Chuyện Của Lá (số 2)

Sun,05/01/2025
Lượt xem: 598

 

Tầm Phào Cái Lẽ

Hôm qua, lá lại rơi. Nó rơi xuống sau một vòng đời. Lay nhẹ. Cái rơi rụng của nó cũng thật êm, thật hiền. Chiếc lá ngày ấy về cội, chiếc lá hôm nay cũng đành. Sự tiếp nối ấy như họa chung một vòng đời, một nhịp thở, một số phận nhưng thực ra chúng chẳng giống nhau chút nào. Chiếc là kia cũng về với hư vô như chiếc lá ngày ấy nhưng nó đi trên hành trình của riêng nó. Nó sống với cái chết của mình. Có bao nhiêu chiếc lá là có bấy nhiêu số phận. Có bao nhiêu số phận là có bấy nhiêu điều đáng gẫm suy. Hành trình hiện hữu của lá là một cuộc đăng trình về với cát bụi. Cội kia vẫn là đích đến, đất kia vẫn là chốn đi về. Lá như biết cái dài rộng nông sâu của đời mình; như thấu cái giới hạn của số kiếp mong manh; như hiểu cái nỗi khắc khiệt của cuộc đời vô thường. Thay là khổ, đổi là đau. Ấy vậy, lá kia chấp nhận mà không than vãn, đón nhận mà không kêu ca, lãnh nhận mà không lời ai oán. Hôm nay, lá rơi xuống, thoi thóp trên thảm cỏ phất phơ.

Hiện hữu nhưng là sống động cho một lẽ sống. Nếu lá kia chỉ là lá và nó được sinh ra để rồi phải chặt đi thì thật bất công quá đỗi. Nó hiện hữu là một cái gì đó thực thụ thì cũng vì một điều gì đó thực thụ để mà hiện hữu. Phải chăng, lá kia bung ra mà không mang lấy một ý nghĩa gì? Phải chăng, là một phần của chính thể mà trở nên vô nghĩa hay sao? Âm thầm. Lá vào đời với một sứ vụ lớn lao. Dẫu biết rằng ngày mai vàng úa, lá về cội, ấy vậy, nó đâu phải hiện hữu để rồi rơi rụng nhưng là để trở nên một điều gì đó làm nên lẽ sống cho mình. Tự thân, nó cũng biết ôm cái lẽ sống của mình mà tiến dần về với cái chết. Mặc dầu lá kia chẳng bao giờ ý thức được điều gì và nó cũng chẳng bao giờ sống cái gì cho chính cuộc đời nó. Ta cũng chẳng biết lá kia có cấu tạo ra sao để luôn hướng về mặt trời, tự nó muốn vậy hay ai đã làm cho nó như vậy. Nó luôn sống động cho cái lẽ sống của mình. Nó hiện hữu với tất cả ý lực của đời nó, chân phương mà tròn đầy. Nhìn chiếc lá ta nhớ đến mình. Ta vào đời để rồi cũng phải chết đi nhưng mục đích đời ta đâu phải là chết. Lá chẳng khi nào để trở nên là lá hơn nhưng làm người lại để trở nên là người hơn ấy. Ta vào đời bằng sứ mệnh làm người, lá vào đời bằng một lẽ sống. Ta là người, hiện hữu bằng một khối nhân vị và chết đi với vị thế nhân linh. Lá đâu được vậy!

Cái gì đã đi qua thời gian mà không lấm lem chút bụi; Cái gì hiện hữu giữa cõi vô thường mà không ít nhiều đổi thay; Và, cái gì được sinh ra giữa cõi trần này mà không phải chết đi. Quy luật của cuộc sống là vậy; sinh, trụ, dị, diệt là một vòng tiếp diễn. Sinh ra ấy là hành trình tiến gần hơn với cái chết. Trên hành trình đó, cuộc sống định nghĩa chính ta. Cuộc sống trần tình về bí mật của chính nó. Đó không phải là một lời tuyên bố của dấu chấm hết nhưng là một lời mời gọi sống với hành trình chấm hết. Sống không phải để chết nhưng là sống với cái chết của mình. Cuộc sống không phải là lời ngỏ của sự bị quan về số kiếp nhưng là cái ngước vọng về miền thẳm sâu. Là người, sống để chết thì khỏi phải làm người, hay, sống mà không có nghĩa lý gì thì hóa kiếp hư vô còn hơn trăm sự. Là một cái tốt lành giữa đời mà trở nên hư vô thì con người quả là một sự bất công. Không phải vậy, hiện hữu thì không vô nghĩa, hiện hữu thì luôn có lý do.

