiên Chúa không còn là Tình Yêu. Richard Victor nói rằng Đức Ái đòi hỏi tính đa nguyên nơi Thiên Chúa và ngài xác định nó ở cấp độ ngôi vị.  Nếu Thiên Chúa chỉ có một ngôi vị, sẽ không có liên lạc giữa sự thiện (tình yêu) với tha nhân. Nếu Thiên Chúa hoàn toàn đáng yêu thì phải có ít nhất hai ngôi vị trong Ngài.

Bên cạnh ý tưởng hai ngôi vị đang yêu, Richard còn kết luận rằng nếu chỉ có hai ngôi vị thì chỉ có tình yêu duy nhất dành cho kẻ khác. Như vậy là không có tình yêu viên mãn bởi vì sự hoàn hảo của tình yêu đòi hỏi mỗi ngôi vị trong hai ngôi đang yêu phải chia sẻ tình yêu cho “tha nhân”. Richard suy luận là phải có ba ngôi vị: đấng hoàn toàn quảng đại trong tình yêu (Cha), đấng hoàn toàn đón nhận trong tình yêu (Thánh Thần), và đấng vừa hoàn toàn quảng đại vừa tuyệt đối đón nhận trong tình yêu (Con). Ở đâu có ba ngôi vị trong tình yêu hỗ tương, ở đó có sự toàn hảo.

Richard và Mạo-Dionysius giúp Bonaventure làm sáng tỏ ý nghĩa Thiên Chúa như là sự thiện và tình yêu tuyệt đối. Mặc dầu liên kết với nhau cách sít sao, hai khái niệm thần tính cơ bản này lại không có nghĩa hoàn toàn đồng nhất. Thiên Chúa tốt lành có nghĩa là Ngài tự thông truyền. Thiên Chúa là tình yêu có nghĩa là Ngài mang tính cá vị. Vì thế, Chúa Ba Ngôi vừa là sự thiện tự thông truyền vừa là tình yêu cá vị.  Đối với Bonaventure, hai tính cách thần tính cơ bản này sẽ làm phát sinh ngôi vị. Chúa Ba Ngôi của sự thiện mặc khải cho thấy mầu nhiệm này là sự hiệp nhất của những ngôi vị-đang-yêu.

Để hiểu Bonaventure, người ta phải đặt nguồn gốc Ba Ngôi trong sự thiện. Nguồn mạch đích thực của sự thiện vô hạn là Chúa Cha. Bởi vì không phải được sinh ra (không có nguồn gốc tiên khởi), Chúa Cha là khởi đầu hoặc nguyên ủy. Xét như “ngôi vị đầu tiên”, Chúa Cha tuyệt đối phong phú, triển nở và là nguồn mạch sự viên mãn (fontalis plenitudo).

Khái niệm về Thiên Chúa của Bonaventure khước từ hoàn toàn ý niệm phụ hệ thống trị. Chúa Cha không là Hữu Thể Tự Mãn “thống trị” các ngôi khác. Đúng hơn, Ngài như là nguồn gốc mọi thực tại mà sự thiện nhờ vào đó mà tự lan tỏa. Ý tưởng này khiến chúng ta có thể dùng từ “tôi tớ” để mô tả Ngài. Nguyên tắc của Chúa Cha là luôn trao tặng cho kẻ khác. Bởi vì tính cách tự trao ban này nên có thể mô tả Chúa Cha được như là người tôi tớ hết sức nghèo khó và khiêm nhường. Đây là hình ảnh rất khác biệt với kẻ độc tài chuyên quyền.

Đối với Bonaventure, mầu nhiệm Ba Ngôi bắt nguồn từ mầu nhiệm Chúa Cha là nguồn mạch và cùng đích của mọi thực tại. Ngài mô tả mầu nhiệm Chúa Cha dựa theo cấu trúc “sự hội tụ của các yếu tố đối nghịch ”, một tư tưởng rất độc đáo trong công trình thần học của ngài. Nguyên lý đầu tiên của các yếu tố đối nghịch là sự bất thụ sinh và tính sinh trưởng. Bởi vì Chúa Cha không được sinh ra, không có nguồn gốc nên Ngài là nguồn mạch sinh hạ các ngôi khác. Chúa Cha thực là “Cha” bởi vì trong sự lan tỏa Sự Thiện, Ngài mãi mãi sinh hạ Chúa Con. Chúa Cha thực là Cha trong nghĩa tròn đầy nhất của hành động sinh hạ.

