Đặc Trưng Của Văn Hóa Trong Xã Hội Loài Người

Tue,08/01/2019
Lượt xem: 3576

         Giới Thiệu

Văn hóa ăn sâu vào tất cả các chiều kích của cuộc sống con người, đồng thời, là nền tảng cho sự hiện hữu và phát triển của con người. Một mặt, văn hóa chi phối các hành động và tương giao của con người trong môi trường tự nhiên, lịch sử, và xã hội. Mặt khác, văn hóa lại được xây dựng bởi con người thông qua quá trình tiếp nhận, trao đổi, và lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Do các đặc tính phức tạp của văn hóa, một câu trả lời thích đáng cho câu hỏi ‘văn hóa là gì?’ luôn nằm ngoài khả năng tổng hợp và khái quát của ngôn ngữ. Trong thực tế, người ta thường mô tả văn hóa trong biểu hiện cụ thể của nó hơn là tìm cách định nghĩa nó.

Để có được cái nhìn rõ nét hơn về văn hóa và những biểu hiện của nó đối với cuộc sống con người, trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu, đánh giá, và khai triển theo các tiêu đề sau: (1) Hiểu Biết Văn Hóa, (2) Biểu Hiện của Văn Hóa, (3) Con Người và Văn Hóa, và (4) Tính Liên Tục và Phát Triển của Văn Hóa.

1. Hiểu Biết Văn Hóa

Thuật ngữ ‘văn hóa’, trong tiếng La Tinh, dẫn xuất từ cultus (sự gieo trồng). Thuật ngữ ‘văn hóa’ dần được sử dụng với nghĩa rộng hơn, chẳng hạn, sự tinh tế, tao nhã, và lịch sự của con người. Theo nghĩa nguyên thủy của nó, văn hóa liên quan đến cá nhân hơn là tập thể.[1] Mỗi người phải học biết các khái niệm, tập tục, thói quen, cách cư xử, và chủ đích nhằm làm cho mình ngày càng được hoàn thiện hơn. Văn hóa định hướng các cá nhân tham dự vào xã hội bằng cách, trước tiên, xây dựng đời sống nội tại của riêng mình.[2] Văn hóa đóng vai trò ươm trồng, trau dồi, và nuôi dưỡng cá nhân trong đời sống xã hội lẫn tri thức. Trong thời hiện đại, thuật ngữ ‘văn hóa’ bao hàm nhiều nghĩa khác nữa. Văn hóa được diễn tả qua tính đa dạng của các lĩnh vực khác nhau trong đời sống con người, chẳng hạn, niềm tin, ngôn ngữ, nghệ thuật, trang phục, và thiết bị kỹ thuật.[3] Ở tầm mức lớn hơn, văn hóa được diễn tả qua các thể chế, tổ chức, cấu trúc, gia đình, nhóm, cộng đoàn, quốc gia, và quốc tế.[4]

Thật khó để xác lập một định nghĩa hợp lí và thuyết phục hàm chứa các biểu hiện, bản sắc, và đặc tính văn hóa.[5] Raymond Williams cho rằng “điều khó khăn về ý tưởng văn hóa là chúng ta liên tục bị thúc bách phải mở rộng nó, cho đến lúc nó trở nên tương đồng với toàn bộ đời sống chúng ta.”[6] Các định nghĩa văn hóa có xu hướng dán ‘nhãn văn hóa’ cho từng lĩnh vực phổ biến trong xã hội loài người, như văn hóa giới trẻ, văn hóa tầng lớp lao động, văn hóa tầng lớp trung lưu, văn hóa đồng quê, văn hóa thành thị, văn hóa tri thức… Không đâu người ta có thể tìm ra được một định nghĩa tổng quát về văn hóa.[7] Khái niệm văn hóa nhiều lúc rất mập mờ, trừu tượng, và người ta dùng nó cách vô thưởng vô phạt.[8] Ở đây chúng ta xem xét và đánh giá bốn ‘định nghĩa văn hóa’ được xem là nổi bật nhất.

a. Vào cuối thể kỷ XIX, do nhu cầu cần có một định nghĩa văn hóa chính thức, nhà nhân chủng học người Anh, ông Edward Burnett Tylor, trong đoạn văn mở đầu cuốn sách Văn Hóa Sơ Khai (1871), đã đưa ra định nghĩa như sau:

[Văn hóa là] tổng thể phức tạp bao gồm kiến thức, niềm tin, nghệ thuật, luân lí, luật pháp, tập tục và những khả năng cùng thói quen khác mà người ta tiếp nhận được trong xã hội mà mình là thành viên.[9]

Định nghĩa của Tylor nghiêng về tính ổn định và liên tục của văn hóa. Theo đó, văn hóa là những gì con người trải nghiệm và đạt được trong cuộc sống thông qua những hành động ngoại tại của mình trong môi trường lịch sử xã hội. Mối tương quan giữa con người và văn hóa theo một chiều, nghĩa là, từ con người tới văn hóa. Nói cách khác, con người là chủ thể tiếp nhận văn hóa, còn văn hóa được nhìn nhận như đối tượng được con người hấp thu. Theo nghĩa này, văn hóa hoàn toàn phụ thuộc vào con người và được lưu truyền từ người này tới người khác, từ xã hội này tới xã hội kia, và từ thế hệ này tới thế hệ kế tiếp. Chúng ta có thể nhận ra rằng cách hiểu của Tylor về văn hóa là chưa đầy đủ, bởi lẽ không nêu bật được sự thật rằng con người cũng là đối tượng của văn hóa, con người lệ thuộc văn hóa cùng những biến đổi không ngừng của nó. Văn hóa ‘bao phủ’ và ‘hướng dẫn’ con người theo những đặc tính của nó.[10]

b. Người ta cho rằng đến khoảng giữa thế kỷ XX đã có hàng trăm khái niệm hoặc định nghĩa về văn hóa.[11] Trong thập niên 50 của thế kỷ XX, Alfred Kroeber và Clyde Kluckhohn đã nỗ lực đưa ra định nghĩa mang tính tổng hợp về văn hóa như sau:

Văn hóa bao hàm các mô hình, rõ ràng hoặc tiềm ẩn, của hành vi và cho hành vi đạt được và lưu chuyển thông qua các biểu tượng, tạo nên nét đặc trưng của các nhóm người, bao gồm sự hiện thân của họ trong những gì họ làm ra; cốt lõi thiết yếu của văn hóa bao gồm các ý tưởng truyền thống (i.e., có được thông qua lịch sử) và đặc biệt là các giá trị kèm theo; một mặt, các hệ thống văn hóa được xem như các sản phẩm của hành động, mặt khác, các hệ thống văn hóa được xem như là các yếu tố định hướng cho hành động tiếp theo.[12]

Có thể nói rằng cách hiểu của Alfred Kroeber và Clyde Kluckhohn về văn hóa như trên còn khá mơ hồ, rời rạc.[13] Tuy nhiên, trong một nghĩa nào đó, cách hiểu này diễn tả được đặc tính của văn hóa hơn là cách hiểu do Tylor đưa ra, bởi vì cách hiểu này xem biểu tượng là thành phần cốt yếu diễn tả văn hóa. Theo đó, văn hóa ‘khẳng định mình’ và ‘diễn tả mình’ trong xã hội loài người như là thực tại ít lệ thuộc vào kiến thức, ý định, hay hành động của con người.[14] Qua các biểu tượng, các giá trị văn hóa được thể hiện cách đa dạng, thoát khỏi sự kiểm soát và điều chỉnh khắt khe của con người.[15] Cách hiểu này cho phép chúng ta tiếp cận văn hóa và dẫn chúng ta tới nhận thức sâu xa hơn rằng con người và văn hóa tương quan mật thiết với nhau.

c. Định nghĩa văn hóa được Clifford Geertz đưa ra năm 1973 là:

Văn hóa biểu thị tiến trình luân chuyển trong lịch sử mô hình các ý nghĩa được thể hiện qua các biểu tượng, một hệ thống các nhận thức thừa kế được diễn tả qua các hình thái biểu tượng, nhờ đó con người giao tiếp, duy trì, và xây dựng kiến thức cũng như các quan điểm của mình đối với cuộc sống.[16]

So với Kroeber và Kluckhohn, cách hiểu văn hóa của Geertz mang tính tổng hợp cao hơn khi cho rằng các ý nghĩa của văn hóa được diễn tả qua các hình thái biểu tượng hay mô hình cần thiết để con người qui chiếu các hành động, tư tưởng, và các ứng xử của mình. Cách hiểu của Geertz về văn hóa cho phép chúng ta suy luận rằng văn hóa luôn ‘dồi dào’ và ‘thâm sâu’ hơn những gì được thể hiện. Văn hóa là thực tại vượt trên khả năng nắm bắt trọn vẹn của con người. Tương tự như thế, Mathew Arnold cho rằng “một nền văn hóa đang hiện diện luôn có phần chưa được biết đến, chưa được nhận ra. Việc hình thành một cộng đồng luôn là một tiến trình khám phá, bởi vì ý thức không thể có trước tạo dựng, và không có công thức nào cho kinh nghiệm chưa nếm trải.”[17] Văn hóa đóng vai trò trung gian giữa con người với nhau, cũng như giữa con người và thế giới tự nhiên trong tiến trình lịch sử. Chúng ta có thể hiểu cách nôm na rằng văn hóa vừa hiện thực vừa tiềm ẩn, vừa thuộc về kinh nghiệm, vừa siêu vượt kinh nghiệm.[18]

Cách thức để con người tiếp cận văn hóa là thông qua các giá trị và ý nghĩa thể hiện nơi các biểu tượng. Nhờ các biểu tượng, con người có thể tiếp cận và phân biệt các thực tại khác nhau trong môi trường xã hội để xây dựng cuộc sống riêng của mình cũng như cuộc sống chung của toàn thể cộng đồng. Ý thức tầm quan trọng của biểu tượng trong việc tích lũy kiến thức và kinh nghiệm, Paul Ricoer quả quyết rằng “biểu tượng làm thăng tiến tư duy, còn tư duy luôn luôn trở về với biểu tượng và được thông báo bởi biểu tượng.”[19] Qua các biểu tượng, văn hóa tham dự vào tất cả các khía cạnh khác nhau của xã hội loài người và đóng vai trò như kim chỉ nam cho tất cả hành động, thái độ, và cách ứng xử của con người. Geertz nói về ‘biểu tượng’ như sau:

Một mặt, biểu tượng có tác dụng giúp con người nhận diện điều gì đó…. Mặt khác, biểu tượng có tác dụng cho bất cứ đối tượng, hành động, biến cố, đặc tính, hoặc tương quan, trong đó, biểu tượng đóng vai trò như một phương tiện chuyển tải ý niệm.[20]

d. Chúng ta cùng xem xét một cách hiểu chuyên biệt về văn hóa theo quan điểm của Giáo Hội Công Giáo. Cách hiểu này được Công Đồng Vatican II (1962-1965) đề cập đến trong Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay Gaudium et Spes (1965), như sau:

Theo nghĩa tổng quát, chữ ‘văn hóa’ chỉ tất cả những gì con người dùng để trau dồi và phát triển các năng khiếu đa diện của tâm hồn và thể xác; cố gắng chế ngự cả trái đất bằng tri thức và lao động; làm cho đời sống xã hội, đời sống gia đình cũng như đời sống chính trị trở thành nhân đạo hơn, nhờ sự tiến bộ trong các tập tục và định chế; sau hết, diễn tả, thông truyền và bảo tồn trong các công trình của mình, những kinh nghiệm tinh thần và hoài bão lớn lao của các thời đại, để giúp cho nhiều người và toàn thể nhân loại tiến bộ hơn.[21]

Theo cách hiểu của Gaudium et Spes, văn hóa được xem như sẵn có và được lưu truyền nhằm thăng tiến đời sống con người qua các thế hệ, không những về phương diện vật chất mà còn nhiều phương diện khác nữa, đặc biệt là phương diện tâm linh. Văn hóa theo cách hiểu của Gaudium et Spes nặng tính nhân bản, tính xã hội, và tính thừa kế. Văn hóa được xem như thực tại cần thiết cho con người nhằm làm phong phú đời sống của từng cá nhân và toàn thể gia đình nhân loại, nhằm làm cho con người sống xứng với nhân phẩm của mình hơn. Gaudium et Spes nhấn mạnh rằng văn hóa được diễn tả trong những lĩnh vực chuyên biệt trong các ngành khoa học xã hội, lịch sử, và tâm lý. Văn hóa được hiểu trong viễn cảnh lan rộng và phát triển tới tầm mức hoàn vũ. Văn hóa trở thành nền tảng cho suy tư và hành động của con người trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, đồng thời là tiền đề cho sự hiệp nhất của loài người tiến bộ.[22]

Ở trên, chúng ta đã xem xét và đánh giá khái quát ‘định nghĩa văn hóa’ theo quan điểm của một số học giả đã dày công nghiên cứu chủ đề này. Chúng ta cũng đã tìm hiểu sơ bộ cách hiểu văn hóa theo quan điểm của Công Đồng Vatican II trong Gaudium et Spes. Giờ đây, chúng ta điểm qua hai khái niệm gần với khái niệm ‘văn hóa’, đó là ‘phong tục’ và ‘văn minh’.

Đúng là ‘phong tục’ và ‘văn minh’ gắn liền với văn hóa. Tuy nhiên, chúng không tương đồng với văn hóa. Trong điều kiện tốt nhất, chúng có thể được xem là ‘hoa trái’ của văn hóa mà thôi. ‘Phong tục’ và ‘văn minh’ liên quan đến cách thức con người tổ chức cuộc sống trong những điều kiện nhất định và mang tính bề ngoài nhiều hơn, trong khi văn hóa đượm tính nhân học, được thể hiện qua ý nghĩa, biểu tượng, và giá trị truyền thống. ‘Phong tục’ chỉ thói quen, cách sử dụng và kiểu ứng xử đặc trưng của cá nhân hay tập thể. ‘Văn minh’ đề cao các giá trị vật chất kỹ thuật, nghệ thuật, văn học, và khoa học. Nói đến ‘văn minh’ là nói đến cấp độ phát triển xã hội, phát triển cộng đồng trong những thời kỳ nhất định. ‘Văn hóa’ mang tính bao hàm hơn ‘phong tục’ và ‘văn minh’. Văn hóa vừa biểu thị ý nghĩa, giá trị vật chất lẫn tinh thần, vừa biểu thị ‘căn tính’ của một ‘cộng đồng’ được hình thành qua chặng đường lịch sử lâu dài và liên hệ sâu sắc đến các đặc tính dân tộc học.[23]

Những hiểu biết về văn hóa trên đây dẫn chúng ta tới kết luận rằng văn hóa là nền tảng cho sự tồn tại, liên tục, và phát triển của loài người. Văn hóa bao gồm tập hợp các biểu tượng, quy phạm, lễ nghi, và huyền thoại. Chúng đóng vai trò định hướng con người trong tư duy, hành động, cảm nhận, và hiểu biết.[24] Văn hóa gắn liền với lịch sử và luôn năng động trong dòng lịch sử. Các yếu tố văn hóa thường bền vững hơn so với các yếu tố thuộc phong tục, văn minh, hay các yếu tố mang tính lịch sử, chính trị và xã hội khác.[25] Hơn nữa, các yếu tố văn hóa thực có luôn phong phú hơn các yếu tố văn hóa được tiếp nhận, diễn đạt, và lưu truyền trong xã hội. Do đó, điều cần thiết là duy trì và phát triển các đặc tính văn hóa đang hiện diện, đồng thời, không ngừng khám phá và bảo toàn những đặc tính văn hóa đã từng hiện diện trong lịch sử nhân loại.

2. Biểu Hiện của Văn Hóa

Như đã đề cập ở trên, văn hóa biểu hiện qua các môi trường khác nhau và không nơi nào trong đời sống con người lại không có ‘sự hiện diện’ của văn hóa. Trong phần này, chúng ta sẽ quan tâm bốn biểu hiện chính yếu của văn hóa: (a) Văn hóa và môi trường tự nhiên, (b) Văn hóa và tri thức con người, (c) Văn hóa và đời sống cá nhân, và (d) Văn hóa và đời sống cộng đồng.

a. Văn hóa và môi trường tự nhiên: Văn hóa được diễn tả trong mối liên hệ giữa con người và môi trường tự nhiên. Thông thường, con người tận dụng những yếu tố có lợi từ môi trường tự nhiên để mưu ích cho bản thân cũng như cộng đồng và loại trừ những yếu tố bất lợi. Trong khoảng thời gian dài của lịch sử nhân loại, con người không quan tâm nhiều đến những tác động của mình đối với môi trường tự nhiên. Những thập niên gần đây, hầu hết các quốc gia đều ý thức hơn những tác động tiêu cực của việc khai thác môi trường tự nhiên cách bất cẩn và sự ảnh hưởng của việc khai thác đó lên đời sống quốc gia mình cũng như gia đình nhân loại. Càng ngày con người càng ý thức sự cần thiết phải bảo vệ và nuôi dưỡng môi trường tự nhiên.[26] Đặc biệt, họ ý thức rằng bảo vệ môi trường tự nhiên là bảo vệ chính mình, xét cả trên bình diện cá nhân lẫn tập thể.[27]

Việc khai thác và bảo vệ môi trường tự nhiên phụ thuộc vào nền tảng văn hóa của những người sống trong môi trường đó.[28] Thông thường người ta cho rằng những người sống trong những nước văn minh hơn thì ý thức hơn về việc khai thác và bảo vệ môi trường tự nhiên. Trong thực tế, không nhất thiết phải như vậy. Chẳng hạn, những người sống trong những nước với trình độ kỹ thuật cao có thể cho rằng họ ít lệ thuộc vào môi trường tự nhiên và rằng họ có thể tự xoay xở để thăng tiến bản thân và cộng đồng cho dù ‘trời mưa hay nắng’. Hậu quả là họ có thể tàn phá môi trường tự nhiên một cách không thương tiếc vì các mục đích khác nhau (i.e., con người làm chủ thiên nhiên, công nghiệp hóa, hiện đại hóa…).

Những người sống trong các nước với trình độ kỹ thuật thấp hơn thì cho rằng tương quan giữa họ và môi trường tự nhiên là tương quan hữu cơ, thân thiện. Có những sắc tộc xem môi trường tự nhiên như là môi trường của hồn thiêng, môi trường của thần thánh, môi trường quyết định sinh mệnh của sắc tộc mình. Từ đó, họ tỏ lòng kính cẩn và ý thức hơn về việc khai thác và bảo vệ môi trường tự nhiên. Như thế, chúng ta có thể kết luận rằng ý thức về việc khai thác và bảo vệ môi trường tự nhiên không nhất thiết tỷ lệ thuận với trình độ văn minh khoa học kỹ thuật.

b. Văn hóa và tri thức con người: Văn hóa được biểu lộ trong việc tích lũy kiến thức của con người trong xã hội. Con người có kiến thức và kinh nghiệm về môi trường xung quanh hệ tại quá trình tiếp cận của họ với các đặc tính của môi trường đó.[29] Mỗi người, mỗi cộng đồng đều có những cách thức thừa kế, giao tiếp, và lưu truyền khác nhau về kiến thức và kinh nghiệm của các thế hệ trước. Hơn nữa, sự hiểu biết của con người về chính mình và môi trường xung quanh không đồng nhất. Sự hiểu biết này phụ thuộc rất lớn vào điều kiện thời gian, không gian, cùng các yếu tố khác trong xã hội mà họ sinh sống.

