Dẫn nhập
Chúng ta có thể thấy rằng kể từ khi Phong trào Khai minh[1] xuất hiện, nó có sự tác động mạnh mẽ, xét về cả mặt tích cực lẫn tiêu cực, trong các lĩnh vực như: triết học, khoa học, chính trị và văn hóa,vv…., bởi vì phong trào này nhấn mạnh vào lý trí, chú trọng quyền tự do cá nhân, thúc đẩy tiến bộ khoa học, giáo dục, chính trị, đẩy mạnh chủ nghĩa thế tục; thực sự nó có tác động sâu sắc đến việc định hình thế giới hiện đại. Chúng ta có thể thấy mặt tích cực cũng như tiêu cực, như là ảnh hưởng kép, nơi phong trào này; tích cực ở chỗ nó giúp con người được giải phóng khỏi nỗi sợ hãi và đưa họ tới việc làm chủ, giúp họ có được tự do, bình đẳng, nhân quyền; tuy nhiên, song song là tiêu cực khi lý trí trở thành công cụ phục vụ cho những mục đích xấu xa của con người, đặc biệt là sự thống trị. Những mặt đối lập này của khai minh được Max Horkheimer và Theodor W. Adorno bàn luận trong tác phẩm “Dialectic of Enlightenment” (1947) của họ. Trong tác phẩm, họ phân tích và giải mã các khía cạnh khác nhau của xã hội, văn hóa và tư tưởng hiện đại dưới tác động của lý trí Khai minh; từ đó, họ khám phá ra rằng việc theo đuổi lý trí và sự giải phóng, khi đi đến mức cực đoan, ẩn chứa những mặt đối lập, tạo ra những hình thức thống trị và phi lý mới như chủ nghĩa phát xít, tư bản quốc gia, công nghiệp văn hóa,vv... Cụ thể trong bài viết này, người viết sẽ trình bày về việc lý tưởng Khai minh, vốn tìm kiếm sự giải phóng con người thông qua lý trí, đã bị đảo ngược thành một cơ chế thao túng và kiểm soát xã hội trong bối cảnh của ngành công nghiệp văn hóa theo Max Horkheimer và Theodor Adorno.
Khai minh và vấn đề của Khai minh theo Max Horkheimer và Theodor W. Adorno
Bàn về lý tưởng Khai minh, Max Horkheimer and Theodor W. Adorno định nghĩa “Khai sáng, hiểu theo nghĩa rộng nhất là sự tiến bộ của tư tưởng, luôn hướng tới việc giải phóng con người khỏi sự sợ hãi và đặt để họ như những người làm chủ”.[2] Họ đã định nghĩa Khai minh theo nghĩa rộng nhất, có lẽ đây cũng là quan điểm chung của các nhà tư tưởng khai minh tiên phong như Frances Hutcheson, Adam Smith, David Hume, Thomas Reid,vv... Thực tế cho thấy, xét về mặt tích cực, Khai minh đã giúp con người, trong chừng mực nào đó, giải phóng khỏi sự ngu dốt, thành kiến, áp bức, và phản đối những hình thức thống trị dựa vào quyền uy, tôn giáo, truyền thống và mê tín; đồng thời đề cao các giá trị tự do, coi trọng những giá trị nhân văn, dân chủ, bình đẳng và tiến bộ. Tuy nhiên, Horkheimer và Adorno đã phê phán và cho rằng Khai minh có những mặt tiêu cực dẫn đến sự xuất hiện các hình thức thống trị, bạo lực và phi lý mới trong thế kỷ 20. Họ cho rằng Khai minh không phải là một quá trình giải phóng tuyến tính và liên tục, mà là một quá trình biện chứng và mâu thuẫn, trong đó việc Khai minh hợp lý hóa xã hội ngang qua công cụ hóa, giản lược hóa, tiêu chuẩn hóa, và hệ thống hóa đã kéo theo sự cụ thể hóa, sự chán ghét và sự thao túng trong xã hội loài người.
Để có thể phê phán và chỉ ra mặt tiêu cực của Khai minh, Horkheimer và Adorno đã tiến hành giải mã Khai minh bằng cách truy tìm nguồn gốc của nó ngang qua huyền thoại Odyssey[3], để vạch trần bản chất thật cũng như sự biến tấu của nó. Huyền thoại kể lại việc Odysseus và đoàn thủy thủ của anh băng qua vùng biển Địa trung hải, phải đối đầu với Sirens- những nàng tiên cá xinh đẹp quyến rũ với những bài hát ma mị, đầy mê hoặc khiến cho bất kỳ ai nghe đều có thể bị tử vong . Để vượt qua cuộc chạm trán đầy nguy hiểm này, Odysseus ra lệnh cho thủy thủ đoàn của mình tự bịt tai họ lại bằng sáp ong để không phải nghe tiếng hát chết chóc của các nàng tiên cá. Trong khi đó, vì tính tò mò về bài hát của các nàng tiên cá mà Odysseus đã không bịt tai, và tự trói mình vào cột buồm của con tàu, rồi ra lệnh cho thủy thủ không được thả ông ra, bất kể ông có van xin cỡ nào đi chăng nữa.
Odysseus là một huyền thoại lừng danh trong thời cổ đại, người biết sử dụng sự tinh ranh, kỹ năng và lòng dũng cảm của mình để vượt qua những nguy hiểm và trở ngại gặp phải trong những cuộc phiêu lưu mạo hiểm của mình. Odysseus có thể sống sót và chiến thắng các thế lực tự nhiên, các vị thần và những kẻ man rợ bằng cách áp dụng lý trí và kiến thức, thậm chí là cả tính mạng của những người đồng hành để đạt được mục tiêu hoặc để thao túng và kiểm soát những kẻ khác. Ở đây, Odysseus đại diện cho những kẻ thống trị, thủy thủ đoàn là những người bị trị, và tiếng hát của các nàng tiên cá chính là sức mạnh thiên nhiên. Horkheimer và Adorno cho rằng Odysseus là đại diện nguyên khởi cho những kẻ khai mình và cũng là hiện thân của bản chất Khai minh, bản chất của ước muốn thống trị cả tự nhiên và con người (sự toàn trị) bằng lý trí công cụ (điều này được thể hiển rõ khi Odysseus cố gắng làm chủ chính mình cũng như tự nhiên trước tiếng hát của các nàng tiên cá, và áp đặt mệnh lệnh lên thủy thủ đoàn). Theo đó, huyền thoại chính là Khai minh trong thời đại mới khi nó cố gắng giải phóng con người khỏi nỗi sợ và làm chủ con người cũng như thiên nhiên.
Nơi Odysseus xuất hiện một sự căng thẳng, đó là mối giằng co giữa một bên là sự thỏa mãn, bên kia là trật tự của tự nhiên, và ông sẵn sàng chịu mạo hiểm, bất chấp trật tự của tự nhiên để thỏa mãn tính tò mò cũng như nỗi sợ hãi trước thiên nhiên của mình; tuy nhiên, chính ông bị dày vò khi không thể làm gì (bị trói) trước sự hấp dẫn của tiếng hát của những nàng tiên cá. Đây cũng là sự căng thẳng của Khai minh trong thời đại mới khi con người cố gắng làm chủ, họ càng sợ hãi càng muốn làm chủ. Horkheimer và Adorno nói rằng “Khai sáng là nỗi sợ hãi mang tính thần thoại được cực đoan hóa”;[4] như vậy, có thể nói rằng chính sợ hãi đã thúc đẩy Khai minh về những điều chưa biết và không thể đoán trước, con người sẽ tìm cách làm chủ hoặc loại bỏ chúng bằng cách áp đặt một trật tự mang tính hợp lý và chắc chắn. Điều này có thể thấy rõ khi con người thời đại khai minh muốn làm chủ tự nhiên và chính bản thân họ. Các ông cho rằng khi con người càng thành công trong việc làm chủ thiên nhiên cũng như bản thân thì họ lại càng trở nên nô lệ cho lý tính, đây là một mâu thuẫn lớn trong Khai minh.
Như vậy, theo Horkheimer và Adorno, chúng ta có thể nhận thấy rằng tư duy khai minh đã có từ xưa, và hạt giống khai minh đã có sẵn trong huyền thoại: “Chính thần thoại đã khởi động một quá trình khai minh vô tận”,[5] và các ông cũng khẳng định rằng Khai minh cũng chính là huyền thoại “Huyền thoại trở thành khai minh và thiên nhiên chỉ mang tính khách quan”;[6] tuy nhiên, khai minh trong thời đại mới mang một hình thức huyền thoại mới đó là huyền thoại về lý trí, lý trí này mang tính toàn trị “Khai minh là sự toàn trị”.[7] Vì vậy, họ lên án Khai minh khi nói rằng “khai minh đối xử với mọi thứ như một kẻ độc tài đối với con người. Kẻ độc tài này biết rõ và có thể thao túng mọi thứ”.[8] Họ lập luận rằng Khai minh thời đại mới biến mọi thứ thành phương tiện để đạt được mục đích; do đó, chính nó lấy đi giá trị nội tại tốt đẹp vốn có của nó (sự giải phóng). Bên cạnh đó Khai minh thời đại mới cũng tạo ra những cặp đối thể sai lầm như giữa chủ thể và khách thể, lý trí và tự nhiên, văn hóa và man rợ, đồng thời áp đặt mối quan hệ thứ bậc và áp bức giữa chúng.
Các ông đã chỉ trích một số tư tưởng nổi trội trong thời đại khai minh. Chẳng hạn, chủ nghĩa thực chứng của Francis Bacon. Chủ nghĩa thực chứng được xem như là sản phẩm cuối cùng của Khai minh; mọi thứ lý tưởng, khái niệm hay huyền ảo đều bị loại bỏ khỏi chủ nghĩa thực chứng vì tính thực nghiệm của nó; nhưng điều này lại mang một nghịch lý vì xét cho cùng thì tư duy hay lý trí cũng đâu thể cân đo, đong đếm bằng phương pháp khoa học thực nghiệm. Như vậy, lý trí bị công cụ hóa bởi chủ nghĩa thực chứng và nó hướng đến một lý trí mang tính hợp lý. Hoặc chủ nghĩa giản lược, vốn có trong chủ nghĩa kinh nghiệm của David Hume. Việc nhấn mạnh vào quan sát thực nghiệm, khi áp dụng vào các sản phẩm văn hóa và hiện tượng xã hội, sẽ dẫn đến việc giảm bớt và tiêu chuẩn hóa các trải nghiệm. Các ông cho rằng cách tiếp cận giản lược này làm mất đi tính cá nhân và tính xác thực trong văn hóa hiện đại.
Lý tưởng khai minh trở thành một cơ chế thao túng và kiểm soát xã hội, đặc biệt trong bối cảnh công nghiệp văn hóa
Ngoài những chỉ trích về các tư tưởng trên, Horkheimer và Adorno cũng chỉ trích mạnh mẽ ngành công nghiệp văn hóa. Họ nói rằng “Văn hóa ngày nay đang lây nhiễm sự giống nhau vào mọi thứ. Phim ảnh, radio và tạp chí tạo thành một hệ thống. Mỗi nhánh văn hóa đều nhất trí trong chính nó và tất cả đều nhất trí với nhau.”[9] Họ cho rằng ngành công nghiệp văn hóa là đỉnh cao của thời kỳ Khai sáng, là sự thống trị hoàn toàn của tự nhiên và cái tôi bởi tính hợp lý và tính công cụ của thị trường; nền văn hóa công nghiệp hóa này nhằm mục đích xoa dịu và thao túng quần chúng hơn là thúc đẩy sự thể hiện nghệ thuật chân chính và tư duy phản biện.
Trong ngành công nghiệp văn hóa, một lần nữa câu chuyện huyền thoại Odysseus được thể hiện rõ trong lĩnh vực này, bao gồm những nhà sản xuất đại diện cho kẻ thống trị, và những người tiêu thụ hoặc người thưởng thức đại diện cho kẻ bị trị, các sản phẩm của lĩnh vực này chính là tiếng hát của các nàng tiên cá. Ở đây, những người sản xuất là những kẻ làm chủ, thao túng những người tiêu thụ. Người tiêu thụ thỏa thích thưởng thức các sản phẩm văn hóa, nhưng không biết rằng nó ẩn chứa mỗi nguy hiểm bởi vì các sản phẩm văn hóa đã bị tiêu chuẩn hóa để làm cho chúng dễ dàng nhân rộng và bán được trên thị trường. Horkheimer và Adorno cho rằng sự tiêu chuẩn hóa này phản ánh tính hợp lý mang tính công cụ của Thời kỳ Khai sáng, nơi mọi thứ đều tuân theo logic tính toán và hướng đến lợi nhuận.
Vì mục đích lợi nhuận mà người sản xuất, như là Odysseus, bất chấp vứt bỏ nền nghệ thuật, văn hóa chân chính, không màng đến những hậu quả ngược với lý tưởng tốt đẹp ban đầu của khai mình. Việc sản xuất hàng loạt các sản phẩm văn hóa sẽ dẫn đến việc mất đi tính cá nhân và tính xác thực. Ngành công nghiệp văn hóa tạo ra những tác phẩm mang tính công thức tuân theo những khuôn mẫu có thể đoán trước được để thu hút lượng người tiêu thụ rộng rãi nhất,có khả năng bóp nghẹt sự thể hiện nghệ thuật chân chính. Văn hóa, nghệ thuật bị biến thành một loại hàng hóa để mua bán, chúng bị mất đi tiềm năng phản ánh, phê phán và biến đổi xã hội.
Để thao túng và kiểm soát thị trường, ngành văn hóa sử dụng giải trí như một hình thức gây xao lãng, chuyển sự chú ý của mọi người khỏi sự tham gia quan trọng vào các vấn đề xã hội và chính trị, hệ quả là tạo nên một xã hội thụ động và chỉ biết tuân thủ. Phải chăng, người sản xuất sẽ được loại trừ khỏi một xã hội như thế? Theo Horkheimer và Adorno thì không vì các ông nói rằng “Đầy tớ bị khuất phục về thể xác và tâm hồn, chủ nhân bị băng hoại”.[10] Odysseus đã phải bị dày vò khi cố gắng làm chủ, thì ở đây những người sản xuất cũng vậy, họ khác những người tiêu thụ ở chỗ họ bị lý trí khai minh cực đoan dẫn dắt
Một vài nhận xét
Horkheimer và Adorno đã đưa ra những lập luận logic và thuyết phục khi phê phán triệt để bản chất của Khai minh trong thời đại mới. Khai minh trong thời đại mới chẳng qua chỉ là một bước chuyển của huyền thoại thời cổ đại, bởi huyền thoại đã từng được sử dụng như một phương tiện để kiểm kiểm soát và thao túng xã hội, mang một hình thức mới đó là huyền thoại về lý trí. Mục đích mà Khai minh hướng tới là giải phóng con người khỏi sự sợ hãi và tiến tới sự làm chủ; đáng ra Khai minh phải giải phóng con người khỏi huyền thoại, nhưng thực chất lại là một sự thống trị mới. Sự thống trị mới này bị Horkheimer và Adorno vạch trần ngang qua những mặt đối lập và mâu thuẫn của Khai minh.
Cuộc hành trình của huyền thoại Odysseus vẫn đang diễn ra trong thời đại mới, tất cả chúng ta đều đang đi trên cùng một con thuyền. Trên con thuyền này cũng diễn ra sự Khai minh tương tự như thời Odysseus, nhưng lại mang những hình thức mới và có những cách thức khai minh khác. Vấn đề là ai cũng cho mình là kẻ khai minh, tôi là chủ thể, lý trí là đối thể; tuy nhiên, nó lại bị đảo lộn, tôi trở thành đối tượng của lý trí, tôi phải chạy theo nó, nó áp đặt và dẫn dắt tôi. Rốt cục thì con người không những không được giải phóng mà còn bị gông cùm chặt hơn, con người trở thành nô lệ cho lý trí, con người không phải kẻ thống trị mà ngược lại trở thành kẻ bị trị của lý trí. Điều này đã kéo theo những hậu quả nặng nề, con người thời đại mới bị mất phương hướng khi bị lý trí biến thành những kẻ kẻ nô lệ, đánh mất các giá trị truyền thống tốt đẹp, chối bỏ thế giới siêu nhiên, họ trở nên thụ động, rời rạc và xa lánh nhau.
Con người thật sự đáng thương khi theo đuổi lý tưởng Khai minh, vốn dĩ lý tưởng ban đầu của nó rất tốt đẹp. Thật nguy hiểm khi theo đuổi lý tưởng khai minh mà thiếu tính phê phán và phản biện, vì nó có thể làm cho con người đánh mất tính độc đáo cá nhân của mình khi bị đám đông hòa tan, đánh mất trách nhiệm, và tệ hại hơn là mất tự do. Con người lại quay về với tình trạng mù tối với những câu hỏi “Tôi là ai? Vì sao tôi hiện hữu trong thế giới này?”, rốt cục tất cả chỉ là một. Như vậy, hậu quả mà ngành công nghiệp tạo ra thực chất là sản phẩm của lý tưởng khai minh cực đoan vì suy cho cùng thì con người là nạn nhân của lý trí khai minh cực đoan.
Kết luận
Bằng phép biện chứng, Horkheimer và Adorno đã phê phán và giải mã Khai minh một cách triệt để từ việc phê phán chủ nghĩa thực chứng của Francis Bacon, chủ nghĩa kinh nghiệm của David Hume,…, cho đến truy tìm nguồn gốc Khai minh nơi huyền thoại Odyssey để giải mã bản chất của Khai minh. Câu chuyện về Odysseus và các nàng tiên cá có thể đại diện cho tình trạng của con người đang trong thời kỳ khai minh. Đa số con người giống như những thủy thủ, nô lệ cho sự thống trị và xa lánh vẻ đẹp thẩm mỹ. Mặt khác, những người cai trị không phải lao động và do đó có thể cảm nhận được vẻ đẹp, nhưng tinh thần hay tâm hồn của họ lại băng hoại. Qua đó, họ cho chúng ta thấy được bản chất thật sự cũng như hậu quả của Khai minh. Khai minh tạo ra cách hình thức thống trị mới như chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa tư bản,vv…, nó biến con người trở thành những kẻ nô lệ cho lý trí. Thực vậy, Khai minh, vốn tìm kiếm sự giải phóng con người thông qua lý trí, đã bị đảo ngược thành một cơ chế thao túng và kiểm soát xã hội. Cụ thể trong bối cảnh công nghiệp văn hóa, với những sản phẩm văn hóa sản xuất hàng loạt, đã tạo nên một xã hội bị ru ngủ, thụ động và phải tuân thủ hơn là một xã hội biết thể hiện nghệ thuật chân chính và tư duy phản biện ngang qua việc tiêu chuẩn hóa các sản phẩm sản xuất hàng loạt. Chính điều này đã làm đảo lộn lý tưởng tốt đẹp ban đầu của Khai minh.
Giuse Nguyễn Quang Thanh, SCJ.
[1] Phong trào khai minh là một phong trào trí tuệ và văn hóa nổi lên ở châu Âu vào cuối thế kỷ 17 và 18. Nó nhấn mạnh vào việc sử dụng lý trí, sự hoài nghi về thẩm quyền truyền thống và tập trung vào các quyền và tự do cá nhân.
[2] Max Horkheimer and Theodor W. Adorno, Dialectic of Enlightenment, translated by Edmund Jephcott (Stanford: Stanford University Press, 2002), 1.
[3] Huyền thoại Odyssey là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của văn học Hy Lạp cổ đại, được viết bởi nhà thơ Homer. “Odyssey” kể về cuộc phiêu lưu của anh hùng Odysseus sau cuộc chiến tranh Troia.
[4] Horkheimer, Dialectic of Enlightenment, 11.
[5] Horkheimer, Dialectic of Enlightenment, 8.
[6] Horkheimer, Dialectic of Enlightenment, 6.
[7] Horkheimer, Dialectic of Enlightenment, 4.
[8] Horkheimer, Dialectic of Enlightenment, 6.
[9] Horkheimer, Dialectic of Enlightenment, 95.
[10] Horkheimer, Dialectic of Enlightenment, 27
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Horkheimer, Max and Theodor W. Adorno. Dialectic of Enlightenment. Trans. Edmund Jephcott.
Stanford: Stanford University Press, 2002.
Stanford Encyclopedia of Philosophy, Enlightenment, plato.stanford 20/11/2023. https://plato.stanford.edu/entries/enlightenment/