Hai Điều Thán Phục Và Kính Sợ Hơn Hết Theo Immanuel Kant

Mon,04/11/2024
Lượt xem: 187

Khi đối diện với thế giới tự nhiên kỳ vĩ, ắt hẳn đã là người, ai ai cũng sẽ mang một tâm thế thán phục và kinh ngạc. Bởi lẽ, khi đặt mình trong thân phận của một hữu sinh tại thế, con người không chỉ ý thức về những giới hạn, mỏng giòn của kiếp người, nhưng cũng đồng thời rập mình quy phục trước sự chi phối của quy luật tự nhiên. Có lẽ đó cũng là tâm thế của Kant khi ông thốt lên: “Hai điều làm tôi thán phục hơn hết mọi sự đó là: bầu trời đầy sao trên đầu tôi và lề luật luân lý trong lòng tôi.”[1]

Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở thái độ kinh ngạc trước vẻ đẹp của thế giới tự nhiên, Kant còn đi xa hơn để tiến vào một lãnh vực mà trong đó sự vĩ đại của tự nhiên dường như lại trở nên tầm thường so với con người, đó chính là năng lực của lý trí và sự tự do nơi con người. Có lẽ bởi đó mà rất nhiều học giả khi nghiên cứu về Kant nhận định rằng, câu nói trên đã tóm kết khúc chiết toàn bộ tư tưởng của Kant[2]. “Bầu trời đầy sao trên đầu tôi” là thế giới nhận thức lý thuyết mở ra với Kant qua câu hỏi “Tôi có thể biết gì?”, còn thế giới của hành động được diễn tả qua câu hỏi “Tôi phải làm gì?” được gói gọn trong câu “lề luật luân lý trong lòng tôi”[3]. Thật vậy, trong cuốn Phê phán lý trí thuần tuý (PPLTTT), Kant đã vạch ra giới hạn cho lý trí của con người, qua đó đặt giới hạn cho khoa học tự nhiên cũng như triết học truyền thống. Từ đó, ông mở ra một con đường mới mà từ trước đến nay chưa bao giờ nghĩ tới. Con đường này được vạch ra trong cuốn Phê phán lý trí thực hành (PPLTTH). Nếu con người là một sinh vật có lý trí thì chỉ trong địa hạt của lý trí thuần tuý con người mới thực sự sinh hoạt như là một con người tự do.

Như vậy, để hiểu được câu nói trên cũng đồng nghĩa với việc nắm bắt triết lý của Kant vậy, bài viết sẽ cố gắng cho thấy “bầu trời đầy sao” và “lề luật luân lý” mà Kant muốn nói ở đây là gì, tại sao ông lại mang thái độ thán phục trước chúng. Sau cùng, những thứ đó muốn nói với chúng ta điều gì?

“Bầu trời đầy sao”

Trước hết, hai nguồn cảm hứng chính cho triết học Kant đó chính là triết học duy lý của Descartes, với những ý tưởng tiên thiên (a priori); và chủ thuyết duy nghiệm của Hume, với chủ trương, mọi kiến thức bắt đầu từ những kinh nghiệm khả giác. Kant thừa nhận rằng, chính Hume đã thức tỉnh ông khỏi giấc mộng giáo điều của triết học truyền thống, để từ đó làm nên cuộc cách mạng Copernic[4] trong tư tưởng đặt chủ thể như là khởi điểm và trung tâm tri thức vạn vật thay vì đặt khách thể (sự vật) làm trung tâm như truyền thống.

Trong cuốn PBLTTT, Kant đã phân biệt ba khả năng tri thức của con người: cảm năng, trí năng (entendement; verstand) và lý trí (reason; vernunft)[5]. Cảm năng giúp chủ thể ghi nhận những kích thích về giác quan như nóng lạnh, đau, nhột, sảng khoái,… Trí năng là khả năng tổng hợp, hệ thống, cấu trúc toàn bộ những dữ kiện mà giác quan thâu nhận được, từ đó đưa tới cho con người những quan niệm về thế giới xung quanh. Cảm năng cùng trí năng là nguồn gốc tri thức về vạn vật cũng như là nguồn gốc của kinh nghiệm. Ví dụ, cảm năng cho chủ thể biết rằng, quả cam vừa ăn có màu vàng, hình cầu, vị ngọt, mùi thơm, mềm khi bóp,… Đồng thời, trí năng ghi nhận những dữ kiện đó sau nhiều lần thưởng thức những quả cam có vẻ ngoài khác nhau và đi tới kết luận rằng, chỉ khi quả cam có màu vàng mới được gọi là chín, trái lại sẽ là chưa chín nếu nó có màu xanh. Cuối cùng, lý trí hoàn toàn tách biệt với những dữ kiện do cảm năng mang lại, và không đồng nhất với trí năng. Lý trí đóng vai trò cấu trúc tất cả mọi dữ kiện quan niệm của trí năng nhằm rút ra những ý tưởng căn bản thống nhất các quan niệm. Nói cách khác, mọi quan niệm của trí năng có được là nhờ kinh nghiệm, còn ý tưởng của lý trí thì độc lập với kinh nghiệm, bởi chúng là biểu tượng của những thực tại không qua kinh nghiệm giác quan. Như vậy, trí năng và lý trí là hai loại khả năng tri thức khác nhau về nguồn gốc lẫn công dụng. Từ sự phân chia này, Kant lấy cảm giác làm tiêu chuẩn để phân chia ranh giới giữa những đối tượng mà chủ thể có thể tri thức - các hiện tượng (phaenomena), và những thức tại vượt quá khả năng tri thức là vật tự thân (noumena)[6].

Kant cho rằng, tất cả những trực giác chủ thể có được chỉ là những biểu tượng của các hiện tượng, nghĩa là chủ thể chỉ tri thức vạn vật theo cách mà nó xuất hiện trước cảm giác con người mà thôi. Còn bản tính tự thân của vật là gì thì chủ thể không thể nào biết được. Nói cách khác, bản thể của vật (vật tự thân) thì chủ thể không thể tri thức được, ngược lại, những phạm trù về lượng, chất, tương quan,… như hình cầu, ngọt, màu vàng (hiện tượng) thì chủ thể có thể tri thức được nhờ vào giác quan. Như vậy, hiện tượng trong triết học Kant không phải là một ảo ảnh, nhưng là những biểu tượng trung thực và chắc chắn, và đó cũng là đối tượng của tri thức khoa học. Còn vật tự thân là giới hạn của tri thức con người.

Hơn nữa, không chỉ dừng lại ở đó, trong cuốn PPLTTT, Kant đã phân chia vật tự thân theo hai nghĩa: tích cực và tiêu cực. Vật tự thân được hiểu theo nghĩa trên là nghĩa tiêu cực. Còn các đối tượng của triết học truyền thống như: linh hồn, vũ trụ và Thượng Đế được ông xếp vào nghĩa tích cực[7]. Như vừa nói ở trên, đối với Kant, con người chỉ có tri thức chắc chắn nhờ cảm năng, còn những đối tượng siêu nghiệm của triết học truyền thống lại chỉ là những ý tưởng của lý trí thuần tuý. Chúng siêu việt và vượt quá mọi giới hạn của kinh nghiệm con người. Mặc dù, Kant chỉ ra đó chỉ là những quan niệm rỗng nhằm cho thấy giới hạn của tri thức con người, nhưng ông không chối bỏ sự hiện hữu của ba ý tưởng siêu nghiệm đó. Bởi lẽ, đối với ông, đó là ba đối tượng tất yếu cần phải có[8]: nếu không có linh hồn thì không thể có sự thống nhất trong nội tâm con người; nếu không có vũ trụ thì những hiện tượng xảy ra trong vũ trụ sẽ không thể nắm bắt được; và cuối cùng, nếu không có Thượng Đế thì tất cả mọi đối tượng tư tưởng sẽ trở nên rời rạc, không thể thống nhất được. Nói cho cùng, những đối tượng siêu nghiệm được lý trí thiết lập nhằm thoả mãn nhu cầu tìm hiểu của mình, nhưng chủ thể lại không thể biết gì về chúng.

Tắt một lời, Kant đã thừa nhận trong cuốn PPLTTH rằng, sự thán phục của ông đối với bầu trời đầy sao chính là sự ngưỡng mộ với những bước tiến của khoa học thực nghiệm[9]. Bởi lẽ, với những thành tựu của mình, khoa học đã cho thấy sự chắc chắn trong phương pháp tiếp cận, với những phán đoán mang tính tất yếu và phổ quát. Tuy nhiên, khoa học tự nhiên cũng chỉ là một lãnh vực thuộc tri thức của con người mà thôi. Vì thế, nó cũng bị giới hạn trong năng lực của lý trí, nghĩa là khoa học dẫu tiến bộ tới đâu cũng sẽ có giới hạn. Đứng trước vật tự thân con người cũng chẳng thể biết gì. Suy cho cùng, con người cũng chỉ có thể hạ mình mà kính sợ và thán phục. Thật vậy, không ngưỡng mộ sao được khi tất cả vạn vật xét cho cùng đều vượt quá khả năng của tri thức, thậm chí vượt quá cả trí tưởng tượng của con người.

Không chỉ dừng lại ở đó, Kant nhận thấy những bước tiến của lý trí trên bình diện khoa học không bao giờ có thể khoả lấp được một sự thán phục khác lớn lao hơn. Nó không đến từ những đối tượng khả giác bên ngoài, nhưng là từ chính chủ thể tri thức, nghĩa là bên trong nội tâm con người. Thật vậy, khoa học có phát triển thế nào đi chăng nữa cũng chỉ dừng lại nơi giới hạn của khả năng tri thức, bị đóng khung trong thế giới tự nhiên, nhưng một câu hỏi khác còn căn yếu hơn câu hỏi về tri thức, đó chính là câu hỏi về đạo đức.

“Lề luật luân lý”

Theo Kant, vạn vật trong vũ trụ đều là thực tại hiện tượng. Chúng nhất thiết phải chịu sự chi phối của quy luật nhân quả, luật tự nhiên[10]. Con người, xét như một con vật cũng là một hiện tượng. Tuy nhiên, khác với tất cả mọi con vật khác, con người là một con vật có lý trí, cho nên con người là một vật tự thân, qua đó con người có sinh hoạt tự do vượt qua mọi hiện tượng bị chi phối bởi luật tự nhiên. Một con vật lúc đói hẳn nhiên theo bản năng sẽ ngấu nghiến con mồi mà không hề do dự. Trái lại, con người sẽ không ăn, nếu ăn gây thiệt hại cho nhân phẩm của mình, hay nếu ăn làm cho con người trở thành phi nhân, ác nhân. Như vậy, tất cả mọi vật trong thiên nhiên đều hành động dựa trên quy luật, chỉ mình hữu thể có lý trí có khả năng hành động tự do, vượt trên các quy luật tự nhiên. Chính vì thế, theo Kant, nền tảng căn bản cho sinh hoạt đạo đức đó phải là lý trí thuần tuý. Nói cách khác, con người xét như một con vật thật dễ hành động dựa trên dục vọng và tình cảm riêng tư, sặc mùi của những dữ kiện thường nghiệm và trần gian. Tuy nhiên, con người cần làm chủ đời mình bằng lý trí để không như vạn vật bị ràng buộc trong những quy luật tất định của tự nhiên, nhưng tự do trong những hành vi chọn lựa đạo đức của chính mình. Vì thế, trên bình diện đạo đức, con người cần thoát ra khỏi địa hạt của cảm năng và trí năng, để chỉ quy phục trước những “mệnh lệnh tuyệt đối của lý trí thuần tuý”.  

Những lệnh truyền này của lý trí là những mệnh lệnh mang tính nhất thiết (impératifs categoriques) – buộc phải làm, chứ không phải là những mệnh lệnh giả tỉ (impératifs hypothetiques)[11] – làm cũng được mà không làm cũng xong. Mệnh lệnh giả tỉ mang tính cách giả thiết, nếu – thì. Nghĩa là, nếu anh muốn hạnh phúc thì anh phải làm điều này. Như vậy, mệnh lệnh giả tỉ hoàn toàn chỉ tuỳ thuộc vào con người, muốn thì cố gắng, nhược bằng không muốn cũng không sao cả, không có bất kỳ sự cưỡng bách nào. Trái lại, đối với Kant, những mệnh lệnh tuyệt đối không đưa lại cho con người một sự đảm bảo nào về lợi ích, nhưng hoàn toàn là một sự cưỡng bách tuyệt đối, nghĩa là buộc con người phải làm, không làm không được, dẫu phải đau khổ hay thiệt hại cũng phải làm. Nếu mệnh lệnh giả tỉ mang yếu tố chủ quan khi hoàn toàn tuỳ thuộc vào cảm xúc của chủ thể, thì mệnh lệnh tuyệt đối lại mang tính chất khách quan và phổ quát.