Một cơn gió thoảng qua, một vầng trăng khuyết, một khóm mây tan, một bức tường rêu phủ, một con sóng vỡ, một làn khói tàn… tất cả vẫn luôn mang lấy sứ mạng để hiện hữu, để vào đời. Có thể, cái vô thường của cuộc sống không để chúng đứng yên, cái lạnh lùng của thời gian không để chúng kịp dừng chân, hay cái thờ ơ của bụi trần không để chúng kịp ghi dấu chất riêng của mình. Thế nhưng, chúng đã hiện hữu. Chúng đã mang lấy sứ vụ. Chúng đã đi vào đời. Cái đổi thay không phải không có ý nghĩa. Cái đổi thay làm nên cái độc đáo, làm nên nét thi vị cho từng số phận. Thật buồn chán nếu khóm mây không tan, thật nhạt nhẽo nếu vầng trăng mãi đứng hình hay thật hiu quạnh nếu con sóng kia không vỡ… chính cái đổi thay đã định nghĩa cho sứ vụ của chúng. Rõ ràng, chúng cũng đi dần vào cõi hư vô, cũng tan biến, cũng mất đi nhưng chúng vẫn để lại những dấu ấn vô cùng thanh cao. Lắng đọng. Cũng như chiếc lá, chúng chẳng biết mục đích của chúng có ý nghĩa gì, hay ta cũng chẳng biết làm sao chúng lại trở nên như vậy. Nhưng tự thân, chúng làm nên nét độc đáo cho chính mình dẫu nhiều khi chúng thật thi vị nhưng cũng thật nhạt nhẽo vô cùng. Và, chúng ta vào đời cũng bởi cách thức đó. Cuộc sống có trở nên độc đáo hay không còn hệ tại ở việc cách ta đón nhận nó và sống với nó thế nào. Sống để chết hay sống với cái chết của mình?

Sống với cái chết là một hành trình mà nơi đó, ta làm chủ cuộc chơi của đời mình. Hành trình đó là cuộc đăng trình của cái hiện hữu tiến về cái chết. Đó là sự đi ra khỏi bản ngã cứng đọng để đi vào cái quy ngã vô biên. Con người siêu thăng chính mình để hiện hữu một cách trọn vẹn hướng về Tuyệt đối. Người về với cái chết theo cái cách lạ thường. Dẫu biết rằng, cái ta nói và cái ta nghĩ thật lý tưởng vô vàn nhưng để mang nó vào đời ấy là một câu chuyện. Dòng chảy kia đâu thiếu khúc quanh co, hành trình kia đâu thiếu những giông gió giữa đời. Ấy vậy, đó cũng chính là lý do để hành trình trở nên ý nghĩa. Là con người nhưng sống cho ‘ra người’ ấy mới là cái độc đáo của sự hiện hữu cá biệt. “Dù đục dù trong, con sông vẫn chảy. Dù cao dù thấp, cây lá vẫn xanh. Dù người phàm tục hay kẻ tu hành, đều phải sống từ những điều rất nhỏ”.[1] Phận người chính là những dấu chân không ngừng nghỉ, đăng trình với tất cả sự chân phương của nó để làm nên một sự hiện hữu tròn đầy sâu xa.

Sống cho ra cái chết ấy mới là điều đáng nói. Phũ phàng. Sống thì úp mặt vào đất, chết thì ngửa mặt lên trời, đời chỉ trong vòng ấy. Thế nhưng, có phải sinh ra chỉ là để chết? Được sinh ra dưới gầm trời này mà dễ dàng bị xóa tan như dấu chân trên cát thì con người đáng giá bao nhiêu? Chí ít thì cũng hơn một dấu chân. Cuộc đăng trình không chỉ là một dấu chân nhưng là một khối nhân vị, một thế giới nhân linh và một bầu trời của tình người. Sống mà để chết thì chính ta là một nỗi bất công. Sống mà để hư vô thì thôi, người khỏi hy vọng. Sống với cái chết nó không phải là quy hướng về sự lim tắt của một hơi thở nhưng là sự lịm tắt của một sự trần trụi nơi ta. Chỉ hiện hữu mà thôi, thì chúng ta thật trơ trọi và đáng thương. Chỉ sống mà thôi, thì chúng ta chẳng khác gì một ý niệm mơ hồ. ‘Có đây’ và ‘sống động’ nơi cái có đây mới là một cuộc đăng trình sâu xa. Sống với cái chết là mình sống với cuộc sống của mình, hiện hữu đầy đủ những gì mình là và tiến vào thế giới với đầy đủ những gì mình có. Là vậy. Cũng từng đó kiếp người, ta thì chỉ có một. Cũng từng đó thời gian, ta với người là hai thế giới. Cũng từng đó bầu trời, ta vào đời bằng một lối riêng. Cũng từng đó một cõi đi về, ta với người cùng chung một nhịp.

Nếu biết trăm năm là hữu hạn, người mới biết trân quý cả trăm năm. Nhưng, người đâu màng chi với cái hữu hạn của số kiếp mà sống như thể trăm năm là muôn trùng tít tắp. Một mai khi nhìn lên mái tóc đã pha sương, nhìn lên khóe mắt đã đầy giông gió, nhìn lên gò má đã lấm lem bụi đường, người mới chợt nhận ra cái vô tình của những năm tháng sống vội. Người đã từng bon chen, đã từng được mất, đã từng hơn thua. Lòng người vô định. Cũng từng đó một vòng xoay chuyển nhưng có người lại ôm trọn cái chết của mình để ròng rã đi tìm hạnh phúc; kẻ khác lại chọn cho mình lối riêng để rong ruổi thế sự, để sống với cái chết của một cái gì đó nổi trôi. Để rồi, cái vô tình của thời gian có dịp  chạm đến lòng người. Chốn nào là một cõi đi về? Phải chăng, ba tấc đất mới thật là nhà, mới thật là chốn dung thân cho ngàn thu không tựa bóng? Tối tăm. Chật hẹp. Thấp hèn. Trơ trọi. Cái hèn mọn của đất ấy là họa ảnh cái trần trụi của ta. Chỉ khác biệt là, hạt bụi mà ta thấy nó không còn có dịp để đăng trình nữa, hay chăng nó vừa mới đi hết đoạn trường. Riêng ta vẫn còn đây để ngồi lại. Ngồi lại để nhìn về một khoảng đời hoang phí, để nhìn tới một điều gì đó sắp xảy ra. Phía cuối con đường, hành trình vẫn luôn tiếp diễn cho đến ngày hoàn nguyên thể, ta là một hạt bụi. Ngày ấy cũng có thể là bây giờ.

Còn hiện hữu bao lâu, còn vác thập giá bấy lâu. Vô thường lấy gì để làm nên Tuyệt đối? Đổi thay sao níu giữ được chút chân tình? Vậy mà, hành trình ấy không thể thiếu những chất liệu kia. Nặng. Thập giá cuộc đời thì nặng. Cơm áo gạo tiền, kế sinh nhai, sự sống còn… mọi thứ làm nên cho hành trình kia cái thập giá của cuộc đời. Thập giá thì tốt đẹp gì? Thập giá thì khắc nghiệt, ghê rợn và thê lương. Ấy vậy, đời người là một cây thập giá vô hình mà chất chứa cả một thế giới trên vai. Sinh ra giữa đời đã là khổ, thế mà bị ném vào cuộc đời này để vật lộn với nó thì lại khổ biết bao. Sống là thập giá, chết cũng vậy, người và ta chỉ biết đón nhận mà không thế chối từ. Sự thật là thế. Vác lấy thập giá là vác lấy thân phận để bước tiếp nhưng không phải treo cái thân phận kia trên cây thập giá mà phơi trần theo năm tháng. Đành lòng, đời cơ bản là đau với khổ nhưng không hẳn là khổ với đau. Lẽ sống của một đời người luôn mang lấy một cái giá nào đó và hiện hữu không phải là được sinh ra để rồi phải đắng cay một đời. Hy vọng.

Có vác lấy thập giá, người mới biết hy vọng. Nằm giữa lằn ranh, lắm lúc thực tại kéo ta xuống nơi đất thấp, nhưng lắm khi siêu việt lại kéo ta lên tận trời cao. Bị ghì xuống thấp, người mới hiểu được giá trị của đau khổ; Được kéo lên cao, người mới khắc khoải nơi mình thuộc về. Có hy vọng, người mới tìm được ‘Cái Lẽ’ bất diệt bên kia thế giới. Cái Lẽ đó vĩ đại nghiêng mình thanh cao mà chẳng màng chi sự đời. Cái Lẽ đó hiện hữu viên mãn, tràn đầy chân, thiện, mỹ. Chết là gì, người và ta đâu có hiểu. Không hiểu nên chí ít ta với người mới mang lấy ý nghĩa lớn lao của cuộc đời mà sống cho trọn vẹn một kiếp nhân sinh. Ta là một chấm nhỏ li ti, người cũng chỉ là vệt mờ không đáng kể. Ấy vậy, ta với người lại thấy mình là một điều gì đó không vô nghĩa và cũng khát khao Cái Lẽ sống nào đó bất diệt. Là chấm nhỏ nhưng cũng có những cung bậc, là vệt mờ nhưng cũng đầy nỗi niềm. Hy vọng. Có lẽ vậy. Khi người mang lấy ý lực đó, người mới nhìn thấu tận bên kia thế giới, mới dám tiến gần hơn với cái chết, mới dám căng mình mà ôm lấy những khắc nghiệt mà cây thập tự kia mang đến. Không lẽ, sống với cái chết rồi cũng chết, để rồi chết là hết thôi sao? Cái bên kia thế giới mới thực là đích đến của ta với người.

Có ngước lên cao, người mới thấy cùng đích của cuộc đời. Chúng ta được sinh ra, bị ném vào thế giới này và còn bị đòi buộc sống cho ra cái lẽ. Cái đòi buộc đó đầy ý lực. Được sinh ra không phải là sự tình cờ, bị ném vào đời không phải là không có lý do. Phải chăng, có một Điều gì đó lớn lao đã ban cho ta được hiện hữu và trao cho ta một sứ mệnh, để rồi ta vào đời với cái lẽ của mình, ta hiện hữu trọn vẹn với cái mệnh đã được đặt để nơi ta. Chỉ khi ta biết sống là sống cho một cái gì, chết là chết cho một cái gì thì ta mới nghiệm ra nơi ta có một trương lực nào đó lớn lao đủ sức dẫn ta vào một thế giới sâu xa hơn, phi thường hơn. Sống cho cái chết là vậy, là ngẩng đầu cho một tầm nhìn sâu thẳm để vượt qua những gì là vô thường mà tìm về với Cái Thường; để phá vỡ đi tường rào của những nổi trôi mà tìm thấy Cái Tuyệt Đối; để xuyên thủng cái biên giới của hữu hạn mà nhận ra được Cái Vô Cùng. Cái ấy ở bên kia thế giới thỏa mãn cho mọi nghi vấn đằng sau sự sống và cái chết; đủ sức khỏa lấp cho nỗi khắc khoải về một sự sống bất diệt; và trở nên cùng đích cho cuộc đăng trình ở hiện tại. Cái Lẽ ấy, sự Hiện Hữu siêu việt ấy: Đấng Tình Yêu.

Tình yêu là để cho thân phận. Thân phận thì hữu hạn, tình yêu thì vô cùng. Đấng thì vô hạn và tình yêu thì không có lý do. Chỉ nơi Đấng, thân phận mới được cứu rỗi nhờ tình yêu, hữu hạn mới được cứu rỗi nhờ vô hạn. Chỉ nơi Đấng, người mới hiểu tại sao mình sống và mình có ở đây, tại sao những cái này lại dành cho mình, tại sao lại là mình mà không phải là một thứ gì đó lúc nhúc, vô bổ. Rồi đến lúc, người phải vượt qua lằn ranh của cái hữu hạn để nâng mình lên cao. Bên kia thế giới mới là chân trời vĩnh cửu và sâu thẳm vô lượng. Ở đó, người mới tìm thấy cho mình Cái Lẽ của cuộc đời. Sống sao cho khỏi phí, khỏi hoang, cho khỏi hối hận trước ngày chấm tận gần kề, để rồi khỏi vụt đi sự cứu rỗi giữa đời hôm nay. Điều gì làm nên giá trị nếu lá cũng tàn, người cũng chết, đời cũng qua và mọi thứ cũng gần hơn với cát bụi? Người ta không phải hiện hữu để hư vô hay người ta cũng không sống cho điều gì là ảo ảnh mơ hồ. Người ta sống cho chính cuộc đời mình, cho một niềm hy vọng lớn lao, cho một niềm xác tín chắc chắn và bất diệt. Đừng đánh rơi vĩnh hằng.

Cuộc sống là một hành trình vạn dặm mà nhất định ai cũng phải đi qua. Thế giới bên kia cánh cửa sinh tử là một cuộc đăng trình tiếp nối. Người cứ nghĩ thời gian là những mảnh ghép chắp nối của những gì đã qua. Nhưng thực ra, hôm qua, hôm nay và ngày mai vẫn chỉ là một dòng chảy. Chính cái hiện hữu của ta làm nên cái dòng chảy ấy. Cuộc hành trình vạn dặm đâu phải như con nước trôi nhanh, nó còn ghi dấu những tháng ngày ngây dại và ngô nghê, những buồn vui còn đọng lại, những bấp bênh chưa kịp ngỏ lời. Ở đó, những vết thương còn loang lỗ, những chai sần còn ghi dấu trên vai, những hối hả còn đọng lại nơi kế sinh nhai một thời. Cuộc sống luôn chất chứa những cái đẹp, cái sâu. Chỉ là ta cứ mãi nhìn về cái bề ngoài mà bỏ qua cái huyền nhiệm bên trong. Còn đó ánh mắt thật hiền, đôi tay thật ấm. Còn đó những điều còn dang dở, còn đắn đo… Sống với cái chết đâu dễ dàng, nhưng ta cũng đành chấp nhận. Đành vậy, ai rồi cũng chết.

 

Có những con người cứ muốn bay xa nhưng vì kế sinh nhai rồi lại bị ghì xuống thấp. Có những cánh chim cứ muốn thẳng cánh muôn trùng nhưng cũng phải dừng chân tìm chỗ náu nương. Có những giai điệu cao vút nhưng phía cuối đoạn trường cũng chỉ là dấu chấm tận mà thôi. Có những thứ ta cứ lao mình để đạt cho được, chiếm cho trọn nhưng lại vô tình quên đi một thứ vẫn luôn có đó. Và thế, có những khoảnh khắc mới đây ta lại quên đi một thứ thật thân quen. Cái đầu tiên đáng ra ta phải nhớ, cái đầu tiên ta phải trân trọng nhất, cái đầu tiên để có những cái đầu tiên khác, cái đầu tiên ấy không phải là một điều gì đó tầm thường, cái đầu tiên ấy đó là chính mình.

Sáng nay khi thức giấc, ta lại quên đi một ai đó!!!

 

 

(Hương Lạc K.XVII)



[1] Lưu Quang Vũ (1948-1988), trích lại trong tác phẩm thơ: Tự Sự. Đây là một tác phẩm mà tác giả dùng để gửi gắm bao điều về quan niệm hạnh phúc mà theo tác giả là hạnh phúc cuộc đời mình chính do mình tạo ra bằng nghị lực của bản thân tới tất cả mọi người.

Nguồn tin:
Tags :