“Dáng tiên nương cuộn mình trong nét cọ
Đang vẫy vùng cùng nhịp thở con tim
Mà tháng năm người họa sĩ kiếm tìm
Một bóng hình ẩn chìm nơi bản ngã”
Trong xã hội thời nay, dường như con người đang đứng trước nguy cơ bị xóa nhòa căn tính. Con người xuất hiện trong bộ dạng đi tìm căn cước cho chính mình, đi tìm “một bóng hình ẩn chìm nơi bản ngã.” Những đổi thay và khủng hoảng toàn cầu từ đại dịch covid, chiến tranh Nga – Ukraina… làm bật lên tình trạng hiện hữu của con người. Đó là một tình trạng hiện hữu đầy bất an, dễ bị tổn thương. Nhưng con người vẫn muốn tồn hữu trên thế giới này, vẫn “vẫy vùng” trong từng “nhịp thở con tim.” Con người muốn neo đậu và cư ngụ trong thế giới mỏng manh ấy, muốn “nương mình” vì mình là “Tiên.”
Phải chăng cũng một thao thức ấy mà Paul Ricoeur đã chiêm nghiệm cuộc sống và mời gọi con người khám phá, xác định căn tính cá nhân (personal identity) của mình. Khi nói về căn tính, điều quan trọng là phải xem xét yếu tố thuật chuyện (narrative) và căn tính thuật chuyện (narrative identity). Thuật chuyện và căn tính thuật chuyện giúp cấu tạo và tái tạo bản ngã.[1] Ricoeur cho rằng, cái ego của Descartes là một cái tôi trôi nổi tự do[2] và đã đánh mất điểm neo đậu[3]. Vì thế, căn tính thuật chuyện là neo giữ vị trí của một người trên thế giới và giúp bản ngã xác định tương quan với tha thể.[4]
Với ý hướng như trên, trước hết người viết sẽ trình bày khải nghĩa luận cái ngã, xét như phông nền để từ đó triển khai hai vấn đề thuật chuyện và căn tính thuật chuyện giúp hiểu về bản ngã dưới hai khía cạnh: Xây dựng bản ngã qua căn tính thuật chuyện, và Tái tạo bản ngã qua tha thể.
1. Khải nghĩa luận cái ngã.
Khải nghĩa luận cái ngã không có tham vọng và cũng không tuyên bố một nền tảng tối hậu nào như một điều chắc chắn và xác thực nơi Cogito của Descartes.[5] “I think - Tôi nghĩ” này của Descartes phải bị loại bỏ, vì nếu nó được đề cao thì cái giá phải trả là “đánh mất mối quan hệ của nó với người mà chúng ta đang nói đến, “tôi - bạn” trong cuộc nói chuyện, với căn tính của một con người lịch sử, với cái ngã chịu trách nhiệm.”[6] Cũng không phải là Cogito bị sỉ nhục thiếu sự chắc chắn như trong truyền thống triết học chống Cogito của Nietzsche khởi xướng.[7]
Vậy đâu là kiểu chắc chắn mà Ricoeur muốn nhắm tới? Đối với ông, sự chứng thực xác định loại chắc chắn mà khải nghĩa luận có thể tuyên bố. Chứng thực có thể yêu cầu ít hơn so với sự chắc chắn nhằm mục đích đề cao nhận thức về cogito ở Descartes, nhiều hơn so với sự vắng mặt của sự chắc chắn nơi mà cogito bị sỉ nhục ở Nietzsche và những người kế vị ông.[8] Thuật ngữ chứng thực là một thuật ngữ quan trọng đối với Ricoeur, đó là “mật khẩu cho toàn bộ cuốn sách này”[9] và phù hợp với khải nghĩa luận cái ngã.[10]
Sự chứng thực là một niềm tin, không phải là “niềm tin rằng…” nhưng là một “niềm tin vào…” với độ tin cậy của lời chứng.[11] Chứng thực về cơ bản là chứng thực cái ngã (attestation of self). Thay vì là một niềm tin chắc chắn, đó là một sự tin tưởng: “một niềm tin vào khả năng nói, vào khả năng làm, ở khả năng nhận ra mình là một nhân vật trong một câu chuyện, ở khả năng cuối cùng là đáp lại một lời buộc tội.”[12] dưới một hình thức tuyên bố “Tôi đây – It’s me here.”[13] Chính trong phạm vi này, Ricoeur trình bày căn tính thuật chuyện,[14] cụ thể hơn, do chính việc sử dụng nghĩa của căn tính qua hai thuật ngữ idem và ipse sẽ giúp hiểu về cái ngã.[15]