Việc tích lũy kiến thức và đem kiến thức áp dụng vào những trường hợp cụ thể cũng rất đa dạng, tùy theo nền văn hóa. Chẳng hạn, để chữa trị một bệnh nhân, các bác sĩ theo phương pháp Tây Y có thể cho bệnh nhân này những thứ thuốc đã được tinh chế cẩn thận với tiêu chuẩn hết sức nghiêm ngặt, trong khi đó, các bác sĩ theo phương pháp Đông Y có thể cho bệnh nhân uống một số dược liệu chưa qua tinh chế hoặc châm cứu một số huyệt nào đó. Ngoài ra, các bác sĩ theo phương pháp Đông Y có thể cho bệnh nhân những lời khuyên thiết thực về chế độ ăn uống nhằm mang lại sự cân bằng Âm – Dương (Yin – Yang) trong cơ thể, để bệnh nhân khỏe lại.[30] Quan niệm này khởi đi từ triết lý Đông Phương rằng bệnh tật con người phát sinh do rối loạn Âm – Dương (Âm thịnh dương suy hoặc Dương thịnh Âm suy). Sự cân bằng Âm – Dương trong thức ăn mà người bệnh hấp thụ và đồng hóa sẽ dẫn đến sự cân bằng Âm – Dương trong cơ thể người bệnh, cũng như sự cân bằng Âm – Dương giữa cơ thể người bệnh với vũ trụ. Kết quả điều trị có thể giống nhau, nghĩa là bệnh nhân được hồi phục sức khỏe. Tuy nhiên, sự hiểu biết của các bác sĩ theo phương pháp Tây Y và các bác sỹ theo phương pháp Đông Y là khác nhau do bối cảnh văn hóa của họ [khác nhau]. Các bác sĩ theo phương pháp Tây Y tập trung nhiều hơn vào dược liệu tinh chế, khoa học kỹ thuật, trong khí các bác sĩ theo phương pháp Đông Y tập trung nhiều hơn vào kinh nghiệm, truyền thống.

c. Văn hóa và đời sống cá nhân: Văn hóa được biểu lộ qua đời sống con người trên bình diện cá nhân. Sự biểu lộ văn hóa được hiểu theo những giá trị và nguyên tắc riêng của nó.[31] Sự biểu lộ này được thiết lập và phát triển tùy theo sự tiếp nhận, giao tiếp và đóng góp của từng người. Cá nhân tham gia vào văn hóa theo khả năng nhận thức, điều kiện sinh học, và các yếu tố khác của chính mình.[32] Văn hóa vừa tham dự vào đời sống cá nhân, vừa trở thành ‘qui chuẩn’ cho sự phát triển của cá nhân đó trong các tương quan nội tại của chính mình cũng như giữa mình và thế giới bên ngoài.[33] Geertz cho rằng “trở thành người là trở thành cá nhân, và chúng ta trở thành cá nhân dưới sự hướng dẫn của các mô hình văn hóa, qua lịch sử tạo nên các hệ thống ý nghĩa mà chúng ta đưa ra kiểu mẫu, trật tự, điểm qui chiếu, và phương hướng cho cuộc sống chúng ta.”[34]

Người ta thường nhìn nhận văn hóa trên phương diện cộng đồng hơn là phương diện cá nhân. Có nghĩa rằng văn hóa trước hết không thuộc về một ai đó, nhưng thuộc về một tập thể, chẳng hạn, sắc tộc, bộ lạc, hay quốc gia.[35] Tuy nhiên, trong thực tế, chúng ta thấy rằng các cá nhân trong sắc tộc bộ lạc, hay quốc gia đều đóng góp cách cụ thể vào sự hình thành văn hóa tùy theo khả năng và hoàn cảnh của mình.[36] Xét trong cùng một cộng đoàn, chúng ta có kinh nghiệm rằng sự diễn tả văn hóa của cộng đoàn đó nơi mỗi cá nhân cũng rất đa dạng.

Các cá nhân không tiếp nhận di sản văn hóa của cộng đồng mình một cách đều nhau, cũng không đóng góp vào di sản văn hóa của cộng đồng mình một cách như nhau. Ary A. Crollius cho rằng theo nghĩa ‘xã hội cá thể’, tính đa dạng văn hóa bắt nguồn từ sự hữu hạn và khác biệt nơi mỗi cá nhân.[37] Mỗi người tạo cho mình lối sống khác với những người khác trong cùng một cộng đồng.[38] Chẳng hạn, do sự đa dạng trong việc tiếp cận và tích lũy các yếu tố văn hóa, mỗi người trong cộng đồng đều có quan điểm riêng của mình về niềm tin, tập quán, tự do, hay nghệ thuật. Quan điểm của mỗi người về môi trường tự nhiên và xã hội cũng khác biệt nhau. Nói tóm lại, mỗi người tiếp cận, trao đổi, và hành xử với thế giới xung quanh theo những kinh nghiệm văn hóa cụ thể mà mình tích lũy được.

d. Văn hóa và đời sống cộng đồng: Văn hóa được biểu hiện chính yếu qua đời sống cộng đồng, đời sống tập thể. Như đã đề cập ở trên, nói đến một nền văn hóa, trước tiên, là nói đến chiều kích cộng đồng của nền văn hóa đó. Người ta có lý khi cho rằng văn hóa là ‘sản phẩm tập thể’ trước khi là ‘sản phẩm cá nhân’. Văn hóa ‘len lỏi’ vào tất cả ngõ ngách của đời sống cộng đồng và trở thành ‘bầu khí’ cho cá nhân ‘hít thở’. Trong phạm vi lớn, cộng đồng mà văn hóa ảnh hưởng có thể là quốc gia, châu lục, hay quốc tế. Trong phạm vi hẹp hơn, cộng đồng mà văn hóa ảnh hưởng có thể là gia đình, làng xóm, hay phố phường.

Mỗi cấp độ cộng đồng đều có những đặc tính văn hóa riêng. Chẳng hạn, văn hóa gia đình có những đặc tính phân biệt với văn hóa thôn làng, thành thị, và quốc gia. Các đặc tính văn hóa gia đình trong một thôn làng không chỉ đơn thuần là một phần của văn hóa thuộc thôn làng đó. Những đặc tính văn hóa gia đình góp phần định hình văn hóa thôn làng. Tương tự như thế, văn hóa thôn làng không chỉ đơn thuần là tổng hợp các đặc tính văn hóa gia đình có mặt trong thôn làng đó.[39] Chúng ta có thể liệt kê hàng loạt sự khác biệt về sự biểu hiện của văn hóa trong đời sống cộng đồng. Sự biểu hiện này luôn phức tạp, bởi lẽ mỗi cấp độ văn hóa trong đời sống cộng đồng tham dự vào các cấp độ văn hóa khác trong khi vẫn có những yếu tố đặc trưng của mình.

Người ta có thể phân loại văn hóa liên quan đến đời sống cộng đồng theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn, người ta có thể phân loại văn hóa theo môi trường tự nhiên (thời tiết, khí hậu, thế giới động vật, thực vật ở môi trường đó), theo vị trí địa lý (văn hóa miền, văn hóa quốc gia, văn hóa châu lục), theo niềm tin tôn giáo (văn hóa Kitô Giáo, văn hóa Hồi Giáo, văn hóa Phật Giáo…). Tuy nhiên, những cách phân loại này rất mơ hồ, sự gần gũi hay xa cách về mặt địa lý không dẫn tới sự gần gũi hay xa cách về mặt văn hóa.[40] Chẳng hạn, khoảng cách địa lý giữa Anh và Mỹ rất xa, nhưng hai nước này khá gần nhau về văn hóa, trong khi khoảng cách địa lý giữa Philipines và Malaysia rất gần, nhưng hai nước này khác nhau khá nhiều về văn hóa. Chúng ta có thể giải thích sự khác biệt này do yếu tố tôn giáo: Mỹ và Anh chịu ảnh hưởng của văn hóa Kitô Giáo, trong khi Philipines và Malaysia chịu ảnh hưởng của hai tôn giáo khác nhau, Kitô Giáo (Philipines) và Hồi Giáo (Malaysia).

Người ta cũng có thể phân loại văn hóa liên quan đến đời sống cộng đồng theo cách bao quát hơn, chẳng hạn, văn hóa Tây Phương và văn hóa Đông Phương. Cách phân loại này cũng rất mơ hồ, bởi vì, trong quá khứ, người Âu Châu phân chia thế giới làm hai phần đơn giản, Tây và Đông. Họ xem mình như là xuất phát điểm để phân chia. Tây Phương là nơi họ sinh sống, Đông Phương là phần còn lại, bao gồm Á Châu và Phi Châu. Với thời gian, do quá trình liên lạc, trao đổi giữa các dân tộc trên thế giới, người ta có thể nhận ra văn hóa Tây Phương ở Đông Phương và ngược lại. Với tiến trình toàn cầu hóa mau lẹ như hiện nay, người ta nhìn thấy hừng đông của một nền văn hóa chung cho toàn thể nhân loại (global culture).[41] Điều mà ai cũng mong muốn là nền văn hóa chung này, trong khi tạo điều kiện thuận tiện cho sự thăng tiến của các thành viên trong gia đình nhân loại về mọi mặt, sẽ không là nguyên nhân triệt tiêu các nền văn hóa truyền thống cùng với các đặc tính ưu việt của chúng đã hình thành, tồn tại, và phát triển qua hàng ngàn năm lịch sử.

3. Con Người và Văn Hóa

a. Con Người Định Dạng Văn Hóa

Đâu là điểm khác biệt căn bản giữa loài người và các sinh vật khác? Có nhiều câu trả lời cho câu hỏi này, tuy nhiên, một trong những câu trả lời đúng đắn nhất đó là văn hóa. Con người là hữu thể văn hóa. Geertz cho rằng con người là sinh vật ‘bị treo’ trên những lớp mạng do mình dệt nên, trong đó, văn hóa là quan trọng nhất. Việc tìm hiểu con người không đơn thuần chỉ dựa vào bằng chứng khoa học thực nghiệm, mà đúng hơn, tiếp cận và đào sâu các biểu tượng, ý nghĩa, và giá trị vật chất cũng như tinh thần trong cuộc sống họ.[42] Nhận thức rằng con người là hữu thể văn hóa đòi hỏi chúng ta phải tìm hiểu cách kỹ lưỡng hơn mối tương quan mật thiết giữa con người và văn hóa.

Chính con người là tác giả của văn hóa. Trong Gaudium et Spes của Công Đồng Vatican II (1962-1965), chúng ta đọc thấy rằng “càng ngày càng có nhiều người, nam cũng như nữ, thuộc bất cứ tập thể hay quốc gia nào, ý thức được chính họ và những người xây dựng và sáng tạo văn hóa của cộng đoàn mình.”[43] Tất cả các khái niệm và biểu hiện của văn hóa được đề cập ở trên cho thấy rằng văn hóa lệ thuộc con người. Văn hóa là ‘sản phẩm’ đặc biệt nhất của con người, đồng thời, văn hóa là yếu tố chính yếu diễn tả sự khác biệt căn bản giữa con người và các sinh vật khác.

Một số loài động vật có thể nhận biết và thực hiện một số cử chỉ xem ra thông minh nhờ quá trình tiến hóa hoặc được tập luyện. Tuy nhiên, những cử chỉ và việc thực hiện đó không thể được coi là ‘sản phẩm văn hóa của loài vật’ mà là sản phẩm của bản năng tự nhiên.[44] Chẳng hạn, một số loài khỉ, vượn hay đười ươi có thể phô diễn những màn xiếc theo mệnh lệnh con người. Tuy nhiên, những cử chỉ này chỉ lặp đi lặp lại một cách máy móc, thiếu tính sáng tạo. Đặc biệt, những cử chỉ này không thể trở thành gia sản chung cho các cá thể khác trong cùng nhóm, cũng không thể lưu truyền cho các thế hệ tiếp theo. Nói cách cụ thể hơn, loài vật không có ‘ký ức văn hóa truyền thống’, cũng không thể tiếp nhận, trao đổi, phát triển, và lưu truyền ‘ký ức văn hóa truyền thống’ qua các thế hệ.

Văn hóa loài người được lưu truyền qua nhiều cách khác nhau, đặc biệt, như đã đề cập ở trên, qua thế giới các biểu tượng. Có những biểu tượng được gán cho những ý nghĩa cụ thể và được sử dụng rộng rãi trong nền văn hóa. Dần dần, những biểu tượng này được xem là yếu tố đặc trưng của nền văn hóa đó. Giữa biểu tượng và tính hữu dụng của nó có tương quan mật thiết với nhau.[45] Chẳng hạn, bằng việc quan sát những bức tranh cổ xưa hay thiết bị thô sơ của con người thời trước, các nhà khảo cổ học có thể nhận ra nền văn hóa của họ và sự phát triển của nền văn hóa đó theo thời gian. Trên các bức tường trong các lăng mộ của các Pharaô Ai Cập có những cảnh tượng săn bắn hái lượm. Những cảnh tượng này diễn tả niềm tin của người Ai Cập thời đó rằng có một hình thức sống nào đó sau cuộc sống đời này. Các kim tự tháp Ai Cập cũng vậy, chúng ẩn chứa những điều về niềm tin và thực hành mà con người thời đại hôm nay vẫn không thể nào lý giải hết được.

Sự dịch chuyển từ tư duy mang tính cá nhân tới tư duy mang tính phổ quát hoặc niềm tin không chỉ đơn giản là được diễn tả qua các khái niệm mà còn qua các biểu tượng. Những biểu tượng này có thể là thần thoại và mãi là thế, nhưng cũng có thể là những thần thoại sau khi đã được gột rửa trong môi trường văn hóa thì trở nên hữu ích trong việc diễn tả những chân lý tôn giáo cao siêu, chẳng hạn, Trình Thuật Sáng Thế trong cuốn sách đầu tiên của bộ Kinh Thánh. Sự phát triển và gìn giữ những đặc tính văn hóa đặc sắc luôn là điều hết sức cần thiết cho mọi hoạt động của con người trên bình diện cá nhân cũng như tập thể.[46]

Chúng ta nhận thấy rằng các cá nhân góp một phần quan trọng trong việc hình thành văn hóa nhân loại. Chẳng hạn, trong những thế kỷ trước Công Nguyên, văn hóa Hy Lạp được nhiều dân tộc biết tới vì những đóng góp của các nhà triết học vĩ đại như Plato (427-347 B.C.E.), Aristotle (384-322 B.C.E.), cùng với những đóng góp trong lĩnh vực toán học (đại số, hình học, và lượng giác) như Pythagoras (582-507 B.C.E.) và Archimedes (287-212 B.C.E.). Họ là những người tiên phong trong việc đưa ra những câu hỏi và giải đáp về các vấn đề nhân sinh cũng như những vấn đề khoa học thực nghiệm khác. Chính sự đóng góp của họ đã làm giàu cho nền văn hóa nơi họ sinh sống, đồng thời, mở ra những chân trời mới cho những thành tựu tiếp theo của các thành viên khác trong gia đình nhân loại.

Tại Á Châu, tư tưởng và giáo huấn của Đức Phật (563-483 B.C.), Khổng Tử (551-479 B.C.), và Lão Tử (604-531 B.C.) đã ảnh hưởng rất lớn đến các nền văn hóa của hầu hết các quốc gia trên đại lục này. Cuộc đời những người sáng lập tôn giáo và triết học đó khác nhau về không gian, thời gian, điều kiện xã hội, nhưng tư tưởng và giáo huấn của họ lại có nhiều điểm chung. Chẳng hạn, họ đều lưu tâm đến qui luật nhân quả của các thực tại trong vũ trụ cũng như trong xã hội loài người. Họ đều khích lệ mọi người biết làm lành lánh dữ và sống hòa hợp với nhau cũng như với thế giới tự nhiên. Thoạt đầu, tư tưởng và giáo huấn của họ được xem như các bài học cá nhân dành cho những đồ đệ của mình, dần dần, các đồ đệ của họ mang những tư tưởng và giáo huấn này đến với nhiều người ở nhiều nơi khác nhau. Kết quả là những tư tưởng và giáo huấn của họ không chỉ ảnh hưởng đến các nền văn hóa đương thời mà còn thổi vào nguồn sinh lực mới làm biến đổi các nền văn hóa đó, đến nỗi các nền văn hóa này được mang những tên mới. Đó là lý do tại sao người ta thường nói đến nền văn hóa Phật Giáo, nền văn hóa Khổng Giáo, và nền văn hóa Lão Giáo.

b. Văn Hóa Định Dạng Con Người

Con người không chỉ là tác giả của văn hóa, mà còn là đối tượng của văn hóa nữa, bởi vì họ được văn hóa định dạng trong toàn bộ hành trình của cuộc sống mình.[47] Tương quan giữa con người và văn hóa không phải là tương quan một chiều, tức là từ con người tới văn hóa mà còn từ văn hóa tới con người. Theo đó, con người được ươm trồng lớn lên trong môi trường văn hóa. Quan điểm này được Arnold diễn tả cách bóng bẩy, nhưng rất thực tế và mạch lạc như sau:

Văn hóa nói: “Kìa, hãy xem những người này, lối sống của họ, thói quen của họ, tính cách của họ, giọng nói của họ; hãy nhìn họ chăm chú hơn; hãy quan sát cách họ thưởng thức văn chương, những điều đem đến cho họ sự an bình thư thái, những từ ngữ phát ra từ miệng họ, những tư tưởng mà họ sở đắc; liệu sự giàu sang nào đáng giá với điều kiện rằng bởi có nó, người ta trở nên giống như những người này?”[48]

Văn hóa định dạng con người, hướng dẫn và xây đắp tư tưởng, tâm trạng, cách ứng xử và các đặc tính khác nhằm phát triển đời sống cá nhân cũng như tập thể, đồng thời chia sẻ tất cả những gì thuộc thế giới tự nhiên và lịch sử xã hội.[49] Geertz lập luận rằng các dạng thức văn hóa ‘thúc giục’ chúng ta “không ngừng thay đổi não trạng để chúng ta biết tuân thủ trật tự hiển nhiên và có ý nghĩa để chúng ta không chỉ cảm nhận trật tự đó mà còn hành động một cách phù hợp theo trật tự đó.”[50]

Quan sát chu kỳ kinh tế của một sản phẩm, từ sản xuất, phân phối, đến tiêu thụ, chúng ta có thể nhận ra rằng tất cả các giai đoạn trong tiến trình này được điều chỉnh bởi dạng thức văn hóa. Nói cách khác, tiến trình sản xuất, phân phối và tiêu thụ một sản phẩm nào đó phụ thuộc vào bối cảnh văn hóa nhất định. Nghĩa là, văn hóa xác định phương tiện sản xuất, hình thức sản xuất và mối quan hệ giữa phân phối và tiêu thụ. Chúng ta thử xem xét cách vắn tắt hai giai đoạn của một chu kỳ kinh tế, giai đoạn sản xuất và giai đoạn phân phối sản phẩm.

Trước hết, trong giai đoạn sản xuất, câu hỏi được đặt ra là công cụ và phương tiện sản xuất nào cần được sử dụng? Công cụ và phương tiện sản xuất liên quan đến các yếu tố kỹ thuật được hình thành trong một nền văn hóa nào đó.[51] Những công cụ và phương tiện này cũng phụ thuộc vào các yếu tố tự nhiên khác. Chẳng hạn, để cày xới đất đai, người Mỹ hoặc người Úc sử dụng máy móc hiện đại trong quá trình canh tác, trong khi đó người Việt Nam, Cam-pu-chia, và Lào xem trâu bò như phương tiện chính yếu để làm việc này. Lý do sử dụng động vật, như trâu bò trong nông nghiệp có thể được giải thích theo góc độ kỹ thuật và tự nhiên. Trước tiên, những quốc gia Đông Nam Á này không đủ khả năng cung cấp máy móc nông nghiệp hiện đại do nền công nghiệp thấp kém. Tiếp đến, môi trường tự nhiên, địa lý của những nước này thường không phù hợp cho việc sử dụng máy móc nông nghiệp hiện đại. Ngoài ra, việc sử dụng động vật trong nông nghiệp có thể có lợi cho sinh thái hơn là việc sử dụng máy móc nông nghiệp hiện đại. Việc sử dụng các công cụ và phương tiện trong sản xuất diễn tả hai nền văn hóa, đó là, văn hóa nông nghiệp và văn hóa công nghiệp.

Thứ đến, giai đoạn phân phối cũng chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi các yếu tố văn hóa.[52] Nhiều bằng chứng cho thấy rằng những người sống trong các xã hội nông nghiệp, đặc biệt là các bộ lạc trong rừng sâu núi thẳm, quan tâm hơn đến chiều kích cộng đồng trong việc chia sẻ của cải vật chất, trong khi đó những người sống trong xã hội công nghiệp quan tâm hơn đến chiều kích cá nhân trong việc chia sẻ của cải vật chất. Quan điểm cộng đồng và cá nhân trong quá trình phân phối sản phẩm phản ảnh hai nền văn hóa khác nhau, văn hóa nông nghiệp và văn hóa công nghiệp. Văn hóa nông nghiệp nhìn nhận sản phẩm của con người thuộc về cộng đồng trước khi thuộc về cá nhân, trong lúc văn hóa công nghiệp xem sản phẩm của con người thuộc về các cá nhân trước khi thuộc về cộng đồng.

Chu kì kinh tế của một sản phẩm như chúng ta vừa xem xét trên chỉ ra rằng văn hóa chi phối mỗi bước của chu kỳ này. Nói đúng hơn, văn hóa ‘định dạng’ con người để rồi con người định dạng phương tiện sản xuất, quá trình sản xuất, cách thức phân phối, và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, văn hóa cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận, hấp thu, và đồng hóa những yếu tố mới sao cho chu kỳ kinh tế của sản phẩm ngày càng được cải tiến và phù hợp hơn với những đòi hỏi mới của thời đại.

c. Tính Bền Vững của Văn Hóa

Văn hóa có tính bền vững và độc lập cao hơn so với các yếu tố khác trong xã hội loài người. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy rẳng các yếu tố văn hóa không dễ bị mai một do ý muốn và hành động chủ quan của con người. Chẳng hạn, trong những thập niên 70 và 80 của thế kỷ XX, dưới thời Pol Pot tại Cam-pu-chia, giới cầm quyền tàn phá các chùa chiền, đình làng, hay nhà cộng đồng ở thôn quê, nơi chứa đồ gốm sứ, thúng, bát, trống đồng ghi lại dấu tích của nền văn hóa nông nghiệp đã tồn tại hàng ngàn năm. Theo nhìn nhận của giới cầm quyền Pol Pot, những thứ này là sản phẩm văn hóa của chế độ nông nô, chế độ phong kiến lạc hậu, do đó, cần phải loại trừ tận gốc rễ nhằm dọn đường cho một nền văn hóa cao hơn trong một chế độ tốt đẹp hơn do họ gầy dựng.

Không ai phủ nhận rằng những đồ gốm sứ, thúng, bát, trống đồng tự thân là vô tri vô giác. Tuy nhiên, những thứ này lại mang ‘hồn’ của xã hội, ‘hồn’ của những người đã tạo nên chúng. Chúng hiện diện như những thực thể năng động diễn tả lối sống, kinh nghiệm, và kỹ năng của những người trong quá khứ. Chúng vén mở và lưu truyền cho hậu thế những thông tin về tư tưởng, cảm xúc, và hành động của những người đi trước. Chúng vô tri, nhưng không vô tâm, bởi vì, chúng diễn tả tình yêu và nhân cách sâu nặng của những người biết thể hiện sự vượt trội của mình trên các thực thể khác trong vũ trụ, đồng thời, biết lưu truyền cho hậu thế vũ trụ quan và niềm hi vọng trường cửu của mình.

Ngày nay, người dân Cam-pu-chia đang nỗ lực nhằm sưu tập, tái khám phá, và xây dựng lại những gì đã bị phá hủy. Đối với người dân Cam-pu-chia hiện tại, những thứ này là một phần không thể thiếu được, bởi vì chúng diễn tả căn tính, đời sống, và gia sản tinh thần của cha ông họ. Đến lượt mình, họ có bổn phận bảo tồn, phát triền, và lưu truyền cho hậu thế.

Chúng ta nhận thức chắc chắn rằng không thể hiểu rõ một nền văn hóa mà lại không quan tâm đến những người sống trong nền văn hóa đó. Tương tự như thế, không thể hiểu rõ những con người mà lại không quan tâm đến nền văn hóa của họ. Sự hiểu biết về một nền văn hóa sẽ dẫn tới sự hiểu biết những người đang sống trong nền văn hóa đó và ngược lại. Johann Gottfried Herder nói rằng “bạn phải thâm nhập vào tinh thần của quốc gia trước khi bạn có thể được chia sẻ phần nào những tư tưởng và hành động của quốc gia này.”[53]

Trong Đệ Nhị Thế Chiến (1939-1945), đặc biệt năm 1945, nhiều lính Nhật tự vẫn, bởi vì quân đội họ bị quân đồng minh đánh bại. Người thì cho đó là hành động bất thường, người thì cho đó là hành động dại dột. Tuy nhiên, tất cả họ đều nhầm! Để hiểu được hành động của những lính Nhật này, người ta cần hiểu văn hóa Nhật lúc bấy giờ. Họ đã tự chọn cái chết hơn là trở thành tù nhân chiến tranh. Văn hóa họ dạy cho họ rằng ‘chết vinh hơn sống nhục’. Văn hóa họ khuyến khích mọi người đặt danh dự và nghĩa vụ đối với quốc gia trên cuộc sống và toan tính cá nhân. Binh lính Nhật chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi tinh thần samurai. Những người thuộc tầng lớp samurai được đào tạo theo ‘Đường Người Dũng Sĩ’ (the Way of the Warrior), hình thức rèn luyện nhằm làm cho con người thích nghi với thời chinh chiến và thể hiện dũng khí của mình ở mức độ cao nhất có thể khi cần thiết.[54] ‘Đường Người Dũng Sĩ’ cho họ nhận thức rằng họ hành động cho ‘quốc gia vĩ đại’ của chính mình. Theo họ, hi sinh cho vĩ nghiệp thì tốt hơn là tùng phục quân thù.

Đối với hầu hết mọi người thuộc các dân tộc trên thế giới, có niềm tin tôn giáo hay không, tự vẫn trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều được xem như trái với bản chất tự nhiên của con người. Tự vẫn có ảnh hưởng lớn đến các cá nhân cũng như tập thể. Tuy nhiên, đối với các binh lính Nhật trong thời chiến, tự vẫn được xem là hành động hi sinh cao quí nhất của họ cho quê hương đất nước. Tự vẫn để không bị chết vì bom đạn hay sa vào tay quân thù được xem là biểu hiện ‘cái dũng’ của cá nhân mà không phải ai cũng có thể làm được. Chính nền văn hóa Nhật thời đó đã ‘trang bị’ cho các binh lính nhãn quan về cái chết khác biệt so với các nền văn hóa khác.

Kinh nghiệm lịch sử nhân loại cho thấy rằng bất cứ so sánh nào về văn hóa cũng đều khập khiễng. Người ta không thể chỉ dựa vào một số yếu tố văn hóa rồi lập tức đưa ra nhận định rằng nền văn hóa này cao hơn nền văn hóa kia.[55] Trong thực tế, mỗi nền văn hóa có những yếu tố đặc sắc không cùng bình diện để đem ra so sánh. Người ta thường ‘sa chước cám dỗ’ là dựa vào các yếu tố xã hội, kinh tế, kỹ thuật hoặc khoa học để so sánh các nền văn hóa. Chẳng hạn, người ta dựa vào sự phát triển vượt bậc của nước Mỹ về quân sự, giáo dục, khoa học kỹ thuật, hoặc mức sống để đưa ra kết luận rằng nền văn hóa Mỹ cao hơn các nền văn hóa khác trên thế giới.[56] Như đã trình bày ở trên về hai khái niệm ‘văn hóa’ và ‘văn minh’, nước Mỹ có thể văn minh hơn nhiều nước, nhưng không có gì bảo đảm để nói rằng nền văn hóa Mỹ tốt hơn các nền văn hóa khác trên thế giới.

Những quan sát và đánh giá trên đây dẫn chúng ta đến nhận thức tổng quát rằng văn hóa có tính bền vững cao hơn so với các yếu tố khác trong đời sống con người. William Haviland cho rằng “về bản chất, văn hóa là hệ thống được kiến tạo nhằm đảm bảo cho sự tồn tại liên tục của một nhóm người.”[57] Không dễ gì loại trừ các yếu tố văn hóa khi nó đã bám rễ sâu vào tâm thức con người và xã hội. Đặc biệt, khi văn hóa được xem là sự kết nối giữa danh dự cá nhân và dân tộc, nó trở thành điểm qui chiếu về giá trị và ý nghĩa tinh thần trong sự tồn tại và phát triển của dân tộc đó.[58] Văn hóa vẫn tiếp tục tồn tại ngay cả khi nó xem ra không phù hợp với tâm trí của số đông người đang sống trong nền văn hóa đó.

4. Tính Liên Tục và Phát Triển của Văn Hóa

a. Tính Liên Tục và Không Liên Tục của Văn Hóa

Trong quá trình phát triển của một nền văn hóa, có sự giao thoa giữa tính liên tục và không liên tục nền văn hóa đó. Geertz cho rằng “văn hóa chuyển động khá giống với con bạch tuộc – không phải tất cả cùng một lúc trong sức mạnh tổng thể liên kết trơn tru của các bộ phận, sự ‘cùng hoạt động’ lớn lao của toàn thể, nhưng là bởi các chuyển động rời rạc của phần này, rồi phần kia, và đến lượt phần khác [dẫn tới di chuyển] và đổi hướng.”[59] Chúng ta không thể giải thích một cách đầy đủ tính liên tục của một nền văn hóa mà lại không quan tâm đến sự gián đoạn, xuống cấp, đổ vỡ, thậm chí tàn lụi của nền văn hóa đó.