Tuy nhiên, mặc dù nguyên tắc đạo đức ngự trị nơi chính mỗi người luôn thúc bách chủ thể hành động theo lương tâm, nhưng về phần mình con người hoàn toàn có quyền tự do chọn lựa đáp trả điều đó hoặc cũng có thể không. Vậy liệu mệnh lệnh nhất thiết còn có giá trị gì đối với chủ thể hay không? Kant đưa ra nguyên tắc “Sự tự trị của ý chí”[12] (autonomie) nhằm trả lời cho câu hỏi trên. Sự tự trị được bao hành trong ý nghĩa rộng lớn của tự do, nhưng nhằm mục đích giải thích cho nguyên lý của hành vi đạo đức. Đạo đức bên trong luôn thúc bách con người bằng những mệnh lệnh tuyệt đối, phần mình, chủ thể phải tự quyết về hành vi của chính mình, tự ra luật cho hành vi của mình chứ không để bị lèo lái, thao túng từ những nguyên tắc ngoại trị (heteronomie). Nói cách khác, ngoại trị giống như ông vua bù nhìn, bị thao túng, điều khiển dưới sự dắt mũi của những kẻ khác. Trái lại, tự trị là hoàng đế của chính mình. Một vị vua độc lập, không bị thao túng bởi quyền lực nào bên ngoài, bởi lẽ ông thiết lập luật cho chính mình và ông biết rằng nó là đúng. Hơn nữa, ông cũng hoàn toàn độc lập với những dục vọng vị kỷ của mình. Ông làm chủ được bản thân và hành xử vượt trên mọi cảm xúc. Cũng bởi lẽ ông vượt ra khỏi những cảm xúc, dục vọng của mình, mà quy luật luân lý trở nên phổ quát, đúng với tất cả mọi người, không chỉ riêng ông.

Tắt một lời, người đạo đức là người hành động vì bổn phận, chứ không phải theo bổn phận, hay chăng vì sợ dư luận. Ví dụ như người làm từ thiện, có những người vì từ tâm, nhưng cũng có những người vì danh tiếng, hay chỉ bởi tha nhân thật đáng thương hại, tất cả đó là hành động theo bổn phận. Trái lại, hễ những ai giúp người chỉ vì thấy đó là một điều phải làm (devoir) thì đó là hành động vì bổn phận. Nói cho cùng, đó chính là sự cưỡng bách của “luật luân lý trong thâm tâm” mỗi người. Đã là người thì ai ai trong trường hợp đó cũng phải làm như vậy, không thể không làm, hay lần lữa, do dự, dẫu thích hay không, dẫu phải đau khổ và thiệt thân. Và nếu con người phớt lờ mệnh lệnh đó, lúc bấy giờ có con người chẳng phải là “người” nữa, có lẽ là một thứ gì đó xếp vào hàng con vật. Hơn hết, “luật luân lý trong tôi” luôn là lý tưởng cao trọng nhất, siêu vượt hơn tất cả những tham vọng vị kỷ trong mỗi con người. Nó như là lý tưởng đạo đức mà mỗi con người, xét là người đều khao khát có được. Vì thế, tất thảy mọi con người đều phải câm lặng, cúi rạp mình xuống mà thể hiện lòng tôn kính, suy tôn. “Mệnh lệnh tuyệt đối” chẳng khác nào vị vua ngự trị trong tâm hồn mỗi người, giúp mỗi con người thi hành đạo đức.

Nhận định

Triết học đạo đức của Kant cũng chẳng khác nào một cuộc cách mạng Copernic. Ông đã kéo đổ những học thuyết đặt nền tảng đạo đức như một ngoại lực tác động vào con người, trái lại đưa nền tảng đó đặt vào trong chính mỗi con người. Tuy nhiên, cũng vì thế mà triết học của Kant được mệnh danh là triết học về bổn phận đầy khắt khe và cứng nhắc, vì mang tính chất của một chủ nghĩa anh hùng, đặt tất cả lên vai của con người. Có lẽ, các học giả có thể tìm thấy những điểm tương đồng về lập trường đạo đức giữa Kant và nhãn quan Kitô giáo. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, tất cả nền đạo đức Kitô giáo được đặt trong tương quan tình yêu giữa Thiên Chúa và con người, chính vì thế, so với Kant, nền đạo đức của Kitô giáo trở nên mềm mại và sống động hơn, vì đó là hành động khởi đi từ con tim. Khi bắt gặp một người thương tật bị bỏ rơi bên vệ đường, có lẽ Kant sẽ làm tất cả những gì có thể để chữa chạy cho người xa lạ kia, vì đó là tất cả những gì quy luật đạo đức thúc bách ông. Trái lại, một người Kitô hữu đích thực sẽ không chỉ dừng lại ở việc chữa lành bên ngoài, nhưng còn là những thương tổn bên trong tâm hồn của một con người bị hắt hủi, miệt thị của biết bao kẻ đã đi qua nhưng lại ơ hờ, vô cảm. Bổn phận có lẽ chẳng bao giờ chất vấn con người về tha nhân, nhưng nhờ có tình yêu mà lương tâm con người không ngừng day dứt trước tha nhân. Đến nỗi, câu hỏi không còn là, tôi phải làm gì cho người khác?, cho bằng, tôi đã bỏ quên ai trong cuộc đời của tôi hay chưa? Thật vậy, Đức Giêsu đã không chỉ dạy môn đệ mình thực thi mọi việc vì bổn phận nhưng còn vượt xa hơn những gì bổn phận đòi hỏi, đến nỗi “nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.” (Mt 5, 40-42). Có lẽ, chỉ trong tình yêu với Tuyệt Đối con người mới có khả năng đi xa đến thế trên bình diện đạo đức.

Kết bài

Nói cho cùng, trái với những quy luật tất định trong tự nhiên vẫn thường thấy, con người với tự do và lý trí của mình vẫn luôn luôn bị tra vấn, thúc bách bởi “luật luân lý”, để sống sao cho đáng sống, làm người cho xứng đáng là người. Đây quả thật là một điều khó khăn! Dẫu con người có cố gắng bao nhiêu đi chăng nữa thì đó luôn là một điều xa vời với con người. Tuy nhiên, Kant đưa ra một ý tưởng về “tiến triển vô hạn”: hôm nay có thể chưa được, có thể vẫn còn đó những vấp ngã, những sảy chân trước dục vọng vị kỷ yếu hèn, nhưng con người hãy luôn luôn tự hối để rồi “cải quá tự tân”. Hãy tin rằng, con người luôn có thể tiến thêm tiến thêm mãi trên hành trình vươn tới Chân Thiện. Đừng bao giờ, đừng bao giờ, đánh mất niềm tin đó cho dầu xung quanh ta còn đầy dẫy những bất công ngang ngược, những tham vọng vị kỷ, những sự dữ bạo tàn, thì quyền lực của “luật luân lý trong tôi” vẫn luôn luôn ngự trị, không bao giờ suy suyển, chuyển lay. 

Antôn Lee

ĐCV. Thánh Phanxicô Xaviê



[1] Immanuel Kant, (Bùi Văn Nam Sơn dịch), Phê phán lý tính thực hành, Nxb Tri Thức, 2015, Tp. HCM, A289, tr 278.

[2] Nguyễn Trọng Viễn, Lịch sử triết học Tây Phương, Tập III, Học viện Đa Minh, 1995, lưu hành nội bộ, tr 188.

[3] Immanuel Kant, (Bùi Văn Nam Sơn dịch), Phê phán lý tính thực hành, Nxb Tri Thức, 2015, Tp. HCM, tr XI.

[4] Samuel Enoch Stumpf (Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy dịch), Lịch sử triết học các luận đề, Nxb. Lao Động, Tp. HCM 2007, tr 248.

[5] Immanuel Kant, (Bùi Văn Nam Sơn dịch), Phê phán lý tính thuần tuý, Nxb Văn Học, 2006, Hà Nội, B303, tr 527.

[6] Ibid., B306, tr 529.

[7] Ibid., B392, tr 628.

[8] Nguyễn Trọng Viễn, Lịch sử triết học Tây Phương, Tập III, Học viện Đa Minh, 1995, lưu hành nội bộ, tr 178.

[9] Immanuel Kant, (Bùi Văn Nam Sơn dịch), Phê phán lý tính thực hành, Nxb Tri Thức, 2015, Tp. HCM, A289, tr 278.

[10] Trần Thái Đỉnh, Triết học Kant, Nxb. Văn Hoá Thông Tin, 2005, Hà Nội, tr 213.

[11] Immanuel Kant, (Bùi Văn Nam Sơn dịch), Phê phán lý tính thực hành, Nxb Tri Thức, 2015, Tp. HCM, A37, tr 40.

[12] Ibid., A74, tr 73.

Nguồn tin:
Tags :