Đạo Đức Học Luật Tự Nhiên: Nguyên Tắc & Áp Dụng

Fri,10/02/2023
Lượt xem: 1596

 

Năm 2002 tại Đại học Minnesota ở Hoa Kỳ, trường hợp “Bé Molly” đã gây chấn động trong ngành y khoa và y đức. Một cặp vợ chồng trẻ có con gái sáu tuổi đang bị bệnh thiếu máu dẫn đến ung thư tủy thuộc dạng hiếm gặp (Fanconi anaemia). Bác sĩ đề nghị họ nên thụ tinh trong ống nghiệm  (IVF), để Bác sĩ cẩn thận chọn lựa các “gen” của thai nhi sao cho phù hợp với các “gen” của người chị. Hành vi này vừa mang lại kết quả tốt là có thể cứu sống được người chị, nhưng cũng vừa gây ra một hậu quả xấu là xâm phạm đến sự hiểu biết hay mục đích nội tại của thai nhi. Cặp vợ chồng trẻ này phân vân không biết có nên tiến hành theo đề nghị của bác sĩ hay không? Họ có thể dùng các loại đạo đức học vị lợi, đạo đức học bổn phận hay đạo đức học nhân đức để phán đoán. Thế nhưng, nếu họ muốn dùng Đạo đức học Luật Tự nhiên, thì bạn sẽ tư vấn cho họ như thế nào? 

Xem Baby Moly tại //www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1173433/.

Trước tiên, chúng ta phải hiểu “tự nhiên” không có nghĩa là thiên nhiên hay thiếu vắng trật tự văn hóa và luân lý xã hội, nhưng được hiểu là khuynh hướng phát triển tự nhiên, hay những gì tự nó là tốt và đúng cho bản chất của một hữu thể. Ví dụ, các vật chất nặng (đá, nước) luôn có khuynh hướng tìm về vị trí thấp hơn là các vật chất nhẹ (khí, lửa); hoặc bản tính tự nhiên của loài vật là khả năng sinh tồn và cảm giác hay tri giác. Bản tính tự nhiên của con người là dùng lý trí để đạt đến các mục tiêu mà chúng ta tin rằng, nó sẽ mang lại hạnh phúc cho mình. Mục đích của Đạo đức học Luật Tự nhiên là tìm các tiêu chuẩn, để giúp chúng ta chọn lựa hành vi nào mang lại giá trị đúng và tốt cho bản tính người của chúng ta.

Nhiều người cho rằng đạo đức không thể xuất phát từ “tự nhiên”, vì mọi hành vi và giá trị luân lý của con người đến từ thói quen xã hội và tập tục địa phương (“morality” có gốc từ “mores” hay “thói quen”). Thế nhưng, làm sao con người có khả năng nắm bắt chân lý phổ quát về luân lý nếu tất cả đến từ thói quen tốt hay xấu của một nhóm nào đó? Trái lại, cũng có lý do để khẳng định rằng, con người có khả năng nhận thức được những điều phù hợp với nhân bản con người. Ví dụ, ai cũng biết rằng việc cố ý giết người vô tội là sai. Có những ràng buộc luân lý mà tự bản chất con người không thể từ chối được, nếu chúng ta không muốn trở thành vô cảm. Hơn nữa, chúng ta có thể nói về những yếu tính khách quan như khả năng sinh sản là “tự nhiên” đối với mọi sinh vật giống cái, hay sự khao khát muốn hiểu biết và nhu cầu tương quan xã hội là “tự nhiên” đối với loài người. Tuy nhiên, để khẳng định những gì là “tự nhiên” về mức độ trí khôn ở các cấp bậc tiến hóa, chẳng hạn như giữa loài người và các loài linh trưởng cao cấp, thì không đơn giản như vậy được.

I. TIÊU CHUẨN LUÂN LÝ CỦA ĐẠO ĐỨC HỌC LUẬT TỰ NHIÊN

Lịch sử đạo đức học đã phát triển một số tiêu chuẩn đạo đức; mỗi tiêu chuẩn có các giá trị luân lý riêng và từ đó chúng ta tạo nên những nguyên tắc luân lý dùng để phán đoán hành vi hay chọn lựa cho phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức mà chúng ta đang dùng. Đạo đức học Vị lợi (consequentialism) giúp ta chọn lựa những hành vi hay giá trị nào mang lại lợi ích tối đa cho nhiều người nhất. Đạo đức học Bổn phận (deontology) giúp ta tìm kiếm những hành vi hay giá trị nào phù hợp nhất với mệnh lệnh tuyệt đối, tức là theo đuổi sự thiện vì chính nó chứ không phải vì lợi ích mà nó mang lại. Đạo đức học Nhân đức (virtue ethics) thay vì nhắm tới hành vi, thì khuyên con người cố gắng huấn luyện nhân bản hay tập cho lý trí có thói quen chọn sự trung dung, để nhân đức trở thành bản tính thứ hai của con người. Cuối cùng, Đạo đức học Luật Tự nhiên đưa ra những nguyên tắc phán đoán dựa trên những gì phù hợp với các khuynh hướng tự nhiên của con người.

