Plato Và Aristotle: Âm Nhạc Ở Tầng Nền Của Phương Thức Hiện Hữu

Mon,10/03/2025
Lượt xem: 228

Trong văn hóa Hy Lạp cổ đại, âm nhạc - mousike không phải là một dạng nghệ thuật cụ thể như cách chúng ta nghĩ ngày nay; mà nó là sự kết hợp của thơ ca, giai điệu, khiêu vũ. Một mặt, tiền tố mousa của mousike gợi nhắc nguồn gốc thần thiêng của âm nhạc xuất phát từ Thi Thần Muses, mặt khác, mousike còn ngụ ý về techne, hay “nghệ thuật”, điều này mở ra lối nhìn rõ hơn về quan niệm âm nhạc của người Hy Lạp, không đơn thuần là để bắt chước thiên nhiên còn là sự sắp đặt hài hòa, tài tình kỹ thuật cho các hoạt động biểu diễn của người Athen ngày trước, cụ thể là trong các nghi lễ, nghi thức tôn giáo, quân sự, cung đình.[1]

Âm nhạc trở thành một phần của cuộc sống, song ít ai biết rằng qua âm nhạc người ta có thể tìm thấy sự thật về hiện hữu. Thật vậy, với Plato, âm nhạc không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng trong nghệ thuật, mà còn mở lối dẫn con người đến Eidos. Vì là bản sao của Ý niệm, một thế giới tuyệt vời, nên hiệu quả của âm nhạc mạnh mẽ và sâu sắc. Âm nhạc không đơn thuần nói về thế giới của những cái bóng, nhưng về chính thực tại đích thực. Còn Aristotle cho rằng các tác phẩm nghệ thuật có thể chứa đựng một mức độ chân lý trong chính chúng[2], như một phương tiện để công dân lẫn thành bang đạt đến cứu cánh là đức hạnh (areté) và thịnh vượng (eudaimonia). Để làm rõ hơn về khả thể âm nhạc đưa con người đến với Chân-Thiện-Mỹ, bài viết này là nỗ lực khám phá cái đẹp tự thân của âm nhạc, đến khả năng đánh thức phương thức hiện hữu của con người.

1.          Âm nhạc phản chiếu vẻ đẹp của thế giới tự thân

“Cùng đích của âm nhạc chẳng phải là tình yêu dành cho cái đẹp hay sao?[3]

Đối với Plato, vẻ đẹp của âm nhạc không chỉ dừng lại giai điệu, hòa âm, tiết tấu nhưng cái đẹp thực sự của nó là khả năng đưa tâm hồn con người hướng đến cái đẹp. Cái đẹp trước hết là “trật tự, tiết độ” “hài hòa”[4], trong Timaeus, Plato đã cho rằng sự chuyển động của các vì sao mang nét hài hòa và trật tự vốn có thể tính toán bằng con số, tương tự như sự hài hòa và trật tự trong âm nhạc.[5] Cái đẹp thứ hai là những phẩm chất cao quý mà âm nhạc phản chiếu. Ông viết, những vệ quốc không thể thưởng thức âm nhạc nếu họ không biết được các “hình thể (forms) của tiết độ, can đảm, rộng lượng, quảng đại và những phẩm chất tương tự cũng như trái ngược”[6]; và chỉ khi con người có một tinh thần hài hòa, thì người ấy mới yêu quý những điều đáng quý nhất[7]. “Tình yêu chân thật là tình yêu dành cho cái đẹp”[8] âm nhạc đã toát lên vẻ đẹp đó.

Đồng thuận với Plato, Aristotle khuyên rằng mục đích của việc học nhạc là cảm nhận được nét đẹp ẩn tàng trong hòa âm và tiết điệu, không nên quá chú tâm vào luyện tập những ngón nghề, kỹ thuật điêu luyện nhằm đạt đến trình độ thi đua chuyên nghiệp, vì như thế chỉ biết được cái bề mặt của âm nhạc mà nô lệ, trẻ con hay thậm chí thú vật cũng thấy làm vui thú.[9] Không nên khuyến khích người ta dạy nhạc một cách chuyên nghiệp như trong những cuộc thi đua, bởi luyện tập âm nhạc như thế không giúp con người hướng đến Chân-Thiện, nhưng lại tìm kiếm những điều xấu xa như mua vui, tiếng tăm hoặc tiền bạc. Khi đó người chơi nhạc không những đánh mất đi cái đẹp ẩn tàng của âm nhạc, mà còn làm giảm giá trị của chính họ.[10]

Như vậy, cái đẹp của âm nhạc không chỉ đơn thuần nằm ở sự sắp xếp có trật tự, hài hòa mà Pythagoras mô tả trong vẻ đẹp của vũ trụ, nhưng như Plato nói, sự đơn giản trong âm nhạc là nguồn gốc của đức tiết độ trong tâm hồn.[11] Âm nhạc chỉ đẹp, khi nó là chính nó.

2.          Âm nhạc đánh thức âm giai nền của hiện hữu

Nhịp điệu và hòa âm tìm thấy lối vào những nơi sâu thẳm nhất của tâm hồn, ở đó chúng có thể bồi sức, gia ân, và làm cho tâm hồn người được giáo dục thêm duyên dáng […] trong khi khen ngợi, vui mừng và nhận vào tâm hồn mình những điều tốt đẹp, lòng cao thượng và tốt lành, người ấy sẽ biết công bình chê trách và ghét cái xấu […][12]

Plato tin rằng nơi tâm hồn con người đã có sẵn sự đồng điệu với âm nhạc[13] và khi những giai điệu được ngân lên, tâm hồn ta cũng thay đổi theo. Với khả năng mô phỏng nhịp điệu của tâm hồn, âm nhạc mở đường vào cõi sống của mỗi người. Thật vậy, âm nhạc không ban phát những đức tính tốt đẹp cho con người; khôn ngoan, công bình, dũng cảm, tiết độ - những phẩm chất cao quý ấy đã vốn ở sẵn bên trong mỗi người và nhiệm vụ của âm nhạc là đi vào trong cõi thâm sâu của lòng người, lay động, gọi mời, biến đổi, làm cho tâm hồn ngày càng trở nên duyên dáng. Khi âm nhạc chạm vào đúng tầng sâu của con người, nó khơi lên trực cảm về thiện - ác trước khi ta có thể hiểu rõ ngọn nguồn. Lúc đầu một người đánh giá điều lành và sự dữ dựa trên mối quan hệ của chúng với trạng thái của chính anh ta, niềm vui, nỗi buồn mà chúng mang lại, nhưng dần dần, bằng lý trí anh sẽ có khả năng để hiểu về cái tốt và cái xấu.[14] Bởi thế, khi có âm nhạc ở bên trong, con người biết điều chỉnh thói quen và việc rèn luyện cơ thể, không nhượng bộ trước những thú vui tàn bạo và phi lý, nhưng luôn suy xét chọn lựa những gì đúng đắn để luôn giữ được sự hòa hợp của tâm hồn[15].

Hơn nữa, bởi từng âm điệu từ bản chất đã khác nhau, cho nên người nghe cũng bị ảnh hưởng một cách khác nhau. Thường xuyên nghe những hòa âm, tiết tấu khơi dậy tính thiện sẽ tạo điều kiện khả hữu để sống đức hạnh, và ngược lại, những dòng nhạc kích động các đam mê thấp hèn sẽ làm băng hoại nhân cách. Đúng vậy, bên cạnh những nhịp điệu đẹp đẽ, tao nhã, không thiếu những nhịp điệu “hèn hạ, xấc xược, giận dữ, thô tục”.[16] Do đó, Plato đề cao điệu thức Dorian và điệu thức Phrygian, với tính chất trang nghiêm và hùng dũng của chúng, vì Dorian là khúc ngân những nốt nhạc mô tả người dũng sĩ với thái độ dũng cảm và kiên cường dù phải đối diện hiểm nguy, giờ khắc sinh tử trên chiến trường; còn Phrygian là điệu thức mô phỏng người chiến sĩ trong thời bình yên và tự do, khi họ cầu nguyện, lúc khuyên răn, thuyết phục với sắc thái điềm đạm, khôn ngoan.[17] Trái lại, những điệu thức mang âm hưởng sướt mướt, như điệu Mixolydian làm tâm trí ra suy nhược, sầu thảm, không phù hợp để con người rèn luyện nhân đức.[18]

Bên cạnh đó, Aristotle bàn thêm, học nhạc còn là cách để con người thư nhàn đúng đắn.[19] Thư nhàn (leisure) theo nghĩa đơn thuần là trạng thái nghỉ ngơi, thoải mái, không bị ràng buộc công việc, nhưng có thời gian thư thái. Lúc này, âm nhạc được ví như “phương thuốc” giúp con người thư giãn, “là một sự ngọt ngào cần thiết”[20] để giải tỏa căng thẳng, xóa tan những lao động mệt nhọc trong cuộc sống. Còn trong gốc Hy Lạp thư nhàn (scholé) mang một ý nghĩa cao vượt hơn, tức là dùng năng lượng và thời gian rảnh rỗi vào việc suy tưởng thánh thiêng (divine nous), hoạt động cần đến trí thông minh, lý trí, tâm trí - những phẩm chất chỉ có ở nơi con người, đây là hoạt động tìm kiếm Chân-Thiện-Mỹ và được các triết gia Hy Lạp cổ đại gọi là theôria - một cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn - eudaimonia.[21] Do đó, Aristotle cho rằng giải trí không phải cùng đích thực sự của âm nhạc, mà con người cần hướng đến trạng thái cao hơn là sự tận hưởng của trí tuệ (intellectual enjoyment). Những gì được xem là vui thú thực sự phải đến từ những điều tao nhã nhất[22] và không phải ai cũng có điều kiện để tận hưởng niềm vui thú như thế. Sự tận hưởng này cao quý bởi đó là niềm vui thú, hạnh phúc của cuộc sống mà chỉ có người tự do mới trải nghiệm được.[23] “Kẻ nô lệ nào có thời giờ nhàn rỗi.”[24] Hơn nữa, âm nhạc tự nó đã có giá trị vì là môn học cần đến sự vận động của trí tuệ, và là “hình thức giáo dục tao nhã và tự do.”[25] Đây chính là lý do vì sao âm nhạc được xem như là một phương thức để người tự do tận hưởng cuộc sống khi nhàn hạ, như Odyssey đã nói: “Còn gì vui sướng hơn là ngồi trong sảnh đường nghe ca công cất giọng hát.”[26]

Như vậy, vì âm nhạc có thể đi vào thế giới nội tại của mỗi người, nên nơi nó sở hữu một sức mạnh, một lực đẩy để đánh thức phương thức hiện hữu của con người; mỗi âm thanh mang những câu chuyện riêng, chuyển tải không ít thông điệp của người tạo ra nó, cho nên thế giới của tác phẩm ít nhiều tác động đến ý thức của mỗi người, và sẽ thật nguy hại nếu một người tiếp xúc quá nhiều với những thể loại âm nhạc đầy thô tục, thiếu tính thẩm mỹ. Cũng vậy, chọn lựa thể loại âm nhạc hướng đến Eidos là điều cần thiết, nhưng luôn cần cái nhìn trung dung, không thái quá, tùy lúc, tùy hoàn cảnh. Luyện tập âm nhạc quá mức cũng chẳng khác nào phớt lờ nó. Plato viết, “khi âm nhạc vang lên và tràn vào tâm hồn, qua vành tai những giai điệu ngọt ngào, mềm mại […] và cuộc sống như những tiếng hót líu lo” [27], lúc này tâm hồn của người vệ quốc được tôi luyện để trở nên hữu dụng, nhưng nếu người ấy vẫn chỉ tập trung luyện tập âm nhạc, thì tâm hồn anh bắt đầu “tan chảy, gân cốt như bị rút hết và nên như thanh gươm han rỉ.”[28] Âm nhạc đã làm suy yếu tinh thần anh, khiến anh trở nên cáu kỉnh, đam mê và vô dụng.[29]

Bởi thế, trong âm nhạc, hài hòa (harmony) thật cần thiết như việc lên dây đàn, không quá căng, và cũng không quá chùng.[30] Cuộc sống thiếu vắng sự liên hệ với các Thi Thần, tâm hồn chẳng mấy chốc sẽ ra mù lòa, không trong sáng và sắc bén[31], vắng vẻ đẹp và nét dịu dàng[32]; ngược lại, quá chú trọng vào luyện tập âm nhạc sẽ khiến tinh thần ra yếu đuối. Trung Đạo là kim chỉ nam cho một lối sống hướng thượng, siêu vượt để tìm đến chân lý ngang qua âm nhạc.

Nói tóm lại, nếu âm nhạc học có thể định nghĩa âm nhạc là nghệ thuật liên quan đến việc kết hợp và sắp đặt âm thanh của giọng hát hoặc nhạc cụ để đạt được vẻ đẹp hình thức hoặc biểu hiện cảm xúc theo các tiêu chuẩn về nhịp điệu, giai điệu tùy thuộc vào từng nền văn hóa, thì trong cái nhìn triết học, âm nhạc mang giá trị lớn lao hơn nữa, bởi nó có cái tôi riêng. Âm nhạc là cần đến sự lắng nghe, lắng nghe để cảm thụ được nét hài hòa trong vũ hoàn, cái tinh hoa đạo đức, để khơi lên tình yêu với cái đẹp, để đánh thức phương thức hiện hữu của con người. Khởi đi từ vẻ đẹp nơi trần thế, âm nhạc hướng con người đến vẻ đẹp siêu việt, như qua từng nấc thang, âm nhạc đưa con người đi từ cái đẹp của nhiên giới, đến cái đẹp của những phẩm tính, rồi từ đó lên cái đẹp của tri thức, như là tột đỉnh, sự tiếp xúc giữa con người và thần thánh, để cuối cùng con người - hữu thể nhân linh giác ngộ về phẩm tính linh thánh của chính mình.

Trần Đặng Minh Ngọc S.J.


 

 



[4] Ibid.

[6] Plato, op. cit., 91.

[7] Ibid., 92.

[8] Ibid.

[9] Cf. Aristotle, Politics, trans. Benjamin Jowett (Kitchener, Ontario: Batoche Books, 1999), 189.

[10] Ibid., 190.

[11] Plato, op. cit., 94.

[12] Plato, op. cit., 90.

[13] Cf. Nina Valiquette Moreau, “Musical Mimesis and Political Ethos in Plato’s Republic”, trong Political Theory45 (2017), 192-215.

[14] Cf. Plato, op. cit., 90.

[15] Ibid., 286.

[16] Cf. Aristotle, Politics, 184.

[17] Cf. Plato, op. cit., 88.

[18] Cf. Aristotle, Politics, 187.

[19] Ibid., 182.

[20] Ibid., 186.

[22] Cf. Aristotle, Politics, 186.

[23] Ibid.

[24] Ibid., 182.

[25] Ibid., 183.

[26] Ibid.

[27] Cf. Plato, 100.

[28] Ibid.

[29] Ibid., 101.

[30] Ibid.

[31] Ibid.

[32] Ibid.

 

 

 

 

 

Initial bibliography

 

Sách

Aristotle. Politics, trans. Benjamin Jowett. Kitchener, Ontario: Batoche Books, 1999.

Plato. Republic and The Works of Plato, trans. Benjamin Jowett. New York, NY: Doubleday, 1973.

Trondalen, Gro. Ethical Musicality. London: Routledge, 2023.

Tạp chí

Levinson, Jerrold. “Philosophy and Music.” Topoi: An International Review of Philosophy 28, no. 2 (2009), 119-123.

Moreau, Nina Valiquette. “Introduction to Music in Plato’s Republic: A Symposium.” Political Science Reviewer 45, no. 1 (2021), 127-134.

Moreau, Nina Valiquette. “Musical mimesis and political ethos in Plato’s republic.” Political Theory 45, no. 2 (2017), 192-215.

Websites

Gordon, Epperson. “Music.” Encyclopedia Britannica. Truy cập ngày 31/01/2024. https://www.britannica.com/art/music.

Soteropoulos, Ion. Review on Kostas Kalimtzis. An Inquiry into the Philosophical Concept of Scholê: Leisure as a Political End. New York: Bloomsbury Academic, 2017. Truy cập ngày 31/01/2024. https://apeironcentre.org/an-inquiry-into-the-philosophical-concept-of-schole-leisure-as-a-political-end/

 

 
Nguồn tin: https://sjjs.edu.vn/