Chết – Khởi Đầu Mới Cho Một Kết Thúc

Fri,22/11/2024
Lượt xem: 399


Khi các loài thảo vật bằng lòng vươn mình lên đón lấy những tia nắng ấm áp từ mặt trời; khi các loài động vật lấy làm thoả mãn dong duổi tự do trên những cánh đồng dài bất tận, để sống theo bản năng vốn có của mình; thì con người lại không ngừng khắc khoải, dằn vặt trước câu hỏi khôn cùng về về ý nghĩa chung cuộc của cuộc đời. Bởi lẽ, cuộc đời nói cho cùng có ý nghĩa gì hay không khi con người rồi đây sẽ phải chết? Cuộc đời rốt cuộc có ý nghĩa gì, vì vừa khi cất tiếng khóc chào đời, con người đồng thời tiến gần hơn tới nấm mồ của hư vô.

Niềm tin Kitô giáo khi trả lời về ý nghĩa của cuộc sống đã xác tín rằng, chết không phải là hết. Đối với người Kitô hữu, chết một đàng là kết thúc của một khởi đầu, nhưng đàng khác nó lại là khởi đầu của một kết thúc. Trình thuật Tin Mừng theo thánh Mátthêu, chương 25, 31-46, phần nào cho thấy ý nghĩa của cuộc sống trong nhãn quan Kitô giáo ngang qua bối cảnh của buổi phán xét sau cùng.

Trước hết, đã là người ai rồi cũng phải trải qua cái chết. Chết là dấu chấm hết của cuộc đời, là đi vào cõi hư vô để rồi bị xoá nhoà và tan biến. Trong nhãn quan đó, con người dường như bị đoạ đày trong vực thẳm tuyệt vọng, không ngừng nhấn chìm mình trong ý nghĩ - phải chẳng tôi được sinh ra với mục đích là chết? Tuy nhiên, từ một khía cạnh khác tích cực hơn thì chính nơi giới hạn mà cái chết đặt ra đó, con người cũng tìm thấy cho mình ý nghĩa của cuộc sống. Có thể nói, chết chính là điểm kết thúc làm cho cả cuộc sống được thành hình, đem lại cho cuộc sống một ý nghĩa. Vì phải chết, mà chúng ta hối thúc chính mình phải sống với một thái độ nghiêm túc và nghiêm chỉnh hơn, không thể qua loa, tầm thường, ơ hờ được. Không ai trong chúng ta chết hai lần, cũng không ai được sống hai lần, vì thế chúng ta phải sống thế nào cho mỗi giây phút của hiện tại đều chất chứa đầy tràn niềm vui và hạnh phúc; phải sống làm sao cho cuộc đời trở nên thật là đáng sống. Quả thực, cái chết sẽ đánh giá cuộc đời của mỗi người. Có những người trước khi chết lại cảm thấy mãn nguyện, chẳng còn gì để hối tiếc với cuộc đời, nhưng trái lại, cũng có nhiều người lại day dứt, luyến tiếc, tuyệt vọng khi phải đối diện với cái chết. Nói cho cùng, nhờ sự cấp bách mà cái chết mang lại, con người buộc phải nghiêm túc tra vấn chính mình, tôi sẽ phải sống thế nào vì rồi đây tôi sẽ phải chết.

Kế đến, nếu “thần chết” chẳng bỏ sót ai, thì cũng không ai được miễn chước khỏi sự phán xét. Tin Mừng Mátthêu trình bày về khung cảnh của cuộc phán xét, Thiên Chúa sẽ tách biệt giữa chiên và dê. “Người cho chiên đứng bên phải Người”, vì đó là những người đã sống và thực thi tình bác ái với những người xung quanh, nhất là những người đau khổ, nghèo đói, khốn cùng. Trái lại, những con dê sẽ ở bên trái Người, vì đó là những kẻ đã nhắm mắt, khước từ trước những đau thương của tha nhân. Khung cảnh của cuộc phán xét nói với chúng ta hai điều. Trước hết, cuộc sống trần thế chỉ là tạm bợ, nhưng chung cuộc của đời người vẫn là sự sống mai sau. Khi ta nhắm mắt lìa đời, người thân của chúng ta sẽ hỏi: “ta đã để lại cho họ những gia sản gì?”. Trái lại, thiên thần của Thiên Chúa sẽ không hỏi chúng ta đã mang gì tới cuộc phán xét, nhưng chỉ hỏi chúng ta về bao nhiêu tình yêu chúng ta đã trao ban khi còn sống. Quả thực, nơi toà phán xét, Chúa cũng chẳng hỏi chúng ta đã phạm phải những giới răn nào, nhưng Người sẽ xét đoán chúng ta dựa trên tình yêu mà chúng ta có. Chính vì thế mà ông phú hộ mặc dù đã chẳng làm điều gì trái với lề luật, nhưng vẫn phải sa ngục tổ tông, bởi lẽ ông đã chẳng hề động lòng trắc ẩn với khuôn mặt đầy đau khổ của tha nhân ngay trước thềm nhà mình (x. Lc 16, 19-31). Thứ đến, Thiên Chúa đã đồng hoá chính mình với tha nhân khi nói rằng: “mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính ta vậy” (Mt 25, 40). Từ nay, con người không cần phải chờ đợi cho đến lúc “về trời” mới có thể diện kiến Thánh Nhan nữa, nhưng cách nào đó dung nhan của Người đã được phác hoạ trên những khuôn mặt lấm lem bụi đời lướt qua ta mỗi ngày. Nếu Thiên Chúa là tình yêu, thì chỉ cần chỗ nào tình yêu được thể hiện, thì nơi đó cũng sẽ có Thiên Chúa hiện hữu. Có thể nói, nếu con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, thì trong ngày sau hết, chúng ta sẽ tự phán xét chính mình khi diện đối diện với Thiên Chúa. Mà khuôn mặt của Thiên Chúa trong ngày phán xét có lẽ cũng chính là khuôn mặt của những con người khốn cùng mà ta đã gặp gỡ lúc còn sống. Lúc bấy giờ, ta sẽ đứng ở đâu, bên phải hay bên trái của Đức Giêsu đều tuỳ thuộc vào những gì hiện lên nơi khuôn mặt của chúng ta. Rốt cuộc, trong ngày sau hết đó, liệu chúng ta có thấy chút gì “rất Chúa” khi soi vào khuôn mặt của chính mình hay không?

Mặc dù, con người đã chẳng yêu đủ để rồi bị phán xét, nhưng đâu là nguyên do căn bản nhất đặt con người vào trong tình cảnh bị phán xét? Trích đoạn Tin Mừng trả lời, đó là bởi chúng ta đã “không thấy”. “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?” (Mt 25,44). Có hai lý do khiến chúng ta đã “không thấy” Chúa. Thứ nhất, chúng ta thường chỉ thấy những điều mà chúng ta muốn thấy. Khi bước vào trung tâm thương mại với hàng trăm gian hàng lớn bé đủ loại, phụ nữ chỉ thấy những món trang sức lộng lẫy, những bộ đồ thời trang, túi xách thời thượng, những món đồ thẩm mỹ cao cấp. Trái lại, đàn ông lại chỉ thấy những bộ đồ lịch lãm, những chiếc đồng hồ xa xỉ, những gian hàng công nghệ hiện đại, và cả những chiếc ô tô sang trọng, đắt tiền. Còn trẻ con lại thích thú ríu rít trong những cửa hàng đồ chơi đủ loại. Quả thực, trong cuộc sống thường ngày, chỉ cần chịu khó hồi tâm một chút, sống chậm lại một chút thôi, chúng ta sẽ nhận ra được điều đó. Trong một thế giới của tiêu thụ, của tiến bộ khoa học kỹ thuật, mà nói cho cùng đó là một thế giới “sặc mùi” vật chất, quan tâm lớn nhất của con người không còn là đạo đức, nhân bản, hay tương quan tình người, nhưng trên hết vẫn là thăng tiến về vật chất. Hệ quả là, con người “chẳng thấy” gì ngoài những nhu cầu vật chất của chính mình. Sống trong một thế giới ngập ngụa “cái tôi” như thế, thử hỏi con người còn đủ khả năng để “thấy” ai khác ngoài chính mình hay không? Tha nhân trong não trạng duy kỷ đó, nói cho cùng lại có nguy cơ trở thành những công cụ cho lợi ích của những cái tôi vị kỷ mà thôi. Lý do thứ hai khiến chúng ta “không thấy” là bởi chúng ta nhát đảm, ngại hi sinh. Dụ ngôn người Samari nhân hậu cho chúng ta thấy rõ điều này. Trước một con người bất hạnh, bầm dập vì bị đánh, nằm vất vưởng nơi vệ đường thì trớ trêu thay, những biểu tượng của đạo đức, luôn rao truyền về tình yêu như thầy tư tế, và Lê-vi lại vì sợ lỗi luật thanh sạch mà lại vô tình lướt qua (x. Lc 10, 29-37). Thế giới của chúng ta ngày hôm nay cũng không thiếu những câu chuyện như thế. Con người vội vã, hối hả với cuộc sống mình để rồi vô tình lướt qua nhau. Cuộc đời như những đường song song không có điểm nối kết, ngoảnh sang thì ngay kề bên nhưng mãi chẳng gặp được nhau. Sở dĩ, con người của thời đại không gặp được nhau là bởi mỗi người đã đổ đầy chính mình với những nỗi lo, gánh nặng của cuộc đời. Những nỗi lo và nỗi sợ đó đã bóp nghẹt cuộc sống của chúng ta để rồi biến thế giới sống của chúng ta thành một thế giới đầy ngột ngạt và mỏi mệt. Con cái vì sợ thất nghiệp mà chẳng có thời gian về thăm cha mẹ. Cha mẹ vì sợ bị khiển trách mà bữa cơm gia đình trở nên một điều gì đó thật xa xỉ. Thấy ai đó gặp nạn cũng chỉ vội lướt qua vì dừng lại thì lại sợ bị liên luỵ. Thầy cô vì sợ bị kỷ luật chẳng còn dám hối thúc hay sửa dạy học trò. Tệ hơn, linh mục, những ngôn sứ của Thiên Chúa lại vì sợ bị bêu rếu, vu cáo trên những trang mạng xã hội, lại im lặng mà không dám sửa dạy con cái mình. Quả thực, nỗi sợ của thời đại đang ngày càng bóp chết những hạt giống yêu thương trong thế giới của chúng ta. Chúng ta đã trở nên mù loà không phải vì mắt chúng ta không thấy, cũng không phải vì tâm hồn chúng ta đã thôi không rung động, nhưng là bởi nỗi sợ trong ta lớn hơn tình yêu. Có thể nói, những người “không thấy” ở lý do thứ nhất cũng giống như những hạt giống rơi bên vệ đường, chưa kịp đâm rễ đã bị người ta chà đạp và chim trời đến tha đi. Còn những người “không thấy” ở lý do thứ hai chẳng khác nào những hạt giống rơi vào bụi gai, vì những mối lo nghĩ bóp nghẹt mà chẳng thể sinh ra bông hạt (x. Lc 8, 4-15).

Nói cho cùng, cuộc đời trở nên có ý nghĩa hay là trở thành vô nghĩa hoàn toàn được quyết định bởi mức độ tình yêu mà mỗi người đã sống. Thật không thể tưởng tượng nổi cuộc sống của mỗi người chúng ta sẽ khủng khiếp đến chừng nào nếu thiếu đi tình yêu. Con người có thể tồn tại nếu thiếu đi bất kì thứ gì trên thế giới này, nhưng thiếu vắng tình yêu con người sẽ không thể nào sống được. Cũng chính trong ý nghĩa đó mà hoả ngục trở thành “nơi” trừng phạt khủng khiếp nhất. Bởi lẽ, nếu thiên đường là nơi ngập tràn tình yêu và hoan lạc; luyện ngục là nơi đau khổ nhưng lại có tình yêu; thì địa ngục lại là nơi không chỉ đau khổ nhưng còn là nơi không tồn tại tình yêu. Cuối cùng, sự sống là hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa đã ban tặng cho mỗi người, nhưng sự sống đó rồi đây sẽ trở thành “lời chúc phúc” hay là “ lời chúc dữ” của Thiên Chúa, thì hoàn toàn tuỳ thuộc vào cách sống của mỗi người chúng ta ngay tại trần thế này.

                                                                                             Antôn Lee

ĐCV. Thánh Phanxicô Xaviê

 

Nguồn tin:
Tags :