Mây Của Trời Rồi Gió Sẽ Mang Đi

Sat,12/06/2021
Lượt xem: 1558

Jos. Bùi Hưởng, K.XIV

Trích từ tập san Đức Tin & Văn Hóa số 15

 

Corona virus, sợ hãi. Bài học gắn kết

Vào thời điểm này, đại dịch corona virus đang gây nên nỗi sợ kinh hoàng cho mọi quốc gia, mọi tầng lớp xã hội. Loại virus vô cùng nhỏ bé này không chọn lựa cho mình một cuộc gặp gỡ riêng tư nào hay xây dựng một biên giới bó hẹp nào. Nhưng mọi quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã đang là những cuộc thăm viếng kinh hoàng của loại virus này. Với Covid-19, tất cả mọi người đều bình đẳng. Với Covid-19, Vạn Lý Trường Thành hay bất cứ bức tường nào mà con người có thể dựng nên đều trở thành vô nghĩa. Trực tiếp hay gián tiếp, Covid-19 đã đụng chạm đến tất cả mọi người trên thế giới. Ai cũng sợ mắc phải Covid-19, bởi vì, mắc phải Covid-19 có thể dẫn tới chết chóc, chia lìa hay tổn thất khủng khiếp.

Thật vậy, với Covid-19, tự do của con người bị hạn chế. Chúng ta có thể nói rằng, cho đến hôm nay, chưa bao giờ nhân loại chứng kiến một quyền lực nào trong lịch sử có thể tước quyền tự do của con người như vậy. Với Covid-19, bậc thang các giá trị bị đảo lộn. Những gì thường ngày chúng ta cho là quan trọng, thiết yếu lại trở nên ít quan trọng, thứ yếu. Quả thực, phòng tránh Covid-19 để ngăn ngừa chết chóc tang thương và các hệ lụy khác là điều cần thiết phải làm trong bối cảnh hiện tại. Khắp nơi, mệnh lệnh giãn cách xã hội lan truyền. Xa nhau thường mang nghĩa tiêu cực, nhưng trong bối cảnh đại dịch, thì lại tích cực. Các phương tiện truyền thông lặp đi lặp lại những câu như xa nhau là tôn trọng nhau, xa nhau là yêu nhau, xa nhau là để gần nhau.

Covid-19 nhắc nhở chúng ta rằng trong khi chúng ta quan tâm đến nó, thì cũng phải quan tâm đến những nguyên nhân và hình thức chết chóc khác nữa do con người gây nên, chẳng hạn như hàng triệu em bé không có cơ hội chào đời mỗi năm vì nạn phá thai hay hàng triệu người chết dần chết mòn vì nghèo đói, tai nạn giao thông và nhiều bệnh tật khác mà con người có thể cộng tác với nhau để giảm thiểu tầm mức nguy hại. Chúng ta thường quan tâm đến những cái chết bất thường hay số đông người chết trong khoảng thời gian nào đó, nhưng lại lãnh đạm với những cái chết khủng khiếp đã và đang diễn ra hằng ngày. Hơn nữa, trong khi chúng ta quan tâm đến những loại virus giết chết thể xác, thì cũng cần quan tâm đến nhiều loại virus đang giết dần, giết mòn tâm hồn chúng ta, chẳng hạn như: virus lương tâm chai cứng, virus tôn mình lên bằng cách hạ bệ người khác, virus coi trọng chức năng hơn phẩm giá con người, virus lãnh đạm, dửng dưng, virus bất công.

Thế nên, trong bối cảnh thế giới đầy biến động và bất trắc này, mỗi người trong vai trò là công dân của thế giới, cần trở nên thành viên của một gia đình nhân loại khi chung tay xây dựng hạnh phúc cho nhau. Bởi lẽ, trong một thế giới phẳng - The world is flat”, không ai có thể một mình đối mặt với đời sống. Chúng ta cần một cộng đoàn nâng đỡ và trợ giúp mình, trong đó chúng ta có thể giúp nhau hướng nhìn về phía trước để cùng mơ ước với nhau và cùng nhau kiến tạo các giấc mơ. Ở đó, chúng ta cùng mơ trong tư cách là một gia đình nhân loại duy nhất, như những bạn đồng hành chia sẻ cùng một cốt nhục, như những đứa con của cùng mẹ trái đất là ngôi nhà chung của mình. Cũng nơi đó, mỗi người đóng góp bằng sự phong phong phú của những niềm tin và sự xác tín của mình, với tiếng nói của mình. Nhờ thế, tất cả mọi người đều là anh chị em của nhau.[1]

Mỗi người và sự mở ra

Mỗi người sinh ra đều có một gia đình, một quê hương, một đất nước. Đó như là sở hữu ai nấy đều có quyền giữ lấy cách trọn vẹn. Thế nhưng, mỗi người, trong hành trình làm người không bị bó chặt trong một địa dư lãnh thổ nào. Bởi lẽ, trong chính mỗi người, Tạo Hóa đặt vào đó giác quan của “sự mở ra”. Mở ra với chính mình để không bị bó hẹp trong cái tôi ích kỷ, chủ nghĩa quy thân. Mở ra với thế giới thụ tạo để thấy được sự hiện hữu tuy nhỏ bé nhưng thật ý nghĩa bởi danh hiệu “con người”. Mở ra với tha nhân để thấy được hình ảnh “giao thoa” của mình nơi tha nhân và của tha nhân nơi mình. Trên hết tất cả là sự mở ra với Đấng Sáng Tạo để nhận ra tình yêu, nguồn gốc và cùng đích của ơn gọi làm người. Trong tất cả những sự hướng về đó, sợi dây “tương quan tình yêu” làm cho mỗi người mang vào mình cái của người khác. Để rồi, không còn cực đoan với thảm trạng:

“Ta là một, là riêng, là tất cả

Không có ai bè bạn nỗi cùng ta.”

Không còn phải là “ốc đảo của sự quy ngã hay lô cốt của sự cô độc” mà là tình yêu phá đổ mọi rào cản của địa dư và khoảng cách, làm cho mọi người xích lại gần nhau hơn. Từ đó, mỗi người nhận ra, trân trọng và yêu thương mỗi con người, bất kể sự dị đồng thể lý, bất kể người ấy sinh ra hay sống ở đâu.[2] Một tình yêu tìm cách ôm lấy hết mọi người.

Mở ra với thế giới sẽ làm cho xã hội trở nên toàn cầu hóa hơn. Thế nhưng, cần cảnh giác để tránh khỏi nguy cơ. Đó là, toàn cầu hóa làm cho chúng ta trở thành những người hàng xóm, nhưng không làm cho chúng ta thành anh em.[3] Để rồi, mỗi người sống gần nhau nhưng lại trở nên cô độc hơn bao giờ hết trong một thế giới ngày càng đồng nhất đại trà cổ võ những ích lợi cá nhân và làm suy yếu chiều kích đời sống cộng đoàn. Mỗi cá nhân trở thành những vị khách tiêu thụ thuần túy hay những kẻ bàng quan. Từ đó, ngôi nhà thế giới sẽ ngày càng “dột nát” và thiếu đi một nền móng vững chắc cho sự phát triển bền vững. Hậu quả là, thế giới ngày một trống rỗng và những hạn từ như dân chủ, tự do, công lý hay hiệp nhất trở nên vô nghĩa. Bởi lẽ, chúng đã bị uốn ép để phục vụ như những công cụ thống trị, những nhãn hiệu vô hồn được dùng để ngụy biện cho những hành động phá hoại.[4]

Lý tưởng và thực tế, phân mảnh và đối lập

Lui về quá khứ gần, nhận thấy, nhân loại thế kỷ XX ngột ngạt và kinh hoàng về nhiều mặt. Ở đó, con người chứng kiến những “người khổng lồ” về chính trị và kinh tế. Lịch sử còn nhắc đến tên tuổi và tội ác “hủy diệt” nhân loại mà những chính trị gia độc tài, tham quyền và khát máu đã gây nên bởi những cuộc thanh trừng lẫn nhau, những cuộc diệt chủng, nhất là các nhà độc tài của các chế độ: phát xít, cộng sản, quân phiệt như Mao Trạch Đông, Stalin, Hitler, Pol Pot…với hơn 100 triệu người bị giết.[5]

Thế kỷ XXI non trẻ đã khai mạc vào ngày 11/9/2001 với cuộc tấn công khủng bố vào Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York. Đó như một cú sấm sét tiên báo điều chằng lành, một tương lai phủ đầy “khói đen”. Đó là sự đe dọa của một chủ nghĩa khủng bố không thương tiếc, của sự bất công vô nhân đạo, của việc trẻ em bị bạo hành và đói khát, của hàng triệu người tị nạn chịu cảnh đói rét, bị xâm phạm tình dục, buôn người, chết trên biển. Một thế giới coi việc phá thai, giết người là chuyện thường, là việc giải quyết một nỗi khó chịu trong khi thỏa mãn nhu cầu. Thai nhi bị phá trở thành thức ăn ngon cho loài chó becgie, mối lợi cao cho nguồn thu nhập kinh tế gia đình.[6]

Ngày nay, mạng truyền thông phát triển không ngừng, trong đó, mạng xã hội facebook như là công cụ đắc lực để mọi người kết nối, học hỏi, quảng bá. Nhận thấy ở đó mặt tích cực cũng nhiều nhưng tiêu cực cũng không ít. Nhưng ở đó, người ta như khai thác mặt tiêu cực nhiều hơn. Khi sử dụng nó, người ta có vẻ như đánh tráo khái niệm, tức là cái tiêu cực trở nên tích cực và được mọi người ưa chuộng. Đó là nơi để con người chém gió cách rôm rả, hào hứng về những vấn đề thực tế của cuộc sống. Từ một nỗi buồn bâng quơ của một cá nhân, từ những mốt thời trang không giống ai, từ những vụ ẩu đả mang tính ngược đạo đức, từ những vụ tai nạn… Tất cả, tất cả đều được đưa lên để rao hàng, để tìm like, comment, để chia sẻ và xem như những hot news. Đánh giá cách thẳng thắn, là không gian để xóa tan sự xa cách về mặt địa lý nhưng lắm lúc lại trở nên sân khấu và chợ búa của việc bôi nhọ và vu khống. Nơi đó, người ta vứt bỏ mọi tiêu chuẩn đạo đức và sự tôn trọng thanh danh của người khác. Mối tương quan trở nên sân sau của việc thích hay không thích, nghĩa là những gì tôi thấy hấp dẫn hay những gì tôi thấy ngán ngẩm. Nói cách khác, nơi đó, chúng ta có thể chọn những người mà mình muốn chia sẻ thế giới của mình với họ; còn những tình huống mà ta thấy không thích thú không hợp ý thì đương nhiên bị xóa trong mạng lưới của thế giới ảo. Như thế, con người sống với nhau trên thế giới ảo mà quên đi thế giới thực của mình.

Với văn hóa xây tường, thế giới hôm nay trở nên một thế giới điếc. Ở đó, máy móc công nghiệp, kỹ thuật số…đưa con người sống hối hả, sống nhanh, sống vội, ăn nhanh, ngủ gấp… Nhịp sống đó không cho phép con người chú ý lắng nghe những gì người khác nói. Tình trạng mới nghe nửa chừng đã vội cãi lại và ngăn cản điều người ta nói chưa xong. Thật! Căn bệnh này đã nặng nhưng lại nguy hiểm hơn khi con người không biết mình có bệnh để kịp thời chữa bệnh khi khởi đầu mang máy “trợ thính”.

Tình huynh đệ, nhận ra phẩm giá nơi mình và tha nhân

Mỗi con người là một hữu thể duy nhất, độc nhất vô nhị không có nghĩa sự hiện hữu của nó trở nên đơn độc, lạc lõng và tạo nên một ốc đảo khép kín. Nhưng, khẳng định điều nói trên về con người là thừa nhận một cá vị tự thân nó để rồi biết tôn trọng điều cao quý gắn liền với phẩm giá của nó. Đó là phẩm giá của trí tuệ, chân lý và khôn ngoan mà con người được sở hữu. Đó là phẩm giá của lương tâm mà con người được đặt để. Đó là phẩm giá của món quà tự do mà con người được ban tặng nhưng không. Đó là phẩm giá được kêu gọi để sống trong đời sống hạnh phúc với Thiên Chúa. Từ phẩm giá đó, con người đạt tới thực tại sâu xa nhất của chính bản thân. Hay nói cách khác, phẩm giá của con người là dấu chỉ cao cả nhất của hình ảnh Thiên Chúa trong con người.[7]

Nhận chân rằng, mỗi con người là một phẩm giá duy nhất nhưng điều đó không cho phép con người tự khép kín và chỉ biết có mình. Phẩm giá đó chỉ trở nên tròn đầy và được nhận biết khi con người sống trong mối tương giao. Bởi lẽ con người chỉ nhận ra giá trị của mình khi biết tôn trọng phẩm giá của người khác. Mối tương giao nơi con người không phải phát xuất tự con người nhưng có cội nguồn từ bản chất của Thiên Chúa Ba Ngôi. Đó là tương giao của tình yêu, chia sẻ. Trình thuật Kinh Thánh nói về việc Thiên Chúa không chỉ sáng tạo A-đam mà còn tạo nên E-và như một trợ tá tương xứng của ông. Điều đó vừa khẳng định giữa người nam và người nữ có cùng một bản chất và một phẩm giá vừa nói đến một thực tại trong chính hữu thể con người – hữu thể cần sự giao tiếp. Sở dĩ như thế bởi trong mỗi con người luôn thể hiện một vết thương hiện hữu trong chính nó và vết thương đó dẫn nó đến người khác. Chính trong người khác, mỗi người mới tìm được cái toàn thể của mình.[8] Như vậy, con người được tạo ra trong nhu cầu cần đến người khác để nó vượt qua chính mình và tìm được mình nơi người khác. Đời sống của con người luôn chứa đựng một mục đích để hướng về, tức là nhắm đến điều cao cả và cốt lõi nhất của ơn gọi làm người. Mục đích đó được Immanuel Kant nhận định: “Con người là kẻ duy nhất mang trong chính mình một mục đích, và không phải trở thành mục đích cho một cái gì khác.” Về điểm này, khi so sánh con người với các loài sinh vật khác, chúng ta nhận thấy sự hiện hữu của con người có mục đích tự thân cho chính nó, còn các sinh vật khác thì nhằm mục đích cho một điều gì khác. Điều này có nghĩa là trong mỗi sinh vật luôn chứa đựng khả thể cho một điều gì khác hay một quy luật khác. Thí dụ, cây cỏ để làm thức ăn cho trâu bò, hươu nai làm thức ăn cho hổ báo… Và ta thấy, sự tồn tại của chúng để đảm bảo sự cân bằng sinh thái trong thế giới theo hướng đi lên. Hay nói cách khác, mỗi cá thể trong thế giới sinh vật tồn tại cho một cá thể khác chứ trong chính tự thân của nó không phải tồn tại cho mình, vì mình.

Từ tương quan đến dâng hiến: sống hay chết

Nhận thấy, con người không dừng lại ở tương giao chiều ngang mà còn hướng tới việc giao tiếp chiều dọc. Đó là mối tương giao với Thiên Chúa. Đây là một tương giao nền tảng và nguồn cội xuất phát mọi tương giao khác nơi con người. Khi con người sống trong tương giao này tức là loài thụ tạo hữu hạn lại giao tiếp với Đấng Sáng Tạo, vô hạn. Đó là cuộc đối thoại với chính chân lý, tình yêu đích thực. Điều này cũng diễn tả khao khát của con người hướng về Chân, Thiện, Mỹ. Khao khát đó không cho phép con người ngồi lại trong cái thể xác chóng qua mà thôi thúc con người sống đúng với bản chất của tương giao nơi mình. Nghĩa là sống đúng với mục đích hiện hữu của cuộc đời mình. Một cuộc đời sống theo ý Chúa và hoàn toàn tự do trong những hành động chọn lựa của mình.

Trong tất cả mọi sự chọn lựa, mỗi người đều đang cố gắng tìm cho mình một cách thế hiện hữu. Nói cách khác, đó là sự tồn tại, cách thế hiện diện trên cuộc đời này. Cách cụ thể, xoay quanh chữ ‘sống’ nhưng mỗi người lại chọn cách thức khác nhau.

Thật vậy, ta thường nghe người đời than thở: “Sống không khác gì điên dại! Không biết tại sao mình sống!”. Như thế, sống có phải là điên dại không hay sống chỉ là sống mà không biết tại sao lại sống? Suy nghĩ đó chắc hẳn cũng trở thành tài sản, vấn nạn chung của mọi con người đã từng sống, đang sống và sẽ sống trên thế giới này. Nếu hiểu “sống” theo nghĩa tự nhiên thì sống là sự tồn tại ở hình thái có trao đổi chất với môi trường bên ngoài, có tuân theo quy luật sinh đẻ, lớn lên và chết. Nếu hiểu sống theo phương diện thể lý thì mọi vật trên cuộc đời này đều giống nhau, có nghĩa là con người và con vật đều có sinh ra, tồn tại một khoảng không thời gian nhất định và chết đi.

Song song với cách hiểu trên, có những cách hiểu khác nhau về sống và ở mỗi cái nhìn khác nhau đó sẽ làm cho con người có thái độ sống khác nhau. Đối với những người vô tín ngưỡng hay còn gọi là những người vô thần theo thuyết Maxist, họ cho rằng con người sống chỉ là sống và khi chết là hết. Vì thế, họ xem thế giới này chỉ có vật chất mà thôi nên khi sống họ chỉ lo cho bản thân mình, họ tìm đủ mọi cách để thỏa mãn và làm cho cái xác được sung sướng. Với thuyết vô thần thì trong xã hội ngày nay, có một bộ phận người chấp nhận thái độ “tạm vui với cuộc sống xô bồ” hay số khác lại lăn mình vào “cuộc sống hết mình”, “cuộc sống cuồng nhiệt” và châm ngôn sống của họ là: hãy cứ biết vui chơi cho thỏa chí bình sinh, sống cho ngày hôm nay, đừng lo ngày mai.

Cũng là sống nhưng trong cuộc đời lại có những cách nhìn nhận và thái độ sống khác nhau. Có người cho rằng sống là để hưởng thụ của cải vật chất bởi khi chết đi thì chấm dứt hết mọi sự; cho nên họ luôn tham lam, ích kỷ, đố kị, ghen ghét lẫn nhau để thu vén về cho mình. Ngược lại, có những người vẫn tin tưởng vào một thế giới, một cuộc sống vĩnh hằng, đích thực mai sau nên thái độ sống của họ luôn theo chiều hướng tích cực, luôn đi tìm những giá trị Chân – Thiện – Mỹ, biết sẻ chia với đồng loại bằng tình bác ái yêu thương. Sống trong một xã hội, một kiếp người, mỗi chúng ta hiện giờ đang sống theo chiều hướng nào? Đó là câu hỏi chắc ai nấy đều phải tự vấn cho mình.

Tạm kết…

Kinh Thánh mạc khải cho ta biết: “Thiên Chúa là tình yêu và ai sống trong tình yêu là sống trong Thiên Chúa” (1 Ga 4,16). Sống trong tình yêu là hành trình đi tìm chân lý của hiện hữu làm người. Ở đó, loại trừ những khác biệt và chia rẽ, mỗi người hợp nhất với nhau trong tình anh em, tình máu mủ khi cảm thức thuộc về một gia đình nhân loại duy nhất luôn là thước cho mọi hành động quy chiếu. Trên hết tất cả, nhận ra Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo nên tất cả mọi người. Điều này được thánh Irênê diễn tả khi dùng hình ảnh giai điệu: “Người tìm kiếm chân lý không nên tập trung vào những khác biệt giữa nốt nhạc này với nốt nhạc khác, như thể cho rằng mỗi nốt được tạo ra cách riêng biệt và tách rời khỏi những nốt khác; thay vào đó, người ấy nên nhận ra rằng chỉ một tác giả duy nhất đã soạn trọn vẹn giai điệu”.[9]

Chính tình yêu là liều thuốc để chữa lành căn bệnh điếc lác của con người. Nhờ thế, mỗi người sẽ tinh nhạy hơn để lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa nơi chính mình, lắng nghe thế giới thụ tạo, lắng nghe những người anh chị em.

Một vài tản mạn về những gì đang xảy ra quanh ta. Trên hết tất cả vẫn chỉ để “sống”. Sống làm người, làm con Chúa. Trong tất cả những mối đe dọa của cuộc sống, chỉ ước rằng “mây của trời rồi gió sẽ mang đi”.

“Yêu là chết trong lòng một ít”…

 


[1] Phanxicô, Diễn văn tại Cuộc Gặp Gỡ Liên Tôn và Đại Kết với Giới Trẻ, Skopje, North Macedonia, (7/5/2019).

[2] Phanxicô, Fratelli Tutti, 1.

[3] Bênêđictô XVI, Caritas in Veritate, 19.

[4] Phanxicô, Fratelli Tutti, 14.

[5] Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, “Holocaust, Pol Pot, Iosif Vissarionovich Stalin, Mao Trạch Đông,” https://vi.wikipedia.org. Truy cập ngày 25 tháng 1 năm 2021. Thế kỷ XX đã chứng kiến những bạo chúa tàn ác nhất trong lịch sử: Mao, Stalin, Hitler, Pol Pot … với hơn 100 triệu người đã bị giết.

[6] Thảm trạng được nhà văn Nguyễn Huy Thiệp phản ánh trong truyện ngắn “Tướng Về Hưu”.

[7] Vaticanô II, Gaudium et Spes, 17.

[8] Joseph Ratzinger (Phạm Hồng Lam dịch), Thiên Chúa và Trần Thế, Nxb.Tôn Giáo, 2011, 81.

[9] Irênê, Adversus Haereses, II, 25, 2.

Nguồn tin: