Thiếu Nhi Thánh Thể - Tiến Bước Trong Hy Vọng

Sat,02/11/2024
Lượt xem: 880

Thiếu Nhi Thánh Thể - Tiến Bước Trong Hy Vọng

(Bài nói chuyện với các Huynh, Dự trưởng và bố mẹ Trợ tá của

Liên Đoàn Thánh Gioan Phaolô II, ngày 27/10/2024)

Chủ đề “Thiếu Nhi Thánh Thể Tiến Bước Trong Hy Vọng” là âm vang của Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 38, năm 2023 mang tên: “Vui mừng trong hy vọng ” (Rm 12:12), kết hợp với “Sắc chỉ công bố Năm Thánh 2025 với tựa đề “Spes non confundit - Hy vọng không làm thất vọng” (Rm 5,5), trong đó Đức Thánh Cha “nghĩ đến tất cả những người hành hương của niềm hy vọng sẽ đến Rôma để sống Năm Thánh”, cùng với Giáo hội hiệp hành mà đỉnh điểm là Thượng hội Đồng Giám Mục Thế Giới đang diễn ra tại Rôma trong tháng này, người trẻ chúng ta được thôi thúc cất bước hành trình trong hy vọng.

I. NGƯỜI TRẺ BƯỚC ĐI

Bước đi là đặc điểm của con người sống động và khoẻ mạnh. Khi không còn khả năng bước đi, chính là lúc người ta đã tiến gần nhất tới ranh giới của sự chết. Không kể những bước chân mà nhờ đó chúng ta làm nên sự di chuyển mỗi ngày, tất cả chúng ta, và cả muôn loài muôn vật đang “bước đi”; nói cách khác là đang cùng nhau cất bước hành trình, tiến tới đích điểm của muôn vật. Dù muốn dù không, các bạn trẻ sẽ phải bước ra khỏi tuổi thanh xuân của mình để tiến vào lãnh địa của người lớn. Không dừng lại ở đó, những “người lớn” tiềm năng này rồi sẽ phải miễn cưỡng bước qua cánh cổng của tuổi già, mà theo lẽ thường, sau tuổi già là bước quyết định qua vực thẳm sang bên kia thế giới. Không chỉ là những cá nhân riêng lẻ, mà cả nhân loại đang cùng nhau tiến bước, tiếp nối lịch sử và làm nên lịch sử loài người. Giáo hội cũng ý thức mình là Giáo hội lữ hành, mọi thành phần trong thân thể Chúa Kitô đang cùng nhau cất bước trên con đường lữ thứ trần gian để tiến về thành Giêrusalem vĩnh cửu là Nước Thiên Chúa, nơi công lý ngự trị. Không chỉ những con người cá nhân và tập thể, đạo và đời đang tiến bước thôi đâu, muôn loài muôn vât, và cả vũ trụ này đang cùng nhau đi tới cùng đích của nó, tiến về trời mới đất mới (Kh 21,1).

Chúng ta không thể để cho mình bị cuốn đi trong dòng chảy lịch sử theo định mệnh của vũ trụ, không thể phó thác cho số phận đưa đẩy trôi dạt vật vờ, không để bị lạc đường, bị văng ra hoặc bị bỏ lại hay chậm chuyến, chúng ta, cách riêng là những người trẻ, được mời gọi can đảm tiến bước trong một Giáo hội hiệp hành và mạnh mẽ tiến lên trên một hành trình tuy gian nan nhưng cũng đầy hy vọng.

II. NHƯNG CÓ GÌ ĐỂ HY VỌNG?

Vào những năm cuối thế kỷ XX, nhân loại đã từng hy vọng rằng, năm 2000 sẽ thanh toán bệnh phong trên toàn thế giới, nhưng đến nay, đã một phần tư của thế kỷ XXI trôi qua, các trại phong vẫn còn đầy dẫy. Người ta đã từng vui mừng vì sự tiến bộ vượt bậc của y khoa và hy vọng nó sẽ đem lại kết quả ngoạn mục cho sức khoẻ và sự sống con người, nhưng chẳng ai ngờ con Covid 19 đã làm cho thế giới điên đảo, vô số mạng người đã bị tước đoạt, vô số người khác phải mang những dị chứng hiểm nghèo, thậm chí nhiều người người trong số đó đã thành tật vì những liều vắc xin mà y học hiện đại gây ra. Cũng chính vào thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, người ta ăn mừng vì bức tường Berlin sụp đổ, chiến tranh lạnh kết thúc, hai khối đối nghịch Đông - Tây giải trừ quân bị, bỏ chạy đua vũ trang để xây dựng kinh tế, khắc phục hậu quả chiến tranh. Thiên hạ đã chứng kiến bước nhảy khá lớn cả về kinh tế, chính trị, hoà bình và phúc lợi trên toàn thế giới. Vậy mà đến nay, chiến tranh vẫn hoàn chiến tranh, thậm chí còn bùng nổ và lan rộng. Cuộc chiến ở Đông Âu ngày càng khốc liệt, sự đối đầu giữa Nga và Nato ngày càng điên rồ và có nguy cơ thúc đẩy các nước khác chọn phe, thảm hoạ chiến tranh thế giới thứ Ba đã cận kề, bóng ma của chiến tranh hạt nhân đang bao phủ thế giới hơn bao giờ hết. Vùng Đất Thánh cũng trở thành chảo lửa và có nguy cơ lan rộng thành chiến tranh khu vực hậu quả không lường. Tại vùng châu Á – Thái Bình Dương, sự dương oai diễu võ của Trung Quốc, những vụ thử vũ khí liên tục và những trò khiêu khích của Bắc Triều Tiên kéo theo sự lên gân của Nam Hàn, Đài Loan, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Philippin và các nước khác làm cho khối người mất ăn mất ngủ, người ta có cảm giác như đang bị hầm trong một nồi thuốc súng khổng lồ. Nền kinh tế vốn đã bị tê liệt do Covid 19, nay lại càng thảm hại bởi chiến tranh, làm cho cuộc sống trên khắp thế giới càng trở nên ảm đạm. Các bạn trẻ nghĩ gì về tương lai của mình? Chúng ta hy vọng gì nơi một thế giới bất ổn như thế!

Chưa dừng lại ở đó, nạn ô nhiễm toàn cầu gây hiệu ứng nhà kính, thúc bách sự biến đổi khí hậu cách nhanh chóng mà hậu quả tồi tệ của nó là thiên tai xảy ra với những thảm hoạ khủng khiếp ập đến bất kỳ lúc nào; lại thêm những vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, nhiều loại bệnh tật hiểm nghèo phát sinh được coi là do ăn phải thực phẩm độc hại, uống phải nguồn nước ô nhiễm và thở phải bầu khí hư hoại, mà những điều tệ hại này ngày càng tăng. Vậy thì tương lai nào cho người trẻ?

Thêm vào đó, nền giáo dục tại Việt Nam chúng ta có nhiều điều bất cập, chi phí học hành quá đắt đỏ so với mức thu nhập của người dân, nghề nghiệp với đồng lương không đủ sống, sự cạnh tranh kinh tế ngày càng khốc liệt và thiếu lành mạnh dẫn đến lối sống bon chen, ti tiện và thực dụng, gian dối lừa đảo khắp nơi mọi chốn, thử hỏi tương lai nào cho giới trẻ? Đi làm ăn ở nước ngoài ư? Không phải ai cũng thành đạt, lại tiềm ẩn không ít rủi ro, bấp bênh, nguy hiểm và tệ nạn. Tương lai nào cho giới trẻ, hy vọng chúng ta đặt vào đâu?

Ngoài xã hội đã thế, trở về trong gia đình thì sao? Gia đình có còn là “mắt bão”, nơi con cái có thể cư trú an toàn khỏi mọi giông tố cuộc đời đang tấn công dồn dập chăng? Nhiều gia đình ngày nay, do cơ cấu kinh tế, do điều kiện xã hội, ít có cơ hội để gần gũi con cái. Cha mẹ có thể lo được tiền bạc và các phương tiện cho con cái nhưng lại rất ít có thì giờ để ở gần con mình. Nhiều bạn trẻ được tiếp xúc với điện thoại thường xuyên gấp nhiều lần so với việc gần gũi cha mẹ và người thân, kết quả là không ít người đã nghiện các trò chơi điện tử. Chúng ta hy vọng gì ở một thế giới mà từ trong nhà ra ngoài ngõ đầy dẫy những biến động, những bất trắc và cạm bẫy khó lường như thế?

Còn Giáo hội thì sao? Giáo hội có thật sự là con thuyền đủ lớn, đủ yên hàn, nơi đó người ta có thể sống an toàn trên biển đời đầy sóng gió chăng? Mặc dầu Giáo hội vẫn trung thành dấn bước trên cuộc lữ hành trần thế, con cái Giáo hội vẫn quảng đại sống và làm chứng cho Tin Mừng, không ít người trong Giáo hội, cá nhân và tập thể, vẫn xả thân vì tha nhân, nhưng một điều không thể chối cãi là nhiều vùng trên thế giới, lòng đạo đã sút giảm nghiêm trọng, việc thực hành Kitô giáo ngày càng ít, có nhiều người công khai rời bỏ đức tin, số ơn gọi tu trì nhiều nơi giảm sút như một chiếc xe lao dốc không phanh. Ba năm nay chúng ta đã và đang chứng kiến nỗ lực của Giáo hội qua Thượng Hội đồng Giám mục về Hiệp Hành: Hiệp thông, tham gia và sứ vụ, nhưng sự rạn nứt trong Giáo hội vẫn còn nhiều, và những bất đồng nhiều khi được công khai bộc lộ cách thoải mái. Vậy đâu là hy vọng của chúng ta? Đâu là tương lai của giới trẻ? Làm sao người trẻ có thể an tâm để cất bước “hành trình trong hy vọng?”

III. HY VỌNG NHỜ ĐỨC TIN

Thư gửi tín hữu Do Thái xác quyết: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy(Dt 11,1).

Được gợi hứng bởi câu Kinh Thánh này, Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI, trong thông điệp Spe Salvi, số 7 đã viết: Đức tin không chỉ đơn thuần là sự vươn tới của cá nhân hướng về những điều sẽ xảy đến nhưng đến nay vẫn hoàn toàn vắng bóng: Đức tin còn đem lại cho chúng ta điều gì đó. Đức tin đem đến cho ta ngay cả lúc này đây những phần của thực tại chúng ta đang trông chờ, và thực tại này đem đến cho chúng ta một “bằng chứng” về những điều còn chưa thấy. Đức tin kéo tương lai về với hiện tại đến mức tương lai không còn đơn thuần là một điều gì đó “chưa đến”. Sự kiện là tương lai này đang hiện hữu thay đổi hiện tại; hiện tại này được thực tại trong tương lai tác động đến, và vì thế những gì của tương lai tuôn trào vào những gì của hiện tại và những gì của hiện tại tuôn trào vào những gì của tương lai”. Nói cách đơn giản là nhờ đức tin, chúng ta được sống trước, được cử hành trước phụng vụ Thiên Quốc và được tham dự trước vào cuộc sống hạnh phúc mà chúng ta sẽ được hưởng trên Thiên Đàng mai sau.

Chúng ta tin Thiên Chúa là cha toàn năng và giàu lòng thương xót, là Đấng Tạo Hoá và là “Cội rễ mọi sự” (Kinh Cảm ơn). Sách Sáng thế cho biết Thiên Chúa tạo dựng muôn loài muôn vật trong sáu ngày và Ngài thấy thế là tốt đẹp (x. St 1). Do tội nguyên tổ, con người đã phá hỏng các mối tương quan: Bất tùng phục Thiên Chúa, né tránh sự chăm sóc yêu thương của Ngài, đòi kiểm soát cuộc đời và hành vi của mình; thậm chí cắt đứt mối quan hệ với Thiên Chúa, gây xáo trộn nội tâm, rối loạn trong quan hệ với nhau và và các thụ tạo khác (x. St 3). Trong lần xa cách chia lìa đầu tiên ấy phát sinh mọi tệ đoan của lịch sử loài người. Nhân loại bị cám dỗ liên tục và sống trong tình cảnh xáo trộn sau khi tổ tiên mình sa ngã. Nhưng Thiên Chúa là người cha nhân hậu đã “không bỏ mặc con người dưới quyền sự chết”, đã sai Con một xuống thế làm người, “Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14 ).Người đã từng chịu thử thách bằng mọi cách như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi(Dt 4,15). Thánh Phaolô dạy: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới lề luật, để chuộc những ai sống dưới lề luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4,5). Con Thiên Chúa làm người, nhờ cuộc vượt qua của Ngài, không phải chỉ con người được cứu độ mà muôn vật cũng được tái tạo và đổi mới : “Lời hứa của Thiên Chúa và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô đã làm sống lại niềm hy vọng chắc chắn nơi các Kitô hữu về một chỗ ở mới mẻ và vĩnh cửu đã được chuẩn bị cho mỗi người, một trái đất mới nơi công lý ngự trị (x. 2 Cr 5,1-2; 2 Pr 3,13). “Sau khi sự chết đã bị khuất phục, con cái Chúa sẽ được sống lại trong Đức Kitô, những gì đã gieo trong yếu đuối và băng hoại sẽ mặc lấy sự bất hoại: đức ái và các việc làm của đức ái sẽ tồn tại và toàn thể vũ trụ mà Chúa đã tạo dựng cho con người sẽ được giải thoát khỏi kiếp phù vân”. Niềm hy vọng này chẳng những không làm suy yếu mà còn làm tăng mối quan tâm của chúng ta đối với những gì cần làm trong thực tế hiện nay.[1]

Đây hoàn toàn không phải là điều xa lạ xảy ra ở đâu bên kia thế giới, bởi “Những điều tốt đẹp – như phẩm giá con người, tình huynh đệ và sự tự do, tất cả những hoa trái tốt đẹp của thiên nhiên và công lao của con người – đã lan tràn khắp mặt đất nhờ Thánh Thần của Chúa và theo lệnh của Ngài, sau khi được thanh tẩy khỏi mọi vết nhơ, được chiếu sáng và biến đổi, tất cả sẽ thuộc về vương quốc chân lý và sự sống, vương quốc thánh thiện và ân sủng, vương quốc công lý, tình yêu và hoà bình để Đức Kitô trình lên cho Chúa Cha, và tại nơi đó, chúng ta sẽ một lần nữa gặp lại chúng”.[2]

Niềm hy vọng lớn lao này cũng là động lực thúc đẩy người Kitô hữu phấn đấu canh tân chính mình và cải tạo thế giới. Giáo hội, trong tất cả sự bất toàn yếu đuối của mình, cũng không ngưng nghỉ trong việc đóng góp vào công trình cứu độ, thực hiện sứ mạng mà Đức Kitô giáo phó: Việc hoàn thành con người toàn diện trong Đức Kitô, thông qua ân ban của Thánh Thần, diễn ra trong lịch sử và được thực hiện qua những mối quan hệ cá nhân với những người khác, đến lượt những mối quan hệ này cũng đạt được sự trọn hảo nhờ những con người dấn thân cải thiện thế giới, trong công lý và hoà bình.[3]

Việc gắng sức mỗi ngày trở thành môn đệ đích thực của Chúa Kitô trở nên một thực tại sống động có sức biến đổi: Khi làm cho mình trở nên giống Đức Kitô Cứu Thế, con người sẽ thấy mình đúng là thụ tạo mà Chúa đã muốn và đã chọn từ đời đời, đã gọi tới hưởng ân sủng và vinh quang trong mầu nhiệm sung mãn mà họ được chia sẻ nhờ Đức Giêsu Kitô.[4]

Đây chính là niềm hy vọng Kitô giáo, khiến chúng ta có thể hiên ngang bước đi trên hành trình đầy hy vọng bất chấp mọi gian nan thử thách:Trở nên giống Đức Kitô và được chiêm ngắm thánh nhan Người sẽ làm cho các Kitô hữu cảm thấy khao khát cách mãnh liệt được nếm trước ngay trong thế giới này, ngay trong bối cảnh các mối quan hệ của con người, điều sẽ là hiện thực trong thế giới tương lai. Chính vì thế, người Kitô hữu sẵn sàng chia sẻ đồ ăn, thức uống, quần áo, nơi ở, sự chăm sóc, tiếp đón và tình bằng hữu cho Chúa khi Người gõ cửa nhà mình.[5]

IV. LIỆU ĐÂY CÓ PHẢI LÀ THUỐC PHIỆN MÊ DÂN?

Lịch sử thế giới đã từng chứng kiến những cuộc cách mạng hứa hẹn bằng những lời lẽ đao to búa lớn như đã nắm chắc phần thắng trong tay công cuộc giải phóng nhân loại. Con người đã nhân danh lý trí và tự do để thay đổi diện mạo của cuộc sống, để giải thoát con người khỏi sự áp đảo của những sự huyền bí thiêng và dĩ nhiên là bài trừ Giáo hội và gạt Thiên Chúa ra khỏi thế giới. Sau những hào nhoáng ban đầu chóng qua, hoà bình và công lý chẳng thấy đâu, chỉ gây thêm xáo trộn, vì người ta đã dùng chính lý trí và tự do để thống trị người khác.

Thế kỷ 19, với sự tiến bộ vượt bậc của con người về khoa học công nghệ, người ta hình thành chủ nghĩa kinh tế tự do, thiên hạ nắm chắc phần thắng là với lượng của cải dồi dào do cuộc đại cách mạng công nghiệp đem lại, sự thịnh vượng sẽ giúp con người thoát khỏi sự ràng buộc của thần linh thượng đế, con người được tự do. Nhưng sự thành công của chủ nghĩa kinh tế tự do cũng có giới hạn của nó. Của cải làm ra càng nhiều thì càng nảy sinh lắm vấn đề xã hội, tự do càng nhiều thì càng lắm bất công, khối người giàu lên nhanh chóng trong lúc vô số người khác bị bóc lột tàn tệ, bị bần cùng hoá đến tận xương tuỷ, nhiều tiền nhiều của nhưng hạnh phúc không thấy, sự đối kháng giai cấp đã chạm ngưỡng nguy hiểm bùng nổ chiến tranh huỷ diệt.

Trong lúc đó, Chủ nghĩa Xã hội lại muốn lập nên một thiên đàng dưới thế bằng một phép mầu kinh tế tập trung. Họ chủ trương dùng bạo lực cách mạng đấu tranh giai cấp khốc liệt, triệt hạ tư sản, xoá bỏ quyền tư hữu. Kết quả là: thiên đàng trần thế đâu chẳng thấy, chỉ gây thêm oán thù chết chóc và làm cho nền kinh tế kiệt quệ, nghèo khó tràn lan, căng thẳng đối kháng lại trỗi dậy, vòng xoáy bất công bạo lực mới lại hoành hành cách thê thảm hơn, và tương lai nhân loại lại lại càng bấp bênh và nguy hiểm gấp bội.

Những mưu toan loại bỏ Thiên Chúa để tự mình lèo lái thế giới dĩ nhiên là chỉ gây thêm tai hoạ, dẫn nhân loại đến bờ vực của sự diệt vong; những cố gắng của con người xây dựng thiên đàng theo cách trần thế cũng chỉ dẫn tới ngõ cụt tăm tối và nguy hiểm. Đó vừa là tiếng chuông cảnh tỉnh để con người thoát khỏi sự kiêu căng ngạo mạn, nhưng cũng là lời mời gọi nghiêm túc nhìn nhận sự bất toàn yếu đuối của con người và quyền tối thượng của Thiên Chúa, Đấng tạo thành, cứu chuộc và quan phòng cho cả vũ trụ này, bởi vì:

Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,
 hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn.
 Ơn cứu độ tôi bởi Người mà đến,

 duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi,
 là thành luỹ chở che : tôi chẳng hề nao núng
(Tv 62,2-3).

Khi tin tưởng vững chắc như thế, Dân Thiên Chúa không chạy trốn khỏi thực tại, nghĩa là không nhắm mắt rụt cổ trước những bất công, gian khó và nguy hiểm đầy dẫy khắp nơi mọi chốn, nhưng là bước đi trong hy vọng, vì có Chúa cùng đi, vượt qua bao thử thách vì Chúa cầm tay chỉ vẽ:

“Nhờ đức tin, ông Áp-ra-ham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức tin, ông đã tới cư ngụ tại Đất Hứa như tại một nơi đất khách, ông sống trong lều cũng như ông I-xa-ác và ông Gia-cóp là những người đồng thừa kế cũng một lời hứa, vì ông trông đợi một thành có nền móng do chính Thiên Chúa vẽ mẫu và xây dựng. Nhờ đức tin, cả bà Xa-ra vốn hiếm muộn, cũng đã có thể thụ thai và sinh con nối dòng vào lúc tuổi đã cao, vì bà tin rằng Đấng đã hứa là Đấng trung tín. Vì thế, do một người duy nhất, một người kể như chết rồi mà đã sinh ra một dòng dõi nhiều như sao trời cát biển, không tài nào đếm được(Dt 11, 8-12).

Qua bao cuộc hành trình và dấn thân quyết liệt tràn đầy hy vọng bất chấp hiểm nguy, Dân Chúa đã đúc rút được kho tàng kinh nghiệm đó trong lời Thánh vinh:

Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.

Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
vì danh dự của Người.

Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm
(Tv 23,1-4).

20 thế kỷ qua đi, biết bao vương quốc hùng mạnh nổi lên rồi sụp đổ, bao thế lực xưng hùng xưng bá hòng loại trừ Thiên Chúa ra khỏi trần gian nhưng thảy đều tiêu tan lụn bại. Giáo hội Chúa Kitô, mặc dầu chỉ là “đoàn chiên nhỏ bé” (Lc 12,32) dù vẫn mang trên mình những bất trung và tội lỗi, nhưng vẫn cố gắng một mực trung thành với sứ mạng được Chúa giao phó là tiếp tục công việc của Chúa Giêsu Kitô cứu thế. Giáo hội đó đã là một bằng chứng của một Dân cất bước hành trình trong hy vọng. Giáo hội Chúa Kitô bị bách hại khi còn non nớt ngay tại nơi nó sinh ra, tiếp đến ba thế kỷ Rôma bách hại khắp đế quốc. Giáo hội tại Việt Nam cũng có một thời gian tương tự như thế bị bách hại dữ dội. Có thể nói, khắp nơi trên thế giới, ở đâu có đạo là ở đó chịu bách hại. Gần đây nhất, đài Chân Lý Á Châu ngày 11-10-2024 thông tin rằng: “Cho đến nay, đã có 3,500 vị tử đạo bị sát hại vì sự oán ghét đức tin, trong thời nội chiến từ năm 1936 đến năm 1939, tại Tây Ban Nha đã được phong chân phước; hiện còn 4,000 vị khác có thể được tôn phong trong những năm tới đây.” Như vậy, chỉ trong vòng 3 năm của nửa đầu thế kỷ XX, Giáo hội Tây Ban nha đã có 7500 vị tử đạo đã và đang được phong chân phước, những người bị bách hại về đức tin là vô số, và con thuyền Giáo hội luôn bị tấn công.

Có nhiều lúc thiên hạ tưởng chừng Giáo hội Chúa Kitô bị tiêu diệt hoàn toàn, con thuyền Giáo hội sẽ bị nhấn chìm trong sóng dữ, nhưng Giáo hội ấy không bao giờ mất niềm hy vọng. Trong Giáo hội lữ hành đầy đau thương được Chúa sai đi “như chiên đi vào giữa bầy sói” (Mt 10,16) ấy, có rất nhiều nhân chứng cho niềm hy vọng không gì che khuất được: Trước một đám đông cuồng nộ đang lượm đá ném ngài, thánh Têphanô, vị tử đạo tiên khởi đã “nhìn thấy trời mở ra, và Con người đứng bên hữu Thiên Chúa” và nhờ sự nhìn thấy trước vinh quang này, mà khi sắp trút hơi thở cuối cùng, thánh nhân đã thều thào trong đau đớn cầu xin Chúa “đừng trách cứ họ vì tội” ném đá mình (x. Cv 7,51-59).

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI kể chuyện thánh nữ Giuseppina Bakhita, một người Sudan, đã bị những người buôn nô lệ bắt cóc lúc 9 tuổi, bị bán 5 lần ngoài chợ, qua tay nhiều ông chủ, bị đánh đập hành hạ, mang trên mình 144 vết sẹo. Khi bị đưa sang Ý    , trong kiếp nô lệ ngàn trùng gian khổ, bà được biết có một ông chủ vượt lên trên mọi ông chủ, đó chính là Thiên Chúa hằng sống. Bà tin ngài là Đấng yêu thương bà, nhận biết và đón nhận bà. Dù sống trong cảnh tối tăm mù mịt, bà vẫn nhận biết mình không còn là nô lệ, nhưng là con Chúa. Với sự nhận biết ơn cứu độ, bà từ chối việc được tự do hồi hương. Bà ở lại Ý, sau đó nhập dòng Canossa tại Verona. Bà tìm cách đi quanh nước Ý để truyền giáo, cốt làm sao trao ban niềm hạnh phúc được biết Chúa của mình cho nhiều người khác.[6]

Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh, chịu tử đạo 1857  đã diễn đạt niềm hy vọng qua đau khổ vì đức tin qua đoạn thư gửi các chủng sinh như sau: “Tôi, Phaolô, bị gông cùm vì danh Chúa Kitô, ước mong kể lại cho các con những thử thách mà cha chịu hằng ngày Nhà tù ở đây thực sự là hình ảnh Hỏa Ngục muôn đời: thêm vào bên cạnh những đòn tra tấn dã man gồm đủ mọi cách – gông cùm, xiềng xích, đe dọa – là oán hận, trả thù, tai ương, thô bạo tục tằn, cãi vã, hành động độc ác, chửi thề, cũng như những nỗi âu lo và than khóc. Nhưng chính Chúa là Đấng đã giải thoát 3 thanh niên khỏi lò lửa hãi hùng, đã ở với cha luôn luôn; Ngài đã giải thoát cha khỏi những khốn cùng này và làm cho chúng nên dịu ngọt, vì lòng từ bi Chúa muôn đời. Những gian truân này thường làm kinh khiếp nhiều người khác, thế nhưng với cha, nhờ ơn Chúa, cha tràn đầy niềm vui và phúc lạc, bởi vì cha không ở một mình – Đức Kitô ở với cha... Làm sao cha có thể chịu được cái cảnh mỗi ngày nhìn thấy các vua chúa, quan quyền, và những tay sai của họ phạm thượng tới thánh danh, Ôi lạy Chúa, những kẻ ngoại đạo đã đang chà đạp Thánh Giá Chúa dưới chân! Còn đâu là vinh quang Chúa? Khi con nhìn thấy tất cả những sự này, con muốn với tất cả tình yêu cháy bỏng của con cho Chúa, ước ao tay chân con bị chia ra thành mảnh, chết làm chứng cho tình yêu Chúa.... Cha viết ra những dòng chữ này cho các con ngõ hầu đức tin của các con và của cha được hiệp nhất. Giữa phong ba bão táp, cha bỏ neo con thuyền của cha vào ngai Thiên Chúa, chiếc neo đó là hy vọng sống động trong trái tim cha.”[7]

Thánh Anrê Trần An Dũng Lạc, trong khi chịu khổ hình vẫn kiên định:

Đông qua tiết lại thì xuân tới

Khổ trảm mai sau hưởng phúc an

Làm kẻ anh hùng chi quản khó

Nguyện xin cùng gặp chốn thiên đàng”.

Ngay trong chốn lao tù với bao nhiêu khổ cực dày vò tâm hồn và thể xác, Đức Hồng y  Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận vẫn có thể viết nên quyển “Đường Hy Vọng” và đã truyền cảm hứng cho biết bao người.

Trong cuộc tiếp kiến chung ngày 16 tháng 10 năm 2024 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định: “Đức tin giải thoát chúng ta nỗi sợ hãi rằng, mọi sự sẽ kết thúc sau cái chết, rằng không có sự cứu chuộc nào cho những đau khổ bất công đang thống trị trên trái đất”[8].

Có lẽ các bạn trẻ cần một vài nhân chứng cùng trang lứa để chúng ta thấy rõ niềm hy vọng không là đặc quyền của độ tuổi nào. Tất cả mọi người nam phụ lão ấu đều được Chúa hứa ban phúc trường sinh và mời gọi bước theo Ngài trên đường huy vọng.

Sách Macabê quyển thứ 2 kể chuyện bà mẹ có 7 người con tử đạo cùng một ngày:

“…, đến lượt người thứ ba bị tra tấn. Vừa được yêu cầu anh liền thè lưỡi, can đảm đưa tay ra, và khẳng khái nói: Tôi có được lưỡi này, tay này, là do Chúa Trời ban. Nhưng vì luật Chúa Trời, tôi coi khinh những thứ đó, và tôi hy vọng nhờ Chúa Trời, tôi sẽ lấy lại được. Nhà vua và quần thần phải sửng sốt vì lòng can đảm của người thanh niên đã dám coi thường đau khổ(Mcb 2, 7,10-12).

Các chứng nhân của niềm hy vọng không chỉ dừng lại nơi các vị tử đạo mà còn xuất hiện mạnh mẽ trong cuộc sống đời thường. Tại thành Assisi ngày nay người ta trưng bày và tôn kính thân xác khá nguyên vẹn được bọc sáp của chân phước Carlo Acutis - thầy dạy đời sống và đức tin. Carlo Acutis sinh năm 1991 tại London và lớn lên ở Milano. Cậu qua đời năm 2006 vì bệnh bạch cầu cấp, khi mới 15 tuổi, để lạisự ngưỡng mộ sâu sắc trong ký ức của những người biết cậu, và biết về những gì cậu đã thực hiện trong cuộc sống Kitô hữu ngắn ngủi nhưng đích thực và sâu sắc. Acutis được phong chân phước vào ngày 10/10/2020 tại Assisi và hy vọng được phong hiển thánh trong kỳ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới sắp tới.

Theo lời Đức Hồng y Vallini:

“Đây là một thiếu niên bình thường, giản dị, tự nhiên, thân thiện, yêu thiên nhiên và động vật, chơi bóng đá, có nhiều bạn bè cùng tuổi, đam mê máy tính. Carlo có mối quan hệ cá nhân, thân mật và sâu sắc với Chúa Giêsu, Đấng là Bạn, Thầy, Đấng Cứu Độ, sức mạnh của cuộc đời và là mục tiêu của tất cả các việc Carlo làm. Carlo dựa vào năng lực của Chúa để làm điều tốt cho người khác.”[9]

Trong lúc nhiều bạn trẻ sa ngã, mất phương hướng, thậm chí kết liễu cuộc đời cách bi thảm vì điện thoại, vì máy vi tính, thì Carlo Acutis lại biết dùng chiếc máy tính khá lỗi thời của mình để làm nên cuộc triển lãm 136 phép lạ Thánh Thể được Giáo hội công nhận. Nhiều nơi trên thế giới đã tổ chức triển lãm này. “Đặc biệt tại Hoa Kỳ, 10.000 giáo xứ đã tổ chức triển lãm của Carlo. Lộ trình Thánh Thể đi vòng quanh thế giới, đến các thánh địa như Fatima, Lộ Đức, Guadalupe.[10]

Linh mục Giorgio Maria Carbone phỏng vấn ông bà Andrea Acutis và Antonia Salzano, cha mẹ của Acutis đã ghi lại một đoạn như sau: Nhìn lại sự việc, tôi phải nhận ra những chuyện này trong các câu nói của Carlo, như “Chúa đã thức con dậy một cách tốt đẹp”, “Con sẽ không sống sót khi rời bệnh viện”, “Con xin dâng đau đớn của con để cầu nguyện cho Giáo hoàng” – những câu này có vẻ như lạ với chúng tôi, nhưng thật ra đó là kết quả của cách Carlo nhìn mọi sự, cả khi bi thảm và đau đớn: Carlo nhìn dưới ánh sáng kế hoạch của Thiên Chúa. Đó chẳng phải là hành trình về trời đầy hy vọng sao?

Cùng với Carlo Acutis, Thiếu Nhi Thánh Thể chúng ta có một niềm hy vọng lớn lao khi thông dự thường xuyên vào Bí Tích Thánh thể, như Đức giáo hoàng Biển Đức XVI đã dạy, “trong mọi cử hành Thánh Thể, việc quy tụ cánh chung của Dân Thiên Chúa được thể hiện một cách bí tích. Đối với chúng ta, bàn tiệc Thánh Thể là sự tiên báo thực sự về bàn tiệc cuối cùng, được các ngôn sứ loan báo (x. Is 25, 6-9) và được Tân Ước mô tả là tiệc cưới Con Chiên (Kh 19,7-9) vốn phải được cử hành trong niềm vui hiệp thông với các thánh.[11]

Các bạn Huynh, Dự trưởng và các bố mẹ Trợ tá thân mến, chúng ta được mời gọi tiến đi trong hy vọng mặc dầu con đường phía trước đầy dẫy chông gai. Chúng ta không ảo tưởng đi trên một con đường nhung lụa, không tự trấn an mình về một nền an ninh giả tạo, nhưng can đảm bước theo Chúa Kitô trên con đường thập giá. Theo cách mô tả của Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI: Không phải là bỏ ra ngoài hoặc trốn tránh khỏi sự khổ đau là chúng ta được chữa lành, nhưng chính là do khả năng của chúng ta chấp nhận nó, trưởng thành với nó và tìm ra ý nghĩa qua việc kết hợp với Chúa Kitô, Đấng đã chịu thương khó với tình yêu vô biên (SS 37). Chúng ta không khư khư ôm lấy hy vọng cho riêng mình, nhưng cùng với Giáo hội hiệp hành, trong tình yêu vô biên của Chúa cứu thế, chúng ta cùng với nhân loại và toàn thể vũ trụ hân hoan tiến về trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị. Trong 10 năm qua, Liên đoàn Thánh Gioan Phaolô II của chúng ta đã hình thành và từng bước lớn mạnh nhất định trong tình thương quan phòng của Chúa qua lời bầu cử của thánh Quan thầy. Mặc dầu còn những thiếu sót và còn nhiều việc phải làm, nhưng chúng ta bắt chước niềm tin sắt son của các tổ phụ và các thế hệ cha anh, luôn vững tin có Chúa đồng hành, lại được nuôi dưỡng bởi lương thực trường sinh là Thánh Thể Chúa cùng với sự dạy bảo của Đức Trinh Nữ Maria là ngôi sao hy vọng, chúng ta sẽ không dừng lại cho tới khi đạt tới cùng đích của mỗi cá nhân và cộng đồng nhân loại cùng với toàn thể vũ trụ đạt tới mục tiêu tối hậu từ trong ý định muôn thưở của Thiên Chúa - Đấng Tạo thành và Cứu chuộc.

Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Vinh

Giám đốc ĐCV. Thánh Phanxicô Xaviê

 



[1] x. Hội Đồng Giám mục Việt Nam, Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo hội Công giáo, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, số 56

[2] Ibid., số 57

[3] Ibid., số 58

[4] Ibid., số 58

[5] Ibid., số 58; x. Mt 25,35-37

[6] x. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, Thông Điệp Spe Salvi, (Uỷ Ban Giáo lý Đức tin dịch), số 3

[7] Ibid., số 37

[8] Đức Thánh Cha Phanxicô, Tiếp kiến chung 16/10: Đức Tin Giải Thoát Chúng Ta Khỏi Nỗi Sợ Rằng Mọi Sự Kết Thúc Sau Cái Chết,  https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2024-10/tiep-kien-chung-16-10-2024.html, truy cập 17/10/2024

[9] Vaticannew, Chân Phước Carlo Acutis - Thầy Dạy Đời Sống Và Đức Tin,      https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/chan-phuoc-carlo-acutis---thay-day-doi-song-va-duc-tin, truy cập ngày 17/10/2024

[10] Cuộc đời của Carlo Acutis - Chân Phước Trẻ Nhất Thiên Đàng Vào Đầu Thiên Niên Kỷ Mới, https://phanxico.vn/2023/11/08/cuoc-doi-cua-carlo-acutis-chan-phuoc-tre-nhat-thien-dang-vao-dau-thien-nien-ky-moi/, truy cập ngày 17/10/2024

[11] Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, Tông huấn Sacramentum Caritatis, (Uỷ ban Giáo lý Đức tin dịch), số 31; x. Sứ Điệp Truyền Giáo 2024

 

 

Nguồn tin:
Tags :