Khi Bonaventure sử dụng thuật ngữ Chúa Cha và “sinh hạ”, ngài không dùng nó theo nghĩa sinh học. Bởi vì mầu nhiệm Thiên Chúa có thể được mô tả nhờ vào ngôn ngữ nhân hình nên chúng ta có khuynh hướng quan niệm Thiên Chúa trong bức tranh của con người : Chúa Cha giống như một ông cụ nào đó. Tuy vậy, sự hiểu lầm này làm méo mó hình ảnh Thiên Chúa và giảm trừ Ngài vào trong dự phóng của con người. Khi nói Chúa Cha tạo sinh, Bonaventure khẳng định nguyên lý thần tính vô hạn của Ngài hết sức phong phú trong sự thiện. Bởi bì bản chất của sự thiện là tự lan tỏa (sự thiện không thể bị cầm giữ trong tính tốt lành của mình) nên Chúa Cha là nguồn mạch tràn đầy của sự thiện.

Thuật ngữ “tự lan tỏa” là chìa khóa để hiểu Chúa Cha như là nguồn mạch sự thiện. Nếu chú ý đến ý nghĩa của sự thiện tự lan tỏa, chúng ta sẽ nắm vững mầu nhiệm Chúa Cha. Nói rằng Chúa Cha là sự thiện tự lan toả có nghĩa là nói bản tính của Ngài được đồng hóa với sự thiện đang lan tỏa hoặc thông truyền cho kẻ khác. Vì thế, Chúa Cha là sự thiện tự lan tỏa và không có gì khác hơn điều đó.

Nếu Chúa Cha là nguyên lý đầu tiên của thần tính thì những gì Ngài làm cũng sẽ mang tính tuyệt đối. Ngài không thể trao ban một nữa sự thiện và giữ nữa còn lại, đặc biệt khi bản tính đó lại là sự thiện tự lan tỏa.  Bất cứ điều gì Chúa Cha trao ban đều tuyệt đối và tròn đầy. Nếu là sự thiện tự lan tỏa, Chúa Cha hoàn toàn thông truyền sự thiện cho kẻ khác.

Đây là phần thứ hai trong sự hội tụ yếu tố đối nghịch: Chúa Cha là nguồn mạch tròn đầy của sự thiện và hoàn toàn tự thông truyền hoặc trao hiến do bản tính của sự thiện. Vì thế, mầu nhiệm Chúa Cha vừa tròn đầy vừa là trống rỗng: giàu có (sự thiện) và nghèo khó (do bởi sự trao ban).

Tất cả nguyên lý đối nghịch đều được xây dựng trên mầu nhiệm trống rỗng và tròn đầy của Chúa Cha, xét như là sự hội tụ của các nguyên lý đối nghịch. Dĩ nhiên, sự nghèo khó của Chúa Cha phải được liên kết với ý niệm Chúa Cha là nguồn mạch sự thiện viên mãn. Chỉ vì Chúa Cha là nguồn mạch vô hạn của sự thiện mà Ngài mới trở nên nghèo khó qua việc hoàn toàn tự trao ban sự thiện.

Nếu quay lại với ý tưởng của Richard Victor về sự thiện tối cao là tình yêu, chúng ta có thể nói rằng sự thiện tự lan tỏa của Thiên Chúa không phải là dâng trào một cách chung chung nhưng nó, tình yêu, tỏa lan một cách cá nhân tới một ngôi vị khác hơn Chúa Cha, đó là Chúa Con.

Bonaventure mô tả Chúa Con được sinh hạ bởi sự tốt lành của Chúa Cha bởi vì bản chất của Chúa Cha là sự thiện tự tỏa lan. Vì thế, Chúa Con là mọi sự của Chúa Cha nhưng trong một ngôi vị khác hơn Chúa Cha. Mối quan hệ giữa Chúa Cha và Chúa Con trong thần học của Bonaventure là nền tảng cho mọi quan hệ khác.  Hiểu biết về mối quan hệ này giúp chúng ta thấu hiểu ý nghĩa sâu sa của thế giới thụ tạo với Đức Giêsu Kitô là trung tâm bên trong nó.