2. Xây dựng bản ngã qua căn tính thuật chuyện.
Muốn neo đậu trong thời gian, trước hết, chủ thể phải có khả năng tự xây dựng chính mình là một bản ngã; mà thuật chuyện là một trong những nguồn khơi dậy sự hiểu biết về bản thân trên con đường dài hướng tới bản ngã. Thực tế, câu hỏi “Tôi là ai?” luôn được trả lời ở dạng tường thuật. Ricoeur đề xuất căn tính thuật chuyện trong sự biện chứng giữa bản ngã và sự đồng nhất (selfhood and sameness);[16] cụ thể nơi hai hình thái: căn tính đồng nhất – idem identity, căn tính chủ thể đích thực/bản ngã – ipse identity. Căn tính thuật chuyện đóng vai trò trung gian giữa hai hình thái này, và cho phép chủ thể di chuyển qua lại giữa chúng.[17] Hai loại căn tính này cũng là hai dạng trường tồn trong thời gian.[18]
Idem identity nghĩa là giống nhau, bất biến, không thay đổi, tồn tại thống nhất trong dòng thời gian trước những chuyển động liên tục của lịch sử. Trong nghiên cứu thứ năm của Oneself as Another (OSAA), Ricoeur mô tả idem identity bao gồm ba khái niệm căn tính riêng biệt: căn tính lượng - numerical identity, căn tính phẩm - qualitative identity và tính liên tục không bị gián đoạn – interrupted continuity. Numerical identity được nhận diện như là “một và cùng một vật thể đó;”[19] tức tôi của hiện tại cũng là tôi của năm năm trước; trong những hoàn cảnh khác nhau, tôi vẫn là một đối tượng được xác định và vẫn giống nhau nhất định. Qualitative identity là “khi x và y mặc cùng một bộ đồ, nghĩa là quần áo giống nhau đến mức chúng có thể hoán đổi cho nhau mà không có sự khác biệt đáng kể nào.”[20] Chúng chia sẻ những phẩm chất giống nhau, mặc dù về số lượng thì chúng là hai hoặc nhiều hơn. Ricoeur lưu ý rằng căn tính lượng và phẩm không thể quy giản lẫn nhau, mặc dầu căn tính phẩm này thường được xem như là một tiêu chuẩn gián tiếp cho căn tính lượng.[21] Dẫu vậy, trong trường hợp thời gian xa cách lớn thì cần một yếu tố nữa, là tính liên tục không bị gián đoạn để kết nối cả hai căn tính trên trong cùng căn tính đồng nhất. Và như vậy, đặc điểm quyết định cuối cùng cho căn tính theo nghĩa “đồng nhất” (idem) là sự “trường tồn trong thời gian.”[22] - Tôi luôn như vậy.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm sống và đặc biệt là trong thời gian, khi tôi già đi, tức “Tôi không còn như trước nữa hay Tôi đã thay đổi nhiều,” thì căn tính có khả năng thay đổi trong suốt cuộc đời theo thời gian; không phụ thuộc vào một cái gì đó vĩnh viễn cho sự tồn tại của nó, nhưng vẫn khác biệt.[23] Căn tính của bản ngã giờ đây vừa là tôi, mà lại không phải tôi - Tôi là và không phải là con người của tôi năm năm trước. Ricoeur gọi đây là bản ngã – ipse identity.
Để làm rõ hơn, Ricoeur tiếp tục đề nghị tìm hiểu sâu hơn hai hình thức trường tồn trong thời gian ở trên với hai sự diễn tả tương ứng là tính cách và giữ lời hứa (character and keeping one’s word).[24] “Tính cách” được xem như cái “căn tính lượng, căn tính số, cái liên tục không gián đoạn thông qua thay đổi, và trường tồn trong thời gian đã định nghĩa sự đồng nhất (sameness).”[25] “Căn tính của tính cách” diễn tả một sự tham gia nào đó của Cái gì? – What? vào Người nào? – Who? Tính cách thực sự là “cái gì” của “người nào.”[26] Như vậy, hoá ra tính cách lại giúp làm sáng tỏ cái ipse identity dưới ánh sáng của idem identity.
Một hình thái khác của trường tồn trong thời gian chính là việc giữ lời hứa. Đó là giữ một cách trung thành với lời đã đưa ra. Không giống như tính cách thuộc về phạm vi của “what?”, giữ lời hứa chỉ thuộc trong phạm vi của “who?”[27] Kiên định trung thành với lời hứa đã đưa ra cũng là tự bảo tồn hay duy trì bản ngã trong tiến trình thời gian sinh sống. Về mặt này, việc giữ lời hứa có vẻ như là một thách thức đối với thời gian, một sự từ chối thay đổi: ngay cả khi mong muốn của tôi là thay đổi, ngay cả khi tôi phải thay đổi quan điểm hay khuynh hướng của mình, thì “Tôi sẽ giữ vững.”[28]
Như vậy, sự phân cực giữa hai hình thái idem identity và ipse identity đã mở ra một không gian cho “sự can thiệp của căn tính thuật chuyện trong cấu trúc khái niệm của căn tính cá nhân theo cách thức trung gian cụ thể giữa cực tính cách, nơi idem và ipse có xu hướng trùng khớp, và cực tự duy trì, nơi bản ngã giải phóng chính nó khỏi sự đồng nhất.”[29] Vai trò trung gian của căn tính thuật chuyện cũng là “cân bằng giữa một bên là những đặc điểm bất di bất dịch mà căn tính này có được nhờ neo giữ lịch sử của một cuộc đời trong một nhân vật và mặt khác là những đặc điểm có xu hướng tách biệt căn tính của cái ngã từ sự đồng nhất của tính cách.”[30]
Vì vậy, thông qua tìm hiểu căn tính thuật chuyện qua các thuật ngữ idem và ipse, một người có thể nói về khả năng là chính mình, tức xây dựng bản ngã và bản ngã ấy neo đậu trong thời gian; và quan trọng hơn là có mối quan hệ với tha thể. Theo Paul Ricoeur, mối quan hệ này với tha thể giúp hoàn thiện sự hiểu biết về bản ngã hơn.
3. Tái tạo bản ngã qua tha thể.
Ricoeur đề nghị cách hiểu về căn tính cá nhân tốt nhất là cách hiểu ipseity identity, tức bản ngã. Vậy bản ngã có mối quan hệ nào với những tha thể? Trong OSAA, Ricoeur viết:
Một loại tha thể không phải (hoặc không đơn thuần) là kết quả của sự so sánh được đề xuất bởi tiêu đề của chúng tôi, loại tha thể có thể cấu thành nên bản ngã. Ngay từ đầu, Tự ngã như tha thể gợi ý rằng bản ngã của chính mình bao hàm tha thể ở một mức độ mật thiết đến mức người ta không thể nghĩ về người này mà không có người kia, đến mức, người này thâm nhập vào người kia, như chúng ta có thể nói theo thuật ngữ của Hegel. Đối với “as,” tôi muốn gắn một ý nghĩa mạnh mẽ, không chỉ là ý nghĩa so sánh (mình giống với người khác) mà còn thực sự là ý nghĩa hàm ý (tự ngã cũng như tha thể).[31]
Như vậy, Ricoeur khẳng định, Tự ngã như tha thể, vốn đã gợi ý rằng bản ngã nên được hiểu trong sự quy chiếu đến tha thể và ngược lại (nhấn mạnh sự chuyển sang tính liên chủ thể). Tha thể “có tính cấu tạo” trong tiến trình cấu tạo và tái tạo bản ngã. Ipse identity cũng duy trì bản ngã, nhưng theo chiều hướng hướng về tha nhân. Tính tha thể phải “chuyển từ mối tương quan yếu ớt giữa ai đó và bất kỳ ai khác sang mối tương quan mạnh mẽ giữa tha thể thuộc về bản ngã, nơi tôi; và tha thể thuộc về tha nhân, nơi bạn.”[32]
Mối tương quan giữa tha thể nơi bản ngã với tha thể của tha nhân được Ricoeur làm rõ qua tính thụ động; tính thụ động sẽ trở thành sự chứng thực cho tha thể tính.[33] Ông nói, có tha thể tính có nguồn gốc ngoại lai, khác với tôi, vượt ra bên ngoài sự sở hữu của tôi dưới dạng của sự cho đi của tha thể tính (model’ giveness).[34] Đồng thời, tính thụ động của tha thể này đòi buộc bản ngã phải có khả năng đón nhận (receptivity) và nhận ra sự đến của tha nhân.[35] Sự xuất hiện của tha nhân vẫn là một khoảnh khắc đánh thức bản ngã.
Cũng vậy, giữ vững lời hứa không phải do tự bản ngã quy định nhưng là bị quy định bởi tha nhân.[36] Nó có nghĩa là bản ngã được biểu lộ, hoặc được tha nhân biết đến, bằng lời hứa mà nó đưa ra. Lời hứa ràng buộc bản ngã với tha nhân; trung thành và thực hiện lời hứa cũng là sự tái tạo bản ngã.
Mặc dù mỗi người đều có một căn tính cá nhân, nhưng căn tính của mỗi người cho thấy rằng chúng bị ràng buộc với những người khác. Xây dựng và tái tạo bản ngã đòi buộc mỗi con người phải chấp nhận về sự tồn tại của nhau, phải tiếp nhận nhau trong mối quan tâm nhau. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể có được cái nhìn sâu sắc mới về bản ngã, căn tính; và dùng chính cái nhìn sâu sắc đó để tạo ra các mối quan hệ tốt hơn và phát triển căn tính hiện tại của mình tốt hơn. Vì thế, mỗi bản ngã trường tồn trong thời gian, hay neo đậu trong thế giới này hướng đến một sự hiện hữu hướng tha. Đó là cùng hiện hữu, cùng tương tác như cách sư ông Thích Nhất Hạnh cảm nghiệm: “Bông hoa không thể tự nó có mặt được. Bông hoa chỉ có thể tương tác với ánh nắng, với cơn mưa, với đại địa. Hiện hữu nghĩa là cùng hiện hữu là tương tác. Khi ta sống được với tuệ giác tương tức trong mỗi giây phút, ta sẽ không còn kẹt trong cái ngã nhỏ bé nữa, ta sẽ thấy rằng ta có mặt mọi nơi.”
Trong một thế giới xáo trộn dễ làm xô lệch và méo mó cũng như làm lung lạc niềm tin của con người về chính mình. Con người không biết tin ai, tin gì, và thậm chí không còn biết mình là ai, căn tính là gì. Con người như chiếc diều chênh vênh bị đứt dây, mất điểm neo giữ với mặt đất và mất phương hướng trong một chiều hoàng hôn muộn. Cuộc sống như mất hết ý nghĩa. Ricoeur trao cho con người một hy vọng, hy vọng truy tìm bản ngã của mình và cư ngụ được trong thế giới này. Đó là hãy phục hồi, vươn lên và đổi mới tư duy không ngừng khi suy tư về chính mình, về tự ngã qua lý thuyết khải nghĩa luận cái ngã. Ở đâu đó, Paul Ricoeur đã mời gọi con người hãy “suy tư khác đi.”[37]
Giuse Nguyễn Văn Chiến, S.J.
[1] Paul Ricoeur, Oneself as another, trans. Kathleen Blamey, (US: The University of Chicago Press, 1992), 114, 140.
[2] Ibid, 6.
[3] Ibid, Cf. footnote 8, 6.
[4] Ibid, 123.
[5] Ibid, 4-11.
[6] Ibid, 11.
[7] Ibid, 11-15.
[8] Ibid, 21.
[9] Ibid, 289, footnote 82.
[10] Ibid, 21.
[11] Ibid, 21.
[12] Ibid, 22.
[13] Ibid, 22.
[14] Sự chứng thực có thể diễn ra ở mọi cấp độ - ngôn ngữ, thực hành, thuật chuyện và quy định — sẽ duy trì câu hỏi “ai?” (p. 23). Ở đây người viết đi vào cấp độ thuật chuyện và căn tính thuật chuyện thôi.
[15] Ibid, 2.
[16] Ibid, 140.
[17] Ibid, 124, 140.
[18] Ibid, 116.
[19] Ibid, 116.
[20] Ibid, 116.
[21] Ibid, 116, 118.
[22] Ibid, 116-117, 122.
[23] Ibid, 2, 148.
[24] Ibid, 118.
[25] Ibid, 122.
[26] Ibid, 122.
[27] Ibid, 123.
[28] Ibid, 124.
[29] Ibid, 119.
[30] Ibid, 123.
[31] Ibid, 3.
[32] Ibid, 39.
[33] Ibid, 318
[34] Ibid, 333.
[35] Ibid, 339.
[36] Ibid, 341.
[37] Paul Ricoeur, Cái ác - Một thách thức đối với Triết học và Thần học, trans. Bùi Văn Nam Sơn (Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Hồng Đức, 2021), 6.