Luật tự nhiên không lệ thuộc vào lãnh thổ hay tập tục địa phương. Luật tự nhiên có tính cách bắt buộc cho mọi người, vì chúng ta là những chủ thể hành động có tự do và luân lý. Tiêu chuẩn đạo đức của luật tự nhiên thì khách quan, gắn liền với bản tính con người và bao gồm những gì đúng với chúng ta, cho dù chúng ta không ý thức hay hiểu sai về nó (tính tuyệt đối). Mục tiêu của luật tự nhiên là bảo vệ nhân vị của con người. Vai trò hay chức năng xã hội (người bố tốt, thầy giáo giỏi) không thể xác định được bản tính của con người. Aristoteles cho rằng, bản tính con người được thể hiện, khi con người dùng lý trí để đạt được hạnh phúc. Theo Tôma, muốn hiểu bản tính con người thì hãy nhìn vào “các khuynh hướng chung” khi con người tìm kiếm hạnh phúc. Các khuynh hướng chung là những giá trị vốn phản ánh mục tiêu mà chúng ta đang theo đuổi và mang lại kết quả tốt cho sự hoàn thiện của mình.

Nói chung, luật tự nhiên dựa trên tiêu chuẩn căn bản: “Những hành vi đúng cổ vũ cho các giá trị được tỏ hiện qua những khuynh hướng tự nhiên của con người.” Có bốn giá trị nền tảng của khuynh hướng tự nhiên. Hai giá trị sinh học là: (1) Sự sống và (2) Sinh sản (tính dục là thiêng liêng vì nó tạo ra sự sống); đồng thời, hai giá trị nhân bản là: (3) Sự hiểu biết (tìm kiếm chân lý hay theo đuổi niềm tin) và (4) Xã hội tính (tìm kiếm tình bạn, tình yêu và tương quan xã hội). Luật tự nhiên bảo đảm cho bốn giá trị này không bao giờ bị vi phạm. Đây là một loại đạo đức duy thực, tuyệt đối và khách quan, nhắm đến mục tiêu thay vì hậu quả của hành động. Cái gì tốt và đúng thì thật sự tồn tại và độc lập, không lệ thuộc vào cách chúng ta nghĩ. Các giá trị của luật tự nhiên thì không thể được tính toán và sẽ không bao giờ được vi phạm.

II. HAI NGUYÊN TẮC LUÂN LÝ CƠ BẢN CỦA ĐẠO ĐỨC HỌC LUẬT TỰ NHIÊN

Nhiều khi, một hành vi có hai hệ quả, tốt (phù hợp với luật tự nhiên) và xấu (vi phạm một trong bốn giá trị của luật tự nhiên) cùng một lúc. Như thế, để tránh sự bất lực trong sự chọn lựa, luật tự nhiên đã phát triển thêm hai nguyên tắc là “Tước đoạt” (forfeiture) và “Song hiệu” (double effects), dùng để giúp ta phán đoán một hành vi so với hệ quả của nó. Chỉ cần một trong hai nguyên tắc này cho phép, thì hành vi này sẽ được cho là phù hợp với luật tự nhiên.

a. Nguyên tắc Tước đoạt (Forfeiture): “Ai xâm phạm đến quyền tự nhiên của người khác, thì quyền tự nhiên của mình cũng sẽ bị tước đoạt”. Nhà nước được phép trừng phạt bạn, nếu bạn xâm phạm đến sự tự do của người khác. Sự trừng phạt này cho dù gây bất lợi cho bạn, nhưng nó vẫn phù hợp với sự công bằng đứng sau nguyên tắc tước đoạt. Vì lẽ đó, nguyên tắc này dùng để biện hộ cho quyền tự vệ, tuyên bố chiến tranh và ngay cả án tử hình, vì tử hình là lấy sự sống của người có tội, được biện hộ bởi nguyên tắc tước đoạt. Thế nhưng, sát nhân hay phá thai là lấy sự sống của người vô tội thì không được biện hộ bởi nguyên tắc tước đọat.

b. Nguyên tắc Song hiệu (Double Effects): Một hành vi có hai hệ quả (tốt và xấu) cũng có thể được phép, nếu tất cả bốn tiêu chuẩn sau đây được thỏa mãn:

(1) Bản chất của hành vi là tốt hoặc được phép.

(2) Hệ quả xấu của hành vi không thể tránh được.

(3) Hệ quả xấu không phải là mục đích hay phương tiện để đạt đến hệ quả tốt.

(4) Tính cân xứng: Hệ quả tốt nhiều hơn hệ quả xấu.

Khi bốn tiêu chuẩn trên được thỏa mãn, thì sự xâm phạm giá trị nền tảng chỉ là gián tiếp và hành vi của chúng ta được xem là chính đáng; bởi vì, hành vi đó mang lại điều dữ chứ không phải cố ý làm điều dữ!

Từ luật tự nhiên, các học giả khẳng định một số bổn phận luân lý đối với cá nhân, tha nhân và xã hội.

- Bổn phận đối với chính mình: Có những bổn phận tích cực như đào tạo chính mình, giữ gìn sức khỏe, phát huy những tài năng mà Thượng Đế đã ban cho. Con người có quyền thăng tiến chứ không phải bị ngăn chặn, khi thực hiện bốn giá trị căn bản của những khuynh hướng tự nhiên. Phần lớn luật tự nhiên bàn đến những đòi buộc về đời sống và sự sinh sản (đạo đức tính dục, nghệ thuật, ngừa thai, sự chết). Câu hỏi đặt ra: Tại sao theo đuổi khoái lạc không phải là khuynh hướng tự nhiên?

- Bổn phận đối với tha nhân: Có hai chiều kích tích cực và tiêu cực trong bổn phận đối với tha nhân. Sự sống: Không được tiêu hủy, nhưng phải bảo vệ sự sống của mọi người. Sinh sản: Bắt buộc trong hôn nhân, vì tính dục là tạo sự sống. Sự hiểu biết: Trách nhiệm giáo dục, ngăn cản lừa dối, quyền biết sự thật, quyền thông tin, quyền tìm kiếm chân lý và tín ngưỡng. Xã hội tính: Quyền biểu tình, quyền phản biện, tránh vu khống hay thù hằn ác tâm, và tôn trọng các hình thức tương quan xã hội. Câu hỏi: Tại sao luật tự nhiên phản đối hôn nhân đồng tính?

- Bổn phận đối với xã hội: Cá nhân trong xã hội có quyền bảo vệ bản thân khỏi những người được xem là nội thù và ngoại thù, nếu đó là điều công bằng. Luật tự nhiên được ưu tiên trên luật xã hội (biện minh tính hợp lý của sự bất tuân, bày tỏ ý kiến đối lập, biểu tình, quyền đòi hỏi thực hiện bốn giá trị căn bản trong đời sống của công dân). Câu hỏi đặt ra: Phải làm gì khi bổn phận đối với bản thân trái ngược với bổn phận đối với tha nhân (hiến bộ phận cơ thể); hay khi niềm tin tôn giáo trái ngược với trách nhiệm xã hội (từ chối quân dịch vì không được phép giết người)?

III. DÙNG HAI NGUYÊN TÁC LUÂN LÝ ĐỂ PHÁN ĐOÁN CÁC HÀNH VI

1. Xác định xem hành vi có phù hợp với bốn giá trị nền tảng của luật tự nhiên hay không?

2. Nếu có sự xâm phạm đến một trong 4 giá trị nền tảng, thì xem nguyên tắc Tước đoạt có cho phép hành vi này hay không?

3. Nếu nguyên tắc Tước đoạt không áp dụng được, thì xét xem nguyên tắc Song hiệu có biện hộ được không (cả bốn điều kiện của nguyên tắc này)?

4. Cuối cùng, phán đoán theo thứ tự:

- Hành vi bắt buộc/nên: Nếu (a) Phù hợp với giá trị nền tảng, hoặc (b) Được biện hộ bởi một nguyên tắc trên đây.

- Hành vi cấm/không nên: Nếu vi phạm một giá trị nền tảng và không vượt qua cả hai nguyên tắc trên.

- Hành vi được phép: Nếu sự chọn lựa ngược lại của nó sẽ vi phạm một trong các giá trị nền tảng.

IV. ÁP DỤNG LUẬT TỰ NHIÊN

Chúng ta hãy áp dụng luật tự nhiên vào trường hợp “Bé Molly” ở trên. Với mục đích thực tập, trước tiên chúng ta cần tìm hiểu rõ ràng bằng cách phân tích ba vấn đề có liên quan: vấn đề sự kiện, vấn đề khái niệm, vấn đề đạo đức; và mỗi vấn đề sẽ có những câu hỏi để thảo luận và tìm hiểu. Kế tiếp, chúng ta sẽ lý luận về hành vi “thụ thai” dựa trên hai nguyên tắc căn bản: Tước đoạt và Song hiệu. Cuối cùng là phán đoán các chọn lựa theo ba phạm trù: bắt buộc/nên, cấm/không nên, và cho phép.

Phân Tích

Vấn đề Sự kiện: Hiệu lực của phương pháp thụ thai để lấy tủy như thế nào? Động lực nào đứng sau giải pháp thụ thai để lấy tủy? Ai có lợi? Ảnh hưởng tâm lý lâu dài? Có cách nào khác mà không phải thụ thai không?

Vấn đề Khái niệm:  Hành vi “thụ thai” có hai ý nghĩa: có thêm con và để cứu sống một người khác. Vậy, chúng ta nên hiểu khái niệm “thụ thai” theo cách nào trong trường hợp này?

Vấn đề Đạo đức: Hành vi “thụ thai” có hệ quả tốt (cứu mạng sống) và hệ quả xấu (xâm phạm quyền hiểu biết). Hai giá trị đang được cân nhắc là: (1) Bảo vệ sự sống con người; hay (2) Bảo vệ “quyền hiểu biết” của con người. Chúng ta nên chọn giá trị nào?

Trước khi phán đoán, chúng ta hãy liệt kê các chọn lựa: (a) Thụ thai; (b) Không thụ thai; (c) Tìm cách cấy tủy, mua tủy; (d) Thụ thai và giữ bí mật không cho đứa trẻ biết; (e) Thụ thai, rồi sau này sẽ giải thích cho đứa trẻ khi nó lớn lên.

Lý Luận

Đạo đức học Luật Tự nhiên đòi hỏi bốn giá trị căn bản (sự sống, sinh sản, quyền hiểu biết và xã hội tính) phải được tôn trọng. Hành vi thụ thai sẽ xâm phạm đến quyền hiểu biết của thai nhi. Cho dù thai nhi không có khả năng hiểu biết, nhưng vẫn được luật tự nhiên tôn trọng. Vậy, chúng ta hãy xét xem hệ quả xấu có thể được biện hộ bởi nguyên tắc Tước đoạt hay nguyên tắc Song hiệu không?

Áp dụng nguyên tắc Tước đoạt: Thụ thai không phải là một hành vi tước đoạt vì cha mẹ không có lỗi gì hết, khi sinh ra người con sau này bị ung thư tủy. Do đó, quy tắc Tước đoạt không áp dụng được trong tình huống này.

Áp dụng nguyên tắc Song hiệu: Hành vi “thụ thai” có hệ quả tốt (cứu mạng sống) và hệ quả xấu (xâm phạm quyền hiểu biết). Hãy xét hai hệ quả này theo bốn điều kiện của nguyên tắc Song hiệu.

(1) Bản chất của hành vi thụ thai tự nó là tốt: Thụ thai thuộc quyền sinh sản của cha mẹ, không có gì là trái luân lý. Vượt qua!

(2) Hệ quả xấu (xâm phạm quyền hiểu biết) không thể tránh được: Không có cách nào cho đứa trẻ biết trước lý do nó sẽ được thụ thai, vì nó chưa ra đời. Vượt qua!

(3) Hệ quả xấu (xâm phạm quyền hiểu biết) không phải là mục tiêu (không ai cố ý xâm phạm đến quyền hiểu biết của thai nhi), và sự xâm phạm này cũng không là phương tiện để đạt đến hệ quả tốt. Ở đây, “tủy” mới là phương tiện để đạt đến hệ quả tốt (trị bệnh ung thư máu). Vượt qua!

(4) Hệ quả xấu (xâm phạm quyền hiểu biết) gây tổn hại ít hơn hệ quả tốt (cứu sống người chị). Trong trường hợp này, hệ quả xấu có thể được khôi phục khi em bé lớn lên, có thể giải thích cho em hiểu. Thế nhưng, nếu từ chối làm những điều có thể làm được để cứu mạng sống của người thân, thì sẽ để lại tai hại vĩnh viễn. Vượt qua!

Phán Đoán

Bởi vì, hành vi “thụ thai” vượt qua được cả bốn tiêu chuẩn của nguyên tắc Song hiệu; do đó, theo luật tự nhiên, chúng ta có thể phán đoán như thế này:

- Nên/bắt buộc: (a) Thụ thai; (e) Thụ thai, rồi sau này sẽ giải thích cho đứa bé khi nó lớn lên.

- Không nên/cấm: (b) Không thụ thai; (d) Thụ thai và giữ bí mật không cho đứa trẻ biết.

- Cho phép: (c) Tìm cách cấy tủy, mua tủy.

 Joseph Tân Nguyễn, OFM

Tài liệu tham khảo:

 

Joseph Tân Nguyễn. Đạo Đức Học Tổng Quát. NXB Đồng Nai, Việt Nam, 2022.

C.E. Harris. Applying Moral Theories. Wadworth, California, US, 1997.

Nguồn tin:
Tags :