Sinh hạ bởi sự thiện của Chúa Cha và là đối tượng của tình yêu, Ngôi Hai được hoàn toàn chân nhận là Chúa Con duy nhất. Bonaventure sử dụng tước hiệu hình ảnh để mô tả ngôi vị thứ hai trong mầu nhiệm Ba Ngôi, bởi vì Chúa Con là hình ảnh đích thực và là sự mô phỏng Chúa Cha. Khi nói Chúa Con mô phỏng Chúa Cha không, chúng ta không nhằm khẳng định rằng Ngài cũng bất thụ sinh như Chúa Cha. Đúng hơn, Chúa Con cũng giống Chúa Cha khi trở nên nguồn mạch cho các ngôi vị khác. Vì thế, Chúa Con là sự diễn đạt toàn hảo Chúa Cha.

Nếu Chúa Cha là kenosis thì Chúa Con cũng phải như thế vì Ngài là hình ảnh đích thực. Nếu Chúa Cha nghèo khó thì Chúa Con cũng vậy. Bởi vì Chúa Cha, Đấng hoàn toàn quy hướng về Chúa Con do bản tính thiện hảo, khiêm tốn nên Chúa Con cũng rất khiêm nhường khi tuyệt đối quy hướng về Chúa Cha. Cả Chúa Cha và Chúa Con chia sẻ mối quan hệ hỗ tương duy nhất trong sự tương hợp và phương cách diễn đạt.  Mặc dầu tước hiệu Chúa Con và Hình Ảnh mô tả đúng đắn ngôi vị thứ hai trong mầu nhiệm Ba Ngôi, Bonaventure thích quy chiếu về Ngôi Lời bởi vì nó bao hàm mọi mối quan hệ.

Là sự diễn đạt Chúa Cha, Chúa Con trở nên Ngôi Lời. Bonaventure sử dụng tính loại suy của ngôn ngữ để làm rõ ý nghĩa tước hiệu này.  Để có thể hiểu rõ hơn bản chất Ngôi Lời, chúng ta phải phân biệt lời trí tri với lời nhân quả. Lời trí tri là những khái niệm trong đầu óc chúng ta nhưng lời đang nói ở đây lại thuộc về trật tự nhân quả. Lời trí tri giống như Chúa Cha. Khi lời trí tri tự tỏ lộ trong lời nhân quả, chúng ta có Ngôi Lời hoặc Ngôi Hai trong mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.

Do đó, việc phản tỉnh vĩnh cửu của Chúa Cha cùng với tất cả mọi ý tưởng vĩnh hằng của Ngài được diễn tả trong Ngôi Lời. Vì lý do này mà Bonaventure gọi Ngôi Lời là nghệ thuật của Chúa Cha, Ngôi Lời diễn tả ý tưởng của Chúa Cha.  Ngôi Lời còn là khuôn mẫu bởi vì đó là nền tảng cho mọi ý tưởng thần linh. Ngôi Lời là mẫu thức cho mọi hiện hữu. Bonaventure khai thác triệt để ý niệm khuôn mẫu trong giáo lý về sáng tạo và Nhập Thể.

Bởi vì Chúa Cha sáng tạo nhờ Chúa Con nên Chúa Con là Ngôi Lời và là ý tưởng của Chúa Cha. Bonaventure khẳng định tước hiệu Ngôi Lời có thể cùng một lúc cho thấy: mối quan hệ của đấng đang nói (Chúa Cha), cái được diễn tả (thụ tạo), âm thanh hàm chứa trong thế giới đó (Nhập Thể), và kiến thức đang ảnh hưởng đến nhân loại ngang qua vai trò trung gian của Ngôi Lời (Kinh Thánh).

Ngôi Lời là đấng cưu mang hành động tự thông truyền của Chúa Cha. Ngôi Lời diễn tả chính xác mầu nhiệm Chúa Cha như là sự thiện, tình yêu, và nguồn mạch viên mãn của tất cả khả thể. Bonaventure tuyên bố rằng tất cả mọi khả thể và thế giới sẽ hiện hữu trong Lời Thánh Thiêng.

Tại sao Ngôi Lời lại trở nên trung tâm tư tưởng đối với Bonaventure? Bonaventure gọi Ngôi Lời là Trung Tâm vì Ngài làm trung gian hoặc trung tâm giữa Chúa Cha và Chúa Thánh Thần để chia sẻ thuộc tính của cả hai. Với Chúa Cha, Ngôi Lời chia sẻ thuộc tính nguồn mạch cho mọi sự. Cùng với Chúa Cha, Ngôi Lời thở hơi Thần Khí.

Tuy nhiên, Ngôi Lời cũng chia sẻ với Thần Khí thuộc tính tiếp nhận bởi vì, giống như Thần Khí, Ngôi Lời được sinh hạ bởi sự thiện tự tuôn trào của Chúa Cha. Chính trong hành động tiếp nhận sự thiện mà Ngôi Hai thần linh là Chúa Con hoặc Ngôi Lời, được sản sinh bởi Chúa Cha để diễn tả sự tốt lành đó.  Vì thế, hiểu biết mối quan hệ của các ngôi vị thần linh sẽ giúp chúng ta nhận biết vai trò trung tâm của Ngôi Lời trong thần học Chúa Ba Ngôi. Như là trung tâm, Ngôi Lời là điểm thống nhất, hài hòa và trật tự. Trong cách thức đó, Ngôi Lời đóng vai trò quan trọng không chỉ trong mầu nhiệm Ba Ngôi nhưng còn trong mối liên hệ giữa Thiên Chúa và thụ tạo.

Như Ngôi Lời là sự tự khai mở của Thiên Chúa, thế giới sáng tạo diễn tả ngoại tại Ngôi Lời nội tại. Đây là ý tưởng quan trọng của Bonaventure và đáng được chú ý đến. Khi nói rằng Ngôi Lời là sự tự khai mở của Thiên Chúa, chúng ta lập tức hình dung ra một lời duy nhất. Tuy vậy, từ chìa khóa ở đây là tự khai mở. Nếu Ngôi Lời là sự tự khai mở của Thiên Chúa (Chúa Cha), Ngài phải đơn nhất nhưng nội dung của Ngôi Lời theo một nghĩa nào đó phải là vô hạn bởi vì nó bao hàm tất cả ý tưởng thần linh.

Mọi sự hiện hữu ngay khi bắt đầu thời gian và tiếp tục trong tương lai đã đặt nền tảng trên Ngôi Lời duy nhất của Thiên Chúa. Vì thế, trật tự sáng tạo là cách diễn tả ngoại tại đầy giới hạn của Ngôi Lời nội tại. Tất cả thụ tạo, trong muôn hình vạn trạng, diễn tả Ngôi Lời duy nhất của Thiên Chúa.

Bonaventure nói rằng thụ tạo tuôn trào từ mối liên hệ sâu sa giữa Chúa Cha và Ngôi Lời. Vì thế, bất cứ hữu thể cũng chiếm giữ một thành tố nội tại thể hiện mối liên hệ với Ngôi Lời bất tạo. Như Ngôi Lời là sự tự diễn đạt của Chúa Cha bên trong bản tính Thiên Chúa, vũ trụ là sự diễn đạt ngoại tại của tự ngôn, nhưng không phải là Thiên Chúa.

Như vậy, không có gì trong thế giới thụ tạo hiện hữu ngoài Ngôi Lời; Quả thật, mọi sự hiện hữu đều liên hệ với Ngôi Lời. Khi nhập thể, Ngôi Lời vĩnh cửu bước vào mối hiệp nhất với sáng tạo qua nhân tính và mầu nhiệm Chúa Cha được công bố trong lịch sử và thời gian. Mối liên hệ căn bản giữa Chúa Cha và Chúa Con được hoàn tất trong ngôi vị thần thiêng của Chúa Thánh Thần.

Trở lại với ý tưởng Chúa Cha như là nguồn mạch của sự thiện, Bonaventure khẳng định rằng nó được thông truyền chỉ bằng hai cách thức: bởi bản tính (Chúa Con) và bởi ý muốn (Chúa Thánh Thần). Vì thế, Thần Khí được sinh hạ bởi ý muốn của Chúa Cha. Điều đáng nói ở đây là Chúa Cha không phải là tình yêu sáng tạo và cá vị (Chúa Con) nhưng Ngài yêu mến cách tự do (Chúa Thánh Thần). Không có sự tự do thần thiêng được diễn tả trong Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa chỉ là tình yêu không trọn hảo. Ngài sẽ bị giảm trừ xuống thành Đấng Sáng Tạo bắt buộc phải có hoặc chỉ là nhà độc tài, hay có thể cũng là cả hai.

