Thực Tập Cảm Thông Tha Thứ

Mon,14/01/2019
Lượt xem: 2192

1. LỜI CHÚA: Thầy không bảo là tha đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy (Mt 18,22).
 
2. CÂU CHUYỆN:
 
Để cho thấy sự tai hại của sự bất khoan dung, thầy giáo yêu cầu mỗi học sinh đi học phải mang một túi ni-lông sạch và một bao khoai tây đến lớp. Rồi thầy ra lệnh cho học sinh mỗi khi không tha thứ lỗi của một người nào đó thì hãy chọn ra một củ khoai tây, viết tên người đó và ngày tháng lên rồi bỏ nó vào túi nilông. Sau vài ngày, có nhiều túi trở nên vô cùng nặng. Sau đó, thầy lại yêu cầu chúng tôi phải mang túi ni-lông chứa khoai kia bên mình dù đi bất cứ đâu. Buổi tối khi ngủ cũng phải để cái túi khoai bên cạnh. Khi làm việc thì phải đặt nó trên bàn. Sự phiền tóai khi phải mang cái túi khiến học sinh cảm nhận rõ ràng gánh nặng tinh thần mình đang chịu đựng. Không những thế, học sinh còn phải luôn để tâm đến túi, nhớ đến nó. Sau mấy ngày, khoai tây bắt đầu bị mốc và biến thành thứ chất lỏng nhầy nhụa hôi thối.
 
3. SUY NIỆM:
 
1) Tha thứ thất khó:
 
Trong đời sống hằng ngày, khi có ai xúc phạm đến ta, thì ta cứ chần chừ mãi không chịu tha thứ cho họ, hoặc có tha nhưng không thèm nói chuyện, không thèm nhìn mặt họ. hoặc có khi tha nhưng đặt điều kiện này điều kiện kia… Dĩ nhiên, là con người, ai trong chúng ta cũng đều mang trong mình cái tôi ích kỷ hẹp hòi và tự ái cố chấp, nên thực hành việc tha thứ là điều không dễ chút nào, nhất là khi lỗi phạm càng nặng thì ta lại càng khó thứ tha.
 
Để có thể sống thanh thản, sống không có thù hận và có thể yêu thương những người bách hại mình, tôi nghĩ bạn và tôi cần phải nhận ra những lợi ích mà chúng mình nhận được từ sự tha thứ:
 
2) Tại sao phải tha thứ?:
 
- Tha thứ là đòi hỏi của Tin Mừng: Tha thứ để được Thiên Chúa thứ tha (x Lc 6,37).. Ta đã mắc nợ Chúa nhiều vô kể, nhưng đã được Ngài tha cho hoàn toàn. Mỗi lần vào toà giải tội, ta đều được tha thứ như thế. 
 
- Hơn nữa vì chính chúng ta cũng cần được người khác tha thứ cho những lỗi phạm của mình đã gây ra cho họ. Không biết tha thứ cho anh em, chúng ta sẽ trở thành kẻ độc ác (x. Mt 18,32). Đồng thời ta cũng không nhận được sự thứ tha của Chúa. Đức công bằng đòi ta phải sẵn sàng tha thứ như thế (x. Mt 18,35).
 
3) Ích lợi của tha thứ:
 
- Khi tha thứ cho người khác, thì những áp lực tâm lý, và những căng thẳng sẽ giảm bớt làm cho trái tim của chúng ta làm việc đều hòa hơn và sống khỏe mạnh hơn.
 
- Khi dễ dàng bỏ qua những lỗi lầm của tha nhân, chúng ta sẽ trở nên dễ thương hơn, da mặt sẽ không bị nhiều nếp nhăn. Chúng ta sẽ ngủ ngon giấc, ăn ngon miệng và ngày một trẻ trung hơn. Chúng ta sẽ được nhiều người yêu mến và cuộc sống sẽ an vui hạnh phúc hơn.
 
- Khi tha thứ lỗi lầm cho tha nhân, chúng ta sẽ đuổi thần dữ là ma quỷ ra khỏi tâm hồn và cuộc sống của chúng ta, như lời dạy của thánh Phao-lô tông đồ (x Ep 4,26-27).
 
- Khi tha thứ cho tha nhân, thì Thiên Chúa cũng sẽ thứ tha tội cho chúng ta như lời Chúa phán: “Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em” (Mt 6:14).
 
LEWIS B. SMEDES đã nói: “Khi tha thứ là lúc bạn trả tự do cho một tù nhân, đó là chính bạn”. Như vậy chúng ta cần luôn sẵn sàng tha thứ lỗi lầm cho anh em, vì càng tha thứ bao nhiêu thì ta càng được tự do bấy nhiêu!
 
4) Phải tha mấy lần?
 
Trong cuộc sống chung đụng, chắc sẽ không tránh khỏi những va chạm với tha nhân. Điều quan trọng là phải biết thứ tha. Có tha thứ chúng ta mới có thể sống vui và sống hạnh phúc được. Nhưng chúng ta phải tha đến mấy lần?
 
Người xưa thường nói : “Qúa tam ba bận”. Tha ba lần đã là quá đủ cho kẻ xúc phạm đến mình. Thánh Phê-rô nâng con số tha lên bảy lần. Đối với Đức Giê-su, tha thứ không chỉ “ba lần”, hay “bảy lần”, mà phải tha bảy mươi lần bảy, nghĩa là phải tha luôn luôn không giới hạn! (x Mt 18,22). Tha như vậy thật khó biết bao! Hành động tha thứ như thế chỉ có thể xuất phát từ một trái tim bao dung nhân hậu như Đức Giê-su, Đấng đã tha thứ cho những kẻ hành mạ và đóng đinh Người lên cây thập giá (x Lc 23,34).
 
5) Làm thế nào để dễ dàng tha thứ?
 
- Cần có ơn trợ giúp của Chúa để tha thứ trọn vẹn: Vì tha thứ là một nhân đức siêu nhiên, nên cần có ơn Chúa trợ giúp ta mới dễ dàng thực hiện. Ta cần tập tha thứ kèm theo một lời cầu xin Thánh Thần của Đức Giê-su trợ giúp như lời Người dạy: “Vì không có Thầy anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5c).
 
- Cần cảm nhận được tình thương tha thứ của Thiên Chúa đối với tội lỗi lớn lao của chúng ta để chúng ta cũng dễ dàng bỏ qua những sự xúc phạm đối vớii chúng ta như dụ hôn về hai con nợ (x Lc 7,36-50).
 
4. THẢO LUẬN:
 
1) Bạn có dễ bỏ qua lỗi của người đã nói xấu hoặc gây thiệt hại cho bạn không? Tại sao?
2) Bạn cần làm gì để thực tập lòng khoan dung tha thứ theo lời Chúa dạy?
 
5. LỜI CẦU:
 
Lạy Thiên Chúa Cha giàu lòng từ bi nhân ái. Xin giúp chúng con luôn học tập tâm tình tư bi nhân hậu của Con Cha là Đức Giê-su, để học sống theo gương mẫu và lời dạy của Người. Cho chúng con luôn ý thức về những lỗi phạm lớn lao của chúng con đối với Cha, để dễ dàng tha thứ những xúc phạm của anh em đối với chúng con, hầu chúng con ngày một nên hòan thiện theo khuôn mẫu của Cha. AMEN.

LM ĐAN VINH
 
Nguồn tin: