Ảnh hưởng của văn hóa gạt bỏ đến sự trưởng thành của đức yêu thương.

Wed,21/11/2018
Lượt xem: 2625

Mọi sự đều có thể dùng một lần rồi vứt bỏ; mọi người dùng xong, bẻ gẫy, khai thác và vắt kiệt đến giọt cuối cùng. Xong, chia tay. Nền văn hóa này đã và đang gây nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sự thăng tiến của con người.

 
Văn hóa gạt bỏ - điều được Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập trong Tông huấn Niềm vui yêu thương, là một hiện tượng xã hội, trong đó, các mối tương quan chỉ dựa trên sự hơn thiệt để chiếm hữu, chữa trị cô đơn, cung cấp việc bảo vệ hay đem lại sự phục vụ nào đó. Trong nền văn hóa này, chủ thể ứng xử với các đối tượng trong tương quan tình cảm theo lối vắt chanh bỏ vỏ: Mọi sự đều có thể dùng một lần rồi vứt bỏ; mọi người dùng xong, bẻ gẫy, khai thác và vắt kiệt đến giọt cuối cùng. Xong, chia tay.  Nền văn hóa này đã và đang gây nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sự thăng tiến của con người.
Bài viết này xin trình bày những ảnh hưởng tiêu cực của nền văn hóa gạt bỏ đến sự trưởng thành của đức yêu thương.
Tưởng nghĩ, trước hết cần tìm hiểu các sắc thái của đức yêu thương.
 
1. Đức yêu thương
 
Theo các nhà tâm lý hiện đại, yêu thương là một nhu cầu căn bản (yêu thương và được yêu thương) của con người: “Con người từ khi còn trong bào thai cho đến lúc lìa đời đã mang nhu cầu yêu thương, trước khi có khả năng sử dụng lý trí. Hơn nữa, tình thương có vai trò then chốt trong sự trưởng thành cá nhân cũng như trong mối liên lạc với tha nhân.” 
Tiếng Hy-lạp phân biệt các sắc thái của tình yêu qua 3 từ: Eros, philia và agape. Eros là tình yêu mang tính vị kỷ. Đây là tình yêu mà, trong đó, con người chủ yếu đi tìm lợi ích phục vụ cho ham muốn, cho dục vọng của mình. Nó chỉ làm cho chính mình được phong phú và hoàn thiện bản thân. Philia là tình yêu mang tính vị tha. Trong tình yêu này, con người tìm cách bảo vệ và phát huy điều hay, điều tốt của chính đối tượng mà mình yêu thương. Như thế, chủ thể muốn điều tốt cho đối tượng của tình yêu, cho người khác. Đối tượng trong tình yêu vị tha được coi là giá trị, đáng được quan tâm để phát triển là vì chính nó chứ không phải là phương tiện để chủ thể tình yêu được tốt hơn. Agape là tình yêu ở một sắc thái khác hẳn, là tình yêu mà Thiên Chúa dành cho con người. Đây là tình yêu tự hiến, vô vị lợi, Người đã ban Con Một để cứu độ con người, trút đổ Thánh Linh là agape trên nhân loại, mặc dù nhân loại chẳng đáng chi trước mặt Người.
Với những người theo Chúa, “đức yêu thương là nhân đức cần thiết cách tuyệt đối trong hành trình sống đạo của người Ki-tô hữu.”  Vì con người được Thiên Chúa yêu thương và mời gọi chúng ta yêu thương Người, yêu thương tha nhân và các thụ tạo của Người, bằng chính tình yêu mà Người đã dành cho chúng ta: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em (Ga 13, 34a).”
Giờ đây, bài viết sẽ đi vào nội dung chính:
 
2. Ảnh hưởng của nền văn hóa gạt bỏ đến sự trưởng thành của đức yêu thương.
 
Con người được Thiên Chúa mời gọi đến với Người, với tha nhân, với các thụ tạo bằng chính tình yêu agape - tình yêu mà họ đã được đón nhận nhưng không từ Thiên Chúa. Tuy nhiên, dưới sự tác động của nền văn hóa gạt bỏ, con người khó có thể đáp lại lời mời gọi tha thiết của Người. Dường như, họ chỉ biết yêu chính bản thân mình. “Họ không còn khả năng có được cái nhìn vượt ra khỏi chính mình, khỏi cái ước vọng và nhu cầu của mình.”  Nói cách khác, đức yêu thương của con người không triển nở, không thăng tiến được. Nó bị nền văn hóa gạt bỏ giam hãm trong sắc thái dục vọng - eros. Não trạng này chi phối trong tất cả các mối tương quan của con người.
 
a. Trong tương quan với các tạo vật, môi sinh
 
Sách Sáng Thế cho biết, Thiên Chúa sáng tạo con người sau tất cả các tạo vật và Người đặt con người trên trái đất, để họ yêu thương, vun trồng, chăm sóc nó (x. St 2, 15). Điều đó nói lên rằng, con người vừa có quyền, vừa có bổn phận trên các tạo vật khác. Con người có quyền khai thác, sử dụng các tạo vật để chu cấp cho các nhu cầu chính đáng, nhằm thăng tiến bản thân. Đồng thời, con người có bổn phận yêu thương, gìn giữ, chăm sóc để trái đất ngày một lớn lên, ngày một trở nên ngôi nhà chung cho toàn thể nhân loại. Qua đó, con người cộng tác với Chúa trong chương trình tình thương của Người – chương trình cứu độ.
Tuy nhiên, dưới sự tác động của văn hóa gạt bỏ, con người đã và đang khai thác các thụ tạo khác của Thiên Chúa một cách thiếu trách nhiệm, thiếu tình thương. Họ chỉ khai thác, sử dụng, thậm chí phung phí, hủy diệt các chúng để thỏa mãn nhu cầu của bản thân. Nhiều khi, đó là những nhu cầu xa xỉ, chỉ nhằm mục đích thể hiện bản thân mà chẳng giúp bản thân triển nở về phẩm giá. Họ không yêu thương, chăm sóc để chúng phát triển như Chúa muốn. 
Không chỉ tương quan với các tạo vật khác, các tương quan nhân bản cũng chịu tác động không tốt từ nền văn hóa gạt bỏ. “Sự sống con người, bản vị con người không còn được cảm nhận như giá trị đầu tiên còn phải tôn trọng nữa, đặc biệt nếu đó là sự sống nghèo túng hay tàn tật, nếu nó không phục vụ - như trẻ em sẽ sinh ra; hay không còn cần thiết nữa - như người già.” 
 
b. Trong tương quan nội tại với chính bản thân mình
 
Đức Giê-su dạy: “Thầy là cây nho, anh em là cành” (Ga 15, 5). Và Thánh Phaolô nói: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao” (1 Cr 3, 16)? Như thế, mọi người đều được mời gọi thực hiện bổn phận yêu thương, chăm sóc, giữ gìn bản thân sao cho thân xác được khỏe mạnh và có một linh hồn thánh thiện vì là một phần Thân Thể mầu nhiệm và để Chúa ngự đến.
Tuy nhiên, sống trong nền văn hóa gạt bỏ, con người có nguy cơ chỉ yêu mình vì ham muốn, vì thấy mình có lợi nào đó. Họ chỉ yêu bản thân mình để thỏa mãn một nhu cầu hạ đẳng nào đó. Người ta đua nhau rèn luyện cho có thân thể cường tráng chỉ đơn thuần khoe mẻ; đua nhau tích lũy tri thức để thể hiện bản thân;… Họ không còn yêu bản thân vì yếu tính siêu việt của con người: Là chi thể và là đền thờ của Chúa. Hệ luận là khi thấy không thỏa mãn với bản thân, họ trở nên sống buông thả, vật vờ, không có định hướng. Thậm chí, có những người tìm cách chạy trốn cuộc sống bằng hành vi tự sát, xin được an tử, trợ tử.
 
c. Trong tương quan với than nhân
 
Tha nhân vốn dĩ là hiện thân của Đức Ki-tô. Mỗi người chúng ta đều được Chúa mời gọi yêu thương tha nhân. Để ngang qua việc yêu thương, phục vụ tha nhân, con người thực hiện bổn phận yêu mến và phục vụ chính Chúa. Vì Chúa Giê-su nói, mỗi việc chúng ta làm cho tha nhân, là chúng ta làm cho chính Ngài. Hơn nữa, Ngài mời gọi chúng ta yêu thương, phục vụ tha nhân bằng tình yêu mà chúng ta đã đón nhận từ Ngài. Như thế, có thể nói như Đức Thánh Cha Phanxicô: “Tha nhân là hồng ân Chúa ban.” 
Nhưng, nền văn hóa gạt bỏ đã và đang xô đẩy con người thụt lùi, tới chỗ xem người khác như là công cụ để sử dụng, để khai thác, nhằm mục đích phục vụ cho ham muốn của bản thân. Với các thai nhi, do ngại ngần trong việc chăm sóc giáo dục các em, các em lại không thể phục vụ cho nhu cầu của họ ngay, nhiều người sẵn sàng vứt bỏ bằng cách trục phá. Với những người trẻ, họ không được hưởng một nền giáo dục đầy đủ, ngay cả trong các gia đình. Các em bị đẩy ra khỏi gia đình, lang thang trên đường phố. Với những người có sức lao động, nhiều người bị đối xử như công cụ để khai thác trục lợi cho bản thân: Hoạt động mua bán tình dục nam, nữ; tình trạng bóc lột sức lao động; buôn bán người. Với những người cao niên, người khuyết tật không còn hay không có sức lao động, bị gạt bỏ sang bên lề xã hội. Họ không được quan tâm, săn sóc cả về vật chất, tinh thần và tâm linh.

d. Trong tương quan với Thiên Chúa
 
Nền văn hóa loại bỏ cũng tác động tiêu cực đến tương quan của con người đối với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã hạ mình, đi bước trước đến với con người bằng tình yêu tự hiến nhưng không - tình yêu agape. Người cũng mời gọi con người đáp trả bằng tình yêu vô vị lợi đó, để được hạnh phúc thật sự, được ở trong Người: “Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4, 16). 
Tuy nhiên, trong nền văn hóa gạt bỏ, con người không muốn và không có khả năng duy trì một kết nối lâu dài, nhất là với những kết nối không mang lại cho họ một điều gì đó có lợi trước mắt, sờ chạm được. Con người chỉ muốn tìm thấy và sử dụng đối tượng và ngay cả Thiên Chúa như là một dịch vụ. Họ chỉ đến, nếu đến, với Thiên Chúa như là đối tượng mà ở đó họ tìm thấy được một đáp ứng khả dĩ nào đó cho sự an toàn hay thăng tiến về vật chất hay tinh thần thế tục nào. Dường như, họ không có xu hướng đến với Thiên Chúa như là Đấng mà con người phải và nên quy chiếu về. Dường như, họ không thể đáp lại lời mời gọi trở nên hoàn thiện như Cha trên Trời.
 
Tạm kết
 
Thiên Chúa ban cho mọi người - trong cũng như ngoài Ki-tô giáo, khả năng yêu thương.  Khả năng này cần được nuôi dưỡng không ngừng, để lớn lên tới tầm mức trọn hảo. Tuy nhiên, nền văn hóa gạt bỏ đã làm cho khả năng yêu thương của con người - trong tất cả các tương quan tình cảm, bị vây hãm, không thể vượt qua sắc thái tình yêu vị kỷ. Tưởng nghĩ rằng, nguyên nhân sâu xa đưa đến não trạng đáng buồn này là do con người đã loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống. Họ không còn chân nhận ra các bậc thang giá trị, không nhìn thấy Thiên Chúa nơi các thụ tạo và tha nhân.
Để loại bỏ nền văn hóa gạt bỏ cũng như những tác động tiêu cực của nó lên đời sống, thiết nghĩ không có phương dược nào tốt hơn là đức tin. Con người cần trở về với niềm tin vào Thiên Chúa. Vì như Công Đồng Vaticanô II nhận định:“Chỉ nhờ ánh sáng đức tin và nhờ suy niệm lời Chúa, mỗi người mới có thể nhận ra Chúa trong mọi nơi và mọi lúc, vì trong Ngài ta sống, ta hoạt động, ta hiện hữu. Tìm ý Chúa trong mọi biến cố, thấy Chúa Kitô trong mọi người, dù là kẻ thân hay người lạ, phê phán đúng đắn về ý nghĩa đích thực và giá trị của sự vật trần thế, xét nơi chính nó và xét theo tương quan với cứu cánh của con người.”  



Tài liệu tham khảo

1. LM. PHAOLÔ BÙI ĐÌNH CAO, Giáo trình thần học luân lý căn bản.
2. GH. PHANXICÔ (LM. NGUYỄN ĐỨC THÔNG CHUYỂN NGỮ), Tông huấn Niềm vui yêu thương, Nxb. Tông Giáo, Hà Nội, 2016.
3. GH. PHANXICÔ (MINH ĐỨC chuyển ngữ), “Sứ điệp mùa chay 2017”,  2016, http://tgpsaigon.net. Truy cập ngày 10 tháng 12 năm 2017.
4. PHANXICÔ (LINH TIẾN KHẢI chuyển ngữ), “Bài trừ nền văn hóa phung phí gạt bỏ để thăng tiến nền văn hóa liên đới gặp gỡ”, 2013, http://conggiao.info. Truy cập ngày 10 tháng 12 năm 2017.
5. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II (UBGLĐT chuyển ngữ), Sắc lệnh tông đồ giáo dân, Nxb Tôn Giáo, 2012.
6. Thần  học luân lý chuyên biệt 1.
7. LM. PHAN TẤN THÀNH, Đời sống tâm linh, tập 3.


 Xuân Phong, K.XIII
 

 

Nguồn tin:
Tags :