Bonaventure không xem Thiên Chúa như là kẻ chi phối hoặc cầm trịch. Đúng hơn, ngài nhắm đến ý tưởng Thiên Chúa là tình yêu. Sự toàn hảo của tình yêu đòi hỏi ba ngôi vị: nguồn mạch tình yêu (Chúa Cha), sự hiện diện của tình yêu đến từ sự tự do tuyệt đối (Chúa Con) và sự chia sẻ tình yêu phát sinh cùng với hành động của ý muốn (Chúa Thánh Thần).

Bonaventure quan niệm mối quan hệ giữa Chúa Cha và Chúa Con thân mật đến độ Chúa Thánh Thần xuất phát từ họ như là một nguyên lý duy nhất. Chúa Cha và Chúa Con là một qua việc sinh trưởng trong ý chí thần linh. Bonaventure mô tả Thần Khí như là hành động toàn hảo của thần ý. Như kết quả của tình yêu, Chúa Thánh Thần là quà tặng.

Quà tặng Thần Khí trong thế giới thụ tạo là quà tặng tình yêu đã liên kết chúng ta với Chúa Cha và Chúa Con. Quà tặng Thánh Thần mặc khải Thiên Chúa tự do yêu thương. Sự kiện Thần Khí được trao ban cho mỗi người có ý nghĩa rằng Thiên Chúa tự do yêu thương chúng ta cách cá vị. Ngài thổi hơi vào mỗi người ngang qua quà tặng Thần Khí và yêu thương chúng ta trong cách thức tuyệt đối và trọn hảo.  Tình yêu này lôi kéo chúng ta vào mầu nhiệm tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con. Mỗi người là ngôn từ mà Chúa Cha diễn tả. Đây là mầu nhiệm không thể thấu hiểu. Chỉ ngang qua Ngôi Lời nhập thể, Giêsu Kitô, mà mầu nhiệm này trở nên khả tri và đầy ý nghĩa.

Thần học về Chúa Ba Ngôi của Bonaventure cho phép chúng ta thoáng nhìn thấy toàn thể mối quan hệ giữa Chúa Cha và Chúa Con như được thổi hơi trong Thần Khí. Thần học Chúa Ba Ngôi của Bonaventure là sự thông hiệp của các ngôi vị trong tình yêu và nó mang tính biểu lộ cách năng động.  Đó là cộng đoàn tình yêu tuyệt hảo được đánh dấu bằng sự sinh trưởng và sự thiện tuôn trào. Mầu nhiệm Ba Ngôi mang tính sáng tạo năng động, trường tồn, liên tục phát triển do bởi tính cách hiển linh.  Mầu nhiệm này không thể ở trong sự khép kín hoặc tự túc. Bonaventure không mô tả Ba Ngôi như một cộng đoàn khép kín trước mọi sự hiện hữu bên ngoài Thiên Chúa. Đúng hơn, Chúa Ba Ngôi của Bonaventure là việc tự tuôn trào của sự thiện đang trao ban quà tặng sự sống cho các ngôi vị.

Thiên Chúa không thuần túy là tình yêu. Ngài không chỉ tự do yêu thương nhưng ước muốn chia sẻ tình yêu đó cho người khác do bởi tính chất hoàn hảo của nó. Bản chất của Thiên Chúa là trao ban thần tính trong tình yêu. Vì thế, Thiên Chúa nghèo khó và khiêm hạ.  Do hành động của thiên ý, thụ tạo được tự do. Nó bùng nổ từ sự khai mở năng động vô hạn của tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con. Bonaventure cho rằng thụ tạo là sự thể hiện giới hạn của sự sống năng động vô hạn đang tỏ lộ trật tự thần thiêng. Cũng như sự thông hiệp tình yêu bên trong Chúa Ba Ngôi đánh dấu tính cách toàn thiện thần linh, trong thế giới thụ tạo, mọi hiện hữu được cấu tạo với khả năng tình yêu. Cộng đoàn tình yêu Ba-Một là nền tảng cho cuộc sống thụ tạo.

Seamus Mullholand, OFM

Franciscan Center, Cantebury, ENGLAND

 

Nguồn tin: https://catechesis.net/