Bật mí – “Bí mật”

Fri,14/12/2018
Lượt xem: 2079

Không biết tôi đặt Title của bài viết có “hàm hồ” chăng? Có thể tôi đang ”gây sốc” cho bạn, và bạn có thể nói với tôi ”Thôi! biết rồi, khổ lắm nói mãi”. Vâng, bài viết không có gì mới lạ, cũng không có những câu chuyện mua vui, nhưng với tâm tình thao thức tìm kiếm về vùng đất mới hay dưỡng khí trong lành cho đời sống tâm hồn trong khả năng lắng đọng tâm tư. Hy vọng rằng, trong sự đồng cảm và hướng về Mùa Chay thánh, chúng ta cùng tìm mốt lối đi phù hợp trên tiến trình hoàn thiện bản thân, nếu bạn thật sự khát mong. Trong thao thức tìm kiếm, ngoài kho tàng mạc khải của Kinh Thánh và giáo huấn của Giáo hội, bên cạnh nhiều phương tiện và cách thế Chúa ban cho cuộc sống này, chúng ta có thể còn tìm thấy những tia sáng tràn đầy hy vọng đang ẩn tàng trong vùng đất nhiệm mầu của tâm hồn con người. Từ đó mở ra những tương quan “liên ngã vị” sâu rộng trong đời sống.

Bí mật trước hết để mỗi người chúng ta bắt đầu hoạt động cho Nước Trời, là thay đổi não trạng, cách suy nghĩ của mình về nước Thiên Chúa. Chúa Giêsu mời gọi thống hối như là điều kiện tiên quyết để đón nhận Nước Trời: “Nước Thiên Chúa ở giữa các ngươi” (Lc 17,21).

Bạn thân mến trong Chúa Kitô chịu chết đau khổ và Phục sinh vinh hiển!

Như dòng sông có lúc êm ả, lúc ghềnh thác, nhưng luôn hướng về với biển. Không về với biển, sông không là sông. Tuổi lớn dần lên không còn êm ả về tâm lý, về thể chất như thuở còn “bám chân mẹ”. Dòng sông đang cựa mình lớn lên và khát khao thu vào tầm mắt những không gian rộng lớn và mới mẻ đang mở ra mọi hướng về phía trước. Tôi còn nhớ nhà hiền triết Khổng Phu Tử nói “Thiên hạ đồng quy nhi thù đồ, nhất trí nhi bách lự” (nhiều đường nhưng cùng dẫn về một chốn, lo nghĩ trăm điều, nhưng đều cùng về một mối). Tây phương ngạn ngữ cũng có câu: “Tous chémins conduit à Rome” (Mọi con đường đều dẫn về Rôma). Nói như vậy, không nhất thiết bạn và tôi phải chấp nhận nghĩa đen, nghĩa bóng của câu nói là gì hoặc hiểu biện biệt thiện – ác, chọn bên này, bỏ bên kia… Nhưng cùng nhau tìm về một cái duy nhất, đó là con đường tiến tới Chân lý. Thật vậy, con người ta không ai có quyền chọn cho mình nơi để sinh ra, nhưng ai cũng có quyền chọn cho mình nơi để sống.

Không cùng sinh ra, nhưng cùng chấp nhận tan chảy vì một tình yêu lý tưởng. Những từ ngữ ”lý tưởng, hy sinh, thành công, thất bại…” xào đi nấu lại nghe qua trừu tượng, sáo rỗng, nhàm chán, mông lung… theo cách nhìn của thời @ không thích hợp nữa, thậm chí lỗi thời rồi phải không các bạn?

Không đâu! có lẽ, một vài lần tôi cũng có suy nghĩ như người khác và hát mãi điệp khúc: “tìm một con đường, tìm một lối đi…” Lối đi nào cho xứng hợp? Đó là điều chuẩn bị cho mình trong Mùa chay một “món ăn” mới[1]. Món ăn của sự sám hối và nhận ra mình là thân cát bụi …“Ôi cát bụi mệt nhoài, tiếng động nào gõ nhịp thương đau”…

Giờ đây, tôi “bật mí” với bạn những “bí mật” và khám phá một ”hiện tượng tâm lý” thú vị, có khi nó ”trái khoáy” khơi dậy cái ”Hỉ, nộ, ái, ố…” trong ta, làm cản trở bước đi của ta, để rồi ta cùng nhau nhận ra một vị ”Linh Sư”, mà ở nơi Con Người này cho ta muôn vàn bài học quý giá.

Đầu tiên, bạn đồng ý với tôi 3 điều này: thứ nhất, bạn và tôi là người trẻ; thứ đến, chúng ta là người Việt nam, và cuối cùng, hết thảy chúng ta là người Công giáo. Tạm thời như thế cho vấn đề đơn giản trước khi chúng ta bàn đến những chuyện khác…

Bạn thân mến! Tiếng vọng của Isaia và Gioan Tẩy Giả ngày nào, đang gióng lên trong ta lời mời gọi ”Hãy trở về, thật lòng ăn năn…”, mà bao lần chúng ta oằn mình, trăn trở, khắc khoải kiếm tìm về nhân sinh quan, vũ trụ quan. Và chất vấn lương tâm: “Tôi sinh ra từ đâu? Sống để làm gì? Và chết rồi đi về đâu?”… đó là những câu hỏi nền tảng. Tôi cũng thường hỏi như vậy và luôn đi tìm cho mình câu trả lời. Tôi biết rằng, có nhiều câu hỏi sẽ không có câu trả lời thích đáng, nếu chưa thực sự kiếm tìm về đại dương của bao la tình Chúa.

Lấn cấn cho chúng ta hôm nay là khi mà tình hình đời sống xã hội có nhiều thuận lợi và cũng có nhiều khó khăn. Các chuẩn mực giá trị nhân văn, đạo đức có nhiều biến động, tiêu cực trước những thách đố đáng lo ngại. Vẫn còn đó những tiếng khóc của trẻ thơ vô tội, bao lời than van của trăm ngàn người đang phải bệnh tật, đói khổ vì thiên tai, động đất… Kế đến là nạn khủng bố đang manh tâm phá vỡ nền hòa bình của nhân loại… Xung quanh ta, sức quyến rũ của thế gian thật đáng sợ, vì nó đánh mạnh vào nhược điểm của con người. Nó có một thứ triết lý sống theo kiểu của một số người bảo rằng: “Đời người chóng lắm ai ơi! Chẳng ăn cũng thiệt, chẳng chơi cũng hoài…”, “Lẳng lơ chết cũng ra ma, chính chuyên chết cũng đem ra ngoài đồng”… Nó chủ trương thỏa mãn các khuynh hướng hạ đẳng con người, hoàn toàn trái ngược với đường lối Phúc âm. Cần phải chọn lựa cái gì tốt xấu, điều gì xấu? Nhưng cái tốt – xấu, thiện – ác nhiều khi vàng thau lẫn lộn, vì ma quỷ tinh ranh vô cùng. Nó đang ngày đêm rảo quanh tìm mồi cắn xé, trong đó có tuổi trẻ chúng ta.

Đành rằng tuổi trẻ đẹp, tuổi trẻ khỏe, nhưng cũng không thiếu cái chua cay, buồn tủi làm chúng ta chán ngán với đời, chán ngán với ngày mai, với xã hội, với cả những vị đàn anh tuổi tác chúng ta… Như thế, tuổi trẻ là tuổi khỏe, tuổi giỏi, tuổi yêu, tuổi sống, tuổi tiền tài, tuổi tiện nghi, tuổi hy sinh, tuổi phục vụ. “No rose without a thorn – hồng nào mà chẳng có gai, việc nào mà chẳng một vài khó khăn). Nương theo đó, tuổi trẻ cũng là tuổi chống đối, tuổi nổi loạn, tuổi đòi tự do, tuổi vô kỷ luật… Bởi vậy, để bảo đảm tinh tuyền cái vẻ đẹp của chúng ta, chúng ta cần phải chú tâm xây dựng trau dồi văn hóa, giáo dục để trở thành con người trưởng thành. Trưởng thành là “chín muồi” tựa hồ như trái cây. Nhưng ai đã là người tự cho mình chín muồi? Chín muồi về phương diện nào? Chín muồi về tâm – sinh lý nhưng chắc gì đã chín muồi về tâm linh? Có khi trình độ cấp cử nhân, tiến sĩ, giáo sư, nhà khoa học… nhưng về Đức tin thì chỉ hạn chế ở lớp 5, thậm chí kém hơn một đứa bé. Cha ông ta khiêm nhường dặn dò “Bảy mươi chưa đui chưa què chớ khoe mình lành”. Trưởng thành ở đây ta hiểu ở 3 khía cạnh: Thứ nhất là trí tuệ (trượng trưng bằng khối óc), thứ hai là tình cảm (tượng trưng bằng quả tim), thứ ba là ý chí (trượng trưng bằng chân tay). Để đạt được điều đó, thiết nghĩ tôi và các bạn trẻ hãy học nghệ thuật đối nhân xử thế của nhà tâm lý học Hoa kỳ Dale Carnegie, có lẽ phần nào Đắc Nhân Tâm [2] mới giúp chúng ta đủ sức phóng chạy. Vì thế, tôi mời bạn cùng tôi mở tiếp bí mật thứ hai…

Bí mật thứ hai là những cách thế để chúng ta vượt thắng bản thân, chuẩn bị sẵn sàng hành trình trở về.

Đơn giản chỉ có 6 điều thôi, ta xem đó là như ‘Đại học thành công’ (University of Success) vậy:
Thứ nhất: Courage – CAN ĐẢM,
Thứ hai: Honesty – ĐỨNG ĐẮN,
Thứ ba: Responsible – CÓ TRÁCH NHIỆM (trưởng thành),
Thứ tư: Yourself (Be yourself) – CHÍNH MÌNH (mình là mình),
Thứ năm: Spirit (Holy Spirit) – TINH THẦN, CHÚA THÁNH THẦN,
Thứ sáu: Transformation – BIẾN ĐỔI,

Đơn giản, dễ nhớ phải không bạn? dễ nhớ nhưng nhớ… không dễ đâu? Và trong tâm tư thì vậy, nhưng đi đến việc thực hiện quả là còn cách núi ngăn sông. Cụ thể là:

Thứ nhất là can đảm: Tất cả chúng ta, đều có gia đình, có thể có một mái ấm tình thương và thuận chiều sung túc. Trái lại, từng cá nhân có thể mang tuổi thơ một thời cơ cực. Thuở học trò áo trắng nhạt nhòa. Đời sinh viên vất vả đèn sách và công việc lao nhọc: “học đã sôi cơm nhưng chửa chín, thi không ăn ớt thế mà cay”. Như thế, cũng nói lên rằng tâm lý tùy theo từng giai đoạn lứa tuổi mà tiệm tiến dần từng bước ngoặt của cuộc đời. Rồi xung quanh chúng ta có ông bà, cha mẹ, gia đình, thân bằng quyến thuộc, có nhà thờ, có thánh lễ, có Mình Thánh Chúa…nhưng có lúc, có người thất bại?, thất bại ngay ở lớp 5, có người lên lớp 10, 11, 12?!?, có thể thất bại ngay trong và sau khi đại học. Tại sao lại vậy? Tại sao tỷ lệ từ 15 – 35 tuổi lại tự tử nhiều hơn so với chết do tai nạn giao thông? Thất bại là vì thiếu can đảm, mình không thể chế ngự được bản thân trong tư tưởng, lời nói và hành động. Vì chúng ta ”lầm” trong cuộc đời. Lầm đủ thứ. Cái lầm trước không giống cái lầm sau. Lầm vì mua một món hàng, ta có thể đổi lại được, nhưng lầm trong tình yêu, trong sự chọn lựa ”một điều sống còn” thì nguy vô cùng. Có người khen một người nào đó chết tự tử là can đảm? Thử hỏi hành động đó có phải là can đảm không? Mặt khác, can đảm cũng không cứ là coi khinh cái chết để bênh vực đồng loại, bảo vệ gia đình, gìn giữ tổ quốc. Thói đời chỉ biết can đảm là người có gan dám nhảy vào lửa nóng, nước sâu, cứu vớt kẻ mắc nạn, hay đổ máu chốn sa trường…, hiểu như thế cũng hơi thiển cận và có phần xa vời. Ta hãy xét: Người hy sinh tự do tính mệnh để làm thắng một chân lý hay ít ra điều họ nhận là chân lý. Người cả gan coi thường những lời tiêu mạ, tự đặt mình ra ngoài xã hội để tuyên dương một tư tưởng mới. Người nhẫn nại âm thầm đem ánh sáng soi rọi vào biết bao tâm hồn đen kịt… Phải, phải, ta hãy xét những người như thế có đáng gọi là can đảm không? Vả lại, can đảm thường ngày mà chúng ta dễ dàng thực hành được, là chịu đựng nhau để nên thánh: nên thánh trong gia đình, nên thánh trong cộng đoàn, …”Liệu tôi có đủ sức đáp trả tiếng gọi và đủ can đảm để bền đỗ suốt đời trong sự lựa chọn, dù đó là ơn gọi hôn nhân gia đình, ơn gọi tu sỹ, chủng sinh, linh mục?”. Hiển nhiên, như lời Chúa hứa “Ơn ta đủ cho con”, Người sẽ liệu cho ta theo cách của Người. Điều quan trọng bạn và tôi có tự do và hướng chiều tốt trong ơn gọi đó không?

Thứ hai là đứng đắn: Người ta thường nói thất bại lớn nhất là không có bạn bè, nghĩa là không ‘thành tín’ với  nhau. Đứng đắn là cái gì ra cái đó: từ chữ ký, lời nói, lời hứa…của mình trong cuộc sống giao tiếp. Sự hài hòa trong một con người là “nhân đức thích trung”, nghĩa là không đập bàn quát tháo mà nên cân bằng về tâm – sinh lý: Biết vui mà không lả lơi, đứng đắn mà không nghiêm nghị, nhẹ nhàng mà không phù phiếm, xởi lởi mà không vô duyên, lãng mạn mà không lãng tử, ủy mị mà không sướt mướt, cương nghị mà không bướng bỉnh, can đảm mà không huyên náo, tự do nhưng không ngang tàng, đa cảm nhưng không quá đáng…

Thứ ba là có trách nhiệm: Tại sao nhiều lúc tôi và bạn lại đòi hỏi người khác điều mà mình không bao giờ làm cho họ? Nếu mọi người đều quét cổng nhà mình cho sạch thì cả thành phố, xóm làng mình sạch. Tiếc thay, trong cuộc sống thường nhật, thử hỏi chúng ta có tự ‘ý thức chung” trong mọi công việc? Chúng ta biết là luật thì làm nên ý thức, nhưng có bao giờ chúng ta ý thức đủ để phân biệt phải trái mà ứng xử với luật Chúa và với luật thương yêu tha nhân? Có khi ta nghĩ: giá như Chúa dạy chỉ yêu mến Chúa thì hay biết mấy. Nhưng còn vế thứ hai phải “… yêu người như chính mình vậy” mới thêm phần rắc rối?!?. Vì tuổi trẻ, chúng ta thường quên đi cái tầm thường như một nụ cười, một cử chỉ đẹp đối với người khác, hoặc như nhặt một chiếc lá với tất cả trách nhiệm và tình yêu đặt vào đó…

Thứ tư là mình là mình: Thử hỏi, có ai lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục dùm mình không? Chắc là không?. Mình phải quyết định chính mình. Mình phải có Identity (căn tính) của mình. Chúng ta đang sống cho ‘Ngàn Năm Thứ Ba’[3], ngàn năm có nhiều biến chuyển. Bản văn Kinh thánh “‘Eph 1,11-12” đã chỉ cho chúng ta thấy rằng chúng ta khám phá ra căn tính và mục đích của chúng ta nhờ liên kết với Chúa Giêsu Kitô. Khi ta liên kết với Chúa, đời sống của ta sẽ thay đổi, mọi giá trị sẽ đảo lộn như thánh Phaolô nói: “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Chúa Kitô, tôi cho là thiệt thòi.” (Pl 3,7).

Ơn riêng, chúng ta là người Công giáo, sống theo Phúc âm thật sự, biết dấn thân là «dán thân» vào Chúa Kitô. Nhiều khi “dấn thân” thì ta lại «tiến thân», «dán thân vào Chúa» thì ta lại biến thành ‘vong thân theo ma quỷ’ (tôi và bạn nên suy xét điều này).

Thứ năm là tinh thần: Nói đúng hơn đó là có tinh thần của Chúa (Holy Spirit – Chúa Thánh Thần). Spirit của Chúa khác với spirit của thế gian, ma quỷ và xác thịt. Nhiều khi trong hành động của ta «sặc mùi» tinh thần Satan. Chắc các bạn nhớ bộ phim nói về Mẹ Têrêsa Calcutta hoặc là chuyện của Thánh Piô năm dấu hoặc cuốn phim mới đây kể về Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chứ gì? thì biết được “Tinh thần của Chúa” có sức hấp dẫn và lôi cuốn linh hồn biết là nhường nào.

Thứ sáu là biến đổi: Từ ngày tôi và bạn lãnh nhận các Bí tích Khai tâm Kitô giáo, cũng có nghĩa chúng ta là con cái Thiên Chúa, người chiến sỹ của Chúa Thánh Thần và là người bạn mật thiết với Chúa Kitô. Chắc hẳn, chúng ta nhiều lần sao nhãng, bỏ qua và thờ ơ với chính mình, lãnh đạm với trời, nguội lạnh với đời. Chúng ta thích nằm lì trong tội lỗi của mình. Biết bao lần chúng ta ”bị” Chúa biến đổi, chứ bản thân mình chưa thực sự biến đổi. Tu đức dạy ta muốn “Biến đổi người khác trong mức độ biến đổi mình trước”. Nhưng, ta quên bẵng điều đó mà ngược lại ta muốn biến đổi chính Chúa nữa. Biến đổi ngay từ bổn phận nhỏ nhặt hằng ngày: giờ giấc, cách ăn nết ở, cung cách đối xử… Vì thế, mỗi người phải “nội quan” – nhìn vào chính mình luôn, trở về với ”bản gốc” căn nguyên của mình, đó cũng là con đường nội tâm của các thánh mà tôi và bạn phải học tập. Thánh kinh nói: “thân xác thì nặng nề, tinh thần thì nhẹ nhàng”. Đúng vậy, ta phải luôn cầu nguyện để ơn Chúa biến đổi. Tôi còn nhớ Thíchcamâuni nói “Anh hùng là người chiến thắng bản thân mình”. Một câu nói khác của Môhamet tương tự: “Chiến thắng hàng vạn quân, không bằng tự thắng lòng mình”. Chính Chúa Giêsu cũng quả quyết mạnh mẽ như trong (Lc 17,21) mà tôi đã nói ngay từ đầu. Chúng ta cùng nhau khát khao cho chính mình được biến đổi. Đúng như lời của một học giả Tây phương nói “An bình nhờ chiến thắng, chiến thắng nhờ đấu tranh, đấu tranh nhờ can đảm, can đảm nhờ thắng mình”. Một sự lô gích hình thức dễ suy luận, nhưng không mấy dễ dàng cho tôi, cho bạn khi thực hiện. Cũng không thể dễ dãi đối với bản thân và lợi dụng sự thứ tha của Chúa mà viện cớ làm giảm nhẹ cho chính mình. Bấy nhiêu đó cũng nói lên con người bất toàn của ta phải không các bạn? Sự lựa chọn là lựa chọn từng giây, từng phút giữa Thiên Chúa và quỷ ma, mà trận địa là chính lòng mình. Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì là đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo.” (Rm 12,2).

Vì vậy, chúng ta muốn tìm con đường về trời, tiên vàn chúng ta phải kinh qua con đường Calvê – con đường Thập giá (con đường của ”sống đạo” và ”tử đạo”[4] hằng ngày). Ước gì mỗi chúng ta, tôi cũng như bạn tự chất vấn và hồi tâm trở về theo những cách thế trên. Có được như vậy, ta mới dám khát mong dấn thân phục vụ và trở nên đồng hình đồng dạng với Thầy Chí Thánh của mình.

Điểm hẹn ”bí mật” cuối cùng cũng là kì diệu và là điều căn bản mà bạn và tôi mỗi lần nghe lại Lời Chúa, nhìn trong thinh lặng, chú ý trong tâm tư và suy niệm trong cõi lòng “Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu” (hay “12 giờ sau cùng của Đức Giêsu”)[5], tôi và bạn sẽ cảm nghiệm được như đạo diễn Gibson. Ông đã chiến thắng được chứng bệnh chán đời muốn tự tử. Qua “Cuộc khổ nạn”, Gibson đã tiết lộ với tờ báo Úc châu Herald Sun: “Dạo trước tôi có cảm giác lạc lối trong bóng tối, tôi hoàn toàn thất vọng. Tôi chẳng thiết sống nữa, nhưng cũng chưa sẵn sàng để ra đi, nhưng qua “Cuộc khổ nạn Chúa Giêsu” tôi mới thực sự vượt qua được cơn suy nhược của thần kinh, chán đời”.

Chúa vẫn đứng giang tay trên Thánh giá, vẫn chờ, vẫn đợi… ĐIỂM HẸN vẫn còn, NGƯỜI HẸN vẫn một tình yêu theo năm tháng đợi chờ. Thật vậy, con người không cảm nhận được hạnh phúc chân thật là vì chỉ nghe nhau mà không nghe Lời Mạc Khải. Và nếu có nghe thì cũng cố đảo ngược lời của Chân lý. Có thể càng ngồi lâu đối diện với Chúa, càng lòi cái mặt mẹt của mình ra, đúng không? Thế nhưng đừng xấu hổ mà bỏ đi nghe! (Ga. 8,9). Chắc rằng tôi và bạn sẽ bị giật bởi một “luồng điện” tình yêu sống động: “Ta khát…” Chúa khát gì? Ngài khát linh hồn tôi và linh hồn bạn đấy. Giờ thì tôi và bạn đã có câu trả lời thỏa mãn.

Ước chi bạn và tôi nói lên được như lời của Thánh Augustine: “Hỡi người đảng trí và lêu lổng, ngươi làm gì trong khi ngươi thỏa mãn nhục dục, vui sướng? Hãy hồi tâm tìm của thật, của tốt trong lòng ngươi, một của đó có thể thỏa lòng ngươi”. 

Thinh lặng giây lát… rồi mời bạn cùng tôi tha thiết dâng lên Chúa những lời nguyện sau đây:

Lạy Chúa, con tìm đến với Chúa quá muộn, vì có những tạo vật muốn giữ con xa Chúa. Khốn thân con! Những phiền muộn sâu xa của con đang chống lại những niềm vui tốt lành; nhưng con không biết bên nào sẽ giành được phần thắng. Khốn thân con! Lạy Chúa. Chúa thương và tha thứ cho con trước khi con tìm đến với Ngài. Một khi con gắn bó hết mình với Chúa, con sẽ không còn cảm thấy đau đớn vất vả nữa. Cuộc đời con sẽ trở nên sống động, vì con chưa được tràn đầy Chúa, nên con còn gánh nặng cho chính bản thân. Nơi con có những niềm vui mà lẽ ra con phải than khóc, và những nỗi pjiền muộn mà lẽ ra con phải hân hoan. Hai bên kình chống nhau, nhưng con không biết bên nào sẽ giành được phần thắng. Xin cho con đừng bao giờ thở dài trên hành trình đến với Chúa qua những người anh em của mình. Như vậy, Lạy Chúa! Tất cả niềm hy vọng của con chỉ còn đặt nơi lượng từ bi hải hà của Chúa mà thôi. Amen. 
 
Nguyện xin cho tôi và bạn được đổi mới! 
Thân ái trong Đức Giêsu Kitô. 
                          
JB. Nguyễn Ngọc Hùng  
 
Nguồn tin: