Sân trường thênh thang với từng cơn gió chuyển mùa nhẹ nhẹ vương trên những hàng cây lá úa. Mùi sương khói thơm bay phảng phất những năm tháng miên man đời kẻ tu hành. Từng hàng cây nghiêng mình đất gọi; từng chiếc lá rơi rụng như mang theo hình bóng vần xoay của một kiếp nhân sinh. Sân trường kia sao mà lê thê, sao mà dài rộng! Lạnh.
Xuân kia đương tới, níu giữ trên thân bồ đề hai mùa lá. Cái cũ và cái mới đan xen vào nhau. Cái trẻ trung tươi xanh thế vào cái già nua tàn úa. Cái đương tới thế vào cái đương qua. Và thế là, đất trời chuyển vần mang theo khúc giao thời. Cái hiền dịu kia như ôm lấy những giai điệu du dương của cuộc sống phả vào hồn kẻ sỹ nét tương tư. Nói sao cho hết cái sâu thẳm của mùa xuân, khi mà điệp khúc của quy luật tự nhiên cứ thế xoay vần. Nói sao cho đành nét huyền diệu của bàn tay Tạo Hóa, khi mà công cuộc sáng tạo cứ thế chảy mãi vô cùng. Hai màu lá, hai mùa chuyển vần. Lá hôm nay về cội, lá ngày mai đâm chồi. Có hoang tàn của ngày đông giá rét thì cũng có huy hoàng của ngày xuân thắm tình. Những chiếc lá nối tiếp đổ ào trong gió, xếp chồng vung vãi trên mặt sân đá lạnh, ghé thăm hàng ghế cô đơn, im tiếng trong lòng đất ẩm. Lá hiền dịu, vỏn vẹn giữa bàn tay dịu hiền.
Lá về cội cho đất thêm hiền, cho đất bớt cô đơn. Lá rơi. Lá đong đầy bao khắc khoải và cũng đong đầy bao nỗi tương tư của đời mình, một cuộc đời thoát ly bụi trần, thanh bần nhưng chẳng nhuốm màu hoen ố. Lá chỉ là lá thôi.
Lá công chính. Nó sống đúng với những gì mình có. Lá chẳng phải thân xù xì mang gánh; lá chẳng phải hoa kiêu sa khoe hương sắc giữa đời; lá cũng chẳng phải rễ trần trụi cắm sâu vào lòng đất. Lá chỉ là bạn của cành và là bạn của nhau. Nó hiện hữu giữa muôn trùng sự hiện hữu nhưng nó vẫn là nó, độc đáo và cá vị. Nó chỉ là nó mà thôi, hòa đồng giữa thế giới nối kết nhưng chẳng bao giờ hòa tan trong sự xô bồ. Lá chấp nhận chính mình mà không một lời than thở, không lấn át điều chi, không cau có điều gì. Lá đón nhận chính nó để rồi hiện hữu cách công chính giữa đời. Lá đó, hiên ngang giữa đất trời - gió về thì reo, nắng lên thì múa nhảy, mưa xuống thì rì rào hát ca. Đơn sơ với phận mình ấy là chính mình.
Lá biết mình. Lá như biết điều gì chắc chắn và biết điều gì chóng qua. Như chính cuộc đời lá vậy, một sớm một chiều tươi xanh lại có một chiều một sớm rơi rụng. Chỉ trong sự nối kết với điều chắc chắn tuyệt đối thì cuộc đời mới trở nên tuyệt đối chắc chắn mà thôi. Chấp nhận. Và, lá đã làm được. Nó vẫn nối kết với quy luật của đất trời; nó vẫn hiện hữu nhịp nhàng giữa vòng xoay của tự nhiên mà tiếp nối sự sống. Những chiếc lá nghiêng nghiêng hướng chiều về đất như ưu tư về số kiếp bụi tro của mình, âm thầm sống đúng với vòng đời xoay chuyển mà đợi chờ ngày trở về. Lá co mình để rồi chẳng màng chi danh lợi, chẳng màng chi thế sự nổi trôi, chẳng cần ai nhớ đến và cũng chẳng cần thứ gì cao sang. Nó biết rằng sống thì gian lao, úp mặt vào đất; chết thì trắng tay, ngửa mặt lên trời, bởi vì, chấm tận của cuộc đời cũng chỉ vắn vỏi trong ngần ấy tấc đất mà thôi. Nó như muốn quên đi mình là ai, để rồi chỉ biết reo vui ngây dại mà an ủi phận đời ngang trái.
Lá phong nhiêu. Kiếp sống của lá thật hiền nhưng lại thật vô cùng. Tựa búp bé xíu vô danh kia, đâm chồi khe khẽ, nhẹ nhàng chẳng ai biết, chuyển sắc giữa bao mùa mưa nắng chẳng ai hay. Lớn lên. Lá đứng giữa trời mà reo với mây gió, rì rào với đêm trăng thanh và, một ngày kia ôm lấy đất mà ngủ muôn đời. Lá hóa kiếp thành đất, thành nước; lá trở nên cây, nên cỏ; lá hóa thành ruộng, thành nương. Lá nên hạt bụi làm mắt ai cay cay như sầu ứa lệ. Lá gặp được chính mình và gặp được muôn loài trong chính nó. Lá hóa kiếp để nên sự phong nhiêu cho đời. Nó như muốn cho đi để rồi hướng đến cái tận cùng. Lá đó, hiện hữu cách đúng nghĩa, để rồi chết đi là để hướng đến cái bất diệt tiếp nối cho ngàn đời sau.
Lá đẹp. Cái đẹp của Tạo Hóa muôn trùng hùng vĩ và nó cũng đầy dư lênh lãng trong chiếc lá đơn sơ. Ta như thấy cả ngàn trùng thế giới trong một chiếc lá: có núi sông đất nước, có những cánh đồng nương bãi, có những mảnh đất già và cả những rặng mây nghiêng… Ta như đắm chìm trong cái đẹp bao la vô tận mà chiếc lá kia vẫn ôm giữ bấy lâu. Lá kia như giọt sương sớm trong veo cho vạn vật soi bóng. Lá như bầu trời của một ngày hè có bình minh đỏ óng, tươi xanh rực rỡ khi nắng lên cao và ngả bóng thanh bình khi hoàng hôn buông xuống. Lá mang hình hài của một khung trời hùng vĩ giữa rừng cây bạt ngàn. Nơi chiếc lá có bốn mùa luân chuyển, có khí tiết đất trời, có công lao người vun tưới, có nụ cười thật êm và đôi tay thật hiền… Cả thế giới như gói gọn trong một chiếc lá mong manh. Lá nhỏ bé nhưng bao dung một đời.
Lá mùa đông rơi rụng giữa mùa xuân có phải làm cho đôi mắt người vương chút tương tư hay làm cho lòng người thêm phần thi vị. Dịu dàng. Lá rơi giữ lòng người để nói thật khẽ, hôn thật êm. Nó chấm phá vào hồn ta bao điều tâm tư như chính cuộc đời nó vậy. Và cứ thế, lá trần tình.
Huyền diệu, lá đến với đời. Lá im lặng. Im lặng chỉ vậy thôi mà chất chứa đầy những giai điệu của âm thanh. Im lặng để lắng nghe, để tồn tại và để vào đời. Lá im lặng không phải là lá câm nín, nhưng im lặng là để nói cho đời những thông điệp của sự sống. Im lặng là để biết mình, để biết người và để cảm thấu sự đời. Nó im lặng mà nghe được âm thanh cao vọng từ trời cao, mà biết được cái dại cái khôn ở đời. Lá im lặng mà thấy được cuộc đời này thật đẹp nhưng cũng đầy dẫy nỗi oan khiên. Im lặng mà đi vào cái sâu thẳm của nhân tình thế thái, mà biết bao dung với trái ngang phận đời. Im lặng là cái cách để lá nói. Nó phơi trần chính nó nơi cái thâm sâu của sự hiện hữu tự thân để rồi minh thị cho tất cả nỗi lòng. Cái im lặng kia của chiếc lá như dạy cho chúng ta cách nhìn, cách hiểu và cách nghĩ về cuộc sống hôm nay; một cuộc sống đầy những thông điệp lạ lùng. Im lặng nhưng là lên tiếng. Im lặng cũng là cách để chúng ta vào đời. Chiếc lá kia như muốn ngỏ lời với chúng ta về cái cách mà nó đã đến giữa cuộc đời này.
