Tâm Sự Bồ Đề Con

Fri,11/01/2019
Lượt xem: 2011

      Một cây Bồ Đề bé nhỏ mọc lên trước sân Đại Chủng Viện Vinh Thanh. Nó không biết phải bắt đầu từ đâu để có thể giãi bày những tâm sự của mình, mặc dù nó có rất nhiều điều muốn nói, nhiều thắc mắc đang vây bủa.  

Nó chào đời vào một ngày đẹp trời cuối mùa xuân, sau một hồi cựa quậy, cuối cùng nó cũng chui ra được khỏi cái vỏ bọc của mình. Nó bỡ ngỡ trước cảnh vật chung quanh; đối với nó cái  cũng cảm thấy thật mới mẻ: 

-        Cây cao lớn kia là gì thế hả mẹ? Nhìn lực lưỡng quá?

-        Đó là bác Xà cừ,  Mẹ nó trả lời.

-        Thế còn bên kia là cây gì mà trông gầy dơ trắng hếu vậy? Nhìn có vẻ như thiếu ăn!

-        Bậy! bác Đa đó con! Trông bác như thế mà khỏe lắm đó.

-        Thế còn bên kia?

-         Đó là dì Phượng, dì ấy tuy lá tẳn mẳn thế nhưng hoa rực rỡ lắm đó con....

Những câu hỏi dồn dập làm cho bồ đề mẹ trả lời không kịp nữa.

Ngày qua ngày, bồ đề con lớn lên trong sự vỗ về của mẹ. Nó đang dần làm quen với cuộc sống mới. Ai cũng bảo nó hiếu động, vì dường như gặp cái  nó cũng hỏi, cũng muốn tìm hiểu. Nhưng cái khó nhất đối với nó là việc phải chịu đựng với cái khắc nghiệt của khí hậu nơi đây. Cái buốt giá, hanh khô đến nứt nẻ của mùa đông, cái nắng mùa hè sao mà khó ưa đến vậy, làm cho làn da mịn màng của nó nhăn nheo lại, thật là rõ ghét…

Rồi một lần, không chịu nổi nữa, nó cất tiếng hỏi:

-        Bác Xà Cừ ơi ! thế ai ra đời cũng phải chịu cái nắng quái gở này hả bác ?

-        Ồ !!! cháu bé! - Bác xà cừ nhỏ nhẹ - Nếu không có nó thì mọi vật trên trái đất này sẽ không sống được đâu cháu ạ.

-        Tại sao lại thế?

-        À !!! bây giờ cháu còn nhỏ chưa hiểu được nhưng khi lớn lên cháu sẽ hiểu.

Nó nhăn mặt tiu nghỉu! Nhưng dầu sao nó cũng tự hào vì ai cũng khen dáng nó đẹp, cao ráo. Sao lại không tự hào cho được vì cứ chiều chiều, mỗi khi đi ngang qua đây, ai cũng trầm trồ: nhìn cây bồ đề dễ thương quá. Nhất là có một vài thầy chủng sinh, những giờ giải lao sau tiết học hay trên đường đi chơi thể thao, cũng đứng lại ngắm nó một chút cho được. Từ ngày bồ đề con nhận ra tầm quan trọng của mình, tự nhiên nó quên mất chuyện phải hỏi cho tường tận chuyện về  cái nắng, cái mưa…

Ngày qua ngày, bồ đề con lớn nhanh trông thấy. Chính bản thân nó cũng cảm thấy mình thay đổi nhiều. Nó dần thích ứng được với cài nắng đầu mùa hạ, rồi những trận mưa rào chợt đến, chợt đi; và cả những cái buốt, cái hanh khô của mùa đông nữa. Nó bắt đầu tập quan sát mọi sự, và tìm hiểu về nguốn gốc của mình. Mẹ nó bảo rằng đã lâu lắm rồi, có lẽ cái duyên từ kiếp trước, mẹ nó được sinh ra ở đây, bên cạnh chuồng bò của Đại Chủng Viện. Chỉ cần có thế, mẹ nó không ngừng vươn mạnh và ngày một duyên dáng hơn. Người ta bảo, mẹ nó thuộc giống dòng với cây bồ đề gắn liền với Phật Đản và Phật giác ngộ. Mẹ nó không dám chắc nhưng vẫn thấy lòng lâng lâng và cứ ‘soi gương’ mãi. Nhất là khi nhìn thân hình ‘tứ diệu đế’ của mình, mẹ nó càng tin điều đó là thật. Tổ tiên mẹ nó bao đời gắn với những vị cao tăng, đại sư đắc đạo, quen với tiếng gỏ mõ tụng kinh. Nào ngờ, cái duyên lạ đưa mẹ nó tới đây, cũng bầu trời tu nhưng có cái gì đó khang khác. Khi đang nghĩ suy và tự hào về nguồn cội của mình, thì mẹ nó chắc còn nhớ rõ lắm, khoảng tháng 10 năm 1996, thầy quản lý Giuse Trần Ngọc Liêm (bây giờ là cha quản xứ Thanh Tân) đã nhờ người từ giáo họ Bùi Chu gần đó dời đến trồng tại nơi đây, khi ấy mẹ nó cũng đã cao chừng 4 mét. Ngày đó, khi phải rời xa chốn cũ thân quen, chia tay những kỷ niệm gắn chặt với tuổi thơ, mẹ nó buồn lắm. Tại nơi đây, nó phải oằn mình trước giông bão, lạc lõng giữa khung trời mới và dường như cảm thấy mình lép vế trước một bác cao lớn gần đó, lòng tự ty làm mẹ nó thêm bế tắc. Cho đến khi người ta đào bác ấy đi để xây căn nhà Michael hiện giờ, mẹ nó mới thấy tiếc nuối, ân hận. Dường như lòng ích kỷ, hờn dỗi bào mòn mẹ nó nhiều hơn cả những khó khăn, nghịch cảnh và tự ty. Từ ngày ấy mọi thứ như thay đổi, mẹ nó nhận thấy rằng cuộc sống chỉ hết tù ngục khi biết nhìn người và nhìn đời cách tích cực, bao dung và yêu thương. Nếu như ngày ấy không chấp nhận rời xa chốn thân quen, không kiên cường chịu đựng những sương gió; không chấp nhận cho người ta cắt tỉa,... chắc gì mẹ nó có được như ngày hôm nay? Mọi sự không qua đi cách ngẫu nhiên và vô nghĩa, nhưng tất cả đều có giá trị và ý nghĩa của riêng nó, điều quan trọng là chúng ta có đọc ra và nỗ lực hết mình với nó không. Khi bồ đề con được sinh ra cũng thế, mẹ nó nhớ rất rõ là vào một ngày cuối xuân 2009. Khi đang nâng niu nhìn ngắm đứa con vừa sinh ra thì một cơn gió thoảng đã thổi văng nó khỏi tay mẹ nó. Hoảng hốt nhìn quanh thì thấy nó đã yên vị ở một vị trí khá đẹp, cách đó chừng 7 bước chân. Liên tưởng đến 7 bước chân Đức Phật khi sinh ra: phải chăng là định mệnh, mẹ nó nhủ lòng cứ tin như thế, vì Ông Trời chưa bao giờ nhầm lẫn cả. Rồi nó lớn lên trong nỗi thấp thỏm lo âu của mẹ nó, vì sợ người ta nhổ nó đi như cỏ dại ven đường. Nhưng rồi, vào một ngày hè đẹp trời năm 2011, cha giáo Phêrô Nguyễn Văn Viên, cùng với thầy quản lý Phaolô Nguyễn Trường Đại đã che chắn nó bằng một bờ rao bao quanh. Mẹ nó đỡ lo, nhưng ban đầu nó có vẻ khó chịu lắm, khó chịu vì sự tù túng, chật hẹp và cả những trầy xước đau đớn mỗi khi va phải. Nhưng đúng như lời mẹ nó nói, khi lớn lên nó mới thấy được giá trị của bờ rào đó là như thế nào. Thú thật, -nó ngẫm nghĩ- nếu không có bờ rào, chắc gì nó có một thân hình mập mạp, dễ thương như bây giờ, thậm chí nó đã có thể tồn tại? Nhờ thế, dù hiện giờ bờ rào không còn nữa, nhưng nó vẫn thấy mình vững chãi, cứng cáp và thêm yêu mảnh đất này, mảnh đất mà mẹ nó vẫn ngày ngày nhẩm đếm những điều thú vị đi qua. Từ ngày có mặt ở đây, mẹ nó đã chứng kiến biết bao thế hệ chủng sinh của 2 giáo phận Vinh và Thanh Hóa đi qua mái trường này, phần đa trong số họ bây gi đã trở thành linh mục, thậm chí nhiều vị đã về với Nguồn Cội. Nói thật, nó chẳng hiểu “chủng sinh” là  và “linh mục” ra sao. Thuở còn bé tí tẹo, mỗi khi mẹ nó kể về họ, nó chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Nhưng bây giờ nó đã lớn khôn, nó cảm thấy mình có quyền được biết; thế là, nó bắt đầu tò mò tìm hiểu xem những người được gọi là chủng sinh ấy là thế nào và họ sinh hoạt ra sao trong ngày sống?

4h30 sáng, khi mà bồ đề con đang còn say sưa giấc nồng thì bỗng keng.. keng… keng… tiếng kêu khó chịu đã xé ngang giấc ngủ của nó.

-        Tiếng gì thế hả mẹ? Nó gắt gõng.

-        Tiếng chuông báo thức đó con, Mẹ nó dịu dàng trả lời.

-        Sao mà sớm vậy? người ta đang mơ  giấc mơ đẹp...!!!

Nó vừa nói vừa dụi mắt nhìn sang. Và từ xa, nó thấy các thầy đang tập thể dục buổi sáng. Chỉ kịp nhìn có thế, rồi nó lại thiếp đi. Trong giấc mơ, nó nghe thấy tiếng ai đó hát rất hay, hay như thiên thần vậy. Giọng hát vừa lạ lại vừa quen, hình như nó đã nghe ở đâu rồi. Đúng rồi, quen lắm, tiếng hát mỗi lúc một rõ hơn. Tiếng hát phát ra như ở ngay bên cạnh nó vậy… ô hay, thì ra là tiếng các thầy đang hát trong thánh lễ ban sáng, ừ đúng rồi… và nó bắt đầu lắng tai nghe. Tiếng đàn ca vẫn tiếp tục xen lẫn tiếng thưa đáp nhịp nhàng, vừa ầm áp lại vừa trầm hùng. Và nó chợt nhận ra rằng: điều kỳ diệu không ở đâu xa, mà ở ngay bên cạnh mình nếu mình biết lưu tâm đến. Bồ đề con cứ ngẩn người ra lắng tai nghe cho đến khi có tiếng chổi quét xào xạc dưới chân nó. Thì ra thánh lễ ban sáng đã kết thúc từ lúc nào nó không hay, các thầy đang làm vệ sinh buổi sáng, hình như vừa quét vừa đang gẫm suy điều gì đó thì phải? Hôm đó nó quyết tâm bỏ ra một ngày để quan sát xem các thầy sinh hoạt ra sao.

Sau bữa điểm tâm, 7h30 các thầy bước vào giờ học đầu tiên. Nó nhìn theo bóng dáng những chàng trai trẻ tràn đầy sức sống, với nét mặt vui tươi bước vào lớp học. Nhìn họ học một cách say sưa, bồ đề con chợt nghĩ đến lời bài hát nó nghe được trong thánh lễ sáng nay: “Vì ngày mai con lo hôm nay, vì tương lai con lo hiện tại…” mà lòng tự hỏi:Vì đâu mà những người trai trẻ này lại can đảm dấn thân vào con đường này nhỉ? vì của cải, danh vọng ư? vì được thăng quan tiến chức ư? Vì để vinh thân phì gia ư?chắc hẳn không phải rồi, bởi trông họ đâu đến nỗi, họ cũng học cao biết rộng, con đường tiến thân của họ ngoài xã hội sẽ ngời ngợi lắm! Vậy thì do đâu nhỉ ? Cứ miên man trôi theo dòng suy nghĩ mà mặt trời đứng bóng lúc nào nó cũng không hay. Nó tạm gác lại chuyện ban sáng để đùa vui theo những cơn gió mùa hạ hiếm hoi. Bỗng tiếng chuông cắt ngang dòng miên man của nó, thấy các thầy chủng sinh bước ra, tiến về phía mẹ con nó, nó như quên hết mọi suy nghĩ còn dở dang. Một vài thầy dạo quanh nó, số đông khác lại tranh thủ luận bàn "ghế đá đại cương" dưới chân mẹ nó. Thỉnh thoảng nó lại nghe các thầy nhắc đến "Bồ đề", nó nghênh cái mặt ra, cười phấn khích. Nhưng rồi nó lại nghe nói đến Phật, đến Quan Âm, rồi chì chi..Lạt Ma mà nó không rõ. Thì ra các thầy đang học về Phật Giáo, thế mà nó cứ tưởng... Nhưng rồi nó cũng tự hào, vì nó biết tổ tiên nó liên hệ với Đức Phật, với đạo Phật nhiều lắm.

Rồi tiếng chuông lại reo, luận bàn về "bồ đề học" lại tạm ngưng cho tiết học tiếp theo của các thầy. Cứ thế buổi học trôi qua.

11h, chắc các thầy đã mệt lắm, nhìn vẻ thất thểu ra khỏi lớp như thế nó không thể nhầm được. Nhưng bỗng nó lại thấy các thầy lặng lẽ bước ra như đi gặp ai đó. À phải rồi, đi viếng Thánh Thể, chắc họ đến kể cho Chúa nghe một buổi họ đã cố gắng như thế nào chứ gì! Đúng là các thầy... mãi ngắm nhìn các thầy chủng sinh mà nó quên đi chính nó đang bị cái nắng giữa trưa thiêu đốt, xa xa trên tay mẹ nó, những chú chim vẫn miệt mài tìm mồi và luôn miệng hát líu lo. Nó lại thả mình hòa với chúng. Bỗng! ầm...ầm.. từ đâu kéo đến, hóa ra là bác xe tải đang chở vật liệu, số là Đại Chủng Viện đang trong giai đoạn trùng tu. Nghe mẹ nó nói thế chứ bản thân nó cũng chẳng rõ lắm trùng tu là như thế nào. Tiếng mấy chú chào mào lại cuốn hút nó trở lại, hòa quyện đong đưa cùng ngọn gió xen lẫn bản song tấu của cặp sáo thì lại nghe keng...keng...keng... sao chát chúa khó chịu thế không biết. Lại chuyện gì nữa đây? Nó tự hỏi. Nhưng rồi thấy các thầy đi ra, nó mới nhớ là giờ lần hạt sau nghỉ trưa. Sau chứng 20 phút, bỗng thấy một sự im lìm bao trùm, thì ra là giờ các thầy tự học.

Đúng 4h45 chiều, sau 30 phút lao động, tiếng chuông vừa dứt, nó đã biết ngay đó là giờ thể thao. Nói thực, nó cũng chẳng thích cái giờ này cho lắm, vì lâu lâu lại có một quả bóng từ đâu lao thẳng vào mặt khiến nó đau điếng cả người. Nhưng bù lại, được nghe tiếng cười đùa vui vẻ khiến nó cũng cảm thấy vui lây. Nó chưa từng biết đến các sân bóng nào khác, nhưng nghe người ta nói thì đây là sân bóng “độc nhất vô nhị”, vì số lượng cầu thủ quá đông trong khi khán giả chỉ có mẹ con nhà nó, cộng thêm mấy chú hồng xiêm và vài gia đình nhà thực vật nữa. Thế nhưng các cầu thủ ở đây chẳng quan tâm đến việc khán giả nhiều hay ít mà chỉ chú tâm vào chơi với phương châm: đã chơi là chơi hết mình. Bồ đề con cứ nghĩ mà thầm cảm phục các thầy, nó còn tự hào là một fan nhiệt thành của các thầy nữa. Chính vì thế mà 1 giờ đồng hồ chơi thể thao qua đi thật nhanh. Khi tiếng chuông vừa cất lên, thoáng một cái trên sân đã không còn một bóng người. Giờ đây chỉ còn lại mẹ con nhà nó và vài người láng giềng quen thuộc.

Keng keng keng… lại chuông  nữa đây, à phải rồi, chuông các thầy đi đọc kinh chiều. Khi ông mặt trời khuất sau tháp nhà thờ giáo họ Bùi Chu, cũng là lúc tiếng kinh chiều vang lên. Vẫn cái giọng trầm ấm quen thuộc, nghe vừa trang trọng, lại vừa linh thiêng.

Nó cứ ngồi đợi cho đến lúc các thầy dùng cơm tối xong. Vì nó biết rằng đây là khoảng thời gian cuối cùng trong ngày nó được gặp lại các thầy. Nó hồi hộp chờ đợi… Một thầy,  hai thầy, rồi ba thầy… từ nhà cơm bước ra đi dạo trên sân. Họ vừa đi vừa nói chuyện với nhau một cách vui vẻ. Từ xa xa, nó đung đưa thân mình như thể cho các thầy nhìn thấy dáng vẻ thanh mai, duyên dáng của mình; và rằng nó không còn là bé con tí tẹo ngày nào. Nhưng tiếc rằng trời đã tối, làm  có ai để ý đến nó nữa. Nghĩ thế, nó liền đứng yên để lắng nghe xem các thầy nói với nhau những  mà vui vẻ thế? Thì ra toàn là những chuyện học hành, chuyện giáo xứ ở quê, chuyện gia đình, rồi những dự định sẽ thực hiện trong dịp mục vụ hè sắp tới… toàn những chuyện chẳng liên quan  đến nó cả. Nó quyết định không nghe nữa mà ưỡn mình để hy vọng đón những giọt sương đêm đang bắt đầu rơi.

8 giờ tối, hồi chuông vang lên. Không cần để ý nó cũng biết đó là giờ kinh tối của Đại Chủng Viện, cũng là giờ sinh hoạt chung cuối cùng trong ngày của nhà trường. Nó bỗng giật mình vì không biết ngoài kia có ánh đèn  mà sáng thế, ồ không phải, đó là ánh trăng đêm, thế mà nó cứ tưởng… Đêm nay trăng sáng quá, nó tự nhủ. Trong màn đêm lung linh huyền ảo đó vang lên những lời nguyện kinh:

“Lạy Chúa, lúc chúng con còn thức, xin Ngài cứu vớt cho;

khi chúng con đã ngủ,xin Chúa cũng giữ gìn;

để cùng thức tỉnh với Đức Kitô và nghỉ ngơi an bình”.

Tiếng kinh vừa ngớt, nó thấy dường như không còn một tiếng động nào nữa, cả những bước chân đi cũng nhẹ nhàng khác lạ, một sự tĩnh lặng thật thiêng thánh.

22h, tiếng chuông cuối cùng trong ngày vang lên, như một giờ hẹn, ánh đèn nơi các phòng đồng loạt tắt, cả Chủng viện chìm vào trong giấc ngủ.

Đêm càng về khuya, ánh trăng càng sáng, soi tỏ từng nếp nhà, từng ô cửa sổ của chủng viện. Cả một bầu khí tĩnh lặng bao trùm khắp mặt đất. Không thể tin được rằng ở giữa một xã hội xô bồ, hối hả như thế mà lại có được bầu không gian yên ả đến như vậy. Bồ đề con chưa muốn đi ngủ sớm trong một đêm trăng đẹp như thế này. Vừa ngắm trăng nó vừa nghĩ về cuộc đời nó, nghĩ về con người nơi đây – những chàng trai đang tràn đầy sức sống như bao thanh niên khác, nhưng có một điều khác là họ lựa chọn sống cho một niềm tin, một lý tưởng cao đẹp.

Các chủng sinh đang ở trong giai đoạn đào luyện để trở thành những mục tử trong tương lai, những con người  tự nguyện dấn thân để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ anh chị em đồng loại. Như ánh nắng chói chang cùng với những trận mưa hè xối xả làm cho Bồ Đề trầy xước cả mình mẩy, nhưng -như lời bác xà cừ- đó lại là điều cần thiết để nó phát triển và trưởng thành như bây giờ. Nhiều người đã cho rằng những người tu hành nói chung và chủng sinh nói riêng là những người không bình thường, nhưng nó thì lại nghĩ khác. Có lẽ nó là người hân hạnh được sinh ra và lớn lên trong sân Đại Chủng Viện, ít nhiều nó cũng có những hiểu biết về những người trai trẻ này và lý tưởng của họ. Tạo hóa đã sinh ra mỗi loài và đặt để nơi chúng một ơn gọi riêng biệt. Cũng như nó, sinh ra để mang lại vẻ đẹp cho sân trường, mang lại bóng mát một khi nó cao lớn, mỗi người có một hướng đi, một ơn gọi riêng. Những con người nơi đây đang theo đuổi một đời sống tận hiến, để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân.

Nó lẩm nhẩm tính, bây gi đã là đầu tháng 4 rồi, chỉ vài tháng nữa thôi là nó phải chia tay các thầy khi các thầy đi nghỉ hè. Nghĩ thế, tự nhiên trong lòng nó thấy nao nao buồn và rồi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay biết.

 

Phaolô Lê Văn Hùng, K.12

 Trích Tập san Đức Tin Và Văn Hóa - số 01

Nguồn tin: