Biết Nghĩ Đến Người Khác

Fri,12/05/2023
Lượt xem: 458

Marina Picasso là cháu của họa sĩ nổi tiếng Pablo Picasso. Từ năm 73-75, bà phải chịu nhiều cái tang lớn:  ông nội mất, anh ruột tự tử, cha đột ngột qua đời. Ðây thật là những mất mát không sao bù đắp, dù bà năm trong tay một gia sản khổng lồ. Năm 1990, bà nhận các em bé Việt Nam làm con nuôi, và giúp cho các trẻ mồ côi được có nơi ăn học. Từ lúc ấy, bà thấy một sự thay đổi nơi nội tâm: "Nhờ giúp đỡ con em của nước này mà tôi đã tìm lại được chính mình. Giờ đây tôi cảm thấy mình như sống lại, và tôi muốn phân phát sự sống đó cho các em."

Hẳn có những Kitô hữu đã trải qua kinh nghiệm của Marina, kinh nghiệm thấy mình được sống lại nhờ biết ra khỏi nỗi đau của mình để cúi xuống trên nỗi đau của người khác. Kinh nghiệm tìm lại được chính mình trong bình an, khi không còn bận tâm lo cho mình nữa, kinh nghiệm thấy sự sống được nhân lên gấp bội khi được đem chia sẻ tận tình.

Ai trong chúng ta một khi đã được đón nhận Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta đều chân nhận rằng Đức Giê-su, Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng đã đến thế gian để yêu thương, quan tâm và cứu độ mọi người. Một Thiên Chúa vô hình mà chúng ta lại được gặp gỡ và đụng chạm nơi Đức Giê-su, hình ảnh Thiên Chúa hữu hình ở cùng chúng ta. Tình yêu độc nhất dành cho thế gian là thật sự và hoàn toàn nhưng không, không đòi hỏi gì cho Ngài, nhưng chỉ là cho đi, hoặc đúng hơn, là tự hiến. “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chình Người đã yêu thương chúng ta. Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước.” (1Ga 4,10.19). Một vị Thiên Chúa hoàn toàn sống và chết cho con người, mặc dù con người bất xứng và tội lỗi.

Trong suốt tuần này (tức những ngày sau Chúa nhật V Phục Sinh), nếu chúng ta chăm chú lắng nghe Lời Chúa, chúng ta nhận ra được một tình yêu khôn dò khôn thấu của Đức Giê-su đối với mọi người. Ngài dạy dỗ và mời gọi mọi người nối kết, gắn chặt và ở lại trong tình yêu của Ngài để được sinh hoa kết trái và được sống dồi dào. Ngài mặc khải cách rõ ràng về mối thân tình giữa Ngài với Chúa Cha. Một sự ở trong nhau: ‘Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy’; ‘ai biết Thầy là biết Chúa Cha’; ai yêu mến Thầy thì Chúa Cha sẽ yêu mến người ấy’. Tình yêu thương con người không chỉ nơi con người Đức Giê-su, nhưng trong chiều kích Ba Ngôi: có sự hiện diện của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (Đấng Bảo Trợ). Nơi chúng ta, Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị và yêu thương. Nơi Đức Giê-su mà chúng ta yêu mến, gặp gỡ và chiêm ngắm, chúng ta bắt gặp hình ảnh Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.

Chúa nhật 6 Phục Sinh hôm nay, chúng ta lại bắt gặp một vị Thiên Chúa quan tâm và yêu thương con người khi Đức Giê-su tuyên bố “Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi” (Ga 14, 18). Đã yêu thương lại con yêu thương hơn của Đức Giê-su đối với nhân loại, đối với chúng ta. Bấy lâu nay, từ khi nhập thể làm người, Đức Giê-su hiện thân của Lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài đến để thi ân giáng phúc cho con người tội lỗi. Ngài quan tâm và gần gũi với mọi thành phần, nhất là đối với những hoàn cảnh nghèo khổ, bệnh tật và người tội lỗi. Ngài yêu thương tất cả mọi người. Ơn cứu độ của Thiên Chúa là ơn cứu độ phổ quát. Ai cũng có thể được Chúa cứu độ nếu họ biết cộng tác vào chương trình hoạch định của Ngài.

Điều kiện để ‘Chúa cứu độ, Chúa ở cùng’ là mỗi người cần đón nhận điều răn và thi hành điều răn mỗi ngày. Quả thật, Đức Giê-su đã nói “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy.” (Ga 14,15). Nói cách khác, hệ quả của việc mến yêu Chúa là nơi việc thi hành các điều răn của Chúa trong đời sống thường ngày. Nhìn vào cung cách sống, hành vi cử chỉ, lời ăn tiếng nói của người ki-tô hữu, mọi người sẽ nhận ra ngay người đó sùng đạo hay không sùng đạo. Nếu mọi người toát ra được những điều thánh thiện, lời nói yêu thương tha thứ, quảng đại, vui vẻ và rất bình an dẫu không thiếu đau khổ và bệnh tật, người ta sẽ nhận ra được hình ảnh đích thực của người ki-tô hữu nên giống Đức Giê-su Ki-tô. Ngược lại, nếu nơi lối sống thiếu văn hoá, ích kỷ, tham lam, độc ác, nói hành nói xấu, vu oan giá hoạ, hận thù ghen ghét,…của người ki-tô hữu, người ta dễ nhận xét rằng ‘hữu danh vô thực’; ‘ki-tô hữu vô thần’; ‘ki-tô hữu giả hình’. Chúng ta đã ‘ly dị’ giữa đời sống nhà thờ với đời sống xã hội. Hay nói cách khác, ngôn hành chúng ta không ăn nhập với nhau.  

Mặt khác, Đức Giê-su không chỉ yêu thương con người khi Ngài ở trần gian, nhưng chắc chắn khi về Trời, Ngài cũng luôn hiện diện với con người mọi nơi mọi lúc. Hôm nay, trước tình cảnh chuẩn bị lìa bỏ thế gian, lìa bỏ các môn đệ, Đức Giê-su đã nhắn gửi một thông điệp yêu thương: “Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi. Thầy sẽ đến với các con.” (Ga 14, 18). Mồ côi nghĩa là gì? Mồ côi là vắng bóng người thân, là không có hoặc có mà bị người thân bỏ rơi. Thiên Chúa là tình yêu. Ai yêu mến Ngài, sẽ có Ngài ở trong người ấy. Tình yêu là hồng ân tuyệt vời Chúa ban cho con người. Có tình yêu là có tất cả. Có Chúa là có tất cả. Không có Chúa không có gì hết. Chính vì yêu là tất cả cho nên Chúa Giê-su đã hy sinh chính mạng sống mình để chuộc lại tất cả hồng ân Chúa Cha ban mà chúng ta đã đánh mất vì bất trung, vì tội lỗi. Từ nay, trong niềm tin vào Đức Giê-su Phục sinh, chúng ta không sợ hãi, không còn cô đơn lẻ loi, không còn sợ cảnh mồ côi nữa. Vì Ngài luôn luôn hiện diện trong mọi nơi và mọi lúc trong mọi hoàn cảnh dầu đôi khi chúng ta vô tâm và lạnh nhạt.

Quả thật, Đức Giê-su mời gọi chúng ta yêu mến Ngài bằng việc thực thi các mệnh lệnh của Ngài. Ai thực hiện mệnh lệnh hay điều răn của Ngài, người đó ở lại trong tình thương của Ngài. Mà điều răn của Ngài đó là chúng ta hãy yêu thương nhau. Chúng ta không thể yêu mến Đức Giê-su mà sau đó lại ghen ghét và hận thù anh chị em mình. Vì thế, điều răn mến Chúa và yêu người phải đi đôi với nhau mà không bao giờ được tách biệt trong đời sống thường ngày của mỗi người ki-tô hữu. Chúng ta không thể chỉ đọc kinh, cầu nguyện mà sau đó lại bỏ rơi và loại trừ anh chị em đồng loại. Khi chúng mến yêu nhau là chúng ta được Chúa ở cùng. Khi tình yêu thương chan chứa và được thực hành từng giây phút trong đời trong các mối tương quan thì nơi đó Chúa luôn hiện diện và chúc phúc.

Lạy Chúa Kitô, xin ở với con.
Chúa Kitô ở trước con, Chúa Kitô ở sau con.
Chúa Kitô ở trong con, Chúa Kitô ở dưới con, Chúa Kitô ở trên con.

Chúa Ki tô ở bên phải con, Chúa Kitô ở bên trái con.
Chúa Kitô nơi con nằm, Chúa Kitô nơi con ngồi, Chúa Kitô nơi con đứng.

Chúa Kitô ở trong tim mọi người nghĩ về con,
Chúa Kitô ở trong mắt mọi người thấy con,
Chúa Kitô ở trong tai mọi người nghe con.

Ơn cứu độ thuộc về Chúa.
Ơn cứu độ thuộc về Chúa Kitô.
Lạy Chúa, xin ơn cứu độ của Chúa
ở mãi bên chúng con.
Thánh Patrick (389-461)

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương

 

Nguồn tin:
Tags :