Văn hóa là một thực tại lịch sử phức hợp và năng động. Do đó, bất cứ tiếp cận hay nghiên cứu văn hóa nào cũng đều quan tâm đến các đặc tính này. Ẩn chứa trong mỗi nền văn hóa là quá trình tương giao và luân chuyển các yếu tố làm nên nền văn hóa đó cũng như các yếu tố có thể làm phương hại nền văn hóa đó. Có những yếu tố thì hiển nhiên, dễ quan sát, có những yếu tố lại tiềm ẩn. Trong mỗi nền văn hóa đều ẩn chứa nguyên lý của sự liên tục và không liên tục.[60] Geertz cho rằng “tính không liên tục trong văn hóa cũng như sự bất ổn trong tổ chức xã hội, thậm chí trong các xã hội có tính ổn định cao, do ảnh hưởng của nó, là sự thật hiển nhiên như sự ổn định của văn hóa vậy.”[61]

Tính liên tục của văn hóa là hiển nhiên, bởi vì văn hóa thuộc về thế giới của kẻ sống, trong đó mọi thứ đều tiếp diễn. Con người cần các yếu tố văn hóa nhằm xây dựng căn tính mình cũng như tích lũy các yếu tố cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của mình trong dòng lịch sử. Tính liên tục của văn hóa là điều kiện không thể thiếu được cho tính liên tục của vô số quan hệ trong môi trường tự nhiên và xã hội.[62]

Văn hóa xuất hiện trong quá khứ và tiếp tục hiện diện trong hiện tại. Với di sản văn hóa, con người trong mỗi thế hệ có được ‘bản đồ’ để phát triển ý tưởng, điều khiển các hành vi, thái độ của mình, của cộng đồng mình sống, nhằm thích nghi hay đối phó với môi trường chung quanh. Nói cách khác, văn hóa là ‘chỗ dựa’, từ đó con người thực hành các tương giao cần thiết để xây dựng đời sống của mình. Trong chừng mực nào đó, văn hóa có khả năng làm chủ tất cả mọi khía cạnh liên quan đến con người.[63] Nó là tiêu điểm của lối sống, bởi vì văn hóa có khả năng gìn giữ sự kế thừa lịch sử cũng như có khả năng đồng hóa những yếu tố mới xuất hiện trong các tương quan của thế giới thụ tạo.[64]

Là thực tại liên tục, văn hóa có tính ‘trung thành’ và ‘bảo thủ’ cao đối với căn tính của nó trong dòng lịch sử. Như đã được đề cập ở trên, văn hóa diễn tả chính mình như là thực tại bền vững giữa những biến động trong thế giới loài người. Con người hướng về văn hóa như là nguồn mạch chính yếu cho việc thiết lập đời sống tâm linh, tri thức, và thể lý của mình. Sự học hỏi, hiểu biết, điều chỉnh, thói quen, thái độ, và hành động của họ được xây dựng trên nền tảng văn hóa.

Văn hóa diễn tả chính mình như mô thức nắm giữ và truyền đạt những dấu ấn thực nghiệm của quá khứ nơi cộng đồng hiện tại. Như đã được đề cập ở trên, văn hóa ‘bền hơn’ văn minh, phong tục. Văn hóa chi phối kỹ thuật, kinh tế, chính trị, giáo dục, và thể thao. Chẳng hạn, vào tháng Sáu, năm 2002, Giải Túc Cầu Thế Giới được tổ chức tại Nhật và Nam Hàn. Cơ quan điều hành bóng đá thế giới (FIFA) đã khuyến cáo chính phủ Nam Hàn là không được giết và ăn thịt chó trong suốt thời gian diễn ra sự kiện thể thao quốc tế quan trọng bậc nhất này.[65] Tuy nhiên, chính phủ Nam Hàn không tuân theo khuyến cáo của FIFA. Chính phủ Nam Hàn lập luận rằng chó là động vật giống như các động vật khác. ‘Thân phận chó’ và ‘thân phận các động vật khác’ là như nhau. Giết và ăn thịt chó thì tương tự như giết và ăn thịt cừu, bò, dê ở các nước Tây Phương vậy. Lời khuyến cáo của FIFA nhằm thỏa mãn thiên kiến của những người xem chó là một trong những loài động vật cưng (pets), những động vật gần gũi và có khả năng giao tiếp thân thiện với con người! FIFA và chính phủ Nam Hàn đại diện cho hai nền văn hóa với các đặc tính và quan niệm khác nhau.[66]

Thật không dễ dàng để đưa ra những đánh giá hợp lí trong trường hợp này. Đối với FIFA, tổ chức quốc tế đại diện cho những cầu thủ bóng đá và người hâm mộ, những người xem việc ăn thịt chó là điều kinh tởm. Đối với người dân Nam Hàn, vào những dịp đặc biệt, như dịp Giải Túc Cầu Thế Giới, việc ăn thịt chó lại là điều cần thiết. Hơn nữa, việc ăn thịt chó đã trở thành một phần không thể thiếu được trong nền văn hóa ẩm thực Nam Hàn. Nền văn hóa này xem tất cả động vật đều ‘bình đẳng về phẩm giá, nghĩa vụ, và trách nhiệm’. Hơn nữa, những người đại diện cho FIFA có thể không quan tâm đủ đến điều kiện tự nhiên của Nam Hàn, nơi đất chật người đông, nuôi động vật như bò, cừu, dê để ăn thịt không dễ dàng như nhiều nước khác trên thế giới với điều kiện tự nhiên ưu đãi.

Những quan sát trên đây cho thấy rằng, văn hóa có tính ổn định cao. Người ta không thể can thiệp một cách độc đoán để loại trừ nó hoặc các yếu tố làm nên nó. Văn hóa được xem như là điểm khởi đầu và điểm hội tụ cho mọi hoạt động của con người, từ hoạt động tư tưởng, tri thức đến hoạt động thực tiễn, xã hội. Văn hóa là cơ sở lượng định, đánh giá, và phát triển các mối tương quan trong tiến trình lịch sử nhân loại.

b. Sự Phát Triển của Văn Hóa

Văn hóa vừa có tính ổn định vừa có tính năng động. Tuy nhiên, trong quá khứ, người ta thường đề cao tính ổn định của văn hóa hơn là tính năng động của nó. Bernard Lonergan cho rằng “trong quan điểm cũ, văn hóa không được nhận thức theo lối kinh nghiệm, nhưng theo lối qui chuẩn.”[67] ‘Cái nhìn cũ’ về văn hóa đã khởi sắc cho đến những thập niên đầu của thế kỷ XX. Theo quan điểm này, “văn hóa đối nghịch với man rợ. Nó tùy thuộc vào việc hấp thụ và đồng hóa mỹ quan, kĩ năng, lí tưởng, đức hạnh, và tư tưởng tác động lên ai đó trong môi trường tốt và thông qua chương trình giảng dạy về khoa học nhân văn. Nó nhấn mạnh đến các giá trị chứ không phải sự kiện.”[68]

Quan điểm xem văn hóa là thực tại qui chuẩn và bền vững có thể được xem là quan điểm truyền thống đối lại với quan điểm hiện đại về văn hóa mà Lonergan chỉ ra. Theo Lonergan, quan điểm hiện đại về văn hóa thiên về tính ‘bất tất’ hoặc lệ thuộc của văn hóa vào những biến chuyển cụ thể của thời cuộc. Theo quan điểm mới này, không có nền văn hóa nào mà những giá trị cũng như thực hành của nó là qui chuẩn tuyệt đối cho các nền văn hóa khác. Như thế, sự phân biệt cổ điển giữa người có văn hóa và dân man rợ bị bãi bỏ. Quan điểm mới về văn hóa đòi hỏi chúng ta có thái độ cởi mở, thái độ xây dựng, thậm chí thái độ cung kính đối với tất cả các nền văn hóa. Quan điểm mới này có thể được xem là tiền đề cho việc đối thoại nghiêm túc giữa các nền văn hóa. Điều này không có nghĩa rằng người ta phải chấp nhận chủ nghĩa đa nguyên về văn hóa như là chân lý, nhưng có nghĩa rằng người ta cần chú ý hơn đến tính khách quan lịch sử và thực hành trong quá trình lượng định các yếu tố văn hóa mà người ta tiếp cận.[69]

Lý do chính biện hộ cho quan điểm thiên về tính qui chuẩn và bền vững của văn hóa được cho là phát xuất từ vũ trụ quan tĩnh về thế giới thụ tạo trong đó mọi sự được xem là bất biến. Một lí do khác biện hộ cho quan điểm thiên về tính qui chuẩn và bền vững của văn hóa xuất phát từ ‘chủ nghĩa duy truyền thống’ (traditionalism). Theo đó, văn hóa là thực tại thiêng liêng của thế hệ trước truyền cho thế hệ sau, bất cứ thay đổi nào cũng đều được xem là thiếu tôn trọng hoặc xúc phạm. Sự thay đổi về văn hóa đồng nghĩa với sự thay đổi về căn tính của những người sống trong văn hóa đó. Xem xét các quan điểm khác nhau về văn hóa, William đi đến tổng hợp cách chí lý rằng “văn hóa là sản phẩm của các tầng lớp vô công rồi nghề chuyên tìm cách bảo vệ nó khỏi những gì mới mẻ hoặc nguy hại. Văn hóa là sự kế thừa của tầng lớp đang lên, ẩn chứa tương lai của nhân loại mới; tầng lớp này tìm cách giải phóng văn hóa khỏi những gì kìm hãm sự phát triển của nó.”[70]

Mặc dù được xem là thực tại ổn định bền vững, văn hóa vẫn không ngừng biến đổi. Văn hóa biến đổi được xem như là kết quả đương nhiên của sự tác động giữa văn hóa và những yếu tố hay biến đổi hơn trong môi trường tự nhiên, lịch sử, và xã hội.[71] Với lối nói bóng bẩy, Arnold cho rằng “văn hóa có cái nhìn xa hơn máy móc, văn hóa ghét sự hận thù, văn hóa có tình yêu mãnh liệt, tình yêu mãnh liệt về sự ngọt ngào và ánh sáng.”[72] Văn hóa luôn nhìn phía trước và sẵn sàng tiếp cận, tích hợp, đồng hóa những gì tốt lành, đồng thời loại bỏ những gì không phù hợp. Sự biến đổi trong môi trường tự nhiên, lịch sử, và xã hội có ảnh hưởng đến sự biến đổi của văn hóa. Chẳng hạn, văn hóa Do Thái tại Palestine ở thời điểm hiện tại có nhiều khác biệt so với hai nghìn năm trước. Văn hóa của những người Do Thái sống tại Nga hay các nước Đông Âu có nhiều khác biết so với văn hóa của những người Do Thái sống tại Mỹ hay Úc. Khoảng cách không gian, thời gian, những thăng trầm của lịch sử, xã hội hơn hai ngàn năm, sự khác nhau về môi trường địa lý, dẫn tới những khác biệt của văn hóa Do Thái ở những nơi khác nhau trên thế giới. Tương tự như thế, văn hóa Hồi Giáo của những người ở Trung Đông hay ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới ở thế kỷ VII hoặc VIII cũng có nhiều khác biệt so với hiện tại.

