Covid Kéo Theo Cô Đơn Và Tình Liên Đới Nơi Mỗi Người

Tue,22/06/2021
Lượt xem: 1160

 

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương

 

Như chúng ta đã biết, gần 1 năm Covid Vũ Hán đã và đang hoành hành trên toàn thể nhân loại. Cho đến giây phút này (10:27’, ngày 21/6/2021) Số ca đã lây nhiễm là 180,283,459 và số tử vong 3,897,065 và có thể từng giây từng phút từng giờ con số vẫn gia tăng. Mọi người trên toàn thế giới đã rất hoang mang vì đại dịch nguy hiểm này. Chỉ là con Vi-rus nhỏ tỉ teo, mắt thường không thể nhận ra, nhưng nó có sức mạnh làm cho con người dù giàu có, dù thế lực, dù ai đi chăng nữa cũng phải lao đao và sợ hãi. Nó kéo theo sự chia ly giữa người thân trong gia đình, giữa anh chị em với nhau do sự lây lan quá nhanh ngang qua sự tiếp xúc gần. Thậm chí, nó gây nên sự chia ly tột độ đó là sự chết của người thân. Vì nó mà mọi người đã không còn được giao du, gặp gỡ và trao đổi bình thường trong môi trường chung. Vì nó, sự cô đơn và bị bỏ rơi đối với các ông già bà lão. Họ đã khổ, đã đói, nay lại khổ - lại đói và cô đơn hơn vì căn bệnh Covid -19 này.

Phải chăng vì Covid mà lòng người bị se lại và bị ‘đóng băng’ cũng như buộc phải ‘vô cảm – dửng dưng’ với nhau? Phải chăng lệnh truyền ‘nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng’ hay lời mời gọi ‘lá lành đùm lá rách’ đang được thôi thúc mỗi chúng ta thực thi? Chúng ta không được phép xây bức tường ngăn cách, bức tường loại trừ nhưng hãy xây nên chiếc cầu nối kết – chiếc cầu tình liên đới trong hoàn cảnh bi ai nhất này. Dù vì Covid mà mọi người được mời gọi hãy thực hiện khoảng cách, nghĩa là không được tiếp cận gần gũi. Như vậy, lẽ nào chúng ta lại bỏ người nghèo chết mòn chết mỏi hay sao? Lẽ nào chúng ta lại sống xa cách anh chị em đồng loại vì sợ lây nhiễm hay sợ chết chóc sao? Không, là anh em trong một gia đình nhân loại, gia đình Việt nam với nhau, chúng ta không được phép sống vô cảm và dửng dưng khi anh chị em mình bị đau, bị bệnh, bị đói, bị khát,…Chúng ta hãy hành động chứ đừng ngồi đó để lên án, chỉ trích hoặc sợ sệt: như sẵn sàng chung tay đóng góp theo lời mời gọi của chính phủ vào công quỹ mua Vắc-xin để phòng chống Covid-19; như nấu cơm cháo cũng như thức ăn cho các bệnh nhân bị nhiễm Covid tại các trung tâm cách ly; như sẵn sàng góp phần vào việc cung cấp các nhu yếu phẩm hoặc vật tư ý tế cho các y các sỹ để họ có đủ điều kiện điều trị các bệnh nhân nhiễm bệnh; hoặc có thể âm thầm đến gặp riêng các hoàn cảnh éo le, già cả cô đơn để động viên, khích lệ, chăm sóc và chia sẻ chút tình thương ngang qua hành động nho nhỏ.


Là người có đức tin vào Chúa Giê-su, chúng ta lại được mời gọi khẩn thiết hơn cho việc thực thi bác ái đối với mọi người, nhất là những người hoàn cảnh khó khăn trong thời gian đặc biệt này. Là người công giáo, chúng ta không thể gặp gỡ Chúa mà lại không gặp gỡ anh chị em đồng loại. Vì tất cả đều là hình ảnh của Thiên Chúa, là anh chị em với nhau trong ngôi nhà chung là thế giới. Chúng ta được mời gọi sống tình liên đới hơn là loại trừ và chia cắt nhau. Chúng ta được mời gọi thực thi lòng thương xót cho anh chị em trong hoàn cảnh này hơn bao giờ hết. Vì những gì chúng ta có là do Chúa trao ban, mà đã được trao ban sao chúng ta lại không trao ban cho anh chị em. Vì khi trao ban là chúng ta đang trở nên anh chị em thuộc gia đình của Chúa Giê-su. Chính Chúa Giê-su đã trở nên tấm bánh bẻ ra cho chúng ta, đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải trở nên tấm bánh bẻ ra cho muôn người. Quả thật, cho thì phúc hơn là nhận.(Cv 20,35) Chúng ta sẽ thật sự có phúc, có niềm vui khi chúng ta sống trao ban cho nhau. Hơn nữa, khi chúng ta sống cho đi và giúp đỡ người khác, nhất là người nghèo là chúng ta đang làm cho chính Chúa Giê-su vậy. Vì chính Chúa cũng đã đồng hoá Ngài với người nghèo khi Ngài nói ‘tất cả những gì các ngươi làm/ hay không làm cho những kẻ bé mọn của Ta đây, là các ngươi đã làm/ hay không làm cho chính Ta vậy’ (x.Mt 25, 31-46). Như vậy, khi chúng ta giúp đỡ người nghèo, kề cận với người khó khăn và già cả neo đơn là chúng ta đang giúp đỡ, kề cận với chính Chúa của chúng ta vậy. Thật vậy, “ai vui vẻ dâng hiến thì được Chúa yêu thương  (2cr 9, 7). Vì thế, mỗi chúng ta đừng sợ nhiễm bệnh, đừng sợ chết nhưng hãy dấn thân và tích cực xây dựng tình liên đới bằng mọi cách miễn sao người nghèo và bệnh tật không bị loại ra phía sau. Tôi đã làm được gì trong bối cảnh này rồi? Giờ tôi phải thực thi tình liên đới nơi môi trường sống của tôi như thế nào? Hay tôi đang tự khép mình, đóng băng cõi lòng và tâm hồn tôi đối với anh chị em trong thời gian này? Chúa đang cần nơi tôi điều gì ngay lúc này? Quê hương đất nước đang mời gọi tôi tham gia điều gì? Tôi có thực sự quan tâm không hay tôi bỏ ngoài tai vì tôi sợ hãi và ích kỷ,…

Nguồn tin: