Quan điểm triết học của Kierkegaard: Thắng vượt sự tuyệt vọng

Wed,21/11/2018
Lượt xem: 5627

Kierkegaard đã viết một cách cực kỳ hăng say để chống lại quan điểm triết học của Hegel, triết gia người Đức cùng đồng thời với ông. Đối với Hegel, chính nhờ hệ thống triết học con người hiểu và thông cảm được nhau. Nếu Descartes chủ trương: „Cogito ergo sum“ (Tôi tư duy nên tôi hiện hữu) thì trong tác phẩm „Wissenschaft der Logik“ (Khoa học Luận lý) của ông, Hegel viết: „Chính con người là tư duy, con người hiện hữu như một chủ thể tư duy, điều đó là sự hiện hữu và thực tại của con người.“

Quả thực, danh xưng Anti-Climacus không tìm thấy trong sách bách khoa từ điển về các danh nhân. Nhưng Sören Kierkegaard, nhà triết học và văn sĩ người Đan Mạch (1813-1855), lại trình bày danh xưng đó như sau: „Bút hiệu là Johannes Anti-Climacus, ngược lại với Climacus, là người đã nói rằng ông ta không phải là Kitô hữu, Anti-Climacus là sự cực đoan đối kháng: Ông ta là một Kitô hữu trong một đẳng cấp khác thường – một cách đơn giản là chính tôi chỉ thực hiện được điều đó có bấy nhiêu, tức một cách hoàn toàn đơn giản là làm một Kitô hửu.“ Thực ra, Anti-Climacus là bút hiệu của chính Kierkegaard và dưới bút hiệu đó ông đã cho xuất bản năm 1849 tác phẩm „Die Krankheit zum Tode“ (Bệnh nguy tử) kèm theo phụ đề „Eine christlich-psychologische Entwicklung zur Erbauung und Erweckung von Anti-Climacus, herraugegeben von Sören Kierkegaard“ (Một sự phát triển tâm lý học Kitô giáo mang tính cách xây dựng và thức tỉnh của Anti-Climacus, do Sören Kierkegaard xuất bản). Vậy, cũng giống như việc ông tự giấu mình sau một bút hiệu như thế, trong cuộc sống của Kierkegaard còn có rất nhiều điều bí ẩn mà chính ông cũng không hiểu được. Kierkegaard nói về mình như sau: Trong các „chặng đường đời, tôi chỉ là một loại người có thể trở thành cần thiết trong một cơn khủng hoảng, một loại người cần tới sự hiện hữu để cảm thấy mình được thoải mái dễ chịu.“


Kierkegaard đã viết một cách cực kỳ hăng say để chống lại quan điểm triết học của Hegel, triết gia người Đức cùng đồng thời với ông. Đối với Hegel, chính nhờ hệ thống triết học con người hiểu và thông cảm được nhau. Nếu Descartes chủ trương: „Cogito ergo sum“ (Tôi tư duy nên tôi hiện hữu) thì trong tác phẩm „Wissenschaft der Logik“ (Khoa học Luận lý) của ông, Hegel viết: „Chính con người là tư duy, con người hiện hữu như một chủ thể tư duy, điều đó là sự hiện hữu và thực tại của con người.“ Trong khi đó ngược lại, nhà triết học người Đan Mạch lại hoàn toàn tập trung vào việc đề cao từng cá nhân, như thể người đó đang đứng trước mặt Thiên Chúa. Theo Kierkegaard, chính điều đó mới là chủ đề cho triết học, và chỉ như thế thì triết học mới mang tính cách xây dựng. Ngay cả cuộc sống riêng tư của ông, Kierkegaard cũng tuân thủ theo yêu sách đó. Bởi vậy, ông đã không cưới vị hôn thê của mình là cô Regine Olsen, vì ông không muốn thực hiện một điều tổng quát thông thường, tức việc lập gia đình, một điều mà mọi người đều làm, bởi vì ông cho rằng khi người ta thực hiện điều tổng quát thông thường như thế, thì người ta thực hiện đặc điểm chính yếu của triết học Hegel, tức là điều mà ông hoàn toàn bác bỏ.


Ngay trong lời giới thiệu tác phẩm „Die Krankheit zum Tode“ Kierkegaard đã đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề. Theo ông, điều mà xét về phương diện nhân loại được coi là sự chết, thì không phải là sự chết thực sự. Như trường hợp bệnh tình của La-da-rô không phải là thứ bệnh nguy tử làm chết người, dù cho Đức Kitô đã nói là „ông La-da-rô đã chết“ (Ga 11,14). Dĩ nhiên, lúc bấy giờ chắc chắn Đức Kitô đã nghĩ đến việc Người sẽ làm phép lạ cho La-da-rô sống lại rồi, và vì thế đối với Kierkegaard, trong sự chết luôn luôn chứa đựng niềm hy vọng. Bởi vì, điều gì đã làm cho La-da-rô sống lại từ trong những kẻ đã chết, nếu như ông ta lại đã phải chết và „nếu không phải là Người, Đấng là sự sống lại và là sự sống cho tất cả những ai tin vào Người!“


Trong tập sách nhỏ của ông, Kierkegaard cho thấy rằng sự tuyệt vọng là thứ bệnh nguy tử làm chết người. Sự tuyệt vọng có cơ cấu nhất định của nó, một cơ cấu đồn trú trong „chính mình nội tại“ của con người. „Nhưng ’chính mình nội tại’ là gì? Đó là một sự tương quan được thực hiện giữa mình với chính mình.“ Như vậy, Kierkegaard gọi cái „chính mình nội tại“ là con người, một „tổng đề của sự vô hạn và sự hữu hạn, của sự mang tính chất thời gian và vĩnh cửu, của sự tự do và sự bó buộc.“ Đàng khác, con người, tuy hiện hữu trong sự hiệp nhất của sự tương quan đó, lại được đặt nền tảng trong Thiên Chúa, chứ không phải trong một ai khác. Và chỉ ai muốn cái „chính mình nội tại“ của mình và đồng thời lại biết mình hiện hữu trong Thiên Chúa, người đó có thể thoát khỏi sự tuyệt vọng của sự vô tín ngưỡng.


Như vậy, Kierkegaard không chủ tâm thực hiện những lý chứng phức tạp về Thiên Chúa, những lý chứng có thể làm cho cách suy tư hữu hạn bị phân hóa vào trong những luận cứ vô hạn. Nhưng ông cho thấy một cách hoàn toàn rõ ràng rằng cần phải thực hiện một cú nhảy vọt từ tình trạng vô tín ngưỡng vào trong cuộc sống đức tin. Đối với Kierkegaard, tin có nghĩa là không tuân thủ theo trí năng để chiếm hữu được Thiên Chúa. Và trên con đường tiến về cùng Thiên Chúa có hai loại tuyệt vọng mà mỗi người cần phải đề phòng cảnh giác mình. Đó là sự yếu hèn: tức một người tỏ ra tuyệt vọng khi muốn là chính mình, hay nói cách khác, khi anh muốn khẳng định chính mình. Tiếp đến, đó là sự cứng đầu cố chấp: tức một người không tuyệt vọng khi muốn là chính mình, hay nói cách khác, khi anh muốn khẳng định chính mình. Nhưng đó cũng chính là những hình thức đánh mất chính mình và đánh mất luôn cả Thiên Chúa nữa.


Các sách vở của Kierkegaard không những giúp cho độc giả hiểu rõ được sự chết, nhưng còn được coi là một sự đồng hành với người trong cơn hấp hối. Sự tuyệt vọng chỉ xảy ra, nếu chết là hết, là chấm dứt tất cả mọi hiện hữu. Kierkegaard viết: „Bởi vì chết có nghĩa là cuộc sống đang qua đi, nhưng sự chết đang chết có nghĩa là người ta đang trải qua sự chết“ để vươn tới sự sống. Đối với Kierkegaard, „công thức“ của tất cả mọi sự tuyệt vọng là muốn thoát ly khỏi chính mình một cách tuyệt vọng, tức hoàn toàn mất hết sự tự tín, nhưng rồi hình thức tuyệt vọng lại quay trở về trên sự muốn thoát ly khỏi chính mình, nghĩa là người ta tuyệt vọng khi muốn là chính mình thực sự.


Nhưng ai muốn dứt bỏ chính mình một cách tuyệt vọng? Để làm một dẫn chứng, Kierkegaard lấy trường hợp nhà thi sĩ làm ví dụ, dĩ nhiên kể cả nhà thi sĩ có tín ngưỡng, bởi vì tội lỗi trà trộn trong chính bản chất thi sĩ của nhà thi sĩ. Kierkegaard cho rằng: „Nhìn theo nhãn quan Kitô giáo (dĩ nhiên „Kitô giáo“ được nhắc đến ở đây hoàn toàn theo quan niệm chủ quan của Kierkegaard) thì cho dù có chứa đựng sự thẩm mỹ, cuộc sống nhà thi sĩ vẫn là tội lỗi, tội lỗi là do người ta tưởng tượng thay vì sống thực tế, là do người ta hành xử tốt lành và chân thật theo thị hiếu tưởng tượng, thay vì thực sự đúng với con người thật của mình là vươn tới sự thật cụ thể một cách hiện sinh.“ Một nhà thi sĩ như thế rất có thể là một người có lòng tín ngưỡng sâu xa, yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, tuy nhiên ông còn mang nặng một nỗi khắc khoải hết sức thầm kín mà ông không muốn từ bỏ, đó là muốn làm một người khác.


Kierkegaard đào sâu và lấy đi dần dần những xác quyết đã được đắc thủ của người độc giả. Và ông đã không những thuyết phục được những nhà thi sĩ có tín ngưỡng như những người đầy tuyệt vọng, nhưng cả những người đi tìm kiếm hạnh phúc. Bởi vì, – và đây là điều hết sức thời sự cho những ai có tâm huyết với sức khỏe vào những ngày ấy – sức khỏe và bệnh tật đều là những dấu hiệu của một sự khủng hoảng như nhau. Chính những ai cảm thấy mình khỏe mạnh hạnh phúc và không cảm nghiệm được sự tuyệt vọng, thì đang sống trong một thế giới ảo tưởng. Những ai không cho mình là thần linh, nhưng là sự hiệp nhất giữa thể xác và linh hồn, thì mới cảm nghiệm được hạnh phúc là điều tối thượng. Chính cả điều mà Kierkegaard coi như là cái đẹp nhất và giá trị đáng yêu nhất, đó là cái liếc nhìn của „tính chất trẻ trung nơi nữ giới“ với một sự hòa điệu và sự an bình tuyệt vời. Kierkegaard viết: „Tuy nhiên, đó là sự tuyệt vọng. Điều đó chính là sự hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc không phải một sự ấn định của thần linh, và sâu thẳm, thật sâu trong sự hạnh phúc, trước hết trong sự an ninh bình yên thầm kín, tuy nhiên ở đó còn có cả sự sợ hãi, và sự sợ hãi này là sự tuyệt vọng, rất muốn có quyền được ở lại trong đó, bởi vì đối với sự tuyệt vọng, chỗ ở nó thích nhất là ở nơi sâu thẳm trong tận cùng của sự hạnh phúc.“ Sự tuyệt vọng mà làm cho cuộc sống được dễ chịu và thoải mái, thì không thể được coi là sự tuyệt vọng nữa.


Kierkegaard chứng minh cho thấy „sự phát triển tâm lý Kitô giáo“ là một điều – như đã được ghi trong phụ đề tác phẩm của ông – hoàn toàn phân biệt khỏi tất cả mọi tâm lý học đương thời khác. Tâm lý học lý giải con người chỉ dựa theo sự diễn biến nột tâm của người đó trong khuôn khổ thời gian và giới hạn của nó, một hiện tượng có thế sửa đổi và trị liệu được, bởi vì sự diễn biến nội tâm đó chỉ xảy ra trong thời gian. Tâm lý học không thể hiểu thấu được nội tâm con người trong những cơ cấu của nó xét như là thực thể tinh thần, vì tinh thần con người được dựng nên trong Thần Khí của Thiên Chúa và qua đó được dựng nên trong một sức khõe cao hơn, và đó chính là điều đòi hỏi nơi Kierkegaard rất nhiều suy tư, nhưng đồng thời cũng là điều làm cho ông trở thành „ngôi sao“, có được một chỗ đứng trong sự ngưỡng mộ đậm màu sắc Công Giáo.


Theo Kierkegaard, đức tin có nghĩa là sự xác quyết rằng đối với Thiên Chúa tất cả mọi sự đều khả dĩ. Cuộc tranh đấu vì đức tin là cuộc tranh đấu vì sự khả hữu (Möglichkeit). Vì thế, đức tin là „liều thuốc giải độc muôn đời chắc chắn“ chống lại sự tuyệt vọng: Cả khi sự sụp đổ là một điều chắc chắn không thể tránh, thì luôn vẫn còn sự khả hữu, vẫn còn lối thoát khả dĩ. Kierkegaard viết: „Khi một người bị bất tỉnh, người ta đi kiếm nước, Eau de Cologne, hay giọt Ê-ther Hoffmann(1); nhưng nếu một ai đó bị rơi vào tuyệt vọng, thì bấy giờ: Hãy tạo ra sự khả hữu, hãy tạo ra sự có thể.“ Chỉ đối với những người theo thuyết định mệnh thì mới cho rằng tất cả mọi sự đều đã bị tiêu tan hết, bởi vì họ tin vào sự tất yếu; và tiếp đến, chỉ đối với những người tư tưởng nhỏ nhoi thiển cận và với đầu óc trống rỗng của họ thì mới cho rằng chỉ có sự tương tự hay sự có vẻ thực (Wahrscheinlichkeit) thay vì sự khã hữu. Cả đến ma quỷ cũng được nêu thành vấn đề, vì ma quỷ là nguồn gốc mọi cám dỗ: Trong mức độ tuyệt vọng tối đa mà nó đã đạt tới, khi nó chỉ muốn là chính mình, chỉ muốn khẳng định mình một cách tuyệt đối thì ma quỷ là sự „cứng đầu cố chấp tuyệt đối.“


Cao điểm của tác phẩm là những nghiên cứu tìm hiểu nguồn gốc phát xuất tội lỗi, bởi vì tội lỗi là sự tuyệt vọng trước Thiên Chúa. Và ý niệm ngược lại với tội lỗi không phải là nhân đức, nhưng là đức tin, đúng như lời thánh Phaolô: „Alles, was nicht aus Glauben geschieht, ist Sünde“: Tất cả những gì xảy ra không do đức tin đều là tội lỗi (Rm 14,23). Và chính qua sự tương phản này người ta cũng nhận thức được rằng sự bực bội hờn giận trong đức tin là con đường gần nhất dẫn tới tội lỗi.


Nguyễn Hữu Thy


________________________


Chú thích:


Friedrich Hoffmann (1660-1742), một bác sĩ người Đức, đã khám ra một loại thuốc hơi, pha trộn 1 phần Ê-ther và 3 phần chất cồn (Alkohol), để chữa trị các triệu chứng uể oải khó chịu hay bị ngất xỉu, và thứ thuốc đó mang tên ông: Hoffmannstropfen: thuốc nhỏ Hoffmann.

Sách tham khảo:


Sören Kierkegaard: Die Krankheit zum Tode (und andere Schriften). Deutscher Taschenbuch Verlag, München 2005, 7067 trang.

 

Nguồn tin: VietCatholic News
Tags :