Lênh đênh giữ kiếp phong trần, ta cứ mãi lang thang nơi ồn ào của phố xá đô thị; ta như chỉ biết quanh quẩn nơi bao lạc thú nổi trôi; ta sân si bao tháng ngày nấn ná bên những đổ nát của thế sự hoang tàn. Nào có hay, ta chẳng còn là chính mình nữa, ta đánh mất đi cái độc đáo của nhân vị, ta hiện hữu chẳng bằng một chiếc lá và ta thật đáng ‘buồn nôn’. Ta như kẻ bị ru ngủ trong giấc ‘phóng thể’, và ta nợ cuộc đời. Chiếc lá trên tay như muốn ngỏ vào lòng người: Ta đã thực sự hiện hữu, đã tìm thấy được chính mình và đã bao dung được bao nhiêu cho cuộc đời, cho phận người hôm nay?
Kiếp lá tựa kiếp người. Cầm chiếc lá trên tay mới thấy cái mong manh của đời người hệt như số kiếp của chiếc lá quẩn quanh trong vòng “sinh, trụ, dị, diệt”. Thật, lá kia có sinh, có già, có úa và có rơi rụng. Ấy là vô thường. Đời người trong gió hệt như lá vàng rơi: có xanh ngắt thơm bay là có xanh xao vàng vọt; có tươi vui mùa mới là có cay đắng lệ sầu, để rồi cũng phải đến ngày ngả bóng về nơi cuối chiều. Tất cả chúng ta rồi cũng bị cuốn theo, lao đi trên hành trình mang tên “thời gian và số phận”. Chúng ta đã được sinh ra, rồi sẽ tồn tại dưới gầm trời này nay mai, chuyển thời ngày tàn xế bóng và chấm tận khuất núi trong mục nát hư vô. Cái mong manh của phận người hệt như chấm nhỏ li ti không gì đáng kể. Vòng xoay kiếp người như lá kia sinh ra là để trở về nơi mình đã bắt đầu. Cái kiếp nhân sinh cũng phải chuyển mùa như hai màu lá trên thân bồ đề kia. Mơ màng.
Lá như muốn nói lời của tình yêu. Tình yêu thì không có “sinh, trụ, dị, diệt”. Tình yêu ôm lấy cái hữu hạn của kiếp con người. Lá như mượn lời của ai đó để thổ lộ tâm tư: “Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm thế nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời”. Cái hữu hạn của thân phận cũng có giá trị của nó, miễn sao nó được cứu chuộc bởi cái vô hạn của tình yêu. Tình yêu là thứ ‘dung môi’ làm nên những nấc thang giá trị của cuộc đời. Tình yêu làm cho công cuộc hiện sinh thêm phần ý nghĩa và phong nhiêu. Tình yêu dẫn dắt chúng ta đến với sự kết nối tuyệt đối chắc chắn với cái chắc chắn tuyệt đối ấy chính là Đấng tình yêu. Nhưng quan trọng hơn là: chúng ta đã làm gì để sự cứu chuộc đó được bắt đầu?
Lá kia như muốn thức tỉnh tất cả để cho lòng người trở về với lòng người. Số kiếp mong manh của chúng ta cũng hệt như chiếc lá, nhưng lá kia đúng và ta đã đúng? Ta có nhớ, ta là cát bụi hay ta là sự bất diệt? Ta có nhớ, ta sinh ra trần trụi rồi cũng trở về với tay trắng đôi tay? Hay, ta có nhớ một mai ta nằm xuống, ta cũng chẳng khác chi chiếc lá kia là mấy? Chấm tận. Cái giới hạn của ta cũng như chiếc lá vậy, vấn đề chỉ còn là thời gian mà thôi. Giây phút hiện tại ấy chính là cơ hội để thức tỉnh. Ta phải trở về là chính ta và sống đúng với ơn gọi làm người của mình. Ta trở về ấy là biết mình. Trở về chính là một sự khiêm tốn, một sự hạ mình, một sự nhìn nhận và là một sự hoán cải. Trở về không giống như chiếc lá về cội nhưng là trở về với phẩm giá là ‘nhân linh ư vạn vật’, trở về với sự tôn quý của nhân vị độc đáo, về với ơn gọi làm người của ta.
Lá kia như gõ lên lời trần tình của chính cuộc đời nó. Lá cứ nằm im, nằm im nhưng chất chứa bao nỗi niềm. Nó cũng muốn lòng người hiền dịu như nó, chân chất như nó, mộc mạc như nó, hèn mọn như nó, mong manh như nó nhưng chẳng bao giờ đánh mất đi bản ngã của mình. Lá chẳng khi nào than thở để muốn lòng người chẳng khi nào thở than. Lá chẳng khi nào giận hờn để muốn lòng người chẳng khi nào hờn giận. Lá chẳng khi nào biết buồn để cho lòng người chẳng khi nào đánh mất niềm vui. Lá chẳng khi nào biết say để lòng người biết sống đẹp cho đời nó say. Lá lặng lẽ chỉ để cho lòng người biết tĩnh lặng tìm về cõi riêng tư của lòng mình, cứ thế thấy mình, biết mình và đón nhận chính mình.
Ta như nghe được nỗi lòng của lá, nỗi lòng ấy thật đẹp như tâm tình của vị thi sỹ kia: “Thực lòng ta chỉ thỉnh thoảng có đôi chút buồn buồn. Buồn vì thấy cuộc đời vui quá, đáng yêu quá, mà mình thì không thể sống hằng nghìn năm để nhìn ngắm cái mượt mà của từng phút đầy tính lễ hội của phố xá tưng bừng nhan sắc ở trần gian.”[1] Lá buồn như hồn thi sỹ vậy, nhưng chẳng phải buồn vu vơ mà là một cái buồn của hiện sinh, một cái buồn thật dịu dàng. Sâu thẳm. Lá về với vô cùng.
Lá về cội cũng như chúng ta về Nguồn. Lá về với bụi đất cũng như số phận bụi đất của chính ta. Lá mang trong mình những dấu ấn Tạo Hóa, ta mang trong mình những tâm tình tri ân. Lá cũng chỉ là một trong muôn vàn điều khả hữu. Lá đến giữa cuộc đời để nói lên một Đấng vô cùng. Chúng ta rồi cũng đến ngày cuối cùng kia, nhưng chúng ta không phải về với hư vô mà là về với điều vô cùng đó. Cái vắn vỏi của lá như cái vắn vỏi của ta, tất cả đều mang trên mình những dấu vết của một Đấng chẳng có sinh, có diệt.
Trước ngày chấm tận, chúng ta nghe thật rõ, hiểu thật sâu: “Mọi thứ rồi sẽ qua đi hệt như cái mong manh của một kiếp lá tàn”. Đặt chiếc lá vào cõi lòng sâu thẳm, chúng ta mới tìm thấy giá trị của cuộc đời; đối mặt với nỗi sợ trống rỗng, chúng ta mới tìm thấy giá trị của sự hiện hữu; nhìn lại những gì đã qua, chúng ta mới nhận ra đâu là giá trị của kiếp nhân sinh.
Chiếc lá kia muốn nói gì? Xin viết tiếp…
Qua hình bóng của chiếc lá, chúng ta như tìm thấy được chính mình và khám phá được vô vàn những giá trị nhân văn sâu thẳm ẩn tàng nơi thiên nhiên vạn vật. Ước mong sao, với những suy tư nhỏ bé trên sẽ cách nào đó ít nhiều giúp ích và làm phong phú cho đời sống tinh thần mỗi người chúng ta. Thế giới mà Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta cai quản thật đầy những huyền bí cao sâu. Tựa chiếc lá thôi cũng đủ cho chúng ta tìm được cái đẹp vô cùng của công cuộc sáng tạo. Chiếc lá cũng giúp chúng ta hướng lòng về Thiên Chúa tình yêu ngõ hầu nhìn lại phận mình mà không ngừng dâng lên Người lời cảm tạ tri ân. Chúng ta cũng hãy đón nhận chính mình như chiếc lá để sống công chính với phận mình, để chu toàn chính mình và để đáp trả lời mời gọi của tình yêu.
Những suy tư nhỏ bé trên không thể nói hết được chiều sâu và chiều rộng về những thông điệp sự sống ẩn tàng trong thế giới tự nhiên, nhưng cũng qua đó sẽ giúp mỗi người chúng ta tìm thấy những dấu vết của Thiên Chúa trong những điều xem ra là vô cùng đơn sơ, vô cùng nhỏ bé này.
Hương Lạc
[1] Như Hải, Buồn khác cô đơn, (Trịnh Công Sơn – Rơi lệ ru người), Thời Đi Học, 2021, http://www.thoidihoc.net/2020/06/buon-khac-co-on.html, Truy cập ngày 1/4/2021.