Văn hóa thay đổi như bất kỳ thực tại nào trong vũ trụ. Như đã đề cập ở trên, con người vừa là chủ thể của văn hóa, vừa là đối tượng của văn hóa. Con người cũng là ‘tác nhân phát tán văn hóa’ từ thời này sang thời khác, từ nơi này đến nơi nọ, từ xã hội này sang xã hội kia. Trong tiến trình này, các yếu tố văn hóa có thể bị yếu đi hoặc mạnh thêm hầu đáp ứng những đòi hỏi mới của thời cuộc. Chẳng hạn, văn hóa Việt Nam đã thay đổi nhiều khi Lão Giáo, Nho Giáo, và Phật Giáo du nhập vào Việt Nam, đặc biệt trong bốn thế kỷ đầu Công Nguyên. Những người mang sứ mệnh tôn giáo tới Việt Nam, đồng thời, cũng mang theo văn hóa của họ. Qua quá trình thích nghi và phát triển, hiện nay, người ta có thể nhận thấy các đặc tính văn hóa của Ấn Độ và Trung Quốc trong văn hóa Việt Nam.[73] Tại miền Nam Việt Nam, người ta có thể nhìn thấy nghệ thuật xây cất được in dấu bởi phong cách Ấn Độ, như đền chùa và lăng tẩm; tại miền Bắc Việt Nam, người ta có thể nhận thấy phong cách nghệ thuật điêu khắc Trung Quốc trên các đình làng và nhiều nơi công cộng khác.

Quá trình biến đổi văn hóa diễn ra do sự tác động qua lại giữa các nền văn hóa. Chúng ta có thể miêu tả quá trình này như sau: Một nền văn hóa tiếp cận một nền văn hóa khác theo hai ‘thì’, thì cho và thì nhận. Sự cho và nhận các đặc tính văn hóa diễn ra cách bình thường nhất đó là không có nền văn hóa nào hoàn toàn chủ động hay hoàn toàn bị động. Không có nền văn hóa nào chỉ là ‘chủ thể’, tương tự như thế, không có nền văn hóa nào chỉ là ‘khách thể’. Các nền văn hóa vừa là chủ thể vừa là khách thể, tuy rằng ‘mức độ’ chủ thể hoặc khách thể trong các thời điểm không giống nhau. Sự tương tác giữa các nền văn hóa vừa đóng vai trò chủ thể, vừa đóng vai trò khách thể có tác dụng làm cho chúng biến đổi hình thức trong tiến trình giao tiếp cũng như trong tiến trình chúng được hấp thụ bởi những người sống trong đó.

Những quan sát và đánh giá trên đây dẫn chúng ta tới nhận thức rằng văn hóa là một hệ thống mở (open system), một hệ thống vừa cho đi, vừa tiếp nhận, một hệ thống đa dạng, uyển chuyển, có tính thích nghi cao, nhằm điều chỉnh các tương quan của con người.[74] Văn hóa luôn dành chỗ cho việc tiếp nhận các đặc tính mới nảy sinh trong các tương quan này. Qua quá trình tiếp nhận những yếu tố mới và đào thải những yếu tố không phù hợp, văn hóa được xây đắp và thanh lọc bởi những người sống trong đó. Tất cả mọi người có vai trò tiếp nhận, trao đổi, và lưu truyền văn hóa trong hoàn cảnh cụ thể của mình. Quá trình này tiếp diễn từ đời nọ tới đời kia và làm cho văn hóa ngày càng hoàn thiện hơn.

Không có nền văn hóa nào được gọi là hoàn hảo dù ở bất cứ giai đoạn nào trong lịch sử của nó. Sự phát triển văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu thiết thực của con người. Do đó, văn hóa luôn luôn được ‘tái xem xét’, ‘tái tiếp nhận’, và ‘tái lưu truyền’. Trong một số trường hợp, văn hóa thay hình đổi dạng và mang khuôn mặt mới, bởi vì những đặc tính căn bản của nó không phù hợp với hoàn cảnh cụ thể, chẳng hạn, sự thay hình đổi dạng của các nền văn hóa Tây Phương nói chung kể từ ‘Biến Cố Đức Kitô’ (the Christ-event), biến cố phân chia lịch sử nhân loại thành Cũ và Mới, trước Công Nguyên và sau Công Nguyên, Cựu Ước và Tân Ước (theo ngôn ngữ của những người Kitô Giáo). Ngày nay, văn hóa Tây Phương nói chung có thể được xem là văn hóa Kitô Giáo.[75] Kitô Giáo ảnh hưởng cách sâu đậm đến các nền văn hóa Tây Phương và tạo ra sự biến đổi lớn về ‘chất’ trong các nền văn hóa này. Chẳng hạn, ý niệm về bác ái, tự do, nhân quyền, bình đẳng có thể được xem là những điểm son mà nền văn hóa Kitô Giáo mang lại cho Tây Phương cũng như các dân tộc khác. Hơn nữa, văn hóa Kitô Giáo đã và đang trở thành cầu nối liên kết giữa các nền văn hóa trên thế giới.[76]

Kết Luận

Chúng ta đã tìm hiểu một số định nghĩa điển hình về văn hóa và nhận thức rằng không định nghĩa nào có khả năng khái quát hóa thực tại văn hóa nhằm thỏa mãn tri thức con người. Điểm chung của các định nghĩa là văn hóa kết tụ và được diễn tả nhờ các biểu tượng, ý nghĩa, và giá trị nhằm điều chỉnh các tương quan của con người trong môi trường tự nhiên, lịch sử, và xã hội. Con người và văn hóa ‘định dạng’ nhau. Con người ‘định dạng’ văn hóa theo nghĩa rằng con người là chủ thể của văn hóa trong việc tiếp nhận, xây dựng, trao đổi, và lưu truyền văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Văn hóa ‘định dạng’ con người theo nghĩa rằng văn hóa là môi trường cho phép con người xây dựng đời sống cá nhân cũng như tập thể. Mọi hành động, lời nói, việc làm, kể cả niềm tin của con người phụ thuộc rất nhiều vào văn hóa.

Văn hóa tồn tại trong hai trạng thái chính, liên tục và phát triển. Trong trạng thái liên tục, văn hóa bền vững và ổn định. Văn hóa được xem là tiêu chuẩn để phân biệt giữa các chủng tộc, bộ lạc, quốc gia, giai đoạn lịch sử. Trong trạng thái phát triển, văn hóa năng động và đổi thay. Sự thay đổi văn hóa xảy ra dưới tác động của những thay đổi về lịch sử xã hội cũng như sự tương tác và trao đổi giữa các nền văn hóa.[77] Nhờ hai trạng thái liên tục và phát triển, văn hóa luôn ‘cũ’ và ‘mới’, mới trong cũ và cũ trong mới. Chính hai trạng thái này tạo điều kiện cho con người ngày càng phát triển hơn về mọi mặt, đặc biệt, về nhận thức, tư duy, và chân-thiện-mỹ.

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Viên

Trích từ Tập san Đức Tin Và Văn Hóa, số 01


[1] See New Catholic Encyclopedia, ‘culture’, ed. J. Jensen, Vol. 4 (Washington: The Catholic University of America, 2003), 426.

[2] See Matthew Arnold, in Raymond Williams, Culture and Society (London: The Hogarth Press, 1987), 115.

[3] See Clifford Geertz, The Interpretation of Cultures (New York: Basic Books, 1973), 48.

[4] See Michael Amaladoss, Beyond Inculturation: Can the Many be One? (Delhi: ISPCK, 1988), 52.

[5] See William M. Reddy, “Anthropology and History of Culture,” in A Companion to Western Historical Thought, ed. Lloyd Kramer and Sarah Maza (Malden, MA: Blackwell, 2002), 283. Reddy observes that “disquiet among anthropologists focused on three aspects of the new culture concept: (1) its synchronic character, (2) its inability to deal with diversity and conflict, and (3) the relation between the ethnographer and his or her subjects that this concept implied.”

[6] Raymond Williams, Culture and Society, 256.

[7] See John Hartley, in Key Concepts in Communication and Cultural Studies, ed. Tim O’Sullivan (London: Routledge, 1994), 68. According to Hartley, “if you are planning to use the term culture as an analytical concept, or if you encounter its use, it is unlikely that you will ever be able to fix on just one definition that will do for all such occasions.” Geertz says that “the term ‘culture’ has by now acquired a certain aura of ill-repute in social anthropological circles because of the multiplicity of its referents and the studied vagueness with which it has all too often been invoked.” See Clifford Geertz, The Interpretation of Cultures, 89.

[8] See New Catholic Encyclopedia, ‘culture’, ed. J. Jensen, 426-428.

[9] Edward Burnett Tylor, in Aylward Shorter, Toward a Theology of Inculturation (London: Geoffrey Chapman, 1988), 5.

[10] See Robert Owen, in Raymond Williams, Culture and Society, 29. Owen holds that human identity much depends on culture, in some sense, human nature itself is the product of a culture.

[11] See William A. Haviland, Cultural Anthropology (New York: Holt, Rinehart and Winston, 1975), 10.

[12] Alfred Kroeber and Clyde Kluckhohn, in New Catholic Encyclopedia, ‘culture’, ed. J. Jensen, 426. In Culture: A Critical Review of Concepts and Definitions (1952), U.S. anthropologists Kroeber and Kluckhohn cited 164 definitions of culture, ranging from ‘learned behaviour’ to ‘ideas in the mind’, ‘a logical construct’, ‘a statistical fiction’, ‘a psychic defence mechanism’, and so on.

[13] See John Hartley, in Key Concepts in Communication and Cultural Studies, 68. Hartley argues that “the term culture is multi-discursive; it can be mobilized in a number of different discourses. This means you cannot import a fixed definition into any and every context and expect it to make sense. What you have to do is identify the discursive context itself. It may be the discourse of nationalism, fashion, anthropology, literary, criticism, viti-culture, Marxism, feminism, cultural studies, or even common sense.”

[14] See Paul Tillich, Theology of Culture (Oxford: Oxford University Press, 1959), 58.

[15] See William A. Haviland, Cultural Anthropology, 138. Haviland says that culture itself cannot be directly observed; only outward behavior is actually observable.

[16] Clifford Geertz, The Interpretation of Cultures, 89.

[17] Matthew Arnold, in Raymond Williams, Culture and Society, 334.

[18] Matthew Arnold, in Raymond Williams, Culture and Society, 335.

[19] Paul Ricoeur, The Symbolism of Evil (Boston: Beacon, 1967), 347-357.

[20] Clifford Geertz, The Interpretation of Cultures, 91.

[21] Gaudium et Spes, 53. Gaudium et Spes is often called the Pastoral Constitution on the Church in the Modern World that was promulgated on 7 December 1965 by the Second Vatican Council.

[22] See Gaudium et Spes, 54.

[23] See Taylor Coleridge, in Raymond Williams, Culture and Society, 254. Coleridge understands that culture was made into an entity, a positive body of achievements and habits, precisely to express a mode of living superior to that being brought about by the ‘progress of civilization’.

[24] See Zoltán Alszeghy, “Cultural Adaptation as an Internal Requirement of Faith,” Gregorianum 63 (1982): 38. Alszeghy considers culture as having two aspects, matter and form. The matter of a culture is “made up of the fundamental human needs of culture” which is divided into individual needs (the physical, psychological and spiritual needs) and communal needs (the familial, interrelational and organizational needs of the entire group). The form of a culture is the pattern of thought emerging from natural and historical circumstances.

[25] For example, the culture of a country is more durable than any political systems or policies of that country.

[26] See Julian Steward, in William A. Haviland, Cultural Anthropology, 138.

[27] See Andrew C. Isenberg, “Historicizing Natural Environments: The Deep Roots of Environmental History,” in A Companion to Western Historical Thought, 372-373.

[28] Ibid. 383.

[29] See Marvin Harris, Culture – People - Nature (New York: Harper & Row, Publishers, 1988), 243.

[30] Yin - Yang : The philosophy of Yin-Yang assumes that Yin-Yang are the two aspects of all realities. Yin is passive and negative, while Yang is active and positive. In the relationship between two realities: One will be Yin, while other will be Yang. There are some particular realities of Yin Yang: Moon - sun, earth – heaven, humanity – heaven, earth - humanity, mother - father, cold – hot, winter – summer, night – day, darkness - light, square - circle. A reality can be Yin or Yang, since the Yin or Yang of something does not depend on its nature, but on its relation with what is compared. For example: Between heaven and humanity, humanity is Yin, heaven is Yang, while between humanity and earth, earth is Yin, humanity is Yang.

[31] See Johann Gottfried Herder, in Harold Mah, “German Historical Thought in the Age of Herder, Kant and Hegel,” in A Companion to Western Historical Thought, 147.

[32] See Marvin Harris, Culture – People - Nature, 504.

[33] See William M. Reddy, “Anthropology and History of Culture,” 281. Reddy observes that “all three anthropologists [Clifford Geertz, Victor Turner and Claude Lévi-Strauss] announced a new autonomy for culture, a new purity and power; none felt the need for help from psychology to understand how culture was grounded at the individual level - such grounding was intellectual or existential in character....”

[34] Clifford Geertz, The Interpretation of Cultures, 52.

[35] Ibid. 144.

[36] See Bernard Lonergan, Method in Theology (New York: The Seabury Press, 1979), 302. Lonergan writes that “human individuals differ from one another not only through individuation by matter but also in their mentalities, their characters, their ways of life. For human concepts and human courses of action are products and expressions of acts of understanding, human understanding develops over time, such development is cumulative, and each cumulative development responds to the human and environmental conditions of its place and time.”

[37] Ary A. Roest Crollius, “Inculturation and the Meaning of Culture,” Gregorianum 61 (1980): 267.

[38] See Clifford Geertz, The Interpretation of Cultures, 52.

[39] See Clifford Geertz, The Interpretation of Cultures, 408. Geertz writes that “the analysis of culture comes down therefore not to an heroic ‘holistic’ assault upon ‘the basic configurations of the culture’, an overarching ‘order of orders’ from which more limited configurations can be seen as mere deductions, but to a searching out of significant symbols, clusters of significant symbols, and clusters of clusters of significant symbols – the material vehicles of perception, emotion, and understanding - and the statement of the underlying regularities of human experience implicit in their formation.”

[40] See Andrew C. Isenberg, “Historicizing Natural Environments: The Deep Roots of Environmental History,” 375 - 377.

[41] See Marvin Harris, Culture – People - Nature, 389. According to Harris, “some anthropologists believe that the future world will be homogenized into a single culture. The concept that man is moving toward a “one-world culture” springs from the rapid developments in communication, transportation, and trade that link the great majority of today’s people.”

[42] Clifford Geertz, The Interpretation of Cultures, 5.

[43] Gaudium et Spes, 55.

[44] See William A. Haviland, Cultural Anthropology, 100.

[45] Clifford Geertz, The Interpretation of Cultures, 250. Geertz writes that “symbol systems, man-created, shared, conventional, ordered, and indeed learned, provide human beings with a meaningful framework for orienting themselves to one another, to the world around them, and to themselves.”

[46] See Clifford Geertz, The Interpretation of Cultures, 216.

[47] See William M. Reddy, “Anthropology and History of Culture,” 279-280.

[48] Matthew Arnold, in Raymond Williams, Culture and Society, 116.

[49] See Harry Liebersohn, “German Historical Writing from Ranke to Weber: The Primacy of Politics,” in A Companion to Western Historical Thought, 172.

[50] Clifford Geertz, The Interpretation of Cultures, 80.

[51] See Julian Steward, in William A. Haviland, Cultural Anthropology, 138.

[52] See William A. Haviland, Cultural Anthropology, 138.

[53] Johann Gottfried Herder, in Harold Mah, “German Historical Thought in the Age of Herder, Kant, and Hegel,” 147.

[54] In Japanese, Samurai denotes the aristocratic warriors; Bushido ‘Way of the Warrior’, the code of conduct of the samurai class in Japanese society. This idea was influenced by Zen Buddhist and Confucian thought and developed during the Kamakura period (1192-1333) up to 1945. The ‘Way of the Warrior’ is a method of training including athletic and military skills and fearlessness toward the enemy in battle.

[55] See Robert J. Schreiter, Constructing Local Theologies (New York: Orbis Books, 1994), 43.

[56] See Kodanda Rao, the Indian sociologist observes that, up to 1600 AD, the differences from Western and non-Western culture are not really significant. See Kodanda Rao, in Arend Th. van Leeuwen, Christianity in World History (London: Edinburgh House Press, 1966), 35.

[57] William A. Haviland, Cultural Anthropology, 138.

[58] Ibid. 11.

[59] Clifford Geertz, The Interpretation of Cultures, 409.

[60] See Ary A. Roest Crollius, “Culture Change and the Liberation of the Human Person,” in Cultural Change and Liberation in a Christian Perspective, ed. Marcel Dumais and Others (Rome: Gregorian University Press, 1987), IX.

[61] Clifford Geertz, The Interpretation of Cultures, 407.

[62] See Robert J. Schreiter, The New Catholicity: Theology between the Global and the Local (New York: Orbis Books, 1997), 50.

[63] See Robert Hardawiryana, “Building the Church of Christ in a Pluricultural Situation,” in Building the Church in Pluricultural Asia, ed. Robert Hardawiryana (Rome: Gregorian University Press, 1989), 5.

[64] See Clifford Geertz, The Interpretation of Cultures, 44.

[65] FIFA: From French, Fédération Internationale de Football Association.

[66] Jerry H. Bentley, “The New World History,” in A Companion to Western Historical Thought, 405. Bentley argues that “granting that scholars cannot entirely escape their own cultural inheritance, might there at least be some way to deal responsibly with other people and their societies? Or does historical analysis of other people inevitably say more about the observer than the observed?”

[67] Bernard Lonergan, Method in Theology, 301.

[68] Ibid.

[69] See Clifford Geertz, The Interpretation of Cultures, 43-44. The idea that a culture must be evaluated according to its own standards is called cultural relativism. This idea is also in William A. Haviland, Cultural Anthropology, 20.

[70] Raymond Williams, Culture and Society, 319.

[71] See Robert J. Schreiter, Constructing Local Theologies, 44.

[72] Matthew Arnold, in Raymond Williams, Culture and Society, 126.

[73] See Marvin Harris, Culture – People - Nature, 594. Adaptation: The process by which organisms, or cultural elements, undergo ch ange in form or function in response to threats to their existence and replication.

[74] Culture is not a simple reality. Rather, it is a system of values and meanings which are grown, refined, communicated and passed on from this generation to the next through the interaction of human beings with the natural environment and socio-historical environment.

[75] See Arend Th. van Leeuwen, Christianity in World History (London: Edinburgh House Press, 1966), 43.

[76] See Gabrielle M. Spiegel, “History Thought in Medieval Europe,” in A Companion to Western Historical Thought, 88-89. Cross-culture refers to generalization that can be made about intercultural communication, based on the analysis of different intercultural encounters. See Robert J. Schreiter, The New Catholicity: Theology between the Global and the Local, 29.

[77] Paul Tillich, Theology of Culture, 50. According to Tillich, “cultural changes occur by the inner dynamics of culture itself.”

Nguồn tin: